Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 24/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cưới vợ cho ông

Coi thu xếp về họp gia đình gấp, ông bây đòi lấy vợ.

Nói xong, thím cười một tràng sảng khoái. Tiếng cười ngắt quãng kèm theo tiếng thím nhỏ dần, điện thoại rung lắc nhưng đủ để thấy chú đang đứng cạnh đó. Chắc chú nhăn nhó, càm ràm thím nhiều chuyện này nọ. Ở nhà mỗi thím dùng được điện thoại thông minh, có cả Facebook, Zalo để tiện liên lạc. Thím đưa máy lên miệng nói thì thầm, tao không hiểu tuổi ni ông bây mần ăn được chi mà còn đòi lấy vợ. Thím cười khúc khích, tay cầm điện thoại chạy xuống bếp, màn hình xoay chuyển chóng mặt.

Tôi cũng không thể tin những gì vừa nghe. Ông nội chuẩn bị lấy vợ ư. Ông bây đúng là tán gái cao thủ, đi nói với nhà người ta là ông mới bảy mươi. Trời đất, khai gian với nhà họ hơn chục tuổi. Thím tôi tóm tắt câu chuyện, rằng bà đó nghe đâu người quen cũ, hai người gặp nhau tình cờ trên bệnh viện huyện. Đợt đó ông lên châm cứu bấm huyệt, bà thì tuần nào cũng lên điều trị xương khớp. Thím vừa kể vừa cười, chưa cười xong đã kể, chưa kể xong đã cười, thiệt tình nóng cả ruột.

Ông nói ra Tết làm đám cưới để con cháu hai nhà đủ đầy. Tầm mồng chín mồng mười, cỡ đó là đẹp. Đáng ra, nên lo trước Tết để về với nhau cho vui nhưng ông nghĩ cho người ta, để người ta có thêm cái Tết sum vầy bên con cháu. Phía bên đó, lạ đời đáng ra phải phản đối, đằng này con cháu của người ta lại dốc lòng ủng hộ. Ngăn cản, đắn đo chỉ có phía con cháu ông, dù không gay gắt mấy.

Hai tám tháng Chạp, khi ông thông báo vậy, ai nấy đều chộn rộn, nhìn nhau hoang mang. Riêng thằng cháu đích tôn là tôi vẫn trực nên chưa về kịp. Mọi chuyện đành nghe qua lời thím kể. Tôi bảo thím đưa điện thoại để tôi hỏi thăm ông. Hỏi chuyện vòng vo này nọ rồi cuối cùng, không nhịn được, tôi hỏi chuyện tình yêu, chuyện cưới vợ của ông.

Ông bảo mùa xuân sum vầy, để thời gian người ta ở với gia đình, còn từ nay về sau, ông là gia đình của người ta. Bà là người quen cũ của ông, hồi trai trẻ ông từng hứa hẹn yêu thương với bà nhưng nhiều chuyện trắc trở nên không đến được với nhau. Ngày trước đã để lỡ nhau rồi, giờ duyên nối lại thì phải nắm bắt ngay chứ. Thằng cháu ba mươi tuổi, chia tay vài mối tình nhàn nhạt, bỗng dưng thấy hổ thẹn với ông vô cùng.

Minh họa: TRỊNH HOÀNG TÂN

Minh họa: TRỊNH HOÀNG TÂN

Chuyện này ở thành phố, ở nước ngoài sẽ chẳng lạ lẫm chi nhưng ở quê, nghe thiệt “kinh thiên động địa”. Dù rằng đó là tình đầu của ông. Người mà vì ông nên đời lận đận, theo lời của ông là vậy. Còn chút năm tháng ít ỏi cuối cùng, ông tính bù đắp cho người ta. Mẹ tôi nói, đàn ông muôn đời ích kỷ, chắc chi đã bù đắp. Ông bây già hom hem rồi, chừ thì khỏe đó chứ sang năm ai biết được. Hui miệng hui mồm, nói gở chứ lỡ đau ốm nằm ra đó lại hành bà kia. Ba tôi nghe được, càm ràm la mẹ. Chuyện của ông làm cả nhà đón Tết trong trạng thái xáo xào, vừa rôm rả bàn luận, vừa thậm thụt sợ ông nghe thấy.

Hồi còn sống, bà nội lớn từng đi tìm vợ cho ông. Chuyện này cả làng đều biết. Bà nội tìm tận ba người về ở chung nhà, chỉ để kiếm người đẻ cho ông đứa con trai. Sau cùng, chỉ có bà nội ruột của tôi là đẻ được ba và chú. Tính ra tôi có bà nội ruột, bà nội lớn và hai bà nội… ngang qua. Khi hai bà kia không ở chung nữa, bà nội lớn cũng tính đường gán ghép mối khác cho họ, nay họ cũng ở gần đây, ngay làng sát bên. Hồi đó, tôi nhớ hai bà nội ở với nhau hay lắm. Ở cùng nhà, người đến trước là chị, người đến sau là em. Cứ thế mà ăn ở với nhau trong hòa thuận, chắc cũng nhờ một tay bà nội lớn thu vén sắp xếp.

Bà nội lớn trước khi mất đã dặn dò ba tôi chôn bà ở ngoài cùng, để bà nội ruột nằm gần ông hơn. Nên chi, phần lăng mộ của nhà tôi, tới Tết vô thắp hương, mấy đứa cháu hay thắc mắc, mỗi nhà mình là có hai ngôi mộ nằm cách nhau một khoảng trong lăng, phía giữa thì để trống, chính là chỗ phần của ông. Tình hình này, tới lúc chết, ông nằm giữa và có tận ba bà nằm cạnh, ý nghĩ ấy đã thoáng qua khi tôi nghe chuyện ông nội cưới vợ lần nữa.

Mọi người nói ông quá quắt. Nhất là o Thảo, con gái của bà nội lớn. Hẳn là cùng đàn bà, thương phận mạ không đẻ được con trai, phải đi cưới vợ nhỏ cho chồng, nuôi con của chồng. Những uất ức trong o không dễ kìm nén. O không tìm ra được lý do nào để thông cảm và hiểu cho trường hợp của cha mình. Ba tôi và chú Út thì khỏe, đàn ông đàn ang, không khéo nhiều khi còn sinh ngưỡng mộ ông cũng nên. Tính ba phè phè, ai làm chi cũng được, chẳng bao giờ bận tâm, ba nói ông bây có bốn vợ, chừ thêm một là năm. Bốn với năm cũng như nhau, có chi mô mà lăn tăn cho mệt. Thím cười rũ rượi trước lý lẽ cùn của ba tôi. Chú Út thì có chút đắn đo, tính chú trước giờ cẩn thận, làm gì cũng sợ “người ta nói”, “người ta quở”. Hơn nữa, trong lòng chú luôn thương nhớ người mẹ đã mất sớm của mình.

Nhà chú Út nhiều khi như rạp hát, lắm chuyện bi hài. Mẹ nói ở nhà không có chuyện chi làm, nhiều khi qua bên nhà chú, nghe thím bây kể chuyện mà cười đau bụng. Cũng là vài chuyện trong nhà với chừng ấy người, ông nội và vợ chồng chú út, hai đứa nhỏ con chú. À, nói chuyện hỏi ý kiến, thằng Mầm năm nay mười hai tuổi, nó bảo mai mốt lớn cũng lấy vợ nhiều như ông, cho vui. Nói xong bị chú nạt cho một trận, trong khi thím vô tư vui vẻ thì chú lo ông là tấm gương xấu cho con cháu.

Có nhiều vợ không phải là lỗi của ông và cũng không phải là ý của ông. Hồi đó, lựa chọn người về ở với ông, rồi đi hỏi ý người ta, đi thuyết phục, dạm hỏi này nọ đều do một tay bà nội lớn lo liệu. Bà đi tìm hiểu những người đàn bà quá lứa lỡ thì, người thì chồng bỏ, người chồng chết. Bà chọn kỹ lắm, từ tính khí, nết ăn nết ở cho đến dáng hình phải hông to, ngực nở. Đón ai về ở trong nhà, bà cũng làm mâm cơm thưa với tổ tiên, dòng họ. Hồi đó, chẳng hiểu tài ăn nói của bà giỏi đến chừng nào mà những người đàn bà kia bằng lòng về ở rồi chung đụng với ông tôi cũng hay. Cũng không hiểu ông làm chi để chừng ấy người đàn bà ở trong nhà mà không nghe xô đẩy, đụng chạm.

Tính ra, với tuổi tám lăm, trông ông nội tôi khá trẻ. Ông minh mẫn, trí nhớ tốt, ăn nói rõ ràng, đi đứng thẳng băng. Hồi trẻ, hẳn ông đẹp trai lắm. Ông không uống bia, không uống rượu, không hút thuốc, chỉ nghiện nước chè. Nước chè phải đậm quéo do tay bà nội lớn hãm thì ông mới ưng bụng. Bà nội lớn mất đến nay cũng vừa mãn tang, nghĩa là nếu làm đám cưới như ý ông muốn thì cũng… được rồi. Mẹ tôi nói không biết ông bây nhiều vợ nhất tỉnh chưa, may mà hai thằng con không ai giống.

Mồng ba Tết, tôi về nhà thăm ông. Mới vô nhà, thím đã khoe ông qua nhà “vợ tương lai” chơi, tuổi này hình như ông cũng đi mần rể bây ơi. Vừa nói đã nghe tiếng xe máy ông về ngoài cổng. Ông chở thêm bà. Cả nhà nháo nhào soạn sửa. Bà nhìn hiền khô và còn trẻ, rất trẻ. Khéo chừng bà ít hơn ông cũng phải mười lăm, hai mươi tuổi. Bà nói hồi xưa nhà bà ngăn cấm bà tới với ông cũng vì chênh lệch tuổi tác. Nghe bà nói, ông quay qua cầm tay bà, một cái nắm tay ân cần, dịu dàng vô cùng. Tôi, một thằng con trai chưa vợ thấy nể ông vô cùng. Thím tôi thì ngồi cười khúc khích, ngại ngùng trước khoảnh khắc yêu đương của đôi tình nhân già.

Ngày trước từng thương nhau, ông hứa mai mốt sẽ cưới người ta. Rồi vì chiến tranh, vì nhiều xáo trộn, ông lấy vợ theo sắp đặt của gia đình. Vì lời ước hẹn đó nên ông nghĩ người ta chờ mình. Bà phân bua, rằng không phải bà chờ ông. Chỉ là bà bận việc quá nên không thương ai. Năm hai mươi tuổi, mẹ bà từng nhắm gả bà cho người làng bên nhưng trước hôm đám hỏi thì bà bỏ nhà đi. Bà bảo mẹ bà thừa biết con mình đi đâu nhưng không dám nói. Chỉ đành cầm cau trầu qua nhà kia xin lỗi. Là bà trốn nhà đi bộ đội. Tới khi đi bộ đội về thì quá lứa lỡ thì, bà xin con rồi ở vậy nuôi con chứ không lấy chồng. Cho tới khi gặp lại ông, ở tuổi bảy mươi, bà sắp có người bạn đời đúng nghĩa.

Ông ngập ngừng trình bày khi cả nhà đã đông đủ, rằng ông bà tính rồi, qua mồng mười ông sẽ rước bà về. Dù bà không đòi hỏi nhưng ông vẫn lo lễ đàng hoàng, có rước dâu, có cau trầu rượu đủ đầy. Mọi người cười nói vui vẻ, vun vào cho ông bà. Nghĩ ông tuổi này có người bầu bạn là vui rồi. Riêng chú Út giữ vẻ bình thản và nghiêm nghị, chú không lên tiếng phản đối cũng không nói gì. Mẹ tôi vỗ về o Thảo, chuyện đã tới nước này, thay vì bực bội thì thôi nên mừng cho ông.

Có điều, cả nhà đã không ngờ, hóa ra, người mắc bệnh là bà. Bà bị bệnh nan y. Con cháu trong nhà đã giấu bệnh với bà, chỉ nói với ông. Họ nói để ông suy nghĩ lại chuyện làm đám cưới. Ngờ đâu, biết bà bệnh, ông càng quyết tâm muốn chăm sóc bà những ngày cuối đời. Con cháu bà bảo vậy khi nào bà trở bệnh nặng, họ sẽ đem bà về nhà để chăm sóc, ông muốn thì qua bên đó ở cùng bà. Chú Út biết chuyện, bảo không, một khi bà về nhà chú thì đã là mẹ của chú, gia đình bên đây sẽ cùng ông chăm lo cho bà tử tế.

Đám cưới được tổ chức sớm hơn dự định bởi mọi người sợ bà trở bệnh. Hôm đám cưới, o Thảo cứ lăng xăng lo việc này việc kia. Đến khi thấy ông nắm tay bà vô nhà, hai người cúi lạy thắp hương trước bàn thờ của bà nội lớn và bà nội nhỏ, tự dưng o chảy nước mắt. Chú Út cũng xắng xít chỉ trỏ người này người kia để lo việc thật chu toàn. Trước đó, chú còn chở ông bà đi làm giấy đăng ký kết hôn rồi thêm tên bà vào sổ hộ khẩu.

Ông nội nghe ai bày thuốc thang, lá cây lá cỏ chi cũng kêu chú đi kiếm về để sắc cho bà uống. Chẳng biết sức mạnh của tình yêu thương hay lá cây lá cỏ hiệu nghiệm mà sức khỏe của bà ngày càng tiến triển, bà hồng hào, khỏe khoắn hơn. Mầm bệnh trong người không còn đe dọa tính mạng nữa. Bà đã cùng cả nhà đón thêm nhiều cái Tết ấm vui.

Đ.M

 

 

ĐỒNG MAI
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 340

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

25/04

25° - 27°

Mưa

26/04

24° - 26°

Mưa

27/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground