Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cô gái đánh xe ngựa xứ tuyết

Tuyết rơi trắng thủ đô Minsk, riêng những cây thông giữ được màu xanh lá tự nhiên nhất. Chúng tôi được nghỉ đông hai tuần sau kỳ thi. Sinh viên bản địa đã về nhà đón năm mới cùng gia đình. Ký túc xá vắng ngắt. Còn lại mấy sinh viên ngoại quốc, và Nada, cô sinh viên có nhà ở ngoại ô thành phố, cách ký túc xá chừng ba chục cây số.

Buổi sáng, Nada sang phòng tôi chơi. Tôi khá bất ngờ khi thấy cô bạn tóc vàng bước vào.

- Cậu không về nhà sao, Nada?

- Cảm ơn cậu đã quan tâm. Năm nay tớ ở lại đây vui với các bạn ngoại quốc. Và còn một dự định nữa. Tớ có một kế hoạch nhỏ, cần cậu giúp.

Ba năm ở Belarus, tôi luôn nhận được sự giúp đỡ từ Nada. Những ngày đầu mới sang, cô dẫn nhóm sinh viên Việt Nam đi chợ, hướng dẫn cách đổi tiền và tham gia các phương tiện giao thông. Sau đấy, Nada bày chúng tôi phương thức học, đưa chúng tôi đi thư viện. Tôi rất biết ơn cô bạn gái nhỏ nhắn. Nhưng Nada chỉ cười, bảo đó là trách nhiệm của mình. Một thứ trách nhiệm tự nhận, không bị ai gán buộc, xuất phát từ tính cách cộng đồng.

Lần này nghe Nada nhờ giúp, tôi mừng, vậy là có dịp để đáp ơn bạn rồi. Tôi vui vẻ và hấp tấp nhận lời ngay, cứ như sợ Nada rút lại lời cậy nhờ. Tôi ngồi chăm chú lắng nghe cô kể về kế hoạch nhỏ.

Cuối kỳ nghỉ đông là đến giáng sinh. Nada muốn làm một cô công chúa tuyết đi phát quà. Chuyện phát quà giáng sinh không có gì mới. Đấy là tục lệ có ở xứ này từ trăm năm trước. Những đứa trẻ sẽ nhận được quà vào đêm giáng sinh ở gốc cây thông trong nhà. Các tổ chức xã hội năm nào cũng chia nhau phân vùng làm nghĩa cử này. Nhưng kế hoạch của Nada có khác một chút. Cô sẽ đi phát quà cho những người già neo đơn.

Minh họa: THANH THỌ

Minh họa: THANH THỌ

Dân số thành phố đang bị già hóa. Và những người già sống cô độc ngày càng nhiều lên. Tôi đã có lần đi cùng Nada thăm mấy khu chung cư cũ. Mỗi căn hộ được ngăn cách nhau chỉ một bức tường nhưng họ sống độc lập. Những người già cũng sống tự lập. Hỏi ra mới hay con cháu xứ này không có nếp tục sống với cha mẹ. Nada bảo như thế có cái hay, đó là các cặp vợ chồng không cần sinh nhiều con cái như các nước Đông Á, càng không nhất thiết phải sinh con trai. Giới tính được bình đẳng hơn. Nhưng mặt trái của nó là những người già không được con cháu chăm sóc chu đáo. Có khi chết bất đắc kỳ tử trong nhà chẳng ai hay.

Tôi tán thành kế hoạch nhỏ của Nada và rất vui khi được giúp sức cùng cô.

- Vậy tớ nhờ cậu đóng vai ông già Noel nhé - Nada hỏi.

Tôi đáp sẵn sàng thôi. Chỉ đơn giản là hóa trang và vác một túi quà to đùng đi cùng cậu thôi chứ gì.

- Đúng. Nhưng còn một việc nữa. Cậu phải đánh xe ngựa.

Tôi bắt đầu cảm thấy ngần ngại. Tôi đâu biết đánh xe ngựa. Ngay cả cưỡi ngựa cũng chưa hề. Tôi thắc mắc. Sao chúng ta không dùng phương tiện giao thông công cộng để đi cho tiện. Nửa đêm giá rét đi xe ngựa khó lắm đấy.

Nada cười.

- Lại bắt đầu sợ rồi phải không. Này nhé, phương tiện giao thông công cộng thì không chắc sẽ hoạt động vào tầm giờ đấy. Hơn nữa, có những chỗ chúng ta cần tới rất xa trạm đỗ xe. Mà, ông già Noel và công chúa tuyết thì phải đi bằng xe ngựa mới phải chứ nhỉ.

Tôi đành thú nhận với Nada là mình không biết đánh xe ngựa. Mà xe ngựa ở đâu ra bây giờ. Thành phố này chỉ những dịp lễ lược mới thấy vài con ngựa trưng ra diễn cảnh. Kiếm ngựa ở thủ đô là chuyện khó khăn.

Nada suy nghĩ một lát rồi ồ lên.

- Tớ sẽ đánh xe ngựa. Công chúa tuyết chở ông già Noel cũng được chứ sao.

Làng quê của Nada là một vùng thảo nguyên rộng. Cô đã được bố tập cho cưỡi ngựa từ bé. Trẻ con ở đây được rèn tính tự lập lúc nhỏ. Ba tuổi vấp ngã. Tự đứng dậy. Mười hai tuổi háo hức muốn leo lên yên ngựa. Cho lên luôn. Mười bảy tuổi bắt đầu đời sinh viên là như tự túc kiếm sống. Học phí đã có nhà nước lo, cộng thêm một khoản đài thọ nữa. Muốn sống tốt hơn thì tự kiếm việc mà làm. Xứ này việc cần người chứ người không đôn đáo tìm việc. Tính tự lập thành ra một bản năng sống, cho đến lúc về già. Già mà tự lập thì đồng nghĩa neo đơn.

Chúng tôi thống nhất với nhau về chuyện xe ngựa, hẹn nhau buổi chiều sẽ bắt đầu đi mua quà về bọc gói. Nhưng buổi chiều có một trục trặc nhỏ, mẹ Nada tới ký túc xá. Kỳ nghỉ đông không thấy cô con gái về nhà nên bà tìm lên tận đây. Một hồi trò chuyện, hai mẹ con có vẻ bất đồng. Bà muốn con gái về nhà đón giáng sinh đón năm mới với gia đình. Nada xin mẹ ở lại, cô có một kế hoạch nhỏ quyết tâm phải làm bằng được. Bà mẹ miễn cưỡng đồng ý và chúc con may mắn. Phụ huynh ở đây luôn biết cách tôn trọng giới trẻ. Có lần Nada đã nói cho tôi biết điều đó. Cô bạn còn nói thêm rằng tự do dân chủ không chỉ là một phạm trù xã hội rộng, nó phải được xuất phát từ một cộng đồng nhỏ hơn, ngay trong gia đình.

Nada đưa mẹ sang phòng tôi chào về và bảo đây là bạn đồng hành cùng con. Bà mẹ ngắm nhìn tôi ái ngại. Chắc là trông bộ dạng nhỏ con của tôi khiến bà không yên tâm.

Bà mẹ về rồi, tôi chợt thấy mình khó xử. Cứ như thể chính tôi đã góp phần làm cho bà buồn. Chỉ vì sự nhiệt tình, chỉ vì muốn đền đáp cho Nada mà tôi ủng hộ cô bạn. Đâu ngờ điều đó lại khiến mẹ cô không hài lòng.

Buổi tối, Nada lại sang phòng tôi để bàn tiếp kế hoạch. Tôi cũng tìm cách để ngăn cô bạn.

- Nada này, tớ nghĩ thay vì quan tâm tới những người khác. Cậu nên về nhà với mẹ thì hơn.

Nada mỉm cười.

- Cậu nản chí sớm thế. Mẹ tớ còn khỏe, và đã có anh trai tớ cùng đón năm mới rồi. Tớ không muốn mình ích kỷ khi chỉ nghĩ đến người thân mà quên mất cộng đồng. Nếu cậu không tham gia cùng thì cũng chả sao. Tớ sẽ đi một mình.

Đến nước này thì tôi không còn từ chối Nada được nữa. Cô bạn gái nhỏ nhắn nhưng ý chí và nghị lực thật kiên cường. Trước khi về, Nada còn nói rằng giới trẻ chúng ta thường có chút ích kỷ. Sự ích kỷ giết chết tâm hồn.

Nada đi tìm thuê ngựa. Chuyện bà mẹ lên tận ký túc xá khiến Nada không thể quay về làng để mượn ngựa xe được nữa. Cô không muốn làm phiền những người thân ở dưới quê, thể nào họ cũng can ngăn cô. Buổi trưa Nada hí hửng khoe đã mướn được ba con ngựa và cỗ xe song mã ở trên Nyamiha. Thừa ra một con ngựa, Nada bảo để phòng ngừa. Mùa rét mướt có khi ngựa bị lụy rất nhanh. Mướn ba con, đến lúc đi sẽ chọn hai thôi. Cỗ xe bằng gỗ đã được đưa về trước sân ký túc xá. Ngựa thì đến buổi chiều trước giáng sinh mới đưa về. Nada mua thêm hoa lá bằng nhựa về trang trí. Chỉ trong buổi chiều cỗ xe đã hoàn thành, đẹp như cỗ xe tuần lộc trong mấy bức ảnh. Nada thuê một bộ đồ công chúa tuyết màu xanh. Thêm một bộ đồ ông già Noel cũng màu xanh cho tôi. Hai chúng tôi vận bộ đồ vào. Trông cũng chả kém gì các nhân vật cổ tích.

*

Mười giờ đêm, Nada dắt ngựa ra móc cỗ xe vào. Tôi sắp quà lên xe. Nada đã có sẵn một danh sách và địa chỉ hai chục người già neo đơn trong thành phố. Tôi liếc nhìn qua, thấy có những địa chỉ ở khá xa. Đi hết danh sách nhanh lắm cũng phải mất ba giờ đồng hồ.

Nada khá thành thạo việc đánh ngựa. Cưỡi một con ngựa đã không dễ, đằng này cô điều khiển luôn cỗ xe song mã. Tôi hơi ngần ngại khi ngồi lên xe. Nada mỉm cười bảo yên tâm, cô là con của nông dân miền cỏ thật sự, đánh ngựa như đi xe đạp.

Cỗ xe lướt qua mấy đại lộ. Tuyết phủ một lớp mỏng xốp mềm nên ngựa đi khá chững. Hai bên đường thỉnh thoảng có những cây thông lớn được móc đèn trang trí sáng nhấp nháy. Những chùm quà biểu tượng treo lủng lẳng trước các cửa hiệu. Từng nhóm người nhào ra đường đi chơi giáng sinh. Vài thanh niên đã chuốc rượu vodka đỏ phừng mặt giữa cái lạnh dưới mười độ âm.

Xe ngựa giáng sinh không phải là chuyện lạ ở đây. Các dịch vụ phát quà và nhiều tổ chức xã hội khác vẫn có xe ngựa đi ban phúc. Nhưng có lẽ xe ngựa của hai chúng tôi lạ lẫm hơn cả vì có một cô gái điều khiển. Một cô công chúa tuyết nhỏ chở một ông già Noel người Đông Á nhỏ thó. Nhiều người bên đường vẫy tay chào.

Cỗ xe ngựa rẽ khỏi đường lớn, men giữa vườn cây trơ lạnh. Đi một quãng xa mới tới khu nhà cũ, địa điểm đầu tiên của hành trình phát quà. Lúc này mười một giờ đêm. Mấy cột đèn đường sáng rọi, có thể nhìn thấy tuyết trắng bọc quanh nhà. Cảnh ấy làm cho khu nhà thêm lặng ngắt và trơ trọi.

Nada đánh ngựa vào trú dưới chỗ để xe. Căn nhà chung cư cũ kỹ vẫn còn sáng những ánh đèn vàng qua ô cửa kính. Chúng tôi gõ cửa căn hộ đầu tiên. Nghe rõ tiếng dép lệt quệt đi chậm ra mở cửa. Cụ mời chúng tôi ngồi ở ghế dùng trà rồi lắc đầu qua phía cây đèn nến leo lét, ý bảo giáng sinh của tôi là thế. Tiệc giáng sinh của cụ chỉ có bánh mì đen vuông vức đặt trên dĩa. Mùa rét, bánh mì đen là món ăn rất tốt cho sức khỏe và nhà nào cũng sẵn có. Bánh mì dùng để ăn thường xuyên, không phải là thứ được chuẩn bị đón lễ. Coi đó thì biết cụ già không sắm sửa gì cho giáng sinh cả. Cụ lấy dao, run run khứa khúc bánh mì thành những lát mỏng. Nada lấy trong túi ra một hộp trà biếu cụ rồi cầm lấy mẩu bánh mì đen trên bàn cho vào cái túi khác. Ở đây, nếu người ta mời gì mình không ăn thì nên mang về, để trân trọng tấm lòng của họ.

Khu chung cư này còn thêm hai suất quà cần trao. Suất tiếp theo là một cụ ông nghèo làm nghề nhặt ve chai thường luẩn quẩn quanh ký túc xá của chúng tôi. Ông cụ nhận ra tôi ngay và tôi rút thuốc mời cụ ba điếu, như thường lệ mỗi lần gặp. Chính cụ là người đã dạy cho tôi biết xứ này không dùng số chẵn, vì chẵn là âm, lẻ mới là dương. Nên mời thuốc phải là một điếu, hoặc ba điếu. Nada tặng cụ cái mũ len đội đầu giữ ấm.

Các suất quà tiếp theo lần lượt được tặng. Những đôi bít tất, những đôi găng tay ấm hay một chai rượu vodka… Những món quà quen thuộc giản đơn nhưng ấm áp vô cùng. Chúng tôi nhận về một túi bánh mì đen và những cái gật đầu cám ơn.

*

Đó là giáng sinh cuối cùng tôi ở Minsk. Năm sau tôi về nước. Đến giáng sinh Nada vẫn gửi cho tôi bức thư email kể chuyện đi phát quà một mình. Phát tự nguyện, không vận động không xin nhờ ai. Tiền mua quà là học bổng của cô gom góp trong mấy tháng.

Rồi cô hỏi ở Việt Nam tôi có tặng quà cho ông bà không. Tôi trả lời quê tôi không có tục lệ đón giáng sinh. Tặng quà cho ông bà trong dịp này có vẻ buồn cười, hơi thiếu tự nhiên. Nếu có tặng quà giáng sinh thì chỉ dành cho trẻ con thôi, hoặc những người đang yêu tặng quà cho nhau.  

Nada bảo cậu biết không, ông cụ được chúng mình tặng cái mũ len, năm nay đã không còn nữa. Cả cụ bà được tặng đôi bít tất cũng đã qua đời. Những món quà chúng ta tặng họ chỉ dùng được một mùa đông rồi thôi. Nhưng đó là sự ấm áp sau cùng mà chúng ta mang đến được cho họ. Những người già, họ như lá mùa đông, lắt lay và thèm khát hơi ấm

 

TRÚC AN

Mới nhất

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Trăng biên giới; Có một nơi xa nào

23/12/2024 lúc 16:54

Trăng biên giới Ánh trăng là ánh đènĐêm tuần tra biên giớiBước chân không biết mỏiTrăng làm bạn thân quen Trăng lên cao dốc đứngNhìn rõ những

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/12

25° - 27°

Mưa

28/12

24° - 26°

Mưa

29/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground