Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 07/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đôi mắt

C

ăn nhà ấy ở cuối làng, chỉ là hai mái lá gối đầu vào nhau, nằm nép mình giữa những cụm chuối xanh rờn và mấy cây sầu đông đang mùa rụng lá. Chủ nhân căn nhà là chị Liên và đứa bé gái chừng bốn, năm tuổi. Cũng như cây sầu đông khẳng khiu trong vườn nhà mình, người đàn bà tuổi trung trung này cũng nhỏ bé, gầy guộc. Càng có tuổi, chị càng gầy và nhỏ hơn. Nhưng bù lại, trời phú cho chị một đôi mắt đen và hiền. Đôi mắt ấy lúc nào cũng mở to như là ngỡ ngàng, ngơ ngác với tất cả xung quanh. Càng như thế, đôi mắt chị càng đẹp thêm. Và ai đã một lần gặp chị, nhìn vào đôi mắt ấy sẽ khó lòng quên ngay được. Nghe nói chị tuổi rồng. Người ta bảo, tuổi rồng thì số sang, cuộc sống sẽ giàu có, sung sướng. Sao tuổi rồng của chị tôi thấy thật lao đao!

Tôi biết chị Liên từ ngày tôi còn nhỏ. Đó là vào những năm chiến tranh ác liệt, trẻ con làng tôi phải tản cư đến một nơi khác để sinh sống, học tập. Nơi ấy, tôi may mắn được ở cùng chị Liên một nhà. Năm ấy, tôi lên chín tuổi và chị Liên đã là một thiếu nữ mười tám tuổi phụ trách chúng tôi. Chị có dáng người mảnh mai, tính tình dịu ngọt và lại rất chăm học, chăm làm. Những ngày chủ nhật, chị thường gánh đôi quang treo cùng bà chủ nhà ra tận bờ đê cắt những bó cỏ xanh mượt về cho trâu. Lần nào chị cũng mang về nhà vài đẫn mía, làm quà cho tôi. Những lần tôi ốm đau, dỗi hờn hay bỏ học, thì chị, bao giờ cũng là người đầu tiên chăm sóc và dỗ dành tôi. Năm ấy, có một đơn vị bộ đội từ chiến trường miền Nam ra tập kết ăn dưỡng. Bộ đội chọn ngôi đình làng làm nơi đóng quân. Làng vốn đã vui, nay có thêm các chú bộ đội càng vui hơn. Tôi nhớ, có một chú còn rất trẻ tên là Hoàng thường lui tới nhà tôi và chị Liên ở. Mỗi lần đến, chú lại ngồi nói chuyện với chị Liên rất lâu. Tôi không biết hai người nói với nhau chuyện gì, chỉ thấy chị Liên hay đỏ mặt và mỗi lần chú Hoàng ra về, chị Liên lại tiễn chú ra tận đầu ngõ. Sau này, tôi biết chú Hoàng yêu chị Liên, chị Liên cũng yêu chú. Hai người yêu nhau tha thiết lắm! Có lần đi học về, vừa bước chân vào nhà, tôi bắt gặp chú Hoàng và chị Liên đang ôm nhau ngồi trên giường. Lúc ấy, tôi khựng lại, mắt nhìn đi chỗ khác và tay thì đưa lên gãi gãi đầu. Chị Liên hốt hoảng rời chú bộ đội, đi đến cạnh tôi, tay vuốt nhẹ lên tóc tôi và hỏi tôi quấy quá. Một lần khác, cũng trên đường đi học về, tôi nghe loáng thoáng mọi người nói chuyện với nhau rằng các chú bộ đội không đóng quân ở đây nữa, đang chuẩn bị hành quân đến một nơi khác, rất xa. Tôi vội phóng như bay về nhà hỏi chị Liên. Đến nơi, đã thấy chú Hoàng mang ba lô đang đứng với chị Liên trong nhà. Hai người đứng sát vào nhau, sát đến nỗi, thoạt nhìn, tôi chỉ thấy cái ba lô to xù sau lưng chú Hoàng mà không thấy chị Liên. Chú Hoàng quay lại, cúi xuống, bế bổng tôi lên, hôn lên má tôi rồi hạ xuống. Chị Liên dắt tay tôi, tiễn chú Hoàng ra ô tô. Hôm ấy, chị Liên đã khóc rất nhiều. Chị cứ đi theo ô tô, một tay nắm tay tôi, một tay đưa lên vẫy vẫy cho đến lúc chiếc ô tô chở chú Hoàng rẽ vào khúc ngoặt của con đường. Khi chú Hoàng đi rồi, chị Liên ít nói hơn, mặt lúc nào cũng buồn rười rượi. Và tất nhiên, chị không còn vui đùa, thậm chí có lúc còn chẳng để ý gì đến tôi nữa. Nhiều lần, tôi thấy chị lấy ảnh chú Hoàng ra ngắm nghía hàng giờ. Một lần, chị gọi tôi lại, chìa ảnh cho xem. Thấy chị vui vui, tôi liền hỏi chị chú Hoàng đi đâu và bao giờ thì chú quay lại nơi này? Câu hỏi của tôi khiến chị thở phào, nét vui vui chợt biến mất, mãi một lúc, chị mới nhỏ nhẹ nói với tôi: “Chú vào chiến trường rồi, vào chỗ quê hương chị em mình và còn vào xa trong miền Nam nữa. Chỉ khi nào nước nhà thống nhất chú mới quay lại thôi Hà ạ!”. Chừng một năm sau, cũng trong một lần đi học về, tôi giật mình khi thấy chị Liên nằm úp mặt trên giường khóc nức nở, đôi vai gầy của chị run lên từng đợt. Ngồi bên chị là bà chủ nhà và cô con gái của bà. Hai người đang dỗ dành chị và cả hai cũng đang sụt sịt khóc. Trên giường, ngay chỗ chị Liên nằm là một phong thư mới bóc. Thấy tôi về, chị Liên ngửng lên nhìn tôi, rồi vùng dậy, hai mắt đỏ hoe, tóc rối bời xoả kín lưng, chị nhảy đại xuống đất chạy ào tới ôm lấy tôi, gục đầu vào vai tôi, cả người chị rung lên khiến tôi lảo đảo, tiếng chị nghẹn ngào, đứt quãng: “Em ơi! Chú Hoàng… chú Hoàng… chú… chú hy sinh rồi…”. Tôi không khóc, nhưng có một cái gì đó dâng lên, chẹn ngang họng tôi. Tôi bồi hồi lặng đi. Tôi biết tôi không khóc được nhưng tôi đã đau nỗi đau của chị, nỗi đau mà chỉ có ở những người như chị mới có thể làm rung động được tâm hồn những đứa trẻ như tôi. Tôi đứng yên trong lòng chị, mặc cho người tôi cũng rung lên và mặc cho những giọt nước mắt nóng hổi của chị chảy đầm đìa trên vai tôi.

Chiến tranh đi qua, chúng tôi lần lượt trở về quê hương. Chị Liên và tôi chia tay nhau từ đấy. Chị về nhà chị, tôi về nhà tôi. Những kỷ niệm xa quê ăn học rồi cũng phai nhạt dần trong ký ức tuổi thơ của tôi. Còn chị, tôi nghĩ là chị sẽ không bao giờ quên được. Bởi, nơi mảnh đất xa xôi ấy, không như bọn trẻ con chúng tôi, chị còn có những kỷ niệm gần như máu thịt, là tình yêu. Mối tình đầu đã mang lại cho chị niềm hạnh phúc và cả nỗi khổ đau không thể có gì bù đắp được. Tôi đã ngây thơ nghĩ rằng, chị Liên sẽ sống mãi với mối tình ấy. Nào ngờ, khi tôi chuẩn bị lên đường nhập ngũ, thì có tin chị sắp sửa lấy chồng. Vì vội lên đường nên tôi không biết gì thêm. Ở bộ đội, khi nghĩ về quê hương, thực tình, tôi có nghĩ đến chị. Tôi hình dung chị đang sống hạnh phúc cùng chồng con. Không ngờ, ngày tôi xuất ngũ về quê, hỏi thăm chị, tôi ngạc nhiên được biết chị đã bỏ nhà ra đi ngay từ dạo ấy. Tìm hiểu nguyên nhân, trong làng mỗi người trả lời một kiểu, chẳng còn biết tin ai. Cuối cùng, có một lý do có thể chấp nhận được. Rằng chị Liên phải bỏ nhà ra đi khi không đồng ý lấy một người đàn ông hơn mình chục tuổi, mà cha mẹ chị, vì nể nang, ép chị phải lấy làm chồng. Bảy, tám năm đi xa, chị Liên không gửi một lá thư, không đánh một bức điện, không một lần về thăm quê. Chẳng ai biết chị ở đâu? Làm gì? Có người bạo miệng đặt câu hỏi: liệu chị Liên còn sống hay đã chết? Trong khi đó, ở quê nhà, cha mẹ chị lần lượt qua đời, anh em cũng tản mát mỗi người một phương. Mà ở đời, nhất là ở cái làng Cổ này, những sự kiện rất riêng tư ấy thường làm “bùng nổ” sự tò mò, nghi hoặc của thiên hạ. Người ta đặt ra giả thiết này, bịa ra tình huống nọ, rồi người ta tha hồ bàn tán, đồn đại. Có người còn độc mồm độc miệng, chẳng biết thu thập từ đâu mà dựng lên bao chuyện chẳng lành về chị, khiến người tốt bụng nghe qua phải lấy làm bực mình vì ghê tởm. Tôi nghe những chuyện không hay về chị Liên mà cảm thấy mình bị xúc phạm. Nhưng đôi khi mềm lòng, tôi tự hỏi: chị Liên mà cũng ghê gớm vậy ư? Liền sau đó, ý nghĩ này bị xoá đi ngay. Tôi cho rằng, những chuyện không hay về chị Liên chỉ là nhảm nhí mà thôi.

Đột ngột, chị Liên trở về làng. Vào một buổi chiều, tôi nghe người làng kháo nhau ngoài ngõ, rằng chị Liên đã về, mang theo cả con. Tôi vội vàng chạy ra. Đúng thế thật, chị Liên đã về. Chị đang đứng kia. Một tốp người đang quây lấy hai mẹ con chị. Tôi ngạc nhiên đến sững người khi thấy chị, bàng hoàng không tin ở mắt mình. Trời ơi! Có đúng là chị Liên ngày xưa của tôi đấy không? Sao chị lại già đi nhanh thế? Sao chị trở về làng trông thảm hại đến thế? Chị Liên ơi! Hay đúng như người ta kháo nhau về chị? Tôi quay cuồng những câu hỏi, chỉ muốn kêu to lên cho chị nghe. Tôi lặng lẽ đến gần. Chị Liên đang đứng đó, ngay trước mặt tôi. Chị nhận ra tôi, hơi mỉm cười, gật đầu. Tôi cũng mỉm cười gật đầu chào chị. Nhưng liền đó, tôi nhận ngay ra cái mỉm cười của chị sao gượng gạo và đôi mắt thì buồn thương da diết. Người chị nhỏ bé, gầy guộc trong bộ áo quần màu xanh quá rộng. Một tay chị xách chiếc túi du lịch cũ, một tay dắt đứa bé chừng độ ba, bốn tuổi. Mặt chị hốc hác, bơ phờ. Nhìn chị, tôi thoáng giật mình, khi mơ hồ thấy hiện ra trước mắt tôi một xã hội thu nhỏ của sự đói khổ, bần cùng. Ngược lại, đứa bé gái con chị như búp măng. Nó bụ bẫm, non nớt và dễ thương làm sao! Nó mặc áo váy màu hồng, đội mũ rộng vành màu đỏ, khép nép đứng bên chị, nhìn mọi người vây quanh. Cả người nó như một bông hoa mới nở, tương phản đến kỳ lạ với người mẹ đứng cạnh. Lúc mọi người đi hết, tôi hỏi chị: “Chị đưa cháu về thăm được lâu không? Mà sao chị đi lâu thế, lại không thư từ gì cả”. Câu hỏi của tôi khiến chị lặng người. Mãi sau chị mới trả lời, mắt rơm rớm lệ: “Chị về hẳn cậu Hà ạ! Chị còn sức đâu mà đi nữa. Với lại, chị còn ai trong ấy nữa mà đi. Đời chị khổ lắm cậu Hà ơi!”. Câu sau cùng chị nói một cách khó nhọc. Rồi chị bật khóc. Tiếng khóc nghẹn ngào, xót xa, ai oán. Tiếng khóc như xoáy vào ruột gan tôi. Thấy chị khóc, con bé cũng oà theo. Tôi bối rối thực sự. Tôi nắm tay đứa bé, dỗ nó. Nó đẩy ra và càng đứng sát vào người mẹ nó. Tôi quay sang động viên chị Liên: “Đừng khóc nữa chị ạ! Đời ai chẳng có lúc thế này, thế kia. Chị về hẳn là đúng lắm rồi. Về đây, chị còn có quê hương, người thân. Đi đâu cũng không bằng quê hương của mình chị ạ!”.

Mẹ con chị Liên ở chung với người chị ruột goá chồng, là người thân duy nhất còn lại ở làng. Người chị ruột có khuôn mặt hao hao giống em, tuy hai người chỉ là chị em cùng mẹ khác cha. Từ ngày chồng lâm bệnh qua đời, người chị phải một mình chèo chống nuôi đàn con năm đứa đang tuổi ăn tuổi học, cơ cực trăm bề. Hai chị em gặp lại nhau, mừng mừng, tủi tủi, khóc đấy rồi cười đấy. Chị Liên về, các cháu có thêm người thân, thêm chỗ dựa, nhà đỡ cô đơn, trống trải. Nhưng cuộc sống đâu có trôi đi yên ả được, khi mà tình cảm ruột rà, biết rằng thương nhau đấy, quý nhau đấy lại không thể vượt lên trên những khó khăn, thiếu thốn của cuộc sống hàng ngày. Chị Liên ra đi tay không, bây giờ trở về vẫn hoàn tay không. Cuộc sống của hai mẹ con chị phụ thuộc cả vào người chị. Gia đình người chị đã khó, đèo thêm mẹ con chị càng khó thêm lên. Ngày ngày, chị Liên giúp chị mình việc đồng áng, nội trợ… có việc gì làm việc ấy, không quản khó khăn. Và, cũng suốt ngày chị lầm lũi, âm thầm như một cái bóng. Rồi cuộc sống cũng có vẻ phẳng lặng trôi qua…

Những kẻ ngồi lê đôi mách ở làng Cổ, sau một thời gian lặng im, nay thấy chị Liên về, của cải chẳng có, người không ra hồn người, lại có dịp tụm năm tụm ba bàn tán về chị. Người ta tự do tung ra đủ thứ chuyện hoang đường về chị. Có người thấy chị về một mình, lại mang theo đứa bé bụ bẫm, dễ thương, không giống chị, thì cho rằng nó không phải con chị, hoặc giả nó là con chị thì cũng chỉ là đứa con không cha. Người này bĩu môi, người kia lắc đầu, làm như biết rõ mọi chuyện về chị. Có người còn dựng lên chuyện chị Liên rủ rê ngủ với một người đàn ông goá vợ, đêm đến cho ông ta uống thuốc ngủ rồi bế con của ông ta trốn biệt. Chuỵên ấy, ban đầu chỉ bùng lên ở xóm chị, sau lan ra cả làng cùng nghe. Người ta nghe như nghe chuyện cổ tích. Trong làng, bên cạnh người đứng đắn, hiểu và thông cảm cho chị, còn không ít người tỏ ra khinh thường chị, xa lánh chị. Thậm chí, có người sợ chị như sợ… hủi, không dám lại gần. Tôi để ngoài tai tất cả mọi chuyện đàm tiếu của thiên hạ về chị Liên. Làng Cổ này, tôi không lạ. Từ không có chuyện, người ta dựng lên cho có chuyện, từ chuyện chỉ có một, người ta thêm thắt cho đủ mười, đủ trăm là lẽ thường tình. Tôi định bụng sẽ gặp chị Liên, an ủi động viên chị, nghe chị kể về những ngày chị ở miền Nam, tiện thể ôn lại những kỷ niệm với chị thuở ấu thơ, trong đó, hình ảnh chú Hoàng - người yêu và mối tình đầu của chị - luôn là hình ảnh đẹp đẽ khắc sâu trong lòng tôi.

Chiều ba mươi tết, tôi cầm nắm hương ra nghĩa địa của làng. Trong không khí trầm mặc, im lặng đến ghê người của nghĩa địa lúc xế chiều, thoảng trong mùi hương và tiếng reo vi vu của dương liễu, tôi giật mình nghe tiếng người sụt sịt khóc. Chợt thấy người đàn bà cùng đứa bé ngồi bên nấm đất, nhận ra chị Liên, tôi cắm vội mấy que hương rồi đến gần. Bên nấm mồ cỏ đã phủ xanh, chị Liên ngồi bệt xuống đất, tóc xoã ra, hai tay cào cào trên mặt mộ, tiếng chị tấm tức: “Mẹ ơi, đời con khổ lắm! Chẳng ai hiểu cho con cả. Con chịu hết tai tiếng này đến tai tiếng khác. Con còn sống mà cũng như chết rồi mẹ ơi!”. Rồi chị nằm xoài ra, dang hai tay ôm lấy nấm mộ. “Chị Liên, chị Liên ơi!”. Tiếng gọi của tôi làm chị sực tỉnh. Chị ngồi dậy, dụi mắt vào vai, tay quờ ra sau quấn lại mớ tóc và nói: “Cậu Hà đấy à? Cậu ngồi xuống đây, ngồi xuống đây với mẹ con tôi một lúc rồi hãy đi”. Tôi ngồi xuống cạnh chị. Chị kéo con vào lòng, nói với nó: “Con thắp hương cho bà chưa? Rồi à? Bà sẽ phù hộ cho mẹ con mình con ạ! -  Rồi quay sang tôi, chỉ con bé, chị hỏi - Cậu Hà, cậu nhìn kỹ con bé xem nó giống tôi nhiều không? Có à? - Chị mỉm cười - Trong làng họ bảo nó không phải con tôi. Họ kể về tôi nhiều chuyện lắm, cậu có nghe không? Cậu có tin không cậu Hà?”. Tôi trả lời chị ngay: “Họ kể gì kệ họ. Tôi có phải trẻ con đâu mà bạ gì nghe nấy”. Nơi khoé mắt chị lăn ra mấy giọt nước. Chị cúi xuống dụi mắt lên đầu gối, ngẩng lên, chị nói: “Tôi biết cậu không họ hàng gì với tôi, nhưng không bao giờ cậu nghĩ về tôi như mọi người đã nghĩ. Nói thật với cậu, tôi chẳng muốn kể với ai cảnh đời tôi. Cứ để thế, ai hiểu thế nào thì hiểu. Ai thương tôi, tôi nhờ. Ai ghét tôi, tôi chịu. Ở cái làng này chẳng ai tốt suông với ai đâu cậu Hà ơi! Tôi nghèo khổ, lấy gì để có qua có lại với họ mà họ thèm tốt với tôi, thèm ngó đến tôi. Tôi rất hiểu cậu, cậu không như người khác. Đã bao lần rồi tôi muốn gặp cậu, kể cho cậu nghe cảnh ngộ của đời tôi”… Nói đến đây chị Liên dừng lại, chị nhìn một nơi xa xăm nào đó trước mặt, rồi quay lại đột ngột hỏi tôi: “Con bé này mà cậu bảo giống tôi ư? Đó là cậu nói lấy lòng tôi thôi. Nó chẳng giống tôi tý nào đâu. - Ngập ngừng một lát, chị thấp giọng nói tiếp - Nó là con tôi nhưng không phải là con đẻ của tôi đâu cậu ạ!”. Tôi nhìn chị ngạc nhiên: “Chị nói gì lạ vậy? Sao lại là…”. Một thoáng buồn trên mắt chị: “Không! Với cậu, tôi không nói đùa tý nào đâu. Và chị kể - Trước tôi cũng có gia đình, có chồng, có con. Đấy là thời gian tôi còn trẻ, mới bỏ nhà ra đi làm công nhân cạo mủ cao su. Chồng tôi cùng công ty và cùng cạo mủ như tôi. Anh mồ côi cha mẹ từ thủơ bé, ở với người cậu ruột rồi lớn lên xin đi công nhân. Có lẽ đó là chỗ hợp duyên hợp số để chúng tôi nên vợ nên chồng. Chúng tôi có một bé gái và sống với nhau thật hạnh phúc. Thế rồi chiến tranh biên giới Tây - Nam ở vào giai đoạn ác liệt, anh ấy vào thanh niên xung phong ra mặt trận phục vụ chiến đấu. Không đầy một năm sau, tôi nhận được tin chồng tôi hy sinh đúng vào lúc cháu bé của tôi ốm nặng đang cấp cứu ở bệnh viện của công ty. Cậu biết không, trong những ngày ấy, tôi như người không hồn, chẳng thiết ăn thiết uống, chỉ mong sao cho con mình hồi phục. Nhưng bệnh cháu quá nặng. Các bác sỹ bảo là bệnh viêm não. Rồi cháu không qua khỏi được. Hai sự thật đau thương cùng đến với tôi một lúc, cái trước cái sau chồng chất lên nhau. Tôi như người dở điên dở dại. Rồi tôi ốm ba tuần nằm mê man ở bệnh viện. Cậu Hà ạ! Cũng may mà hồi ấy y tế còn bao cấp, chứ như ngày nay thì chắc là tôi cũng đã theo đi với chồng con tôi rồi, chứ mong gì còn sống đến hôm nay mà ngồi đây nói chuyện cho cậu nghe. Ngày ra viện, tôi như người không còn sự sống. Soi vào gương, tôi không còn nhận ra tôi nữa. Người tôi tiều tuỵ gầy tóp lại, ngay cả giọng nói tôi cũng thấy khác đi. Đau thương đã làm tôi gục hẳn. Anh chị em công nhân thấy tình cảnh của tôi như thế thì ai cũng thương, họ xúm vào giúp đỡ cho đến ngày tôi bình phục hẳn. Tôi trở lại công ty tiếp tục làm việc, tuy người tôi lúc ấy vẫn còn yếu lắm. Rồi nửa năm trôi qua, một năm trôi qua…” . Chị Liên dừng lại, chừng như quá xúc động, người chị run lên nhè nhẹ. Tôi uể oải lấy thuốc châm lửa hút, kéo liền liền mấy hơi dài. Nhìn ra xa, tôi thấy mặt trời đã khuất sau dãy núi, ánh sáng yếu ớt còn sót lại vẽ lên nền trời xanh đậm hình chiếc nan quạt khổng lồ và cũng đang thoi thóp lịm dần. Ngay trước mặt tôi, sông Hiền cong cong một vệt sáng hình lưỡi liềm cũng bắt đầu nhoà đi. Chỉ còn trong nghĩa địa, những đốm đỏ từ những que hương trên các nấm mộ, thỉnh thoảng loé lên khi có làn gió thoảng qua. “Tôi vẫn làm nghề cũ, sáng cạo mủ, chiều cạo mủ, thu nhập tuỳ theo năng suất lao động. Sức tôi yếu lại vụng về, chậm chạp nên tiền lương chỉ bằng nửa người khác. Thế rồi đùng một cái, công ty chuyển sang phương thức sản xuất mới. Đi đôi với các tiến bộ kỹ thuật được áp dụng là việc giảm biên chế. Tôi bị loại ngay từ đầu. Lúc ấy, tôi chẳng biết bấu víu vào đâu để sống nên đã định về quê ngay từ dạo ấy…Thế rồi một người đàn ông đã đến với tôi, người đàn ông ấy chính là cha đẻ của bé Hương đây. Cậu Hà ơi! Tôi chưa hề nói với ai sự thật này, kể cả chị ruột tôi. Không phải là tôi sợ gì hay ngại gì mà không nói ra. Tôi đau khổ và buồn lắm cậu ạ! Thiên hạ họ dựng lên cho tôi đủ chuyện. Chuyện nào cũng ly kỳ mà đến cả nằm mơ tôi cũng chưa từng gặp. Nhưng tôi đã cố làm ngơ, nuốt đắng cay, oan ức vào lòng, đặng sống cho yên. Nhưng ngẫm lại, họ đoán mò mà cũng có phần đúng. Có điều, con bé này không phải con tôi, nhưng không phải tôi lừa lọc của ai như họ nói đâu. Mà…để tôi kể tiếp cho cậu nghe… Người đàn ông đến với tôi nguyên là nhân viên bảo vệ công ty. Anh ta đã có vợ. Vợ anh ta là công nhân cạo mủ như tôi. Cả hai người nghe đâu cùng ở một làng. Chị vợ rất đẹp nhưng đua đòi, lẳng lơ và hay ăn cắp. Chị cặp bồ với đủ các thành phần trong và ngoài công ty. Có lần chị lấy cắp mủ tươi đem bán cho tư thương, bị bắt quả tang, nhưng nhờ sắc đẹp trời cho, chị quyến rũ được người có chức quyền nên được yên phận. Hai người chung sống với nhau được ba năm và có con bé này. Vợ chồng vì ghen tuông nên cải vã, đánh đập nhau luôn. Đã có lần chị vợ làm đơn ly hôn nhưng được cán bộ công ty khuyên giải nên thuận hoà trở lại. Tuy vậy, giữa hai người chẳng mấy khi được êm ấm. Rồi cơ hội để họ chia tay cũng đã tới. Công ty giảm biên chế, vợ chồng anh có tên đầu danh sách những người thôi việc. Chị vợ bỏ đi Sài Gòn buôn bán ngay.Từ đó, chị không còn xem anh là chồng nữa. Vốn có nhan sắc và ranh ma, quỷ quyệt, chị ta đã chinh phục được một người đàn ông rất giàu có ngay khi vừa đến Sài Gòn. Phải nửa năm sau chị mới đảo về thăm con, chị ném vào mặt chồng tờ đơn ly hôn và tuyên bố thẳng thừng không bao giờ quay lại nơi này nữa. Ngày ấy, trông anh thật tội, lúc nào cũng thần người ra nghĩ ngợi. Lại đứa con còn nhỏ, lúc nào cũng đeo lấy anh. Ai thấy cũng thương thương…Phần tôi, lúc ấy như kẻ chết đuối vớ phải cọc. Anh ngỏ lời và tôi đã bằng lòng làm vợ anh không chút đắn đo suy tính. Và, cậu ơi! Tôi đâu ngờ được, ngay trên đầu tôi, một đám mây đen hình thù quái gở đang ùn ùn kéo đến. Hạnh phúc chỉ đến với tôi bằng những quan hệ thông thường là tình cảm vợ chồng, trong khi cái quý nhất, cần nhất cho cả hai người là việc làm lại không có. Việc làm khi ấy cần thiết lắm! Những ai đã từng bị sa thải, bị buộc thôi việc, không có việc gì làm để sinh sống nữa, mới thấy việc làm quý giá như thế nào. Người ta có thể cho nhau tình cảm, cho nhau tiền của, nhưng việc làm thì đã mấy ai cho nhau. Ai cũng tự chạy vạy, bươn chải, hy vọng tự tìm lấy một công việc gì đó cho mình. Nhưng biết tìm đâu và phải làm gì. Trong khi đó, quanh chúng tôi, biết bao là cảnh đời nhố nhăng, nghịch mắt đang hàng ngày diễn ra. Cậu ơi! Cuộc sống không việc làm đã đẩy chồng tôi đến bờ vực của tệ nạn rượu chè, cờ bạc. Anh không những không làm ra được đồng bạc nào, mà trái lại, có chút đồ đạc gì trong nhà, cả áo quần của tôi, anh đem đi bán sạch, tiêu khiển vào những trò vô nghĩa. Sáng anh ra đi, tối anh về ngủ, bất chấp mọi sự dỗi hờn, khuyên ngăn, trách móc của tôi. Vậy là tôi đã tự tròng dây vào cổ, trở thành kẻ tôi tớ cho cha con anh. Nói như vậy, không có nghĩa là tôi ghét bỏ con bé đâu. Ngược lại, tôi thương cháu vô cùng. Ngày ngày, tôi gửi cháu cho một người quen rồi đạp xe đi bán kem, kiếm tiền nuôi tôi và nuôi cháu. Cuộc sống cứ vậy trôi qua. Cho đến một hôm, chồng tôi ra đi rồi không trở về nữa. Tôi vừa giận vừa nóng lòng đợi anh về. Một ngày rồi hai ngày, một tuần rồi hai tuần trôi qua. Đến giữa tuần thứ ba, vào một đêm khi hai mẹ con tôi đã ôm nhau ngủ ngon thì có chiếc mô tô của công an phóng tới. Họ báo tin, chồng tôi do uống rượu quá say nên ngã xuống sông chết từ hôm kia. Nhận được tin, tôi lặng thinh không khóc được chút nào. Hình như trái tim tôi đã chai sạn đi, nó không còn đủ sức rung động, khi mà lẽ ra, những tin sét đánh như thế, sẽ bắt tôi phải nằm lăn ra mà cào cấu, mà khóc lóc. Nói cậu đừng cười, chồng chết mà không buồn, không khóc thì có hoạ là người vô tâm. Nhưng quả thật thế. Tôi cũng không hiểu tại sao khi ấy, tôi lại có thể như thế được. Ngay sáng hôm sau, tôi bế cháu, lần theo tấm sơ đồ của các anh công an để lại, tìm đến ngôi mộ của anh. Tôi đặt lên mộ anh nải chuối, đĩa xôi, quả trứng và thắp lên cây nến và mấy nén hương. Hai mẹ con tôi quỳ xuống trước mộ anh. Tôi bảo cháu lạy ba lạy. Cháu vừa lạy vừa tròn xoe mắt nhìn những chiếc thuyền đang đi lại dưới sông, ra vẻ thích thú lắm. Nhìn cháu, tôi đau thắt ruột, thắt gan. Tôi thụp lạy anh ba lạy và thì thầm nói với anh: “Anh Cần ơi! Tôi không đủ sức để khóc anh được nữa rồi. Tôi đau đớn vô cùng nhưng cố nén. Còn chút sức nào tôi để dành cho bé Hương con anh. Anh ơi! Anh cho phép tôi được nuôi cháu, để cháu mãi mãi sống bên tôi. Tôi hứa với anh sẽ nuôi cháu nên người…”. Trở về, tôi thu dọn đồ đạc, bán cái nhà tạm bằng gỗ cao su, thêm ít thứ lặt vặt được gần chỉ vàng, rồi bế con ra đường cái đón xe. Đến lúc này thì tôi không thể nhịn được nữa. Tôi oà khóc, khóc to, khóc nức nở. Vừa bế con, đi tôi vừa ngoái đầu nhìn lại. Trước mặt tôi, sau lưng tôi, bên phải, bên trái tôi là cả một rừng cao su trập trùng, bát ngát. Phải! Tôi đã khóc, khóc rất nhiều khi biết rằng tôi sẽ phải xa nơi này mãi mãi. Mảnh đất, con người, cây cao su, mấy năm qua đã gắn bó cùng tôi. Khóc, vì nơi đây, những người thân yêu nhất của đời tôi đã bỏ tôi mà đi”.

 Chị Liên thút thít khóc, nước mắt ràn rụa trên má. Bé Hương vẫn ngồi yên trong lòng chị. Khi thấy chị khóc, nó ngọ nguậy, ngửa mặt lên, tròn xoe mắt nhìn chị. Chị ôm chặt con vào lòng, cúi xuống hôn lên trán nó. Tôi thở dài, lấy thuốc châm lửa hút. Tôi biết lúc này, chỉ có điếu thuốc mới làm tôi bình tâm lại, nguôi ngoai nỗi bức xúc đang dồn nén trong lòng. “Cậu thấy đấy, mẹ nó thì thế, cha nó thì thế, nó còn có ai trên đời này nữa. Tôi xem nó như con chứ bỏ đi sao được. Vả lại, ngày ấy nó cũng mến tôi lắm! Còn bây giờ, cậu Hà ạ! Tôi không thể sống thiếu cháu được nữa rồi. Đời tôi, trời đã không cho được làm vợ, làm mẹ, cuộc sống không ra hồn cuộc sống. Nhưng trời đã ưu đãi cho tôi một diễm phúc lớn là gặp nó, để nó là niềm vui, lẽ sống của đời tôi”. Chị Liên im lặng, chớp chớp mắt. Tôi bồi hồi nói với chị: “Tôi không ngờ đời chị nhiều khổ đau đến thế. Nhưng tôi không hiểu sao chị lại có đủ sức mạnh và lòng tin để vượt qua. Tôi phải có bổn phận giúp mọi người hiểu chị như tôi. Và tôi tin khi ấy, những ai từng đặt điều cho chị, hiểu sai về chị sẽ phải ân hận, dằn vặt”. Tôi dắt bé Hương đứng dậy, cùng chị Liên rảo bước về làng. Tôi hỏi chị: “Nghe nói chị sắp làm nhà phải không?”. Chị “à” một tiếng, nói với tôi giọng buồn buồn: “Không làm nhà thì làm sao ở mãi với chị ấy được hả cậu? Hôm nay chuyện này, ngày mai chuyện khác. Chung quy cũng là bởi miếng cơm manh áo cả. Chị em mà cứ lục đục hoài làng xóm họ cười cho. Thôi thì tôi cũng làm lấy cái nhà tôi ở, khỏi phiền luỵ ai, lại đỡ mang tiếng là ăn nhờ ở đậu. Có phải thế không cậu?”.

Mẹ con chị Liên dọn ra ở riêng đã được hơn một năm. Bé Hương đã học xong lớp một, sắp sửa vào lớp hai. Nó học giỏi, lại ngoan và luôn giúp mẹ những việc nó có thể làm được. Chị Liên không đủ sức nhận ruộng khoán để làm, đành phải đi làm thuê, mót hái, chạy chợ, kiếm ăn qua ngày. Cuộc sống hai mẹ con chị cứ vậy ngày tháng trôi qua, chẳng ai để ý đến nữa. Ngày nay, sống theo cơ chế thị trường, kiểu sống xô bồ, lạnh lùng và khắc nghiệt quá! Nhà nhà đua nhau làm giàu. Người người đua nhau làm giàu. Nhà nào lo phận nhà ấy. Người nào lo phận người ấy. Tình đồng loại, tình láng giềng, cả tình ruột thịt nữa, cứ tạm thời quên đi đã. Những người có tuổi ở làng Cổ vẫn nhớ rằng: làng Cổ ngày trước nghèo khổ lắm, lại chiến tranh bom đạn mà cuộc sống vẫn ấm áp tình người. Một gia đình đói khổ, một người ốm đau… được sự quan tâm của cả làng. Người ta nhường nhịn, san sẻ cho nhau từ chén cơm, manh áo, đến viên thuốc còn sót lại trong nhà. Người ta sống với nhau, đối xử với nhau có tình, có nghĩa, có trước có sau, lấy đạo nghĩa làm trọng. Nhà này qua nhà khác, xóm này qua xóm khác, mọi người sống với nhau êm ấm, thuận hoà. Một người đi xa, dù sống nơi phồn hoa đô hội, giàu sang, phú quý vẫn thèm cái không khí mộc mạc, thân tình của quê hương, vẫn nhớ về quê hương và mong ngày trở lại. Ở nơi xa, chị Liên vấp phải cảnh ngộ éo le, không thể sống nổi, phải tìm lối thoát thân. Lối thoát ấy là chị nghĩ đến quê hương và tìm về với quê hương. Phải! Chị đã về với quê hương. Nhưng quê hương đâu còn như ngày xưa nữa! Chị Liên ơi! Đời chị đã khổ nhiều rồi và giờ đây vẫn còn khổ nữa. Nhưng cũng may, trời cho chị sức vóc không bằng ai, nhưng ít ốm đau. Những khi trái nắng trở trời, cúm cảm qua loa, chị lại gượng dậy chạy vạy, làm lụng nuôi mình nuôi con. Chị vẫn thường nói với tôi rằng, đó là tại số chị như thế, chứ biết than thở cùng ai và biết làm sao. Tôi thấy chị già và gầy đi nhanh quá! Mỗi lần gặp lại có cảm tưởng chị già và gầy thêm. Trán chị hằn sâu những nếp nhăn và mái tóc do dãi nắng dầm sương cứ đỏ quạch lại và rụng dần. Duy chỉ có đôi mắt là vẫn trẻ trung, dù thời gian với những thương đau, vất vả cũng không thể làm vẩn đục được. Khi buồn cũng như khi vui, đôi mắt ấy vẫn lấp lánh toả ra những tia sáng dịu hiền như mắt trẻ thơ.

N.N.C

 

Nguyễn Ngọc Chiến
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 171 tháng 12/2008

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

08/05

25° - 27°

Mưa

09/05

24° - 26°

Mưa

10/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground