A |
nh Túy có hoa tay, biết làm đèn kéo quân (còn gọi là đèn cù), tuyệt khéo. Hàng năm, cứ đến dịp tết Trung thu là anh làm đèn cù, chỉ làm một chiếc thắp chơi trong nhà thôi. Anh mất công ròng rả cả tháng trời, mỗi ngày một tý, chẻ tre, vót nan gá lắp khung đèn, dán giấy lợp rồi làm tán đèn, cắt quân, treo vòng quân, thử đi thử lại... Những đêm mà anh Túy thắp đèn kéo quân, bọn trẻ con trong xóm kéo đến ngồi chật hàng hiên, chầu hẫu nhìn chiếc đèn được đặt sang trọng trên chiếc bàn nhỏ. Đèn mới thắp, chỉ cái lồng đèn sáng lên, bóng các quân đèn chưa hề động đậy. Một lúc sau các quân đèn nhúc nhích rồi bắt đầu quay theo một vòng quay đều đều. Bọn tôi mỗi đứa thích một hình quân nên không đứa nào chịu ngồi yên, cứ luôn luôn nhấp nhổm, la hét nốn nháo: A, ông quan cưỡi ngựa. A, chú lính đi hầu. A, anh thợ cấy, chị thợ cấy, em bé thả diều.
Rồi nhà cửa, trâu bò, gà lợn... tất cả cứ chạy vòng quanh, không đầu không cuối, đâm ra tít mù. Tôi ngồi xem đèn cạnh thằng Còi, thằng này láu, chỉ loáng sau nó đã chen lách lên tới sát chỗ để đèn. Rồi đám đông trẻ con cũng thưa dần, nhiều đứa lần lượt ra về để còn phá cỗ. Tôi nhích lên được tới thằng Còi. Nó quay nhìn tôi, vẻ thương hại và nó bỗng nói:
- Tao đố mày tại sao vòng quân đèn cù nó cứ quay, quay mãi?
Tôi ngẩn ngơ:
- Chắc là trong lồng đèn có cái máy, anh Túy giấu ở dưới đáy lồng..
- Thế hả? - Còi thách thức - Vậy mày thử cúi nhìn xem!
Cái đáy lồng đèn trống hoác, chỉ có hai nẹp tre bắt chéo, đỡ cái đĩa đèn dầu lạc. Tôi chịu và hỏi lại thằng Còi:
- Thế mày bảo vòng quân đèn cù quay được là nhờ cái gì?
Thằng Còi nghênh mặt lên:
- Vì cái tán đèn. Cái tán quay làm cho vòng quân quay theo.
- Ứ, ừ... Tôi phân vân - Nhưng tại sao cái tán đèn nó lại quay mới được chứ?
Thằng Còi đần mặt. Hóa ra nó cũng mù tịt. Anh Túy cười:
- Chúng mày biết gì mà cũng vặn vẹo nhau! Hãy đưa bàn tay lên và thử phía trên lồng đèn đây này. Có một luồng hơi nóng, ngọn lửa đèn bốc lên, luồng hơi nóng luồn qua những khe hở tán đèn, làm cho cái tán đèn quay. Luồng hơi nóng ta không nhìn thấy, nó là cái vô hình. Quân đèn ta nhìn thấy, nó là cái hữu hình. Đèn cù là thế. Là cái vô hình điều khiển vòng quay của cái hữu hình, hiểu chưa?
Thằng Còi gật gù, nó giàu tưởng tượng, có thể nó hiểu. Còn tôi, tôi ngẩn mặt ra nhìn anh Túy.
Bây giờ anh Túy đã trở thành ông già Túy vẫn sống ở quê. Ông già Túy thường nhắn qua cô em gái tôi, hiện cũng ở quê, không biết tôi có còn nhớ cái đèn cù? Rồi một hôm, tôi có một người bạn vừa đi chơi một nước phương Tây về, cho tôi món quà. Nó là cái đèn trang trí, thắp bằng một bóng điện tròn, phía trên bóng điện cũng có cái tán quay vòng và nhựa mỏng đính vào cái tán, có kẻ những vệt màu sặc sỡ quay theo. Cũng là một kiểu đèn cù. Đèn cù Tây. Người Tây học ta hay ngẫu nhiên hai bên cũng có một phát kiến giống nhau nhỉ? Tôi không biết. Chỉ có điều nó gợi cho tôi nhớ lại cái đèn cù tuổi thơ và tôi định bụng sẽ đem nó về tặng ông già Túy, chắc ông già cũng thú vị. Không ngờ, do tôi nấn ná chưa kịp về thì đột ngột được tin ông già Túy đã chết... Ông già Túy vốn khỏe, vẫn đi làm đồng. Một buổi mải mê, mãi tối mịt ông mới ở ngoài đồng về, đến cái ao đầu xóm liền rẽ xuống cầu ao rửa chân. Vừa khỏa chân xuống nước, có con rắn nhỏ quấn ở cọc cầu ao đớp một cái đau nhói ở gần mắt cá chân rồi nó quăng mình vào bờ, luồn lên bụi tre. Ông già Túy coi thường, cho rằng loài rắn quấn ở cọc cầu ao chỉ là rắn nước. Về nhà, ông già nhai một mồi thuốc lào đắp lên chỗ rắn cắn rồi đi ngủ. Đến nửa đêm thì cẳng chân ông già sưng vù, da xám ngoét, toàn thân co giật đùng đùng. Hóa ra nó là rắn lục, giống rắn cực độc, hiếm có ở đồng bằng, nó thường sống trên cây, không hiểu sao nơi cọc cầu ao lại có nó? Biết ra thì đã muộn... Hỡi ôi, một người cứ sống tự nhiên mà hiểu được lẽ huyền bí kết nên cái đèn cù vậy mà phải chịu cái chết bất đắc kỳ tử. Đây cũng là một lẽ huyền bí nữa chăng?
N.K