Bầu không khí nơi đây trong lành và mát mẻ, sáng sớm luôn vương chút giá lạnh khi màn sương dày đặc ôm lấy núi non. Lòng mình khẽ run lên, không hẳn là vì cái lạnh, mà bởi sự lạ lẫm trước khung cảnh hoàn toàn mới lạ này. Nơi đây xa cách thành thị, xa cách những tiện nghi hiện đại mà mình từng quen thuộc. Như thể mình đang dấn bước vào một hành trình đầy thách thức và không biết điều gì đang chờ đợi phía trước.
Đó là dòng nhật ký Thư viết cách đây ba năm, vào bữa đầu tiên đặt chân lên miền núi, lòng ngổn ngang những cảm xúc khó tả. Trước mắt cô là những dãy núi nối tiếp nhau, trập trùng và ngút ngàn cây cỏ. Nhà ở đường quốc lộ, từ nhỏ Thư đã quen với những âm thanh ồn ào của xe cộ, dòng người đông đúc đi lại trên đường phố. Giờ đây, khi đứng giữa thiên nhiên hoang sơ, chỉ thấy núi non mây trời, cô mới cảm nhận được khác biệt rõ ràng, sự tĩnh lặng yên ả này khiến Thư thấy mình cô quạnh và nhỏ bé.
Khi ngôi trường nằm trên sườn núi hiện ra trước mắt, lòng Thư có chút xao động. Trường chỉ có vài dãy phòng học đơn sơ, mái ngói đã cũ, tường vôi loang lổ. Tiếng trẻ con nô đùa vang vọng, những đôi mắt trong sáng của các em học sinh hiện lên đầy tò mò khi nhìn thấy cô giáo mới. Thư khẽ mỉm cười chào các em nhưng trong lòng lại trĩu nặng những suy nghĩ. Dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước, nhưng khi đối diện với môi trường dạy học và sinh hoạt ở miền núi, cô vẫn không khỏi bỡ ngỡ. Cô nhớ đêm đầu tiên nằm trên chiếc giường cứng cáp, cô trằn trọc mãi không ngủ được. Những thanh âm trong đêm của rừng núi, tiếng côn trùng kêu, tiếng gió rít qua khe cửa, tất cả đều khiến cô cảm thấy lạ lẫm và có chút hoang mang. Ba năm qua, Thư nghĩ những ngổn ngang trong lòng mình đã vơi đi bớt nhưng dường như vẫn còn đâu đó những so sánh, những hy vọng và thất vọng.
* * *
Nghe nói hết năm nay anh Thụ sẽ về hưu. Lâu lâu, nhìn dáng vẻ bần thần của anh, Thư tự hỏi, không biết trong lòng anh vui hay buồn, khi rốt cuộc, anh cũng rời xa nơi này. Hồi trước, Thư hay hỏi, nếu có cơ hội anh có về dưới kia không. Khi ấy, Thư mới lên đây, cô không giấu nổi những thở ngắn than dài. Anh Thụ động viên, cố gắng lên em, rồi cũng quen thôi.
Mấy chục năm làm thầy giáo bản, anh Thụ đã quá quen với tình cảnh đồng nghiệp vừa đến có thể sẽ sớm rời đi vì không thích nghi được. Có người đêm nằm ngủ cứ khóc thút thít vì nhớ nhà, nhớ phố hay khóc vì tủi thân, vì mệt mỏi. Anh chỉ thương lũ học trò khi vừa mới gắn bó yêu mến một thầy cô nào đó rồi phải chia xa. Ngược lại, nhiều người lại gắn bó lâu dài với bản làng, với các học trò miền núi đến nỗi quên đi tìm hạnh phúc, hoặc có khi, công việc này cũng là một trở ngại, mấy ai nhiệt thành để bạn đời mình làm việc trên này lâu dài đâu. Anh Thụ nháy mắt đùa, nên có người bỏ người yêu chứ không bỏ học trò như cô Lan đó.
Chị Lan cười trừ, chị bảo bây giờ sướng hơn trước nhiều, mà trường mình, so ra còn sung sướng hơn nhiều các vùng khác trong tỉnh và ngoài tỉnh. Còn nhiều nơi bản làng heo hút, trường nằm tít sâu trong rừng già, cơ sở vật chất thiếu thốn trăm bề, đâu được như thế này.
Thư nhìn xuống gấu quần rồi thở dài thườn thượt, mình đi dạy từ khu tập thể ra tới phòng có mấy bước chân mà cỏ may găm đầy nè chị. Cô chép miệng, nghĩ cũng đi dạy như nhau, người ta thì giày cao gót, váy áo thướt tha, mình thì… Thư bỏ ngỏ, ánh mắt buồn bã. Chị Lan nói tỉnh queo: “Vậy chủ nhật này làm cỏ thôi, tiện thể trồng thêm hoa hòe, tau mới mua một bịch giống hoa hướng dương, nghe nói cũng dễ trồng lắm”.
Thái độ và lời nói vui vẻ của chị Lan lúc ấy làm mình như bừng tỉnh. Mình thấy xấu hổ khi cứ than van thở dài về những khó khăn, những trở ngại mà chưa bao giờ nghĩ cách giải quyết. Mình cứ tự biện hộ mà chưa bao giờ tìm biện pháp. Kiểu như thấy học sinh bẩn thì tắm cho các em, thấy móng tay dài, tóc dài thì cắt. Thấy áo quần các em không có thì đi xin. Anh Thụ, chị Lan hay những giáo viên khác cắm bản bao năm đã chẳng bao giờ thở than. Còn mình, dù chẳng nói ra bằng lời với ai nhưng thâm tâm cứ luôn so sánh. Mình từng mường tượng về một ngôi trường khang trang, đẹp đẽ, đầy đủ các tiện ích, thiết bị dạy học hiện đại. Khi đó, chạy xe một mạch từ nhà đến trường, thướt tha giày cao gót, váy áo điệu đà chẳng lo lấm bụi bẩn. Chứ đâu như chừ… Thư dừng trang nhật ký đang viết và nghĩ lại chuyện hồi chiều, càng nghĩ càng thấy mình vẫn chưa đủ nhiệt huyết hay thích nghi với nơi đây.
Chị Lan kể bây giờ trường có mô hình bán trú, giáo viên không phải lội rừng đến các điểm trường lẻ xa xôi như trước kia. Phòng sinh hoạt của giáo viên cũng khang trang, rộng rãi và riêng tư, chẳng như thời của anh Thụ, mấy anh chị em ở chung một căn phòng chỉ mười mấy mét vuông. Già trẻ gái trai ở chung vậy đó. Một cô giáo có con nhỏ nên phải đem mẹ chồng lên ở cùng để chăm con trong những giờ chị lên lớp. Thành ra, căn phòng nhỏ mà mấy thế hệ cùng sinh hoạt. Phòng chỉ có một chiếc bàn, anh chị em nhường nhau hoặc phân công nhau giờ giấc để soạn giáo án. Ban đêm ở nhà cũng chẳng làm gì nên mấy anh chị em tổ chức dạy kèm cho học trò bán trú. Tụi học trò tiến bộ hơn nhiều, có em đi thi có giải, thầy trò càng phấn khởi hơn. Nên chi cực khổ đến mấy nhưng ai cũng nhắc nhau thôi thì chịu khó, rồi cũng qua.
Thư từng hỏi anh Thụ vậy có lúc nào anh thấy tủi thân không. Thư kể bữa em đi họp lớp về tự dưng nghĩ thấy tủi thân, ngó bạn bè ai cũng giàu có, đẹp đẽ và sang trọng. Còn mình, một giáo viên cắm bản, chẳng có gì để khoe. Anh Thụ trầm ngâm, anh cũng từng so sánh nhiều chứ, so sánh với bạn bè anh em của mình, ai cũng có cuộc sống giàu sang, còn anh cứ làng nhàng, tà tà trong vai trò một người giáo viên miền núi. Nhưng lâu rồi thành quen, đôi lúc anh tự hào vì công việc của mình mang nhiều ý nghĩa và giá trị. Chẳng phải có nhạc sĩ từng viết “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai” đó sao. Cũng làm nghề đi dạy, ai cũng dạy dưới kia, nơi trường lớp sạch sẽ, trường chọn trường điểm thì những nơi heo hút này ai lên. Các em học sinh trên bản làm sao biết con chữ. Làm sao mạnh dạn đi ra khỏi cánh rừng già thâm u đằng kia để đến những chân trời khác. Những đứa như A Trừ, em coi, mình góp công cho nó một cuộc đời ý nghĩa. Nên khi nghĩ tới những điều đó anh thấy tự hào và hãnh diện.
Ai cũng biết, A Trừ - phó chủ tịch xã bây giờ là học trò cũ của anh Thụ. Cậu học trò ấy vẫn luôn đến thăm anh Thụ vào ngày Hiến chương hàng năm. “Nếu không có thầy thì em đã nghỉ học và không có ngày hôm nay”, A Trừ luôn cầm tay anh Thụ và nói câu đó.
* * *
Thấy trò A Túc đứng thập thò ở cửa, Thư gọi:
- Có chuyện chi rứa em?
- Dạ, thưa cô, nhờ cô cắt tóc cho em. Mẹ nói mai cho em về dưới phố.
- Chà, thích hè. Ừ, vô đây cô cắt cho.
Thư soạn kéo, lấy tấm khăn rồi kéo ghế bảo A Túc ngồi xuống. Cậu học trò rụt rè ngồi xuống ghế, gương mặt cúi gằm nhìn xuống bàn chân, miệng em lí nhí:
- Có khi em ở dưới phố luôn, em nghỉ học.
Thư cầm chiếc kéo mà thấy nặng trịch, cô thẫn thờ hỏi nguyên nhân.
A Túc buồn rầu bảo:
- Em về dưới đó đi làm để kiếm tiền phụ mẹ mua thuốc cho bố.
Thư nhẹ nhàng vuốt mái tóc xơ nắng rối bù của cậu học trò nhỏ, kéo từng lọn ra để chuẩn bị cắt. Cô nghiêng đầu ngắm nghía, cẩn thận đo lường từng nhát cắt để không làm tóc quá ngắn nhưng đủ gọn gàng. Cô nhớ lần đầu cầm kéo cắt tóc cho một học trò, Thư đã cắt hụt tóc mái của em ấy. Thư hốt hoảng nhưng em ấy hồn nhiên lắm, cứ nhìn vào gương rồi ôm miệng cười nắc nẻ. Học trò ở đây dễ thương thế đó. Vậy mà, thi thoảng vài em phải nghỉ học vì lý do này kia.
Chuyện của A Túc khiến Thư mất ngủ cả đêm. Trong lớp, A Túc học khá nhất. Đầu óc em sáng dạ, em nhanh nhẹn, lại ngoan ngoãn. Để một đứa trẻ này dang dở học hành thì quá tội nghiệp và thiệt thòi cho em. Sớm mai, khi mây còn chờn vờn trên đỉnh núi, Thư tìm đến nhà của A Túc. Người cha bị bệnh nằm một chỗ, không có tiền đi bệnh viện chữa trị mà chỉ làm lễ cúng bái, nhà mấy bữa nay không còn gạo ăn. Thư xin phép gia đình chụp một bức ảnh và xin vài thông tin cá nhân của cha mẹ em. Cô bảo sẽ tìm cách nên gia đình khoan tính chuyện cho A Túc nghỉ học. Sau khi đắn đo, Thư quyết định viết câu chuyện của gia đình A Túc và đăng lên mạng xã hội.
Những lời của cô khiến cộng đồng mạng cảm động, thật bất ngờ, ngoài bạn bè người quen còn lại đa số là người xa lạ nhưng đều sẵn sàng nhờ cô làm cầu nối để giúp đỡ gia đình A Túc. Cô vui đến mất ngủ bởi quyên góp được một số tiền khá lớn. Thư bàn bạc với gia đình A Túc đưa cha của em về bệnh viện tỉnh điều trị. Nhìn ánh mắt A Túc rạng rỡ hôm trở lại lớp, Thư vui lắm. Giờ đây cô mới nhận ra mình yêu nghề giáo biết bao, nói như anh Thụ biết đâu mình đã cứu vớt và thay đổi được một cuộc đời nào đó theo hướng tốt đẹp hơn.
Chị Lan hay nói học trò ở núi hồn nhiên như cây cỏ, mà đồng bào ở đây là vậy, họ chân chất thật thà đến thương. Ở trên này đúng là không thể so về điều kiện vật chất nhưng về giá trị tinh thần, về tấm lòng thân thương thì không đong đếm được. Nhìn ánh mắt trong trẻo của các em học trò, mình dần nhận ra tại sao anh Thụ, chị Lan lại quyến luyến với nơi này đến vậy. Thư gấp nhật ký và bật cười khi nhớ lại hồi chiều, khi cô bước vào lớp đã thấy trên bàn một lọ hoa độc đáo. Các em bứt cỏ may và thêm nhiều nhánh hoa cỏ gì đó Thư không biết tên rồi cắm trên bàn cô giáo để chúc mừng ngày Hiến chương. Nhìn bó hoa được thắt lại khéo léo bằng sợi dây rừng, Thư nghĩ tình yêu của cô với nơi này đến rất tự nhiên, lâu rồi, cô chẳng còn tính ngày tính tháng được nghỉ để về phố.
Trường có giáo viên mới. Một cô giáo trẻ tình nguyện lên đây nhận công tác. Ngó ánh mắt vừa lo lắng vừa trông đợi của cô giáo kia, Thư như thấy mình của cách đây ba năm. Những người trẻ khi chọn lên đây, dẫu quyết tâm tự nguyện hay hoàn cảnh bắt buộc cũng chẳng thể thôi kỳ vọng và so sánh. Cũng một ngành nghề, có người sung sướng có người vất vả, có người phải hi sinh, từ bỏ niềm vui thú của bản thân. Nói không buồn không nản là dối lòng nhưng Thư tin đến một lúc nào đó khi nhận ra ý nghĩa những việc mình làm, người ta sẽ yêu mến nó, chẳng chần chừ hay hoài nghi như chính cô từng trải qua vậy.
Vạt hoa hướng dương đợt trước gieo lên đã chuẩn bị bung nụ. Vậy mà đám cỏ may vẫn chen chúc mọc thành từng đám, mảnh mai nhưng kiên cường. Dưới ánh nắng chiều muộn, đám cỏ may lấp lánh trong ánh sáng vàng nhạt. Khi cơn gió lướt qua, vạt cỏ may đung đưa, uốn lượn, Thư nhận ra, đám cỏ may chẳng đáng để mình khó chịu, thậm chí cô thấy chúng đẹp một cách giản dị, khiêm nhường. Những chiếc bông cỏ nhỏ bé xíu, màu xám bạc vô tình chạm vào vạt áo gấu quần của ai đó ngang qua như một lời nhắc nhở về sự hiện diện âm thầm bền bỉ của chúng.
Đ.M