Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cô giáo hợp đồng

 

 

Liên cắp con bé mới giáp tâu (12 tháng tuổi) về mẹ. Dì Sáu bức xúc: Người ta nói sồ sồ ngoài chợ kìa, chồng bỏ vì có chữ mà không có hạnh. Ỷ học hành bằng cấp rồi coi nhà chồng không ra gì, chửi sắp lượt. Trời ạ, đồn chi đồn ác dữ không biết. Biết nói sao giờ, muốn người ta hiểu cũng đồng nghĩa muốn được tha thứ. Hôn nhân đứt gánh. Nói cho cùng, cái lỗi trầm trọng nhất là chưa tìm được việc làm, mà đó đâu phải lỗi tự thân, vậy cần quái gì phải “muốn được tha thứ”. Nín thinh. Không tỏ ra buồn bực, khổ sở. Và như thế, Liên chẳng buồn khóc.

 Liên chẳng muốn nhắc về cuộc hôn nhân tồi tàn đó nữa. Hồi yêu thề thốt sống chết vì nhau. Cưới về đổ nản. Chưa được hai năm. Sống chung thấy nhục quá chừng. Chồng quần áo bảnh bao đi làm, mỗi lần đưa tiền cho vợ thái độ y như nhét cục tiền cho câm họng. Đấy là chưa kể chuyện đi làm được mấy tháng, toan đoạt ghế trưởng phòng, mưu chuyện ra nước ngoài làm chủ đại lý. Mà cô con gái ông giám đốc sẽ là chìa khóa để mở cánh cửa danh vọng đó. Đấy là lý do cứ cằn nhằn “sống với nhau không hợp”. Ok. “Không hợp” thì đường ai nấy đi. Hôn nhân nhầm chỗ, chia tay hạnh phúc hơn ngày cưới gấp mười.

 Vậy đấy, đàn ông lý trí luôn đặt vợ con sau sự nghiệp. Đàn bà lý trí đặt tự trọng lên đầu. Lựa chọn nào cũng trả giá. Đời đơn giản như đang giỡn.

 Không đi dạy được thì làm chuyện khác. Liên xin đi làm ở khu công nghiệp, một xưởng may, lương tháng hơi thấp vì tay nghề chỉ ở dạng “học việc”. Không sao. Lao động là kẻ thù của đói khát, nó còn là giải pháp tốt giúp “cải tạo” tinh thần. Từ từ rồi mọi thứ sẽ ổn.

 

2.

Tuần rồi về giỗ họ. Tôi nhỏ tuổi, vai vế thấp nhưng nhờ cầm phấn mà về họ, mấy bậc cao niên trưởng thượng đều gọi “thầy” bằng thái độ quý mến. Người này gắp, người kia hối ăn. Nhưng không thể, bệnh tôi kiêng khem đủ thứ. Nội Hai, trưởng họ hỏi thăm:

 - Nghe nói thầy giáo mới đi Sài Gòn về hả? Bệnh sao rồi?

 - Tiểu đường rồi giờ thêm thoát vị đĩa đệm và đại tràng. Cơ khổ! Cái thằng tạp ăn giờ phải kiêng khem tất tật các món thuốc lá, bia rượu, cà phê, chè cháo, thịt thà các loại.

 Chú Tư chọc:

 - Có kiêng vợ hem?

 - Dạ, vụ ấy cũng hên xui. Nhưng cứ làm theo lời ông bà cho chắc. Có ghẻ né ruồi.

 - Sống vậy thôi chết quách…

 - Dạ. Phải chết được đã phước! - Tôi trả lời bằng giọng têu tếu rồi cười hề hề.

 - Không chết thì lo chữa chạy.

 - Dạ, chưa được Diêm Vương gạch sổ thì phải tận lực chữa chạy chứ đâu thể để mình bò lê bò càng được.

 - Mày đi dạy, vợ ở nhà nấu cơm, vậy tiền đâu nuôi bệnh?

 - Dạ. Không có thì mượn. Mượn không được thì vay.

 Chú Tám nghe tôi nói, khuôn mặt bỗng bi thiết. Chú bảo, ít nhiều cũng có lương. Lương ít còn vay được, đây thèm vay mà không được nè. Tôi chưa tìm được câu trả lời tự trào thì chú thở hắt, nói tiếp:

 - Con bé ở nhà nó thèm dạy đến nỗi nếu người ta kêu đi dạy nhưng chỉ trả cơm ba bữa chắc nó cũng đi. Nghĩ mà buồn. Buồn muốn khóc. Ráng bóp họng bóp hầu cho con đi học rồi cầm bằng đại học về ẵm con.

 - Thôi, chú động viên em chờ thêm một thời gian, rồi sở sẽ tổ chức thi công chức để tuyển giáo viên. Em ấy đi thi, nếu đậu sẽ được bổ nhiệm thôi.

 Tôi nói động viên vì hiểu cảm giác nóng ruột nóng gan này. Học xong chỉ muốn đi làm liền, trai trẻ mà. Tôi ngày xưa được đào tạo theo chỉ tiêu nhưng ra trường trên bảo đủ biên chế rồi. Hụt hẫng (có phần hoang mang) vì nguy cơ không xin được việc. Cũng may, hồi đó miền núi còn thiếu giáo viên, vậy là te te ôm hồ sơ lên núi.

 Rồi bỗng nhớ trường tôi mới nâng từ cấp 2 lên cấp 2-3. Môn Toán có sáu giáo viên nhưng sắp tới sẽ đi học tiếp một, một chuẩn bị nghỉ thai sản, quan trọng hơn là trường đang thiếu giáo viên Toán cấp 3. Tôi nói: hay bảo em lên trường cháu dạy hợp đồng, trường đang thiếu giáo viên môn Toán.

 Chú Tám mừng rỡ báo con, Liên gật đầu cái rụp.

 3.

Lương giáo viên hợp đồng, mỗi tháng gần ba triệu. Liên mừng lắm. Tôi động viên:

 - Vậy được rồi, lương bổng bây giờ cải thiện nhiều. Ráng nghen!

 - Dạ hi hi… (phấn khởi cười giòn tan).

 Giáo viên hợp đồng nhưng Liên lăn xả vào công việc. Tuần đầu đã xin tiền bối cho dự giờ, ngạc nhiên hơn, mạnh dạn nhờ dự giờ góp ý giùm, cả xin tiết dạy để trải nghiệm nhiều khối.

 Tôi đi dự giờ. Em thuần thục, nhuần nhuyễn như giáo viên có thâm niên. Giọng nói, cử chỉ, cách truyền tải từng mục từng phần, mọi thứ đều thể hiện rất sư phạm - cung cách đó cho người dự cảm giác em sinh ra để làm cô giáo. Tôi mừng lắm, góp ý chân tình những thứ lặt vặt trong tiết học để em điều chỉnh cho hoàn thiện rồi khen, tuổi trẻ tài cao.

 Học tập kinh nghiệm giảng dạy của tiền bối là ưu tiên một, ưu tiên hai Liên dành cho công tác Đoàn. Có một chân trong ban chấp hành Đoàn trường (trường thiếu trầm trọng giáo viên tuổi Đoàn), em thực hiện công tác phong trào hiệu quả và sáng tạo. Không có ý kể lể dài dòng như đang làm báo cáo thành tích xét thi đua mà đích đến là tri ân cô giáo trẻ tràn trề nhiệt huyết và hăng say truyền lửa. Liên kêu gọi học sinh phân loại rác. Rác tái chế và rác bỏ đi. Đã có những sản phẩm từ học sinh được làm từ rác. Thời trang rác là chuyện nhỏ. Liên kêu gọi học sinh đến với khoa học, hàng tuần gửi về cô những ý tưởng sáng tạo, được duyệt, được tuyên dương (cả khen thưởng). Đã có những kết quả đáng ghi nhận. Học trò làm được máy hút bụi, mic, rô bốt từ những cục pin điện thoại hỏng. Còn nữa, em có tài trong việc vận động các nguồn hỗ trợ. Các đoàn thiện nguyện về trường, học sinh khó khăn được hỗ trợ, tiếp sức.

 Năng động, tháo vát và tạo hứng thú. Nụ cười luôn nở trên môi. Nhìn thấy phong thái của em, ngay cả tôi cũng phải ganh tỵ, muốn trở về thời U30.

 Niềm vui ngắn chẳng tày gang. Đến giữa học kì II, có sự thay đổi.

 Trong cuộc họp, thầy hiệu trưởng thông báo: giáo viên hợp đồng không được hưởng phụ cấp đứng lớp mà chỉ được hưởng lương theo tiết dạy. Tiết dạy của giáo viên hợp đồng được chia sau khi giáo viên trong biên chế đã đủ tiết, có nghĩa sẽ dạy số tiết dôi dư. Và thầy thông báo thêm chuyện thầy Việt tổ Toán dự định đi học nhưng vì chuyện nhà không thu xếp được nên phải hoãn. Điều đó có nghĩa tổ Toán ổn về nhân sự.

 Cho Liên nghỉ thì tội, thì tiếc. Tổ trưởng tổ Toán động viên cô Lan nghỉ thai sản trước thời hạn (sắp hè) để Liên có cơ hội dạy thêm, cho trọn năm học luôn.

 Liên vẫn tiếp tục dạy. Tuần 7 tiết.

 Em ngồi trong nội trú, nước mắt chảy ròng ròng, lương vầy em chẳng biết lấy gì nuôi con. Tôi chẳng biết an ủi sao, đành nói:

 - Gặp thời thế thế thời phải thế. Em còn đỡ chứ bé Họa dạy Hóa, tuần có 4 tiết mà vẫn bám trường bám lớp. Thôi ráng, vạn sự khởi đầu nan.

 - Nhiều lúc muốn nghỉ dạy. Nhưng chẳng lẽ dạy chưa được năm lại ôm gói về quê, làng xóm sẽ hỏi: dạy sao mà bị đuổi? Người ta sẽ trêu cô giáo… “mất dạy”. Nhục chết luôn.

 - Cô gái mạnh mẽ mọi ngày đâu? Không được yếu lòng, đặc biệt lúc này. Lựa chọn nào cũng trả giá. Em đã chọn đam mê thì không được khóc than khi gặp sự cố. Có sức chơi có sức chịu.

 - Dạ…, anh!

 - Chưa được, “dạ” thẳng thớm lên coi.

 - Dạ.

 - Ok.

 Liên kiếm thêm nghề tay trái, vừa đi dạy vừa bán hàng online. Lập cả chục facebook. Bán từ bảo hiểm các loại, sách giáo khoa các cấp, thẻ điện thoại, mỹ phẩm, quần áo, đồ chơi, kẹp cài…

 Liền sau đó, trên có quyết định cắt giáo viên hợp đồng. Nếu thiếu quá, căng quá thì hợp đồng đỡ nhưng trường tôi thu xếp ổn thỏa. Vậy là làm bữa party nho nhỏ chia tay em.

 Tuần sau đó, tôi có việc ghé lại phòng bảo vệ liền ghé mắt dòm vô nội trú. Căn phòng của Liên bây giờ bỏ vào những chiếc nệm của môn Thể dục. Anh bảo vệ nói cô Liên đi rồi. Người đi nhưng mọi thứ vẫn còn, cô ấy chẳng buồn lượm nhặt. Chiếc giường, cái gối ôm, đôi giày, hộp phấn, cây son, cái chổi, nồi cơm điện, chén, đũa… Tất tật những đồ dùng cá nhân còn nguyên vẹn. Anh ngậm ngùi: nhìn cảnh Liên đi khỏi trường chẳng cầm được lòng. Thất thểu đi bộ ra ngã ba, hai mắt đỏ hoe, đón xe về với con…

 

* * *

 Khai giảng năm học mới. Thầy Việt chuyển trường.

 Thiếu một chân, tôi nghĩ ngay đến Liên, nhưng nghe chú Tám bảo em đã vô Sài Gòn làm. Thương em quá, nhưng cũng chẳng biết tính sao.

 Chúng tôi gánh tiết của thầy Việt được non tháng thì trường có giáo viên mới về sau khi vượt qua kỳ thi công chức. Ai cũng ngạc nhiên, vui sướng khi thấy giáo viên mới là đồng nghiệp cũ. Chúc mừng Liên nha, nhiều câu nói cất lên cùng lúc.

 Riêng tôi, tôi lại đặt tay lên vai em, vỗ mạnh rồi nói: xã hội không bao giờ từ chối những người trẻ tận trí tận tâm...

Nguồn: Báo Phú Yên

http://www.baophuyen.com.vn/93/230393/co-giao-hop-dong-%E2%80%93-truyen-ngan-cua-nguyen-thi-bich-nhan.html

NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 302 tháng 11/2019

Mới nhất

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

1 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground