Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Điều sau 25 năm mới kể


1

Nếu một đời người là “bách niên”, cứ một trăm năm thì một phần nửa là năm mươi năm, một phần tư là hai lăm năm. Trời đất sinh ra những con số niên hạn thật lạ và dễ sợ. Những cột năm ấy, ta khóc, cười và giật mình, không phải chuyện nào cũng le te kể ngay. Tùy độ trọng, có cái sau một trăm năm. Tức là chết rồi mới kể. Có cái phải đợi con số ấy nứt đôi ra, tức năm mươi năm. Có cái nhỏ nhoi hơn, chừng sau hai lăm năm. Những chuyện tôi sắp kể ra đây chỉ thuộc loại đó, kể sau một phần tư thế kỷ.

Có những điều, những người, những vùng đất ta yêu mà không làm cách nào để trả ơn. Như tôi và vùng đất đỏ Q.T ấy (viết tắt như một mật danh) lại có cách trả ơn chẳng đâu vào đâu. Như vay toàn tiền mới, lành, lại trả toàn tiền nhỏ, rách. Nhưng như thế cũng được, miễn là đừng vô ơn. Chẳng thể nào chấp nhận sự vô ơn. Chẳng một ai chấp nhận sự vô ơn. Tôi chắc rằng sau này rôbốt (tức người máy) cũng không chấp nhận điều đó.


Minh họa của Đặng Hồng Quân
 2

Tôi theo chân anh bạn Thép vào chiến trường. Thép là lính, làm báo tốt. Trước vệt B52 chúng tôi chui vào hầm. Khét lẹt. Con sông gần kia ục lên một tiếng như vỡ tung, như bọc trứng khổng lồ của bà Âu Cơ vỡ ra. Tôi nói ngây thơ. Thép cười. Thép đưa bọc bánh, gói vuông vức bốn góc bằng loại giấy gói thuốc Bắc. Sợi dây len đỏ buộc rất điệu. Nhìn sợi dây, biết là của người yêu. Bấy giờ ai vào chiến trường cũng mang theo một kỷ vật của người yêu, lớn hoặc nhỏ, xem như cái bùa hộ mệnh. Lính Mỹ có lá bùa kiểu Mỹ. Chiến sỹ Việt Nam có lá bùa của Việt Nam. Bùa bằng tâm linh, khó biết được.

Tôi theo dấu chân của Thép, như một người tập đi. Thép bận áo lính, đeo xà cột để giấy bút, khẩu súng lục trễ bên hông. Thép tốt. Bước chân của Thép ngay thẳng. Con người hồi ấy không hề lừa nhau. Giá như lúc ấy dấu chân của Thép đánh lừa tôi. Những khẩu pháo nòng dài ngoẵng chĩa cả vào phía trong. Chúng trầm tư, đầy sức lực. Một loạt gầm của pháo. Tôi đang đi men đường giật mình sợ quá, người hất tung lên rồi rơi xuống như một chú nhái bén…

Ngoài cát trắng, đất này còn có hồ tiêu. Cái hương lạ nhất của chiến tranh, theo tôi là hồ tiêu bị cháy. Hương nó đã cay nồng, một vị cay riêng, đến khi nó cháy thì ôi thôi, gần như đến cát cũng phải chảy nước mắt. Tôi cho rằng những người nghiên cứu và viết về chiến tranh ở Việt Nam nên tưởng tượng cái mùi hồ tiêu bị bom thiêu cháy. Chưa hiểu, là chưa hiểu mấy về chiến tranh.

Những người con gái từ đâu chạy đến đỡ tôi dậy: “Eng, có làm sao không?”. Tiếng đẹp như tiếng chim khuyên. Tôi tái xanh mặt mũi, ngượng. Họ hiểu. Trong chiến tranh, người ta rất tinh ý trước động tác ngã xuống. Bị bom, bị đạn ngã xuống thì khác. Sợ quá, ngã gục xuống thì lại khác. Cười. Nét cười của các cô gái tinh nghịch và lạ làm sao, như nói: “Ê, cái anh lính cậu kia”. Vừa ranh mãnh, vừa dễ thương, như một buồng cau non. Điều thứ hai, nên nghiên cứu về chiến tranh ở Việt Nam. Đó là nụ cười của các cô gái trong chiến tranh.

Tôi đang choáng. Dù sao cũng phải cõng. Em tên là Huyên. Cánh áo gụ bó sát người. Ngực vồng cao. Quai súng đeo chéo, càng làm căng lên. Tôi tỉnh dần ra. Huyên đẹp quá. Thú thực, lần đầu tiên tôi gặp một người con gái như thế. Huyên ơi, eng cám ơn út Huyên nhiều lắm. Gương mặt trái xoan, rất trẻ. Trẻ thế mà tóc đã búi tròn sau gáy. Gợi sự thương cực độ. Tôi tỉnh rồi mê, “Út ơi, sao Út rứa mà lại búi tóc như bà già”. “Tóc Út dài quá, mà eng”. Tóc dài, chỉ việc quấn vào súng, hoặc tự giẫm lên khi tiếp đạn, hoặc quay máy bay B52… cũng đủ chết rồi. Theo tôi, đây là vẻ đẹp sâu thẳm của một cuộc chiến tranh.

Có hơi con gái, tôi tỉnh hẳn. Áo Huyên ướt đẫm mồ hôi, ướt hơn cả nhúng nước. Cái xu chiêng trắng cũng ướt đẫm, phô hết màu trắng ra. Tôi gục đầu vào đó, như gục đầu vào cái nền trắng của bệnh viện. Ngực Huyên tỏa ra hơi ấm nóng kỳ diệu. Đó là hơi ấm để cứu người. Nhất là thần kinh. Giá cuộc sống hiện đại sau này có những làn hơi ấm phả ra như thế. Hết chiến tranh là hết chăng. Tiếc vô chừng.

Tối đó Huyên bị trúng B52. Em nằm khuất trên xe cứu thương. Chiếc xe màu cỏ úa. Tôi chạy đến, chỉ kịp níu lấy xe. Xe vù đi. Cũng ngay tối ấy, Huyên chết.

Bạn Thép của tôi yêu và lấy một nữ họa sĩ tên là Thanh, người đã trao gói bánh và buộc sợi dây len đỏ. Thanh không đẹp, thấp như chiếc nấm, nhưng tốt. Họ sinh được hai người con trai. Thép tốt. Thanh tốt. Vậy mà về sau họ bỏ nhau. Hình như số người tốt mà bỏ nhau cũng khá nhiều. Có thể tình yêu sống dai nhờ cái xấu và chết ngay vì cái tốt.

3

Tôi đi vào chủ đề câu chuyện. Và từ phần này tôi không đả động gì đến chiến tranh, bom đạn nữa. Đúng hơn, tôi viết về một loại bom đạn khác, sát thương mạnh, lạ hơn. Bom đạn trong nhân tính của con người.

Tôi đặt ba lô đầy bụi cỏ, mắt nhìn những cái hầm kèo ngây thơ, ngơ ngác. Người ta đã bảo: “Họp”. Sau chiến tranh là họp. Khuất sau những mái nhà lá kín đáo là những khung hầm chữ A. Từ cửa những hầm chữ A, dẫn vào ngách các địa đạo: địa đạo có hình chữ gì thì đến trời cũng khó biết được.

Nhìn sâu vào, trong hầm chữ A lớn có ngọn đuốc lồ ô. Đó là đèn, khói cay xè. Tầng đầu của địa đạo là hai cây tre bắc dọc hai bên. Đó là ghế họp. Tối nay họp kiểm điểm quan hệ bất chính của anh Rệ và chị Bương. Địa đạo tối quá, người ta cắm dãy hương để chủ khách biết đường mà tìm chỗ ngồi.

Vùng đất khốc liệt này là một khu. Anh Rệ là bí thư Đoàn. Chị Bương là phó. Cặp này quan hệ trai gái bất chính dưới địa đạo. Bị truất quyền. Giờ cặp mới lên thay là anh Lịch và chị Tại.

Đó là hai cặp đối nghịch. Rệ gầy tọp, duy đôi mắt sáng. Bương mặt hồng, tóc dài, có đôi gò má cao. Bí thư mới là Lịch thì trẻ, mới từ xã cất lên, người to cao, mát mẻ, đầu húi cua. Cái mới bao giờ cũng nghiêm chỉnh. Tại thì lại gầy quắt, tóc mềm, duy đôi mắt thì hiền và sáng. Cuộc họp tối, đã kéo sang ngày thứ ba, có cấp trên đến dự. Khách trung ương là tôi, như vai dự thính, quan sát viên.

Rệ quê ở xã điểm T. lấy vợ sớm, đã có bốn con. Bương chưa con, chồng bộ đội, tận chiến trường xa nữa. Rệ làm bí thư đã lâu. Đó là một bí thư trụ được trong chiến tranh. Bương cũng vậy. Trong bóng đuốc lồ ô cay xè (vì sợ địch phát hiện), mảnh dù che kín lối vào, bí thư mới là Lịch còn nhanh nhảu bảo Tại, mỗi người một bên, chặn hai ca tút đạn trên hai mép mảnh dù cho chắc. Cuộc họp bắt đầu. Như điểm danh. “Eng Rệ có mặt chưa?”. “Báo cáo: có”. “Chị Bương?”. “Báo cáo: có”. Không dùng từ đồng chí nữa.

Giọng cấp trên gắt: “Các đồng chí, chương trình kiểm điểm hai anh chị Rệ và Bương tiếp tục. Dù chiến trường khẩn trương, nhưng đây là vấn đề phẩm chất đạo đức cách mạng, phải làm cho ra nhẽ. Tiếp tục đọc bản kiểm điểm mới. Sau khi tập thể đã phân tích tối qua…” Tiếng im thít, không nghe cả tiếng mọt gặm trong hầm tre chữ A, sự im lặng kỳ lạ trong chiến tranh. Rệ đọc trước, giọng khô đặc, trong tiếng ho húng hắng. Tôi nhìn qua ánh đèn lồ ô, nghĩ lung tung. Nghĩ như một nhà tâm lý học trẻ tuổi. Tình yêu là gì mà nó kỳ lạ vậy. Tình dục là gì mà nó kỳ lạ vậy. Bom đạn ác liệt đến thế. Trong khi anh chàng Rệ thân tàn ma dại, đã bốn con, người lại như khỉ. Vậy mà Rệ đã không gìn giữ được chức bí thư và con đường danh vọng của mình. Rệ chủ động làm tình với Bương nhiều lần, ngay dưới địa đạo.

Có tiếng khóc tức tưởi. Đó là Bương. Tôi hiểu tiếng khóc ấy. Mấy lần Bương kho nồi cá biển rất ngon cho tôi ăn, tôi hiểu. Cấp trên: “Đừng khóc. Phải hổ thẹn với xương máu của đồng đội mình”. Một loạt pháo địch bắn sang gầm trên hầm, át tiếng khóc đi. Trong cái không may, có cái may. Con quỷ tình dục vốn thù oán con đường danh vọng, Rệ và Bương đã không hay biết điều ấy.

Đến lượt chánh án phiên tòa kín, tức cặp lãnh đạo mới: hai đồng chí Lịch (bí thư) và Tại (phó) phát biểu ý kiến. Lịch cao lớn, đứng thẳng dậy. Anh cao giọng nói về phẩm chất, về kỷ luật, về vai trò đầu tầu gương mẫu. Anh quy hết tội nặng. Tại cũng đứng dậy, bổ sung về phẩm chất của người phụ nữ mới. Giọng họ sang sảng.
Tôi bần thần, chỉ nghĩ đến những cảnh ngộ chiến tranh. Chồng xa vợ, vợ xa chồng, cái chết gần kề, cơ quan sơ tán cả, chỉ có lãnh đạo ở lại với nhau. Gió nam thoảng gợi. Hầm chữ A và địa đạo vắng tanh. Hai người ở với nhau hàng tháng như vậy. Đó là hai người đàn ông và đàn bà. Một lần nữa, cả Mỹ và Việt Nam, nên nghiên cứu về chiến tranh ở góc độ hiểm hóc này. Đó là thứ siêu bom đạn, có sức tàn phá mạnh hơn bom đạn.

4

Tôi đi sâu vào ở với lính hàng tháng trời trong lèn đá sâu Trường Sơn. Buồn cười, nơi đây cũng có đủ loại hang, cả hang Trinh Nữ. Lính còn đặt thêm các hang khác bằng cách của lính: hang Tử Thần, hang Phong Lan, hang Phong Thư. Tử Thần là bom đạn dội suốt ngày. Phong Lan là nhiều phong lan rừng. Cái hang Phong Thư thì tuyệt, chỉ có lính Trường Sơn mới nghĩ ra cái tên ấy. Lính tìm lên đấy, đọc thư nhà cho nhau nghe và viết thư đi. “Mẹ của chúng con. Chúng con chỉ là một bầy con trai của mẹ. Ở đây, không có một bóng người tóc dài nào, mẹ ạ”. Những dòng chữ ngây thơ, trong suốt, đọc đến chảy nước mắt. Cả Mỹ và Việt Nam hãy nghiên cứu thêm một điều về chiến tranh. Đúng hơn là về đàn ông. Đúng nữa, về con người. Hàng trăm hàng nghìn người trai mới lớn ở với nhau, nhưng họ trong sáng làm sao. Họ có khát bóng dáng đàn bà, dù chỉ là một dấu chân, một suối tóc. Ở đó, người ta có thể dựng tượng đài cao trên núi, với một dòng chữ bình thường: tượng cô gái. Vậy thôi. Như thế chứng tỏ họ là những con người với sinh lý bình thường, không hóa đá. Nhưng lạ. Trong khi đâu đó bây giờ nhan nhản đồng tính luyến ái, họ không hề, khi tắm kỳ cọ cho nhau, thậm chí khi liệm thi thể bạn… Chỉ là cái hơi dương thịnh ấm áp, hòa quyện, ma lực, mạnh hơn núi đá. Chỗ này là điểm cực sáng của người đàn ông.

Một buổi, trên lối mòn thoải xuống núi, hai bên là vực thẳm hố bom, có một người đeo túi dết đen, hai mặt tái xanh, leo đá như một chú khỉ điên. Tưởng chuyện gì, khi gặp tôi, nhận ra người quen trong cuộc họp dưới ánh đèn lồ ô đêm ấy, người ấy tái mặt, nói: “Eng, đồng chí ơi. Cái đôi Lịch và Tại lại bị rồi”. Tôi nghĩ: họ bị trúng bom.

Sau một thời gian dài đối mặt với bom đạn, tôi trở ra. Mừng là còn sống để trở về với những căn hầm chữ A quen thuộc. Đợt hầm cũ đã dỡ tung. B.52 hủy diệt tất cả. Cơ quan chuyển vào sâu. Một cái bóng thấy tôi, chạy vút qua: bí thư Lịch. Lịch xanh quá. Lưng còng hẳn xuống. Tối nay lại có cuộc họp để kiểm điểm về tội quan hệ bất chính của Lịch và Tại. Tội danh hệt như Rệ và Bương. Hành trạng cũng y chang như vậy. Không thể nói vì đất nghịch. Bom đã xới tung đất, chẳng còn gì, thậm chí hồn đất cũng đã bay về với xứ Trời, chỉ có người. Cái gì muôn thuở, không gì xóa được. Có người chạy đến: “Hay quá, đồng chí vừa ra, mời đồng chí tối nay dự họp, kiểm điểm Lịch và Tại. Hệt như Rệ và Bương dạo ấy, cũng diễn ra trong cái địa đạo ấy”. Anh này thao thao, tỉnh khô. Thật lạ, thế mà bị chạm, bèn nói: “Cảm ơn. Tối nay tôi bận”.


Minh họa của Đặng Hồng Quân
5

Thú thực là tối nay tôi trốn, định viết một lá thư khẩn cho đồng chí tổng biên tập của báo. Việc của một phóng viên chiến tranh là như vậy. Khi nào có việc gì khẩn quá thì viết bài khẩn. Điện tín hoặc gửi ra bằng công văn.

Tôi cứ cho việc này cũng là khẩn, không phải là một vụ đẫm máu, chết hàng trăm người, không phải là một chiến công lẫy lừng. Đây chỉ là một việc thầm lặng, nhưng khẩn.

Tôi định kể hết về nhân sự ở đây cho đồng chí tổng biên tập biết, hoàn toàn không dám coi là một bài đăng báo. Chỉ là một báo cáo mật rằng: “Báo cáo anh, khi em vừa mới vào đến chiến trường, vừa đặt ba lô xuống là được mời ngay xuống họp kín dưới địa đạo. Anh chưa biết địa đạo là thế nào, em xin báo cáo sau. Họp kiểm điểm bí thư đoàn Rệ và phó bí thư Bương phạm tội quan hệ nam nữ nhiều lần, phạm kỷ luật chiến trường và đạo đức mới. Em nghĩ không cần báo cáo tỉ mỉ với anh về hành vi cụ thể của họ. Điều đáng kể, sau dăm tháng ở chiến trường ra, bí thư và phó bí thư mới là Lịch và Tại lại phạm tội như Rệ và Bương, quan hệ bất chính. Phạm y hệt như vậy. Thưa anh, thú thật em có hoang mang. Mấy tháng trước mới cao giọng xét xử người khác, thì sau đó lại phạm đúng tội ấy. Như thước phim con heo (cách nói của lính địch), quay lại. Thưa anh, báo cáo thật, tối nay em trốn, viết thư gửi anh, không muốn dự những cuộc họp như vậy…”.

Dăm hôm sau tôi nhận được thư, ngang bức điện tín:

“Hãy tin tưởng vào cấp trên, tin vào sự sáng suốt của tổ chức. Đừng hoang mang. Cái chính là rèn luyện, rèn luyện không ngừng, từ những hành vi nhỏ nhất của con người mới xã hội chủ nghĩa. Tôi nhắc: hành vi nhỏ nhất. Chào thân ái và quyết thắng”.

6

Đêm qua tôi nằm mơ thấy Anhxtanh. Định viết truyện này thì nằm mơ. Chẳng hiểu sao cả. Bởi chính Anhxtanh, nhà vật lý của sự tương đối, có lần đã nói: “Tôi truy tìm sự đối nghịch tuyệt đối trong hành vi của con người, như người thợ săn truy tìm con thú lạ trong rừng sâu”. Hóa ra là như vậy. Sự đối nghịch tuyệt đối của con người. Từ chiến trường ra, sau những lần ấy, tôi bị chứng sỏi thận. Sỏi choán hết cả bể thận. Quả thận của người ta thật lạ, như cánh hoa, lại là hai cánh. Có lẽ vì vậy con người ta mới có hiện tượng tình dục kỳ lạ, vượt lên tất cả, như bí thư Rệ nọ. Thân tàn mà dại, bom đạn đầy trời. Bất chấp.

Không nhắc lại truyện ngắn gần đây tôi đã viết. Tức truyện Những chuyện chép ở bệnh viện, kể chuyện chị gái tôi lâm phải bệnh hiểm nghèo, đúng vào tuổi năm ba. Chị ấy tốt, nhưng có thể hồi trẻ chị ấy quan niệm cái gì cũng xảy ra dứt khoát như trong chiến tranh. Bom là nổ. Nổ là chết. Chết là hết mọi chuyện. Ai cũng vậy. Mẹ tôi không như vậy. Đêm tôi mổ nhiễm trùng máu tưởng chết, mẹ tôi gào to trước bệnh viện. Không một phút mẹ tôi rời tôi. Chị tôi thì khác, không phải là không thương tôi, nhưng chị quan niệm khác mẹ. Chị cho rằng mẹ tôi làm như vậy là không cần thiết. Chị nói: “Về nhà ngủ. Đã có bác sĩ, y tá trực”. Mẹ nói: “Phải thức bên em”. Mọi việc khác cũng vậy. Trong cơn đau, tôi nắm chặt lấy bàn tay khô gầy của mẹ. Cũng như ngày qua đời, mẹ níu chặt lấy bàn tay tôi. Cuộc sống là như vậy. Chỉ có ai qua nỗi đau dạng đó mới hiểu. Bây giờ chị tôi bước vào tuổi già, bị bệnh hiểm nghèo. Thật thương chị. Tôi đã đi với chị hầu khắp các viện. Kể cả hầm sâu chạy xạ ung thư dưới mặt đất. Chị muốn bao giờ chồng con và người thân cũng ở sát bên chị. Cơn đau của chị tôi lớn quá. Trong khi tôi lại nghĩ là chị đã bước vào nỗi đau để hiểu cái đau của thằng em, của những người khác. Cái biểu trưng của con người, nói đến tận cùng là như vậy.

7

Có lần tôi trách chị tôi với mẹ. Bấy giờ mẹ tôi đã yếu, người nằm trên giường. Ý tôi nói: “Mẹ ạ, chị ít thông cảm với nỗi đau của người khác quá”. Tức là ý tôi muốn nói những lúc như thế này mà không có chị tôi ở bên cạnh mẹ. Mẹ tôi thều thào: “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính, con ạ. Đừng trách chị. Con người ta không ai nắm tay được tối ngày. Con phải thương lấy chị. Đừng trách cứ những việc như vậy. Có trách, có gào lên, cũng chỉ nhọc mình, chẳng giải quyết được gì đâu. Bởi vì con người ta không phải ai cũng có cơn đau như nhau. Có người đau vào đầu cuộc đời, có người lại đau vào cuối. Chị em, anh em là khúc ruột, lệch nhau đi cũng là chuyện thường. Con nhớ thương lấy chị như mẹ con ta trong cơn đau đã từng có nhau”. Mẹ nói toàn những thành ngữ, ngạn ngữ. Tôi rơm rớm nước mắt. Có thể mẹ cũng như Anhxtanh vậy.

8

Tổng biên tập dạo ấy của tôi bây giờ đã hưu, chỉ làm hợp đồng để sống. Thế là hết cái thời bản tin loại, tin, điện khẩn từ khắp nơi gửi về. Đương nhiên, ai cũng chỉ có một thời. Sông có khúc, người có lúc. Bây giờ ông ta chỉ là một người kiếm sống. Tôi nhớ lời mẹ nói về người chị, khi tôi nhìn vào ông ta khi nhìn vào cuộc đời của một quan chức. Phải chăng là đừng trách cứ, đừng oán hận, cừu thù. Tôi tưởng tượng ông ta như một cơ thể tiều tụy hiện lên giữa những con người như Rệ, Bương, Lịch, Tại… những bí thư và phó bí thư của một vùng khói lửa dạo nào. Trước đây ông ta oai vệ, sẵn sàng kỷ luật những ai trong giờ hành chính ngồi trò chuyện ở phòng thường trực. Bây giờ có khi ông ta ở phòng thường trực suốt ngày cười nói, cử chỉ vô bổ, vô hồn. Tôi còn giữ lại được mẩu giấy dạo nào ông ta gửi cho tôi: “Hãy chú ý những hành vi nhỏ nhất. Chào thân ái và quyết thắng” định có lúc nào tặng lại ông, ngay phòng thường trực, cho vui. Nhưng nghĩ làm thế nó tiểu nhân, lại thôi. Giữ nó làm kỷ niệm, như một kỷ niệm thật nhỏ của một cuộc chiến tranh lớn.

Bom rơi và máu chảy là khủng khiếp nhưng cũng còn những thứ ghê gớm hơn. Hãy cùng nhau đi tìm ra những đối nghịch ghê gớm trong con người. Nó như trái bom ủ kín chưa một ai tìm ra. Có tìm ra, con người ta mới gần nhau một cách thực sự. Các bạn Mỹ và các nước văn minh siêu cường hãy đến đây, đến một xứ sở của những đối nghịch ghê gớm. Điều này có thể Anhxtanh và mẹ tôi nói đúng…

9

Tính thời gian cuộc chiến, đến nay không chỉ 25 năm, mà là 35, 45 năm rồi. Mấy lần chỉnh lại truyện ngắn này, tôi định không giữ nguyên 25 năm, mà đẩy lên đúng theo tuần tự thời gian ta sống. Nhưng chẳng hiểu sao, chẳng lần nào tôi chỉnh sửa được. Có những con số, những tháng năm không chỉnh sửa được. Cả tâm linh và duy vật. Nó cứ đứng nguyên.

Con số 9 mới thêm vào đây, của thời kinh tế thị trường. Chắc là con số kết đẹp. Tôi nghĩ như vậy. Như vàng số 9.

Nhiều người đọc truyện đều hỏi: sau ngày ấy anh có lần nào trở lại vùng chiến trường xưa khói lửa không? Các nhân vật truyện của anh, nơi vùng mặt trận ấy, tại tòa soạn báo của anh, và ngay trong gia đình anh, bây giờ số phận họ thế nào rồi? Vâng, tôi có trở lại chiến trường xưa vài lần. Các nhân vật kẻ mất người còn, phần nhiều là tuổi già, bệnh tật, đã qua đời. Mới hay dù bom đạn mấy, nhân tình thế thái khắc nghiệt mấy, thì rồi cuối cùng con người ta cũng được trở về kiếp thảo dân, sống cuộc sống đời thường, rất đời thường. Cái kết là như vậy.

Những nhân vật kiên trung bám trụ cuộc chiến như Rệ như Bương, như Lịch như Tại… Cả những mâu thuẫn trớ trêu trong phẩm hạnh của họ, như những gì xảy ra dưới những căn hầm chữ A hoặc địa đạo dài thăm thẳm… Những nhân vật nơi tôi xuất phát ra đi, tòa soạn báo, bệnh viện, gia đình… Cả những mâu thuẫn trớ trêu trong phẩm hạnh của họ, như những gì xảy ra trên trang giấy, dưới ánh điện sáng trưng. Cuối cùng, như đã nói trên, người chức người quyền, người già người bệnh, đến lượt thì ra đi, có người chẳng sám hối, chẳng thanh minh gì. Mang cả “gói mâu thuẫn người” sang kiếp khác.

Lứa sau lớn lên, lại Rệ lại Bương lại những tổng biên tập mới, ký giả mới, bác sĩ mới… Họ lại giẫm chân lên dấu chân người đi trước. Lại những lời răn dạy đá nhau, những cuộc họp kín hở đá nhau. Để cuối cùng trở lại cái bình thường, cái kết cục bình thường…

Mới thấm cái câu cổ nhân: giang sơn dễ đổi, bản tình khó dời.

Bỗng muốn ngâm lên câu ấy, như một câu thơ…

(Bản này in lại trên Báo Đại biểu nhân dân năm 2014)

Phan Cung Việt
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 4 tháng 01/1995

Mới nhất

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Trăng biên giới; Có một nơi xa nào

23/12/2024 lúc 16:54

Trăng biên giới Ánh trăng là ánh đènĐêm tuần tra biên giớiBước chân không biết mỏiTrăng làm bạn thân quen Trăng lên cao dốc đứngNhìn rõ những

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/12

25° - 27°

Mưa

28/12

24° - 26°

Mưa

29/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground