Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Dân Chợ Huyện

Con đường vắt qua mặt đồi lơ rơ mấy vạt khoai sắn chừng hơn năm trăm mét rồi chạy thẳng vào Nam, đến đầu cầu Hiền Lương thì ách tắc. Nhưng trên trái đất này có con đường nào bị chặn đứng để khiến nó không đến được điểm đích cuối cùng đâu !...
Nơi mặt đồi rộng khoảng hơn năm trăm mét vuông mà Quốc lộ I vắt qua ấy, từ cuối năm 1954 đến năm 1955 đã hình thành nên hai dãy nhà lá và có một cái chợ khá sầm uất – Khu vực Chợ Huyện của Đặc khu Vĩnh Linh thời “giới tuyến tạm thời”. Từ sau ngày Hiệp định Giơ-ne-vơ bị Mỹ - Diệm phá hoại, giặc tuyên bố “khóa tuyến”, không còn cho đồng bào hai bên nam bắc qua lại trên cầu Hiền Lương, bà con miền Nam ra Bắc ở Chợ Huyện ngày ngày ra đứng đầu dốc ngó về quê hương mịt mù ảm đạm ngay trước mặt, nghẹn ngào uất ức. Họ không buồn bởi họ không thừa lạ thói gian ngoan xảo quyệt xưa nay của giặc, nhưng họ có nhiều tâm trạng.
Một buổi chiều tháng chạp năm 1954 trời he he nắng. Giặc đã đốt chợ Bạn vùng Xuân Mỵ - Cát Sơn, phía bờ nam và tuyên bố khóa tuyến, Hoàng Phi, người thợ may quê mạn Triệu Phong lại ra ngồi ở đầu dốc Chợ Huyện, lặng lẽ ngó về Nam. Vợ anh, chị Lấm đã mắc kẹt bên kia sông Bến Hải. Hai vợ chồng đến đây từ mấy tháng trước, bằng tre tranh nứa lá đã dựng được căn nhà cạnh chợ, bắt đầu làm nghề may vá áo quần. Được ít lâu, thấy hàng nhộn, chị bàn với anh để chị quay vào Đông Hà sắm thêm chiếc máy khâu, nhân tiện ghé chợ Bạn thăm bố mẹ già, rồi mua chỉ khâu, ít súc vải mang ra luôn thể. Anh lưỡng lự, nhưng vốn là người rất yêu chiều vợ, vả lại ở Vĩnh Linh đủ mọi thứ thiếu, nên cũng để chị đi vào lần cuối. Nhè đâu... Lẽ nào ông trời không thương, xui nên cảnh cho vợ chồng anh phải sống chia lìa cách biệt! Anh không trách ai. Anh chỉ thấy lòng mình luôn như lửa đốt. Chưa nắm được tin tức gì chính xác, nhưng nghe đâu sau khi đốt phá chợ, bọn Diệm lùa bắt giam một số đồng bào. Lấm có đi chợ hôm đó không? Lấm có bị sa vào tay lũ quỷ ác? Người Vĩnh Giang bên này bờ bắc nói hôm đó nghe tiếng nổ loạn xạ, khói lửa um trời, ầm ào tiếng la hét chửi bới... Trời ơi, Lấm có làm sao thì nỗi đau chắc sẽ giết chết anh luôn mất... Hoàng Phi nhắm nghiền đôi mắt để kìm nén những giọt hờn tủi cứ chực ứa trào ra trên khuôn mặt vuông vức đầy rỗ hoa của anh, rồi lại mở ngó trừng trừng như muốn phóng hai ngọn lửa thiêu chết lá cờ ba que của giặc ở đằng xa tít kia ngày ngày cứ như một ngọn lá héo rủ xuống... Sau lưng có tiếng dép lẹp xẹp đi tới. Hoàng Phi không quay lại. Một bàn tay vỗ nhẹ lên vai anh với giọng nói đã quen thân:
- Mấy hôm nay miệt Cát Sơn, Thụy Bạn bà con mình vượt sông qua bờ bắc khá đông. Họ qua đường Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy cũng nhiều. Biết là Cao Tộ, người ở cạnh nhà mình, Hoàng Phi cũng không quay lại chào hỏi. Cao Tộ lột dép ngồi xuống cạnh anh. Hoàng Phi vẫn im lặng. Cao Tộ nói tiếp:
- Cô Lấm không khờ khạo trước một bọn lính tráng ngu ngốc của thằng Diệm đâu. Rồi cô sẽ vượt ra được thôi mà. Tôi đây mới kẹt - Hoàng Phi khẽ quay nhìn thiểu não Cao Tộ như muốn hỏi anh sao kẹt - Hồ sơ tập kết của tôi còn thiếu giấy sinh hoạt Đảng. Mấy cha tổ chức Huyện ủy bảo lãnh đạo đi vắng cả chưa có người ký, cứ ra Vĩnh Linh ổn định xong công việc rồi quay vào lấy không sao. Hiệp định Giơ-ne-vơ nói sông Bến Hải chỉ là giới tuyến tạm thời về mặt chính trị. Hai miền Nam-Bắc vẫn được quyền thông thương buôn bán, đi lại với nhau. Thế mà, nay thì... Tôi tính liều vượt sông đi vào một chuyến...Hoàng Phi tỉnh táo khuyên:
- Không nên đâu anh. Nguy hiểm lắm. Dọc bờ nam bây giờ chúng rải dày đặc rặt một lũ thâm thù miền Bắc. Cứ thế đã. Mình còn hai năm đấu tranh đòi nó thực hiện Hiệp thương mà. Nó ngoan cố, mình đấu tranh. Cả thế giới ủng hộ mình đấu tranh. Cao Tộ thụt môi trên, để hở hàm răng trắng, thoạt trông cứ ngỡ anh cười, thực ra răng trên của anh bị vẫu. Có vẻ bần thần anh nói:
- Suy cho cùng, không khéo Hàn Bíu cạnh nhà mình nói đúng. Mỹ nói Mỹ không ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, Ngô Đình Diệm lại càng không thò tay ký. Pháp mới là anh liên can, thì Pháp đã bỏ về. Ngô Đình Diệm do Mỹ dựng lên, họ Ngô  nói họ có quyền không biết đến các điều khoản của Hiệp định...
- Đó là cách ngụy biện của chúng thôi. Hoàng Phi nói như cắt lời Cao Tộ rồi anh lại ngồi im. Thở ra một hơi dài và anh lại bật giọng buồn rầu:
- Tôi lo cho vợ tôi quá anh ạ.
- Đã bảo yên tâm đi. Cô Lấm có thừa tinh khôn để vượt mặt quân quỷ dữ.
Dù Cao Tộ ra sức động viên, Hoàng Phi vẫn cảm thấy ruột gan mình đang bấn nẫu. Ai đó đang ré cười khanh khách phía sau lưng họ. Lại mấy bà hàng chợ hay đưa chuyện rồi. Thêm có anh thợ gò Ngô Điều hay trêu chọc. Hoàng Phi không muốn để họ quấy rối nỗi lo rối ruột của mình, định lẳng lặng lánh về nhà nhưng thấy bất tiện, đành ngồi nán lại.
Anh thợ gò Ngô Điều người cùng quê Triệu Phong với Cao Tộ. Anh có khuôn người thấp bé mà rắn chắc. Hai cánh tay quen gò búa gân thịt cuồn cuộn khi nào cũng động đậy khuơ khoắng. Anh ta là cây hài tếu, thích cười cợt bông lơn nhưng nhanh nhẹn, hoạt bát, nhạy cảm công việc thì không ai bằng. Mấy trăm dân Chợ Huyện từ miền Nam ra, chân ướt chân ráo, loay hoay còn chưa biết tính chuyện làm ăn, sinh sống thế nào thì anh đã mở việc hàn gò. Xô, thùng đựng nước, chậu giặt, ô-doa tưới...có khắp từ Hồ Xá đến Chợ Huyện đều là sản phẩm cơ sở gò hàn của anh.
Ngô Điều đang đi với hai người phụ nữ. Một người trạc tuổi trên ba mươi, mập mạp trắng trẻo có khuôn mặt khá dễ ưa. Người phụ nữ thứ hai đã có tuổi, to béo như cả chiếc thùng tô-nô, hai tay vận động cứ như đang bơi, đẩy khối cơ thể đồ sộ lên phía trước. Bà ta ăn mặc cũ kỹ khác với cô bạn trẻ ra dáng trau chuốt cạnh mình. Cao Tộ hỏi người phụ nữ trẻ:
- Cô Hoa mập, ấy chết lỡ lời - mập là biệt hiệu dân chợ đèo vào để phân biệt với Hoa lép người gầy xo chuyên bán bánh xèo, Hoa dao cau hàng xén, mắt liếc xéo khách sắc lẽm như dao cau; Hoa mập đã có ba con, chồng mất sớm, cô còn được gọi là Hoa cháo lòng bởi chuyên bán cháo lòng. Cô không ưa ai gọi mình như thế - Cao Tộ tiếp: Thiên hạ đang trăm thứ lo, cô thì chuyện chi cười như nắc nẻ vậy? Người phụ nữ có tuổi nguýt dài nói:
- Cái đồ vô tâm vô tạng... Hoa mập lại cười ngặt nghẽo :
- Ai đời bà Tám nói ri có nín cười được không: Cái mặt mẹt Ngô Đình Diệm làm cho mình không chuyển kịp đồ đạc nữa rồi. Tao có cái chảo nấu kẹo lạc tính bảo con vào khiêng ra để làm nghề, ai ngờ Diệm đã khóa tuyến. Ôi chao, cái l...gang ấy của tao vừa to vừa bền, dùng được cả đời...Bà Tám vội thanh minh:
- Ấy là tao nói cái chảo gang. Lỡ lời…Ngô Điều chích vào ngay:
- Tơ tưởng cho lắm thì cái lưỡi cứ líu lại. Bà Tám cự:
- Anh đừng mỏng môi nữa. Cả chợ đang gọi tôi là Tám líu đó rồi. Ngô Điều cười toáng lên pha tiếp:
- Tôi bày cho: Lên Hồ Xá gặp ngay mấy ông tây trong Uỷ ban giám sát quốc tế mà kiện. Đừng gặp ông Ấn Độ, ông Ba Lan, tìm gặp cho được cái ông Gia-nã-đại ấy.
- Đồ tào lao. Anh tưởng tôi không biết gì về mấy ông tây ấy à? Bảo làm cho mấy cái bàn mài sắn thì sợ trả công rẻ không làm. Hoa mập nhờ đàn cái vĩ múc cám lợn thì làm mau lắm. Hoa mập lại lăn ra mà cười.
Bà Tám líu quê Gio Linh, chồng mất sớm, để lại cho bà một đàn sáu đứa con gái. Tất cả đều thất học. Hẳn vì phải lo kế sinh nhai mà bà vẫn động viên con: Chữ nghĩa không bẻ ra ăn được, biết buôn bán giỏi, có ngày nên cửa nên nhà con ạ. Cách bà đặt tên cho con cũng thấy hiếm người: Lợi, Lộc, Lèo, Lá, Lòn, Lọt. Hôm mấy mẹ con vừa gánh gồng dắt díu nhau ra Chợ Huyện, đến đăng ký chỗ Phòng Đón tiếp miền Nam, cứ nói lăng líu một lúc, bà lại tương nhầm một chữ l. Các đồng chí cán bộ phụ trách thoạt đầu mắt cứ trố lên, sau hiểu ra, phải nín cười đến tức thở. Khi khai tên con gái thứ năm, đồng chí thư ký ngỡ bà lại tương nhầm, đỏ mặt hỏi lại: Bà bảo chi? ‘’À, à tôi nói Lòn, con Lòn rồi đến con Lọt’’. Bác Thiềm Công Sừ người cùng quê cũng đến đăng ký, khi ra về bảo bà: Bà Tám này, đổi tên đi cho bốn cháu sau. Tội chúng nó quá. Đứa nào cũng đẹp như hương như hoa mà phải mang mấy cái tên…Bà Tám trả lời: Bác nói chừ đổi răng được, kêu quen từ nhỏ rồi. Vả lại cần đẹp người đẹp nết, đẹp đâu ở mấy cái tên…
Cùng sống kề cận nhau trên một dãy phố, bà Tám líu hiểu khá rõ tính nết Ngô Điều. Tuy là người chuyên nghề trêu chọc bất cứ ai nhưng anh ta rất tốt bụng. Gần đây bà bắt thóp được anh ta có cảm tình đặc biệt với Hoa mập. Bị bà Tám sờ gáy tấn công ngay trước mặt Cao Tộ, Hoàng Phi, Ngô Điều vờ nheo mắt, méo mồm rồi nói:
- Không mài sắn bằng tay nữa. Mỏi, mà lại chậm. Tôi sẽ ‘’sáng tác’’máy mài đạp bằng chân, năng suất gấp bội lần. Các cô Lợi, Lộc, Lèo, Lá của bà sẽ là những người thử nghiệm đầu tiên. Được chưa?... Và họ ngồi chuyện vãn về quê hương đang mịt mờ xa tít phía bên kia Hiền Lương của họ.
*  *  *
Bà cả Huệ suốt ngày ca cẩm về chuyện người con rể Hàn Bíu xách gia đình ra Vĩnh Linh. ‘’Rứa là kẹt rồi…Ri thì sống dở chết dở. Chừ tiến thoái lưỡng nan. Tao tưởng khôn mần răng! Người ta là người kháng chiến, còn mình…’’Hàn Bíu nghe đã đầy tai. Anh cứ một ‘’lập trường quan điểm…’’Nhận định Mỹ-Diệm sẽ ngoan cố không thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, anh bàn với gia đình phải mau cao chạy xa bay ra miền Bắc. Bà Cả nói: Tao không đi đâu cả. ‘’Không đi thì con bỏ vợ và ba đứa nhỏ lại cho mẹ, con đi’’. Hàn Bíu nói dứt khoát. Lã Thị Xuân, vợ anh buồn rầu nói nước đôi: Thuyền theo lái, gái theo chồng. Mình ạ, hay cứ thư thả xem tình hình thế nào… Hàn Bíu khẳng định: Không xem ngó chi nữa hết. Bọn giặc sẽ trả thù những người kháng chiến cũ cho mà coi. Tôi dù sao cũng đã bảy năm là bộ đội Cụ Hồ. Chúng có tin tôi là bệnh binh đã giải ngũ hay lại bảo người của ta cài lại? Và anh dọa: Chúng nó không chỉ cắt tai xẻo mũi mình tôi đâu. Vợ, con, em út và cả mẹ nữa, mẹ đừng tưởng có cậu Hạ đi lính Tây giờ không biết ở đâu mà nó kiềng. Để đến lúc bọn giặc treo ngược cả nhà lên mới biết. Tây là Tây. Mỹ là Mỹ. Thằng Mỹ chẳng nể thằng Tây… Bà Cả Huệ đâm hoang mang nao núng. Trong khi đó, người Gio Linh, chợ Cầu ngày ngày xôn xao gánh gồng vượt Hiền Lương ra Bắc… Thế là quầy hàng xén của bà được xếp gọn vào hai gánh, một bọc to. Hàn Bíu vai mang chiếc máy khâu nặng trĩu, tay nách con bé mới ba tuổi, dắt díu cả nhà gồng gánh vượt cầu Hiền Lương. Trên khoảng đường chừng hơn mười bảy cây số, họ phải dịch từng chặng một, mãi đến tối mịt mới đến được Chợ Huyện.
Bà con từ miền Nam ra Chợ Huyện, thoạt đầu đều được bố trí ở nhà Hội quán thôn Linh Đơn- Vĩnh Hòa. Đông quá thì tràn vào nhà dân địa phương. Chỉ một thời gian ngắn, họ đua nhau lên rừng Bãi Hà ‘’chém tre đẵn gỗ’’ mang về dựng nên nhà cửa phố xá mà sinh sống.
Dù mọi thứ sinh hoạt đã ổn định, ngày ngày Hàn Bíu vẫn bị bà cả Huệ dựng dậy mà rày rọc. Bà nói: Anh ngó coi mấy trăm dân Chợ Huyện từ Nam ra có ai lý lịch gia đình mắc míu như mình không! Bố vợ anh là ông to Sở Bưu điện thời Tây nhá Thằng em vợ anh là sĩ quan lính bảo vệ của Tây nghe nói đang ngã dần theo Mỹ nhá… Suốt mấy năm người ta lên chiến khu kháng chiến, mình thì ở lẫn với Tây nhá… Hàn Bíu vẫn điềm nhiên ngồi đạp máy may xành xạch. Được thể, bà cả Huệ ‘’ca’’ thẳng bài: Vĩnh Linh đánh giặc thì giỏi thật mà cái nghèo thì… chẳng thấy chi ngoài sắn với khoai… Lã Thị Xuân ngồi đơm khuy áo cạnh chồng chợt hoảng, vội ngẩng lên: Chết! Mẹ. Mẹ nói bậy phạm chính sách đấy. Bà cả Huệ chợt thức tỉnh, im thít. Được một lúc, không ai đối thoại, thì tâm can bà tự độc thoại: Nghèo thì cứ nói nghèo. Vô lẽ nghèo mà ưa khuếch lên khoe mình giàu. Gánh hàng xén của tôi đấy, chỉ có đám học trò mua ít giấy bút. Khăn hồng, chỉ thêu… người ta chỉ đưa mắt nhòm. Đến bánh xà phòng giặt cũng chẳng ai mua. Giữa chợ, chủ yếu dân miền Nam ra buôn quanh lẫn nhau: Bà hàng bánh ăn quà bà hàng cháo, bà hàng cháo mua hành, mua ớt bà la-ghim, bà la - ghim mua thùng mua chậu anh thợ gò, anh thợ gò vá áo may quần anh thợ may, anh thợ may mua hàng bà hàng xén… Mà giả dụ cả mấy gian hàng xén bán buôn năng nổ, một ngày cạn kiệt, lấy đâu nguồn hàng tiếp tế duy trì? Cái gì cũng hiếm, cái gì cũng quý, cái gì cũng thiếu… Sinh hoạt cộng đồng thì hôm họp, mai họp, mười đêm, mất chín đêm cả nhà thay nhau đi họp. Hết họp, lại đóng góp, kê khai… Cơ cảnh này, về lâu về dài, không biết rồi lấy đâu ra thóc gạo mà kéo nổi một bè lớn nhỏ tấm mén…
Chẳng quan tâm chi đến mớ bòng bong lo nghĩ trong lòng bà cả Huệ, Lã Thị Thu, cô gái út mười ba tuổi của bà được ra Bắc như chim sổ lồng. Em sống hồn nhiên, tung tăng như con sáo. Sáng sáng giúp mẹ dọn hàng ra chợ, theo chị gái rảo một vòng khắp chợ mua sắm thức ăn, hơn mười giờ xách cơm cho mẹ; Buổi trưa, em vào lớp học bổ túc của anh Cao Lẫm, chiều, giúp anh chị làm khuy nút, đêm, xách đèn đi dạy bình dân học vụ. Em được Cao Lẫm tổ chức vào Đội thiếu niên Tiền phong, cổ đeo khăn quàng đỏ hẳn hoi. Anh Cao Lẫm nói sẽ bổ túc cho em để năm tới Vĩnh Linh mở trường cấp II em xin vào thẳng lớp năm mà đi học với các bạn.
Cao Lẫm hai mươi mốt tuổi, quê Triệu Phong là cựu học sinh Trường Nguyễn Hoàng Quảng Trị. Vừa học, anh vừa tham gia du kích bí mật đánh Pháp. Anh có tiêu chuẩn tập kết ra Bắc. Hiện, anh được phân công làm bí thư chi đoàn Thanh niên, Tổ trưởng an ninh và Trưởng ban Bình dân học vụ Chợ Huyện. Lẫm đang được hai chú Nguyễn Minh Cẩn quê Cam Lộ chủ tịch và Lê Xuân Thư quê Cửa Việt - Gio Linh bí thư Thị trấn Hồ Xá theo dõi để kết nạp Đảng. Nguyễn Minh Cẩn cũng ở Chợ Huyện, ngày ngày lên Hồ Xá làm việc, Lê Xuân Thư làm nghề sông nước ở thuyền. Ông chủ tịch thị trấn, thỉnh thoảng lại qua nhà chuyện vãn với Hàn Bíu và động viên bà cả Huệ một lúc, ông bí thư thì thảng hoặc mới tạt qua. Nhưng hễ câu được con cá to, gặp bé Thu là ông trao ngay, bảo: Xách về cho mẹ, nói mẹ đây là cá nước ngọt, chú lấy rẻ thôi, bao giờ có tiền thì trả. Nhưng bà cả Huệ ăn cá rồi bảo Thu mang tiền trả chú cấm có lấy. Ít khi đến chơi, mà lạ, việc gì trong nhà Thu, chú cũng biết mà hỏi tới. Chú rất thích ăn sứa với rau thơm, uống li rượu, mà bà cả Huệ thì chế biến sứa rất sành. Hễ có dịp tạt qua nhà là câu đầu tiên của chú: Bà cả mô rồi, sứa thì không thiếu nhưng có rượu không? Tức thì bà cả hớn hở lén bảo bé Thu xách chai chạy ngay đến hàng phở ông Mề,  Hàn Bíu rời khỏi bàn may và bữa tiệc sứa vô cùng thú vị chẳng mấy chốc đã được bày ra. Vừa nhâm nhi, Lê Xuân Thư vừa vui vẻ đủ mọi thứ chuyện, anh hỏi chuyện nhà chuyện cửa, chuyện làm ăn buôn bán, bà cả Huệ cởi mở hết, duy chỉ việc có thằng con trai đi lính Tây là bà giấu kín. Có lần bà bạo dạn nói với ‘’ông’’ đồng chí bí thư thị trấn:
- Bác cán bộ này, tôi nói khí không phải bác bỏ qua - Lê Xuân Thư mỉm cười chêm vào: Bà cả đừng gọi tôi thế -  À là tôi phải gọi cho có phép. Ừ, thì anh Thư này,  mọi cái khó chắc rồi mình cũng có thể qua được. Riêng một chuyện phải đi họp nhiều quá, họp đêm họp ngày... Tôi thì biết chi, cũng cứ biểu đi họp. Lê Xuân Thư bật cười ha hả hỏi cắt ngang:
- Có họp cả ban ngày nữa à. Chà, quá lắm. Để rồi khắc phục. Nhưng sao lại bảo bà không biết chi, nên đi họp để cho rõ đường lối chủ trương của Đảng, Chính phủ mà dễ làm ăn buôn bán bà ạ…
Rồi đến ngày tiếng trống khai trường cấp II Vĩnh Linh vang lên, bé Thu được nhận vào học lớp đầu cấp. Hàng trăm học sinh từ miền Nam ra, hoặc theo cha mẹ tập kết hoặc vượt tuyến, không kể tuổi tác lớn bé đều được nhận vào lớp tất. Em nào cũng được cấp phát mười ba cân gạo hàng tháng và áo quần, chăn màn. Bà cả Huệ thấy Thu không có tiêu chuẩn ấy, Hàn Bíu lại một phen bị dựng dậy: ‘’Anh thấy chưa, người ta chỉ nói đầu miệng những là đoàn kết thương yêu lẫn nhau, những là, những là… nhưng rồi họ có phân biệt rõ ràng. Gia đình con mụ cả Huệ này có cha con từng đi theo Tây mà…’’ Hàn Bíu ngừng máy, trố mắt chưa kịp nói gì thì vợ anh đã đỡ cho chồng: ‘’Trăm dâu, mẹ đều đổ đầu ba nó. Mẹ còn kêu họp nhiều nữa đi. Cái cuộc họp cách gần tháng nay mẹ vờ kêu đau đầu không đi mà nghe phổ biến rằng học sinh nào không có gia đình thì được tiêu chuẩn cung cấp; Ai đang ở cùng cha mẹ, anh em ruột thịt thì gia đình hẵng cứ nuôi nấng lấy con em mình đã. Cao Tú em ruột anh Cao Tộ đó, dù cha mẹ mất nhưng lâu nay vẫn ở với anh thì cũng thuộc dạng như con Thu’’. Bà cả Huệ nói:
- Cao Tú đã to đùng, nó còn học hành chi nữa.
- Thế mà nó vẫn xin vào học trường cấp II đấy.
Người miền Nam vượt sông Bến Hải ra Bắc ngày một đông, vợ theo chồng, cha mẹ theo con cái. Có rất nhiều thanh thiếu niên thừa cơ bọn cảnh sát ngụy lơi lỏng, họ nhảy ùm xuống sông, ngụp lặn mấy nhịp đã ra quá nửa sông, giặc có phát hiện cũng không làm gì được nữa, bởi nửa sông bên này đã thuộc địa giới miền Bắc. Các em được thu nhận hết vào các trường cấp I, II Vĩnh Linh. Hơn năm nghìn dân miền Nam ra đều dồn về hai nơi: Chợ Huyện và Hồ Xá. Khu Chợ Huyện trở nên đông vui tấp nập. Khuôn viên nhỏ bé của cái chợ không còn đủ chỗ chứa lượng người và hàng hóa khắp nơi đổ về. Chợ họp tràn ra cả Quốc lộ I xuống tận bờ sông.
Cuộc cạnh tranh buôn bán đã làm sứt mẻ tình bạn vong niên giữa bà Tám líu và cô Hoa mập. Nguyên, thuở ban đầu, bún giò, nem chả của Hoa mập rất được khách. Vợ chồng ông Mề xuất hiện với nồi bún giò Huế. Không những Hoa mập bị chia khách mà còn bị chê ỏng chê eo. Cô ta nóng mặt, liền tiếng bấc tiếng chì, khuơ mèo đuổi chó… Ông Mề vốn là người dễ dãi, vui tính, luôn ‘’yêu chuộng hòa bình’’ bàn với vợ chuyển qua phở bò. Phở bò ông Mề lại ăn đứt bún giò Hoa mập. Thấy khách cứ đổ xô vào phở bò, Hoa mập chửi đổng cả khách. Bà Tám líu ngồi bán cau khô, đệm lác, chiếu cói và đủ loại tam bành ngũ tấu bên cạnh thấy chướng, mới lấy tình bạn mà ‘’ý kiến’’ với Hoa mập. Bất đồ, cô ta nổi bẩn chửi luôn: ‘’Bà thì biết cái chi! Rặt một lũ mua tranh bán cướp’’. ‘’Mi bảo ai mua tranh bán cướp ?’’. ‘’Ai thì tự biết lấy. Mẹ con bà cũng chẳng vừa’’. ‘’A a, a a, tao nói, trăm người bán vạn người mua; Khách người ta ưng ăn bún, ăn phở là ở tùy họ…’’. ‘’Tôi không thèm nói với bà. Cái mặt bè bè như cái mặt Ngô Đình Diệm…’’Tức khắc, bà Tám líu bị líu lưỡi, ú ớ mất một lúc mới bật ra: ‘’Cái con này, cái mặt l. này! Ai là Ngô Đình Diệm hớ? Mày ví ai với Ngô Đình Diệm hớ, đồ l. kia? Ngô Đình Diệm là cái quân bán nước…! Ối trời đất ôi, tôi mà là Ngô Đình Diệm! Có ai ăn nói quái ác thế không? Có không?...’’ Và cơn tức điên nổi lên, bà Tám líu xông vào định vồ lấy Hoa mập. Cả một góc chợ đâm thành nhốn nháo. Mấy chàng Tự vệ làm công tác an ninh trật tự vừa thổi xíp-lê inh ỏi vừa vác súng chạy đến muốn chụp trói cả hai người. May thay, Cao Lẫm cũng có mặt. Anh quắc mắt bảo đồng đội: ‘’Thôi đi ! Bắt với trói cái gì! Có dẹp hai người ra hai phía không?’’. Khi cuộc ẩu đả tạm lắng, bà Tám líu vừa thở hồng hộc vừa phân trần : ‘’Thà rằng bới ông bà ông vải tôi lên còn hơn ví tôi với cái mặt thằng Ngô Đình Diệm…’’Đám xúm xít đứng chung quanh, xôn xao ồn ĩ cười nói: Phải! Phải! Cô Hoa mập ví von thật quá đáng. Thật là kém đầu óc. Thật là sai lầm, sai lầm, đại sai lầm… Lại cười nói rào rào. Thế mà Hoa mập còn chì chiết vạch thêm: ‘’Thảo nào học Bình dân học vụ thì cứ o mờ om nặng đệm, đờ eo đeo nặng đục mà gào…’’. Bà Tám líu đã ngồi xuống ghế bán hàng rồi, lại xắn tay đứng lên : ’’Cái ấy không phải do tao, do cái thằng Cao Tú hay ăn nem chả, uống rượu nợ của mày, nó lếu láo, nó dạy tầm bậy…’’. Về sau, dù bà cả Huệ đã cố dàn xếp, hai người vẫn chưa chịu làm lành với nhau. Vợ chồng ông Mề thấy Chợ Huyện hàng ăn bày la liệt, Hồ Xá rộng rãi mà cán bộ, công nhân viên ở đó ăn uống đàng hoàng sạch sẽ hơn, lại một phần nhường nhịn Hoa mập, dọn lên lập quán mới, ăn ở cố định luôn trên đó.
Cao Tú là một anh chàng nghịch ngợm, mười bảy, mười tám tuổi còn ngồi học lớp Năm, bóng ban suốt ngày, Cao Tộ nói không nổi. Hễ cứ vào lớp là cu cậu hết chọc ghẹo lại ngồi ngủ gật. Bị các thầy quở trách mãi đâm nản, Cao Tú xin nghỉ học luôn, đi học nghề cắt tóc. Tổ hợp cắt tóc phân công cho Nguyễn Văn Tư, một thợ cắt tóc giỏi kèm cặp Cao Tú. Nguyễn Văn Tư lúc lắc cái đầu bảo:  Phải học hành và làm việc cho tử tế, không, anh lại đuổi chú mày. Cao Tú trả lời: Anh đuổi em thì vào sân ai gạt bóng cho anh sút. Nguyễn Văn Tư không ngán: ‘’Không có chú mày thì anh bảo thằng Lý Trường Sơn, thằng Lâm Cường. Chán đứa.’’. ‘’Nhưng ba đứa chúng em cùng một duộc, anh lấy bóng đâu mà làm bàn’’. ‘’Anh sẽ tự dành lấy bóng’’. ‘’À hay, hay ! Anh giỏi’’. Họ trở nên rất ăn rơ, và Cao Tú học nghề rất mau tiến bộ. Đội bóng nói đây là của một số ham thích ở Chợ Huyện tự lập ra để đá với đội Hồ Xá. Về sau, cả hai đội hợp nhất thành một đội khá mạnh, lên chân giày hẳn hoi. Đối thủ là đội Liên quân khối cơ quan, Khu đội, Trường học, Bệnh viện… Trong đội hình mới, Nguyễn Văn Tư được phân đá hậu vệ nhưng cứ nhảy lên tấn công; Bất cứ xa gần, vớ được bóng là sút, mười quả sút hỏng mất chín. Mỗi lần sút hỏng, anh ta lại ôm đầu bứt tai, bứt tóc. Ông Mề chủ quán phở là thủ môn số một, bắt bóng rất dẻo. Đã ôm gọn bóng trong tay, ông còn ra bộ hầm hè, đánh đông dẹp bắc… Vui vẻ thế cho nên các chiều chủ nhật, dân Chợ Huyện kéo nhau đi xem đá bóng cứ đông nườm nượp.
Lý Trường Sơn và Cao Tú kết thân với nhau từ quả bóng. Dù một người còn đi học, một người đã thành thợ cắt tóc, họ vẫn thường xuyên lui tới bạn bè. Hẳn do họ hợp nhau trong tính cách. Có khác, Cao Tú nhẵn trơ, thô thiển, Trường Sơn cạnh khía, nghịch ngầm. Những pha đùa của Lý Trường Sơn khá độc chiêu. Biết Lâm Cường bạn học cùng lớp chăm chỉ siêng năng chỉ biết chúi mũi học tập, chẳng chơi bời, bè bạn với ai bao giờ, lại là anh chàng nhát gái số một, một hôm, sau buổi lao động, Sơn bảo Cường: "Cường này, thầy giáo chủ nhiệm bảo cậu chờ có việc ở chỗ phòng học . Thầy sẽ đến" Cường ngồi chờ mãi chờ hoài, chờ đến dài ruột, chẳng thấy thầy đâu. Trời sập tối, thấy Lã Thị Thu hớt hơ hớt hải chạy vào hỏi: "Anh là ai? Anh bảo cần gặp em có việc gì à?" Cường ngớ ra hỏi lại: "Vậy em là ai? Học lớp nào? Ai bảo anh cần gặp em?" "Em là Thu, học lớp Năm B. Anh Lý Trường Sơn bảo anh cần gặp em có việc hết sức quan trọng"… Thôi rồi, cả anh lẫn em mắc lừa anh bạn Lý Trường Sơn rồi. Thôi, ta đi về đi em.
Ngờ đâu, sự đùa bỡn của Lý Trường Sơn lại xây nên một mối tình về sau, gắn kết keo sơn, thắm thiết nồng nàn, nhưng đầy trắc trở dãi dầu, đầy uẩn khúc, xót xa…
Dân Chợ Huyện từ cuối năm 1958 phần lớn chuyển dần lên định cư ở Hồ Xá theo chủ trương tập trung xây dựng thị trấn mới. Và bắt đầu từ ngày mồng tám tháng hai năm một chín sáu lăm họ đều trở thành những chiến sĩ dân quân tự vệ can trường trong công cuộc chiến đấu đánh trả máy bay Mỹ bảo vệ thị trấn quê hương thứ hai của họ, góp phần xây nên lũy thép Vĩnh Linh anh hùng. Không ít máu xương của bà con miền Nam, mà đại đa số là từ các huyện Cam Lộ, Gio Linh, Triệu Phong, Đông Hà, Hải Lăng… thấm đẫm, trộn lẫn pha hòa cùng máu xương người dân Vĩnh Linh trung dũng kiên cường trên mảnh đất Hồ Xá, Chợ Huyện, Vĩnh Linh trong suốt trường kỳ hơn hai mươi năm cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
                                                                    N.T.H
NGUYỄN TRUNG HỮU
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 229 tháng 10/2013

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground