Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 07/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chuyện trong nhà

C

huyện trong nhà ông Đặng Giàu thôn trưởng thôn hai làng Ái Loan nằm sát thành phố về phía đông nam, có nhiều điều đáng suy nghĩ. Trước tiên hãy nói về thằng con trai út của vợ chồng ông. Út nhưng là thứ thôi, bởi vì ông Giàu chấp hành rất đúng chế độ chính sách về dân số và kế hoạch hóa gia đình; ông chỉ có hai đứa con, một trai một gái.

Đó là thằng cu Bơ – tên gọi ở nhà. Còn tên trong giấy khai sinh đàng hoàng ràng rẽ là Đặng Trần Anh Tuấn. Ở vùng quê này nói riêng và cả tỉnh nói chung, người ta hay ghép cả họ cha họ mẹ vào tên con. Có những cái tên viết ra nhiều ký tự, đọc lên nghe dài ngoằng ngoẵng, nhiều khi mệt tưởng chừng hụt hơi.

Cu Bơ năm nay lên chín, học lớp ba. Thằng bé dáng đậm, mắt rất sáng nhưng nhìn kỹ hơi lơ, mồm luôn bậu bậu. Tuy mới chín tuổi (là kể tuổi mụ bà) nhưng mỗi khi nó nằm duỗi chân ngủ nom cũng dài như một người lớn rồi. Vậy mà đêm đêm, nó chuyên môn ngủ trong lòng bố thay vì lòng mẹ như những đứa trẻ út ít khác. Không biết cu Bơ muốn thế hay ông Giàu bắt phải thế, có lẽ cả hai.

Ở cái làng này, không biết do đâu mà người ta có thói quen là ăn ngày hai bữa, sáng khoảng sáu giờ, chiều khoảng hai giờ; từ đó cho đến khi đi ngủ không ăn thêm cái gì nữa cho đến tận sáng hôm sau. Thảng hoặc lắm mới có củ khoai, củ sắn hoặc vài múi mít, miếng dưa hấu, quả cam quýt vân vân... nhưng không thành lệ và cái chính là không thành bữa. Nghe nói cái tục lệ lạ lùng này bắt nguồn từ ngoài Bắc, đâu như Hà Tây, do cụ Thành Hoàng làng là người từ ngoài đó vào, xưa, xưa lắm rồi.

Ông Giàu có một nỗi khổ là mỗi buổi sáng không làm sao “mời” được cậu con trai dậy đúng bữa ăn. Trong lúc hai mẹ con thản nhiên ngồi mâm để kịp giờ con gái đi làm việc nhà nước trên huyện, mẹ ra đồng cấy hái hoặc việc xóm việc làng; thì người cha đi vào đi ra, thấp tha thấp thỏm ở cái giường đang buông màn kín nơi ông đã rời nó từ năm giờ kém mười lăm kia. Ông nửa muốn đập con dậy, nửa muốn để cho nó ngủ thẳng giấc rốn. Khốn một cái thằng con của ông ngủ hay dậy, chẳng có “quy luật” nào cả, hôm kịp bữa hôm không. Mà nó có thức rồi chăng nữa cũng vậy, bữa thót ra khỏi giường tức khắc bữa nằm im tít trong màn như đang bất tỉnh. Thành ra hôm nào cũng vậy, ông Giàu đâm lúng ta lúng túng. Lỡ đánh tiếng, phá giấc ngủ đang ngon lành của thằng con cục cưng, nó càu nhàu cho thì khổ. Còn cứ im lặng ăn phần mình, để phần cho nó, đến tám chín giờ nó dậy, cơm nguội canh lạnh, nó ăn vào đau bụng đau dạ, lại càng khổ hơn! Thế cho nên, mặc cho vợ càu nhàu “ông nuông  chiều nó vừa vừa chớ, lớn lên thành thằng hư hỏng, mới biết!” ông cứ phớt lờ, coi như không điếm xỉa đến. Lạ, cái con mụ ăn nói! Hư là hư thế nào? Xã hội bây giờ mà lo chuyện con cái hư hỏng, rõ là đầu óc đàn bà... Và ông cứ im lặng không thèm trả lời, bưng bát cơm vừa ăn vừa đi ra đi vào ba bốn lượt ở giường thằng cu Bơ đang nằm. Mãi đến khi cả nhà buông đũa, dọn dẹp xong hai người đàn bà đã ra khỏi nhà, ông Giàu ghé mắt vào nơi cái màn màu khói thuốc đang trùm kín giường. Thấy không có dấu hiệu gì của thằng cu Bơ đã thôi ngủ, ông thở dài một cái đầy lo lắng và tội nghiệp, trở ra gian nhà giữa ngồi uống nước. Hôm nay ông rảnh rỗi, thôn xóm chẳng có việc chi cần đến người đứng đầu.

Có tiếng lục cục trong màn. Ông Giàu mừng hú:

-    Bơ dậy rồi à? Ra ăn cơm cho nóng, em! Để cha lấy khăn rửa mặt. À bót đánh răng nữa chơ! Cái bót chị bé mua trên huyện cho cu đây, đẹp đẹp là...

Cu Bơ không trả lời cha. Nó chậm rải đứng thẳng dậy trên giường, hai tay đút vào túi quần, lơ đãng.

-    Dép em đâu

-    Đây, dép em đây!

Ông Giàu cúi lưng lôi từ chân giường ra đôi dép trong nhà mỏng và xinh như đồ chơi, hai quai đóng chập lại, rẽ ra hai bên kiểu Thái Lan, đặt ngay ngắn, vừa tầm cho cậu con trai bước xuống đất là đúng ngay. Thấy thằng con còn chùng chình, ông Giàu lập tức một tay xách đôi dép một tay quơ ra đằng sau, chìa tấm lưng nhỏ bé cõng luôn thằng bé dài ngoãng cặp giò từ giường ra chỗ dọn ăn sát bếp. Bô giọng đang khê từ trên lưng bố hỏi trống không.

-    Ăn với chi?

-    

Thì canh rau với cá kho, ngon lắm!

-    Cá chi? Có thệ kho khô không?

-    Không có thệ, chỉ có bống, bống mủ, con mô con nấy đầy một bụng trứng vàng hươm. Ăn nhức răng luôn!

Cậu con không phản đối cũng không tán thành, ngồi xổm luôn trên ghế, mồm bậu bậu như mọi khi. Tuy nhiên, cậu ta cũng sẵn sàng đón bát cơm ủ trong chăn đang còn nóng hổi từ tay ông bố đưa ra.

Ông Giàu mặt tươi hẳn lên, cảm thấy một niều vui không dễ gì mà nó ập tới. Ông cao hứng móc từ trong túi áo ra bao thuốc lá thẳng Khánh Hội, trịnh trọng rút một điếu châm lửa rít một hơi dài, hẻ hả nhìn cậu con trai đang nhai trước mặt.

Chuyện ăn như thế, còn chuyện học. Trường cấp một ở xã này, người ta dạy từ mười giờ trưa đến hai giờ chiều; tan học đúng vào giờ bữa tối. Bất kể lúc đó mâm bát đang dọn, mới bắt đầu ăn hoặc đang ăn nửa bữa; ở lớp về là cu Bơ, tức Đặng Trần Anh Tuấn nhào vào học bài ngay. Vào đến hiên nhà lát bằng gạch men màu bắp chuối, Bơ cỡi ba lô, kéo khoá đánh rẹt, lôi sách vở giấy bút ra đặt la liệt trên thềm. Xong, nó nằm sấp xuống, đầu ngỏng lên như đầu rắn, gọi: “Chị bé ơi!” Bé là Đặng Trần Nguyệt Nhung chị nó. Thế là đến giờ học ở nhà của cu Bơ. Cái giờ học trái khoáy này đã thành thói quen rồi, không thể thay đổi được! Sau tiếng gọi của cu Bơ, nếu Nhung ăn sắp xong thì phải vừa đánh tiếng vừa cố và ngốn và ngấu cho hết để ra thềm hiên kèm nó học; còn nếu mới bắt đầu ăn, nhất thiết cô phải chịu buông đũa cái đã, sau hẵng ăn tiếp. Lý do rất giản đơn là thằng Bơ không thể đợi cũng như không thể thiếu chị nó khi học bài, làm bài.

Mọi người trong nhà tất nhiên là phản đối cái cách học kỳ lạ này nhưng không ai dám nói. Nói ra, ông Giàu lại trợn mắt quát cho, thêm ỏm cửa ỏm nhà. Cho nên, ai cũng im lặng sau một vài lần tỏ thái độ mà chẳng có tác dụng, kệ muốn làm sao thì làm, ra sao thì ra.

Cu Bơ nằm bò ra giữa hiên gạch lát. Nó gập hai đầu gối vào ngực, lật giở sách ra. Làm toán ư! Nó cẩn thận co ngón tay đếm hoặc xướng to bảng cửu chương lên. Ví dụ năm bảy ba lăm, nó hô: ba mươi lăm. Con chị ngồi bên phải gật đầu một cái hoặc hô theo: đúng!, lúc đó Bơ ta mới nắn nót chép vào vở. Bài tập đọc ư! Nó nghiêm trang như ông thầy giáo (mặc dù ông thầy giáo đang nằm) cất cái giọng lên bổng xuống trầm đọc gióng một gióng hai như ca sĩ đang hát. Con chị má tựa vào đầu gối nghe và khảo. Chỗ nào Bơ ngắc ngứ, Bé tức thì đọc hộ, sau đó Bơ vẹt theo. Chỗ nào Bơ đọc sai Bé xướng lại cho đúng và liền đó Bơ hoạ tiếp như chị. Cũng có đôi khi Bơ bướng, đã đọc sai bét còn gân cổ cãi cối cãi chầy, nhưng nói chung thì Bơ biết phục thiện ngay sau khi trách chị một câu lầm bầm trong mồm: “Đọc chẳng rõ gì cả!”

Buổi học này diễn ra độ chừng nửa giờ. Và chỉ sau đó, cu Bơ mới chịu đi ăn cơm.

Một đêm, nó phải học một bài thuộc lòng dài và khó quá. Đó là bài “Làng quê và đô thị”. Từ đầu hôm, cu Bơ đã tuyên bố với mọi người trong nhà sự kiện đó. Ai nghe cũng thấy lo thay. Gì chứ học thuộc lòng quan trọng lắm. Ngày mai cô giáo đã khảo ở lớp. Người lo nhất là Bé kèm cho thằng em học thuộc bài quả gay go gian khổ. Tối hôm đó, trên ti vi lại chiếu phim “Bỗng dưng muốn khóc”, bộ phim truyền hình mà loại khán giả như mẹ con bà Giàu và các bà cô trong xóm rất ưa. Họ tụ tập ở nhà bà thôn trưởng có đến năm bảy người vừa xem vừa bàn bạc luận bình sôi nổi. Ông Giàu từ chập tối đi hội ý việc gì đó ở trên xã vừa về, bước vào nhà vừa lúc các bà các cô rú lên cười một trận ngặt nghẽo nơi đặt ti vi:

- A! xem phim vui vẻ hè?

Thấy cha, cu Bơ trống không một câu:

- Mai phải đọc thuộc lòng ở lớp rồi!

Ông Giàu gỡ chiếc túi vải trên vai treo lên cột nhà, đằng hắng:

- Bắt đầu đi!

Bà Giàu gian dưới cũng chỏ lên góp ý kiến:

- Thì học đi thôi!

Cu Bơ ngao ngán giở sách đến bài 32 “Làng quê và đô thị” trong lúc chị nó đã sẵn sàng ra ngồi bên. “Đọc theo chị một lần cho thông suốt, nghe”. Nói rồi, Bé đọc: “Ở làng quê...”Cu Bơ: “Ở làng quê” Bé: “người dân thường sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi...”Cu Bơ: “sống bằng nghề trồng...dân thường sống” “Đọc lại!” Cu Bơ: “Em không!” Bé: “không hử, không thì học lấy một mình!” Cu Bơ: “Em chẳng...!”

Nhủng nha nhủng nhẳng một hồi làm ông Giàu phát gắt. Các bà đến xem nhờ ti vi thấy không vui, vội giải tán, ai về nhà nấy. Ông Giàu quay đi giở sổ sách của mình ra làm việc. Bà Giàu mắng thằng con:

- Không lẽ người ta phải học hộ cho mày nữa à?

Chẳng thấy ai nói nữa. Chừng như thấy mình bị cô độc, cu Bơ không có cách gì khác, bèn đọc một mình một lần, hai lần rồi ba lần. Cuối cùng nó nhắm mắt, xếp sách lại đọc trầm. Được vài câu, nó tịt. Nó lộn lại từ đầu. Cũng tịt. Sau đó, không nghe nó đọc nữa mà toàn ư ử là ư ử. Rồi nó khóc thật sự:

- Không làm răng...ăng...thuộc...uộc...hức hức, dài...ài...dài...ài hức, hức hức....

Bà Giàu không chịu được nữa:

- Thì từ từ từng câu một, chứ cứ như húp cháo nóng rứa thuộc ngay được à. Học không học thì thôi, làm vương làm tướng chi cho người ta nhờ đó mà gớm rứa!

Ông Giàu lườm vợ, thấy tình thế cơ nguy, vội vứt sổ sách của ông vào túi, đến bên cu Bơ:

- Thôi em nín đi, nín mới học mau vô. Nào đưa đây cho cha. Đọc tiếp nghe: “Xung quanh nhà thường có vườn cây, chuồng trại...đường làng nhỏ, ít người và xe cộ qua lại. Ở đô thị người dân...”

Nghe cha, cu Bơ thôi khóc, nhoài ra, dán mắt vào bài, rầu rĩ đọc ngắt quãng, thi thoảng vẫn chưa hết những cái xịt mũi phịp, phịp... như đánh nhịp.

Bé bỗng phá ra cười:

- Thôi cha bảo nó đi ngủ, mai sáng học tiếp. Giờ đầu óc nó mụ rồi, có nhét mấy cũng trồi ra lại thôi!

Ông Giàu nghe có lý, vả ông có nhúng tay vào mới biết, kèm cặp cái kiểu này dễ cáu thật, ông hô, giọng đã hơi cưng cứng:

- Đi ngủ, mai tiếp tục học! Trưa mới đến trường cơ mà!

Nói thế nhưng ông chưa quyết hẳn, chứng tỏ là ông vẫn còn cầm cuốn sách đang mở nhìn thằng Bơ. Hình như ông hi vọng cậu con trai có thể thay đổi trạng thái mà học tiếp trong đêm nay cho ông nhờ. Và hình như ông nghĩ rằng, nó khóc thế cũng phải chớ, học mãi không thuộc, bài chỉ dăm câu chứ mấy, thánh cũng lộn tiết nữa là người...!

Đối với cậu con trai thì ông Đặng Giàu đội lên đầu như vậy nhưng với cô con gái, ông lại gần như đặt dưới chân.

Cô Nguyệt Nhung năm nay đã hai lăm, mới được nhận vào làm việc ở phòng nông nghiệp huyện hồi đầu năm, với cái chân văn thư kiêm cả thủ quỹ cả tạp vụ. Nhung là một cô gái bình thường, không đẹp cũng không xấu, tốt nghiệp trung học phổ thông xong thi vào đại học hai năm liền không đậu, bèn tính chuyện đi làm. Ở vùng này, con gái mười tám hai mươi chưa có mối manh nào khả dĩ tin cậy một chút đã là muộn lắm. Không thấy cô gái có biểu hiện gì vội vàng hoặc nóng ruột và cả ông bố cũng vậy, thằng em đang còn nhỏ chưa biết gì đã đành. Chỉ có bà mẹ là thấp thỏm một cách kín đáo, cứ mỗi lần cô con gái đi về một mình với chiếc xe gắn máy mua lại ở một quầy bán xe cũ ở chợ huyện, là bà cố nén một hơi thở dài thất vọng.

Phải công nhận Nguyệt Nhung là một cô gái siêng năng việc chung việc riêng. Ở cơ quan chưa đầy một năm, cô đã được mọi người cảm tình, mến phục vì công việc cô đảm trách hơi linh tinh nhưng đâu vào đấy, vừa nhanh vừa gọn, tính nết cô lại dịu dàng, đằm thắm. Về nhà, mọi việc như thổi cơm, gánh nước, quét dọn... ngày nghỉ còn ra đồng gặt lúa, trồng màu giúp cha mẹ nữa. Nói chung việc gì cô cũng thạo. Cô còn biết chằm nón nữa. Ở làng này không có nghề đó nhưng Nhung đã học được ở một cô bạn trên cơ quan vốn sinh ra trong một gia đình làm nghề này lâu đời. Trông hai bàn tay cô mềm mại, thoăn thoắt xỏ múi kim một cách ngọt xớt vào lớp lá trắng muốt trên khung, ai cũng muốn nhìn, cứ như múa.

Có một việc mà Nhung mê thích nữa là mỗi khi đi làm về là tắm táp, giặt giũ. Hầu như lúc nào rảnh cô cứ xì xà xì xoạp ở trong cái buồng tắm nho nhỏ xây táp lô nhưng không lợp mái sau hè nhà. Mỗi lần như vậy là quần áo của cô lại giăng phơi đầy sân nhà, xanh hồng tím đỏ đến là vui mắt, y như một đàn bướm đang đậu.

Ông Giàu đi làm việc thôn về, thấy gai mắt tay khoát một vòng, quát to:

- Bé mô? Đem tất cả ra sau vườn, mau! Đây là cái sân chớ đâu phải cái nơi “triển lãm” những “coóc” những “xip” của mày? Dẹp, dẹp luôn!

Cô gái chạy ra vơ quáng vơ quàng đồ phơi cho vào thau; thấy tủi thân quá đi vào ngồi bó gối ở bếp, chẳng màng gì đến việc phơi phong nữa. Bà mẹ qua hàng xóm mượn cái cối đá để giã vừng về, nhìn con gái mặt buồn rười rượi, tưởng con cũng có nỗi lòng như mình về chuyện riêng của nó, không hỏi gì chỉ lúi cúi đổ vào cối mẻ vừng vừa rang xong, mang ra hiên thềm, ngồi giã nhát một như băn khoăn. Bà chợt nghĩ tới hồi năm ngoái năm kia, bấy giờ Nhung vừa tốt nghiệp xong lớp 12. Hoá ra cô con gái của bà cũng đã từng vào mắt của hai ba anh thanh niên nông dân ở trong xã trong vùng. Cô thi trượt đại học nghĩa là cô không đi ngành nghề chi xa xôi mà là ở lại nhà, tại xã địa phương, lấy chồng sinh con đẻ cái. Họ chắc mẩm thế; nên đi lại, thăm nom, chuyện trò, đánh tiếng, ướm hỏi... Cô Nhung chẳng ừ một ai cả. Cũng là đúng với khớp của cha cô, ông Đặng Giàu. Ông một tay dắt xe đạp, một tay phẩy phẩy ra sau lưng như xua ruồi, nói trước khi lên xã nộp bảng thống kê về tỉ lệ sinh con thứ ba của thôn ông do bên tổ phụ nữ đưa sang hôm trước:

- Lấy một ông chồng nông đân để suốt đời ôm ấp miếng đất chó nhai đá, gà nhai rơm này hử? Phủi, phủi hết!

Bà vợ nhìn ông chồng ra khỏi cổng, ngơ ngác nghĩ thầm trong bụng: “Cái ông ni chưa già mà răng lẩm cẩm sớm rứa không biết! Định gả con cho người thành phố thôi a? Thời buổi ni hắn ưa ai thì lấy người nấy chơ! Mình ép uổng mà được răng?”.

Bà thở dài một cái. Lần này thì không phải thất vọng mà là lo lắng, băn khoăn...

Ở đời, chuyện gì phải đến thì nó cũng đến. Ba tháng sau, một buổi chiều trời vừa chập choạng cô Nhung đi làm về. Theo sau cô là một người trai trẻ cũng đi xe máy nhưng là xe tay ga. Nghe tiếng xe là lạ, bà Giàu đang sau vườn nhào ra trước sân đón con, một động tác mà lần đầu tiên mới xảy ra trong nhà này.

Cuộc đưa bạn trai về nhà trình diện với cha mẹ của cô gái cuối cùng cũng kết thúc trong sự vui vẻ, ít ra là cũng trót lọt cho đến khi chàng trai ra về đúng vào lúc cu Bơ lên tiếng:

- Buồn ngủ rồi, cha ơi. Em vô giường đây! Ông Giàu như sực tỉnh nhớ đến nhiệm vụ của mình, bèn dỗ dành:

- Ừ rồi...rồi! Em nằm trước một tẹo nghe, cha vô ngay giờ. Nào, để cha bỏ màn trước cho em!

Cũng là lần đầu tiên từ trước tới giờ, cu Bơ chịu đi ngủ mà chưa có sự quắp vào lòng của cha nó.

Chuyện gì của cô con gái từ khi sinh ra đến nay ông Giàu đều bỏ qua, mặc kệ hai mẹ con bà sắp xếp, lo liệu; giờ đây ông lại quan tâm đến đầu tiên; lại có phần hăng hái mà chứng tỏ rõ nét nhất là ông không đi ngủ cùng lúc với cậu con trai quí tử của ông. Ông lên tiếng trước với Nhung làm cô hơi giật mình:

- Thằng nớ năm ni mấy tuổi mà tau ngó mặt hắn hơi cưng cứng?

-    Dạ anh ấy ba tư.

-    Băm tư? - Ông Giàu chép miệng - tuổi nớ ở nông thôn mình đây, coi bộ con đã đi học cấp hai, hè?

-    Còn chi nữa về gia đình thằng nớ kể hết tau nghe coi!

Cô con gái nghĩ cha mình muốn biết tỉ mỉ cụ thể về chàng rể tương lai để dễ bề ứng xử sau này với gia đình anh ta khi đã trở thành thông gia; cô nhìn cha với nét cám ơn:

- Anh ấy đã kể cha mẹ nghe rồi, chỉ còn một chuyện nhỏ nữa thôi. Có lẽ sợ khuya, để cha mẹ nghỉ kẻo mệt, mai mốt anh ấy sẽ nói.

- Chuyện chi? Có quan trọng không?

- Dạ không!

- Sao lại nói không? Nói!

- Dạ... để con nói! Là... là anh ấy đã có một đời vợ, cưới nhau năm ngoái đã ly dị nhau bởi tính tình không hợp; họ chưa có con cái chi!

- Đó đó, tau nghĩ có sai mô! Băm tư băm lăm rồi chớ đâu còn ít... Ông Giàu đã dằn giọng.

Bà Giàu tỉnh khô, chêm một câu:

- Băm tư hay băm bảy, bốn chục đi nữa thì can chi! Miễn một bên chưa vợ một bên chưa chồng là được! Đúng pháp luật!

Ông chồng:

- Vậy là bà đồng ý?

Bà vợ:

- Con nhỏ nó ưng là tôi đồng ý. Lấy chồng cho hắn chứ lấy cho mình à?

Được sự đồng tình của mẹ, cô Nhung dường như được tiếp thêm sức, tiến tới với vẻ rất quyết tâm:

- Vậy con có thể thưa với gia đình anh ấy để họ coi ngày đi chạm ngõ bỏ trầu?

Lần này thì ông thôn trưởng không xua hai tay ra sau như đuổi ruồi nữa mà đẩy đẩy ra trước mặt như kiểu chối nợ:

- Không được! Không gả! Dứt khoát...!

Ông ngắt câu, im lặng hồi lâu mới đứng lên, hướng về giường của cậu con trai:

- Thôi đi ngủ! - Ông bỗng quay mặt lại về phía vợ con, trố mắt lên một cách thực sự ngạc nhiên:

- Lấy chồng à? Lấy chồng ư? Rồi thằng cu Bơ nhà ni học bài làm bài với ai? Hả hả?

Hai mẹ con nhìn ông với vẻ ngạc nhiên không kém, y như vừa gặp một người bị bệnh tâm thần ở đâu vừa đến. Họ tóe ra cười. Riêng bà mẹ thì cười nghiêng cười ngả như vừa bị ai cù vào nách.

 

H.N

 

Hồng Nhu
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 172 tháng 01/2009

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

08/05

25° - 27°

Mưa

09/05

24° - 26°

Mưa

10/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground