Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 21/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đoản khúc cho vùng cát

T

ôi sinh ra từ một vùng cát, khi nói đến cát dễ khiến người ta nghĩ đến một vùng nắng gió dãi dầu, con người trần lưng khổ ải. mà quả thiệt, mới bảnh mắt đã thấy cát đến khi nằm xuống sau một ngày lại ở bên cát. Cát với người, người với cát, hai trong một bấu víu chẳng rời. Triền dốc nào không in bóng người và bóng người ở  trên bóng cát. Cát chập chùng, cát lô nhô hết quãng này đến đồi nọ, hết làng này sang làng kia bao bọc trong cát. Theo lời nội khi còn sống thường kể, nơi này trước kia là rừng, có muôn thú từ rắn rít đến cọp beo, vùng đất Hoành Lâm hay rừng Ngang xanh thẳm bóng cây lâu dần bị sa mạc hóa tạo nên từng ốc đảo là làng bây giờ. Dòng sông năm xưa với nhiều nhánh rẽ giờ là con lạch bầu Hạ vắt ngang nước trôi như cọng chỉ ngoằn ngoèo, nóng đến tê dại vào hè, sùng sục ầm ào thoáng chốc vào mùa lũ với không gian cát. Xa thật xa là biển và gần thật gần là đồng, ruộng lúa toàn phèn ăn nước trời mỗi năm một vụ còn lại dành cho cát trôi cát phủ với cỏ úa lưa thưa cằn cỗi, con cua con rạm nhỏ như ngón tay trỏ nhưng chiếc mai thì dày cộp vùi mình trong cát. Dân ở đây thuộc dạng bám đất chịu đựng như chấp nhận mảnh đất mình được sinh ra, đói no là lẽ thường tình.

Còn việc má tôi lấy chồng, gái ruộng về đồng cát cũng thiệt hy hữu. má biết cha trong chuyến cùng chị em xuống xóm biển mua cá về làng bán. Lúc vượt cồn cát cao ngút, đôi quang gánh bung néo vung vãi cá chuồn, cá ồ, cá nục xanh lấp loáng. Má ngồi khóc trên vùng đất lạ thì cha xuất hiện, cây tre đực vàng óng dùng neo thuyền vào bãi thành đòn gánh khiêng cá trên vai hai người băng băng vượt trảng lên đồng. Đến đường cái quan dọc kênh nước để sang làng, má chưa kịp nói lời cảm ơn thì cha đã quay người về vùng cát. Đợt sau, nơi bến cá, má dáo dác kiếm tìm con người có nước da rám nắng, vồng ngực vun nở lấm tấm cát, nụ cười nửa miệng vừa bẽn lẽn vừa phớt đời nhưng không gặp. Vài ngày sau trong lối ngõ hun hút tre xanh, có tiếng rao cá lanh lảnh và tiếng cười đùa của các bạn gái cùng xóm. Tò mò, má nhìn qua hàng râm bụt để nhận lấy bất ngờ, chàng trai là cha tôi sau này đang đi bán dạo cá ồ trụng nước sôi ngâm muối, bóc mang, xẻ lườn thuộc món ăn ưa thích của xứ đồng xa biển gần nửa ngày đường. Đàn ông xứ biển, sau những ngày bôn ba trên sóng nước, được lên bờ là nghỉ ngơi ăn nhậu lấy sức cho chuyến kế tiếp, việc khác chỉ để đàn bà. Đằng này...? Sau này, má kể, cha người gốc ruộng nên lúc nông nhàn, cha theo bạn đi biển kiếm tiền phụ giúp gia đình. Còn cha, khi gặp má, ông yêu liền, tắp lự như gió cát cuộn tròn. Ông thường kể, má tôi là cô gái quê xứ ruộng vóc người thon thả, mắt đen ngơ ngác dưới vành nón lá khi lựa chọn mớ cá giã cào trên thuyền vừa cập bến và thắt cả ruột khi thấy cô ngồi khóc trên triền dốc chang nắng. Sau chuyến đi biển về, ông làm người bán cá để về làng cô gái ấy. Năm sau, má theo cha về vùng cát. Đoàn đưa dâu rồng rắn đến đường cái quan nhìn sang từng trảng cát nhấp nhô trong nắng, mọi người liền tụt dép, tháo giày, quàng khăn thay nhau cõng qua các triền dốc đứng. Còn cha cõng má băng băng dưới nắng chạy tắt về làng kịp gọi mọi người tiếp ứng bằng võng, bằng nước, bằng trầu cau ở nửa chặng đường nghỉ chân lấy hơi mà đi tiếp.

Ngày tôi lê la vọc cát trên sân và mắt ngóng má tận phía đồng xa, dõi cha từ hướng biển thì ngoại đến thăm. Tay vừa giở nón, tay đặt thúng gạo ra thềm vội ôm tôi mà than trời trách đất “Đất và cát khác nhau lắm, sẽ khổ mãi cháu ơi!”. Lại ca cẩm “Sao cứ đùm túm nhau nơi không phải để sống, không dắt nhau về ngoại cho đỡ khổ”. Và sau này, tôi mới biết vì sao má đã sống hết mình, đổ đến giọt mồ hôi lẫn dòng nước mắt cuối cùng nơi vùng đất này, đến hết quãng đời còn lại khi tôi ra đi.

Tôi đã lớn dần trong thời chiến tranh, vùng đất trở thành lằn ranh giao tranh vì chỉ toàn là cát. Đêm đêm cha mở đài nghe cải lương, ông vặn thật nhỏ tiếng trong những trái hỏa châu bắn lên bầu trời tỏa màu vàng nhạt “Từ là từ phu tướng... báo kiếm báo kiếm sắc phong đường...” . Đã quá nửa những ngôi làng bị san bằng, hết bến cá ra vào, đồng bị co hẹp để dành cho sân bay, bồn nhiên liệu, bót canh... Có cả Mỹ đen trắng, Nam Triều Tiên bao bọc vòng trong vòng ngoài, lừ lừ đạn lửa, đỏ rực góc trời của những hầm dầu trúng đạn lẫn trong tiếng phành phạch cánh trực thăng lên xuống tung tóe cát vãi trên sân, rào rào trên từng mái nhà lợp tôn trắng lóa. Khi giải phóng về, nửa số làng trông xa như ốc đảo trên cát ấy trắng khăn tang trong anh hùng và đổ nát. Những thím ba, cô Bảy, bác Chín chạy theo đoàn quân đang hướng về nam còn hằn vết dép lốp trên cát miệng rối rít hỏi thăm và nhận lấy nụ cười cùng những cái lắc đầu. Rồi chị Hiền, chị Son, chị Búp sinh ra trên vùng cát, từng có những buổi hò hẹn trên vùng cát kể cả má tôi cũng chấp nhận người thân mãi mãi không về. Má còn đúng hai bàn tay trắng với những vết xích chà xát rãnh cát quanh nhà, hằn vệt trên khóe mắt những dấu rãnh của thời gian khi trước mặt là biển vắng và sau lưng là cánh đồng phèn. Kỷ niệm về cha, đêm đêm trở về áo ướt đẫm sương, lùa vội chén cơm gánh hai phần khoai một phần gạo rồi lặng lẽ ra đi cùng tiếng lách cách súng đạn cứ mãi đeo đẳng trong tâm trí tôi mỗi khi đất nước mở hội mừng ngày thống nhất.

Tôi cảm nhận mình lớn khi không còn cha bên cạnh và bảo mẹ về lại đồng làng bên ngoại. Má im lặng quay đi không nói. Tôi vác gàu sòng đi tát nước ruộng, mỗi sào tát đến ngàn gàu và cứ nhìn sao trời mà đếm, càng nhiều sao thì ngày mai càng nắng gắt nước bốc hơi nhanh nên lại bì bọp vục gàu để tát. Đồng thì cuối nguồn con lạch nên tạo nhiều gò, nhiều bãi, nhiều ao, nhiều hố. Mỗi đứa bạn mang một cái tên trong mênh mang biển cát. Đen “Mè” ở đồng Mè, Hoa ở gò Mì, Nùng bên gò Giữa, Ngân phía ao Đìa, rồi hố Thùng, hố Phểu... Mỗi một mùa trăng dọc theo triền cát trên đường ra ruộng thì khối chuyện kể nhưng mãi cũng hết, lại chơi trò nghịch cát, ngày thì cát bay cát nhảy, đêm thì cát cười cát réo, cát chạy tung tăng, cát lăn cát múa, cát hát cát reo cười khanh khách tít mù tiếng con trai con gái. Ngân có thửa ruộng cao trên gò, tôi thường giúp Ngân vục gàu đến ba ngàn lần đếm nên tận gà gáy mới về, không thể nhìn sao trời mãi nên lại cúi nhìn bàn chân Ngân bên cạnh, đôi chân trần trắng lôm lốp thật khác với con gái vùng cát. Có lần, nghỉ chân bên bụi dứa dại, Ngân bảo “Mẹ anh chọn tên thật hay” . Tôi phì cười “Mẹ đặt để nhớ vùng đất này, loại cỏ sống trên đá thì hay ho gì, cát mà sống chẳng nổi, huống hồ...” Vùng đất của sáu tháng mưa ngút ngàn, quật réo ào ào ruộng sâu ngập trắng cả nước. Còn sáu tháng nắng thì nóng, hừng hực nóng cát như khô cong từng mảng, gót chân từ lúc nhỏ đã chai cứng khô như da bò. Ngân lại bảo”Anh có nghĩ mình bỏ nơi này?”. Tôi im lặng đứng lên nâng chiếc gàu sòng, tay vác sào lên vai giục Ngân đi về. Tôi biết và cả Ngân cũng biết, nhiều người đã ra đi, chính tôi cũng tự bảo, một ngày nào đó cũng sẽ ra đi.

Hôm cả lớp đưa thầy chủ nhiệm đi dã ngoại phía núi Đá Bia, lúc ngồi trên gộp đá chồng bằng phẳng mỗi đứa đều giở những thứ mang theo bên mình, hai phần ba là sắn luộc nguyên củ nguyên vỏ. Phần còn lại là cá của bọn xóm Lò “Gác mái, thả neo, hì hụi lên bờ, tay mang rổ cá” vì chưa được thúng cá bởi ghe nhỏ mong manh sao đi khơi, đi lộng dài ngày. Nhìn cả bọn xác xơ đến phì cười, đến ứa nước mắt bởi khác xa những gì được học. Kẻ ở đồng như tôi, như Ngân, như Hoa, như Điền dáng nghiêng nghiêng kiểu say nắng, say cát. Kẻ ở biển như Đen, như Sòng, như Thu thì đôi tay to sụ với lưng còng còng vì bờ biển ngang, có nhiều vực sâu lẫn triền cao nên thân hình lòng khòng cui cúi mà đẩy ghe đưa thuyền be cát.

Ngân rủ tôi ra gộp đá xa, nhìn Ngân nhỏ nhắn trong chiếc áo vải tám trắng cổ trái tim, chiếc mũ tai bèo thịnh hành như một trào lưu thời ấy, tôi thấy Ngân đẹp nhưng im lặng. Đến tảng đá nhỏ gần bụi bàn chải, Ngân chỉ loài cây mọc trên đá có cánh lá mỏng manh xòe ra đón gió cùng chùm hoa bé xíu hé nụ vàng sẫm. Ngân bảo “Hoa đá đó anh, lúc mưa về nó sẽ vươn lên thành bụi cho hoa đẹp rực”. Tôi lắc đầu bảo không phải vì thừa biết, loại cây cúc dại ấy mọc nhan nhản đầy các lối mòn phía núi Đá Bia lúc đi nhặt hạt, hái đát, trảy sim cho má ra chợ. Tôi từng hỏi bà và cũng từng đi tìm loài hoa đá nhưng không hề gặp. Còn giờ bên Ngân tôi lại quay đi khi thấy mắt Ngân đã ngân ngấn nước.

Năm sau, cuối cấp hai, cả vùng cát phát động trồng rừng phòng hộ. Lúc ấy, vùng cát còn dày đặc kẽm gai, hố bom, bãi mìn lâu lâu lại phát tiếng nổ âm âm bùng bục trong lòng đất. Ngày công được tính điểm quy ra lúa và rộn rã tiếng kẻng gọi ra... bãi cát. Mọi nhà,  mọi xóm nô nức mang vác xẻng cuốc cho từng trảng dương non lấp dần cát trắng. Bộ đội rà mìn qua khu nguy hiểm để các tốp dân phía sau hì hụi đào hố bỏ cây dưới nắng chang chang thiêu đốt. Ngân đi bên tôi mặt  ửng đỏ, sóng mũi lấm tấm mồ hôi nhưng miệng vẫn cười cười. Những ngày ấy, chúng tôi được ăn cơm trắng với thịt kho trứng, dù gạo bốc mùi ẩm mục và trứng đã ung thối nhưng ngon vô cùng. Ngân mang theo nước đậu rang pha đường chống say nắng, mà say nắng thì người nóng ran đầu như búa bổ, không khéo phát khùng vác cuốc chạy loi choi sa vào vào bãi mìn thì khốn. Nắng lắm, nắng tóe hoa cà hoa cải. Bóng nắng đổ xuống, người lom khom dõi nhìn bóng mình hắt trên cát mà muốn thu nhỏ để chui tọt vào. Rồi cũng chẳng hiểu sao, từng nhóm tách ra làm riêng, chỉ còn tôi và Ngân. Mặc nhiên tôi làm gấp đôi và cũng mặc nhiên Ngân săn sóc tôi là chuyện bình thường. Bữa cơm đầu tiên của hai đứa mãi đến chiều xế bóng trong hố bom râm mát, Ngân mỉm cười bảo tôi rửa mặt và ngồi cạnh để ăn cơm. Tôi chợt nhớ cha và má ngày xưa thì Ngân cắt ngang những suy nghĩ bởi ánh mắt long lanh ẩn hiện một hạnh phúc bất chợt vừa đến, Ngân bảo sau này vùng cát có rừng trở lại, đất sẽ giữ người ở lại. Tôi nhìn đôi tay trần mang đầy vết cứa lẫn nhựa mủ cây đen sạm, nhìn gương mặt thanh thanh còn vương vài hạt cát mới chợt nhớ cả hai là dân vùng cát. ừ. Có thể tôi sẽ ra đi nhưng cũng sẽ trở về nên im lặng và nhẹ nắm tay Ngân dù chưa hề có cảm giác rung động nào nhưng lại làm tôi dễ chịu. Ngân vẫn để yên và trong mùi oi oi của cát, của nhựa rễ cây, tôi nghe có mùi hương nhè nhẹ thoảng qua, Ngân dịu dàng cười bảo “Ngân gội tóc bằng nước nấu từ nụ hoa của loài bông đá, Ngân đã tìm ra nó, ở bên nó, dù ai đó có chấp nhận hay không?” Tôi cười khe khẽ nhìn áng mây đang trôi qua mang chút gió mát bất chợt đổ về.

Ngày sau vào chen trưa chỗ tôi trồng đến gần khu vực của bọn thằng Nghĩa lúc Ngân bảo đi đâu đó. Cả bọn nháy tôi sang với chúng. Từ phía hố bom nông chèn, Nghĩa chỉ lên mặt đường đá sỏi có quả đạn M.79 lộ ra vàng chóe dưới nắng. Nó giang tay ném đá nhưng không nổ, thằng khác ném vẫn không nổ, vòng xoay trái đạn không đủ tua để kim hỏa đập thì cả bọn đều biết vì sống giữa bom mìn. Điên máu, Nghĩa phóng lên mặt đường ném liên tiếp lúc tôi định gào lên ngăn nó thì sau lưng Ngân chợt xuất hiện, kêu với “Về đi anh, đến bữa...”. Tôi rùng mình chưa kịp hét, chưa kịp nhao lên thì đất đã rung chuyển, âm âm vòng vọng tiếng ì ấm của sóng dội vào lồng ngực thì bóng Nghĩa đã bật ngửa oằn oại trong đám khói đen kịt. Tôi lao đến Ngân lúc Ngân đứng sững rồi từ từ quỵ xuống. Mảnh đạn đi qua người Ngân, bàn tay che vội lồng ngực phập phồng dần loang vết máu từ từ buông xuống nhẹ rơi từng cánh hoa đá có màu vàng sẫm trên triền cát trắng. Bỏ mặt mọi người vây quanh, tôi nức nở ôm lấy Ngân, gục đầu bên đôi mắt chưa khép vội làn mi đang ngơ ngác nhìn bầu trời xanh lồng lộng.

Tôi đã rời vùng cát vào chiều đông gió cuốn có mẹ lầm lũi vượt triền dốc lên đường cái quan tiễn tôi. Năm xưa, tóc má còn xanh, cũng vào tối đông rét giá đưa cha vượt trảng vào núi rừng trùng điệp. Còn bây giờ tóc đã vương sợ bạc, bàn tay gầy khô vuốt tóc tôi khi tôi cúi người nhìn bàn chân má. Gần hai mươi năm tôi chưa hề thấy bà mang đôi guốc mộc từ lúc theo cha về vùng cát. Có chăng là đôi dép nhựa vẹt góc hay đôi dép hai quai của người mua đồng nát má đổi qua ống đạn đồng tôi đào ngoài bãi phế liệu. Má chỉ cho tôi nơi gộp đá đen gần đường lộ lúc cả hai đợi xe về phố. Phía ấy, trên mặt đá rong rêu, cây cúc dại mùa đông điểm hoa li ti vàng lao xao cùng gió bấc đến tê tái. Má bảo, ngày trước ông ngoại không chịu cha con, nên má lén hẹn cha nơi này. Cha từng hái tặng má bó hoa bám trên mặt đá ấy và cho đến hôm nay, má có con, đặt tên con cho một loại cây luôn chịu đựng sự khắc nghiệt nhưng vẫn sống và chờ đợi... Nơi này, phía trên kia là quê ngoại đầy sự yên bình. Và kia, vùng cát của cha đã nuôi con khôn lớn có nhiều nỗi đau và sự chịu đựng, con đi, chân cứng đá mềm... con sẽ quen vì con là dân vùng cát.

Tôi đã đi đã gặp một loài hoa đá, nó không mộc mạc giản dị như loài hoa vùng cát của Ngân và cũng không dành cho tôi. Nó là loài hoa sắc tím đầy sang trọng có mùi hương thơm ngát được chưng  trang trọng nơi phòng khách hay khuôn viên biệt thự. Nó là giống hoa nước ngoài được nhắc nhiều trong thi ca mà người thầy dạy Pháp Văn một lần giảng giải. Nó không sống trên đá và không hề biết đến sự héo tàn suy kiệt vì không lúc nào thiếu bàn tay chăm sóc. Cũng như các cô gái khác không thể như Ngân và không phải nơi vùng cát chỉ lấy cơ bắp lẫn mồ hôi ướt đẫm đánh đổi cuộc sống trong ngày. Sân đời ở đây hoàn toàn khác, con tim luôn luôn co thắt vì những sai trái nhưng vẫn phải làm. Nó khác xa với Nghĩa cùng quả M.79 vì trò chơi tuổi dại. Nó khác với Ngân trong tính hồn nhiên và chân chất như một loài hoa đá. Nó khác với mẹ cần sự kiên nhẫn để thành người. Mọi việc làm luôn phải nghĩ thiệt hơn không phải như vác gàu sòng mà tính số ngàn với sao trời nhấp nháy. Nó cũng chẳng phải khi lúc cúi đầu nhai sắn và đến lúc hỉ hả ăn cơm dưới trảng dương non để mơ ước ngày mai. Nó là thực dụng vội vã hàng ngày giống như bia bọt chiều nay và phốc cái trưa mai đã đường hoàng ngồi phòng máy lạnh nhâm nhi chai rượu Tây. Nó chưa cần phải tính trăm năm vì quá dài khi mọi nhu cầu đang ồ ạt tràn ngập, khi lời nói có giá trị bằng hàng ngàn, hàng vạn lần tát nước gàu sòng.

Tôi về thăm má lần đầu khi bà khăn gói lên phố thăm tôi đến chục lần thì không lên nữa, đó là lúc tôi không còn đói rách trong ngàn vạn công việc kiếm sống rày đây mai đó. Tôi ngơ ngác lạc lối trên một vùng cát mà thuở nhỏ hằn in vết chân. Rừng đã có, không phải Hoành Lâm xưa kia mà cả dải mênh mông màu xanh ngút ngàn. Má đã già, lưng còng đang vãi thóc cho bầy gà con chiêm chiếp dưới chân. Bà ôm tôi rất nhẹ rồi buông ra đầy lạ lẫm. Hoa đá mồ côi kia như không dành cho bà nữa khiến tôi quay mặt đi nơi khác. trong chiều chạng vạng, từ chiếc giếng đào bên vườn rau, có người con gái đang kéo dây lấy nước trông thật giống Ngân. Má cười “Em gái út của Ngân, nó làm bên khu công nghiệp đang ở nhờ nhà ta...”

Đêm. Tôi đi dạo cùng Nga, em của Ngân. Dưới tán dương đan dày lổ chổ ánh trăng hắt lên mặt cát rì rào tiếng gió, thỉnh thoảng có cánh chim đêm vụt qua và có những ánh đèn xe máy quét sáng đầy vẻ tò mò. Nga khúc khích cười đi sát tôi hơn nữa và lắng tai nghe tôi kể-về Ngân, cả chuyện về loại cây từng sống trên đá nhưng Nga không hề biết, chỉ biết rêu phủ trên ấy về mùa đông, cúc dại ra hoa vào mùa thu, tàn úa mùa hạ, đâm chồi mùa xuân có bầy chim vành khuyên về làm tổ. Tôi hỏi về những người trên vùng cát và Nga cho biết, trong mênh mông điệp trùng này đã được phân giới hành chính với đường ngang lối dọc không còn những ốc đảo xanh nữa, trong ấy Đen đã làm chủ tịch xã phía Thượng, Hoàng mở đìa tôm và nuôi tôm giống ở phía Trung và Hoa lấy chồng làm nghề đánh bắt cá xa bờ ở dưới Hạ và còn, còn nhiều nữa nhưng không hề nhắc đến Ngân, như trở thành người của trăm năm trước dù Ngân luôn bảo đất sẽ không phụ lòng người.

Chiều ngày sau, tôi cùng Nga có cả Đen sang nghĩa trang trong vùng cát giữa mảng rừng dương êm ả. Nơi có ông tôi, cha tôi, chú tôi và những người thân của làng. Có cả Ngân, cả Nghĩa, cả những kẻ vừa ra đi lúc tôi ở phố. Những ngôi mộ được bao bọc tường gạch kiên cố không còn vun cát xếp đá phòng cát trôi, cát lấp. Mộ cha tôi gần chỗ Ngân nằm được trồng nhiều luống cúc dại mùa này đơm bông rực vàng. Tôi biết, má trồng và gọi tên là loài hoa đá, kỷ niệm người dành riêng cho ba người. Cho dù tôi không muốn nhận và không ý nghĩ quay về.

Tôi lại im lặng đưa mắt nhìn Nga. Muộn rồi, tất cả đã trôi qua, trôi dần những kỷ niệm dù phía kia, hình ảnh của Nga giống Ngân ngày cũ. Không, khác hơn một chút, là nga đang hí húi tách từng cánh hoa đá nhẹ thả rơi trong gió, không cần để lại chút gì trong lòng bàn tay nhỏ nhắn ấy. Tiếng Đen nghe xa xăm lắm “Về quê đi mày...bao nhiêu năm rồi...”. Nga lại tách từng cánh hoa nhẩn nha thả trôi, màu vàng dần lấp đầy bia mộ của Ngân lúc bóng chiều đã tắt. Hình như thoảng  trong gió tiếng Ngân nói, không, chỉ có Nga bên cạnh lúc Đen đã bỏ đi tự khi nào. “Về anh, mai đi sớm...”, Nga bảo.

Đó là chuyện trăm năm sau tôi sẽ về. Đoản khúc nơi vùng cát đang dành cho tôi dù tôi đã sinh ra trên vùng cát và tôi tiếp tục đi tìm dù nó có hiện thực hay không hay chỉ là loài cúc dại nằm lẻ loi trên đường trong sự lãng quên chỉ mình Ngân biết.

 

      H.T.T

 

Huỳnh Thạch Thảo
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 168 tháng 09/2008

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

22/04

25° - 27°

Mưa

23/04

24° - 26°

Mưa

24/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground