K |
hông phải mãi đến lúc thằng bé chạy ào ào xuống biển anh mới chú ý đến nó, mà từ trước đó, từ lúc anh khập khiễng lê bước ra biển. Thằng bé nổi trên bãi biển đông đúc và ồn ào một ngày cuối hè khách vẫn chẳng có gì đặc biệt. Nó chạy nhảy, la hét, tung mình vồ vập đùa rỡn với sóng. Những bọt song trắng xóa cuốn quanh người nó. Nó nhao người theo sóng, khuôn mặt tươi tắn ướt đẫm ánh mặt trời. Bên cạnh, quây quanh nó là những chàng trai, cô gái người nhảy tung đón sóng, người tập bơi phao, người chuyền bóng.
Thợ ảnh vác máy lội ào ào ra biển giữ ống kính lên ngắm, luôn mồm mời mọc “Kiểu này đẹp lắm, làm một pô nhé.”.
- Hoàng ơi! Lên nghỉ một lúc đã em! - Một cô gái gầy và dịu dàng như cành liễu lên khỏi nước nằm trên cát nắng. Thằng bé con mà anh chú ý đang đùa sóng vội chạy lên theo cô gái. Nó bốc cát ướt đắp thành ụ một tòa lâu đài cao chót vót. Biển đưa, sóng dập dềnh cuốn lên bãi liếm vào chân lâu đài và kéo đổ xuống biển để rồi mấy giây sau lại dâng cát đắp lên mặt bãi màu đỏ hồng mịn màng. Thằng bé ngẩn ngơ nhìn theo sóng một lúc rồi lại hì hục xây lâu đài khác.
- Nào Hoàng ơi, chuẩn bị cô cháu ta chụp một kiểu ảnh với biển làm kỷ niệm về thành phố treo nào! - Cô gái nói và rũ cát trên vai Hoàng kéo nó đứng dậy.
Thợ ảnh nghiêng ngắm một lát rồi bấm máy. Hoàng đứng bên lâu đài. Hoàng chạy trên sóng và Hoàng đứng bên thuyền buồm. Hoàng ôm thiên nga... Cô ơi mai mới về hả cô? - Thẳng bé hỏi và ngước nhìn cô giáo, em tưởng chiều nay về. Hôm đi cô bảo chiều nay về.
- Ừ, cũng định thế nhưng có việc đột xuất, trong đoàn có thầy giáo Thịnh quê ở đây, mẹ bị ốm phải đi thăm, thành ra mọi người phải chờ thầy. Mai về em càng được tắm biển thêm một ngày nữa. Đúng không?
- Đúng. Nhưng chiều nay em phải về...Hoàng lí nhí nói và ngước nhìn cô giáo. Cô hiền từ và thương yêu học sinh như em. Chính nhờ cô mà Hoàng được ra biển vài ngày. Tuy muộn nhưng còn hơn không. Hôm đó, cô hỏi:
- Hè này Hoàng có được bố mẹ cho đi nghỉ ở biển không?
- Không, cô ạ. Bố mẹ em bận lắm! Hoàng đáp và thở dài, các bạn em được đi đây đi đó. Có đứa đi tận Vũng Tàu, Đà Lạt.
- Thôi được, em đi nghỉ với cô. Cô hứa với em nếu năm nay cô đi nghỉ đâu cô sẽ cho em đi theo, chỉ miễn rằng bố mẹ em đồng ý thôi.
Hoàng chờ đợi. Cuối cùng, ngày vui đã đến. Cô giáo tổ chức đi nghỉ mát với nhóm bạn thân của cô. Cô đã cho Hoàng đi theo. Lần đầu tiên được nhìn thấy biển được đùa nghịch sóng Hoàng sung sướng vô cùng. Sáng ra biển. Chiều ra biển đến tối không muốn về. Hai ngày trôi qua vèo một cái. Như hẹn, chiều nay đoàn về. Sao cô lại bảo chiều mai?...
- Cô ơi, em không ở đến mai được, em phải về chiều nay.
- Sao? Em thích biển lắm kia mà. Ở thêm một ngày nữa càng thích chứ sao?
- Nhưng em có hẹn...Hoàng ấp úng.
- Em hẹn với ai - Cô giáo hỏi - Nhìn vẻ mặt băn khoăn ngây thộn của Hoàng cô biết là cuộc hẹn quan trọng.
- Em hẹn với mẹ em... - Hoàng nói và nhìn cô giáo. Mong cô hiểu cho em, mai là chủ nhật, bố mẹ em được nghỉ. Nó nói và lặng thinh nhìn biển. Nó làm sao có thể nói để cô hiểu được về cái gia đình nhỏ bé của nó lâu nay đã rạn nứt và đang có nguy cơ đổ ụp. Nó chẳng hiểu tại làm sao bỗng dưng bố mẹ nó hay cãi nhau đến thế. Cứ gầm ghè như hai đấu thủ lúc nào cũng muốn xông vào ẩu đả. Hai người ở riêng bố một buồng mẹ một buồng với em bé. Bữa cơm chẳng bao giờ đủ người trong nhà cũng ngồi ăn. Mà người trước người sau. Bố lắp thêm cửa gỗ vào phòng bố (trước chỉ treo ri đô) và đóng sầm lại khi nhìn thấy mẹ về. Còn đâu không khí vui vẻ đầm ấm trước kia. Bố mẹ suốt ngày dập dành đèo nhau trên một chiếc xe. Và có lần, ngày ấy Hoàng còn nhỏ nó thấy bố mẹ xúc cơm cho nhau ăn như em bé. Còn giờ ngồi ăn bố mẹ ngồi ngoảnh mặt đi như người không quen. Nhà như quán trọ! Mẹ bảo: “ Được là quán trọ còn là tốt”. Bố đáp liền. Thế không được là quán trọ thì là gì? Mẹ vặc ngay. Là nhà tù! – Bố đáp rồi vùng vằng bỏ đi. Mẹ ném bát cơm đang ăn dở xuống đất, bỏ đi nốt. Tại sao gia đình mình lại thành nhà tù quán trọ nhỉ. Hoàng thấy cổ đắng ngắt. Những hột cơm cứng đơ không nuốt được, nó bỏ dở bát cơm vào nhà trốn vào góc phòng. Ngày hôm sau mẹ không đi chợ thổi cơm nữa. Mẹ phát cho Hoàng năm nghìn đồng. Mày ăn bún chả hoặc gọi cơm hộp. Tao ăn ở cơ quan, nhà không nấu nướng gì hết đỡ rách việc! Còn bố? Nó khẽ hỏi. Tự túc là hạnh phúc của mỗi người. Mẹ đáp
Tối đến, mẹ đón em bé quẳng về nhà rồi vội vả đi đâu đó. Bố cũng thế. Sau khi ăn cơm bố đến đứng trước gương hát rất to: “Bằng lòng đi em, bằng lòng đi em, anh đón qua cầu…” Nó buồn bả nghĩ mẹ đi vắng bố định đón ai qua cầu nào thế. Bốn chung quanh cầu thang trên cao dưới thấp mỗi ô cửa là một gia đình, nhà cứ như những đôi chim bồ câu đi về luôn có nhau. Chẳng bao giờ nghe họ to tiếng hoặc đập vỡ cái gì. Nhà mình đến tan mất thôi. Mỗi lần có chuyện gì bực tức mẹ hét toáng lên “Giải tán cái nhà này đi”. Ôi, Hoàng sợ quá nếu giải tán em bé đi đâu, mẹ đi đâu, nó ở với ai...
Có lẽ cô giáo hiểu cả nên cô rủ nó đi biển. Cô nói chuyện với mẹ nó và xin phép cho nó đi cùng “cho khuây khỏa ít ngày”. Nó nghĩ mẹ nó sẽ không bằng lòng, không ngờ mẹ nó gật ngay rồi vui vẻ chuẩn bị quần áo, đồ ăn nước uống cho nó đem theo. Trước lúc lên xe mẹ ôm nó vào lòng nói: “Con đi hai ngày về là đúng chủ nhật. Chủ nhật cả bố lẫn mẹ đều nghỉ bố mẹ sẽ đèo con và em bé đi công viên mua đồ chơi”. Nó cảm động quá đến không tin ở tai mình nữa liền hỏi lại: “ Cả bố và mẹ cho con và em bé đi chơi à?” “Ừ đúng rồi, cả bố
và mẹ đều cho hai anh em đi”, Mẹ đáp và cười - nụ cười rạng rỡ. Nó sung sướng quá nhảy cẫng lên. Như thế nhà nó sẽ lại vui vẻ đoàn tụ như các nhà xung quanh. Nó sẽ được đi chơi với bố mẹ và em bé. Nó phải đi nhanh về để chủ nhật đi chơi với bố mẹ. Được đi chơi với bố mẹ là một niềm vui lớn của nó.
- Cô ạ, em nhất định phải về chiều nay... - Nó nói cương quyết. Và, cô giáo lại lần nữa thấu hiểu nỗi mong chờ niềm vui lớn của nó. Cô gật đầu:
-Được, cô sẽ tìm xe người quen gửi em về phố trước.
Chiều, tắt nắng thì Hoàng về đến nhà. Nó hồi hộp chạy lên từng bậc thang. Nó đứng sững trước cái khóa to tướng treo trước cửa. Nó giơ tay lau mồ hôi và bụi nhức nhoà trên mặt rồi, ném túi áo quần ngồi phịch xuống đất, đầu gục xuống hai bàn tay vòng trên gối, thiếp đi.
- Thằng Hoàng đã về đấy à? Sang bac mà lấy chìa khóa, bố cháu gửi bác đây - Tiếng bà Thìn hàng xóm. Nó vùng dậy và giơ tay. Chùm chìa khóa rơi vào tay nó, nặng trĩu.
Nó mở khóa, bước ngẩn ngơ trong ngôi nhà hoang lạnh bừa bộn những quần áo, bát đũa bẩn, guốc dép cùng đồ chơi trẻ con vứt ngổn ngang – Tờ giấy có mấy chữ nguệch ngoạc để ở bàn: “Ai về trước đi đón bé Nga”. Tờ giấy vẫn còn đó, chìa khóa vẫn ở đây như vậy là em vẫn còn ở nhà trẻ. Hoàng nhìn đồng hồ. Đã quá giờ: Nó khóa cửa và vùng chạy đến nhà trẻ. Mấy đứa trẻ các nhà đón muộn ở các lớp dồn lại, hau háu chờ. Bé Nga lao ra ôm lấy anh. Hai anh em dắt nhau về nhà. Nó lục tìm trong các túi, trong tủ lạnh những gói bánh còn sót lại và chia nhau ăn ngấu nghiến. Cả đĩa rau cải luộc đậy lồng bàn. Thức ăn còn lại từ sáng cũng được chúng ăn tất. Rồi mỗi đứa uống một cốc nước đầy. No. Hai anh em nằm chéo chân xem ti vi.
Mẹ về. Ồn ào từ cửa tiếng giày và mùi thơm của nước hoa ít tiền.
- Thằng Hoàng đã về đấy à? Sao về sớm thế? Sao không ở chơi thêm, cô giáo cùng về à? Có đói không, cho năm nghìn đi ăn phở này. Ăn bát ba nghìn thôi, còn hai nghìn mua gói mì xào đêm có đói ăn thêm. Mẹ bận đi công việc không nấu cơm được. Mẹ cho em bé đi với mẹ...
Mẹ nói và thay quần áo, son phấn.
- Thế còn bố?... - Hoàng rụt rè nói.
- Cái gì! Mẹ quắc mắt. Ai có thân người ấy lo.
Mai chủ nhật mẹ ạ! - Hoàng rụt rè nhắc.
- Chủ nhật thì nghỉ, chứ làm sao! - Mẹ nói và nắm tay bé Nga kéo đi - Trông nhà đấy? - Mẹ đi qua đôi mắt mở lớn nhìn theo Hoàng.
“Cô giáo ơi, lúc này cô đang làm gì? Chắc mọi người ăn cơm xong đang ra bờ biển ngồi hóng mát. Đem cả đàn ra nữa. Mọi người vừa đàn vừa hát vui lắm phải không cô? Nếu em nghe lời cô, ở lại tập hát thì vui biết bao nhiêu. Em về vì lời hứa của mẹ. Nhưng mẹ đã quên mất rồi. Em mà nhắc chắc sẽ bị đánh mắng. Người lớn bao giờ cùng đúng...Chỉ có trẻ con là sai thôi. Em đã sai. Nhưng vẫn còn kịp cô giáo ạ!”.
Hoàng giơ tay gạt dòng nước mắt vừa tràn ra đứng vụt dậy, bổ con lợn đất lấy nắm tiền lẻ để dành và năm nghìn mẹ cho ăn bữa tối, nó đóng cửa, gửi chìa khóa bà Thìn như trước, lao xuống cầu thang.
Ở bến xe vẫn còn chuyến cuối cùng chạy về biển.
***
Hoàng trở lại bãi biển khi đêm vừa chập tối. Những ngọn sóng bốc lên ánh sáng. Bãi biển hoang vắng. Vài người tắm muộn còn lại lác đác chập chờn.
- Cô Dư ơi! Hoàng gọi và nhìn từng mô đá. Đâu còn những lâu dài cát trên bãi. Không có một người nào quen. Nó chạy thục mạng về nhà nghỉ. Các phòng trống trơn. Những khuôn mặt lạ nhìn nó.
- Cô giáo Dư và các chú ấy đi rồi!
- Đi đâu ạ?
- Chủ nhà có người ốm. Xong việc họ về thành phố cả rồi. Sao tưởng cháu về trước rồi cơ mà.
- Vâng. Cháu có việc quay lại tìm cô giáo.
- Cô giáo về thành phố rồi cháu về thành phố mà gặp.
- Vâng.
Nó nói và quay đi. Nó không đi về thành phố mà đi ra biển
Và lúc ấy anh nhìn thấy nó. Thật ra lúc này nó chẳng khác gì một đứa trẻ lang thang nhặt củi khô, vỏ đồ hộp hoặc tìm kiếm những xác cá chết sóng dạt lên bãi mà thường ngày anh vẫn nhìn thấy nhan nhản trên các bãi tắm.
Thực ra anh đến đây không phải làm nhiệm vụ coi sóc các đứa trẻ. Anh đến đây để theo dõi một đối tượng hình sự của một vụ trọng án mới dạt về vùng biển này. Thằng bé lang thang trên biển chẳng có liên quan gì đến anh. Và, bình thường chẳng có gì quan trọng. Nhưng trong bóng tối, một đứa trẻ rời bỏ thành phố và nhà của nó để đi ra biển - cái dáng đi phăng phăng quả quyết là không bình thường làm anh hoảng sợ.
- Ơ này, em bé ơi, đi ra đấy làm gì?
Anh vùng đứng lên gọi to và chạy lao ra biển. Thủy triều đang dâng sóng ào ào đập vào bờ làm sao đứa bé nghe được tiếng gọi của anh. Hay nghe mà không dừng lại. Nó đi đâu? Nó tìm gì trên mặt biển tối om lấm tấm ánh đèn thuyền cá ở xa? Anh hối hả lao theo nó. Thấp thoáng lúc ẩn lúc hiện khi thằng bé hiển ra chỏm tóc và mảnh áo lúc mất hút trong vùng biển đen ngòm.
Anh cuống cuồng lao xuống nước.
***
Cuối cùng, anh cũng đưa được thằng bé lên bờ. Người nó ướt đầm và lạnh như một con cá chết. Anh đặt nó nằm trên cát, làm hô hấp nhân tạo và cùng cả hơi nóng của thân thể mình ủ cho nó.
Cuối cùng trái tim nhỏ bé của thằng Hoàng cũng lại đập và nó mở mắt
nhìn chăm chăm khuôn mặt của anh. Gọi khẽ:
Bố! Con chờ bố mãi. Mẹ vừa đi với em bé.
N.T.N.T.