Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đều đặn mỗi ngày

Ô

ng chợt bước ngắn lại mấy bước, cúi nhìn xuống chân. Đôi giày vải cũ xanh đậm đã trở mầu luôm luôm bỗng cộm lên dưới gan bàn chân trái, hình như có một hòn sỏi nhỏ đã lọt từ đế vào bên trong. Ông dừng hẳn, ngồi xuống bên rệ cỏ ven đường, lột giày ra, thò tay rà một vòng hình quả bí đao trong lòng giày, vỗ vỗ vào hai bên đế rồi lật sấp lại, gõ gõ mũi giày vào mặt đường nhựa. Một vật rơi ra. Ông nhặt lên, bấm chiếc đèn pin nhỏ bằng cây bút xoá, nhìn. Không phải sỏi mà là một cái móc bằng kim loại. Quái lạ, cái móc bé tí xinh xinh màu đồng sáng loá này là cái gì vậy hả; nó móc ở đồ dùng gì, của phụ nữ là cái chắc - vậy nhỉ; ở cái bóp mề gà, ở cái túi xách tay, không chừng ở cái áo nịt coóc xê… cũng nên. Ông mỉm cười một mình, chậc lưỡi vứt cái móc vào búi cây ngũ sắc ven đường, tự mắng mình vớ vẩn, đứng lên sải bước tiếp. Ủa, mình già đến độ lẩm cẩm rồi ư, mới rời cái ghế công chức nhà nước dăm năm chứ mấy, nhìn các cô gái xinh đẹp ngoài đường còn biết ngẩn ngơ bối rối nữa là sao lại vội dở hơi, nhiêu khê quan tâm đến một cái móc của ai đó tuột rơi? Các cụ nhà ta hồi xưa nói “lục thập nhĩ thuận” tuổi sáu mươi ưa nghe những điều thuận tai. Rộng ra nữa là thấy điều thuận mắt. Vậy mà giờ đây trong cuộc sống bao nhiêu điều ngịch mắt nghịch tai xảy ra như cơm bữa hằng ngày. Chẳng nói chuyện gì to tát, chỉ nói chuyện nhỏ nhặt như cái lão láng giềng của ông là một ví dụ. Lão hơn ông vài ba tuổi, về hưu trước ông cũng chừng mấy năm. Lão là giám đốc công ty vật tư nông nghiệp thành phố; mà thành phố trực thuộc tỉnh, tức chỉ là quan chức hàng huyện thôi. Vậy mà lão cứ tưởng mình to lắm, oai lắm, cỡ tỉnh cỡ trung ương. Cứ mỗi sáng lão đóng bộ vào, còm lê còm liếc bảnh choẹ, cà - vạt, cà vẹt hẳn hoi, nhưng lâu không dùng để đi đến công sở, lại sợ tốn tiền điện không là ủi gì nên nhàu nhĩ cong queo như bánh đa nướng quá lửa; đôi dày đen chưa đến nỗi tả lắm dù đã dùng keo dán lại chỗ há mõm ở chiếc chân phải, côm cốp côm cốp đi vào đi ra từ nhà ra cổng rồi từ cổng vào nhà đến ba bốn vòng. Xong đâu đó, lão đến ngồi bên bàn nước vừa uống trà vừa mút kẹo chanh, vừa hạch sách chửi bới người nhà. Mà người nhà là ai, con cháu đã đi học đi làm hết, chỉ có vợ lão ở nhà. Nói không ngoa là cứ hai ngày một lão chửi vợ một lần, lúc nhẹ lúc nặng. Tức là chửi cách nhật, giống như thời chống Pháp bộ đội ta bị sốt rét cách nhật vậy. Lão chửi ác và tục chưa từng nghe ở mồm một cán bộ về hưu nào. Đến nỗi hàng xóm láng giềng trong tổ dân phố, những bà vợ đáo để chanh chua nhất cũng khiếp hãi, ngầm tôn lão là sư phụ của họ. Có lần, vợ lão không chịu nổi -  xưa nay bà vốn hiền lành nhỏ nhẹ, sợ làm phiền đến hàng xóm nên dằn lòng nín nhịn - đã vùng lên cãi lại, độp lại. Thế là lão nổi máu tam bành du côn lên, vớ chiếc ghế đẩu bằng nhựa cứng ném mạnh vào mặt bà, làm sứt một mảng da đầu cùng với tóc to bằng nửa bàn tay thằng cháu nhỏ, máu tuôn xối xả. Hàng xóm láng giềng đã nhiều lần chạy tới can gián cũng bị lão chửi, rằng ông răng bà rằng anh rằng chị cùng một duộc với mụ vợ hư đốn của tôi à, cũng ăn không nói có, cũng dâm ô đồi truỵ như mụ nớ hử… vân vân và vân vân. Sau thì bà con chấm dứt việc tới nhà lão can ngăn, góp ý, mặc kệ lão muốn làm gì thì làm, đèn nhà ai nấy rạng. Những lúc quá căng thẳng thì vài ba người chạy đi gọi anh công an phụ trách khu vực tới, còn không thì thôi, chẳng ai muốn dây vào lão. Chỉ thương bà vợ lão khốn khổ một mình chống chọi với lang sói - lời bà trong một lần tâm sự với tổ phụ nữ xóm phố. Nay thì bà đã đi, bà bị ung thư gan không qua khỏi, ngày qua tháng lại, mới đó mà con cháu bà đã mãn tang bà rồi.

Thế là lão mất hẳn đối tượng để thi thố “tài năng có một không hai” của lão từ đó. Chẳng có việc gì làm cả, sức khoẻ lại còn khá tốt so với tuổi tác, sách báo không đọc, coi như không có chúng trên đời, cờ tướng tổ tôm thì lão không biết, bạn bè chẳng thấy ai tới, đất đai vườn tược không có, ngó quanh ngó quất rặt bê tông là bê tông, chẳng còn lấy một rẻo nhỏ như cái thắt lưng để trồng một cây hoa hoặc vài búi rau thơm lá lốt; để cho cái cuốc cái xẻng, nếu như lão có -  cũng dính được chút mồ hôi vào cán! Lão chỉ còn mỗi việc là ngắm nghía cái biển gỗ gắn ở trụ cổng bên trái lối từ đầu hẻm đi vào của nhà lão trên đề trang trọng số nhà cùng tên của lão: “Quý Hùng  Lê Văn Tới”. Chữ Lê Văn Tới nhỏ ở dưới, chữ Quý Hùng to ở trên, cứ y như bút danh của nhà thơ vậy. Của đáng tội, lão cũng có làm thơ, thứ thơ chữ nghĩa vần vèo rổn rảng như: “Chúc mừng năm mới lên hương, Quyết tâm xây dựng phố phường tiến lên”…  mỗi khi Tết đến xuân về. Thơ không phải lúc nào cũng rặn ra được, lão bèn đi đổ rác. Đổ rác liên tục ngày ba bốn bận, chẳng cần đợi xe chuông leng keng của công ty vệ sinh công cộng tới mỗi bận vào chiều tối đầu đêm. Rác lão đổ ở nơi quy định ở góc đường chính bên ngoài. Có bữa, dòm vô giỏ rác của lão thấy vừa đúng ba ngọn lá vú sữa ở cây góc sân nhà lão. Siêng đổ rác chẳng phải là việc xấu nhưng thật không thể nhịn được cười!

Hồi ông mới được phân phối nhà về ở cạnh nhà lão; chả là khu tập thể này là khu nhà trệt, cứ mỗi nhà hai hộ chung tường ở giữa; lão về trước ông về sau, đã thấy nối với bức tường chung là một hàng rào bằng cây lá dấu ngăn đôi mảnh sân khoảng vài bốn mét của hai hộ. Sân nhà ông thường được quét dọn sạch sẽ không hề vương một mẫu rác nào. Vậy mà thỉnh thoảng đi đâu về ông phát hiện khi thì mấy mẩu giẻ rách, khi dăm ba mẩu thuốc lá hoặc giấy gói bánh kẹo là lạ, những thứ nhà ông không dùng bao giờ; ngoài các thứ đó còn có cả bụi rác, que diêm, tro than trấu nữa… Lúc đầu, ông tưởng con cháu lão vô tình quét mạnh qua hàng rào lá dấu. Nhưng sau khi nhà ông xây một bức tường ngăn cách bằng táp lô cao bằng đầu người thay vì hàng lá dấu, tình trạng trên vẫn không sao chấm dứt. Biết tỏng là lão vứt sang, quăng sang nhưng không bắt được quả tang đành chịu. Ai mà rảnh rỗi thời gian đi rình? Lão vốn nghiện thuốc lá và kẹo chanh, suốt ngày phì phò khói và chùn chụt mút kẹo như trẻ con. Chí có lão mới hút thứ thuốc này, do thằng con rễ lão làm công nhân nhà máy thuốc lá tỉnh đưa về, dạo đó bà con trong thành phố thường gọi đùa là thuốc “Huế lùn” vì điếu đã to lại không có đầu lọc, khét và nặng không thể tưởng tượng. Sau đó một dạo, chẳng biết vì sao lão bỗng không vứt rác sang sân nhà ông nữa, mà rên la. Thì ra lão bị mắc bệnh tiền liệt tuyến vừa đi viện về. Không chịu để cho bệnh viện điều trị, lão bỏ về nhà đi ra đi vào vừa đi vừa rên. Rên to như la hét, nhiều khi làm cả xóm giật mình. Vậy mà vẫn không quên chuyện đi nhặt rác đổ rác cả ngày. Thấy lão một tay ôm hạ bộ một tay xách giỏ rác, mặt mày nhăn nhó, mồm ồi… ồi… ùa … ùa… rên, ông đâm ra thương lão. Có ai bắt lão làm thế đâu, con cháu trong nhà nói mấy cũng không nghe, tuồng như cái việc đổ rác con cháu phải xê ra, chỉ mỗi lão mới làm được thôi. Lão thế mà còn hơn một số cán bộ về hưu khác, cứ mỗi khi tụ tập hoặc hội họp toàn bàn chuyện tầm cỡ vĩ mô rồi phê bình thắc mắc lung tung với tỉnh với trung ương, làm như không có họ đương chức nữa là đất nước suy vi, thế giới tan rã vậy… Hôm qua, vợ ông, nhân nói chuyện gì đó về tổ dân phố đã thông báo một cái tin nóng sốt và giật gân: lão đang yêu, sắp sửa rổ rá cạp lại với một bà nào đó cũng đã về hưu ở phường bên cạnh. Và bình luận: “sắp xuống lỗ rồi còn tí tởng” Ông lại nghĩ khác: “Cũng là một việc hay, khéo đây là bước ngoặt của lão ta, bước ngoặt cuối cùng nhưng tốt đẹp và có ý nghĩa…”

Mải vẩn vơ suy nghĩ, ông vấp phải một hòn gạch vỡ bên lề đường suýt ngã. Nhẹ thôi, không đau chân lắm vì đã có giày. Ông tặc lưỡi, xua đi những ý nghĩ trong đầu, tập trung tinh thần vào những bước chân. Đi bộ buổi sáng ba mươi phút, thể dục này là thể dục chữa bệnh, không thể lơ là. Ông đã thấy nhiều người nhiều tốp đi bộ trên các đường phố. Họ vừa đi vừa nói đủ các thứ chuyện trên đời, từ chuyện làm ăn đến chuyện con cái, từ chuyện quan chức đến chuyện tình dục… có người còn mang theo cả máy thu thanh bỏ túi, điện thoại di động, cứ oang oảng reng reng suốt dọc đường. Đấy không phải là đi bộ. Mà là đi dạo, đi chơi, chẳng có tác dụng mấy cho sức khoẻ, cho chữa bệnh. Ông đã bị cao huyết áp lâu nay, có lần đã bị tai biến nhẹ. Mấy năm nay, ông tập rất chu đáo, kiên trì, áp dụng phương pháp rất đầy đủ và nghiêm khắc để đề phòng tái tai biến, nguy hiểm vô cùng. Ba nửa phút, ba nửa giờ là phương pháp đó, ông đã đọc trên báo. Ngủ dậy mở mắt nằm nguyên trên giường 30 giây, ngồi lên trên giường 30 giây, bỏ chân xuống đất 30 giây mới đứng lên đi lại hoạt động khác. Buổi sáng đi bộ 30 phút, buổi trưa ăn cơm xong nằm ngủ hoặc tĩnh tâm 30 phút, buổi tối đi bộ hoặc tập thể dục thay thế 30 phút. Ông để đồng hồ báo thức mỗi sáng hằng ngày năm giờ kém mười lăm, đúng năm giờ ra đường; mưa nhỏ ông cũng đi, mặc áo mưa vào mà đi. Thành thói quen rồi, bỏ bữa nào thấy thiếu thiếu bữa đó. Lộ trình đi bộ của ông hôm nay là lần đầu ông mới tìm ra. Đi các lộ trình khác trên đường phố đông đúc xe cộ ồn ào mặc dù rất sớm. Thành phố này người ta hay nuôi chó thả rông nên chúng kiếm ăn, ỉa đái, sủa, làm tình với nhau thoải mái trên đường, chẳng thể nào yên lòng được. Lộ trình này yên ắng, thảng hoặc mới có một vài chiếc xe, vài người qua lại, bởi vì đường mới mở ở phía tây, giáp ranh với mấy xóm nhỏ chưa kịp đô thị hoá, có thể gọi là nơi hẻo lánh nhất của thành phố. Ông thong thả dừng bước, kết thúc một buổi tập thường lệ khi màu trời bềnh bệch như cháo sữa ở ngã ba có một cây trứng cá rất đẹp lối rẽ về nhà ông. Một cô gái ngược chiều ông đang chạy tới, đến ngã ba thì rẽ vào đúng con đường ông vừa đi. Hoá ra cô này cũng theo lộ trình như ông, và có vẻ như không phải lần đầu, mà đã nhiều lần. Đi đường quen khác hẳn với đi đường lạ. Cô gái cao, cân đối, quần soóc áo may ô đều trắng toát, mạnh khoẻ và đẹp như một vận động viên. Đôi giày vải cũng trắng toát dưới chân cô bầm bập bầm bập…

Hai người ngồi dưới gốc cây trứng cá có cái vòm hình số tám nằm ngang. Mùi quả chín ngây ngây. Mùi cỏ ướp hương đêm ngan ngát. Và gió đông vừa lên, rời rợi.

- Nhà cháu ở phố nào?

- Ngay kia thôi, chú! Khu chung cư đó - cô gái chỉ tay về phía bên phải cách chừng vài ba trăm mét nơi các dãy nhà bốn tầng có mái lợp bằng các tấm tôn sơn đỏ giả ngói.

- Ủa, chú vẫn thường qua đấy luôn, quen mặt gần như hết mọi người ở đó. Sao chú không thấy cháu?

Cô gái cười nụ, thấp thoáng bên mép một chiếc răng khểnh rất duyên:

- Cháu mỗi năm chỉ về nhà một lần vào dịp nghỉ hè thôi. Cháu đang theo học ngoài Bắc.

- Học gì? Đại học hay ngành nghề nào?

- Đại học thể dục thể thao, chú ạ.

- À ra thế, chú đã đoán không nhầm qua dáng vẻ rất là động viên của cháu.

- Dạ.

- Bố mẹ cháu khoẻ chứ? Nhà còn những ai nữa?

- Ba cháu mất lâu rồi. Chỉ còn mẹ. Nhà có ba chị em, toàn gái. Hai chị cháu đã có gia đình, ra riêng cả rồi, chỉ còn mỗi cháu út ít. Mẹ cháu về hưu đã bốn năm nay nhưng bà không lúc nào ngơi tay việc nhà việc phường xóm. Chú đi ngang khu chung cư dãy bên ngoài, đơn giữa, thấy có cái quầy nhỏ ngay dưới cầu thang, mẹ cháu đặt lò bánh tráng, bán bánh cuốn nóng ở đó.

- Ôi thế à? Hôm nào chú phải ghé mới được, chú thích ăn bánh cuốn nóng lắm!

Cô gái gần như reo lên:

- Dạ, hôm nào mời chú đến. Thế là chú trùng sở thích với cháu, cùng “típ” với cháu rồi! Cả tháng hè này, cháu chén trừ cơm không biết bao nhiêu là bánh của mẹ cháu!

Ông già cũng mỉm cười, thoắt trở lại nét mặt trầm tư, chầm chậm:

-  Cháu gái à. Một chi tiết đó không thể gọi là “cùng típ” được. Vả lại chú đã vào hoàng hôn, còn cháu đang ở rạng sáng. Nhưng thôi, chẳng bàn chuyện này nữa; chừng nào cháu trở ra trường?

-  Chiều nay, chú ạ - cô gái hạ giọng, hơi ngùi ngùi - Tháng hè trôi qua thoáng như bóng câu qua cửa sổ, mẹ cháu than vãn như vậy nhưng lại nhìn cháu cười rất trẻ - Là sao hở chú?

-  Là vậy chứ sao nữa! Một sự than vãn đầy chất chứa …

-  Sự chất chứa đó dành cho ai chú nhỉ? Cho bản thân mình hay cho người đối thoại?

-  Theo chú là cho tha nhân. Riêng trường hợp này là cả hai.

-  Cháu hiểu, cháu hiểu. Nhưng xin lỗi chú, cháu muốn trở lại chuyện vừa rồi. Tại sao bọn bạn cùng trường, cháu chẳng tìm ra ai “cùng típ” với cháu cả? Cháu không nói đơn giản những ý thích trong sinh hoạt như ăn, uống, mua sắm, nghỉ ngơi…đâu!

-  Cháu tìm làm gì mà tìm sao được. Cái gì phải đến, tự nó sẽ đến, bất chấp ta muốn hay không. Tóm lại, trong đời chẳng có gì hoàn hảo cả. Phải biết chấp nhận cháu à.

-  Ý chú nói về… cô gái cúi mặt, hai má hơi bừng.

-  Cháu nghĩ như vừa nghĩ cũng chẳng sai, có khi lại có ích nữa. Để sẵn sàng chuẩn bị đối phó mà. Nhưng chú lại muốn nói về “cái típ” lúc nãy. Con người ta, ăn thua nhau ở cái cách cư xử trước những sự việc mà ta chẳng bao giờ muốn xẩy ra. Hình như cháu thấy cô đơn trước bạn bè mỗi khi như vậy, đúng không?

-  A… chú thực hiểu cháu -  cô gái ngước đôi mắt vừa ngạc nhiên vừa thán phục - Những lúc như vậy, cháu thấy cô đơn khủng khiếp, cô đơn với mọi người… với… nghĩa là với tất cả. Chán, buồn ghê lắm chú à.

-  Sau đó?

-  Cháu bình tâm, tự xỉ vả mình mềm yếu. Rồi lao vào học tập, rèn luyện; mặc kệ mọi chuyện chung quanh. Nghĩ đến mẹ, đến những người thân trong gia đình ở xa…

-  Và mong ngày  gặp, kể lại cho mẹ nghe?

- Không chú ạ. Cháu rất thương mẹ, tin cậy mẹ nữa, nhưng không bao giờ tâm sự với mẹ những chuyện ấy. Mẹ cháu là một người thấy người khác ai cũng tốt cả, ai cũng như mình cả.

-  Trước khi về hưu, mẹ cháu làm gì?

-  Mẹ cháu là giáo viên cấp một, ròng rã ba mươi năm dạy trẻ con. Một nghề duy nhất từ trẻ cho đến già, không lúc nào thấy chán. Lúc còn trẻ, mẹ cháu đã học tại chức tốt nghiệp đại học sư phạm rồi đấy. Bà dạy rất giỏi. Người ta điều bà lên dạy cấp hai cấp ba, bà đều từ chối, chỉ muốn ở lại cấp một.  Lạ không chú?

-  Còn cháu? Nếu cháu ở vào trường hợp đó?

-  Cháu cũng… chưa biết thế nào! Cháu sắp vào năm thứ hai, rất yêu nghề nhưng đã có lúc nhìn bạn bè cùng nghề chung quanh làm những điều nghịch mắt trái tai, cháu muốn bỏ quách, xin chuyển quách nghề khác cho xong -  cô gái mỉm cười nhìn ông, một nụ cười như xin lỗi.

- Vậy là giờ đây cháu đã không còn nghĩ như thế nữa. Tốt! Đúng! Mặt trời lên đấy, thành phố đã bắt nắng rồi kia. Chào cháu nhé! Chú về đây!

Cô gái bật đứng lên theo, rối rít:

- Ối may mà chú kịp chấm dứt. Cháu còn phải về giúp mẹ cháu tráng bánh bán quà sáng. Đã muộn hơn mọi bữa rồi! Chiều nay cháu đã đi. Tạm biệt chú!

Những bước chạy nhịp nhàng. Cặp đùi nâu sáng thon mập dập dềnh trong chiếc soóc trắng muốt xa dần.

Ông bất giác thở dài một cái, chẳng biết vì sao. Rẽ bước vào một ngõ hẻm hẹp, ông đi tắt về phố nhà.

Chẳng xa xôi gì nhưng phải gần một năm sau ông mới có dịp đến khu chung cư phía tây thành phố. Nói đúng hơn, giờ đây ông mới nghĩ tới. Một năm qua, nhà ông có nhiều chuyện, mà chuyện đáng suy nghĩ nhất là thằng con thứ của ông li dị vợ. Thằng ấy hai năm trước, do một người bạn giới thiệu, yêu một cô gái ở ngoại thành. Cô bé mặt mày cũng xinh xẻo, hơi sắc sảo một tí, chỉ phải tội hơn lùn. Thằng con ông cũng không phải loại trai cao ráo gì nên cũng được, công bằng là chẳng đến nỗi khập khiểng. Cô bé chẳng có việc gì làm, chỉ ở nhà với gia đình làm vườn; mẹ đã mất sớm nên cô bé sống khá tự do, hoang toàng. Thằng con ông vay ngân hàng mười triệu làm vốn cho cô bé đi học nghề cắt tóc, làm đầu và sắm sửa gương, tủ, kéo, toong - đơ. Học xong, cô bé mở một quầy hàng nhỏ thuê của một chị ngoài đường phố chính xế cạnh nhà ông đầu hẻm phố. Vợ chồng ông vốn đã chẳng ưu gì cô bé, đã nhiều lần can ngăn con nên suy nghĩ kỹ. Nhất là có  lần cãi cọ nhau vì những điều vớ vẩn, cô bé nói hỗn xược bị thằng con ông tát cho mấy tát, dúi ngã xuống mặt đường. Mới yêu nhau thôi mà đã đánh nhau hẳn hoi bằng “chưởng” có lẽ là sự lạ trên thế giới! Hôm thằng con ông đưa cô bé về nhà chính thức bàn xin chuyện cưới hỏi thì vợ ông phát hiện ra cô bé tuổi khỉ chứ không phải tuổi gà như thằng con ông đã thưa trước đó. Dần thân tỵ hợi tứ hành xung, chết mẹ rồi! Vợ chồng ông chẳng mắng mỏ gì, chỉ khuyên con trai lần này thì dứt khoát cắt. Thằng con ông chẳng chống đối, chỉ im lặng giấu cha mẹ, đi thuê phòng ở một phố xa, hai đứa về sống chung với nhau. Ba tháng sau, chúng mới kéo về báo cáo lại mọi chuyện đã rồi. Vợ chồng ông đành phải làm lễ cưới  cho chúng. Thời buổi đổi mới con đặt đâu cha mẹ ngồi đó, vợ chồng ông cắn răng nhịn, thôi thì nó về nhà mình rồi giáo dục uốn nắn dần; trong xã hội không phải là không có các cặp xung tuổi nhau mà vẫn hạnh phúc, yên ổn; biết đâu ông trời xe duyên cho hai đứa như thế cũng nên.

Cưới nhau tuần trước thì tuần sau xảy ra một vụ xô xát nặng nề: la lối om sòm, tủ kính  đồ nghề toé loe, mặt mày tay chân thằng con ông sưng vù, máu chảy tùm lum. Cả nhà nghe ồn ào ngoài phố chạy ra đã thấy tình cảnh ấy rồi. Thằng chồng đi trực đêm ở cơ quan về hỏi vợ tối hôm qua ai lai cô đi có việc chi, có người bạn tôi gặp cô ôm eo rành rành. Con vợ đang cắt tóc cho khách vội ngừng lại, quẳng kéo, chối cãi toáng, chì chiết văng mạng, xô đổ cả tủ đồ đạc va đập mạnh vào mặt chồng, một mảnh kính sắc nhọn cứa vào cổ tay chồng máu me ròng ròng. Hàng xóm phố phường náo động cả lên. Vợ chồng ông phải dàn xếp, chạy vô chạy ra cả buổi mới “dẹp xong loạn”, trở lại bình thường. Hai đứa li thân từ đó. Con vợ ôm áo quần chăn màn ra ngủ luôn ở đó, không về nhà nữa. Mấy ngày sau, con vợ đưa đơn gửi toà án thành phố xin li dị, bảo chồng ký vào. Thằng chồng lúc này mới suy nghĩ lại thực sự, xin ý kiến cha mẹ. Ông bà triệu tập hai đứa tới, phân tích góp ý đủ điều đạo lý vợ chồng, tình nghĩa trước sau. Rằng chẳng hay ho gì cái việc bỏ nhau, nhưng đó là việc của chúng mày, chúng mày nên cẩn trọng vì là việc đã rồi. Cũng chưa muộn, nếu chúng mày biết thực tâm sửa chữa, biết nhường nhịn nhau, biết ai phải ai trái cái gì và tha thứ cho nhau… Còn vạn bất đắc dĩ phải chia tay thì phải chia tay cho êm đẹp, cho có văn hoá ra trước toà không được ồn ào, không được bêu xấu nhau, tố cáo nhau, đứa nào cũng cố chứng minh mình là tốt đẹp đứng đắn còn đối phương là xấu xa hư hỏng vân vân … Hãy suy nghĩ thật chín chắn đi đã, thêm dăm ba ngày một tuần đã, rồi sẽ quyết định. Chưa hết tuần, con bé đã vào chìa lá đơn ra, mặt mày cứ trân trân. Nhìn thái độ, thằng con ông lập tức ký vào đơn. Con bé liền bỏ vào phong bì đem ra bưu điện. Cứ tưởng toà án còn lâu mới giải quyết vì còn phải hoà giải nhiều lần, còn tham khảo ý kiến hai bên cha mẹ; không ngờ những việc đó họ làm rất nhanh chóng, chỉ non tháng sau họ triệu tập hai đứa tới, đưa quyết định ly hôn cho chúng, mỗi đứa một bản, còn một bản gửi về phường sở tại nơi chúng cư trú. Thế là xong, xong hẳn. Ông bà như trút được một gánh nặng, dặn dò con trai dù đã tan vỡ nhưng còn tình người, hãy nhớ, tình bạn thì không thể rồi, mọi việc về sau con phải xử trí cho đúng đắn, đừng làm điều chi gây nên oán thù …

Trong việc này và những việc tương tự, không nên xem thường tuổi tác, không nên bỏ qua lời dạy của cha  ông xưa. Giờ xã hội hiện đại văn minh, con người càng khó chịu. Đó là điều nghịch lý, nghịch lý này có thể xảy ra hàng ngày. Tuy nhiên, những điều ngược lại cũng xẩy ra hàng ngày.

Như một ánh chớp loé lên, dòng suy nghĩ của ông chợt trở về với lão láng giềng tay ôm dái tay xách giỏ rác trong đó chỉ vỏn vẹn có ba ngọn lá vú sữa. Tối hôm qua, vợ ông lại thông báo: lão lấy vợ thật rồi, không còn chỉ đang yêu nữa. Vợ lão là một bà giáo viên về hưu bán bánh cuốn ở khu chung cư phía tây thành phố. Giấy mời dự bữa cơm thân mật của gia đình đây này! Bà chìa tờ thiệp bằng ba ngón tay ra trước mặt ông. Giấy mời in sẵn bán ở chợ, chỉ điền vào chỗ còn trống như tên họ, ngày giờ, lý do. Chữ viết của lão Quý Hùng phải công nhận là đẹp, lại bay bướm nữa.

Ông a lên một tiếng kinh ngạc, tròn mắt lấy kính đeo vào, đọc. Ô, chuyện thật rành rành! Ông bỗng thấy lâu nay không nghe lão rên nữa, lão lành bệnh rồi ư? Có lành cái món tiền liệt tuyến mới nghĩ tới “chuyện ấy” chớ, cưới vợ chứ có phải đi mua mũ bảo hiểm đâu! Vợ ông phì cười bảo ông đừng có mà dở hơi lẩm cẩm, người ta ráp lại với nhau để vui thú tuổi già, đỡ đần nhau khi trái gió trở trời mà ông lại nghĩ bậy. Ông cũng cười lại, bậy là bậy thế nào, nghĩ được như vậy là thực tế đấy. Vợ ông lại cười vui nói tiếp nhưng không có chút ác ý nào. Lão ấy đã chuyển hẳn lên khu chung cư ở rồi, chả bà giáo viên chỉ ở mỗi một mình, nhà bà toàn con gái, hai đứa đã chồng con ở riêng, mỗi  cô út đang đi học xa. Từ nay ta thoát được cảnh “bị tra tấn” bao năm nay rồi!

Ông im lặng không nói gì, chỉ đắm chìm vào suy nghĩ. Chuyện xem ra bình thường nhưng cũng có cái lạ. Có sự bù trừ nhầm lẫn nào ở đây không hỡi ông thượng đế? Thằng con ông vừa bị vợ bỏ ngày hôm qua thì hôm nay lão hàng xóm của ông lại được vợ rước. Hai ngày nữa ông sẽ đến đó để mừng cho họ và để dự bữa thân mật với gia đình, ông sẽ biết bà giáo viên về hưu ấy ra sao. Và chắc là sẽ gặp lại cô con gái út của bà, cô sinh viên điền kinh, người bạn “cùng típ” vong niên, cùng một lộ trình thể dục đều đặn mỗi ngày của ông mà cho đến nay ông vẫn chưa biết tên cô. Sau cuộc nói chuyện ở gốc gây trứng cá dạo nào, tối hôm đó cô đã ra Hà Nội nhập trường vào niên khoá mới.

Mẹ lấy chồng bố dượng lại về ở  nhà mình, vậy là gia đình cô đã có sự đổi thay. Lão láng giềng của  ông những năm tháng cuối đời có sống khác đi hay vẫn thói xưa tật cũ? Bà giáo viên nọ có thể chịu đựng lão nổi không nếu như lão vẫn là lão khi còn ở sát vách chung tường với ông? Cầu mong cho họ tốt đẹp gặp nhiều điều may mắn. Rồi cô gái nữa. Chẳng có gì ghê gớm nhưng có thể gọi được là biến động trong gia đình, cô bé sẽ nghĩ gì làm gì trong hoàn cảnh mới  mẻ đó? …

Bất giác, ông lắc lắc mái tóc bạc cho rung rung rồi bật cười. Đấy, mình  lại đi lo nghĩ cái chuyện của người khác, mình lẩm cẩm dở hơi mất rồi …!

             H.N

 

 

Hồng nhu
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 166 tháng 07/2008

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground