Đó là ngôi nhà tình nghĩa chính quyền địa phương mới xây dựng cho bà thuộc diện đối tượng chính sách, người có công. Ngôi nhà ba gian, mái ngói đỏ tươi, thiết kế theo kiểu truyền thống, gọn gàng, thoáng mát trên nền đất cũ. Gian bên trái khu vực bếp; gian bên phải kê một chiếc giường tre chỗ bà ngủ nghỉ hàng ngày và một chiếc tủ đứng hai buồng bằng gỗ đã sạm màu. Gian chính, phía trước đặt bộ bàn ghế cũ tiếp khách, phía trong làm bàn thờ gia tiên. Gọi là bàn thờ gia tiên, nhưng chỉ thờ chồng và hai đứa con của bà. Trên bàn thờ ở giữa trên cao là lư hương của chồng, phía dưới, bên trái lư hương thằng anh, bên phải lư hương thằng em. Ba lư hương đặt ba bức di ảnh. Bức di ảnh của chồng bà mặc áo bà ba đen, nét mặt đĩnh đạc, hiền từ trông còn rất trẻ. Bức di ảnh của thằng anh, mặc áo màu xanh cỏ úa, đội mũ cứng gắn quân hiệu ngôi sao vàng, nửa trên màu đỏ, nửa dưới màu xanh. Bức di ảnh của thằng em, mặc áo rằn ri, đội mũ nồi màu xanh lục chếch bên phải gắn phù hiệu binh chủng Thủy quân lục chiến. Ba bức di ảnh nhìn rất giống nhau từ khuôn mặt đến ánh mắt thăm thẳm đượm buồn...
Một người già yếu, cô độc, lủi thủi trong túp nhà tôn rỉ rét, xiêu vẹo bấy lâu nay, giờ có một ngôi nhà xây rộng rãi, thơm mùi vôi ve, quả thật cứ như mơ. Hôm khánh thành bàn giao ngôi nhà, bà cảm động không cầm được nước mắt. Bà thầm cảm ơn chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm đã quan tâm, giúp đỡ. Thực ra bà chả sống được bao lâu nữa, việc ăn, ở cũng giản đơn, qua ngày. Chỉ có điều bà luôn canh cánh trong lòng là làm sao có được nơi hương khói đàng hoàng, chu tất cho chồng, con. Và điều đó đã thành hiện thực, thỏa nguyện bao ngày mỏi mong của bà. Ấy vậy mà “ngày vui ngắn chẳng tày gang” mấy hôm nay, nỗi buồn đau cứ giày vò tâm trí, thể xác bà mãi khôn nguôi. Đứa nào cũng là con bà dứt ruột đẻ ra, yêu thương hết lòng và nhất là khi cả hai đứa không còn nữa. Bà Liên lẩm bẩm: “Thằng Hà đi lính Việt Nam Cộng hòa là vì hoàn cảnh, điều kiện lúc bấy giờ và cũng vì thương mạ…”.
Nước mắt bà lặng lẽ ứa ra, chầm chậm lăn xuống đôi gò má nhăn nheo, gầy guộc. “Mạ nhớ các con quá Hải, Hà ơi!…”. Bà nghẹn ngào, thì thào gọi con rồi mơ màng thấy hai đứa trẻ bụ bẫm, tròn trĩnh như hai quả dưa hấu đang nằm gối đầu lên hai cánh tay bà. Hơi thở nhè nhẹ, đôi mắt khép hờ, đôi môi chúm chím, đôi bàn tay nở xòe trên ngực mẹ…
* * *
Trong ký ức của bà Liên, mãi còn đó hình ảnh đau thương, tang tóc của những người nằm chết la liệt; những người kiệt sức, gầy gò, da bọc xương nối nhau thành hàng dài xin ăn, sống ngoắc ngoải, chờ chết… Nạn đói năm 1945 quá khủng khiếp đã cướp đi sinh mệnh của biết bao người. Cha mẹ và người chị ruột nằm lại dọc đường, chỉ còn lại mình bà. Bà chẳng nhớ, chẳng biết quê mình ở đâu, cứ thế theo đoàn người xơ xác, run rẩy lưu lạc, cầu thực. Cô bé mồ côi, tóc còn để chỏm, gầy giơ xương, nước da xanh mét như tàu lá úa đi ở đợ cho nhà người ta mà vượt qua được nạn đói thảm khốc, kinh hoàng ấy. Bà gặp ông cùng cảnh ngộ lưu lạc từ ngoài Bắc vào rồi bén duyên nên vợ nên chồng. Cuộc sống tưởng như mãi trong hạnh phúc và bình yên thì tai họa bất ngờ ập đến với gia đình bà. Sau những chuyến đi đò dọc lên vùng Ba Lòng mua bán nông sản, ông Bắc - chồng bà bị trúng đạn pháo chết, để lại cho bà hai đứa con trai sinh đôi, mới hơn ba tuổi. Thằng anh tên là Hải, thằng em tên là Hà. Hai đứa giống nhau như hai giọt nước, bà con lối xóm chẳng ai nhận ra. Bà là mẹ mà còn có lúc nhầm huống hồ chi là họ. Hình dáng, khuôn mặt, chiều cao, cân nặng như nhau chẳng nói làm gì, đằng này từ chiếc lúm đồng tiền ở bên má phải, hai cái xoáy ở hai bên đỉnh đầu và cái nốt ruồi ở trán bên trái, gần chân tóc, ngang với lông mày đến mùi cơ thể, mùi mồ hôi cũng giống nhau… Và thật lạ kỳ có những điều bà không thể giải thích được, cứ lặp đi, lặp lại như chúng có thần giao cách cảm với nhau. Ví như một đứa bị ốm thì đứa kia trước sau gì cũng ốm. Hai đứa rất yêu thương, nhường nhịn nhau, đi đâu làm gì cũng có nhau, chẳng lúc nào muốn rời nhau. Có việc gì vắng nhau một ngày là chúng không chịu nổi.
Hai đứa lớn nhanh như thổi. Bảy, tám tuổi đã đi mò cua, bắt cá; chín, mười tuổi đã biết cắt cỏ, chăn trâu... Mười lăm, mười sáu tuổi người to cao lực lưỡng, bắp chân, bắp tay chắc nịch, ngực nổi vồng lên như lực sĩ. Thấy các con ngày một khôn lớn, trưởng thành, lòng bà lại càng thấp thỏm, lo lắng hơn...
Sở dĩ bà phải lo lắng như vậy, bởi làng Hòa Bình quê bà một vùng bán sơn địa nằm ở bờ Nam phía thượng nguồn sông Thạch Hãn, sơn thủy hữu tình - trước mặt là dòng sông trong xanh, hiền hòa êm đềm chảy như một dải lụa xanh lam vắt ngang qua làng; phía bên kia núi rừng vươn cao xanh thẳm tựa một bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ; phía bên này là cánh đồng bát ngát, mênh mông với màu xanh mơn mởn của hoa lá cỏ cây ngút ngàn... Thiên nhiên tươi đẹp, cuộc sống trù phú, yên bình như cái tên mà cụ tổ khai khẩn ra làng đã đặt, bỗng chốc trở thành là vùng giáp ranh của cuộc chiến tàn khốc, bom đạn mù trời, hoang tàn đổ nát. Ban ngày lính Quốc gia lùng sục, bắt bớ, bắn giết, ban đêm Việt cộng trên rừng về hoạt động, diệt ác trừ gian... chẳng có ngày nào, đêm nào là không có người chết hoặc bị bắt bớ. Người dân nhất là thanh niên trai tráng tán loạn ngược xuôi, người đi về phía bên này, kẻ chạy phía bên kia, bà chẳng hiểu ra làm sao nữa. Rồi cái gì đến đã đến như định mệnh đau đớn của chiến tranh và cuộc đời bà. Một đêm, trời mưa như trút, sấm chớp đùng đùng, cùng những tiếng súng nổ chát chúa, chói tai, nhức óc không ngưng nghỉ. Hai thằng con trai của bà không biết từ đâu chui ra người ướt như chuột lội, đi sau là hai người lạ, quần áo màu xanh cỏ úa, vai khoác súng, chúng ngập ngừng một lúc rồi mới xin mẹ theo họ lên rừng. Quá đột ngột, bà sững sờ, chết lặng không hiểu vì sao và cũng không biết phải làm thế nào trong cái thời buổi chiến tranh loạn lạc, bom rơi, đạn nổ thế này. Thôi thì đành phó mặc cho số phận và cầu trời, khấn phật phù hộ, độ trì. Không biết lời cầu khẩn của bà có thấu tới trời, phật không? Vào lúc quá nửa đêm hôm sau, đang giàn giụa nước mắt thương nhớ, lo âu thì bà nghe thấy tiếng bước chân rồi tiếng gõ cửa. “Mạ!... Mạ ơi!”. Bà lồm cồm ngồi dậy nghe ngóng, thì ra là thằng Hà. Con tim như muốn nhảy ra khỏi lòng ngực, bà ôm chầm lấy con mừng rỡ, nhưng rồi khựng lại. “Con! Anh con?”. Nó đưa tay lau nước mắt cho bà, rồi bảo: “Lên đến rừng thương mạ quá, con nói nhỏ với anh hai là con phải về... Anh nắm chặt tay con, ôm lấy con một hồi rồi quay đi. Con biết anh thương mạ nhiều lắm nhưng phải cầm lòng vì không thể cả hai anh em cùng về được...”. Bà thút thít khóc: “Rứa là anh con xa mạ thiệt rồi”...
Thằng Hà về với bà cũng chẳng được bao lâu. Vừa chớm tuổi mười tám người ta bắt nó đi lính Cộng hòa. Bà chới với, van xin, chấp lạy cũng không được. Bà buồn bã nghĩ: “Biết rứa thì nó cứ ở trên rừng cho có anh, có em, chứ mỗi đứa một bên thế ni, chưa chừng lại bắn vào nhau”.
Đi lính được hơn một tháng, nhớ mạ không chịu nổi thằng Hà bỏ trốn. Về nhà được ba hôm thì cả hai mẹ con bị bắt lên đồn Thượng Trấm tra khảo, chúng còn quy thêm tội liên đới với Việt cộng. Thằng Hà bị bắt trở lại quân trường. Sợ mạ phải chịu cảnh tù tội nên nó không bỏ trốn nữa, thế rồi chỉ mấy tháng sau thì có giấy báo tử trận. Thằng em chết chưa được bao lâu, bà lại nhận được tin thằng anh hi sinh. Cả bầu trời như đổ sập xuống đầu bà. Nỗi đau, mất mát quá lớn khiến bà như điên dại, chẳng còn thiết sống nữa. Nhưng bà không thể chết để còn hương khói cho chồng, cho con, kẻo lạnh lẽo tội nghiệp.
Minh họa: Lê Trí Dũng
“Ở đời sống mỗi người một kiếp, thiện, ác, tốt, xấu... đều có cái giá của nó. Nhưng khi chết rồi còn chi nữa mà tính toán, “nghĩa tử là nghĩa tận” để cho người ta yên...” - Bà nghĩ rồi ngồi dậy xỏ chân vào đôi dép, với tay lấy chiếc gậy ở đầu giường, lập cập bước ra trước cửa. Trời mưa lắt phắt, gió mang hơi nước lành lạnh thổi, bà cúi dựa vào bức tường nơi có tấm biển hiệu màu xanh thiên thanh “Ngôi nhà tình nghĩa”. Đôi vai gầy rung lên, đôi mắt u uất nhìn hút ra phía cánh đồng: “Đấy! Cứ ra ngoài nghĩa địa của làng, xã mà xem. Dòng tộc mô chả có người thông minh, kẻ kém sáng, số giàu sang, phận nghèo hèn, đứa quân tử, đứa nghịch tử... Như dòng họ Hồ Sĩ ấy cũng có hai anh em ruột ở hai bên chế độ. Người anh đi theo cách mạng tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cho đến ngày thống nhất đất nước. Còn người em đại tá Việt Nam Cộng hòa, nợ máu nhiều hay ít chẳng hay nhưng nghe kể khi làm Tư lệnh chỉ huy không quân, thông tin gì đó đã ra lệnh cho phi công: “Bọn bây cắt bom ở mô tau không biết, riêng tọa độ X (làng tau) thì không được”. Chẳng biết có thật không nhưng suốt những năm chiến tranh chẳng hề có quả bom nào rơi trúng vào làng, trong khi cả vùng rộng lớn xung quanh bị tàn phá nặng nề như trên mặt trăng. Anh em ruột thịt bao năm chinh chiến, đối nghịch, mỗi người một ngả... Bây giờ hòa bình lại về nằm kề bên nhau trong nghĩa địa của dòng họ Hồ Sĩ đó thôi. Mà thằng Hải, thằng Hà đều bị chết trận mất xác, chỉ có lư hương và di ảnh chúng nó. Thằng Nam người làng là bạn của thằng Hải, thằng Hà từ thủa nhỏ sao lại không biết cơ chứ!?”...
* * *
Từ nhà bà Liên bước ra, tâm trạng Nam băn khoăn, day dứt. Một cảm giác ơn ớn, rờn rợn thế nào ấy, cứ như là có ai đó đang dõi theo mình, đi theo mình, trách giận mình vậy... Bần thần, Nam đứng lặng quay nhìn về ngôi nhà của bà Liên. Ngôi nhà đã neo đậu biết bao ký ức êm đềm, đẹp đẽ của tuổi thơ Nam: ngày ngày cùng tụi bạn tụ tập nô đùa với đủ thứ trò chơi của con trẻ rồi những tháng năm bên nhau cắp sách tới trường... Bạn bè gần gũi thân thiết như anh em ruột thịt. Thế rồi chiến tranh loạn lạc. Đứa vào Nam, đứa ra Bắc, đứa lên rừng, đứa xuống biển, đứa ở phía bên này, đứa ở phía bên kia, đứa còn, đứa mất. Ở vào thời kỳ ấy, điều kiện, hoàn cảnh của cuộc sống dường như không cho người ta được chọn lựa. Số phận cứ thế run rủi đối với từng con người. Hải và Hà, cặp song sinh mỗi đứa đi về một phía của cuộc chiến và nhiều đứa khác nữa cũng vậy. Mình may mắn hơn bạn bè cùng trang lứa ở cái vùng giáp ranh ta và địch này là đã tham gia cuộc chiến, đi qua cuộc chiến rồi trưởng thành cho đến bây giờ...
* * *
Bà Liên lập cập chống gậy run rẩy lần từng bước về phía bàn thờ. Bóng bà mờ nhòa trong khói hương nghi ngút bay, hai tay chấp trước ngực, người cúi gập xuống, khóe mắt ướt nhòe: “Ông Bắc ơi! Hôm nay là lần giỗ đầu tiên của ông trong ngôi nhà mới ni. Tui làm mâm cơm đạm bạc, những thứ ngày xưa cha con ông thích... Ông đưa các con cùng về ông nhé! Để vợ chồng con cái được sum vầy, chứ không biết có còn lần mô nữa không?... Chuyện về ngôi nhà thì ông đã biết cả rồi. Ông bảo tui phải làm răng đây? Thằng Hải, thằng Hà ở dưới đó, mạ con tui âm dương cách biệt. Ông sống khôn, thác thiêng đùm bọc, che chở cho các con. Hải ơi, Hà ơi các con của mạ, không đời nào mạ để cho người ta chia cắt anh em con, chia cắt gia đình ta...” - Bà lầm rầm khấn nguyện rồi chống gậy liêu xiêu về lại chiếc gường tre nằm bất động. Gió dìu dịu thổi, ánh trăng sáng vằng vặc xuyên qua những vòm cây nhuốm một màu bàng bạc. Càng về khuya ánh trăng càng sáng tỏ, bà trở mình, lặng lẽ nhìn ra phía sân vườn. Từng thân cây, nhành lá hiện ra mồn một trước mắt bà gần gũi, nhớ thương, thiêng liêng biết nhường nào: Cây ổi ngày xưa hai anh em thi nhau trèo hái, giờ quả rụng đầy dưới gốc... Cây nguyệt quế thoang thoảng hương thơm vào dịp ngày rằm, hồi ấy chồng bà đem về trồng, bảo để cầu mong sự bình yên và may mắn giờ nở đầy những nụ li ti trắng muốt như những viên ngọc mịn màng lấp lánh, lung linh. Từ cây dừa sang cây mít ngày xưa buộc một tao võng dứa gai màu trắng ngà để những ngày hè, những đêm trăng bà đung đưa, à ơi ru con ngủ. Và mỗi khi đi làm về vừa ngồi xuống cánh võng là hai đứa chập chững chạy ra nhào vào lòng, vục mặt vào vú mẹ mà mút chùn chụt. Cây bưởi quả trĩu cành đong đưa trong gió, hồi đó hai đứa đang học đệ tứ, không biết xin ở đâu đem về trồng rồi nói với mẹ: “Chúng con trồng để sau này ra quả thắp hương cho cha, vỏ và lá mạ dùng gội đầu”. Còn khoảng sân rộng kia, ngày nào tụi trẻ chẳng tụ tập đánh khăng, bắn bi, chơi ô ăn quan, trốn tìm. Có hôm mải chơi bỏ học bị mạ đánh đòn... Tất cả vẫn như xưa, như ngày nào mẹ con bên nhau, vậy mà giờ đây chỉ còn lại một mình bà trên đời...
Thấy chiếc gối lành lạnh ướt nhòe bên má, bà mới hay là mình đang khóc. Rồi cứ thế những giọt nước mắt của bà lặng thầm tràn xuống, tràn xuống... cho đến khi thiếp đi...
Bỗng bà thấy có bóng ai đang nhẹ lướt qua những vòm cây. Là ma chứ người làm sao mà bay lượn được như vậy, bà chăm chăm nhìn theo.
- Ơi Thằng Hải! Thằng Hải! Con ơ...ơi, con ơ...ơi!
Hải nhào tới ôm lấy mẹ. Bà Liên nghẹn ngào, giàn giụa nước mắt ấp mặt vào ngực con. Rồi lùi lại nhìn trân trân. Khuôn mặt trắng bạch, chiếc áo màu xanh cỏ úa nhuốm máu thấm đặc lại, lỗ chỗ nhiều lỗ thủng. Tim bà như tan chảy theo từng giọt máu tím thẫm trên ngực con trai...
- Trời ơi! Ngực con làm sao thế này?
- Là... là... những vết đạn đó mạ ạ!...
- Đạn... Đạn!. Tội nghiệp con tui. Con thành ma rồi... thiệt rồi!. Nhưng sao mãi đến hôm nay mới về với mạ! Mạ nhớ thương, ngóng chờ các con đến đứt từng khúc ruột...
- Mạ ơi! Con cũng muốn về, nhưng sợ nhìn thấy ngực con mạ không chịu nổi. Con nhớ mạ, thương mạ nhiều lắm...!
Bà Liên nức nở, kéo vạt áo lên lau nước mắt. Lau xong bà ngơ ngác không thấy Hải đâu nữa... “Hải ơi! Con ơ...ơi, con ơ...ơi!...”. Bà vừa gọi vừa mò mẫm đến từng gốc cây khắp trong khu vườn tìm con nhưng chẳng thấy đâu.
Ánh trăng lấp lóa tối sáng xuyên qua những vòm cây dập dờn, rì rầm trong gió lay lay, tiếng côn trùng rỉ rên không dứt làm cho khu vườn trở nên ảo mờ, huyền bí... Không biết phải tìm con ở nơi nào. Bà buồn bã đứng ngây ra như một pho tượng... Chợt thấy có bóng người thấp thoáng phía sau cây bưởi, bà Liên mừng thầm:
- Tổ cha cái thằng con, còn nỡ trốn, trêu mạ nữa.
Bà chống gậy dò dẫm bước lại gần. Sững sờ đi một hồi bà mới thốt được nên lời.
- Trời ơi! Con... con ...
Hà ôm chầm lấy mẹ thổn thức, nước mắt ướt trên trán mẹ. Bà Liên nghẹn ngào, đưa hai bàn tay run rẩy xoa lên khuôn mặt trắng bạch rồi xoa đi xoa lại ngực áo rằn ri thấm đẫm máu như muốn lau khô, xóa hết những lỗ thủng khủng khiếp trên ngực con. Và một lần nữa tim bà lại như tan chảy theo từng giọt máu tím thẫm ấy...
Bà khóc nấc lên:
- Anh con. Anh con cũng bị chỗ này. Các con có đau lắm không?
- Không.... không còn đau nữa mạ ạ!...
- Tội nghiệp con tui! Con cũng thành ma như anh con rồi...
Nghe mẹ nói vậy Hà đứng sững ra vẻ mặt đau đớn.
- Vậy là anh con cũng chết trận rồi hở mạ?
Bà Liên mếu máo:
- Rứa các con chưa gặp nhau à?
- Dạ!
- Lạ nhỉ. Cùng ở trong khu Thành Cổ mấy chục năm nay... Ngày xưa anh em con chẳng lúc nào chịu rời nhau nửa bước... Bây giờ mình mẩy các con mang đầy thương tích thế này, lúc trái gió, trở trời mạ làm sao mà yên lòng được.
- Mạ ơi! Ở đó, cả hai bên có tới mấy chục ngàn vong hồn, nên anh em con chưa gặp được nhau. Nhưng mạ yên tâm đừng lo nghĩ chi, chúng con toàn là những vong hồn thanh niên trai trẻ mười tám, đôi mươi sống vô tư, hòa thuận, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, không đối xử, phân biệt, không tranh giành, thù hận chi nhau đâu mạ ạ!
Bà Liên ngẩn người ra nghe con nói, rồi cầm lấy tay con:
- Thôi vô nhà đi con, giường tre mạ vẫn giữ.
Thấy Hà chần chừ, bà Liên ngạc nhiên hỏi:
- Răng rứa con?
Lặng đi một hồi Hà nhỏ nhẹ:
- Con không vô mô. Con không muốn mạ buồn... Con về từ lúc chiều tối khi thằng Nam đang ở trong nhà mình. Con đi theo nó, cái thằng hồi xưa ngày mô cũng sang nô đùa với tụi con, vậy mà nó chẳng nhận ra. Cho đến khi con quay trở lại vườn nhà thì gặp mạ.
Bà Liên tức tưởi:
- Con ơi! Rứa là con đã biết hết mọi chuyện rồi... Nhưng không ai có quyền phán xét, chia cắt được tình cảm của mạ con mình mô con ạ!...
Bỗng bà thấy bầu trời đen thẫm lại một màu đặc quánh rồi mưa như trút, sấm chớp đùng đùng, cùng những tiếng súng nổ chát chúa, chói tai, nhức óc không ngưng nghỉ như cái đêm cách đây mấy chục năm về trước, hai đứa xin bà theo bộ đội lên rừng... Bà Liên giật mình tỉnh dậy mới biết là mình đang mơ...
* * *
Nam được tin bà Liên mất.
Bà ấy cũng chỉ đau ốm làng nhàng mấy ngày thôi, ai ngờ lại đi nhanh thế. Tội nghiệp, sống hiền lành, tốt tính và chu đáo lắm. Không biết bà dành dụm tiền bạc từ khi nào mà chuẩn bị tang lễ của mình đầy đủ chẳng thiếu thứ gì.
Khi liệm bà, thấy một bức thư, nét chữ run run, thiếu nét, không thẳng hàng và rất khó đọc: “Thưa bà con làng xóm. Tui đội ơn bà con đã cưu mang, đùm bọc, giúp đỡ gia đình tui trong suốt mấy chục năm qua. Sống để bụng, chết mang theo, tui thành tâm ghi lòng, tạc dạ, không bao giờ quên được công ơn đó. Trước khi về với chồng, con nơi chín suối, tui xin được thỉnh cầu và có ý nguyện: Thứ nhất, kính nhờ bà con làng xóm, Chi hội người Cao tuổi thôn giúp lo việc tang sự cho tui, sau đó đưa toàn thể lư hương, di ảnh của gia đình tui lên an vị tại ngôi chùa Thượng đầu làng (Việc này đã được sự chấp thuận của Sư trụ trì chùa Thượng). Thứ hai, tui xin hiến toàn bộ tài sản của gia đình: ngôi nhà tình nghĩa, đất đai, vườn tược để làng sử dụng vào công việc chung...”.
Mọi người sững sờ không ngờ sự việc lại xảy ra như thế...
* * *
Vào một ngày mùa thu đẹp trời, từ sáng sớm làng Hòa Bình đã tưng bừng, nhộn dịp như ngày hội. Khắp các con đường quê cờ hoa rực rỡ, nhiều cha mẹ bồng bế con, nhiều ông bà dìu dắt cháu, cầm cờ vẫy trên tay hướng về ngôi nhà của bà Liên. Hôm nay, chính quyền xã và thôn tổ chức lễ khai trương trường mầm non của làng. Ngôi trường mới khang trang trên diện tích hơn một ngàn mét vuông với không gian thoáng mát, rợp bóng cây xanh. Phía trong ngôi nhà được mở rộng, chỉnh trang theo đúng công năng và trang bị thêm một số thiết bị để phục vụ tốt cho việc giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu.
Buổi lễ được diễn ra ngắn gọn nhưng rất trang nghiêm và long trọng. Mọi người vỡ òa xúc động khi ông Bí thư Đảng ủy xã, ông Trưởng thôn, cô giáo phụ trách Trường Mầm non cắt băng khai trương ngôi trường. Trên bức tường ở cửa chính của ngôi trường, khi tấm vải nhung được mở, một tấm biển hiệu màu đỏ với những dòng chữ tươi sáng, rực rỡ hiện ra. Phía trên với hàng chữ to màu vàng, in đứng “TRƯỜNG MẦM NON HÒA BÌNH”, phía dưới với hàng chữ nhỏ hơn màu xanh, in nghiêng “Nơi tương lai bắt đầu”.
Nam một mình thẫn thờ đi vòng quanh ngôi trường, khu vườn, không muốn rời đi. Có một điều gì đó cứ xao xác, níu kéo tâm can Nam đến lạ kỳ. Dường như mỗi lần đến đây Nam đều mang theo cảm giác, có ai đó đang dõi theo, đi theo mình. Đôi mắt Nam vời vợi hướng về phía ngôi Chùa Thượng đầu làng...
V.X