Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cỏ ướt

Đoàn văn công về thị xã. Cũng không phải là lễ lạt gì, vì bây giờ là giữa tháng năm. Ở đây hoạt động văn hóa văn nghệ chỉ diễn ra trong dịp ba mươi tháng tư, hoặc hai bảy tháng bảy. Nhưng Trưởng đoàn bảo tạt vô, chú cho mấy đứa chứng kiến tận mắt nơi xảy ra trận chiến tám mươi mốt ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972.

Mấy đứa ỉu xìu thay cho sự kỳ vọng của chú Thạch Trưởng đoàn, chiến tranh, xa quá. Giá mà Trưởng đoàn cho đi sàn, lắc lư để bớt mệt mỏi. Điệp lại hí hửng với ý tưởng của chú Thạch khi ở lại thị xã, anh có vẻ trầm tư.

- Các cậu không đi, không đến, không là ai cả trên cõi đời này.

Mấy đứa bĩu môi, cũng lẽ thường vì chỗ đáp là quê thằng Điệp. Họ nằm tựa vào ghế ngủ tiếp. Cũng còn bốn mươi cây số mới đến Cổ Thành, thả một giấc cho cuộc đời nguội lại. Cái miền Trung này, ngày nắng như lò lửa nói chi đến những ngày chiến tranh. Đêm hạ cánh xuống đó ăn còn không nổi nói gì đến ca với hát. Mà lịch không đăng ký trước, dễ gì diễn đây. Cái ông Trưởng đoàn này làm như kiểu văn công thời chiến, cứ đứng bên công sự mà ca. Trời! Sống không cần biết đến thời gian. Chắc ông Trưởng đoàn nói chơi thôi, ừ chắc ghé cái rồi đi tuốt ra Hà Nội dự hội diễn chớ diễn chi đây. Mấy người ngủ không được bàn tán xung quanh chuyện ở lại Cổ Thành.

Nhưng thế mà diễn thiệt. Sân khấu dựng lên rồi, mấy anh hậu đài bê loa máy lên sàn nối điện. Cha! Diễn chi đây hả trời, chẳng lẽ đem mấy bài đi hội diễn ca nhạc nhẹ Trung ương ra đây múa hát. Chú Thạch hơn ba chục năm làm nghề mà có cái đòn ba lơn kiểu con nít. Hơn sáu mươi mấy tuổi mà bồng bột, nhìn mà phát ớn. Nhưng ông lại nói, mấy đứa đi thăm Thành Cổ cho biết, gọi hướng dẫn viên đi theo. Nơi đây là trận chiến đầu tiên của chú.

Minh họa: LƯƠNG SÁNG

Minh họa: LƯƠNG SÁNG

Và mấy đứa há mồm. Không cắc cớ gì ai ghé lại. Mấy đứa chưa nghe chú kể lần nào sao biết được. Chỉ có Điệp là tận tường đến nguồn cơn, Điệp ít đi ăn nhậu mà hay thích nghe kể chuyện ngày xưa nên mới biết từng trận đánh của chú Thạch. Nhỏ Hân, diễn viên kịch nói trong đoàn quay qua phía Điệp.

- Anh Điệp hay ha, nghe chú Thạch kể hết mà không nói với ai một lời…-  Và cả nhóm um xùm vì chuyện đó. Có người còn bảo Điệp như hũ mắm, vặn nắp lại là thơm thúi chi ở trong, không ai hay. Điệp chỉ cười để lộ chiếc răng khểnh giống chú Thạch đến chín chín phần trăm, mỗi khi nhìn Điệp cười mấy đứa trong đoàn trêu Điệp là con chú Thạch. Ờ thì Điệp người ngoài Thành Cổ, chú Thạch từng chiến đấu ở đó chẳng lẽ không cưa được o mô trên dòng Thạch Hãn. Mà tên Thạch của Trưởng đoàn được đặt khi bước ra cuộc chiến tựa câu vững như đá bàn thạch khi qua mùa chiến tranh. Chớ tên thật của chú là Nam, Lâm Bá Nam. Cái tên này trong đoàn ít mấy đứa biết. Chỉ có ông tổ chức cán bộ mới nằm lòng. Mà ông không nói thì chịu.

Đoàn văn công tham quan Thành Cổ, Điệp ngồi ở bậc tam cấp gần bến sông. Ở đây có thể nhìn thấy bờ bên kia. Mùa này đồng bắp xanh mướt. Con sông này dài nhất ở nơi đây, chú Thạch hay gọi nó là sông Vãng. Vì mỗi khi nghe câu hò địch vận chú nhớ con đò, nhớ dòng sông. Mỗi dịp về nguồn chú lại nhớ những ngày bão lửa và ngay trong cả những giấc mơ sông Vãng lại trở về với dáng của một người con gái xinh với tiếng hò nghe da diết lắm. Chú mắc đời trai mình ở lại trên sông sau những lần mái chèo ngược sóng. Sau chiến tranh, có bao người ngược xuôi trên dòng này tìm người quen, chú Thạch cũng ngập ngụa đôi chân trong bùn về bến đò xưa nhưng con đò nằm lặng lẽ.

- Hôm bom trút xuống sông chắc O Thắm mất rồi. Tội nghiệp O Thắm quá! Đến khắc hòa bình rồi mà không được hưởng. O thường mơ ngày hòa bình bước lên bờ chạy cho đã cái chân…

Khi đi tìm người con gái có tên là Thắm, chú Thạch được một người trên bến sông nói vậy và chú nhìn sông, nước mắt chảy đôi hàng, nghe lòng mắc nợ. Thắm ơi! Vậy là cuộc chiến này anh không bảo vệ được em…

Mới có sáu giờ tối mà người dân thị xã đã tập trung tấp nập để xem đoàn văn công diễn. Cũng không ngạc nhiên khi chính quyền thị xã chấp nhận cho một đêm diễn không có sự sắp lịch. Ở đây toàn là bạn bè của chú Thạch, họ già cả rồi, tóc bạc gác tóc xanh, có người mái đầu bạc phơ như chùm bông lau ngoài sông Vãng. Họ gặp nhau, ôm nhau, họ cười nhưng nước mắt lại trào ra. Bọn trẻ thấy đám đàn ông khóc và nghe lòng chao lên như sóng nước.

- Thạch, tìm được hài cốt O Thắm chưa?

- Chưa…

- Còn Hãn.

- Thằng Hãn hy sinh được thằng Việt chôn cuối làng.

- Còn O Thương?

- Mất hơn một tháng rồi. Tội, Thương mấy chục năm đứng trên cầu chờ Hãn. Còn Việt đứng bên đời chờ Thương. Bóng chim hết thì mịt mù mà tiếng kêu cất lên mỗi mùa bắp văng vẳng. Chiến tranh, tình yêu được đếm bằng nhịp đập con tim cả khi người kia nằm xuống. À, mà nghe đâu Thắm có con…

- Đạn bom cày xới trên mảnh đất này, phận người mỏng. Tớ đi hỏi cả rồi nhưng không ai biết thêm tin gì từ dạo đó. Ngày đó, trẻ chết sông nhiều. Người ta nói vậy.

Mọi người lặng im, phút giây này buồn lắm. Như có bão táp, như có mưa rơi, như những tiếng gọi câm, bất giác người nhìn bắt gặp qua cửa mắt để lòng đau đớn lòng. Chú Thạch vẫn sống một mình. Có khi nhìn người ta hay đi trên đường nắm tay nhau, chú thì tay phải bắt vào tay trái. Đây, tay phải là tay của chú còn tay trái là tay người chú yêu thương. O Thắm đã giành lại cánh tay này cho chú để mãi nằm trên sông. Nghe câu đó mấy đứa rí rúc cười còn Điệp thì nhìn khói chiều mông lung trên mặt sông. Từng gợn sóng như ánh mắt người và con đò nhẹ trôi với câu hò mênh mang vọng lại. Đoàn gọi diễn viên tập trung, sáu rưỡi tối rồi nên làm công tác chuẩn bị.

Bảy rưỡi tối, khán giả đến rất đông, chương trình không bán vé, không hạn chế khách mời và đối tượng nên ai cũng có thể vô coi. Ban nhạc cứ đánh, mấy diễn viên múa hát có kèm theo chương trình hát tự do cho cả người dân nên rất thú vị. Đám trẻ nhỏ ngồi tràn lên cả sân khấu với những túm hoa dại trên tay. Chúng cười thật tươi. Chợt dưng chương trình mới vô màn mà mắt ai cũng ầng ậng nước, dường như nỗi yêu thương chung chảy về nên hàng trăm con tim vỗ chung nhịp. Mấy bà mấy chị hò địch vận nghe chảy miên man. Phía sân khấu là con đò trôi lả lướt. Hình ảnh đó được Trung tâm Văn hóa Thị xã cho mượn. Sau mấy câu hò là một khoảng lặng mênh mông. Nhỏ Hân dẫn chương trình rất hay. Hân cứ o o, chị chị giọng miền Trung ngọt xớt, nhỏ còn biết chính câu hò địch vận của mấy bà mấy o đã giúp đồng bào lầm đường lạc lối tìm đường trở về. Đến màn kể chuyện, khán giả đầm đìa nước mắt, mấy chú kể chuyện mà cứ đằng hắng hoài. Để khỏi nghẹn, để nhắc lòng đừng có mau nước mắt mới đi trọn chuyện mình cho khán giả nghe. Chuyện về chiến sỹ của ta chiến đấu trong Thành Cổ như thế nào, chỗ mấy đứa đứng hát bây giờ nó từng là như thế đấy, vùi xác biết bao con người trong đất, trong cỏ. Chuyện các cô các chú thương nhau hò hẹn ngày hòa bình gặp lại. Nhưng hòa bình rồi, có người gặp, có người không, có người mịt mù tìm kiếm, có người gọi tên nhau trong tưởng tượng. Tình yêu, sự hy sinh và lòng thù hận trong những câu chuyện ngày qua không dứt…

Trong khi mọi người hướng về sân khấu, nhỏ Hân đưa mắt nhìn quanh, không thấy Điệp đâu. Sắp tới tiết mục của anh rồi nên Hân quan sát lại, coi đủ ca sĩ không. Mà dường như từ gần tối đã không thấy Điệp. Hân thấy mắt anh buồn chắc có chuyện chi. Gần tới giờ diễn của tiết mục, nhỏ Hân xin ý kiến Trưởng đoàn để thay bài, Trưởng đoàn không chịu. Ai cũng lắc đầu, nhỏ Hân phát tức. Thôi, nhạc cứ lên. Nhỏ thuộc đến đâu hát đến đó. Nhưng giới thiệu tên ca sỹ một đường người hát một nẻo trông ngộ lắm! Nhạc dạo đến đoạn hai rồi nhưng nhỏ Hân không bắt nhịp được. Khán giả thấy nhỏ khóc tưởng nhỏ xúc động nên khóc theo nhưng kỳ thực nhỏ tức anh Điệp. Đã nhận lời rồi thì làm cho đàng hoàng chớ, thôi nhỏ sẽ hát sau khi nhẩm từ một đến mười. Nếu anh Điệp không xuất hiện thì nhỏ sẽ cạch mặt anh luôn. Nhạc dạo đến gần hết nhịp một, trên màn hình sân khấu hiện ra người lính với tiếng hát. “Cỏ xanh non tơ, cỏ xanh non tơ/ Xin chớ vô tình với người hy sinh/ Trên mảnh đất quê mình…”. Tiếng vỗ tay tràn ngập sân khấu. Tiếng hát Điệp vang vọng khắp Thành Cổ, nó len lỏi đến những nơi tận cùng ngõ hẹp của thị xã. Hình ảnh Điệp chạy trong đêm sương, ướt đẫm trên những trảng cỏ lau mướt xanh nở những bông hoa màu đỏ. Đó là đoạn phim người ta làm để kỷ niệm về cuộc chiến Cổ Thành, có cả chú Thạch trong đó, với vai trò người cha…

H.H.L

 

HOÀNG HẢI LÂM
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 344

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tiếp tục xây dựng đội ngũ nghệ sĩ đoàn kết, nhiệt huyết, tâm huyết và sáng tạo để có nhiều tác phẩm chất lượng phục vụ Nhân dân

15/03/2024 lúc 06:10

(TCCVO) Sáng ngày 14/3/2023, Phân hội Nhiếp ảnh Quảng Trị và Chi hội Điện ảnh Việt Nam tỉnh Quảng Trị tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 71 năm ngày truyền thống Nhiếp ảnh và Điện ảnh Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2024). Đến dự có Nhà thơ Nguyễn Văn Dùng - Bí Thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh cùng đông đảo hội viên tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground