- Ở đây có mùi con gái, chúng mày ạ !
- Tiếc nhỉ ! Thế mà không được dừng !
Hai cậu xế ở đại đội 10, tiểu đoàn 32, đánh hơi bằng mũi như chó … giả cách khịt khịt, ở bên một cung đường cua gấp. Cậu xế thứ ba không nhập hội, chỉ tắt máy, tựa lưng vào ghế lái, gác tay lên cửa kính mà cửa kính bị bom rung bom giật vỡ béng tự hồi nào… tranh thủ lấy vài phút ... mơ màng.
Chợt có tiếng phà chở xe từ phía bờ kia sang. Người gác ba-ri-e chuẩn bị cho những chiếc xe vào phía trong chắn, để xuống phà. Các chú xế lúc này chỉ muốn bon qua trọng điểm, nên quên cả mùi con gái, cứ thế lao xuống. Chiếc xe thứ ba không lao qua ba-ri-e kịp, chỉ vì những chiếc xe com-măng-ca, chở đoàn cán bộ cao cấp, có thẻ ưu tiên được lao xuống bên trước nhất, sau đó là một chiếc xe văn công. Anh xế xếp hàng thứ ba đành ngủ thêm một giấc nữa, để chờ chuyến sau… Tiếng Đại đội trưởng đoàn xe từ phía dưới phi lên, giận dữ hỏi:
- Làm ăn được cái c… gì mà kỳ thế! Chúng nó ngửi thấy mùi văn công là nhũn như con chi – chi… Đến tận cuối cùng lại lao lên trước mà cũng cho đi … Thiến mẹ cái thằng gác ba-ri-e đi.
Có tiếng ồm ồm giả trai nói:
- Tôi đây, tôi là thằng gác ba-ri-e đây! Mời ông thiến đi…
Đại đội trưởng đang cáu nhường ấy, như bị một gáo nước lạnh giội xuống! Anh quay lại. Không phải là một thằng công binh bố láo nào, mà là một cô gái. Anh chưa kịp trả lời thì cái giọng giả trai ồm ồm biến mất, chỉ còn lại một giọng con gái thật trong trẻo:
- Này ở đây, tắc xe tắc phà đã nhận đủ các thứ văng tục của các cha lái xe rồi đấy. Đừng làm ô nhiễm thêm bến phà của chúng em nữa nhé!
Đại đội trưởng lại lâm vào một thế bí khác. Anh càu nhàu nói:
- Cái bến phà này, sao mà lắm chuyện thế! Rồi anh ta bỏ đi xuống phía dưới.
Chuyến phà sau đã sang mà vẫn chưa thấy người lái xe đứng ở trong ba-ri-e nổ máy. Không hiểu sao cô gái tiến lên phía ấy. Và một tiếng thích thú khi đoán trúng tình huống:
- Biết ngay mà! Này, anh chàng hay tranh thủ ơi, định sáng bạch mới vượt sông ư! Dậy! Dậy!
Chàng lái xe bị đập vào vai choàng thức. Cô gái cười soi đèn pin vào mắt và bảo:
- Qua trọng điểm cứ ngủ khì như ông này, cũng là một cách đỡ căng thẳng! Này, lúc nào về, muốn ngủ nữa, ghé vào lán, em cho ngủ nhờ!
Tiếng cười lại ròn tan. Chàng lái xe tỉnh ngủ, tỉnh hẳn, không cần phải vả khăn mặt ướt rề vắt sau vai, chưa kịp nhìn mặt cô gái hay trêu chọc, thì đã có tiếng còi xe ra hiệu xe xuống bến…
Tự dưng anh chàng lái xe háo hức hẳn lên. Rõ ràng là một câu hò hẹn! Được rồi, có dịp thì tớ sẽ ghé vào tận lán các em cho mà xem!
***
Chàng đến thật. Vẫn cô gái đánh thức anh, lần đầu tiên đánh thấy hơi con trai đến lán con gái, chạy ra đón:
- Anh là ai?
- Nguyệt phải không?
Cô gái ngỡ ngàng:
- Sao anh lại biết tên tôi
- Cô thì ai mà chẳng biết. Ngang dọc, tung hoành thế kia mà!
- Ăn với nói, thế mà cũng đòi đến Lán-con-gái
- Mình xin lỗi. Xế mà-em. Bỗ bã nhưng thật lòng. Chẳng thế mà chỉ nghe tiếng một lần, mà cứ gặp người là nhận ra Nguyệt ngay đó nhé!
- Rõ lém!
- Xế-mà-em!
Anh chàng đã ra vẻ đắm đuối. Mặt Nguyệt đanh lại. Cô để tay lên hông, nghiêm mặt lại:
- Lán chúng tôi chỉ đón người tử tế! Anh không có việc gì thì ra ngay đi!
- Có việc chứ!
Anh chàng ghé đến như định thì thầm cái gì. Rõ ràng Nguyệt nghe thấy tiếng anh run run cảm động. Rồi một giọng êm ái đến ngỡ ngàng, anh ta nói rất nhỏ:
- Nguyệt à! Em … anh yêu em! Anh yêu thật mà! Anh thích cái tính bướng bỉnh…
Và anh ta ôm chặt lấy vai Nguyệt, một sức trai thật khỏe. Bất ngờ, Nguyệt không phản ứng kịp và anh hôn trượt vào môi một cái.
Tự nhiên Nguyệt mất bình tĩnh, ú ớ kêu:
- Ơ hay! Ơ hay! Ơ hay!
Trong lán xô ra thêm hai cô gái, như để bảo vệ cho đồng đội. Họ sững người lại, ôm vai nhau giây lát. Tầng trong ở bậc thềm có hai ba cô gái nữa … Hai người đứng như trời trồng. Tim họ đập thình thịch, mặc dù, cả hai đều là dân bướng liều mạng…
Anh lái xe thấy mình là người có lỗi. Vội tự làm lành:
- Xin lỗi, trời tối, tôi vấp xô vào người Nguyệt thôi ấy mà!
Nguyệt thầm khen:
- Cũng thông minh đấy chứ!
Rồi anh ta lém lỉnh, tuôn ra một tràng:
- Lính xế chúng tôi rất phục tiểu đội thanh niên xung phong ở Bến phà này! Chỗ của các đồng chí ở ác liệt lắm, không thể dừng xe ghé thăm nhau được. Hôm qua tiểu đội xe của tôi, nhờ bến phà thông đường sớm, mà vừa bươn khỏi phà, là địch đánh luôn vào chỗ đậu xe. Thế là các đồng chí là ân nhân của chúng rôi rồi, còn gì nữa!
- Thôi đi ông tướng, vào trong này.
Nguyệt mời anh ta vào. Anh đặt lên bàn mười hai chiếc cặp ba lá, mười hai chiếc phong bì và những tờ giấy trắng, một gói kim mười hai chiếc, một cuộn chỉ đen, một cuộn chỉ trắng!
Các cô gái mừng rú lên, đến đón lấy quà, họ quên ngay những trục trặc ban đầu. Anh lái xe lập tức trở thành một thượng khách. Cả mười hai cô gái nhìn anh chàng lái xe. Quả là một gã trai ra trò, mập, khỏe, hơi đen một chút, đi gù gù như gấu, tính nết thì ruột để ngoài da.
Ngồi trước mười hai cô gái như thầy Đường Tăng lạc vào vương quốc con gái, mắt thì cứ nhìn hết cô này sang cô khác, chân tay ngượng ngịu không biết để vào đâu, có lúc nhân một cô đùa nhả, lập tức bá vai và ghì cô ta thật chặt. Nguyệt sắm vai chị cả. Cô nhìn anh lái xe mỉm cười. Có chút gì anh nhìn cô cảm mến. Có lẻ là nết hồn nhiên, thật thà…
Anh ta được đãi một bữa cơm rau, ngon như một bữa cơm hoàng đế. Hóa ra đám nữ này mới xin được một ít hạt giống, cũng là của cánh lái xe, thủ kho, nhúm “miền đất lửa” của các đội thanh niên niên xung phong…
Rau cải bẹ trắng ngần, rửa nước suối sạch, anh ta ngốn như bò ngốn cỏ non, ăn đến phình bụng, vừa ăn nhồm nhoàm, vừa khen ngon, mồm thì tán hươu tán vượn. Lâu lắm mới được một bữa của nếp, tiểu đội bữa nay ăn rất ít, mà nhìn một gã con trai như kẻ thiếu đường bữa nay có hẳn một cân. Chỉ hiểm không cho thìa, xúc mà ăn được…
Rồi chàng lái xe cũng ra đi, chân luýnh quýnh như một gã say rượu. Các cô gái đưa tiễn. Cả mười hai cô. Họ đi sau chàng trai. Chàng là quả cấm. Không một cô nào dám chạm vào.
***
Một trận bom đánh trúng vào tiểu đội. Chết sáu, bị thương nặng năm. Nguyệt bị sặc ngất, vào bệnh viện tiền phương cấp cứu thì tỉnh lại … Nguyệt hỏi các chị em. Họ nói, họ sống cả … nhưng khi ra viện thì Nguyệt mới biết. Trở lại cung đường, đại đội đã chết hơn hai mươi đội viên. Đám bị thương nặng cụt chân, cụt tay, đều phải đưa về tuyến sau cả. Bến phà ngày càng thêm ác liệt, lán phải đào thành nhà âm vào sâu vách núi mới an toàn, lại phải gần mặt đường, gần bến, khi có súng cấp cứu xe, cấp cứu hàng, mới băng nhanh mà tác nghiệp được.
Nguyệt được đề bạt làm tiểu đội phó. Cô ở trên Ban chỉ huy đại đội, nhưng đêm đến, cô lại về bến phà lo điều khiển mấy tiểu đội thanh niên xung phong phụ trách ở phía bắc và phía nam. Chàng lái xe bữa nọ bàng hoàng về cái tiểu đội nữ chàng đã đến thăm, hầu như bị xóa sổ. Một tiểu đội mới gồm các cô gái trẻ hơn, từ mười sáu tuổi trở lên, nhí nhảnh hồn nhiên, hơn cả các tiểu đội trước cũng không làm anh ham hố. Anh cứ nhớ về cái tiểu đội nữ trước, hồi Nguyệt làm a trưởng. Và bây giờ, thì anh và Nguyệt hầu như tối nào cũng gặp nhau một lần mới khỏi thấp thỏm. Song, tiếng thì có vẻ bạo dạn, nhưng lại độn khẩu, ăn không nên miếng, nói chẳng nên lời. Một buổi được nghỉ, anh mắm môi, mắm miệng viết một bức thư tỏ tình. Tất nhiên kèm theo bức thư còn hai mét phin nõn nhuộm gụ, mà anh đã đem gần mười gói mì chính nhờ đổi một chiếc đồng hồ Mô-va-đô cho một gã thủ kho…
Anh dúi thư và quà cho Nguyệt, rồi vù ga đi thẳng. Nguyệt nhận, soi đèn pin xem qua một lượt rồi nói:
- Anh chàng này rõ rách việc. Ngày nào chẳng gặp nhau mà thư với chẳng từ …
Tuy nhiên Nguyệt về lại giở xem và ướm thử vải. Cô ngắm trước ngắm sau màu vải, và ngay hôm sau tự cắt khâu cho mình một chiếc áo cánh rất đẹp.
***
Ở gần bên phà, ngay sát đuờng có một ngôi nhà gạch nhỏ. Một phụ nữ nạ dòng ở đấy. Cô ta không có chồng, hoặc chồng chết thì không rõ… Chỉ biết cô có một đứa bé gái khoảng mười một, mười hai tuổi. Quán ở trên đầu phà phía Bắc. Nếu ai từng qua đây những năm chống Mỹ, sẽ nhận ra đúng chỗ tiểu đội thanh niên xung phong bữa nọ đã trúng bom ở chính chỗ này… Trong nhà có một bàn thờ nhỏ, treo một khung ảnh đủ năm cô con gái. Những bức ảnh giữ trên vài chục năm, loà nhòa, phải đến gần mới nhìn rõ mặt…
Ngoài ra, cô chủ quán còn giữ một cuốn an–bom trong đó có đủ những đội viên ở đại đội do cô chỉ huy đã lần lượt ngã xuống ở bến phà này, và ảnh một chàng lái xe, đứng bên chiếc xe không kính, ngực chói đỏ hoa hồng của một hội nghị chiến sỹ thi đua và những chiếc huy chương, huân chương, chương đỏ khé… Lúc nào rãnh rỗi, đứa con ngồi vào học, cô lại thường giở chiếc an-bom ra chậm rãi xem hết tờ này ra tờ khác, thở dài, gập lại, cất cẩn thận vào trong tủ, rồi mới đi làm việc khác.
Một bữa, có một đoàn xe du lịch sừng sực đến bến phà. Phà đang sắp được thay bằng cầu. Trụ cầu đã làm xong, nhưng nhịp cầu đang được dựng và chờ ngày lao cầu.
Cô cứ tưởng là đoàn lãnh đạo của Bộ, của tỉnh về thị sát chiếc cầu này, chẳng ngờ, đó là đoàn đi tìm hài cốt lính Mỹ. Họ thả xuống đấy những viên sĩ quan Mỹ mặc quân phục, những chuyên viên nhân chủng học, những nhà lưu trữ, họ đi ngược lên phía núi và lan sâu vào trong rừng. Đến chiều, đoàn xe lại đón họ về khách sạn tỉnh…
Tự dưng Nguyệt thấy đau nhói ở trong lòng. Cô biết có hai, ba thằng giặc lái Mỹ đã bỏ xác ở đây. Chỉnh ở bến phà trọng điểm này, bằng súng trường, bằng cao xạ và cả bằng tên lửa nữa … Có ba thằng Mỹ chết mà Mỹ làm um-ti lên như thế là kẻ đánh người có qụyền thế nên người bị đánh lại trở thành kẻ phải nhẫn nhục. Ba thằng Mỹ chết ở trọng điểm này, nhưng nghĩa trang liệt sĩ trắng xoá những hàng bia kia, hiện có mộ chỉ có tên mà không có hài cốt, hoặc có hài cốt lại không có tên. Chỉ có gia đình một vài người đến tìm, đến hỏi, nào đã hoàn tất được việc đưa phần mộ liệt sĩ về quê hương đâu!
Sở dĩ Nguyệt còn mở quán ở đây, chính là vì những phần mộ bất chợt có người đến tìm ấy. Cô nhớ như in những chàng lái xe, những anh lính bộ binh của trung đoàn này, đại đội nọ chẳng may trúng bom Mỹ hi sinh ở đây! Hồi đó, Nguyệt làm đại đội phó lo việc chính sách thương binh, liệt sĩ cho quân đội của đơn vị, cho nên những trường hợp hy sinh ở bến phà không những cô chỉ ghi lại người của đơn vị mình, lẫn người của các đơn vị hành quân qua ngộ nạn nữa. Có mấy thằng giặc lái máy bay rơi ngay ở bến phà hay ở sâu trong rừng, đơn vị cô cũng phối thuộc với đơn vị ở xã hoặc bộ đội huyện sở tại đến tận nơi, chứng kiến và ghi lại những số liệu cần thiết về cái chết của chúng.
Nguyệt đã trở thành người nắm giữ những linh hồn đã chết ở bến phà này, kể cả phía ta và phía địch. Thường là dịp tết khi cúng giao thừa, ngoài việc khấn gia tiên, phật thánh về ăn tết với hai mẹ con Nguyệt, cô còn khấn cả những người đã chết ở bến phà này, ăn cái tết đạm bạc cùng mẹ con cô. Mấy chục năm rồi, tết nào cũng thế. Mỗi khi có ai đó lên bốc những nấm mộ mà cô đến tận nơi chỉ cho họ, thì trong lời khấn cô lại giảm đi một người, nhưng lòng cô lại hết sức bùi ngùi… Con bé con hay hỏi chuyện mẹ, mỗi khi, đến ngày chết của người nào đó của ngôi mộ trắng, hai mẹ con kiếm lưng cơm, cúng người đã khuất và đi thăm mộ…
Đoàn người tìm kiếm đã đi về đến hàng tháng trời mà hình như vẫn chưa có kết quả gì. Những trưa nắng, những người Mỹ mặt đỏ như mặt gà trọi, mệt mỏi về cái năng oi bức của Việt Nam, cố bươn chải khỏi giải núi đá, nhanh chóng chui tọt vào những chiếc xe ô tô Nhật, có máy điều hoà nhiệt độ và quay xe, chạy nhanh về khách sạn tỉnh…
Chưa thấy ai hỏi đến mình, Nguyệt vẫn điềm nhiên. Có tối cô giở cuốn sổ tay xem lại những ghi chép của cô về những tên giặc lái Mỹ…
Một buổi, người hơi mệt Nguyệt giao cửa hàng cho con gái và leo lên núi xem nơi họ tìm kiếm. Quả là họ đã đến được đúng toạ độ của chiếc máy bay rơi. Chính chiếc F4H này, sau khi thả một loạt bom bi, sát hại hai người thuỷ thủ ở bến phà, khi vừa ngóc lên thì ăn luôn đạn mười bốn ly năm của đơn vị phục kích ở một ngọn đèo đối diện. Máy bay đâm thẳng vào núi tan xác. Tất nhiên tên phi công đã được hoả thiêu trọn vẹn bằng một cuộc hoá thân bằng chất đốt kim khí và nhiên liệu đặc biệt. Hình như đoàn người đã bênh được mảnh cánh máy bay khá lớn không cháy hết… Nguyệt thấy một người Mỹ trưởng nhóm, chăm chú ngôi bên đống đất, tải ra từng tý để tìm lấy xác tên giặc lái, nhưng buổi chiều khi họ xuống núi Nguyệt đã thấy vẻ thất vọng của họ.
Sáu tháng sau, lại có một đoàn tìm kiếm hài cốt lính Mỹ quay trở lại. Lần này thì họ đến nhà Nguyệt. Một chuyên viên về phái đoàn tìm kiếm hỏi:
- Thưa bà, tôi rất hân hạnh được biết, bà từng là người nữ đội viên rồi trở thành chỉ huy đơn vị làm đường ở bến phà này.
Nguyệt gật đầu!
- Tôi nghe nói, bà biết toàn bộ trường hợp người Mỹ đã chết trận ở đây?
Nguyệt lại gật đầu.
- Tôi muốn được bà cung cấp cho những trường hợp ấy. Đó là công việc phái đoàn tìm kiếm hài cốt lính Mỹ của chúng tôi phải tiến hành!
Nguyệt ngồi lặng thinh không nói gì cả!
Một người phiên dịch cũng là người được cử đi phối hợp với phái đoàn Mỹ nói với Nguyệt:
- Chị xem thế nào, nếu còn nhớ thì cung cấp cho họ. Tháng trước chúng tôi đã mất hàng tuần, tài liệu của huyện cho biết khá chuẩn xác, nhưng không tìm thấy một cục xương nào!
- Tìm thấy sao được - Nguyệt nói - Thằng chết băm thả bom bi hôm ấy, máy bay đã cháy hàng giờ liền khi bị bắn hạ thì xương nào mà còn được nổi nữa.
Người phiên dịch gật đầu.
Chuyên viên người Mỹ được dịch lại. Ông ta lúi húi ghi, buồn ra mặt. Ông ta hỏi lại:
Bà còn biết những trường hợp nào khác nữa không?
Nguyệt nghiêm sắc mặt lại trả lời:
- Tôi biết, nhưng tại sao tôi phải làm việc này kia chứ! Tại sao tôi lại phải ân nghĩa với kẻ đã dội bom xuống đầu sát hại những bạn bè thân yêu nhất, những đồng đội gắn bó nhất với đời tôi.
Tự nhiên nước mắt Nguyệt chảy xuống ròng ròng.
Được phiên dịch lại, chuyên viên người Mỹ không phật lòng lại tỏ ra rất kính trọng.
Ông cảm ơn Nguyệt rồi lặng lẽ trở về, không nói thêm một câu nào.
Hai tuần sau, vẫn phái đoàn ấy, lại đi xe ô tô con đến tìm Nguyệt ở quán nước bên đường. Họ đem theo hai người đàn bà Mỹ. Một tóc trắng như bông, một khoảng gần năm mươi tuổi. Hai phụ nữ Mỹ này, bước chân ra khỏi xe, nhìn thấy bến phà thì oà khóc… Họ khóc ngạt cả tiếng, có lúc lại nấc to lên như đứa trẻ… Mãi sau họ mới vào ngồi trong hàng quán của Nguyệt. Nguyệt mời khách vào trong nhà. Cô đã mủi lòng. Cô đoán hai người Mỹ này có thể là vợ và là mẹ của những thằng giặc lái đã bỏ xác ở đây.
Chuyên viên người Mỹ nói:
- Thưa bà Nguyệt đây là mẹ của đại uý William, còn đây là vợ của thiếu tá John. Họ bay từ Mỹ sang, khi biết bà là nhân chứng sống biết được chỗ mà con và chồng họ đã chết … Họ chỉ mong bà kể lại, và nếu có thể biết thêm gì thì cung cấp cho chúng tôi…
Lòng Nguyệt bời bời trăm thứ. Nghĩ đến đồng đội hy sinh của mình, lắm lúc Nguyệt ghét những kẻ đã xé nát đất nước, gây bao tai hoạ, làm xoá trộn cuộc sống của dân mình hàng chục năm liền dưới mưa bom bão đạn. Nhưng khi nhìn nỗi đau khổ kéo dài hàng chục năm trời của những người đàn bà Mỹ này thì chị lại mủi lòng.
Nguyệt thở dài nói:
- Vì hai người đàn bà này, tôi xin chỉ mộ hai người lái máy bay Mỹ đã chết trận ở đây…
Cả hai người phụ nữ Mỹ đến ôm chầm lấy Nguyệt gục vào vai chị và khóc khi biết điều này…
Họ nói:
- Chị mới thật là người phụ nữ cao cả và đáng khâm phục.
Công việc tìm kiếm mất đúng một tuần nhưng suôn sẻ. Phái đoàn Mỹ hân hoan lắm, coi như một thành tích lớn. Họ muốn thù lao cho Nguyệt, riêng hai phụ nữ Mỹ thì muốn mời Nguyệt sang Mỹ chơi với họ. Họ sẽ mời chị ở chơi bên ấy hàng tháng cũng được.
Nguyệt chỉ vào đứa con, nói với họ:
- Tôi còn cô bé con này. Cháu phải đi học.
- Thì chị đưa cả cháu sang, vào dịp nghỉ hè!
Nguyệt lại chỉ vào cái nghĩa trang còn đầy mộ của đồng chí mình và nói:
- Nhưng còn những ngôi mộ trắng này nữa. Những linh hồn ở đấy không cho tôi đi.
Được phiên dịch lại, hai người đàn bà Mỹ liền theo cách riêng của mình. Họ nhìn Nguyệt, ứa nước mắt trìu mến và nói:
- Tôi hiểu. Tôi hiểu. Thật là kỳ diệu! Việt Nam, Việt Nam, thật là kỳ diệu!