Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Dòng sông lung linh

M

ột vài cành liễu rũ xuống buông mành, những chiếc ghế mây yểu điệu, tiếng nhạc Trịnh Công Sơn dịu dàng, xa vắng, khung cửa sổ với chấn song sơn mầu trắng và rèm hồng bay nhè nhẹ hướng thẳng ra cánh đồng xanh ngút mắt khước từ tất cả những âm thanh chát chúa, ồn ả ngoài phố lớn vọng vào... khiến Thuỳ cảm thấy thật dễ chịu yên bình và có thể ngồi lặng lẽ ở quán cà fe ở ngoại ô thị xã này hàng giờ liền.

Thuỳ vẫn tự hào là ngay tại quê nhà Thuỳ vẫn có một nơi chốn y hệt như quán cà fe ngày xưa để đi về sau những giây phút mệt nhọc. ớ đó Thuỳ có thể thẩn thờ gặm nhấm kỷ niệm cũ, mường tượng đến ngày đầu gặp Lâm, mái tóc bồng bềnh, nước da nâu sáng, nụ cười sáng trưng cả căn phòng mùa đông. Giữa thời buổi cả Hà Nội đang sôi lên với những Rock, Rạp, Hit hop, bọn trẻ tóc vàng, áo dây điên cả lên với Bi Rain và Kim thì Lâm với nàng lại rẽ vào quán ca fe nằm khuất nẻo ở góc phố Nguyễn Chí Thanh, phiêu diêu theo tiếng dương cầm thánh thót làm bừng sáng lên giai điệu của Diễm xưa, Hạ trắng hay Đôi bờ và Chiều Matxcơva: . . để lũ bạn học la lối mãi là hai kẻ cổ điển còn sót lại của Hà Nội. Và bây giờ cũng vậy, thay vì những quán cà fe bờ sông lồng lộng gió ồn ào và tươi trẻ, Thuỳ lại ở đây, lặng đếm những khoảng thời gian trôi qua chầm chậm ở thị xã nhỏ, chưa đi đã hết, loanh quanh vài con phố . . .

Thuỳ vẫn còn nhớ như in lần đầu lúng túng như gà mắc tóc khi bước vào ngôi biệt thự nhà Lâm ở Làng quốc tế Thăng Long. Một toà biệt thự đồ sộ, kiểu cách lạnh lùng, ám ảnh và đe doạ những người bình dân, tỉnh lẻ.

Mẹ Lâm nhìn lướt qua nàng: Nghe Lâm bảo, chị ở tít tận miền Trung, Quảng gì gì đó phải không? à, có phải cái vùng bão lũ, hạn hán, truyền hình thường kêu gọi trợ cấp, quyên góp ấy không?

Từ phút đầu tiên ấy, Thuỳ đã thấy ngôi biệt thự đồ sộ với những vật dụng cầu kỳ và đắt tiền, kể cả khuôn viên nhỏ tràn ngập màu xanh hoa lá và vòi phun nước li ti mát lạnh kia... đương nhiên là chốn không phải dành cho mình.

Mà lạ thật cơ, nhà này sao lại cứ có duyên với cái vùng quê trong ấy đến thế. Ông nhà ngày xưa cũng chiến đấu ở Thành Cổ. Nhìn tấm hình ông ấy chụp cạnh mấy ngôi nhà ngổn ngang, đổ vỡ mà cứ hãi cả người. Khiếp thật, khổ thế mà người ta cũng sống được đấy, chị nhỉ ?

Thuỳ mỉm cười, một nụ cười méo xệch và suốt cả tuần sau đó cứ lan man một ý nghĩ rất buồn cười là ngày ấy, tức là cái thời mà thị xã nhỏ bé của Thuỳ chìm trong bão lửa của bom đạn, người đàn bà mỹ miều và béo tốt này đang ở đâu? Một phố sầm uất bán buôn ở Hà Nội hay là một khu phố rực tràn ánh sáng ở Mátxcơ va hay đại loại như thế ở Ba Lan, Tiệp Khắc... Và cũng dễ hiểu thôi nếu bà cảm thấy ghê sợ khi nghe nhắc đến vùng đất mà mỗi địa danh đều gắn liền với chiến tranh, mất mát, giờ thì gắn với thiên tai và khó nghèo... Khi đó, Thuỳ đã thương da diết, lạ kỳ những con phố buồn, thường xuyên ngủ sớm của thị xã quê hương, thương cái chộn rộn của người dân quê khi mùa lũ tới, cả gió Lào ràn rạt và cái nắng ong ong làm cháy da người những buổi trưa hè... ớ đấy, mẹ Thuỳ vẫn ngày ngày lầm lụi, chắt chiu những đồng tiền qua từng buổi chợ, lo cho Thuỳ ăn học và chờ Thuỳ trở về...

Những cơn mưa triền miên, đen đặc ào ạt trút xuống từ ngày này sang ngày khác biến khu vực Thành Cổ trở thành một vùng nước ngập ngụa, mênh mông. Hào giao thông lênh láng nhầy nhụa, từng căn hầm ẩm ướt và những đợt pháo kích triền miên của địch khiến Cường cảm thấy thật khó chịu và bức bối. Nhận được lệnh sang bờ Bắc Sông Thạch Hãn thực thi nhiệm vụ, Cường như cánh chim sổ lồng nhưng giờ đây, khi đứng trước con sông ào ạt trắng xoá mùa lũ, Cường thoáng rùng mình.

Hít thật sâu để lấy tinh thần, Cường nhảy vội lên thuyền. Thuyền từ từ rời bến. Giữa dòng nước đục ngầu chảy xiết xoáy, dữ dằn và cơ man rác rưởi, gỗ mục, cây rừng, rắn rết trôi bập bềnh, con thuyền nan của Cường chẳng khác gì chiếc lá yếu ớt mong manh trước gió bão. Cường căng người điều khiển mái chèo, hướng con thuyền về phía bờ bên kia nhưng những cơn gió ào ạt cứ chực kéo con thuyền ngược trở lại. Mưa dằn dữ liên tiếp quất thẳng vào mặt làm Cường tê rát, tím bầm. Cường cố gồng mình để át đi cái giá buốt đang tràn dần, tràn dần đến từng luồng da, thớ thịt thì bất chợt, một luồng gió mạnh, lạnh lẽo tạt rít qua mặt. Con thuyền của Cường xoay tít, chồng chềnh, nghiêng ngả và đột ngột lật úp xuống.

Khi Cường kịp hiểu ra cái gì đang xảy ra với mình thì thuyền của Cường đã bị dòng nước dữ dằn nhấn chìm và trôi về phía xa còn Cường thì chới với, cô độc giữa dòng nước mênh mang, đục ngầu, cuồn cuộn. Thân thể Cường bị dòng nước cuốn tuột đi, vô định như một cái chong chóng, nổi lên, chìm xuống, va đập vào mọi thứ vật cản khiến toàn thân anh đứ nhừ, rời rã. Càng lúc dòng nước càng chảy xiết. Cường chới với, thu hết sức lực thét lớn: Có ai không, cứu, cứu với...

Đáp lại Cường chỉ là màn mưa mù trời và thông thốc gió. Lại một con nước xoáy mạnh, dâng tràn, đầu Cường bị nhấn chìm xuống dòng sông lạnh lẽo. Cơ man nước ồng ộc chảy vào mồm, vào mũi khiến Cường choáng váng, cạn kiệt sức lực. Cường bắt đầu cảm thấy tuyệt vọng. Đã trải qua biết bao trận bom vùi đạn dập trải qua bao cuộc chiến cân não trên từng góc phố Cổ Thành, chẳng lẽ bây giờ Cường lại phải từ giã cuộc sống này một cách ngớ ngẩn, đáng tiếc như thế này hay sao? Sẽ chẳng còn gặp lại đồng đội, bạn bè và Hà Nội với những góc phố và mái nhà rêu phong thân quen. Cả bóng dáng người mẹ hiền từ, đôi mắt buồn thăm thẳm ngày tiễn Cường vào Nam ở ga Hàng Cỏ... Cường nhắm nghiền mắt lại, một giọt lệ bất chợt chảy xuống môi mặn chát. Thôi đành buông xuôi cho số phận Cường thở dài, để mặc thân thể mình trôi theo dòng nước.

Trong cơn mê man, tuyệt vọng, bất chợt, có một vật gì đập mạnh vào người cùng tiếng thét đanh gọn “Anh gì ơi, nắm chặt lấy, nhanh lên?'. Theo phản xạ tự nhiên, Cường gồng mình, lấy hết sức bình sinh với tay nắm chặt lấy que gỗ đang chìa ra trước mặt. Một bóng người lờ mờ ngồi trên chiếc thuyền nan đang cố sức kéo dần, kéo dần Cường về phía mình...

Cường không biết mình đã mê man mấy tiếng đồng hồ. Khi tỉnh dậy, Cường nhận ra vây quanh thân thể là một tấm chăn ấm áp thơm tho. Có tiếng chân bước khẽ khàng và một bà mẹ già âu yếm nhìn Cường, reo lên mừng rỡ: Rứa là con đã tỉnh lại rồi. Con nằm đây để mạ đi lấy cái chi cho con ăn.

Nhưng tại sao con lại ở đây?

Bà mẹ nhìn Cường dịu dàng: Con bị trôi giữa dòng nước xiết. Con Huyền du kích đã cứu và đưa con đến đây. Vì bận công việc nó đã đi mất rồi. à, nó có gửi lại cho con cái này.

Cường run run đỡ lấy tờ giấy nhàu nát với những dòng chữ viết vội. "Em là Diệu Huyền du kích Thành Cổ, gửi tặng anh bức hình này để nếu có duyên gặp lại, anh còn biết mà nhận mặt”... Cường run run cầm tấm hình đen trắng nhìn chăm chắm. Trong bức ảnh, một thiếu nữ tầm mười sáu, mười bảy tuổi, mái tóc thề chớm vai, nụ cười nhếch môi kiêu kỳ, đôi mắt nhung đen láy, long lanh như đang nhìn Cường dò hỏi điều gì.

Nó là nữ sinh Nguyễn Hoàng đó. Trông yếu liễu đào tơ vậy nhưng khá lắm. Quyết không chịu đi sơ tán, ở lại Thành Cổ làm du kích... Cường nắm chặt tấm hình và tờ giấy nhàu nát như một báu vật, rưng rưng đặt lên ngực mình. Ngoài kia, cơn mưa Cổ Thành đã tạnh. Những hạt nắng đầu tiên đã le lói, ngỡ ngàng đùa vui trên cành cây xanh non, lộc biếc...

*  *  *

Lâm bảo, mẹ Lâm có chuyện rất gấp muốn gặp Thuỳ. Gặp Thuỳ ư? Nhưng giữa người đàn bà kiểu cách, khinh khỉnh kia và Thuỳ thì còn có việc gì nữa để gặp nhau, lại còn rất khẩn thiết. Nhất là khi sợi dây nối là mối quan hệ giữa Lâm và Thuỳ đã bị bà thô bạo cắt đứt, bằng cái nhún vai rất đầm và giọng nói rin rít qua kẽ răng:

Chị và Lâm quan hệ theo kiểu bạn bè thì được chứ đừng có nghĩ chuyện gì xa xôi đấy nhé. Không hợp nhau đâu. Lâm chỉ chờ Lệ Chi con gái ông Thứ trưởng đi du học về nước là cưới thôi. Thuỳ đã nhìn bà với đôi mắt trong suốt, không khẩn cầu. Thuỳ quá yêu Lâm nhưng thừa thông minh để hiểu, đối với người đàn bà này, sự giải bày, van xin, thậm chí khóc lóc sẽ chẳng đem lại kết quả gì, ngoài thêm sự ê chề cho bản thân.

Mẹ anh gặp em gấp vì điều gì? Thuỳ nhìn Lâm. Giọng Lâm bồi hồi, đau đáu: Hay là mẹ đã đổi ý?

Người đàn bà quyền uy, sang giàu xúng xính trong chiếc váy đầm sặc sỡ ,dáng đi uốn éo như múa, bước xuống cầu thang. Chị ngồi xuống cho tôi hỏi tí việc. Có thể là hơi thiếu lịch lãm và không phải phép, nhưng... mẹ của chị ở trong đó tên là gì, có phải là... Diệu Huyền không?

Thuỳ ngỡ ngàng nhìn người đàn bà. Nhưng cô cần biết tên mẹ cháu để làm gì?

Người đàn bà bất chợt đứng dậy, gay gắt: Chị không muốn trả lời cho tôi à, hay là sợ ? Giả dối, lừa lọc, chị lừa thằng Lâm thì được, chứ đừng hòng qua được mặt tôi chuyện đó còn khó hơn lên giời.

Thuỳ đứng chết trân. Nhưng cháu đã lừa cô và anh Lâm về điều gì cơ chứ?

Đến bây giờ mà vẫn còn già miệng được nữa cơ à? Chị mở to mắt xem đây này?

Người đàn bà vừa nói vừa quẳng mạnh tấm ảnh xuống trước mặt Thuỳ- một bức ảnh đen trắng cháy sém. Trong ảnh, cô gái có mái tóc thề ngang vai, khuôn mặt giống Thuỳ như tạc đang kiêu kỳ nhếch môi cười.

Thuỳ run run lật ra đằng sau. Trên tấm giấy ảnh đã ngả màu vàng ố vì thời gian là dòng chữ bay bướm: Để anh nhớ mãi những ngày ở Cổ Thành... Diệu Huyền.

Thuỳ thở phào, khẽ khàng đưa tấm ảnh về phía mẹ Lâm, phân bua:

Nhưng mẹ cháu đâu phải là Diệu Huyền... cô nhầm mất rồi. Cô có còn muốn hỏi cháu điều gì nữa không? Cháu xin phép phải về, có chút việc gấp.

Người đàn bà bỗng chồm lên như một con thú dữ vồ mồi, rịt chặt lấy tay Thuỳ như sợ Thuỳ biến mất, mắt nhìn Thuỳ long sòng sọc: Chị đừng nói dối, chị không dám nhìn thẳng vào sự thật phải không? Chị có trả lời cho tôi hay không thì bảo, để tôi còn liệu?

Thuỳ lặng người tê tái. Máu nóng bốc lên mặt, Thuỳ gỡ nhẹ tay mẹ Lâm, lạnh lùng, rành rọt: Cháu không nghĩ cô lại xử sự như vậy, cô không tin cháu thì thôi, không nên dở giọng đe doạ, mọi chuyện đâu sẽ còn có đó cơ mà.

Người đàn bà dường như tỉnh khỏi cơn mê muội, lùi lại, thở hắt khó nhọc sượng sùng nhìn Thuỳ, giọng chùng xuống: Chị nói thật đi, tôi không thể sống được trong tình trạng sự việc trắng đen còn lẫn lộn. Suốt mấy chục năm, ông ấy bao giờ cũng chung thuỷ, quyết không phải là người trăng hoa.

Vậy mà từ khi cô bước chân vào ngôi nhà này, ông ấy như bị ma ám, ăn không ngon, ngủ không yên. Cuối cùng, tôi đã phát hiện ông ấy một mình trong phòng, nhìn trân trối vào bức hình này, lại còn ấp vào ngực lẩm nhẩm, thì thầm. Là phụ nữ với nhau, chị phải thương và thông cảm cho tôi. Chị nói thật đi, có phải mẹ chị sai chị đến đây tìm cha không? Mà tại sao đã thế chị lại còn bày trò yêu đương với thằng Lâm làm gì?

Thuỳ đưa tay nắm khẽ vào vai người đàn bà: Cháu nói rất thật, mẹ cháu không phải là Diệu Huyền, mẹ cháu tên là Lan. Cô đừng nghi oan cho chú ấy mà tội nghiệp, chúc gia đình cô hạnh phúc...

*  *  *

Nhật ký của Cường:

Hà Nội ngày hai mươi nhăm, tháng... năm...

Chẳng lẽ cho đến tận cuối dời mình sẽ không đuốc gặp lại Diệu Huyền? Ngay sau ngày miền Nam giải phóng mình đã trở lại Thành Cổ, và đã trở lại đó không biết bao nhiêu lần nhưng Huyền vẫn biệt vô âm tín. Hôm gặp cô bé Thuỳ vừa nhìn khuôn mặt, tim mình đã như muốn nhảy tung ra khỏi lồng ngực. Lạy trời, trời đã thương và đưa đường chỉ lối để bé Thuỳ đến đây, sợi dây nối để ta gặp lại Diệu Huyền đó ư? Nhưng tất cả đều không phải như mình tưởng tựơng. Thuỳ không phải là con gái của Diệu Huyền. Con gái Thành Cổ, da trắng, tóc dài, thiếu gì nhũng ngừơi giống nhau. Mà cũng chỉ tại mình hay cả nghĩ nên nhầm lẫn vậy thôi. Thành Cổ khốc liệt, máu lửa ngút trời, lại trải qua mấy chục năm vật đổi sao dời làm sao mà tìm đựơc một ngừơi con gái chưa hề nhìn rõ mặt giữa dâu bể cuộc đời...

Hà nội đêm nay trời trở gió. Bên kia vợ mình vẫn ngủ ngon khuôn mặt thật thanh thản, đáng yêu. Đêm qua, cô ấy đã thổn thức, đã dằn vặt nhiều khi nghe mình kể hết mọi chuyện.

- Em dã hiểu tất cả rồi em thật có lỗi với anh với Huyền và cả Lâm, Thuỳ nữa. Em là người sinh ra trong may mắn, ấm êm. Giữa cơn bão lửa ác liệt của cuộc chiến em đang di du học ở nước ngoài. Khi quê hương vẫn còn nhiều nơi lam lũ em vẫn chưa biết đến khổ sở là gì. Em thật là người ích kỷ. Nhiều lúc, cứ tưởng bỏ ra vài trăm nghìn đồng hỗ trợ nơi này, nơi khác đã thấy mình là người tử tế. Thậm chí dù chẳng thiếu thốn gì nhung khi công đoàn Cơ quan trừ mấy ngày lương ủng hộ đồng bào của mình trong lúc khốn khó, em đã rên rỉ như người bị mất của. Em thật không xứng đáng với anh.

Trời lại đổ mưa rồi đấy, không biết trong đó lũ đã về chưa ? Mà lạ thật, không hiểu tại sao, khi nghĩ về Thành Cổ, về dòng sông Thạch Hãn, mình rất ít khi nghĩ đến những ngày chiến tranh với các con đường vụn vỡ, hoang tàn, kể cả dòng sông dữ dằn suýt nhấn chìm mình trong cơn cuồng nộ... Chỉ miên man mãi về một thị xã với dòng sông lung linh tràn ngập ánh đèn màu, và trên một nẻo đường nào đó thật êm đềm của thị xã, Huyền vẫn chờ mình trở về với đôi mắt nhung đen thăm thẳm, nụ cười nhếch môi kiêu kỳ mái tóc thề ngang vai bay tung trong gió nồm nam rười rượi mát. ...

 

P.M.Q

 

 

 

Phạm Minh Quốc
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 152 tháng 05/2007

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground