T |
ôi đi cùng nhạc sĩ Trần Hoàn lên A Lưới, nghĩa là trở về với chiến khu xưa thời đánh Mỹ ông từng ở vào một ngày “bắt đầu mùa đông dài u ám của Trường Sơn”. Nhìn núi đồi hoang vu trơ trụi cây rừng nguyên sinh chết đứng do bị nhiễm quá nặng thuốc khai quang quân Mỹ thả. Bầu trời thấp tè đen kịt những làn nước, bất chợt sấm núi nổ ầm tiếp liền sau đấy mưa nguồn trút xuống thoáng chốc dâng cao tràn ngập khe suối cuốn phăng những vật cản ngại, phá vỡ những đoạn đường dài. Nước lũ dữ tợn làm tắc nghẽn hết mọi nẻo về Huế... Ban đêm sương giáng mờ cả núi đồi “phố huyện” tối đen hơn mực. Gió núi hun hút thổi tê buốt cả người. Xa xa phía Trường Sơn thỉnh thoảng xoẹt lên một vài tia chớp; trong sân nhà huyện ủy đom đóm bay lập lòe sát tận phòng ngủ trông cứ giống như ma trơi nhát khỉ.
Tôi thu mình ở tại nhà khách uống rượu suông với anh bạn người Cà Tu chờ ngày thông đường về xuôi. Trong khi ấy nhạc sĩ Trần Hoàn lại “tranh thủ” lội rừng thăm cơ sở cũ. Ông nai nịt gọn gàng theo tác phong người lính hơn là nghệ sĩ để đi vào bản A Tung phía bên kia đồi Sim; tôi nghe anh “văn phòng huyện ủy” nói rằng “cụ muốn tìm gặp lại Cô gái trên nương của cụ từ hồi ở rừng” ...
Và ai đã từng lên đây những năm ấy đều cảm nhận chung một điều là: A Lưới nghèo khốn khó đủ mọi bề, thiếu ăn thiếu mặc, đói muối đói đường, thiếu thuốc thiếu giường chữa bệnh, thiếu điện, thiếu thầy thiếu lớp, thiếu phương tiện, thiếu thông tin. Nhưng có hai thứ thì nhiều vô kể, đó là muỗi sốt rét cùng những ngày mùa đông mây trắng núi buồn mênh mang... như vô tận để thành danh - A Sầu!
Đấy là chuyện của nhiều năm trước cái thời Bình Trị Thiên “Tỉnh dài, huyện rộng, xã to. Trên ra nghị quyết dưới lo mà mần!”...
Lần này trở lại A Lưới cũng vào những ngày đầu mùa đông lạnh lẽo khi nước sông Hương ngấp nghé tràn bờ Đập Đá. Tôi lên A Lưới như tiếng gọi của núi rừng ngàn lau. Khác với hồi đi cùng nhạc sĩ Trần Hoàn, tôi bỏ quãng vòng qua Đông Hà Quảng Trị. Tôi đi theo đường 12B, bây giờ có tên gọi mới? Quốc lộ 49, và chỉ hơn sáu chục cây số thôi. Đường còn xấu, nhưng từ phà Bến Tuần ngồi lì trên u-oát khoảng chừng hai giờ chạy thì tới huyện lỵ
Trở về A Lưới bây giờ có một cái gì đó thật sâu lắng xuất hiện trong tôi khi được tiếp cận với văn hóa núi:mảnh đất đầy bom đạn với những vết hằn chiến tranh còn nhức nhối sâu trong từng con người Việt, đã bật dậy như một phép lạ lẫm cho cuộc sống nhân bản hơn, thi vị hơn; nhưng không phải từ trên trời cao rơi xuống, dưới biển sâu ngoi lên mà nhiệt tỏa từ đất đai, lao động, từ nội sinh của chính mình vực dậy cho A Lưới.
***
Một khái niệm văn hóa của người Pa Cô (nghĩa của từ Pacoh là chỉ chung những người ở về phía núi), đồng nghĩa với lịch sử đánh Mỹ cùng với những chiến công thần kỳ của dân tộc mình được ví như viên ngọc quý tôi luyện hàng ngàn năm, qua đấu tranh mở núi mà đúc nên bằng xương máu triệu triệu người. Vốn dĩ ngọc thì cất, nhưng giá trị của nó chính là va đập cọ xát, càng vùi dập càng rắn chắc, càng sáng lạ trong đêm đen nó phát tỏa hào quang như định lối được gọi là Ngọc Tổ Quốc.
Nằm về phía Tây tỉnh Thừa Thiên Huế, A Lưới có diện tích hơn 1.159 km2 . Dân số năm 1998 trên 34 ngàn người, gồm các nhóm tộc người Pa Cô, Tà Ôi, Pahi, Cà Tu, Vân Kiều, Kinh (Việt) cùng tụ nghiệp sinh cơ dưới chân các ngọn núi. Theo lệ Người phía núi A Lưới, xưa kia họ lập làng hay tạm trú qua mùa rẫy, người già thường nhắm chọn cho họ tộc mình một ngọn núi đứng chủ như thần hộ mệnh. Quan niệm văn hóa tinh thần của người Pa Cô thông qua dáng, thế, đỉnh non tựa như người Kinh suy xét phong thổ dựa ngũ hành cái đình làng vậy.
Ông Quỳnh Trên người dân tộc Cà Tu, nguyên Bí thư Huyện ủy nay nghỉ hưu lui về vui thú điền viên, sau nhà trồng vài trăm cây quế cây bơ, với vườn cà phê rabicạ đến độ thu hoạch, xen giữa cái hồ cá nhỏ. Ông Quỳnh Trên là người luôn đi đầu trong “cách mạng trồng trọt chăn nuôi” ở A Lưới, nhưng thiếu kỹ thuật nên thành công thì ít mà thất bại thì liên miên.
Ngày ngày ông vui chăm chú mảnh vườn như một nhu cầu được làm, giải trí hơn là làm kinh tế vườn. Trong cuộc chuyện trò ông hồi tưởng rồi kể cho tôi nghe về một cái làng cổ xưa đúng nơi huyện đóng đô bây giờ. Một làng với cái tên A Lưới đã tồn tại sâu trong tâm thức người già.
Làng giàu nổi tiếng lan tận kinh đô trâu cả vạn ngựa cả ngàn con, đất làng mở rộng tít tắp đi suốt ngày không tới biên. Trưởng làng quản trị theo dòng họ dựa trên tục lệ của người xưa để lại. Hàng năm chịu đóng thuê cho triều đình bằng sản vật rừng. Người làng mở lối buôn bán với dân Lào, xuôi rừng về Huế lấy muối cùng các thứ nhu yếu khác. Tuy là một làng rặc núi vậy mà nhiều người biết tiếng Kinh, lại có người được chọn làm “phiên dịch” cho quan quân triều đình. Vào thời Cần Vương kẻ sĩ Huế muốn chọn A lưới làm một chiến khu thứ hai sau Tân Sở nhưng lại gần Huế hơn Tân Sở... đấy là điều lạ trong binh pháp?!
Tôi gặp già làng A Ninh trong một đêm nghỉ nhờ. Già làng là một người giàu ký ức như pho tượng cổ tích, đã từng băng rừng cùi đạn lên đồi A Bia tiếp ứng cho bộ đội đánh Mỹ. Già làng bó gối ngồi xo ro bên đống lửa chầm chậm cời than nướng sắn, miệng luôn ngậm cái tẩu đen thời gian như trầm kỳ. Già làng làm động tác gì cũng chậm, nhưng chắc chắn tự tin đúng bản chất tự tại của người Pa Cô từng trải. Ông kể lại rằng, thuở ấy Người phía núi chỉ biết trỉa bắp phát rẫy làm nương, biết đặt cái bẫy trong rừng bắt con thú, đơm cái rọ bắt con cá dưới khe. Người đau chữa bệnh bằng lá cây cùng với trò thuật của thầy mo nên sanh nhiều mà sống ít. Người lớn không biết cái chữ, mọi thứ “ghi chép” chỉ là truyền khẩu hoặc là thề nguyền trước thần núi, hay vác dao rựa chém vào gốc cây thiêng cam kết. Cuộc sống du canh du cư như con thú phó mặc cho trời, đến cả cái họ riêng của một số tộc người cũng không biết, cũng không phân biệt được. Mai táng nặng nề, hôn nhân trói buộc, anh trai chết nhượng chị dâu cho em trai làm vợ. Cái tục nối dây cùng với năm tháng phận đời thiếu thốn lạc hậu như nước rừng không biết chảy về đâu.
Nhưng đấy là một sự bình yên tựa rừng già với những chú nai vàng ngơ ngác nhìn lá mùa thu rơi. Người phía núi yêu thiên nhiên, vĩnh hằng và tự nuôi ánh lửa sưởi âm bốn mùa lấy hương thơm nương rẫy mà lưu tồn cuộc sống.
Rồi có một ngày bầy quạ đen bay ngang, Người phía núi thất thần nghe nhiều tiếng súng lạ phá vở không gian trầm mặc vốn dĩ kỳ diệu của núi rừng Trường Sơn. Dưới chân đồi Aco bốt đồn mọc lên nham nhở chiếm cứ lấy con đường đã tạo kiểm soát ngược xuôi giữa A Lưới với đồng bằng. Những tên lính thực dân cao ngoằng xuất hiện trong làng A Ngo...Nhìn bóng quạ bay sà xuống các bản làng sau những trận càn thảm khốc, lòng người A Lưới đau, ăn như ăn phải quả độc. Mùi thuốc súng khét lẹt làm cho các vị thần núi nổi giận, đến cả con ma rừng cũng biến mất như làn gió, còn các thầy mo “pháp sư” cao tay hơn thì bỏ làng đi về phía đồn giặc...
Người phía núi lùi sâu vào rừng xanh lập căn cứ cùng người Kinh kháng chiến.
***
Tôi có một nguyện vọng nhỏ khi lên A Lưới lần nào là được đến tận đồi A Bia, nơi mà trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, người Mỹ đã kinh hãi gọi bằng cái tên Hamburger hill. Người dẫn đường cho tôi là Pơ Loong Yêm tức Hồ Văn Mừng cán bộ phụ trách bảo tàng huyện. Mừng người dân tộc Cà Tu. Hồi đánh Mỹ theo cách mạng giải phóng lúc còn nhỏ tuổi được làm anh lính bảo vệ Khu ủy Trị Thiên, trên phân cử đi với ông Trần Hoàn lúc đó là Phó ban tuyên huấn khu. Mừng dũng cảm nhưng nguyên tắc, nhất cử nhất động đều phải có lệnh trên mới tuân thủ (người ta nói, có khi lệnh sai Mừng cũng làm!). Nhân lên A Lưới lần này gặp Mừng xin kể vài chuyện vui.
Có một nhà văn từ Hà Nội vượt sông Bến Hải đi thực tế chiến trường mới vào A Lưới cần gặp ông Trần Hoàn. Qua cửa bảo vệ bị Mừng giữ lại kiểm tra: “Đồng chí, giấy mô”. Nhà văn đưa ra một tờ giấy chữ nhì nhằng lại ú ớ vì chưa quen “phép rừng chiến khu”. Mừng xem qua rồi chĩa thẳng nòng súng AK vào ngực nhà văn này quát, “Giấy chi mô không có dấu đỏ?”. Nhà văn đồng chí mặt xanh như tàu lá đưa ra cái thẻ có dấu son đỏ đã bạc. Ông thấy Mừng xoay ngược
góc đóng dấu lên trên ngó nghiêng suy xét, rồi hạ nòng súng thép xuống cười toe: “được, đồng chí vô”. Té ra Pơ Loong Mừng chưa biết chữ mà chỉ nhận mặt dấu đóng trên các loại giấy tờ theo cách riêng của Người phía núi.
Lần khác ông Trần Hoàn trưng dụng phòng ở cửa Mừng và Sự (cả hai đều là bảo vệ Khu) để hội ý gấp cán bộ chuẩn bị xuống đồng bằng. Trần Hoàn dặn Mừng: “Không được cho ai vô”. Mừng tuân lệnh khoác A.K ra canh trước cửa. Hôm ấy trời se lạnh, lại nhằm lúc Sự xuống khe tắm chỉ mang đồ cộc, định tắm xong chạy ù về mặc áo quần dài. Ai dè khi đến cửa bị Mừng giữ lại. Sự đôi co, Mừng quát, “Trần Hoàn hắn dặn không cho ai vào”. Sự nổi cáu chửi thề “mẹ kiếp, phòng của tao, và tao cũng chỉ lấy áo quần mặc thôi. Mừng dương súng: Mặc kệ mi, chưa có lệnh”. Sự hiểu tính cách của Mừng đành chờ vậy, anh cong người co ro toàn thân tím nghét, hai hàm răng va đập vào nhau như vó ngựa đường dài. Sự là người Quán Hàu Quảng Bình. Còn Mừng “mặc kệ mi” khi mà chưa có lệnh. Rồi Mừng thản nhiên như cây rừng bồng súng đứng gác. Hôm ấy Trần Hoàn hội ý xong thì chính Mừng đi đốt lửa để cho Sự sưởi ấm.
Có một lần giáp tết, Trần Hoàn gọi Mừng vào giao nhiệm vụ đặc biệt: “Đồng chí ngày mai đi săn. Cố gắng kiếm một con heo to vài gang để về liên hoan”. Nghĩ sao Trần Hoàn lại dặn thêm, “nếu không có con to thì kiếm vài con nhỏ cũng được, cố gắng nghe đồng chí”. Mừng là tay thiện xạ bách phát bách trúng, nghe có đi săn thì khoái chí, thành ra chỉ được nghe một nửa lệnh “con heo to vài gang” chứ câu sau “vài con nhỏ cũng được” thì lảng mất.
Sáng sớm, nhà bếp lo gói cơm cho Mừng đi săn cả ngày. Khi Mừng đi rồi, mọi người chắc mẩm nên kiếm gia vị và một ít rượu đoác (hồi ấy mấy thứ này, hiếm vô cùng) ngồi chờ dài cổ cả buổi. Chiều tối mịt, Mừng khoác súng thất thu tay không về lán thản nhiên như chẳng có chuyện gì. Mấy cô nhà bếp kéo đến chỗ Mừng, hét to “heo mô?” Mừng lắc đầu quầy quậy “không cho con mô to vài gang hết”. Một cô dậm chân múa tay “Rứa con nhỏ cũng không chộ à”, Mừng cười, “con nhỏ hắn chạy loạn”. Một cô bấu vào tai Mừng, “Răng không bắn, dặn rồi”. Mừng tỉnh bơ “Trần Hoàn có ra lệnh mô”...Tất nhiên tết ấy vẫn có heo nhưng mà heo chuồng.
Còn nhiều chuyện về Hồ Văn Mừng nghe như bịa, xin hẹn dịp khác. Tháng ba năm bảy lăm, Mừng cùng đoàn quân chiến thắng tiến về đồng bằng giải phóng Huế, Mừng tiếp tục làm anh lính bảo vệ cơ quan văn hóa. Ông Trần Hoàn lúc đó Trưởng ty đã giúp Mừng, cho anh đi học cái chữ, học luôn nghiệp vụ quản lý ít năm sau học xong Mừng vui vẻ trở về A Lưới. Rồi yêu, lấy vợ sinh con đẻ cái một mạch được sáu công dân Ca Tu tự do, giờ đây anh thông hiểu nhiều chuyện kể cả chuyện chữ nghĩa giúp vài làng Pa Cô viết thảo bản quy ước văn hóa, nhưng chỉ cái tội “ham hố chăn gối” không đừng được nên thành ra gia đình anh vẫn ở trong cái vòng khốn khó đói ăn dài...
Tôi đem chuyện kể trên hỏi lại Mừng mong anh xác tín, anh cười hề hề rồi đưa tay kéo ống quần lên cao chỉ vết sẹo nơi bắp chân, khoe “cái chỗ này là kỷ vật chiến tranh xảy ra trong một lần công tác bảo vệ an toàn cho chú Trần Hoàn!”.
Thay vì đi thẳng một mạch lên đồi A Bia nhưng Hồ Văn Mừng lại kéo chúng tôi đến xã Hồng Bắc. Theo cách hướng dẫn của anh là “đi thăm khu địa đạo Động So trước”, còn nữa phải có ý kiến quản lý của lính biên phòng mới đi tiếp được vì đây là vùng biên giới.
Sáng sớm sướng mù mưa lất phất. Từ thị trấn huyện chúng tôi thắt buộc gọn gàng những thứ mang theo rồi cuốc bộ một mạch chừng hơn giờ; lội qua song Tà Rình, qua khe A Ninh đi thêm một đoạn nữa thì đến trụ sở ủy ban. Hồng Bắc là quê hương của một gia đình anh hùng có ba chú cháu đều là anh hùng vực lượng vũ trang: Hồ Vai, Kim Lịch, A Nun mà chiến công của họ người Việt
Tại trụ sở xã, qua sự giới thiệu của anh Lê Minh Rói người Pa Cô hiện là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, tôi được gặp một số cựu chiến binh từng phục vu, tham gia chiến đấu quanh A Lưới, đặc biệt là đồi A Bia, đồi 49, động A Túc. Tiếp chuyện chúng tôi, trên gương mặt họ hằn sâu những nếp nhăn như muốn xếp lại quá khứ về chiến tranh, nhưng qua nụ cười trong họ vẫn thoáng lộ những tiếng nổ, lòng rạn nứt đớn đau của di chứng chất độc Điôxin...
Sau cuộc gặp mặt ngắn ngủi với các cựu chiến binh, anh Rói cử một chàng cán bộ văn hóa xã còn trẻ để bộ ria mép đen như hàng con kiến dẫn đường cho chúng tôi vào núi. Chúng tôi băng qua cánh đồng mía xanh bạt ngàn nhắm hướng Động So ngọn A Túc mà tiến. Trời mưa dầm dề mấy ngày liền đã làm cho con đường làng thêm lầy lội, dưới những vũng chân trâu đọng nước trơn tuột nên đi khó vững.
Tôi hỏi anh chàng văn hóa xã dẫn đường, nếu đi như thế này thì độ bao lâu tới cửa địa đạo. Rất thành thực anh trả lời nhanh như cái máy:
- Cứ đi là đến thôi.
Tôi hỏi:
- Nhưng độ bao lâu chứ?
- Bao lâu kệ bao lâu. Anh tưng lửng trả lời.
Và cứ thế chúng tôi đi “bao lâu hệ bao lâu”, lại qua một con suối cạn, qua một ngọn đồi thấp. Con đường lau sậy xóa nhòa càng đi càng khó. Bỗng tôi nghe tiếng Hồ Văn Mừng la to ở phía trước “hình như bị lạc đường rồi”. Chúng tôi dừng chân ngơ ngác định thần còn anh chàng văn hóa xã thì thản nhiên “lạc rồi thì quay lại thôi”. Và anh cứ xăm xăm dẫn tới, chúng tôi theo sau. Loanh quanh mãi một lúc cuối cùng chúng tôi cũng đến được địa đạo khe Chân Chồm. Cửa hầm lộ ra hình vòng cung khá xinh xắn. Đường hầm hun hút ăn sâu vào núi đá. Tại đây có cả thảy bảy hầm. Đi thêm một đoạn nữa thì tới khe Tầng Hối. Lại thêm sáu hầm. Nhìn qua cửa miệng hẳn còn có thể sử dụng được không cần gia cố. Lại luồn lách lau sậy rẽ cây rừng lúp xúp trèo qua mấy quả đồi nhỏ chừng một giờ nữa thì chúng ta đến khe Cứp. Dùng gậy vén cỏ cây dây leo che khuất, tôi thấy lộ ra đường hầm sâu hoắm. Chúng tôi không có thời gian để vào từng hầm một mà chỉ dùng âm thanh tiếng vọng lượng ước độ dài. Tất cả quy tụ lại đây 16 hầm ăn xuyên ngang dọc dưới chân Động So. Hồ Văn Mừng nói rằng thời chiến tranh Mỹ ném bom dài dài xuống Động So, vậy mà dưới lòng đất người lính vẫn mở rừng hái hoa khi mùa xuân về.
Ra khỏi địa đạo cuối cùng ở khe Cứp chúng tôi ngồi nghỉ chân bên dòng suối cạn cạnh bìa rừng. Hồ Văn Mừng cho chúng tôi biết thêm, theo tài liệu hiện thời thì ở đây có hầm của tướng Dương Bá Nuôi nguyên Tư lệnh Công trường sáu (một mật danh trung đoàn quân giải phóng), lại có hầm của quân khu Trị Thiên, du kích huyện, bộ đội chủ lực, hầm của các đơn vị đoàn 559...
Anh chàng văn hóa xã bổ sung thêm, cách đấy mấy hôm anh Lê Xuân Rào Trưởng Trạm y tế xã Hồng Bắc nguyên là du kích A Lưới từ hồi 65, trong khi băng rừng chặt mây đã phát hiện một địa đạo vừa rộng vừa dài ước chừng hơn ngàn mét nằm dưới núi Ker, miệng hầm quay ra khe A Uối vắt ngang biên giới Việt Lào. Anh Rào đã báo cáo với xã và cả quyết đây là địa đạo mà hai trung đoàn 8 và 9 đóng quân, sau Mậu Thân là chỗ ém chân của sư đoàn 24…
Nhớ hôm về gặp ông Ngô Thế Kiên cùng công tác ông Bảy Tiến, tôi đem chuyện địa đạo núi Ker ra “tham kiến”, ông Kiên xác nhận: “địa đạo dưới núi Ker hồi chiến tranh chống Mỹ mình có trú dài cùng nhiều anh em khác nữa. Ông Bảy Tiến lúc ấy là Bí thư kiêm tư lệnh Quân khu Trị Thiên, tức Thượng Tướng Trần Văn Quang, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng sau này...
Chúng tôi trèo lên một mỏm núi khá bằng đứng nhìn về thung lũng Hồng Bắc, Hồng Kim thấy rừng mía mênh mông chi địa và như chỉ màu xanh của mía mà thôi. Nhìn qua phía A Bia mây trắng bay là đà trên những quả đồi trọc với vô số gốc cây to khô mục đang chết lặng trông giống hình nhân. Một cảm giác rờn rợn chợt đến, và gió núi bắt đầu thổi tạo nên tiết tấu như tiếng sáo người Mèo ngân nga khúc bi ai. Tôi lắng nghe những giai điệu rừng thở trong khắc khoải mông lung; tôi thấy như có muôn ngàn dấu chân đang hành quân rầm rập qua đây từng ngày; xanh rừng Trường Sơn mênh mông họ hóa thành cỏ cây mây mưa sấm chớp bão giông, nhưng đôi khi rừng ngủ thật bình yên họ chỉ là ngọn gió lành nhè nhẹ thoảng qua vuốt mặt chải đầu rừng lau bạc trắng.
Gần quá buổi chiều mưa rừng càng thêm nặng hạt chúng tôi đành bỏ dở hành trình trong ngày lên đồi A Bia, quay về Hồng Bắc ngủ nhờ qua đêm. Bên bếp lửa rực hồng chúng tôi ngồi vây quanh sưởi ấm vừa ăn tối vừa nghe người già kể chuyện. Theo lệ xưa của người Pa Cô mỗi khi có khách lạ đến nghỉ lại, họ nhường hết những gì họ có để đãi đằng làm “đẹp” lòng khách và kể cho khách nghe nhiều chuyện về Người phía núi, tôi nghiệm rằng đấy là một tục lệ đẹp như hoa rừng mùa xuân. Tôi vẫn giữ mãi hình ảnh người già Pa Cô bên bếp lửa hồng đang tĩnh tại như thời gian bóng núi truyền “quyền năng pháp thuật” cho hậu duệ.
Lửa ấm trong lòng người râm ran câu chuyện già làng kẻ, tôi ngủ thiếp đi từ lúc nào không hay...
Sáng sớm hôm sau trời vừa rạng chúng tôi đã lội rừng lên đồi A Bia.
Dường dẫn lên quả đồi này lâu nay ít người lui tới, mưa lũ xói mòn cây rừng tràn ngập nhòa lối đi, lại thêm con vắt nhiều vô kể cứ sơ ý một tí là bị chúng xơi liền. Lên A Bia quả là cực kỳ gian truân vất vả. Khỏi cần bàn chi tiết, chỉ biết rằng từ trụ sở Hồng Bắc đến đỉnh đồi chưa đầy mười cây số mà chúng tôi đi (một mạch không nghỉ) hết năm giờ liền.
A Bia là tên địa phương có từ rất xưa như con suối trong rừng, như con chim bay lên trời cao. Quả đồi không lớn nằm giữa những quả đồi khác nếu vượt thêm một đoạn qua ngọn núi là sang đất Lào. A Bia trông xa hơi giống cái bánh
dầy, lại hơi giống cái báp úp. Là quả đồi bình thường như bao quả đồi khác của Trường Sơn, nhưng nó có một vị thế đặc biệt. Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, người Mỹ phải trả giá tại đây mà có lẽ nó đã trở thành di chứng khủng khiếp nhất của lịch sử đội quân Viễn chinh Hoa Kỳ. Người Mỹ đặt tên và có hẳn một bộ phim với nhan đề Hambuger hill (đồi thịt băm). Nhiều năm trước khi chiếu bộ phim này nó đã gây chấn động, thức tỉnh lương tri con người trên toàn thế giới!
Lịch sử chiến tranh cứu nước của người Việt cũng đã ghi lại “một cách khách quan nhất” về những hy sinh mất mát của người lính cùng với quyết tâm đánh Mỹ tới cùng của nhân dân, “chỉ tính riêng mặt trận A Lưới thôi” cũng đủ để nhân loại cúi mình.
Sau tết Mậu Thân, không quân Mỹ rải thảm bằng B52 xuống A Lưới với hàng triệu tấm bom, rồi bất thần dùng sư đoàn kỵ binh bay loại Utiti (ta gọi là máy bay rọ vì trông giống cái rọ nhốt heo) đổ quân xuống thung lũng A Lau hòng chớp nhoáng tiêu diệt gọn lực lượng giải phóng xóa chiến khu. Để ngăn chặn cuộc tiến công của quân Mỹ, bộ đội địa phương, du kích A Lưới chủ động tổ chức đánh trước và đánh thử với Mỹ ở chiến trường rừng núi xem sao.
Theo Đại tá Hồ Mạnh Khoá người dân tộc Pa Cô, nguyên chỉ huy trưởng du kích huyện năm xưa đánh đồi A Bia kể lại.
- Một hôm tôi cùng với hai du kích huyện là Cu Lói và Cu Đê di kiểm tra chốt, khi ngang qua chân Động So thấy mấy chiếc máy bay rọ cứ lườn qua lượn lại rồi sà xuống thấp như chạm đất, tức quá tôi nói Cu Lót bắn vài phát thử coi. Cu Lót tách ra một chỗ đứng thẳng dương AK bắn liền mấy viên, thế mà chiếc rọ dâm đầu xuống nổ tung bốc cháy. Trận ấy cả ba chúng tôi đều được thưởng Hân chương. Tôi cho rằng có lẽ đây là chiếc máy bay đầu tiên rơi tại mặt trận A Lưới thời đánh Mỹ. Sau này mới biết hôm đó Cu Lót bắn trúng thằng lái. Từ lần ấy bọn tàu rọ không dám luồn xuống thấp tìm mục tiêu nữa.
Ít ngày sau quân Mỹ tổ chức đánh lên đồi A Bia. Đồi A Bia lúc này là nơi đóng quân của cơ quan Quân sự huyện, Trung đoàn 8, một bộ phận Trung đoàn 9. Tôi cử Cu Lói tiểu đội trưởng đặc nhiệm dẫn anh em xuống quả rồi thấp phía dưới để ngăn chặn quân Mỹ. Suốt một tuần liền phía ta một tiểu đội, quân Mỹ một tiểu đoàn cứ thế quần nhau. Còn các lực lượng khác “chia lửa” kéo quân Mỹ ra từng khu vực để đánh cầm chân cho căn cứ rút dần về phía Mường Noòng.
Dừng một lát, ông Khóa nhấp một ngụm nước rồi châm điếu Zét rít những hơi dài như thả khói liên tục trong tâm trạng xáo trộn. Rút mùi xoa từ túi áo Đại
cán ra lau mặt lau mắt, ông như muốn chặn dòng cảm xúc sâu thẳm đang trào dâng của nỗi lòng mình.
Đại tá sửa lại tư thế ngồi, dập tàn thuốc kể tiếp:
- Rạng sáng ngày 25/3/1968, quân Mỹ với hai tiểu đoàn, chia làm nhiều mũi có máy bay yểm trợ đánh lên đồi A Bia. Con đường độc nhất lên được A Bia phải qua đồi thấp 49 với một ngã ba nhỏ, địch dưới đánh lên đẩy dần quân ta về phía núi cao sang Lào.
Từ chiều hôm trước Tiểu đội trưởng Cu Lói đưa anh em xuống phục chặn quân Mỹ tại các chiến hào, mỗi người với cơ số đạn gấp ba, nghĩa là 300 viên AK kèm theo bốn quả lựu đạn. Đúng 6 giờ sáng khi sương núi chưa kịp tan tiếng súng đã nổ, rồi cứ 30 phút đánh một trận, đánh liên tục đến 12 giờ trưa, tiểu đội hy sinh quá nửa, Cu Lói vẫy tay ra hiệu cho anh em rút. Quân địch quá mạnh lại đông. Cu Lói chạy nghi binh dưới chiến hào đánh cầm cự, tiểu đội rút dần lên đồi A Bia, nhưng khi đến ngã ba đồi 49 anh bị trúng đạn rook két, hy sinh tại chỗ. Tiểu đội đặc nhiệm của Cu Lói chỉ còn ba người, lại bị thương một rút về đến được căn cứ.
Quân Mỹ chiếm được ngã ba 49 nơi Cu Lói hy sinh.
Đêm gần sáng, tôi chỉ huy anh em du kích cùng gia đình Cu Lói bò vào trận địa tìm lấy xác. Một cảnh tượng rùng rợn nhất chưa từng thấy trong suốt cuộc đời chiến đấu của tôi, và chắc chắn của rất nhiều người Việt: quân Mỹ như bầy quỹ dữ thèm khát thịt người chúng đã băm thân hình nhỏ bé của Cu Lói ra nhiều mảnh, chân trái vứt về phía phải, chân phải ném về phía trái, hai cánh tay quăng xa hai nơi, thân xác chặt nhiều đoạn để rải nằm giữa ngã ba 49, ruột gan chúng quấn giăng khắp các cành cây gãy, còn đầu anh chúng cắt để lên mô đất miệng nhét cứng ngậm chặt dương vật...Toàn bộ thân xác anh chỉ vỏn vẹn một gói ni lông nhỏ nhẹ tênh!...
Kể đến đây ông Khóa bỗng òa khóc. Nước mắt của người hùng chiến trận, lại là của một người Pa Cô làm tôi không sao cầm lòng được và tất nhiên nước mắt tôi cũng trào ra. Tôi nghe như tiếng nấc lòng sâu thẳm của ông đại tá từng vào sinh ra tử sao mà xót xa cô độc vậy, thật là ai oán ngàn năm sau...còn hận lắm thay...
Phải mất một lúc chúng tôi mới bình tâm trở lại, đại tá Khóa gạt nước mắt
kể tiếp:
- Trận ấy toàn chiến trường A Lưới diệt được 95 tên, hạ được 4 trực thăng vận tải. Riêng Cu Lói bắn gục 30 tên lính Mỹ và một tàu rọ. Tôi nghĩ, chiến tranh có quy luật riêng của nó, nhưng rất nhiều năm sau cho đến tận bây giờ tôi vẫn không tài nào hiểu nổi, quân Mỹ có chỉ huy chiến trận tại sao lại băm xác một người lính đã chết nằm hiền như đất đai cây cỏ vậy để làm gì? Tôi nhớ sách Tam Quốc chí có nói tới đoạn quân nhà Ngụy khi đánh chiếm kinh đô nhà Thục, vào thành giết Khương Duy thừa tướng rồi quân lính Ngụy xông tới lật xác mổ bụng để xem cái mật Khương Duy to cỡ nào. Dù là sách tôi thấy cũng man rợ với thân xác đồng loại huống hồ quân Mỹ lại băm xác anh Cu Lói ra nhiều mảnh!?
Năm 1968 Cu Lói hy sinh khi anh vừa bước qua tuổi 19, vậy mà anh đã có hơn năm năm tuổi quân rồi.
Hôm tôi cùng nhà báo Nhất Lâm leo đồi tới thăm anh chị Kan Lịch, tôi nhắc lại chuyện Cu Lói đánh A Bia, chị Kan Lịch nói với chúng tôi trong nỗi nghẹn lòng: “Cu Lói ít tuổi lắm, người lại nhỏ bé, tham gia du kích sớm, đánh giặc hăng gan dạ, khi ra trận có người vác súng dùm cho vì súng dài quá người nó, còn đêm ngủ ra khỏi lán lại sợ ma rừng”...
Năm vừa rồi Cu Lói được Đảng, Nhà nước truy tặng Anh hùng. Trở lại đồi A Bia - sau khi Cu Lói hy sinh ở đây còn đánh rất nhiều trận. Có lẽ chỉ cần nêu vài con số tử vong trong hai tháng thôi để thấy hết mức độ ác liệt của chiến trường này. Cũng theo Đại tá Hồ Mạnh Khóa: quân giải phóng chỉ với hai tiểu đoàn trang bị vũ khí thô sơ quần nhau cùng 14 tiểu đoàn kỵ binh bay thay phiên nhau đánh kể từ tháng ba đến tháng tư năm sáu tám. Quân Mỹ đã sử dụng tại đây tất cả các loại vũ khí Mỹ có cả bom cháy và chất độc. Rốt cuộc quân Mỹ bị diệt gọn ba tiểu đoàn (với hàng ngàn tên). Quân giải phóng hai tiểu đoàn chỉ còn lại 13 người trong đó 4 chiến sĩ bị thương rất nặng, núi rừng tiêu điều khói lửa mịt mù u uất nhiều năm...
Người phía núi vẫn gọi đây là A Bia, còn người Mỹ khiếp đảm đến ghê rợn của sự thất bại lại đặt tên, Đồi Thịt Băm (Hamburger hill). Tôi như người lính vừa đi qua chiến tranh khốc liệt, tôi đứng lặng ở ngã ba đồi 49 nơi anh hùng Cu Lói hy sinh cách đây ba mươi năm trước. Thật bình yên giữa chiều đông Trường Sơn nhìn thấy bầy chim bay cao phía núi, và tôi cúi nhìn xuống mặt đất, nơi ấy cỏ xanh rờn còn đọng lại những hạt nước trong như hạt ngọc.
Một buổi chiều sau nhiều ngày mưa dầm, trời bỗng ngưng tạnh ánh lên ánh sáng kỳ lạ. Tôi đứng trên tầng hai nhà khách huyện dõi theo một bóng người
qua bản A Tung phía đồi Sim, chợt nhớ về một kỷ niệm với nhạc sĩ Trần Hoàn “Đi tìm Cô gái trên nương thuở nào”. Hôm ở làng A Ninh, Hồ Văn Mừng nói với tôi, “Bản A Tung có một người đàn bà độ chừng sáu mươi giỏi đánh đàn và hát tình ca hay lắm. Mỗi khi bà hát lũ trẻ của bản vây quanh mê mẩn, lòng miên man nhớ rừng…..”
- Tôi sực tỉnh khi nghe tiếng gọi tên mình. Bất giác nhìn qua rặng núi Trường Sơn mây vẫn trắng phủ trùm đỉnh ngọn.
Ngẩng đầu lên, ôi đã mùa xuân.
A Lưới 12.1998
D.P.T.