Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cũng còn kịp Tết

Ông Biền bước lên xe, hồi hộp trong lòng nén không được, thoát ra thành tiếng huýt sáo hơn hớn. Thấy ông vui, thằng lơ xe cũng phấn khởi theo, cười hùa một cái. Ông già đi bụi. Ừa, là đi bụi thiệt. Nên vui. Vui cái dám nghĩ, dám làm, mà lẽ ra ông phải làm từ lâu rồi mới phải.

Từ năm trước. Năm trước nữa. Chà, đúng nhất phải là bốn, năm năm trước. Hồi còn nhiều người đợi. Cái hẹn gặp gỡ nếu không gấp gáp có khi chỉ kịp tới nhìn nhau qua tấm ảnh trên nóc tủ sau lớp khói nhang mờ. Nên năm nay, nhất định là năm nay, ông Biền phải đi.

Dứt khoát bỏ lại căn nhà rộng rãi thiếu tiếng người, chờ mòn mỏi chiều tối mới được nghe những cằn nhằn. Con trai than bữa nay việc nhiều, con dâu thở dài đồ ăn dạo này lên giá, đứa cháu than bài tập chồng chất làm hoài không hết. Dứt khoát bỏ lại những nhiệm vụ dẫn con Milô đi dạo, coi bắc trước nồi cơm chín cho kịp, pha sẵn sữa để tủ lạnh cho thằng cháu học thêm về uống, tưới đám kiểng trước sân. Nhắc đám kiểng mới nhớ, ông Biền bỏ đi mấy ngày vầy nắng bể đầu chắc thiêu tụi nó chết rụi. Mà kệ chớ. Đã nói bỏ hết mà.

Dứt khoát bỏ luôn dặn dò của mấy đứa con, ba đừng đi bậy đường thành phố chằng chịt lạc sao tụi con biết đường kiếm. Dặn đừng qua chơi hàng xóm, nhìn mặt thân thiện ai biết lòng dạ người ta sao. Dặn đừng đi đâu lâu, ở nhà ăn trộm vô rinh hết đồ đạc thì chết. Dặn không bỏ về quê, con trai ông nói, ba mà lén đi con giận ba luôn.

Chắc mày có cửa được quyền giận tao! - Ông Biền lầm bầm trong bụng. Nó nói mà không biết nghĩ. Hồi đó, ai đợi cửa cho nó đi chơi khuya khoắt mới về? Hồi ông nội nó còn, ai đứng ra xin cho nó khỏi ăn đòn tét đít sau cả tuần đi biệt? Ai lặn lội qua xin người ta thương mà gả vợ cho nó? Ai? Một mình ông già này. Rồi nó hứa đưa ông về quê chơi. Hứa ngọt xớt như lúc chở ông lên thành phố. Nào ba nhớ nhà con chở về liền. Tới chừng ông nhắc, nó trách ba nói kì, nhà ba ở đây chứ đâu mà về. Nghe mắc sùng không? Mịt mùng mấy năm trời, quê nhà với ông xa lắc. Trong khi nỗi nhớ ngày một lớn dần, khiến tay chân cũng nặng nề ì ạch.

Minh họa THẾ HÀ

Minh họa THẾ HÀ

Không biết năm nay tụi con ông sẽ lấy lý do gì để hoãn chuyến về quê của ông. Năm ngoái là kẹt tiền, về quê tốn vé xe tốn quà cáp họ hàng chịu không nổi. Năm kia là bận công tác. Năm nọ là tụi nó hứng lên đi du lịch. Năm nay chắc lấy cớ dịch bệnh này kia. Thì kệ tụi nó. Ông tự đi. Ông còn khỏe, dư sức tự lo được.

Chuyến xe cứ vậy mà đi, chở theo một ông già lần đầu bỏ nhà đi bụi. Nói đi bụi, chớ thiệt ra ông về quê. Lần theo kí ức tìm đường. Mấy năm ròng rồi. Người với người có khi quay qua quay lại đã lạ hoắc huống chi cảnh vật. Nhớ lúc trước đoạn này có cái bưu điện, giờ đập bỏ xây thành biệt thự hả trời. Chà… Ông Biền ráng nhớ coi, còn cái gì làm mốc để biết đường bắt chuyến xe kế.

*

Thằng nhỏ lên xe, lớ ngớ ngó kiếm chỗ ngồi. Ông Biền đoán chừng nó cỡ tuổi cháu ông. Nhỏ xíu vầy đi đâu một mình không biết cà. Nhìn cái cách nó vừa hồi hộp, vừa như ấp lấy niềm rạng rỡ gì đó trong lòng không hết tràn lên vài nét trên mặt, ông bật cười. Rồi, bằng hữu đây chớ đâu.

Khều khều thằng nhỏ, ông kêu:

- Ê bạn nhỏ, đi bụi đúng hông?

Thằng nhỏ nhìn ông già, nhíu mày thận trọng. Làm như nó đang đánh giá coi ông có đáng tin không, là ông Bụt hay những gã phù thủy trong truyện cổ tích. Cuối cùng thấy mặt ông có vẻ thân thiện, và cái bánh ông đang chìa ra hấp dẫn quá mà bụng nó thì đang biểu tình ọt ọt, nó cầm lấy và gật gật đầu.

- Hay quá, vậy là cùng chí hướng rồi! - Ông Biền cười, xách đồ bước lên ngồi cùng thằng nhỏ.

Thấy ông mất một cây răng, thằng nhỏ bật cười khanh khách. Ông biết ý, chưa kịp nổi quạu đã thấy bạn nhỏ sún răng gấp đôi mình, liền chuyển thái độ bật cười theo. Khi cả hai đã dứt cơn cười, ông mới chọc, dân đi bụi mà nhận đồ ăn người lạ cho dễ dàng vậy là tiêu nhe. Người ta bỏ thuốc mê vô, đợi ngấm rồi người ta đem bán.

- Tại con biết ông là người tốt con mới tin bộ! - Thằng nhỏ phụng phịu. - Ông giống ông nội con!

Ờ, ông là người tốt thiệt. Nhìn ông phúc hậu hiền lành, nói không phải tự khen chứ ông tự thấy mình y chang mấy ông già tốt bụng đẹp lão trong mấy phim trên tivi vậy. Thấy thằng nhỏ còn đói, ông đưa thêm bánh. Giờ này chắc cháu ông đi học về rồi. Sữa ông có pha sẵn bỏ trong tủ lạnh, chắc nó tự biết lấy uống. Không biết con ông đã hay ba mình đi bụi chưa. Chắc chưa đâu. Nó bận. Hoặc nó nghĩ ông la cà đâu đó, bên nhà mấy hàng xóm mà vợ nó dặn đề phòng… Mà sao ông lại nghĩ về mấy chuyện này chớ? Đã nói là kệ rồi mà.

Ông Biền rẽ suy nghĩ sang hướng khác, bằng cách hỏi người bạn nhỏ định đi đâu. Đứa nhỏ miệng còn lép nhép nhai, ngó qua cửa kính. Ông cũng nhìn theo. Những con én đã về theo gió xuân, chao liệng chấp chới trên bầu trời. Trời thì rộng và xanh ngần ngật, những con én nhỏ xíu như những nốt nhạc nhảy múa, không hiểu sao lại làm lòng ông dấy lên cảm giác chơi vơi. Ông trốn cảm giác đó, đưa tay vò vò đầu thằng nhỏ, để biết rằng mình không đơn độc.

- Con đi về nhà ông nội! - Thằng nhỏ không đẩy tay ông ra, có lẽ bánh ngon làm nó ngoan ngoãn.

Những sợi tóc đen còn thơm mùi bảo bọc. Đôi mắt hồn nhiên tròn xoe ẩn sự bực dọc. Khỏi đoán cũng biết, lại là những lời hứa. Con nít rất tin vào những lời hứa. Người lớn kì cục, cứ lấy hứa hẹn làm phần thưởng để tụi nó chịu nghe lời. Sau đó thì sao? Quên, hoặc lơ là. Người lớn không biết tụi nhỏ đã trầy trật cố gắng cỡ nào, vì tin. Thằng nhỏ dám cũng như ông, chờ đợi hiu hắt một lần về quê.

Có khi ông nội nó cũng trông dữ lắm. Người già hay tủi thân, lúc nào không thèm kỷ niệm. Thèm dữ dằn tiếng sum họp, tiếng trẻ con líu ríu. Nhất là khi những cơn bấc về bấu vào thịt da nhoi nhói buốt, khao khát trong lòng càng bùng lên thành lửa. Lửa. Là lửa. Lửa nóng phừng liếm tới đâu lòng cồn cào tới đó. Tưởng tượng ông già mình ên hiu quạnh, khi sân nhà vàng rực mai khi én lượn đầy trời, chờ hoài không thấy cháu con về, ruột chắc đứt ra từng đoạn. Vậy đó, mà ba má thằng nhỏ, cũng như đám con ông Biền, có thấu được đâu!

- Rồi nhà ông nội con ở đâu? Để ông dẫn đi cho. - Ông Biền lại xoa đầu thằng nhỏ, những lọn tóc mềm tương phản với lớp da tay già nua nhăn nheo của ông thật đã.

- Con đi theo chim én. Chỗ ông nội nhiều chim én lắm. - Thằng nhỏ híp mắt lại, nhìn y chang con chó con.

Ông Biền chưng hửng. Ca này coi bộ khó. Trời vô xuân, chỗ nào mà không có én! Bây giờ thì ít, vài bữa bay đầy trời. Biết đường đâu mà kiếm.

- Con còn nhớ gì nữa hông? - Ông ráng khơi gợi, hy vọng thằng nhỏ nhớ ra chi tiết gì đó quan trọng.

- Hủ tiếu, ông nội con nấu hủ tiếu ngon lắm! - Nhắc tới đồ ăn, mắt thằng nhỏ sáng rực lên. Bụng nó cũng đồng tình, kêu ọt ọt phản ứng. - Mà con chỉ nhớ có nhiêu hà!

Ông Biền lắc đầu, chặc lưỡi tự lẩm bẩm với mình, kiểu này thua!

Xe hư dọc đường, ông Biền cùng thằng nhỏ kiếm chỗ trọ đỡ mai lại bắt xe đi tiếp. Cũng có thêm thời gian để suy nghĩ, coi chỗ cần đến là đâu. Với ông mọi chuyện dù sao cũng khá rõ ràng, còn với thằng nhỏ thiệt sự không biết tính sao. Nó không nhớ gì nhiều, ngoài những chuyện nhỏ nhặt không thấm vô đâu. Suốt buổi chiều trên xe, nó nhớ được nhà ông nội có nuôi con chó. Có trồng nhiều cây. Có một bầy gà. Trời đất quỷ thần ơi, kiếm một căn nhà dưới quê có chó có gà có cây nhiều như nước dưới sông, biết nhà nào mới là nhà ông nội nó!

Con nít đúng là vô tư. Ăn xong tô bún, thằng nhỏ lăn ra ngủ ngon lành ngáy pho pho kệ ông già ngồi gỡ mớ suy nghĩ rối nùi. Chắc nó mơ đồ ăn, miệng cứ chóp chép hoài. Hay nó mơ gặp ông nội, mặt nó nhìn vui quá kìa. Nét cười bung như mai đúng mùa thì nở, thiệt dễ thương.

Ông Biền thở dài. Thằng nhỏ quên nhiều như vậy, càng chứng tỏ lâu quá chừng nó không được về. Càng chứng tỏ ở đâu đó, có ông già mỗi năm một thêm héo mòn không biết con cháu mình năm nay có về được không. Năm nay gió lạnh hơn. Nghĩa là buồn càng thấm thía hơn. Buồn và nhớ đều có độc, ăn từ trong xương ăn ra. Người già thì yếu ớt. Không biết ông nội thằng nhỏ còn bao nhiêu thời gian…

Cọng tóc rụng dính mũi ngứa ngứa làm thằng nhỏ nhăn nhăn mặt. Ông Biền khẽ lấy nó ra, để giấc ngủ nó êm ái trở lại. Tội nghiệp. Mới có một ngày cơm đường cháo chợ, lên xe xuống xe mà thằng nhỏ ngó phờ phạc quá. Vừa đi vừa tìm đường cũng được, chỉ là không biết nó có chịu nổi không. Nhìn tướng này, ở nhà chắc quen cưng nựng đâu quen chịu khổ.

Ông Biền soạn lại túi mình, coi còn bao nhiêu. Ông không có nhiều tiền, ông cũng không nghĩ sẽ có chuyện gì xảy ra nên không phòng trước. Thân ông sao cũng được. Còn thằng nhỏ? Ông lắc đầu, tự thấy mình đèo bòng. Thân già lo chưa xong còn lo người khác.

Lại thở dài lần nữa, ông thả mình vô giấc ngủ nhọc nhằn. Thôi kệ, có gì mai tính. Ngủ cái mới có sức.

Ông Biền thấy mình đang bay, nhẹ hẫng. Ông bay theo những cánh én. Đàn én dẫn ông lượn khắp chốn. Bên dưới, hoa mai nở vàng rực rỡ. Những đóa mai khổng lồ bự như cái mâm phơi kiệu. Cả vạn thọ nữa. Vạn thọ cam sáng bừng như nắng, từng bông bự như cái thau. Chúng nối nhau nối nhau, thành một dòng sông lộng lẫy trải dài. Ông khựng lại chút, tự hỏi không biết bạn ông giờ này đã gieo vạn thọ chưa.

Có người vẫy tay với ông. Người đó chèo một cái xuồng làm bằng tàu cau khổng lồ, đang hái những bông vạn thọ khổng lồ. Ông nhìn xuống cánh tay vẫy vẫy. Trời ơi, bạn già của ông! Đôi mắt bạn ông nửa vui mừng, nửa như hờn trách. Cũng phải, lâu lắm rồi mới gặp lại. Ông định đáp xuống với bạn, nhưng nghe tiếng ai kêu cứu đằng xa. 

Thằng nhỏ! Nó đang chới với giữa dòng sông bông mai, vạn thọ. Ông định bay tới cứu, nhưng bạn ông giữ ông lại. Bạn ông lắc đầu.

Rồi tất cả biến mất. Cả bông, cả xuồng, cả chim én. Chỉ còn ông, bạn ông và thằng nhỏ. Ba người ngụp lặn giữa không gian mênh mông tối đặc. Hai người ở xa ông. Mỗi người như ở một đỉnh của tam giác. Ông chỉ được cứu một.

Ông khua nước, chần chừ. Định lội về phía thằng nhỏ, lại khựng. Ông vươn người tính lội về phía bạn, thì tiếng kêu cứu của thằng nhỏ vang lên xé lòng. Ông rối bời không biết phải làm sao. Chân ông bắt đầu mỏi. Và chính ông, không phải họ, bị con sóng nhấn xuống. Ông ngộp thở, yếu ớt chìm sâu dần.

Ông Biền giật mình tỉnh dậy, đưa tay sờ lồng ngực cảm nhận coi tim mình còn đập không. Còn, nó thoi thúc, giẫy giụa, thình thịch thình thịch. Người ông mướt mồ hôi. Bụng ông nóng hổi.

Ông nhìn xuống bụng, hóa ra hơi nóng không phải từ ông. Từ thằng nhỏ, không biết nó đổi tư thế gối đầu lên bụng ông ngủ hồi nào. Sờ tay lên trán nó, ông giật mình. Nóng quá. Chắc nó cảm rồi. Cả ngày nay dang nắng mà, đi xe mệt người nữa. Tội thằng nhỏ!

*

Đặt tô hủ tiếu đặc biệt đã được húp cạn trơ đáy xuống, thằng nhỏ lắc đầu nguầy nguậy:

- Ăn cũng được mà hổng bằng ông nội con nấu!

- Ờ, vậy mà ông tưởng kiếm được nhà ông nội con rồi. - Ông Biền ngồi xỉa răng, không màng tô hủ tiếu trước mặt mới chỉ đụng vài đũa. Nhìn thằng nhỏ ăn, ông no.

Ông nhìn quanh, chờ đợi. Ông giấu đôi mắt mình, sợ thằng nhỏ phát hiện. Từ xa, hai người ập tới. Họ ôm lấy thằng nhỏ, nhấc bổng lên, hun hít. Người đàn bà bật khóc nức nở. Người đàn ông giãn đôi mày đã dính chặt lại từ hôm qua tới giờ, thở phào.

- Ba… má…? - Thằng nhỏ ngơ ngác. Nó hết nhìn ba mình, nhìn má mình, rồi lại quay qua nhìn ông Biền.

Tối qua nó lên cơn sốt, ông Biền lục ba lô nó kiếm thuốc cảm, nó có vỗ ngực tự hào với ông nó đã chuẩn bị đầy đủ thuốc men cho chuyến đi bụi này. Có lẽ lúc đó ông đã tìm thấy cái điện thoại tắt chuông của nó, hiện mấy chục cuộc gọi nhỡ từ ba má. Nên sáng nay, ông dẫn nó ra tiệm hủ tiếu này, nói ông nghĩ chắc đây là nhà nội nó. Cái bẫy gọn hơ, thơm mùi hành phi và nước lèo lịm ngọt. Ba má nó được ông báo đợi sẵn, tới giờ thì xông ra bắt nó về.

Thằng nhỏ giẫy khóc. Ba nó xông tới kẹp nó lại. Nó phóng những ánh nhìn về phía ông, xù gai và đầy ngạnh. Trong đôi mắt nó lần nữa tí tách niềm tin vỡ. Nó hét lên, nói xạo, nói xạo. Và nó khóc. Những giọt nước mắt tròn xoe. Nức nở. Nhịp thở dồn làm nó nghẹn, như nghẹn chính nước mắt mình. Như bị chìm trong sự thất vọng, ngộp thở.

Khóc không thành tiếng nữa, thằng nhỏ im lặng đi. Vai vẫn run theo nhịp nấc. Nó quay lại nhìn ông Biền lần cuối, môi mím chặt, mắt đỏ rần. Ánh nhìn cố mót từ người kia chút lý do, rằng tại sao ông nỡ gạt một đứa con nít. Rằng tại sao ông cũng tha thiết muốn về quê, mà lại đập tan hy vọng của nó. Đôi vai nó dồn lên, rồi buông thõng, lê chân nặng nề đi giữa ba và má. Nhìn như phạm nhân bị áp giải chờ nhận hình phạt.

Ông Biền nghe trái tim mình yếu mềm, chảy nước. Chảy những giọt đỏ, mặn, như thể chính trái tim tan ra. Cơn đau khiến tuổi già không chịu nổi, bắt cơ thể bằng mọi giá vắt kiệt sự khô cong của tuổi ra hai hột nước mắt.

*

- Vậy đó, tui gạt một đứa con nít ông ơi! - Ông Biền uống hết ly trà, đặt xuống bàn. Ly trà nhẹ hều, mà câu chuyện làm nó nặng nề, đụng mặt bàn cái cốp.

- Là tui tui cũng làm vậy thôi. Chứ biết đường nào mà dẫn nó đi. - Ông Thiên, bạn ông Biền, rót thêm trà vô ly, cố an ủi ông bạn. - Rồi ông có nói chuyện với ba má thằng nhỏ không?

- Có, có chớ! - Ông Biền xoay xoay ly trà nóng trong tay. Hơi nóng xuyên qua thành ly không thắng nổi lớp da dày dạn thời gian và dòng suy nghĩ bắt đầu kéo dài.

Ông Biền có hẹn ba má thằng nhỏ ra nói chuyện. Nói cho họ biết mong muốn của thằng nhỏ. Họ có vẻ ậm ờ, không biết có để tâm không. Vẻ mặt đó, khi ông kêu ráng sắp xếp đưa thằng nhỏ về thăm nội nó, thiệt tình giống hệt mấy đứa con ông. Ngần ngừ và tìm lý do. Người lớn lạ lùng ghê. Giỏi trong việc tìm lý do hơn là tìm cách, để khi thời gian hể hả chiến thắng cướp từng điều quý giá, họ mới nhận ra điều cần làm. Để đám con nít - như thằng nhỏ, và đám già - như ông Biền, tự ngụp lặn với mong ước chơ vơ của mình. Khi lòng người cản trở, mọi thứ đều thành không thể. Thì một chuyến về quê có khác gì một chuyến đi vô cổ tích?

Khà một tiếng, ông Biền ực hết ly trà. Cái nóng cắn vô ruột, không bằng cái nóng trong mắt. Trước mắt ông, những hình ảnh thân quen này thật quý giá biết bao. Mấy năm rồi ông mới được nhìn lại. Tự nhiên ông nhớ thằng nhỏ. Chắc nó thèm về quê dữ lắm. Không biết nó có lén trốn đi lần nữa không. Mong là không. Con nít con nôi, đi lang thang người ta bắt cóc là chết. Nhưng mà… Ông thương nó quá. Thương như thương chính ông, thương bạn ông, thương những người hẫng hụt tìm nơi về để lấp đầy.

Điện thoại ò í e reo. Ông Biền bắt máy, nghe xì xồ một chập điếc tai. Thấy ông tắt ngang, ông Thiên cười, đẩy về phía ông dĩa khoai luộc nóng hôi hổi:

- Mấy đứa con gọi hả?

- Ừa. Tụi nó trách tùm lum. Tui chưa trách tụi nó thì thôi chớ! - Ông Biền hừ giọng, cầm củ khoai lên. Chà, khoai quê có khác, cầm thôi đã đủ rưng rưng. - Chắc tui bắt tụi nó đem mấy đứa nhỏ về đây ăn Tết, cho biết mùi Tết quê. Ở trển cắm mắt vô điện thoại, riết đầu óc mụ mị hết trơn.

Vừa lúc đó, có tiếng người í ới từ cổng gọi với vô.

*

Thằng nhỏ không chịu nguôi giận, núp sau lưng ông nội nó. Nó ôm chặt ông nội, thò cái đầu ra, lè lưỡi với ông Biền. Ông cười khổ, đâu có ngờ được ông nội thằng nhỏ lại là bạn thân ông, ông Thiên.

- Thôi thôi, ông xin lỗi mà. - Ông Biền cười cầu hòa.

Thằng nhỏ nhất quyết không nhượng bộ. Ai nói con nít mau giận dễ quên chứ ông thấy con nít giận dai thấy mồ. Ông Thiên kéo thằng cháu vô lòng, hôn lên mái tóc đen mềm của nó, thủ thỉ, thôi con đừng giận bạn ông.

Ông Thiên kể với nó, ông Biền cũng thương nó lắm. Về đây rồi cứ nhắc nó hoài. Còn định khi nào lên thành phố ghé qua coi nó sao. Ông Biền xạo với nó là sợ nó bệnh, con nít yếu nhớt đi xa xôi sao được. Nghe một hồi thằng nhỏ cũng nguôi nguôi, ánh mắt bớt đi hờn dỗi.

Nhìn thằng nhỏ, ông Biền nhớ cháu mình quá. Không biết giờ này nó đang làm gì. Chắc còn túi bụi với mớ bài tập, không thì cũng ôm lấy điện thoại. Thế giới nhỏ xíu, toàn những hình chữ nhật bó khung. Nó làm sao biết quê nhà rộng rãi ra sao, mát lành ra sao, vui nhiều thế nào.

Người già thiệt dễ mủi lòng. Nghĩ đó khóc đó. Thấy ông Biền chảy nước mắt, thằng nhỏ chạy lại nắm lấy tay ông, sốt sắng con hết giận rồi. Nó khoe với ông, bạn nó năm nay cũng về quê chơi. Bạn chung lớp, nó không ngờ chung quê luôn. Nó ôm lấy ông Biền, như ôm ông nội đó.

Ngoài cửa lại có tiếng người gọi. Ông Biền ngó ra, cặp mắt kèm nhem chịu thua, chỉ tai là từ từ bắt được tín hiệu quen. Ai như mấy đứa con ông. Ông Biền mừng rỡ bước xuống, chuẩn bị ra cổng mở cửa. Thằng nhỏ nhanh chân hơn, phóng cái ào, đưa tay vẫy vẫy la ủa bạn tới rồi hả.

Hai ông già hết nhìn tụi nhỏ lại quay qua nhìn nhau, bật cười. Hóa ra toàn người quen hết. Quen thân nữa là đằng khác. Vậy mà đặt vô thành phố, tường với tường ngăn cách bít bùng phủ màu xa lạ nào có nhận ra nhau. Phải đi một vòng thiệt lớn trở về, mới được gần.

Kệ, cũng còn kịp Tết!

P.D

 

Phát Dương
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 317

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground