Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chuyện tình chị nuôi quân

Truyện ngắn của NGUYỄN VĂN HIỆP

Đầu những năm 1980. Sau một thời gian công tác làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Lào, chúng tôi nhận lệnh về nước để tăng cường lực lượng bảo vệ biên giới phía Bắc, đang trong giai đoạn ác liệt. Khoác ba lô, vừa đi được một đoạn, tôi nghe tiếng khóc nức nở, càng lúc càng to. Mọi người chạy đến hỏi:

- Ai vậy? Có làm sao không?

 Nết vừa nức nở vừa nói:

- Anh… Anh… Đức... hu hu…

 Thế là mọi người cười ồ lên. Đoạn có ai đó nói to:

- Ngạc nhiên chưa? Ai chà chà. Bấy lâu yêu Đức xế rồi à! Chị nuôi quân kín ghê thiệt đấy.

Rồi có người nghêu ngao hát: Ta nghe trong đó bao nhiêu là chuyện lạ. Mọi người dỗ mà Nết vẫn không nín được, cứ rưng rức mãi, đến nỗi hai mắt sưng húp.

Về nước, tôi ghé cửa hàng tạp hoá mua một chiếc nón lá có chữ “Kỷ niệm” nhờ đồng đội gửi tặng em. Còn món quà của em tôi vẫn kiên trì về đến đơn vị mới mở. Lấy gói quà trong ba lô ra, xoay một vòng ngắm nghía rồi từ từ mở. Hồi hộp ghê, thì ra quà em tặng là một chiếc gối màu trắng, xung quanh được viền móc quả núi, bên trái thêu đôi chim bồ câu với dòng chữ “Trọn đời bên anh!”. Tôi ôm gối vào lòng thơm liên tục.

Minh họa: Lê Trí Dũng

Minh họa: Lê Trí Dũng

Thế rồi đơn vị mới, địa hình mới, nhiệm vụ cấp trên giao cứ diễn ra thường xuyên, năm tháng nỗi nhớ cứ đong đầy. Tôi ước một ngày nào đó em sẽ đến bên tôi như một nàng tiên trong chuyện cổ tích.  

Một hôm, giờ ăn cơm, tôi đến sớm và ngồi cùng mâm với anh em mới chuyển đến. Vài câu chào hỏi quen thuộc, nghe giọng “trọ trẹ” có vẻ người cùng quê. Tôi xởi lởi bắt chuyện hỏi thăm một đồng đội trẻ.

- Chú tên gì nhỉ?

- Dạ. Em Sơn ạ. Nguyễn Viết Sơn.

- Quê ở đâu vậy?

- Dạ. Em ở Quảng Trị.

- Ồ! Huyện nào đó?

- Dạ. Em Vĩnh Linh đây.

Tôi giật mình, thốt lên:

- Đồng hương tui rồi nè!

Tôi kìm nén cảm xúc và dè dặt hỏi thêm. Linh tính như báo hiệu điều gì đó sẽ xảy ra. Sao ngẫu nhiên mà trùng hợp thế nhỉ, tôi tự hỏi và tim tôi đập rộn ràng.

- Thế Sơn ở làng nào vậy?

- Dạ. Em ở làng Cồn Hội.

- Ôi, thế có biết chị Nết, Nguyễn Thị Nết không?

- Dạ. Có phải chị Nết người cao cao, tóc dài, khoảng hai tư, hai lăm? Chị ấy có đi bộ đội bên Lào về phải không anh?

- Ừ. Có lẽ đúng rồi.

Chưa kịp hỏi thêm, bạn ấy kể tiếp:

- Chị Nết gần làng em, là con bác Long thương binh chống Pháp về làng. Bác là người cần cù, chịu khó và nghiêm khắc lắm. Bác ấy chuyên gia làm diều sáo hay thôi rồi. Anh hỏi đúng người rồi đấy. Ôi! Chị ấy xinh lắm, cao ráo, khoẻ khoắn, đạt giải nhất hội thi cấy lúa làng em. Theo em, chị ấy mà số hai không ai là số một của làng em đấy. Cách nay mấy tháng em có về thăm nhà, nghe nói chị ấy chưa chịu lấy ai cả. Em có hỏi thì bố mẹ em nói có thông tin loáng thoáng, rằng nhiều đám đến cưa lắm, nhưng…

Sơn lấp lửng làm tôi sốt cả ruột. Tôi thúc giục, nói tiếp đi. Sơn lại câu giờ:

- Nhưng, nhưng… Chưa đổ… Chị ấy bảo…

Lại lấp lửng:

- Chị ấy đang chờ người nào đó, không rõ?

Sơn khẽ đưa cùi chỏ vào tôi và nói:

- Này này! Anh đừng nói chị ấy chờ anh trai đó nhé.

Sơn cười, điệu cười đầy nghi vấn, hơi lạ.

Tôi ăn nhanh rồi lẳng lặng về phòng nghỉ, lòng xốn xang khó tả. Nhiều ý nghĩ cứ miên man chìm đắm bao kỷ niệm. Mũi cứ cay cay. Rồi tự đặt ra không biết bao nhiêu câu hỏi. Sao mình đã bảo đừng chờ nữa mà...

Biên giới phía Bắc lúc bấy giờ rất căng thẳng. Các bản làng khu vực giáp ranh hầu hết đã di tản. Nhiều tháng trời không nhìn thấy bóng dáng của phụ nữ, trẻ em, chủ yếu là lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ địa phương. Ngày nào cũng nghe tiếng pháo kích. Quân và dân ta nguyện hy sinh tất cả để bảo vệ từng tấc đất quê hương. 

Mười tám tháng trôi qua, gửi bao nhiêu là lá thư dặn dò ý tứ. Không biết em có nhận đuợc thư không? Có thể điều ước của mình đã đến! Có ai lại phái một người đưa tin xịn xò như thế. Tôi nhớ thương em, cứ thơ thẩn. Nết vẫn đợi mình sao? Ôi nụ cười của em, đôi mắt to đen láy của em, giọng nói của em, hương tóc của em cứ hiện về bao nỗi nhớ.

Ba ngày sau tôi làm liều, có lẽ việc này phải nhờ chính trị viên tư vấn. Thủ trưởng Trần Liêm Chính, điển trai, với cái tên rất đẹp, quê Nghệ An, lại khéo ăn nói, là người có kinh nghiệm “tình trường” này nọ, chắc có cao kiến. Rất may, chiều hôm đó tôi gặp được thủ trưởng. Tôi lễ phép chào và cười, với điệu cười xin xỏ.

- Chào chính trị viên ạ.

- Có gì mà trịnh trọng thế Đức xế?

- Báo cáo anh, em có việc riêng cần được sự trợ giúp của chuyên gia ạ.

 Thủ trưởng ân cần nói:

- Việc gì mà có vẻ lúng túng thế chú em? Ừ. Nếu có thể thì vô tư đi. Thủ trưởng và lái xe như tay chân, có chi mà ngại nhỉ.

Tôi trình bày câu chuyện của mình và xin sự giúp đỡ. Trầm ngâm một lát, thủ trưởng nói:

- Vui đấy chứ nhỉ, thế tớ xin cấp trên cho cậu về tranh thủ mấy hôm để giải quyết công việc là được chứ gì.

Tôi vội xuýt xoa, thế thì hay quá, trên cả tuyệt vời ạ. Tôi cảm ơn chính trị viên rối rít.

Thấp thỏm chờ mong, thế là hơn một tuần sau tôi nhận được giấy phép. Khỏi phải nói tôi mừng và hồi hộp đến cỡ nào. Trời ơi, ngày đó tàu Thống Nhất chạy như rùa, lại gặp đợt mưa to, miền Trung nhiều vùng bị nước lũ bao quanh, mất bốn ngày đêm ì ạch, rồi chuyến tàu cũng dừng được ga tôi cần đến.

Đi xe đò, qua phà, đi đò ngang, có đoạn phải đội ba lô lên đầu rồi lần dò vượt qua được đoạn ngập lũ. Với tiếng gọi của tình yêu, sức trẻ và kỹ năng bơi lội của mình tôi đã vượt qua các chướng ngại vật. Cầu Hiền Lương lịch sử hiện lên trước mặt. Tôi cứ tưởng tượng em đang chờ như trong câu hát “chiều nay ra đứng trông về”. Em đang đợi tôi về.

Vượt qua mấy con dốc, chiều muộn tôi đã đến quê em. Tới đầu làng, thấp thoáng từ xa đã thấy dáng quen quen, hình như là Nết, đang gánh cái gì đó có vẻ không nặng lắm. Đoạn rẽ vào ngõ xóm, tôi nhìn dáng chắc em rồi. Tim đập thình thịch, vừa qua mấy bước, tôi gọi:

- Nết ơi!

Nàng khựng lại ngó ngó, nghiêng nghiêng. Từ chỗ khuất bước nhanh ra, tôi gọi tiếp:

- Nết, anh đây này!

Em ngỡ ngàng đứng hình mất mấy giây, như phim quay chậm. Nết nghẹn ngào, rồi oà khóc như mưa. Tôi e thẹn nắm chặt tay em không nói thành câu. Em nước mắt giàn giụa, nói như trách:

- Bắt người ta chờ… Và nhớ đau cả ruột!

Rồi em gánh mà đi như chạy, hai tà áo màu xanh dương lật lên, lật xuống nhịp bước bay theo gió.

Tối hôm đó, cũng là buổi sinh hoạt chi đoàn thanh niên. Nghe em thưa với bố là họp để triển khai kế hoạch lao động tập thể gây quỹ gì đó. Tôi chờ và đón em về sau buổi họp đoàn. Tản bước cùng em trên con đường nhỏ quanh co. Nết lại khóc.

- Em nhớ anh hằng đêm đằng đẵng. Khi ấy anh biết em làm gì không? Em lấy chiếc áo phông cũ của anh, liên lạc đơn vị đưa về bảo của anh quên ở bở suối lúc ở Lào đó.

Tôi ôm em vào lòng. Dưới ánh trăng quê, hương lúa hoà quyện cùng với hương thơm của hoa thiên lý nhà ai bay phảng phất. Gió về đêm mát dịu, ngọt ngào.

* * *

Sau chuyến khảo sát địa hình quan trọng, tôi về thăm nhà. Ngõ nhỏ nhà tôi, hàng duối cổ thụ quả chín vàng, bầy chim xanh ríu rít. Đám trẻ hàng xóm đang chơi trò kéo mo cau, hò hét cười đùa ầm ĩ. Thấy tôi - chú bộ đội quân phục chỉnh tề, đầu đội mũ ngôi sao lấp lánh, chúng nó xúm cả lại, ngơ ngác rồi đồng thanh:

- Chúng cháu chào chú bộ đội ạ.

Đứa lớn nhận ra anh, nó hét lên sung sướng:

- Anh Đức về, anh Đức về!

Tôi chào các em, rồi nói:

- Mẹ đi đâu em?

Thương - đứa em út nhanh nhảu đáp:

- Mẹ đi bừa.

Đứa lớn áp út tên Phương nói:

- Mẹ đi cày anh ạ.

Nhanh thật, mới đó mà út đã cao ngang bằng thằng thứ bảy.

Trưa muộn, mẹ tôi đi làm đồng về, trên vai có cả cày và cái bừa dựng. Con bò cái màu vàng, không biết đẻ mấy con bê rồi, mà sao cặp sừng cong lại như sừng linh dương vậy. Tôi vội đỡ lấy cái cày, bừa trên vai của mẹ. Mẹ hỏi có khoẻ không con? Về được lâu không? Tôi ôm lấy mẹ, không cầm được nước mắt, nghẹn ngào, con khoẻ mẹ ạ! Tôi thương mẹ vô cùng.

Nhà tôi, thuộc hệ đông con, bảy trai một gái, rất may ông bà phù hộ đứa nào cũng khoẻ mạnh. Thằng út chăn bò dãi nắng sém hết cả tóc; nó để trần mà nhìn thấy hình áo ba lỗ trên lưng. Mẹ tôi vất vả lắm, dãi nắng dầm mưa, cổ cày vai bừa, lưng mẹ đã còng đi, làn da rám nắng. Cha mất sớm, anh cả tôi và hai người em cũng đang ở trong quân ngũ, ở nhà bốn đứa em đang tuổi ăn tuổi học, mình mẹ chăm lo, đói no chắp vá qua ngày.

Tối đến, bên mâm cơm, ríu rít không khí gia đình, mẹ mới nói:

- Mẹ đã nhận lời bà Lam rồi, cái Trang nó cũng đã học hết cấp ba, nết na, chăm chỉ, là gia đình có truyền thống cách mạng, lấy vợ xem tông, lấy chồng xem họ con ạ. Con lo mà đến thăm em, rồi cùng mẹ đi đặt lễ hỏi, cưới mau! Không được để dồn toa, tám đứa, mẹ mới lo được một, không thể làm gì được đâu nhé!

Tôi thở dài rồi đáp the thé:

- Dạ để con xem sao.

- Ừ, cứ thế nhé!

Mẹ nói rồi vội đi băm chuối, mấy con lợn đói ăn cứ nhảy chồm lên thò cổ ra ngoài, cạp then chuồng kêu sột soạt, rồi đuổi cắn nhau kêu eng éc sốt cả ruột.

Sớm hôm sau, tôi thức dậy muộn. Mẹ đi cấy, mấy đứa em đi học. Con chim cu gáy gọi bạn cứ cúc cu suốt cả buổi, bầy chim xanh cứ ríu ra ríu rít, đôi choè than hót vang cả khu vườn.

Tôi tranh thủ đi thăm bà con lối xóm. Vừa đi vừa nghĩ, có lẽ ta đi xem mắt cô hàng xóm một lần. Đến cuối chiều, tôi đến nhà Trang, rất may em ấy vừa đi hái rau về. Nhìn vào cái rổ, tôi thấy một nắm rau lang và một ít rau má. Tôi chào Trang, em cười bẽn lẽn. rồi chạy nhanh vào trong căn bếp nhỏ. Tôi cũng theo em vào đứng cạnh bếp, hỏi han chuyện học hành. Một lúc sau bà Lam mẹ Trang về. Tôi lễ phép chào hỏi. Bà Lam ân cần hỏi thăm tôi về phép có lâu không, mẹ con có nói gì với con không... Tôi nói con về tranh thủ mấy ngày rồi trở lại đơn vị. Ngồi chơi một lúc rồi tôi ra về, không nói gì cụ thể đến riêng tư.

Trăn trở mãi, rồi sắp đến ngày trở lại đơn vị, tôi mới nói với mẹ:

- Mẹ ơi, con không thể lấy em Trang được ạ.

Mẹ tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, mới hẵng giọng:

- Con đòi xôi nữa à! Gớm, anh cứ kén chọn, rồi mà ở giá à. Ngoài ba mươi chưa lấy vợ khéo mà ê sắc ế con ạ!

Mẹ tôi lại cao giọng, thuyết phục tiếp:

- Làng này hiếm đứa nào đẹp người, đẹp nết như cái Trang ấy. Chỗ thật thóc thật hột, gia thế rõ ràng, không lấy nó, lấy ai?

Một lúc hết cơn nóng, tôi mới nhỏ nhẹ thổ lộ với mẹ:

- Con yêu Nết rồi mẹ ạ!

Mẹ tròn mắt:

- Nết nào?

- Dạ. Trong Quảng Trị ạ. Cùng đơn vị với con hồi ở bên Lào, giờ em ấy xuất ngũ về quê rồi ạ. Qua ga Đồng Hới, một chặng xe nữa là đến cầu Hiền Lương.

Mẹ nhìn xa xăm:

- Xa thế!

- Có gì mà xa mẹ.

Tôi miêu tả này nọ từ gia đình, tính nết, rồi chuyện hẹn hò… Mẹ tôi cứ im lặng, không nói gì. Băm xong trái mít non to như cái mũ cối, rồi lại thái cả rổ cà, đến thái hết cả rổ rau đậu đỗ, gần xong cả rổ nguyên liệu để làm món nhút mít “đặc sản” quê tôi. Mãi mẹ chưa đả động câu gì liên quan chuyện của tôi cả. Thỉnh thoảng mẹ lại quát mấy con gà, con chó cứ lượn lờ quanh quẩn đòi ăn. Còn tôi cứ thủ thỉ tô vẽ câu chuyện đẹp của mình.

Hôm sau, cả nhà ngồi ăn cơm trưa, mẹ mới nói:

- Thôi! Đất không nghe trời thì trời phải nghe đất, tuỳ con. Anh đã thề non hẹn biển với con người ta rồi, không lẽ bắt người ta cứ chờ mãi. Nghĩa tình, chung thuỷ là cái đức của người quê ta con ạ. Đã yêu thì yêu cho chắc, đã trục trặc thì trục trặc cho xong. Để mẹ nói với các ông bác, chú đi vào trong đó một chuyến rồi thưa chuyện với nhà người ta cho đàng hoàng phải phép.

Tôi như vỡ oà sung sướng, ôm lấy mẹ. Cả nhà tôi ăn cơm với mấy miếng thịt kho, rau muống luộc và món nhút mít, hương vị quê mà bữa ấy ngon không tả nổi. Tôi gắp miếng nhút to vớ phải cả quả ớt cay chỉ thiên nhai ngấu nghiến rồi cay nhảy cẫng lên xuýt xoa, chạy đi tìm nước uống. Đàn em được thể cười hả hê như “địa chủ được mùa khoai”. Cả ngày hôm đó tôi huýt sáo, cười cười, nói nói suốt.

Đến ngày trả phép, tôi chuẩn bị tư trang trở lại đơn vị. Ba lô sờn với mấy chiếc bánh chưng xanh nhỏ mẹ gói mang theo để ăn dọc đường, vài ký lạc nhân và lá thư nhà gia đình bạn lính nhờ chuyển hộ đã được sắp xếp gọn gàng. Mẹ và các em tiễn tôi ra tàu. Mấy đứa em cứ xúm lại giành nhau đứa níu tay anh, đứa cầm dây ba lô không rời. Tàu rời sân ga, bóng mẹ gầy liêu xiêu và các em tôi dần khuất sau các dãy nhà và những hàng cây. Tôi thấy thương mẹ vô cùng, nước mắt tự nhiên cứ trào ra.

Tàu Thống Nhất chuyến này dường như như chạy khá nhanh. Những tiếng cành cạch qua gờ tiếp nối như vỗ nhịp cho bài hát mà tôi cứ ngân vang trong mơ.

Những tháng ngày mùa đông giá rét ở biên cương đã qua đi một cách khá chậm chạp. Nhưng rồi những tia nắng đã xiên qua đỉnh núi, xé toạc đám sương mù đang bay lơ lửng. Mùa xuân đến rồi. Cây cối đã nảy lộc đâm chồi, nở hoa khoe sắc. Chim rừng đủ thể loại thi nhau nhảy múa, ca hát vũ điệu mùa xuân.

Đang hít thở không khí mùa xuân quý giá của giờ giải lao sau buổi tập cuối cùng, tôi nhận được tin về đơn vị có việc. Hồi hộp chạy nhanh về doanh trại, đúng là có việc thật. Thủ trưởng thông báo tôi được cấp trên khen thưởng vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tôi vui mừng cảm ơn sự ghi nhận của thủ trưởng và tập thể đơn vị. Chưa hết, thủ trưởng nói tiếp: “Đồng thời cậu được nghỉ phép”. Tôi mừng quá, cảm xúc cứ lâng lâng. Một mùa xuân ấm áp sum vầy và kỳ nghỉ phép quý giá của tôi năm ấy thật ngọt ngào.

Những năm 1983, 1984 cuộc chiến ở biên giới phía Bắc vô cùng ác liệt. Tôi và các đồng đội phải tập trung làm nhiệm vụ, không có phép. Sau ngày cưới gần hai năm, tôi vỡ oà hạnh phúc khi vợ sinh em bé đầu lòng, tôi đặt tên là Hà Tuyên.

* * *

Đang ôn lại kỷ niệm một thời để nhớ cùng đồng đội bên ấm trà thảo mộc thì chị Loan, trưởng ban công tác mặt trận thôn đến bàn công chuyện của thôn. Đang trong không khí vui vẻ, chị Loan hỏi:

- Điều gì là quan trọng nhất để chờ đợi, đi tìm, rồi có được bà Nết xinh đẹp thế này?

Tôi suy nghĩ một lát rồi nói: là tình yêu, là sống có nghĩa tình, thuỷ chung, giản dị... dường như là cốt cách của người miền Trung ta.

Chị Loan cười và nói:

- Bà Nết đẹp người, đẹp nết hiếm ai bằng đó bác ạ!

Xe ô tô con của Hà Tuyên và em trai làm việc ở Hà Nội về dự đám cưới người em họ cũng vừa tới trước ngõ. Bà nhà tôi chạy ra đón con cháu, bước đi chậm hơn một chút, mái tóc dài xưa bối gọn gàng, ôm cháu vào lòng nựng yêu và cười rất tươi. Hàm răng trắng của chị nuôi quân suốt đời của tôi vẫn đều tắp như xưa.

NGUYỄN VĂN HIỆP
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 354

Mới nhất

Tự do xanh quá, mênh mông quá

5 Giờ trước

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

01/05

25° - 27°

Mưa

02/05

24° - 26°

Mưa

03/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground