C |
ách đây đã lâu trong một đợt khám sức khỏe cho thanh niên nhập ngũ, một sự việc làm tôi suy nghĩ. Bác sĩ trưởng phòng khám nói khẽ:
- Một trường hợp đặc biệt, đề nghị anh cho ý kiến.
- Khó lắm à?
- Khá hắc búa thưa đồng chí trưởng đoàn.
Ngồi trước mặt tôi một thanh niên lì lợm, bướng bỉnh.
- Cậu bị thương từ bao giờ? Tôi hỏi.
- Không nhớ nữa.
- Ở đâu mổ, ai mổ cho cậu? Bác sĩ Úc hay Mỹ?
- Dạ không nhớ.
Tôi dí ngón tay trỏ trái ấn gọng kính lên để nhìn rõ khuôn mặt gã thanh niên gân guốc này. Da cháy nắng, mặt xương xẩu, mũi tẹt bè to, tóc cắt ngắn đờ-mi-cua. Cậu ta mặc cái quần tây ngắn rộng thùng thình, cũ kỹ với chiếc áo sơ mi màu thẫm, trông lôi thôi.
- Người ta mổ cho anh, ít ra còn cái giấy để biết họ làm gì cơ chứ?
- Cũng không biết người ta làm quỷ quái gì trong ấy, nhưng cháu thấy nó êm ru.
Tôi nhìn vào phiếu sức khỏe, biết tên anh: Nguyễn Thương Bê mười tám tuổi.
- Thương Bê này! Tôi muốn biết năm tháng cậu mổ tại bệnh viện nào. Có lý do khiến tôi cần hỏi chàng trai cặn kẽ như vậy. Sau ngày bệnh viện Quảng Trị dời từ rừng về đóng ở thị xã Đông Hà, tôi đã mổ quá nhiều bệnh nhân bị tắc ruột do vết thương chiến tranh. Hầu hết những bệnh nhân này đã phẫu thuật lần đầu dưới thời Mỹ ngụy chiếm đóng. Nhiều người còn mang cả phiếu mổ do các bác sĩ Úc, Đại Hàn, Mỹ thực hiện.
- Thưa bác sĩ, cháu không nhớ nữa. Vào cái năm ấy, cháu mới lên bốn tuổi. Cha nuôi của cháu có bảo rằng: Bác sĩ giải phóng mổ.
- Trường hợp này chưa kết luận vội anh Huy ạ. Chiều nay tôi sẽ trả lời để xếp loại sau.
Trưa hôm đó tôi về kho lưu trữ y vụ lục hồ sơ bệnh án phẫu thuật năm 1972- 1973. Nguyễn Thương Bê, 4 tuổi vào Bệnh viện Gio An đêm 26 tháng giêng. Vết thương bom bi do B52 rải thảm. Cả tuần lễ nay vùng Bắc Quảng Trị, bom và pháo bầy hạm đội nổ ngày đêm như sấm rền. Chiều xuống cả khoa ngoại đang quây quần bàn chuyện ngày 28 tháng giêng ngừng bắn trên toàn miền. Những năm tháng sống trong lòng đất, mặc áo quần nhuộm màu lá cây, chúng tôi háo hức ra khỏi rừng, phơi mình dưới nắng mặt trời lung linh vàng mượt, thả sức cho những tia nắng ấm áp sưởi hồng lại màu da tái mét, xạm xám của sốt rét rừng già.
Bắt đầu từ ngày 20 tháng giêng, năm ấy, giặc Mỹ tăng cường các phi vụ B52 rải thảm vùng Bắc Quảng Trị gấp mười lần. Nhiều thôn xóm, bản làng, nhiều khu rừng vốn đã bị chất độc hủy diệt, nay các loại bom B52 chà đi xát lại càng điêu tàn thê thảm. Chúng rắc dày đặc các loại bom bi nổ chậm, mìn hẹn giờ, mìn lá, mìn đạp. Đêm về tiếng nổ chói chang liên tiếp. Những con nai, con hoẵng, cáo, chồn còn sống sót cất tiếng gọi bầy cảnh khuya, tụ hội để kéo nhau đi miết về phía Tây, rừng sâu ẩn trốn.
Đêm đó, chúng tôi tập trung về hầm mổ khoa ngoại, đun nước, pha trà, hút thuốc Điện Biên, trong lòng hồi hộp hướng về ngày mai. Thanh, nữ y tá hậu phẫu, người dong dỏng cao, mũi dọc dừa, giọng nói xứ Thái Bình dẻo quẹo mời mọi người. Cô gái của quê hương năm tấn đầu tiên của miền Bắc, tuổi hai mươi hai, ngực căng tròn ở độ sung mãn nhất của thời thanh nữ, hoa hậu của nhà mổ lên tiếng:
- Mai hòa bình, các anh cho chúng em mấy chiếc áo trắng thật mốt để diện. Cứ mãi một màu lá rừng thật không “oách” chút nào khi đi bên người yêu.
- Thanh ơi! Từ tám giờ ngày mai trở đi em sẽ tự do may áo trắng, áo hoa, em sẽ “đại tu” lại màu da của sốt rét rừng. Em đi Bê bốn năm rồi phải không?
- Vâng, từ năm mười tám, ở thanh niên xung phong chuyển sang.
- Em Thanh ơi! Em sẽ về đồng bằng, mua đồ trang sức, tha hồ lựa chọn. Em sẽ lấy một người chồng mà mình yêu quý, ở thị xã Đông Hà chẳng hạn?
- Không! Hòa bình rồi, hết chiến tranh em xin các anh để trở lại miền quê với cánh đồng năm tấn. Em đã thề hẹn lúc ra đi với một người rồi… Ôi! Anh yêu, nhớ buổi chia tay, anh tiễn em ra tận đoàn xe bên bến sông Hồng. Chiến tranh, miền Nam gọi, ôi tiếng gọi thiêng liêng, tha thiết làm sao. Bốn năm ra đi, hôm nay anh còn đợi em về nữa không anh?...
Đêm mùa xuân, êm ả, mát lành, tiếng suối rừng canh khuya trong veo, nhảy nhót, réo rắt. Tiếng đại bác từ phía
- Báo động B52
Từ lán hậu phẫu, chúng tôi tản về các hầm chữa A theo hào giao thông.
Ầm! Ầm! Ầm!
Thịch! Thịch! Thịch!
Những loạt bom nổ rền xé không khí, vù tai, nhức óc, khói bụi mịt mù.
Nhiều quả nổ gần xung quanh bệnh viện. Bom tiếp tục nổ, trái đất như nổ tung ra từng mảnh, nham nhở, tan hoang. Bệnh nhân bị thương, từng dãy cáng, võng theo trục hào giao thông chính vào khu nhà mổ. Hơn sáu mươi đồng bào xung quanh bị B52 sát thương. Có ba mươi hai cháu bé. Chúng tôi tập trung mổ xẻ suốt đêm hai mươi sáu, cả ngày hai mươi bảy tháng giêng năm ấy.
Các cháu bé vào đông, bộ phận chọn lọc, ghi phiếu không biết tên tuổi để lập hồ sơ. Nhờ anh chị em du kích địa phương đưa bệnh nhân đến. Chúng tôi tiếp tục lần mò tung tích từng em một. Nhiều em mất cha mẹ ngay trong trận bom tọa độ trong đêm.
Em trai lên bảy, vết thương gan, mất máu nặng, cấp cứu số một, phiếu mổ ghi Lê Thương A. Em thứ hai, vết thương bụng nhiều lỗ, đang choáng, phiếu mổ ghi Lê Thương Bê. Chúng tôi quy định: Mỗi y tá hầm hậu phẫu chăm sóc năm cháu. Những cấp cứu loại một, mổ trước, được giao cho Thương, y tá trưởng chăm sóc theo dõi. Bệnh nhân của Thương được ghi tên của y tá phụ trách: Nguyễn Thương A. Thương B, C, D và Nguyễn Thương E. Cả năm em vết thương nặng do Thương chịu trách nhiệm, tiên lượng rất đen tối, hộ lý đặc biệt. Lúc bấy giờ Thương tròn hai mươi bốn tuổi, chưa có chồng. Cô làm việc cần mẫn, hy sinh cả thời xuân trẻ cho thương binh, người bệnh.
- Mẹ Thương ơi! Con khát nước lắm!
- Ừ! Mẹ sẽ cho Thương Bê nước, nhưng còn hỏi và xin phép bác sĩ đã nghe!
- Sao uống nước mà phải xin bác sĩ hở mẹ?
- Ở đây, mọi người đều phải tuân theo kỷ luật, ăn cơm, uống nước đều phải xin phép bác sĩ.
- Thế đau bụng, muốn đi ỉa có phải xin bác sĩ không?
- Mổ được hai hôm rồi, muốn ỉa là tốt. Bác sĩ đang mong con “rắm” và “ỉa” được, như vậy là ông mừng lắm!
- Thế thì con ỉa đây này…
Ngày thứ hai sau mổ. Thương Bê sốt cao, bụng chướng, huyết áp tụt. Cả khoa lo lắng, tính mạng bé treo đầu sợi tóc. Thương tìm tôi dè dặt:
- Xin anh ra lệnh cho cậu ấy truyền máu. Em đồng nhóm “O” với bệnh nhân: May ra cứu sống được một trẻ mồ côi, bất hạnh.
Tôi suy nghĩ căng thẳng, đầu óc rối bù muốn vỡ tung ra. Còn rất nhiều bệnh nhân nặng, nhiều cháu bé đáng được truyền máu. Nhưng chiến tranh ơi, cuộc sống ở rừng, hầu hết nhân viên dưới quyền, những y tá, hộ lý phục vụ đã thức trắng ròng rã bao đêm mắt thâm quầng, đói ăn, đói ngủ, thiếu thốn mọi bề. Ôi! Chiến tranh đã vắt kiệt họ cả thể xác lẫn tâm hồn không hề có một tiếng kêu ca, phàn nàn, tất cả đều dốc toàn lực cho trận đánh cuối cùng.
Đêm hôm đó, thỉnh thoảng một cháu bé ra đi từ trên những người mẹ, người chị, những cô y tá núi rừng.
- Thương ơi! Anh hiểu. Em không còn sức lực để cho máu nữa đâu. Biết sao được, ngày mai hòa bình hay chiến tranh vẫn còn tiếp diễn. Thủy, Thanh, Hòa, Liên… các em lúc này đây là những người lính thiện chiến của Mặt trận cứu thương này. Anh ao ước ngày mai hòa bình, cho các em xả hơi. Ôi! Cuộc sống đến lúc căng thẳng, quyết liệt. Là người chỉ huy, anh không muốn các em ngã xuống khi ngày chiến thắng đang tới gần.
* * *
Hôm sau, ngày 28 tháng giêng. Từ sáng sớm cả khu rừng im ắng lạ thường. Đáng ghét những chiếc OV-10 mới hôm qua, ba thằng thay nhau lúc trực trên bầu trời phía Bắc. Thế mà sáng nay, bầu trời trong xanh xen lẫn những đám mây trắng sà thấp trên khu rừng già, vẫy vẫy, chờ đón. Tôi ước ao một cánh chim hót ban mai, nhưng im ắng đến lạnh người. Tất cả không gian hồi hộp chờ đợi. Chúng tôi quây quần bên chiếc máy thu thanh bán dẫn. Tất cả cán bộ, nhân viên, thương binh… mọi người đều nhảy nhót tung lên reo hò, múa hát dưới cây rừng khi nghe lệnh ngừng bắn trên toàn miền được phát đi từ Hà Nội.
Tiếp những ngày sau đó, nhiều cơ quan cấp tỉnh đã được lệnh chuyển về thị xã Đông Hà. Ty Y tế Quảng Trị chuyển về phố chợ cũ. Riêng bệnh viện tỉnh, nảy sinh hàng loạt vấn đề, chưa thể rũ cánh về xuôi được. Những ngày ở lại rừng lúc đó, trong lòng chúng tôi rạo rực, đầy cô đơn, khao khát đồng bằng.
“Ngày ra đi, mẹ tiễn con đến tận con khe đầu làng. Nước khe tuôn róc rách như lời mẹ dặn dò trước lúc ra trận. Bây giờ mẹ ơi! Quê hương giải phóng rồi, mẹ không còn nữa. Những năm tháng đứng trên đỉnh cao Trường Sơn ngóng nhìn về thị xã Quảng Trị, thị xã Đông Hà, một vùng quê hương thân yêu rực sáng dưới chân trời. Quê ta đó ngọt ngào lời ru của mẹ những năm tháng thơ ấu…”
Một bệnh viện tỉnh sức chứa hàng ngày hàng hai, ba trăm con người: ăn, ở, sinh hoạt, cấp cứu, mổ xẻ được gìn giữ bí mật suốt bao năm tháng, chúng dùng đủ khí tài tối tân thăm dò mà không tài nào phát hiện nổi.
Ngày Thương Bê xuất viện, chúng tôi đề nghị địa phương cho cháu ở lại làm con nuôi ở khoa. Ba mươi sáu anh chị em chúng tôi đủ sức dành cơm, nhịn áo để nuôi cháu. Ý kiến đề nghị không được cấp trên chấp thuận với lý do: Bệnh viện luôn luôn cơ động sẵn sàng chiến đấu, đề phòng quân thù phản trắc.
Cả khoa chuẩn bị cho Thương Bê ra viện khá chu tất: Hai hộp sữa, bốn phong lương khô, một cân đường, một chiếc võng ka ki đã phai màu. Riêng y tá Thương dùng tấm vải dù cá nhân khâu cho bé cái vỏ chăn và một bộ quần áo rằn ri.
Giờ chia tay đã đến. Chúng tôi chưa báo cho cậu bé biết tình thế mới xuất hiện này. Anh Vĩnh, chủ tịch xã đến đón Thương Bê.
- Cháu không về, ở với mẹ Thương.
- Về với bác một tuần thôi, mẹ Thương đi công tác xa.
- Thương Bê ở lại với bác sĩ.
Vĩnh bế đứa trẻ vào lòng. Nó chỉ vào chiếc chăn dù bảo: “Bác Vĩnh ơi! Chăn mẹ Thương khâu đấy!”. Nói đoạn, cháu khóc to lên.
- Thương Bê không về mô, hu…hu…hu!
Những người có mặt tiễn bé hôm đó đều ngoảnh mặt đi. Riêng y tá Thương khóc to như có điều gì sắp mất. Cả khoa tiễn em ra tận bìa rừng. Tôi bắt tay Vĩnh, bế xốc Thương Bê hôn lần cuối cùng, rồi trao đứa bé lại cho đồng chí Chủ tịch xã.
- Anh ơi! Em nhớ nó lắm! - Thương bảo.
- Anh biết, chính giây phút này em đang trống vắng đó.
- Không! Các anh không biết gì hết. Các anh độc ác lắm. Em cũng mồ côi cha từ tấm bé, không phải do chiến tranh mà do đói nghèo.
* * *
Chàng thanh niên mười tám tuổi bây giờ đang đứng trước mặt tôi.
- Cậu vẫn chưa nhớ ra rằng: Ai mổ cho cậu, và cuộc mổ ấy xảy ra ở đâu thế? Còn ông Vĩnh chủ tịch xã lúc ấy đưa cậu từ bệnh viện về, nay ở đâu?
- Ôi! Bác sĩ biết ba cháu à? Ông bây giờ đã về hưu rồi. Việc ấy có một lần duy nhất, ba cháu có nhắc đến qua loa thôi ạ.
Anh Vĩnh ơi! Dù anh có kể lại chi tiết, tỉ mỉ cho Thương Bê nghe, anh cũng không nói hết được đâu. Cuộc chiến đấu ấy, những năm tháng ấy quá vĩ đại, vượt ngoài tầm sức chịu đựng của con người. Sách sử, và dù cho tất cả các bộ óc điện tử của lớp cha anh để lại vẫn còn ít ỏi quá so với đời thực. Cuộc sống chiến đấu hôm qua, không có sử sách nào, không có ngòi bút nào tả nỗi được đâu anh Vĩnh ơi!
T.M