Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Điều bất ngờ thú vị

Thuở nhỏ, tôi chơi thân với Hải, một bạn trai cùng lớp. Trai gái mà thân nhau hơn cả bạn cùng giới, tôi nghĩ cũng là chuyện bình thường. Và tất nhiên không phải là chuyện hy hữu, có một không hai. Nhưng khi cả hai đứa đã bước vào những năm học cuối cấp, tuổi đã mười bảy, mười tám, trong đám bạn bè cùng trang lứa, cũng không hiếm những con mắt nhòm ngó, dị nghị, sinh ra điều tiếng không hay.

Chúng tôi biết rõ điều đó, nhưng không mấy bận tâm, vẫn vô tư cười nói vui vẻ, không mảy may lo lắng, vì chúng tôi biết tình cảm của chúng tôi hoàn toàn trong sáng. Chúng tôi đã học chung một lớp suốt những năm cấp ba trường huyện. Ngoài động viên nhau trong học tập, thì mỗi niềm vui, nỗi buồn chúng tôi cùng chia sẻ với nhau. Và hơn tất cả là những câu chuyện về quê hương. Chuyện về bác thợ cày, cô thợ cấy. Chuyện quê Hải có gì mới, quê tôi có gì lạ? Thôi thì đủ chuyện, không kể hết.

Tôi nói vậy, vì tôi và Hải không cùng xã, chỉ cùng huyện, cách nhau vài cây số, chừng chục phút đạp xe là đến trường. Tuy một huyện, nhưng mỗi xã lại mang một đặc điểm về đất đai, thổ nhưỡng. Quê Hải là vùng trung du, đồi núi, cách biệt với đồng bằng bởi một con sông, đất đai chủ yếu là đất đỏ bazan, nên thích hợp với nhiều loại cây lưu niên. Đặc biệt, nhờ vào lợi thế của một loạt giếng cổ ở đây từ bao đời, nên rất nổi tiếng với một loài rau đặc sản. Đó là rau liệt

Minh họa: LÊ CẢNH OÁNH

Minh họa: LÊ CẢNH OÁNH

Theo Hải kể thì rau liệt ở làng Hải không biết có tự bao giờ và được đưa từ đâu tới mà sinh tồn, phát triển cho tới ngày nay. Hỏi mẹ thì mẹ bảo, từ đời ông đời bà đã thấy có loài rau này. Mẹ Hải còn kể, vào thời nhà Nguyễn, rau liệt còn được đưa vào Huế làm vật dâng vua và thết đãi các vị quần thần quan lại, coi như là đặc sản quý hiếm, dung dị của miền sơn cước do người nông dân lam lũ làm nên. Ngọn rau liệt đã được nhà vua và hoàng hậu hết lòng ngợi khen, khuyến khích nông dân phát triển. Thời chiến tranh, cả vùng quê này là chiến trường hết sức ác liệt. Nhà cửa, cảnh vật... tất cả đều tan hoang, xác xơ vì bom đạn, người dân thì tứ tán khắp nơi, rau liệt không ai chăm sóc, sống nhờ trời nên đã gần như mất giống. Lúc hòa bình, mọi người mới trở về gom nhặt lại từng cọng rau để gây dựng lại được như hôm nay.

Kể đến đây, Hải nói như một người sành các món ăn từ rau liệt. Loan biết không, rau liệt là một loài rau dễ ăn, nên các cách chế biến từ nấu, xào hay ăn sống... đều được, vì vậy ở đâu người ta cũng thích. Bây giờ, rau liệt không đơn thuần chỉ là thức ăn bình thường trong các gia đình, nhiều năm nay, nó đã có tên trong thực đơn ẩm thực của nhiều nhà hàng, khách sạn sang trọng. Có những món ăn như thịt bò chần rau liệt không chỉ là một món ăn khoái khẩu với người xứ sở quê hương mà còn hấp dẫn cả những “ông Tây bà đầm”. Món rau liệt xào thịt lợn, hay hấp với cá biển cũng là một món ăn ngon được nhiều người ưa thích. Rồi còn cả món rau liệt ăn sống với giá đỗ và các loại rau khác cũng không kém phần thú vị. Vừa nói, Hải vừa xuýt xoa có vẻ như đang thưởng thức những món ăn được chế biến từ rau liệt quê nhà. Còn tôi, nghe Hải nói, tự nhiên cũng thấy… thòm thèm.

Tôi đã vài lần theo chân các bạn cùng lớp về thăm quê Hải. Đó là vùng quê thanh bình. Đâu đâu cũng ngút ngàn màu xanh, nhưng cuốn hút, mê mẩn chúng tôi hơn cả vẫn là màu xanh từ cánh đồng rau liệt. Cánh đồng rau liệt quê Hải nằm giữa một thung lũng nhỏ hẹp, được bao bọc xung quanh bởi những quả đồi hình bát úp. Từ trong những quả đồi ấy là những khe nước men theo các vách đá âm thầm, rỉ rả chảy ra, quanh năm không ngừng nghỉ. Khi ra đến chân đồi thì nước chảy vào giếng cổ. Từ đây, nước lại theo những con mương tỏa đi khắp cánh đồng rau liệt. Không ở đâu nước lại trong và mát như ở đây. Những khe nước, giếng nước ấy có thể soi gương chải tóc, có thể tắm giặt quanh năm mà không bao giờ vơi cạn. Cánh đồng rau liệt là những thửa ruộng bậc thang, nơi hai bậc, nơi ba bậc và nơi nhiều nhất có thể lên tới năm, sáu bậc. Những thửa ruộng bậc thang ấy, dù ở bậc thấp nhất hay ở bậc cao nhất, thì ở đó lúc nào cũng tràn trề nước. Nước chỉ xâm xấp, chảy chầm chậm, chảy lững lờ, chảy như không chảy. Và đá. Đá ở đây được xếp thành bè thành khối, xếp thành bờ ruộng, xếp thành lối đi. Lại có những nơi đá nằm rải rác, nằm chồm hổm ngay giữa ruộng rau liệt, trông từ xa như có cả đàn voi, đàn trâu đang nằm nghỉ. Có lẽ, do những đặc điểm này về địa hình, thổ nhưỡng mà người dân chốn này từ xa xưa đã gây dựng được cho xứ sở làng quê mình một loài rau độc đáo, có một không hai.

Trong những tranh luận với tôi về quê nhà, bao giờ Hải cũng tỏ ra là người hăng hái, sành điệu, cố dành cho được phần hơn về quê mình. Lại còn có lúc ra vẻ “ta đây” theo kiểu trẻ con, quê mình là vậy đấy, nổi tiếng khắp huyện khắp tỉnh với loài rau đặc sản, chẳng nơi nào có được. Tôi thầm nghĩ, dẫu “khoe khoang” một cách đáng yêu, nhưng Hải nói rất thật lòng. Đúng là từ lâu, loài rau này đã nổi tiếng khắp nơi. Nếu không phải vậy thì tại sao, chỉ là ngọn rau dân dã mà vào vụ thu hoạch, là ngày ngày trên những chuyến xe ô tô, xe công nông, xe máy, và cả trên những đôi vai gồng gánh của các bà các chị lại chất đầy rau liệt, lũ lượt đổ về các chợ? Không chỉ các chợ trong tỉnh, rau liệt còn vào Nam, ra Bắc, đến với các tỉnh lân cận.

Khác với quê Hải, quê tôi là vùng đồng bằng, vì vậy người dân quê tôi sống nhờ vào việc cày cấy. Hạt lúa, củ khoai là sản phẩm chính của mọi gia đình. Nhờ có con sông đi qua địa bàn xã, lại là nơi có nhiều ao hồ, đầm bàu, nên hàng chục năm nay, người dân quê tôi có thêm một nghề phụ. Nói là nghề phụ nhưng thực ra đó là nghề truyền thống của người dân làng tôi. Ấy là nghề khai thác chắt chắt, gọi nôm na là nghề cào hến. Chắt chắt là tên gọi quen thuộc dùng để chỉ một loài hến có nhiều ở đây. Gọi thế cũng là để phân biệt chắt chắt với nhiều loại hến khác có kích cỡ lớn hơn. Chắt chắt là loài hến nhỏ nhất trong các loài hến. Cũng như ngọn rau liệt quê Hải, con chắt chắt ở làng tôi cũng từ lâu trở thành món ẩm thực dân dã của làng quê.

Ba tôi là người thành thạo nghề cào hến trong làng, vì từ khi còn trẻ, ông đã làm nghề này. Và cũng chính nhờ nghề cào hến mà ba tôi gặp mẹ tôi, rồi nên duyên vợ chồng. Ba tôi bảo, nghề khai thác hến là một nghề vất vả, cực nhọc, phải thức khuya dậy sớm theo từng con nước lên xuống. Nhưng dụng cụ để khai thác chúng lại đơn giản, rẻ tiền, ai cũng có thể tự mình làm được. Hến không phải nuôi, không phải chăm bẵm, mà nó sinh tồn, phát triển hoàn toàn tự nhiên. Ngay trong mùa đông tháng giá, loài hến đã sinh sôi, nảy nở. Chúng giấu mình trong cát rồi lớn dần lên cho tới khi mùa hè đến. Đó cũng là lúc người làng tôi rủ nhau đi cào hến. Đàn ông, phụ nữ, người lớn, trẻ con, ai cũng có thể làm được nghề này. Chỗ nào cạn thì người ta dùng rổ, chỗ nào sâu thì người ta dùng cào. Nhưng dùng cào phải sắm chiếc thuyền nhỏ bằng tre, hoặc bằng gỗ. Cào là để cào hến, xúc hến, và thuyền vừa là phương tiện đi lại, vừa là dụng cụ để đựng hến lúc đang ở dưới nước. Thường thì mỗi khi khai thác hến, mỗi thuyền phải có ít nhất hai người. Một người chèo thuyền và một người cào hến. Quanh năm, người dân quê tôi phải thức dậy khi bình minh chưa rạng và trở về nhà khi hoàng hôn đã buông xuống. Lam lũ, nhọc nhằn vậy, nhưng người dân luôn tự hào với nghề. Mỗi chiều, những chiếc thuyền chứa đầy hến lại trở về. Rồi hến được bán trong làng ngoài xã, theo những chuyến xe, những đôi vai đi đến những phiên chợ, làng xóm xa gần.

Cách chế biến hến cũng lắm công phu, tỉ mẩn với từng công đoạn. Việc này chỉ có phụ nữ mới có thể làm được. Người ta phải luộc, phải trơi, phải đãi, phải chắt để vỏ và nhân hến tách ra hai phần riêng biệt. Khi đã làm xong công đoạn này thì bắt tay vào chế biến các món ăn. Món ăn được chế biến từ hến cũng đa dạng lắm. Có thể nấu cháo, nấu canh, hay xào xáo tùy thích. Khoan khoái làm sao khi vào giữa những ngày hè oi bấc, sau một ngày làm việc vất vả, trải manh chiếu ra bờ tre đón ngọn gió nồm lồng lộng, cả nhà quây quần bên nồi canh hến, cạnh đấy là mấy đĩa hến xào rau lốt và xấp bánh tráng nướng giòn tan... Chao ôi, mới chỉ nhìn thôi đã thấy ứa nước miếng ra rồi. Ngày hè, ăn bữa cơm canh hến mát tận ruột gan. Rau gì nấu với hến cũng trở thành nồi canh ngon, bổ dưỡng. Hến nấu lên, nêm gia vị vào, trở thành loại nước xáo đặc biệt, ăn với bún, bánh ướt lại càng ngon. Ven đường quốc lộ, cạnh đường làng ở quê tôi, rất dễ bắt gặp những quán ăn bình dân với tấm biển đề hai chữ “Bún hến” để mời khách. Vào trong các nhà hàng, khách sạn, thực đơn bao giờ cũng có món hến xào ăn với bánh đa nướng. Bánh đa nướng bẻ nhỏ ra như lòng bàn tay, cho nhân hến đã xào kỹ với đủ loại gia vị vào giữa, kẹp lại, cắn từng miếng một, ai ăn một lần sẽ nhớ mãi.

Thuở bé, tôi và các bạn cùng làng thường bắt chước người lớn chơi trò nấu canh hến. Chả là, người đàn bà quê tôi ngày ấy thường vẫn nấu canh hến gánh đi bán rong khắp các làng quê trong huyện, có người còn đi xa, đến cả các huyện khác nữa. Canh hến được đựng trong thùng, ủ kín, nên đi cả buổi canh vẫn nóng như vừa bắc trên bếp ra. Người nhà quê, vào giữa buổi cày cấy, đang lúc đói bụng, nghe có tiếng rao “canh hến đây, ai mua canh hến nào!” là không thể nhịn nổi, là không thể không mua lấy tô canh hến, mang về ăn với cơm nguội. Canh hến nóng, phải ăn với cơm nguội mới đúng bài. Mùi vị rất đặc trưng của hến, cùng với hương thơm từ các loại rau, chút cay cay từ ớt, từ hạt hồ tiêu, cơm nguội chan canh hến, ăn tới đâu biết tới đó. Trò chơi của chúng tôi bắt chước người lớn đúng như những gì các mẹ, các chị làm. Chỉ khác là đôi thùng đựng canh hến chúng tôi làm bằng giấy. Đôi quang gióng làm bằng dây chuối và đòn gánh thì được làm từ một cành cây. Hơn chục đứa cả trai lẫn gái, đóng vai vừa là người bán, vừa là người mua. Chỉ khác là chúng tôi không rao như người lớn đi bán canh hến thật, mà chúng tôi rao có vần có điệu hẳn hoi. Vừa đi, chúng tôi vừa rao: “Con chi mà nhỏ nhỏ dưới sông. Để đàn bà đi bán, để đàn ông đi cào?”. Lập tức, một dàn đồng thanh đáp lại: “Chắt chắt một đọi hai hào. Cơm nguội trong chạn mua vào mà chan!”. Trò chơi được lặp đi lặp lại ngày này qua ngày khác, nhưng chẳng đứa nào thấy chán.

Hải nghe tôi kể cứ há hốc miệng ra nghe. Mỗi đứa đều có những kỷ niệm xưa về làng quê của mình. Hải nói say sưa về ngọn rau. Tôi lại đắm chìm cùng con ngao, con hến. Ước gì được sống lại cái thuở lên chín, lên mười. Chỉ với thời gian không quá dài ấy, nhưng mỗi làng quê đã có bao thay đổi. Tất cả giờ chỉ còn là hồi ức, là kỷ niệm mà thôi.

Sau khi học hết cấp ba, Hải thi vào Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Ra trường được bố trí công tác ở một tỉnh phía Bắc. Còn tôi, thi vào Trường Đại học Sư phạm, ra trường tôi dạy học, rồi lấy chồng ở một tỉnh lân cận. Mấy năm đầu chúng tôi còn giữ liên lạc, thỉnh thoảng thư từ, hỏi thăm nhau. Sau rồi cũng nhạt dần, chẳng đứa nào gửi thư cho nhau nữa. Tôi không biết gì về Hải. Chắc Hải cũng không biết gì về tôi. Coi như hai đứa “bặt vô âm tín”. Mấy lần về thăm quê, tôi có hỏi thăm tin tức về Hải, nhưng cũng không biết gì nhiều. Thời gian như ngọn gió, cứ dần trôi. Năm năm. Rồi mười năm trôi qua. Vô tình chúng tôi quên hẳn nhau. Chẳng ai nhớ đến ai nữa. Quên những năm đèn sách. Quên cả những câu chuyện về ngọn rau, con hến từng kể cho nhau nghe ngày nào.

Đầu năm rồi, đọc trên Cổng thông tin điện tử của huyện nhà, thấy Ủy ban nhân dân huyện đăng tin phát động cuộc thi viết bài về ẩm thực quê hương. Đối tượng dự thi là tất cả con em trong huyện, kể cả người đang ở xa. Thấy thể lệ cuộc thi đề tài có vẻ gợi mở, hấp dẫn, hợp với khả năng của mình, nên tôi viết bài tham gia dự thi ngay. Chẳng cần suy nghĩ nhiều, tôi lấy ngay đề tài về con hến ở quê tôi để viết bài dự thi. Lúc ở nhà gần gũi, hình ảnh về con hến có vẻ như nhàm chán, nhạt nhẽo. Nay đi xa, con hến vụt trở nên sinh động trong tôi. Bóng dáng các bà, các cô ngày ngày dầm mình trên sông nước khai thác hến cũng hiện ra trước mắt tôi đầy thân thương. Rồi những tô canh hến, cháo hến, bún hến, bánh đa kẹp nhân hến, với hương vị thơm ngon, ngọt ngào… như ước mong của cô Tấm, cũng hiện ra đầy hấp dẫn. Tôi viết rất nhanh bài dự thi. Hình như tôi không phải suy nghĩ gì nhiều. Mạch cảm xúc cứ vậy tuôn trào theo nét chữ. Tôi đã gửi vào bài viết không chỉ bằng tình thương nỗi nhớ quê hương, mà còn gửi vào đó cả tấm lòng dành cho hương vị ẩm thực quê nhà. Xong, tôi gửi bài đến Ban Tổ chức cuộc thi và nóng lòng chờ đợi.

Cuối năm đó, tôi nhận được giấy mời của Ban Tổ chức cuộc thi, mời tôi đến nhận giải. Tại buổi tổng kết và trao giải, tôi gặp hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Ấy là tôi gặp lại Hải sau hơn mười năm xa cách. Hải cũng là một trong những người tham gia cuộc thi và cùng đạt giải như tôi. Quả là điều bất ngờ nhưng hết sức thú vị. Trông Hải bây giờ khác hẳn so với ngày xưa. Hải có vẻ là người từng trải với làn da dạn dày sương gió của một cán bộ địa chất trèo đèo lội suối, tìm kiếm, khai thác quặng. Chỉ có ánh mắt và giọng nói là vẫn như xưa. Chúng tôi gặp lại nhau theo cách thật bất ngờ. Hải nói rằng, khi nhận được thông tin về cuộc thi, Hải đã không thể không viết bài tham gia. Cũng như tôi, Hải không phải đắn đo nhiều khi phải tìm đề tài để viết. Bởi, quê hương nguồn cội cùng ngọn rau liệt lúc nào cũng tha thiết trong lòng. Đặt bút xuống là Hải viết liền một mạch, cảm thấy háo hức khi biết rằng mình đang làm một việc nhỏ có ích cho quê hương. Khi Ban Tổ chức công bố các bài viết đạt giải, cả tôi và Hải cùng lặng đi, đưa mắt nhìn nhau. Bài “Hến làng Mai - ẩm thực quê nhà” của tôi, và bài “Có một làng rau đặc sản” của Hải, được Ban Tổ chức đánh giá cao và cùng được trao giải Nhì cuộc thi viết bài về ẩm thực quê nhà.

Cuộc hội ngộ nào rồi cũng đến lúc phải chia tay. Người nào trở về với công việc của người ấy. Tiếc rằng tôi và Hải đã không gặp nhau từ mấy ngày trước, khi cả hai cùng ghé về thăm quê, mà không ai biết. Nhưng như vậy cũng đã đủ. Điều còn lại trong mỗi người là những năm tháng tuổi thơ đã cùng sống, cùng học ngay chính trên quê hương mình, cùng yêu hạt lúa, củ khoai, ngọn rau, con hến… do người nông dân quê mình lam lũ làm nên. Mai này, cuộc sống dù có thế nào đi chăng nữa, thì trong lòng mỗi người vẫn vẹn nguyên tình yêu ấy muôn thuở. Chúng tôi chia tay nhau trong niềm hy vọng, rằng từ cuộc thi này, bài viết của chúng tôi về con hến, ngọn rau quê nhà sẽ được người trong huyện, trong tỉnh biết đến nhiều hơn. Phải vậy không Hải?

NGUYỄN NGỌC CHIẾN

Mới nhất

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Trăng biên giới; Có một nơi xa nào

23/12/2024 lúc 16:54

Trăng biên giới Ánh trăng là ánh đènĐêm tuần tra biên giớiBước chân không biết mỏiTrăng làm bạn thân quen Trăng lên cao dốc đứngNhìn rõ những

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/12

25° - 27°

Mưa

28/12

24° - 26°

Mưa

29/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground