Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 09/05/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chuyện qua lâu rồi

Già, bệnh ùn ùn kéo tới, bà tính vào nhà đứa cháu ruột trong Nam chữa bệnh. Hồi mẹ nó, là chị ruột bà mất, nó nói mai mốt dì vào ở với con, mẹ con không còn may con còn có dì. Bà nghĩ, ừ, nên vậy, dù sao cũng một giọt máu đào, thà làm phiền cháu chắt mình.

Đám giỗ ông Tính vào đầu thu, bà chỉ mời hàng xóm gần gần. Năm năm rồi, hẳn ông đã đi mây về gió xa tít tắp, là thần là tiên vô lo hay có khi ông đã đầu thai rồi cũng nên. Chỉ là người còn sống làm mâm cơm nhớ ngày chia tay, ôn lại những việc những chuyện ngày xa xưa. Được cái, khi mất rồi, tội lỗi hờn giận cũng tan theo, chỉ còn những nhớ thương tiếc nuối. 

Năm năm, bà cũng già đi nhiều, bắt đầu nghĩ đến chuyện mai hậu của mình. Con Thoa lấy chồng có con có gia đình riêng cần lo toan, nó cũng chẳng khá giả gì mà bao việc phải lo, nào nhà mình, nào nhà chồng. Thằng Đức ra trường mấy năm coi bộ đã ổn định, có bữa bà thấy nó chở một cô gái sau xe. Bà Hậu vậy mà sướng, sắp có con dâu rồi cháu nội ẵm bồng. Bà chợt nhớ ngày nào đó xa xa trong ký ức, bà buồn buồn hỏi ông: “Lá rụng về cội, vậy cội mình thì sao?”. Ông cười nắm tay bà, cội mình cứ râm mát ắt có lá rụng về, bà lo xa làm gì?

Bà cười, bà lo gì đâu, chỉ là buột miệng nói chơi vậy.

Một người chồng biết mình không thể có con, người ta sẽ làm gì? Người ích kỷ cố níu giam đời vợ để có bạn lúc tuổi già, người khuyên vợ bước thêm bước nữa tìm hạnh phúc, sinh vài đứa con cho chúng quấn chân níu tay, vậy mới thành gia đình? Ông Tính cũng nghĩ vậy, ông cất công đi kiếm chồng cho vợ, chẳng biết ông kiếm từ lúc nào, sáng đó ông dẫn bà ra bể nước, chỉ anh con trai vạm vỡ mặc mỗi cái quần đùi với cái đầu trắng bọt xà phòng, nói bà thấy anh ấy sao?

Minh họa: Hiếu Hồ

Minh họa: Hiếu Hồ

Bà ngơ ngác, sao trăng gì giờ này? Ông bảo, bà cứ nhìn người ta thêm tí nữa đi, lát về nhà tôi nói chuyện này cho nghe. Không đợi về nhà, mới đến rặng bạch đàn sát khu tập thể, ông nói ý định của mình, bà mím môi: “Tôi đâu phải gỗ đá mà đặt đâu ngồi đó. Tôi có quyền lựa chọn chứ?”. Ông gật, nói anh ấy là kỹ sư ở trên mới về cơ quan mình, hiền lành chịu khó và rất giỏi tay nghề. Bà bảo: “Tôi không chọn anh ấy, tôi chọn ông!”.

Ông hả, bà lặp lại lần nữa, ông lại hả, không biết vì ngạc nhiên quá hay không nghe rõ, cáu quá bà quát: “Ông có điếc không?”.

Khi ấy có tốp công nhân đi làm ngang nghe được, thế là từ đó ông chết tên Tính “điếc”, lúc quá trớn người ta xiên xéo ông “điếc” chỗ khác, Ông Tính chỉ cười, ai nói gì ông chỉ chỉ vào tai, bảo “điếc” rồi lững thững đi. Sau này người ta không trêu nữa nhưng cái tên Tính “điếc” còn mãi.

Tất nhiên bà không lấy chồng khác hay bước thêm bước nào, làm gì có ai yêu thương chiều chuộng bà như ông, đàn bà lấy chồng có thể nghèo, có thể khổ nhưng không thể không có tình yêu thương. Tìm kiếm chờ đợi khá lâu ông bà mới đón được con Thoa về nhà, khỏi nói khi ấy nhà cửa rộn ràng thế nào, cũng phải đơn từ trình bày đủ cả. Đùng một cái, người ta rộ lên chuyện ông có con rơi bên ngoài, lại là con trai, mẹ thằng bé là cô công nhân lỡ thì tên Hậu gầy quắt, chiều chiều vẫn cõng gánh củi đi qua cổng cơ quan. Ông bà nhìn nhau cười, cười chảy nước mắt bên cạnh con Thoa vỗ tay cười theo vì nghĩ bố mẹ đang đùa với mình.

Lãnh đạo đến nhà hỏi thăm cũng cười, bạn bè đồng nghiệp hay tin bật cười, có người còn mang chai rượu sang biếu tỏ ý ghen tị vì “cái ao” nhà ông bà lại có thêm “cá”. Người ta còn bảo ao ông bà rộng mát ngọt lành thế này, không khéo mỗi năm có vài con cá rơi vào.

Bà bế con Thoa ngồi trên giường cười, bà say sưa ngắm cái lúm đồng tiền trên má con bé và thơm chùn chụt vào đấy mà nghe ngọt lừ.

Khách về rồi, ông xăm xoi chai rượu bảo “bố khỉ thằng nào chơi khăm mình, vỏ vốt ka mà ruột là rượu nếp, mà bà sao vậy, đàn bà gì thấy chồng có con rơi con rớt mà không thèm ghen”. Bà cười, phải lấy khăn sữa của con Thoa lau mắt, bảo “ông đi mà ghen, tôi thèm vào, ông có con rơi thì tôi đi nhặt.”

 Cũng may mà không có “con cá” nào rơi vào “ao” ông bà nữa.

 Đám tang ông Tính có thêm người khách lạ tóc đã bạc nhìn vẻ lam lũ, con Thoa giới thiệu là người quen cũ của bố nên bà không hỏi thêm. Ngày còn sống, ông như cánh chim đại bàng sải cánh rộng, bà là đàn bà làm sao biết những chuyện ông làm. Đấy, cả chuyện thằng Đức mãi sau này bà mới biết là ông tính toán đâu ra đấy xong xuôi bài bản rồi ông mới “thành khẩn khai báo”. Hôm nay thằng Đức đến từ sớm, nó nói mẹ nó ốm không đi được, bảo nó mang những món này sang thắp hương cho bố Tính.

Thằng Đức càng ngày càng sáng sủa, ăn mặc cũng lịch sự ra dáng hơn, nhớ ngày bà gặp nó, hơn một tuổi mà nó bé tí như đứa mấy tháng, suy dinh dưỡng vậy nhưng mặt mũi lanh lợi với đôi mắt sáng rỡ khiến bà không nỡ giận, là người lớn có lỗi chứ trẻ con biết gì.

Khách khứa đến chơi, chuyện trò rồi cũng về hết. Bà vẫn chưa quen được sự thật là ông đã thật sự đi xa, bà vẫn như thấy ông ngồi ngoài hiên với ấm trà vối, hay ông ngồi vắt vẻo trên thành bể kể bà nghe chuyện con cá rô phi có màu vàng óng ông bắt được ở suối mang về nuôi trong bể mà nó hiểu được tiếng người, mỗi khi ông thò tay vào là nó lại bơi lên rỉa tay ông. Con Thoa lấy chồng có con gái lâu lâu cũng đưa con về náo loạn, thêm mẹ con thằng Đức cứ cuối tuần sang bày biện nấu nướng nhưng ngôi nhà vắng vẫn vắng, không được như khi ông còn. Ông như linh hồn của ngôi nhà, ông mất đi, ngôi nhà cũng như héo hắt theo.

Thằng Đức kéo ghế ngồi cạnh bà, ngón tay di di mặt bàn, ngập ngừng chọn lựa mãi mới cất tiếng: “Mẹ Cả, con mới biết chuyện của con, mới đây thôi mẹ, vậy mà đó giờ con nhận của bố mẹ biết bao nhiêu, con...”.

Thanh niên mà nói tới đó mắt đã hoe đỏ, nghẹn không nói thêm được gì, còn nấc lên, bà nhìn lên ảnh ông Tính trên bàn thờ khẽ mỉm cười.

“Bố mẹ biết lâu rồi.”

Ngay từ ngày quyết định đứng tên trong giấy khai sinh cho thằng nhỏ ông nói phải thì sao, không phải thì sao. Ông không cần biết lý do vì sao chuyện lại dính đến ông, nhưng mẹ con cô Hậu chật vật khốn khó là có thật, chắc bấn quá hóa liều nhưng là liều có tính toán. “Tôi là tôi thương cái tình ấy, mặc ai nghĩ gì thì nghĩ, tôi chỉ cần bà hiểu tôi. Thằng bé tôi coi sáng dạ, mai kia chắc khá, thôi thì lỡ giúp thì giúp cho trót, coi như nó có duyên với mình.”

Hồi ông bệnh, bà ở bên chăm sóc, lúc dìu ông đi dạo ngoài vườn, đôi khi có buột miệng “sao ông không kêu thằng con trai ông về mà nâng mà đỡ.” Ông cười, “ờ bà nói mới nhớ, mà bà đừng nói tôi ốm, nó về thật đấy. Thằng nhỏ ngày nào đậu Đại học quên cả lấy xe cứ thế chạy bộ tới nhà mình khoe, nay sắp ra trường rồi. Đã có mấy công ty mời về làm, thằng nhỏ vậy mà khá, mẹ con bà Hậu sắp hết cực rồi. Bà may cái áo dài mới đi dự lễ ra trường cùng mẹ nó cho nó vui.”

Khi ấy, bà vờ hờn dỗi, “con ông ông đi, tôi bà con gì.”

Ông cười xòa, “ừ thì con tôi, nhưng bà mới là người nó phải nhớ.”

Bà ừ, hơi nghênh mặt, “chứ sao, có bà vợ nào rộng lượng như tôi sao, nuôi con rơi của chồng bao nhiêu năm, còn đỡ đần cả mẹ nó. Công tôi lớn lắm chứ đùa à?”.

Ông cười nắm tay bà, ánh cười làm đuôi mắt nheo nheo, “ừ, bà nhân hậu hiền lành. Được cái thằng nhỏ thông minh sáng láng ha bà, mẹ nó cũng biết dạy con. Nghĩ lại thời ấy ai cũng cơ cực.”

Bà nhìn chàng trai trước mặt, ông nói đúng, mẹ nó đã dạy con rất khéo, bà đẩy lại cái phong bao thằng nhỏ mới rón rén đặt lên bàn: “Bày đặt, giữ lấy mà cưới vợ! Mai mốt mang vợ về cho mẹ nhìn với.”

“Mẹ Cả nhận cho con vui đi, con mới được tăng lương, vừa xong công trình còn có thưởng nữa, phần này con biếu mẹ, mẹ con cũng có. Hôm nay cô ấy vẫn đi làm, mai kia con sẽ dẫn cô ấy tới, sau này mang đám con của con tới gọi bà nội, cả đời này...”

Bà sụt sịt, xỉ mũi cái rột, “mày học tính ai càm ràm như ông già.”

Con Thoa dắt vị khách đến gần, sáng giờ lu bu bà cũng chưa có dịp hỏi chuyện ông, thấy ông cứ tha thẩn khi thắp hương, khi pha trà, cứ thấy ông có nét quen quen: “Mẹ, đây là ba ruột con, ba mới tìm được con.”

Bà ngỡ ngàng chào khách, ông khách nhìn lam lũ nhưng chân chất khẽ cúi người: “Cho phép ba con tôi được cúi đầu cảm ơn anh chị. Tôi tính đến thưa chuyện với chị mấy nay nhưng con Thoa nói đợi thêm ít bữa rồi thưa với chị cùng anh nhà...”

Bà cười, nước mắt không hiểu sao cứ rơi dù bà đang rất muốn cười, bà mừng cho con Thoa tìm được tổ được tông, ngày ông bà đón nó về, nó đã bốn tuổi, con nhỏ ý thức rất sớm, ông bà chẳng mấy khi phiền vì nó.

Bà thắp thêm mấy nén nhang trên bàn thờ ông Tính, sửa lại dĩa trái cây vốn đã rất chỉn chu hoàn hảo. Hẳn ông vui lắm. Hai đứa trẻ ngày nào giờ đã lên vóc nên hình, còn ngoan ngoãn lễ phép. Dù không sinh nhưng có chút dưỡng dục, bà mừng cho tụi nó. Nay chúng nó có nơi có chốn có cội có nguồn, bà yên tâm rồi, nhưng nói là nói vậy chứ bà có chút thèm thuồng và tiếc nuối. 

“Mai mốt mẹ vào Nam ở với chị Hân.”

“Mẹ vào chữa cái lưng đau ạ? Mẹ đi ngày nào để con đưa đi.”

“Thôi, bây còn gia đình con cái, mai này mẹ chắc ở luôn với chị. Chị gọi điện giục suốt.”

“Mẹ, còn tụi con thì sao? Người ta nói con cháu, là xong con rồi mới tới cháu, mẹ không cần chị em con nữa hả mẹ?”

“Ờ thì...”

Bà Tính không biết nói sao, bà không nghĩ hai đứa chúng nó lại phản ứng thế. Giá như ông còn sống, ông sẽ áp được chúng nó, bà đó giờ yếu mềm tụi nó đâu sợ, vài lần bà giơ roi tụi nó còn cười hì hì. Thằng Đức nghiêm túc:

“Mẹ Cả đi đâu con sẽ đưa đi, chị Thoa bận con nhỏ ở nhà giữ nhà thắp hương tưới cây cho bố mẹ. Chị không cần trừng mắt giành với em.”

Bà bật cười nhìn quanh ngôi nhà cũ kỹ bao năm rồi vẫn thế. Bao lần bà định sửa sang lại sợ ông về không nhận ra nhà mà vào thăm vợ thăm con. Khi nãy thắp hương, bà xin phép ông rồi, phải sửa sang lại cái nhà cho chị em con Thoa có chỗ mà về, có lẽ ông cũng không muốn khi ông mất đi rồi, mẹ con trên này tan đàn xẻ nghé.

Ba của con Thoa cũng cười. Ông bây giờ mới dám ngồi xuống ghế, ngùi ngùi: “Tôi cứ sợ nó giận hờn không nhận, ngày ấy là do đói kém quá chị à. Mẹ nó mất, tôi thân mang bệnh lại không bà con họ hàng để nhờ cậy nên đành gửi cháu đi. May phước nó gặp được anh chị.”

Bà vỗ vỗ lên bàn tay to bè đen nhẻm của bố ruột con Thoa. 

“Thôi anh, chuyện qua lâu lắm rồi, mà không biết chúng tôi làm phúc hay con bé mới là phúc, cháu nó tìm được cội được nguồn, chúng tôi cũng mừng cho nó.”

Nhấp một ngụm nước trà thằng Đức vừa rót thêm, bà nhìn hai chị em nó đang nói chuyện gì mà đứa bặm môi đứa trợn mắt rồi lại cười mà nhớ ông Tính. Nghĩ sao, ông nếp tẻ đủ cả mà cứ bị mang tên Tính “điếc”. 

N.T.T.B

Nguyễn Thị Thanh Bình
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 318

Mới nhất

Đừng cho tôi tất cả; Gom

02/05/2025 lúc 06:20

Đừng cho tôi tất cả                                             Đừng cho tôi tất cảTôi sẽ không tồn

Đường xưa; Tháng năm

02/05/2025 lúc 06:16

Đường xưaNgày xưa ùa về trong tiếng mưa đêmLang thang trên con đường một

Quê hương; Thưa ba

02/05/2025 lúc 06:04

Quê hương Tôi yêu nhánh lúa bờ treMẹ tôi cắp rổ ra khe xuống

Cơm chiều

02/05/2025 lúc 06:02

Em thường hỏi chiến tranh đã xaMà anh cứ kể hoài chuyện cũNắng vàng, hốc

Người về Diên Sanh

02/05/2025 lúc 05:55

Hải Lăng xanh thắm tình quêNăm mươi năm lại tìm về Diên SanhHồ Khe Chè nước

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

10/05

25° - 27°

Mưa

11/05

24° - 26°

Mưa

12/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground