Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đêm lạ nhà

Mẹ con Hoài xuống sân bay chừng mười giờ tối, thêm một cuốc xe hơn chục cây số nữa thì về đến nhà Sơn - cậu em họ bên chồng. Hai đứa con gái vốn quen đi tàu xe từ bé nên rất ngoan.

Sơn đứng trước sảnh chung cư đợi sẵn, hai tay kéo hai chiếc vali nặng trịch lên nhà. Hoài đeo balo, tay xách túi trái cây nặng trĩu, miệng hối các con chào chú, chúng líu ríu sau lưng mẹ. Chung cư nằm ở vùng ven Hà Nội có tám block cao mấy chục tầng. Người ở đâu mà đông thế, sống chồng chất lên nhau, sống giữa thành phố chỉ cần lâu lâu không ghé qua cung đường đó đã thấy mấy chung cư mọc lên cao chọc trời.

Vợ Sơn niềm nở đón mẹ con Hoài, trên tay bồng đứa nhỏ, hai đứa con lớn ngồi trên sofa, cơm canh đã dọn sẵn. Ngày Hoài về làm dâu, trong họ mới có hai ba đứa cháu, bây giờ về thăm quê đã có cả đàn cháu líu lo, hỏi tên đến dăm bảy lần vẫn nhầm tên đứa này sang đứa khác. Bọn trẻ con dễ làm thân, mới í óe khóc không muốn gần người lạ đã chạy nhảy váng cả nhà, có bao nhiêu đồ ăn cũng đem bày ra mời nhau như thân thiết từ lâu lắm.

Minh họa: Phạm Văn Cường

Minh họa: Phạm Văn Cường

Sơn trải tấm cao su ra sàn nhà, vợ Sơn đem ra mấy cái gối, nói chị với cháu đi nghỉ sớm sáng mai chồng em chở về quê. Nói rồi vợ chồng con cái Sơn vào phòng tắt điện, Hoài nghe tiếng vợ Sơn nựng con nhỏ nhỏ:

- Thôi nín đi, đừng khóc, để cho bác và hai chị ngủ, đi đường xa chắc mệt lắm rồi.

Hai đứa con thấm mệt, nằm hai bên cho mẹ gãi lưng đã thở đều đều. Hoài mắc chứng khó ngủ, lần nào đi công tác chị cũng đem theo chiếc áo mặc dở của con đắp lên ngực cho dễ ngủ. Căn hộ nằm ở tầng mười một, chiếc quạt trần rù rì không xua được cái nóng hầm hập, Hoài lật hai đứa con trở mình, lau mồ hôi lưng cho chúng, chị phe phẩy cái quạt giấy rồi cứ thế miên man trong ký ức.

Ngày ấy, Hoài theo chồng về quê làm đám cưới giữa mùa đông giá rét, anh cả chở chồng Hoài, Hoài ngồi sau lưng bố chồng. Ông mặc tấm áo bộ đội đã sờn cũ, ngồi sau lưng ông, Hoài còn gọi nhầm khi là bác, khi là bố. Căn nhà nhỏ ở quê ấm cúng, bức tường hoa đặt không biết bao nhiêu chậu cây cảnh. Bố mẹ đã mua giường mới, trải chăn nệm thơm tho, nhờ người mát tay đủ trai đủ gái căng drap, mắc màn. Đầu hồi, bố chồng còn treo mấy giò lan nghinh xuân, dặn ban đêm nhớ mở cửa sổ mà hưởng hương thơm ngọt lịm. Hoài xa quê hơn chục năm, gặp lại vườn cây, chái bếp thì bỗng dưng thấy thân quen. Bố chồng lại hợp tính, bữa cơm gắp đùi gà, nem cuốn cho nàng dâu mới. Hoài nấu cơm trong bếp, bố lúi húi kê ghế ngồi nhặt rau, vừa làm vừa nói: “Bố lại kể cho con dâu nghe chuyện ngày bố ở chiến trường”, hay “ngày xưa bố để ý mẹ mày khi hành quân về làng, mẹ mày đang cân thóc ở sân kho mồ hôi mướt mát, hai má đỏ ửng lên”. “Đây, bố dẫn con dâu đi xem gia tài của bố mười sáu năm làm đậu phụ nuôi mấy đứa con ăn học từ khi bố về hưu non”. Bố mở cánh cửa ghép bằng gỗ tạp, bao nhiêu nồi, chậu nhôm được cọ rửa sạch sẽ vẫn sáng bóng lên, bố rửa bằng tro bằng trấu, bấy giờ nhà không làm đậu nữa nhiều người hỏi mua lại đồ nghề nhưng bố tiếc không nỡ bán, cứ để cho đống đồ lỉnh kỉnh một kho riêng. Hai bố con tỉa cây đào ngoài cổng, người làng đi qua bố lại giới thiệu: con dâu tôi đấy.

Mới đó thôi, mọi chuyện còn mới nguyên trong ký ức của Hoài, thế mà ông mất đã sáu năm. Hoài còn nhớ, ngày ông đổ bệnh, đêm thức canh ông Hoài không khóc, lúc các bác các dì đọc kinh cho ông khi ông thở hắt ra Hoài cũng không khóc, nhưng lúc người ta phủ khăn lên mặt ông, bưng những chậu cây trước hiên nhà ném vô tội vạ ra vườn để lấy chỗ dựng rạp đám ma thì chị òa lên, vừa khóc vừa nói như hét: “Đừng ném cây của bố tôi, chết hết cây của bố tôi rồi”.

Quần áo của ông, cái gối ông nằm, cả vạc giường cũng đem ra ngoài gò đống, sao người ta vội thế, bố mới nằm xuống đã chẳng còn lại gì sao. Cứ nghĩ đến cảnh ấy, nước mắt Hoài lại trào ra. Có tiếng còi tàu thúc liên hồi, Hoài đứng dậy kéo cánh cửa cho thoáng, trời oi quá, mấy cái cây nhỏ ở ban công vợ Sơn trồng đứng xơ rơ dưới làn hơi hầm hập của cục nóng máy lạnh. Hoài mở cái vòi nước thật khẽ tưới tắm cho chúng. Trời đã hanh hảnh sáng, đoàn tàu vừa vút qua đồng cỏ trước mặt. Hai cô con gái cũng thức dậy ngồi bên mẹ im lặng mà hóng gió. Đứa con gái út thốt lên: “Con nhớ nhà quá mẹ ơi”.

Ngày Hoài sinh con, hai vợ chồng vẫn đi ở trọ, căn phòng vỏn vẹn mười mấy mét vuông không một chút ánh sáng lọt vào, mẹ chồng Hoài vào chăm con cháu, bà nằm giường cao, hai vợ chồng nằm nệm thấp, một chiếc rèm mỏng che chắn chuyện riêng tư. Tranh thủ những lúc cháu ngủ say, bà gọi con dâu lại, ngồi mẹ nhổ tóc bạc cho, mới tí tuổi mà tóc bạc thế này, để mẹ về quê cắt cho vài thang thuốc bổ máu. Những đứa con Hoài qua tay bà đón khi mới chào đời đều dễ nết ăn nết ngủ.

Lại một chuyến tàu, cơn gió sớm ùa đến, Hoài buột miệng: “Một cơn gió giời bằng mười cơn gió quạt”. Vợ Sơn cũng thức dậy, hỏi đêm nóng quá, chị và hai cháu có ngủ được không?

Tám giờ sáng, Sơn lái xe chở ba mẹ con Hoài về quê, nhân tiện Sơn gửi đứa con gái út cho bà ngoại. Hoài bồng đứa bé ngủ ngoan trong lòng, không dám cựa quậy sợ nó trở mình quấy khóc, hai đứa con ngồi phía sau tựa vào nhau ngủ. Quãng đường về quê gần năm mươi cây số, lúc gần về đến nhà Hoài đánh thức hai con dậy cho chúng ngắm cảnh đầm sen ven đường. Bà con họ hàng đến chơi đông lắm, cứ nắm tay chân hai đứa con Hoài khen thích quá, mẹ nuôi con giỏi quá rồi lại hỏi bao giờ thì sinh thêm đứa con trai, bao giờ thì về quê ở hẳn, làm tháng bao nhiêu tiền…

Hoài ra thăm cây bười ngoài sân đang sai trĩu quả, chị bứt một chiếc lá đưa lên mũi. Đây là cái cây duy nhất còn lại của bố chồng Hoài, có lẽ nó ăn được, có lẽ ngày Tết đem đi bán giá cao nên nó mới được giữ lại. Mấy chục gốc lan, bao nhiêu cây cảnh, cây khế ngọt bên bể nước, giàn gấc leo lên mái nhà đã không còn dấu tích. Từ ngày bố mất vợ chồng ông anh cả dọn từ nhà trong ra ở hẳn trên mảnh đất này. Ông anh nói ra đây rộng rãi mát mẻ làm ăn nó mới quang quẻ được. Mẹ chồng Hoài dọn vào ở trong buồng cưới của vợ chồng Hoài ngày trước. Bà kể ông anh ra hôm trước thì hôm sau đã chia nồi chia bát ăn riêng, bắt bà đưa tiền sửa máy lọc nước, mua bồn cầu mới. Bà không muốn lời ra tiếng vào nên cũng đáp ứng. Họ hàng về hết, Hoài đứng giữa gian buồng không biết bắt đầu dọn từ đâu, dây điện nhủng nhẳng trên nền nhà, cói mốc xếp đầy một góc, cái thang giường gãy đã lâu chưa được thay vạc giường xệ hẳn xuống.

- Mẹ sống thế này thì sinh bệnh mất thôi.

Hoài thở dài, nhà có anh cả mà sao không thu vén cho mẹ, để nhà cửa rối như canh hẹ thế này. Tối hôm ấy cô em gái dẫn con về, gian buồng hơn chục mét vuông, bà cháu nằm xoay ngang trên giường. Hoài và cô em chồng nằm dưới đất. Suốt đêm mẹ chồng húng hắng ho. Chưa kịp chợp mắt đã nghe gà gáy, hai chị em thức dậy thổi xôi, đi chợ mua đồ làm đám giỗ. Mấy món chính đã đặt, chẳng mấy mà mọi việc xong xuôi, hai mâm trên giường mời các ông các bác, hai mâm dưới nhà khách của con cái, một mâm nữa trong buồng cho đàn cháu lít nhít. Khách ăn xong đến đâu, Hoài bưng mâm đi rửa đến đấy, chỉ còn mâm bạn bè của ông anh cả người nằm người ngồi uống rượu, lời ra lời vào như cãi nhau, xương gà, xương heo vung vãi. Hoài rùng mình khi vơ nhặt xương dọn mâm bát của ông anh, không tìm đâu được đôi găng tay cao su trong nhà.

Đám giỗ xong xuôi, Hoài xin phép dẫn các con về quê ngoại, đây là núi An Phụ ngày xưa mẹ thường lên núi cắt giàng giàng về đun, đây là sông Kinh Thầy, mẹ thường xin đi nhờ đò qua bên kia sông mót sắn.

- Quê mẹ có đẹp không!

Hoài hỏi khi hai đứa trẻ tò mò về đủ thứ cây lạ lẫm, Hoài về nhà ông cậu, cậu đã luộc sẵn nồi ngô, nấu sẵn bún cá, giặt chăn nệm thơm tho. Mấy ngày mất ngủ, vừa ngả lưng chị đã say giấc, thức dậy mới biết trời vừa đổ trận mưa rào. Ông cậu thấy mặt mũi đứa cháu phờ phạc cứ giữ lại nhà để ngủ thêm một đêm cho khỏe. Nhưng mẹ chồng Hoài gọi điện kêu con về nhà ngay. Vừa về đến nhà đã thấy ông anh cả mở nhạc ầm ĩ lúc nửa đêm, mẹ chồng, cô em gái và mấy đứa cháu ngồi co rúm trong phòng.

- Nó lại say con ạ, nó tuyên bố đuổi hết, cấm không cho đứa em nào về, đây nhà của nó. Nào ai đã tranh giành gì cơ chứ.

Vừa nói mẹ chồng Hoài vừa khóc. Hoài chỉ ước đây mà là anh em ruột của mình, chị sẽ kêu cô bác anh em tập trung lại đập cho một trận nên thân, cho hết thói mượn rượu đánh em chửi mẹ.

- Ngày mai nó tỉnh, nó lại nói con thương mẹ nhất trên đời.

Giời ạ, thương miệng thương môi, năm mươi tuổi đầu chưa biếu mẹ được hộp sữa, chưa chăm mẹ một ngày khi trái gió trở trời, thương là thương những đồng lương còm cõi của mẹ, thương cái chữ ký sang tên sổ đỏ trong nhà. Hoài lên tiếng hỏi chị dâu:

- Sao chị không can ngăn anh, để anh tự tung tự tác.

Bà chị dâu không nhìn mặt Hoài đáp gọn lỏn:

- Tôi không biết anh em, mẹ con các người.

Nghe mấy lời chị dâu thốt ra, Hoài thấy đầu óc bỗng như đặc lại rồi phút chốc nhẹ bẫng. Lướt qua trong đầu Hoài là giàn gấc của bố bị nhổ bung gốc, là cây khế ngọt ông để dành trái cho con dâu bị hạ giữa vườn, là cây đu đủ đang ra trái bị nhổ lên ném thẳng ra mương.

- Đâu còn gì để nói, mẹ ơi, ác thế này, làm sao mà sống. Mẹ về ở với chúng con đi.

Hoài đặt vé rồi xăm xăm thu dọn đồ đạc, mẹ chồng Hoài chần chừ một lúc rồi cũng bần thần líu ríu theo con. Đời mẹ từ căn nhà của ông bà, năm sáu người nằm trên ổ rơm rồi đến mái nhà riêng của mẹ, bây giờ mẹ lại theo con dâu về ở nhà mới, ngủ trên giường mới. Nhưng mẹ ơi, đất mà làm gì, nhà mà làm gì khi ngày ngày nhìn thấy nhau không chào không nói, mẹ nghe thêm làm gì những lời thương mẹ sau mỗi cơn say.

Máy bay hạ cánh khi bình minh vừa ló dạng. Ngồi trên xe về nhà, hai đứa cháu gái ríu rít hỏi:

- Bà ơi, bà thấy quê cháu có đẹp không?

H.H

 

HOÀNG HIỀN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 361

Mới nhất

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Trăng biên giới; Có một nơi xa nào

23/12/2024 lúc 16:54

Trăng biên giới Ánh trăng là ánh đènĐêm tuần tra biên giớiBước chân không biết mỏiTrăng làm bạn thân quen Trăng lên cao dốc đứngNhìn rõ những

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/12

25° - 27°

Mưa

28/12

24° - 26°

Mưa

29/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground