Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 25/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Điểm tựa

M

ới chín tuổi tôi đã biết được sự mừng, lo của ba má, bà con đường phố khi thấy mấy chục thanh niên quần xanh áo trắng, găng tay trắng cưỡi Honda chạy ra Ninh Hoà đón đoàn quân quần áo, mũ tai bèo xanh màu lá cây, tiến vào thị xã Nha Trang.

Rồi ba tôi được Ban Quân quản huy động lái chiếc xe khách của gia đình ra tận Hòa Khánh tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng đón những cán bộ miền Nam trở về quê thăm quê hương giải phóng. Đó là niềm vui ba má tôi cảm nhận được.

Không lâu sau ba trở lại với nghề lái xe khách đường dài. Tôi cắp sách đến trường.

Sự bỡ ngỡ, lo lắng khi mới bước vào lớp học nhanh chóng tan biến, bởi cô giáo rất trẻ, không vào hạng xinh đẹp, song có đôi mắt sáng trong, tự tin, nhìn chúng tôi thật trìu mến, yêu thương. Có lẽ vì qúa tin, yêu cô giáo mà tôi học chăm và học giỏi. Sau ba năm học tôi được chọn là học sinh xuất sắc của trường. Ôi! Cái buổi chiều đi dự lễ tổng kết và nhận phần thưởng sao mà trang trọng, vui thế. Má mặc chiếc áo dài lụa màu hoàng yến, chiếc áo kỷ niệm ngày cưới, cổ đeo chuỗi hạt trai sáng long lanh, đẹp trẻ lại gần chục tuổi. Ba mặc bộ com plê xẹc lain màu xanh đen của Pháp, bên trong áo sơ mi trắng cổ cồn thắt cà vạt màu mận chín, đi dày đen bóng loáng, tự lái xe gieep cùng hai mẹ con đến trường. Phần thưởng nặng qúa, tôi không bê nổi, ba phải vội bước lên đỡ hộ trong niềm kiêu hãnh của người cha. Má âu yếm nhìn con gái trong ánh mắt rạng ngời hạnh phúc. Trên đường về ba bảo:

- Con cố học để sau này cũng làm cô giáo như cô giáo của con nghen!

Ba đã gieo vào tôi niềm ước mơ của tuổi mười hai...

Song, cuối năm ấy, đang lái xe đưa khách vào thành phố Hồ Chí Minh, vừa đến Phan Thiết thì một chiếc xe tải trong cua ào ra, ba tử nạn cùng với đầu chiếc xe tan tành. Ba chết, nghĩa là bức tường thành, điểm tựa của đời tôi sụp đổ. Má não nuột khóc thương ba suốt ba tháng liền rồi suy kiệt và đổ bệnh. Đồ đạc trong nhà lần lượt bán hết, ngôi nhà đúc hai tầng lầu khang trang cũng ra đi, cả gia đình chen chúc trong gian nhà nhỏ lợp tôn mới mua với cái giường gỗ ọp ẹp dành cho má nằm. Bệnh của má chạy chữa tây y, rồi đông y cũng không khỏi. Hai chị em tôi phải học cách nấu xôi, nấu chè bán trên vỉa hè trước nhà để có tiền nuôi năm ông anh, mà bà con gọi là năm đực rựa, với đứa em trai út chưa đầy một năm tuổi. Và kiếm tiền mua thuốc Nam cho má. Lúc đầu, mỗi lần còn mua được năm thang uống năm ngày, sau chỉ đủ tiền mua được hai thang. Cứ hai ngày một lần, hết giờ học tôi chạy ù về cất cặp vào góc nhà, lên Võ Dõng vào tận chân núi Chín Khúc cách thị xã chín cây số để mua thuốc, có lúc không đủ tiền tôi phải năn nỉ xin mua chịu. Thầy thuốc hỏi:

- Con lên đây bằng xe gì?

- Dạ! Con đi bộ.

Thầy ái ngại thở dài, bốc thuốc để tôi đem về.

Ngày hè nắng qúa, tôi chạy theo xe lam xin đứng nhờ chỗ bậc lên xuống, có người cho đi, có người đuổi xuống, lại lê hai bàn chân nhỏ trên đường dài hun hút chói chang nắng. Một hôm có bác đánh xe ngựa dừng lại bên cạnh, cúi xuối hỏi:

- Con đi đâu mà lủi thủi hoài vậy?

- Dạ! Con đi bốc thuốc cho má con.

- Trời! Mới tí tuổi đầu. Con lên xe đi.

- Dạ! Con hổng có tiền.

- Bác không lấy tiền

Ngồi trên xe, nghe tiếng vó ngựa gõ nhịp lốc cốc mà tôi tưởng như đang bay trên mây.

- Từ nay con cứ ra chờ chỗ dốc chợ Đầm, xe lên bác đón.

- Dạ! Con cảm ơn bác.

Hai ngày một lần tôi được đi xe ngựa vòng lên. Vòng về thì... cầu may bữa được, bữa không, bám vào cái bậc lên xuống của xe lam... Mãi sau có người mách sang bốc thuốc bên chùa Đá Chẹt. Má khỏi bệnh.

Tôi phải tạm nghỉ học để theo má chở gạo, bằng xe lửa vào Phan Rang bán. Má buồn, lo cho đứa con gái cưng, nhưng không có con đường nào khác. Vì chị tôi lâm bệnh hiểm nghèo, bệnh lao xương...

Mỗi chuyến đi, chở được ba tạ gạo. Tàu tới ga tôi phải gánh tới mười chuyến mới hết. Thấy tôi qúa cực nhọc má đòi gánh đỡ, nhưng tôi khóc năn nỉ má đừng gánh. Từ ngày lấy chồng má chỉ biết yêu ba và sinh nở, mọi việc nhà đã có hai người ở làm hết, vậy mà má cứ đòi gánh tới ba mươi cân gạo mỗi chuyến xa hằng nửa cây số, gánh sao nổi, má cũng mới khỏi bệnh có khoẻ gì đâu. Tối về Nha Trang tôi còn phải đi gánh mười đôi nước cho cả nhà dùng. Bà con thương cảm bảo:- Chỉ thấy hai thùng nước trên hè phố...

* * *

Ra trường tôi trở thành cô giáo của trường tiểu học Phước Hà. Thật ra, sau lần theo má đi buôn, tôi còn định bỏ học mấy lần. Thằng út gửi nhà trẻ tối đón về, thấy mông em có những lằn roi bầm tím, thương qúa tôi đòi ở nhà trông em, để nó khỏi bị đánh... Rồi lần đưa chị vào Sài Gòn chữa bệnh, thiếu tiền, thiếu thuốc, chị qua đời mới tuổi mười chín. Mỗi lần đòi nghỉ học má lại khóc, năn nỉ:

- Cả nhà, con là đứa hiếu thảo, thông minh nhất, cố học để thành cô giáo theo ước nguyện của ba.

Rồi đến lượt má lo cho tôi. Đã hai mươi lăm tuổi rồi mà chưa có kẻ đón, người đưa. Từ những ngày còn lầm lũi đi mua thuốc cho má tôi đã thích đọc thơ, lớn lên, thấy những vần thơ như có mật ngọt, trải được lòng mình. Có lẽ vì thế mà tôi yêu một nhà thơ...

Bạn bè giới thiệu, tôi quen anh, chàng sinh viên trường đại học Bách khoa, quê Quảng Bình, tình nguyện ra trận, là thiếu tá chính trị viên Tiểu đoàn tên lửa phòng không, đã có tập thơ xuất bản. Tôi tin quý anh, người cao ráo, khoẻ, từng trải, một chút tự cao, một chút thô vụng. Điều làm tôi ngần ngại là quê anh quanh năm mưa dầm, ngập lụt, nắng cháy gió Lào. Song, vì thích thơ, thích anh nên chỉ thấy có hương hoa... Còn anh thích khoe thơ, dường như nhà thơ là vậy, có được bài thơ mới lòng nôn nao muốn đọc liền cho người khác nghe. Tôi là người đầu tiên được nghe những bài thơ mới của anh. Lúc đầu đến anh có bạn cùng đi, sau dần chỉ còn một mình, hai bóng người trong căn phòng nhỏ dưới đèn khuya gió thu se se... ánh mắt nhìn, sự va chạm nhẹ như vô tình, cảm xúc mới lạ dần tràn ra, trôi dần những trang thơ. Rơm khô nỏ qúa, tia lửa nhỏ đã bùng cháy. Bão lửa lịm tắt... thảng thốt lo âu, nhưng dư vị ngọt ngào hạnh phúc cứ âm ỉ... tôi mường tượng mái ấm gia đình và niềm vui của má, một ngày kia được ẵm trên tay đứa cháu, trong tiếng ru ầu ơ... thoả lòng mong mỏi được làm bà ngoại.

Háo hức báo tin vui, nghe tôi có bầu anh ngẩn ra, mặt biến sắc tưởng như bom Bê năm hai chụp xuống đầu. Anh xui tôi đi phá thai. Tình cảm nhạt dần. Từ chối không làm đám cưới. Đau đớn nhất trong đời tôi là sự mất cha, bây giờ là sự phản bội. Thương má qúa, hãi hùng sợ cho nỗi đau của má! Phụ nữ khi phục và yêu ai thì yêu chân thật, cháy hết mình. Còn đàn ông có mấy ai biết trân trọng, nâng niu tình cảm trinh trắng đó, họ chỉ biết lợi dụng để tận hưởng. Bây giờ mới nhận ra những lúc ái ân, tôi vẫn thèm khát một vòng tay siết chặt đến nghẹt thở và nụ hôn nhẹ nhàng, đằm thắm. Má biết chuyện. Bà suy sụp đầm nước mắt:- Cháu má phải có cha con ơi!. Bạn bè sôi lên giận dữ, cùng thầy hiệu trưởng kéo vào gặp lãnh đạo Tiểu đoàn. Trước áp lực của hai phía, anh chấp nhận làm đám cưới, rồi xin nghỉ hưu. Nhờ tiền hưởng chế độ và căn cơ chắt chiu trên hai mươi năm trong quân ngũ, anh mua mảnh đất nhỏ, xây ngôi nhà trệt lợp ngói, nền lát gạch bông, ngoài vườn có năm cây bưởi, bốn cây dừa Xiêm, bụi tre ngà...

Tôi có nhà, có chồng. Con có cha. Song, chuyện chăn gối thì không. Cả hai tình cảm lạnh ngắt không còn một cảm xúc ham muốn nào nữa. Tôi cũng không còn quan tâm đến những bài thơ mới của anh. Nhưng cả hai rất yêu đứa con trai khôi ngô, trắng trẻo của mình. Chính Khánh Bình đã níu giữ được ba mẹ nó ở chung một mái nhà, cùng ngồi bên mâm cơm.

Anh có ba niềm đam mê là chăm sóc yêu thương con, làm thơ, trồng phong lan. Bà con khóm phố coi gia đình chúng tôi mẫu mực, hạnh phúc. Bạn bè chung của chúng tôi có những nhà thơ, nhà văn nổi tiếng, những cặp vợ chồng phó giám đốc, giám đốc đã nghỉ hưu rất yêu thơ, yêu văn mà kết nhóm, thành thâm. Họ hiểu rõ cái thật trong gia đình chúng tôi, vẫn quí anh, tin yêu, thông cảm, chia sẻ với tôi. Nhà thường xuyên có khách, những bữa nhậu nhẹ nhàng đàm đạo văn chương, trêu học, bù khú, hoặc cùng nhau đi picníc trên sông Cái, núi Hòn Thơm, bãi biển, làng quê...

Người ta bảo tôi có nốt ruồi trích lệ, dấu nỗi buồn sau tiếng cười. Má buồn thật. Đang đến câu lạc bộ thơ, bị thằng bé đã sương sương, cưỡi xe máy đi mua mồi nhậu tiếp, lao tốc độ vào Honda của anh. Tôi hoảng hốt, thương anh vô cùng, bạn bè chen chúc bên ngoài cửa sổ phòng cấp cứu, cùng thắt ruột vì tiếng rên la và thấy máu đỏ tươi tràn ra khoé miệng anh. Má run rẩy nắm tay tôi thầm thì:- Cố cứu chồng con, đừng để thằng Khánh Bình mất cha nghe con! Bệnh viện báo phải đưa vào Sài Gòn ngay, giật mình sờ vào túi chỉ có hai trăm nghìn, làm sao đây?! Tôi bảo con chạy tới nhà bác bạn yêu văn mượn tạm tám trăm nghìn, rồi lên xe cấp cứu theo chồng đi ngay trong đêm.

Không bị chấn thương sọ não, nhưng dập cột sống, tai hoạ không lường đã xảy ra, anh bị liệt. Ba tháng đưa chồng ra Hà Nội bệnh tình không thuyên giảm, về đến nhà, lưng, mông anh bị lở loét thành những cái hố hoắm sâu. Tôi phải thu xếp để trở lại trường, bao khó khăn tưởng đời người không thể vượt qua. Những tháng xa Nha Trang học trò luôn gửi thư cầu mong chú mau khỏi bệnh, để cô sớm đến lớp.

Sau giờ tan trường tôi đạp xe tạt qua chợ mua qua quít chút thịt cá, mớ rau, về nấu bữa trưa và dành bữa tối cho cả nhà. Bón cho anh ăn, dùng khăn nhúng nước nóng vệ sinh thân thể, lau rửa các vết lở loét, khổ nhất là anh phải đại, tiểu tiện tại giường nằm, lật trở được anh thở đứt hơi, mồ hôi đầm áo. Đi tắm vội, ăn trưa xong thì đã hai giờ, các cháu lục tục kéo đến nhà học thêm.

Các em đều con nhà nghèo học yếu của các lớp ba, bốn, năm. Có em chỉ đủ tiền trả một nửa, có em thì trả nợ tháng trước. Biết làm sao được. Có em sau giờ học phải đi bán vé số, tối đi bới nhặt bao ni lông ở các đống rác. Tôi thương tin các em mà cố dạy, các em thương tôi mà cố học. Tuy vậy, tính nết mỗi đứa khác nhau, hiếu động, chòng ghẹo, quậy phá, sức học cũng khác biệt. Tôi nhớ mãi câu: “Bàn tay năm ngón, có ngón dài, ngón ngắn, trong gia đình có đứa khôn, đứa dại, ai đem lòng thương dùm đứa dại!”, nên luôn tìm từng ưu điểm nhỏ của mỗi em động viên, khích lệ, mong các em có tay vịn mà làm được nhiều điều tốt hơn. Để vào buổi học thật thoải mái cô cháu cùng hát chung một bài, hoặc kể một chuyện cổ tích, chuyện một thời tuổi trẻ của anh... Nhìn ánh mắt hồn nhiên, tươi xinh các em gái, lòng thầm mong đừng có em nào rơi vào tình cảnh như mình. Sau này ngành không cho dạy kèm học sinh tại nhà. Tôi lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau. Tiền học phí đã giúp tôi bước đi từng tháng một. Tuy vậy, tôi vẫn xin phép nhà trường được dạy kèm không lấy tiền các em học yếu, nhà qúa nghèo.

Sức khoẻ anh dần khá hơn, tự nghiêng mình được, các ổ loét lành. Một phụ huynh làm nghề đạp xích lô tình nguyện cõng ra xe, buộc giây an toàn ngang bụng chở dạo phố, ngắm biển khi nào anh muốn. Tôi phải ghi lại những bài thơ mới sáng tác sau mỗi lần đi đầy hưng phấn ấy, và nhờ anh bạn yêu văn đánh máy hộ. Thế là anh có thêm tập thơ thứ tư bằng tiền hỗ trợ của các mạnh thường quân. Các anh chị thường đến thăm, cùng anh nhâm nhi cút rượu, ly bia tại giường bệnh.

Bệnh anh dai dẳng, lúc khá lúc yếu, các ổ loét lúc lành lúc lở. Nhọc nhằn luôn đè nặng. Nhiều đêm dài thao thức, làm sao đủ tiền thuốc men cho anh, chi phí học hành cho con. Tình cảm với học trò như con, như bạn cứ nhùng nhằng níu kéo. Dân mình rất hiếu học, giàu, nghèo, khác nhau, song ai cũng mong cho con có học, nên người!. Hình như hiểu được sự giằn vặt, có ý định rẽ ngang của tôi, các em thủ thỉ: “...đừng bỏ lớp, bỏ các em nghe cô.” Thầm cảm ơn ba má, cảm ơn những người như ông thầy thuốc Nam, bác đánh xe ngựa, anh đạp xích lô, bạn bè, nhà trường, Khánh Bình ngoan, hiếu thảo, chăm học, đã âm thầm nuôi trong tôi niềm hy vọng để đứng được với đời.

Cầm cự được sáu năm, khi Khánh Bình vào trường đại học thì mười hai chiến sĩ của Thành đội, trang phục chỉnh tề, lưỡi lê tuốt trần trên đầu súng với lá cờ Quyết thắng cùng bà con, bạn bè, các em học sinh bùi ngùi tiễn đưa anh... Những ngày quá yếu anh nói trong hơi thở: “Mình tha lỗi cho tôi. Khánh Bình đừng để mẹ buồn nghe con...”

Sau những ngày tang lễ, tôi lại đến trường. Cả lớp đứng dậy:

- Chúng em chào cô ạ!

Nghe giọng nói yêu thương, nhìn ánh mắt sáng trong, tin cậy, tôi không nén được nước mắt. Và chợt hiểu, các em là điểm tựa cho mình đứng được trên bục giảng.

 

                  H.V.H

 

 

 

Huỳnh Việt Hải
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 151 tháng 04/2007

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

21 Giờ trước

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

26/04

25° - 27°

Mưa

27/04

24° - 26°

Mưa

28/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground