Thằng bé ấy xuất hiện ở nhà tôi hôm đầu cũng bình thường như bao nhiêu đứa trẻ khác, chẳng có gì đặc biệt ở một lớp học bán trú. Vào buổi trưa hàng ngày, cứ sau giờ học chính ở lớp một tốp trẻ con lại kéo về nhà tôi, ăn cơm, ngủ trưa một lúc và buổi chiều con gái tôi lại giảng dạy và cho chúng làm bài tập trên những bộ bàn ghế nhựa con bày trong phòng khi chăn gối ngủ vừa dọn đi.
Nó tên là Hi. Nguyễn Văn Hi. Một cái tên cũng bình thường chẳng có gì đặc biệt nhưng nó lại có điều khác các đứa trẻ khác làm tôi chú ý. Bao giờ từ lớp về nhà tôi nó cũng về sau cùng và đi bộ. Mồ hôi vã vợi trên áo, trên mặt.
- Sao thế cháu? - Tôi hỏi và nhìn vẻ mệt mỏi trên nét mặt của thằng bé.
- Bố mẹ cháu bận việc không có ai đưa đón - Nó đáp và chạy ùa vào với các bạn.
Buổi chiều học xong nó thường là đứa ra về muộn nhất. Có hôm các đứa trẻ khác đã về từ lâu nó vẫn tha thẩn chơi trong phòng hoặc đứng dưới mái hiên đợi. Rồi một hôm, tôi bỗng giật mình vì tiếng gọi giật giọng ở dưới đường:
- Hi! Hi!
Lúc đó thằng Hi đang đọc sách ở góc nhà giật mình, lật đật xách cặp chạy xuống. Vì vội, nó bỏ quên mũ, quay lại lấy. Tìm mũ mãi mới thấy, nó luýnh quýnh chạy xuống rồi chạy lên.
- Sao cháu không về?
- Bố cháu đi mất rồi.
- Sao bố cháu lại đi ngay thế?
- Không thấy cháu xuống ngay, bố cháu tưởng cháu đã về rồi... Thằng bé nói và nét mặt phân vân nghĩ ngợi, chứng tỏ nó cũng không tin vào những điều nó nói.
- Bây giờ cháu về nhà bằng gì?
- Cháu đi bộ cũng được ạ! Thằng bé chào tôi đi nhanh xuống cầu thang.
Sẽ góp ý với anh ta - bố thằng Hi, đón con có khi cũng phải đợi chờ một lúc chứ, người đâu phải máy. Có nhiều hôm thằng bé học xong phải đợi hàng tiếng đồng hồ dưới sân bố mới đến thì sao.
Nhưng rồi cổ tôi tắc nghẹn lại không nói nên lời khi gặp anh ta, bố thằng Hi. Anh ta xông vào nhà sau khi gọi hai tiếng dưới đường mà thằng Hi chưa kịp xuống. Đó là một người đàn ông cao to, áo phông quần bò, giày da mềm nhưng khuôn mặt thì cứng, tóc cợp cợp dài phủ khuôn mặt to ngang, hàm răng hô lúc nào cũng như đang cười nhưng nét mặt lại nhăn nhó.
Thằng Hi cuống quýt chạy ra, giọng khàn khàn:
- Con ngồi trong nhà không nghe bố gọi.
Hai bố con lặng lẽ đi xuống. Rồi nhiều ngày sau đó thằng Hi không có ai đưa đón cả.
Chiều muộn. Mưa và rét. Thằng cháu tôi giữ Hi ở lại ăn cơm. Thằng Hi đói nhưng khăng khăng từ chối. Tôi dỗ mãi nó mới rón rén ăn nửa bát cơm. Trời chợt đổ mưa. Nó vừa ăn vừa nhìn ra cửa phập phồng chờ nghe tiếng gọi. Mưa rào rào. Hai đứa trẻ rúc vào nhau trong chăn ấm góc nhà.
- Ừ, bốn tuổi tớ mới biết mặt bố tớ. Còn từ trước bố tớ đi đâu ấy - Tiếng thằng Hi thì thầm.
- Tớ thấy bố cậu thế nào ấy không giống bố bọn nó. Tiếng thằng cháu tôi:
- Thế trước đó bố ấy đi đâu?
Tiếng Hi:
- Đi công tác. Mẹ tớ bảo thế. Hôm ấy, hôm bố tớ về nhà tớ đầy hoa quả, bánh kẹo. Trong bếp, bà tớ mổ gà xào nấu, nhà inh ỏi mùi thơm. Mẹ tớ mặc váy màu vàng, bôi phấn son đẹp lắm và vui lắm. Mẹ tớ dắt tớ đến gần bố và bảo: "Bố con đấy, con chào bố đi!". Tớ chào "bố ạ", bố cười giơ tay xoa đầu tớ và bảo: "Chào Hi".
Một cái giường con được kê cạnh giường bà phòng bên ngoài. Từ hồi ấy tớ ra ngủ riêng, mẹ tớ ngủ với bố tớ. Bố tớ nằm vào chỗ của tớ. Cả đêm hôm đó tớ không ngủ được. Rồi cũng quen đi.
- Tớ thấy cậu và bố cậu không giống nhau.
- Ừ. Tớ giống mẹ. Vì thế tớ mang họ mẹ - Mẹ tớ họ Nguyễn, bố tớ họ Trần, giống ai mang họ người ấy. Hi nói.
- Ai bảo cậu thế?
- Mẹ tớ bảo thế.
Tiếng thằng cháu tôi cười khúc khích.
Vẫn tiếng mưa rơi.
- Tớ thấy em gái cậu cũng không giống bố cậu.
- Giống mẹ xinh hơn, mẹ tớ bảo thế - Thằng Hi cười - May cho nó giống mẹ.
- Thế nó cũng mang họ mẹ à?
- Không. Nó mang họ bố.
- Lạ nhỉ.
Im lặng một lúc lâu. Rồi lại nổi lên tiếng hai đứa trẻ con nói chuyện.
Tiếng thằng Hi:
- Chuyện này lạ hơn là bố mẹ tớ yêu em bé hơn tớ. Nhất là bố, đi làm về, quẳng xe ở cửa lao vào ôm con bé hôn hít, có hôm bố để em ngồi lên vai tung bổng lên cao, em sướng cười khanh khách. Thấy thế tớ cũng cười. Bố đập tay lên vai tớ, nghiêm mặt: ’’Mày ở nhà không bao giờ được tung em như thế nhé. Em mà ngã thì mày nhừ xương.’’ Tự nhiên tớ bị mắng. Không phải một lần như thế. Tớ thấy bố mẹ yêu em bé mà không yêu tớ. Tớ thấy tớ là thừa, cái sự có mặt tớ ấy nên cứ bố mẹ và em bé vui vẻ chơi đùa với nhau là tớ lẩn. Lẩn cũng không yên. Mẹ bảo: "Con chẳng có tình cảm với gia đình. Anh em phải chơi với nhau chứ. Cứ thấy em là lẩn". Tớ chạy lại gần em nhưng mặt bố nặng như chì thế là tớ lại tìm cách lẩn đi chỗ khác, cũng may là nhà tớ rộng rãi chứ không chỉ có chui xuống đất. Cậu bảo thế có lạ không?
- Lạ. Thế mẹ cậu?
- Mẹ tớ hay mắng tớ lắm. Nhất là lúc có mặt bố tớ. Bố tớ thì không mắng hay đánh tớ nhưng nghiêm và lạnh lắm. Cứ như là người ngoài ấy.
Rồi im lặng. Cả hai đứa nằm dài nghĩ ngợi.
Chợt tiếng thằng cháu bùng lên:
- Phải điều tra!
- Ừ, nhiều lúc tớ cũng muốn điều tra xem tại sao nhưng chẳng biết làm thế nào.
"Các cháu còn bé quá mà sự đời thì phức tạp, làm sao các cháu hiểu được..." tôi nghĩ và tin chắc có dịp tìm hiểu vấn đề này.
Nhưng tôi chưa hiểu được điều gì rõ hơn cho đến hôm thằng Hi "mất tích". Tiếng mẹ nó lẫn trong tiếng khóc và những dòng nước mắt, hôm phóng xe đến gặp tôi.
Đó là một người đàn bà đẹp và còn trẻ. Son phấn trang điểm khéo đến nỗi mà thoáng nhìn làm tôi giật mình. Một khuôn mặt đẹp, làn da mịn màng và đôi mắt to đen hàng mi vừa dày vừa dài cong. Cô ta mặc bộ váy xẻ màu đen điểm chút đỏ lấm tấm bó sát lấy khổ người óng ả và cặp đùi dài thon mềm.
- Tôi là Loan mẹ cháu Hi - Cô nói và nhìn quanh. Cháu Hi hôm nay có đến đây không ạ?
- Cháu nghỉ đã hai hôm nay - tôi cũng đang muốn biết cháu ốm hay bận việc gì mà nghỉ học? - Tôi mở cửa mời khách vào nhà. Cô ta chần chừ một phút rồi bước vào ngồi phịch xuống ghế, giống như rơi xuống không có lực giữ. Tôi pha nước và đặt vào tay cô một cốc chè nóng:
- Cháu Hi với thằng Dân nhà này là thân nhau lắm, cô Loan ạ!
- Tôi cũng tưởng là cháu Hi đến đây - Không đến đây thì cháu đi đâu? - Loan nói và đưa tay chấm mắt. Hình như cô khóc.
- Chắc cháu mãi chơi ở đâu rồi lại về thôi. Tôi an ủi chị ta nhưng trong lòng không khỏi nghĩ chắc chắn có một chuyện gì đấy trong cái gia đình mà thằng Hi đang đặt bao nhiêu dấu hỏi. Những dấu hỏi ấy cũng đang móc vào đầu tôi nhưng nhức.
- Hỏi thật bác những ngày cháu học bán trú ở đây cháu có tâm sự gì không, xin bác cứ nói cho cháu biết để tôi xem cháu có vấn đề gì - Người mẹ nói và lấy khăn chấm chấm mắt rồi mở hộp trang điểm ra tô lại mặt. Rồi một đôi mắt đẹp đượm buồn và hoe hoe đỏ ngước nhìn tôi. Tôi nhớ lại câu chuyện hai đứa trẻ nói với nhau hôm nào và cả những thắc mắc xâu chuỗi tháng ngày thằng Hi học ở nhà tôi - Tôi nói tất cả. Loan chăm chú lắng nghe. Vẻ bình tĩnh dần biến mất. Loan cúi đầu hai bàn tay vòng qua gối run lên bần bật.
- Tôi thật không ngờ, cháu nó còn bé mà lại chú ý và nhận xét người lớn như thế.
- Trẻ con nó rất muốn sự công bằng ở bố mẹ. Đối xử khác một chút là thành vấn đề ngay - Tôi nói và nhìn Loan đang thu mình trên ghế.
- Không phải là không công bằng mà, cái chính là tình cảm. Bác bảo làm sao tránh được sự khác biệt trong tình cảm.
Nước mắt lại rỉ ra trong khóe mắt. Loan ngồi gần lại tôi, giọng trầm xuống:
- Sự thực chồng tôi hiện nay không phải là bố đẻ cháu Hi, tôi và bố đẻ cháu li dị khi cháu còn bé chưa biết gì. Đến năm cháu bốn tuổi thì tôi lấy chồng khác. Để hạnh phúc được trọn vẹn, hôm cưới chúng tôi bàn nhau nói là bố đi công tác xa lâu mới về. Tôi tưởng như thế thì cháu sẽ đỡ những mặc cảm...
- Tình cảm thực là điều khó giấu. Mỗi khi đã nghi ngờ thì càng dễ rạn nứt. Theo tôi, không gì bằng sự thật. Hãy sống bằng hoàn cảnh thật cũng như cái mình có, dù thế nào... vẫn hơn. Tôi nói cầm chừng và nhìn Loan. Đôi mắt cô mở to, bối rối nhìn tôi:
- Tôi phải nói cho thằng Hi biết đấy không phải là bố nó ư?
- Đúng thế - Sự thật là điều không nên giấu - Không thể giấu. Người ta phải sống bằng cái mình có. Theo tôi, cô nên cho Hi biết sự thật.
- Không nói nó còn bỏ đi như thế này, nói anh ấy không phải là bố có lẽ nó không về nữa.
- Có thế cũng phải chịu... Cô nên bàn với chồng mình làm cách nào để thuyết phục thằng bé thì hơn. Tôi nghĩ nó là đứa bé ngoan và ở vào cái tuổi lên mười nó có thể hiểu được nhiều chuyện. Thế nó bỏ đi vì sao?
- Có gì đâu, bố nó bế con bé em cho ăn cơm. Thằng Hi dỗ em, lấy nước cho em uống lại uống trước bị bố mắng thế là nó tự ái bỏ ăn cơm rồi đi không về.
Có khi là cái cách nói... Cô đi tìm cháu về và có thể nói thật xem, cũng chẳng có gì đáng ngại đâu...
- Cái chính là cháu ở đâu chứ?
- Trong các mối quan hệ họ hàng, bè bạn cháu thân với ai nhất cô đến đó thử xem.
Loan, người đàn bà đẹp và thông minh ấy ra về và đi tìm con khắp nơi. Cuối cùng chị ta lại thấy con ở chính lớp học. Chị ta đến gặp tôi và kể lại chuyện này với vẻ ngạc nhiên vô cùng.
- Thế ai đưa đón cháu? Hàng ngày cháu không về nhà, cháu ở đâu?
- Bố cháu. Bố đẻ của cháu, bác ạ!
- Thế lâu nay cô không cho bố đẻ của cháu gặp con à?
- Khi ly hôn tôi và anh ấy đã thỏa thuận để giữ hạnh phúc cho tôi và cho đứa con, bố cháu tự nguyện giấu kín không nhận mình là bố khi đứa bé lớn lên.
- Thế bố không thăm con bao giờ à?
- Có chứ. Nhưng với tư cách là bạn bè của gia đình.
- Cuối cùng bằng cách nào cháu biết được bố đẻ của mình?
- Tôi chưa hỏi được. Nhờ bác, ngày mai cháu lại về ở với tôi và đi học, nhưng bố cháu nhận đưa đón hàng ngày. Nhờ bác hỏi hộ xem tại sao cháu tìm được bố?
- Ừ, rồi tôi sẽ hỏi...
Tôi định bụng sẽ tìm hiểu chuyện này và nói lại cho Loan biết. Hôm sau, bố đứa trẻ xuất hiện. Anh ta còn trẻ, gầy gò và có phần khúm núm khi lần đầu đèo con tới nhà tôi. Anh ta để con ngồi đằng trước và khi xe dừng anh ta vòng tay ôm lấy nó ghé vào tai con thì thầm điều gì đó. Hai bố con cùng cười. Thằng bé chạy đi, anh gọi lại, tay giơ bẻ cổ áo cho con, vuốt lại mái tóc rối bù cho nó rồi đưa cặp sách cho nó. Buổi chiều, trời mưa. Từ lúc lớp còn đang học tôi đã thấy anh ta đứng dưới mái hiên chờ thằng Hi từ lâu với cái áo mưa trên tay. Thằng bé mãi chuyện xuống muộn. Anh bọc con trong áo mưa và đặt nó lên xe như một đứa bé.
Nhìn anh dù chỉ trong một ngày hai lần đón đưa con tôi bỏ ý định hỏi Hi vì sao tìm được bố.
N.T.N.T