Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đồi gió

Đ

ến đứa con gái thứ năm thì bố tôi vơ vét tất cả mọi thứ có thể bán được trong nhà và đi theo người đàn bà khác! Mẹ tôi thẫn thờ nhìn con bé còn đỏ hỏn trên tay, lại nhìn một lượt bốn đứa khác đang đứng cạnh giường, từng giọt nước mắt thi nhau rơi xuống. Đồi Gió hôm ấy trời không nắng cũng chẳng mưa, chỉ ngai ngái một màu mây.

- Phựt!...

- Ái!...

- Meo!...

Cùng với tiếng gậy vang lên khô khốc của tôi là tiếng rú hốt hoảng của cái Thu và tiếng kêu đau đớn của con mèo lông vàng nhà mụ Từ. Nó nằm chết giấc giữa nền nhà bên cạnh nồi tép kho vơi quá nửa. Cái Thu định chạy lại ôm con mèo liền bị tôi giúi xuống nền nhà, mồm méo xệch nhìn tôi sợ hãi. Có lẽ tôi cũng định vụt vào mông nó mấy cái nếu không kịp nhìn thấy bộ mặt xám ngoét kia. Tôi bỏ gậy xuống, đanh giọng:

- Trưa nay tao cấm mày ăn cơm. Có nồi tép kho đậy vung không kỹ để mèo ăn vụng. Cút cho khuất mắt kẻo tao đánh bây giờ!

Cái Thu lồm cồm đứng dậy, chạy vụt đi. Tôi gọi giật lại:

- Bồng con mèo sang bờ rào nhà mụ Từ bỏ. Nó chưa chết hẳn đâu!

Cái Thu tất tả chạy đi. Nhìn cái dáng lêu nghêu gầy của nó tôi muốn khóc, muốn ôm nó vào lòng như bất kỳ đứa trẻ nào cũng muốn được thế nhưng tôi không thể. Đã từ lâu, mọi thành viên trong cái gia đình tan nát của tôi hầu như quên đi những cử chỉ âu yếm, có chăng chỉ là những lời nghiệt ngã dành cho nhau mà thôi. Tôi thở dài buồn bã.

Đồi Gió năm ấy lên cơn sốt vàng. Cái Lê- đứa thứ năm- chưa đầy tuổi đã bị mẹ tôi cai sữa để ở nhà với mấy chị em tôi rồi nhập vào hội đãi vàng sau khi vay mượn của lão Vợng để nộp đủ một cây cho ông chủ bưởng. Hai năm sau mẹ tôi trở về với đôi bàn tay trắng và tấm thân khô quắt, gầy đét. Mẹ đem theo cái Lê qua nhà lão Vợng vừa goá vợ làng bên làm thuê để trừ nợ dần cho lão. Rồi mẹ ở hẳn bên ấy và trở thành vợ lão…

Thằng Hào ngọng- con mụ Từ- hùng hổ xách con mèo sang nhà tôi bắt đền. Có lẽ nó đã thấy cái Thu bồng sang bỏ ở bờ rào. Giọng nó thường ngày đã ngọng nay càng ngọng líu:

Nghị ngem non nghiễng nâu, nền non nèo no nà nao.(Chị em con niễng đâu, đền con mèo cho nhà tao).

Chưa để thằng Hào dứt câu, cái Thu đã vội phủi đít quần đi xuống bếp bưng nồi tép kho bị mèo ăn vụng lúc sáng lên nhà. Nó điềm nhiên ngồi phệt xuống đất, mở vung, bắt bỏ từng con tép một từ trong nồi ra nắp vung rồi đếm to:

- Một, hai, ba… một trăm, hai trăm…

Thằng Hào mở tròn mắt, há hốc miệng không hiểu cái Thu đang làm gì. Mùi tép kho dậy lên, con mèo què trong tay thằng Hào cựa quậy liếm mép. Từng ngón tay của cái Thu vẫn đều đều, thoăn thoắt. Nó cầm con tép cuối cùng lên xăm xoi:

- Tám trăm hai mươi lăm con!

Thằng Hào trợn mắt:

Ngầy nghịnh nàm nì? (Mày định làm gì?)

Cái Thu chậm rãi đổ tép lại vào nồi, nói:

- Mèo nhà mày ăn hơn tám trăm con tép nhà tao, chị em tao chỉ đánh què chân là may mắn lắm rồi còn định bắt đền à? Lần sau còn ăn vụng tao làm thịt mèo nhà mày ăn luôn đấy!

Ngáo, ngáo nghé! Núng nà nị nem nà niễng! (Láo, láo nhé! Đúng là chị em nhà niễng).

Thằng Hào tức tối ôm con mèo lùi dần, lùi dần rồi chạy mất dạng bên kia rào. Có cái gì đó vỡ ra trong tôi, nghẹn đắng nơi cổ họng…

Bảy năm sau ngày bỏ nhà đi, bố tôi lại trở về làng với bộ kèn trống đám ma và tấm thân nát rượu. Không hiểu ông đã làm gì, ở đâu mà ra nông nỗi thế? Còn người đàn bà kia thì như thế nào? Những lúc tỉnh ông không hề nhắc đến bà ta nhưng thoảng hoặc trong cơn say ông gào lên, đòi giết chết “Con mẹ bạc tình nọ” và còn giết luôn cả “tông ti họ hàng nhà nó”. Ấy vậy mà chính vì “nó”- con mẹ bạc tình nọ- ngày nào đã làm bố tôi nhẫn tâm dứt bỏ tất cả đi theo để “kiếm thằng chống gậy khi chết” mà không hề nghĩ đến còn có sáu kiếp người lay lắt sống giữa cõi đời này. Từ ngày bố tôi về, cái Hiên và cái Hoa- hai đứa em kế sau tôi- nhất định không gọi ông ấy là bố. Đến bữa, chúng nó nấu chưa đầy hai vò gạo, xới đều vào bốn bát tô cho bốn chị em rồi bưng cơm ăn, tuyệt nhiên xem như không có bố tôi ở đó. Thường thì tôi và cái Thu xới bớt nửa phần cơm của mình vào tô cho bố. Những lúc ấy mặt ông méo xệch lại, tái đi. Ngày bố bỏ đi, tôi tưởng chỉ mình tôi uất ức, không ngờ bảy năm sau hai đứa em mười và mười hai tuổi của tôi ngày ấy lại vẫn hờn căm đến thế. Có lần giận quá, bố tôi tát cái Hiên và cái Hoa mỗi đứa mỗi cái rồi đá vèo mâm cơm chưa kịp ăn xuống đất. Tiếng cười dài bật ra từ cổ họng hai đứa nghe dài dại, uất ức và căm thù. Đêm ấy, chờ bố tôi ngủ gục với cơn say, cái Hiên và cái Hoa lén lấy bộ đồ nghề đám ma của bố- chỉ chừa sót lại một chiếc kèn- đem ra Đồi Gió đập nát rồi bỏ nhà đi…

Mụ Từ chõ mồm sang phía nhà tôi mà gào, mà chửi. Giọng mụ nghe chua chua, gờn gợn như nhà ai nấu cơm bị nhão mà thổi lửa quá to:

- Mã cha cái đứa đánh què chân mèo nhà tao. Trời có mắt, trời diệt chết cả họ nhà nó đi. Quân vô phúc!

Cái Thu rón rén nép vào cây rơm phía sau hè nhìn trộm qua bờ rào nơi có tiếng chửi khèn khẹt của mụ Từ. Tôi định quát nó vào thì đã thấy nó chạy vô buồng lục lọi một hồi rồi quay ra với cây kèn đám ma mà cái Hiên và cái Hoa còn bỏ sót lại. Cứ sau mỗi câu chửi của mụ Từ mà bắt đầu bằng “mả cha” và kết thúc “quân vô phúc” thì tiếng kèn ò í e ai oán, não ruột của cái Thu vang lên. Mụ Từ càng chửi, cái Thu càng thổi to. Càng chửi lại càng thổi to…Bỗng “bụp”, mụ Từ ném con mèo từ bên kia bờ rào bay sang, nó nằm chết hẳn ngay giữa sân nhà tôi. Chiếc nạng gỗ trong tay tôi cứng đờ, chới với. Cái Thu cũng không thổi tiếng kèn ò í e ai oán nữa.

Có tiếng léo nhéo ngoài ngõ. Bố tôi đang chân tiến, chân lùi, tay cầm chai rượu lảo đảo bước vào. Thấy con mèo chết nằm đấy, mắt ông sáng lên nhưng cái miệng vẫn meo méo, ông cười hê hê, lảm nhảm:

Mèo mẻo mèo meo

Con mèo nhà ải

Vừa đủ một chai

Mèo ải, mèo ai…

Rồi vẫn chân tiến chân lùi, ông hí hửng xách đi ra lại phía ngõ. Bỗng thằng Hào ngọng con mụ Từ ở bên kia rào chui qua, giật con mèo trên tay ông và chạy biến về, để lại một mình bố tôi với chai rượu trên tay chửng hửng.

Chiều, mụ Từ vén rào chạy qua, chống tay vào hông, hóng hớt:

- Nhà mày ăn mèo hụt à? Thằng Hào nhà tao cùng mấy thằng xóm trên đánh chén một bữa ra trò đấy!

- Chủ nào vật đấy!- Tôi đốp chát.

- Nỏ mồm mày. À, tao nghe con mẹ Chiểu bảo mày xin xã một suất đi học trung cấp dược à? Bày đặt mày, ở nhà mà lấy chồng đi con, ế rề rồi. Mày xem cả làng này còn mấy đứa thanh niên chưa lấy chồng nữa đâu? Cứ mười bảy, mười tám là sồn sồn lên. Vào đám đào vàng mà lấy! Mày không liệu đường mai này chết già đấy con ạ!

- Chao, chồng với chả chiếc. Ma nào lấy tôi? Hay cho thằng ngọng nhà mụ lấy tôi nhé?

- Hề hề… Lại nỏ mồm. Đến cái Lim con nhà Bảy sứt môi, lồi rốn còn lấy được thằng Bơn sẹo đào vàng, huống chi mày? Ngực, mông mày mây mẩy thế kia khối thằng thèm muốn chết. Thảo nào thằng Hào nhà tao cá cược với mấy đứa xóm trên rằng vú mày đẹp nhất xã.

- Chim cu bé bằng quả ớt mà bày đặt rình mò! Con mẹ Chiểu goá còn bảo thằng Hào nhà mụ búp vú nó đấy. Tôi mà bắt được có ngày tôi xẻo!

- Nói bậy mày! Bằng tuổi cái Hiên nhà mày đó. Tao về đây, nói chuyện với mày tức chết.

Mụ Từ xỏ dép đứng lên, phệt phệt vào đít quần phủi bụi rồi quay đi. Được vài bước mụ quay phắt lại, giọng bí mật:

- Mày biết tin gì chưa?

- Tin gì?

- Hôm qua tao ra thị xã, gặp cái Hiên, cái Hoa nhà mày đấy! Bữa nay hai đứa nó đẹp ghê hen. Vợ chủ bưởng mà lại!

- Vợ chủ bưởng? Nó lấy ai?

- Thì lấy thằng Cường rỗ làng Thượng chớ ai. Tao thấy cái Hiên vô giao vàng cho quán Nam Việt còn thằng Cường rỗ đang mút vú cái Hoa trong xe hơi.

Tôi thấy ngực mình đau quặn thắt, cơ hồ như ai đó vừa đưa tay bóp mạnh. Có thể những lời mụ Từ khác xa những gì mụ thấy, nhưng chắc chắn mụ đã trong thấy hai đứa ấy thật. Từng giọt nước mắt thi nhau rơi xuống chát đắng nơi cổ họng. Sau bao năm, lần đầu tiên tôi khóc.

Cái Lê thập thò ngoài bờ rào, thấy tôi đang co kẹp bàn tay cô quắp băm bèo cho lợn một cách khó khăn, nó không dám vào, dáo dác nhìn quanh, chắc là tìm cái Thu như mọi lần. Từ ngày nó theo mẹ sang nhà lão Vợng đến nay đã khá lâu mà nom nó vẫn như con ở. Thỉnh thoảng nó “chôm” được đồ ăn gì ở nhà lão Vợng là thể nào nó cũng lén mang về cho cái Thu. Có bữa nó bị lão Vợng bắt được quả tang, lão đánh vào mắt cá chân của nó sưng vù. Nó bỏ sang ở với chị em tôi mấy bữa nhưng thương mẹ nên nó lại về ở nhà lão Vợng. Nhìn mãi không thấy cái Thu, nó thậm thọt chạy vô giữa sân gọi khẽ:

- Chị Hoàn ơi.

Tôi vờ không nghe thấy, nó lặp lại tiếng gọi. Tôi trợn mắt quát:

- Về đây làm gì? Cút!

- Chị Hoàn…

- Cút không tao đánh vỡ sọ bây giờ!

- Chị…

Tôi quay lại phía nó. Có lẽ tiếng gọi của nó có gì khang khác. Khuôn mặt nó xám ngoắt lại, hai tay buông thõng xuống để lộ ra một mảng áo trước ngực bị xé rách. Trước ánh mắt của tôi, như một bản năng, nó co tay che chỗ áo rách, trong mắt nó thoáng lên nét hãi hùng. Biết có chuyện, tôi nhoài người về phía nó hỏi gấp:

- Ai làm gì mày? Lão Vợng phỏng?

Nó im lặng, môi mím chặt, run run.

- Ai?- Tôi quát. Nó vẫn im lặng. Tôi chộp chiếc nạng gỗ, tay kia cố nắm lấy nó, tấp tễnh đi ra ngõ, định băng Đồi Gió sang nhà lão Vợng. Nó chống cự, lắp bắp:

- Mẹ… mẹ… bị bắt!

Chiếc nạng gỗ trong tay tôi rơi xuống đất. Vất vả lắm tôi mới lần tựa được vào gốc ổi bên sân. Một cái gì đó tan nát trong tôi, nghe cơ hồ như ngàn vạn mũi dao găm vào cơ thể. Tôi thẫn thờ hỏi như kẻ hụt hơi:

- Vì sao..ao…?

Cái Lê khóc nấc lên, mãi lâu mới nói trong nước mắt:

- Lão Vợng…lão…lão định… Em cắn lão, lão nổi điên đánh em, mẹ thấy… thấy nên xô lão ra, lão đánh cả mẹ, lão còn bóp cổ mẹ… Em…em lấy thanh sắt gài cửa đánh vào đầu lão. Lão…

- Mày…mày đánh chết hẳn chưa?

Cái Lê lùi lại, mở to mắt kinh ngạc trước câu hỏi của tôi và quay ngoắt đi. Tôi lật đật hỏi với theo:

- Thế sao người ta bắt mẹ?

Nó không trả lời, chạy nhanh ra đường, bỏ lại những giọt nước mắt mặn chát, cay đắng của chính nó vừa rơi xuống. Cái Thu, cái Hiên và cái Hoa ở đâu vụt hiện ra, chạy đuổi theo cái Lê. Bóng bốn đứa nó nhoà nhện phía cuối đồi hướng ra thị trấn nơi có đồn công an. Từng gợn nước mắt tôi nhỏ xuống. Những cơn ho khan kéo dài của bố phía sau nhà vọng lại và có tiếng dép kéo lê một cách tuyệt vọng về phía tôi, hình như bố tôi đã nghe thấy tất cả. Tôi nhoài người ra ngõ…, và theo sau là cái bóng già nua, khắc khổ, bệnh tật của bố tôi. Tôi đứng lại nhìn ông. Lần đầu tiên tôi bắt gặp trên gương mặt ấy những giọt nước mắt tê tái…

Đồi Gió hôm ấy trời không nắng cũng chẳng mưa, chỉ ngai ngái một màu mây!...

L.T.T.H

 

Lê Thị Thu Hoài
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 163 tháng 04/2008

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/05

25° - 27°

Mưa

05/05

24° - 26°

Mưa

06/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground