Gió làm những chiếc lá cọ vào nhau như thì thào, sự yên ắng giữa đêm hè nghe được cả tiếng côn trùng thở. Tiếng súng trường của địch bất ngờ bắn nhát khỉ từng đợt khi chúng càn quét, xé toang thời khắc yên tĩnh về đêm. Sơn nhìn về bên kia sông, một vùng đệm phi quân sự tĩnh lặng, chỉ có ánh trăng ngà lờ nhờ lạnh lẽo. Anh ngồi nép mình vào gốc cây duối, thả hồn nhìn ra mặt sông lấp lánh. Đến giờ, anh vội ôm khẩu AK luồn theo mép bờ ruộng. Đất để hoang mùa hạ khô và bằng phẳng như sân bóng, lạo xạo toóc rạ. Đến sát làng, anh nín thở nhìn qua bờ dậu nghe ngóng. Bên trong tối thui. Đó là nhà của mạ.
Từ ngày tập kết đến giờ đã mấy lần anh vượt tuyến, lần này nữa… Tất cả đều im lặng, rợn người, không một âm thanh của côn trùng cựa quậy. Chợt có tiếng động khẽ phía gốc vườn, là chuột, chồn chạy, hay là… linh tính mách bảo có chuyện chẳng lành. Sơn cảnh giác rút ra theo lối sau. Vài tiếng bước chân. Bị mai phục rồi - Sơn nghĩ nhanh, cầm quả lựu đạn sẵn sàng rút chốt. Phía trước, phía sau đều có tiếng di chuyển. Ánh đèn bật sáng chiếu về phía anh: “Đứng lại, bỏ súng xuống”. Sơn tung lựu đạn về phía ánh đèn, lao sang vườn nhà bên lọt vào bóng tối, để lại tiếng nổ, ánh đèn rọi xuyên qua lớp bụi vừa bung lên, tiếng hô: Bắt sống!
Quá quen thuộc với đường rút, Sơn vừa chạy vừa quạt lui mấy tràng đạn kìm chân địch. Một loạt M16 xéo trong màn đêm, cánh tay anh chợt nhói lên tê điếng, anh vẫn chạy, vừa chạy vừa ôm vết thương nóng hổi máu. Viên đạn đã xuyên qua khuỷu tay trái, anh loạng choạng đến bờ sông, ném vũ khí vào lùm tre và nhảy xuống. Trên bờ những họng súng bắn theo như gieo hạt.
Anh dạt vào phiến đá, máu tươi hòa vào nước. Anh thiếp đi trong man mác của gió và ánh trăng nhàn nhạt cuối rằm…
Khi anh mở mắt, mặt trời xiên qua kẽ lá mờ mờ rồi tỏ dần khuôn mặt một cô gái đang lo lắng nhìn anh: “Tỉnh là tốt rồi, anh mất nhiều máu quá. Cố lên, chịu đau một tí tôi cõng anh vào trạm”. Sau lời nói đó, đôi tay thành thạo buộc thêm chiếc khăn tay bên ngoài miếng gạc để cầm máu. Rồi từng bước chân gấp gáp, lạo xạo trên con đường sỏi. Cơn gió dưới lòng sông mơn man như ru êm vết thương nhức nhối, ngực anh áp gần vào thân hình và bờ vai nhỏ nhắn. Cứ thế cô gái ngược dòng sông Hiền dìu anh tới bệnh viện dã chiến.
* * *
Thôn Tiên Nam cách hợp tác xã Tiền Phong gần một cây số về phía hạ nguồn và nằm trong khu phi quân sự đã được phân định bởi Hiệp định Genève. Mặc kệ hủy diệt của bom đạn, ở đó luôn tồn tại sự sống bởi rộn ràng tiếng nói cười của những cô y tá, nữ giao liên, của các o dân quân đang bám trụ với bệnh viện dã chiến. Gọi là bệnh viện chứ thực ra chỉ là trạm xá xinh xắn nép dưới tán cây rừng. Phía trước trạm, rặng tre men theo cánh đồng lồng lộng gió, tiếp đến là dòng sông lượn một cánh cung mềm ôm lấy ngôi làng.
Nhiều lần bom đạn dội xuống đây không chút hiền từ, mọi thứ bị xé tan hoang, rồi lặng dần. Tiếng nước lách chách lại vỗ vào mạn thuyền như tiếng cá mống về đêm. Trả lại đường nét của bao thôn nữ lấp ló đôi chân trần trên chiếc xuồng nan chúi mũi hái măng, vẳng lên tiếng bìm bịp bên kia vọng sang nghe vời vợi. Nơi cánh cung mềm của khúc sông, có cô giao liên kiêm y tá cứu thương - một thôn nữ mười bảy tuổi, nhận nhiệm vụ bám sát khu vực bến đá, phối hợp với quân chủ lực vận chuyển quân lương, vũ khí khi có chỉ thị cấp trên. Trai tráng ở làng ra mặt trận, còn lại đàn bà, con gái bám trụ tay cày tay súng. Ai ở bên dòng giới tuyến mới trực tiếp nhận nỗi niềm giằng xé bởi làng xóm, gia đình, chồng vợ… và cả dòng nước với cá tôm đều chịu cảnh vời vợi nỗi đau.
* * *
Một tuần rồi, Sơn đi ra đi vào trước thềm thanh vắng, ghi vào ký ức về hình ảnh cái trạm xá bằng tranh tre nứa lá nhưng mang dáng dấp một ngôi nhà thân thuộc này. Cũng có tường trét đất bện rơm, có cửa quanh nhà là những tấm lá cối xay phơi khô ghép lại, có thanh tre chống lên sập xuống. Mặt trước thì nguyên một khung lớn lá tranh, khi chống lên thành một cái mái hiên, khi sập xuống thì đó là đóng cửa chắn gió mưa. Ở đây, một con khướu đen cất tiếng hót là cả dàn âm thanh của chim chóc hòa âm lảnh lót. Mùa vàng rộ từ ngoài ruộng vô đến nhà, thi thoảng anh cúi đầu chào các cô chú trong hợp tác gánh lúa về, tối lại nghe tiếng gặt đập hối hả, vui tươi.
Vết thương anh bình phục, cô y tá đưa lại anh gói tư trang có lẫn vào chiếc khăn tay của người con gái, rồi tủm tỉm nói với anh: “Lo tìm người ta mà trả lại, mấy lần qua đây cô ấy đều hỏi thăm đấy!” Sơn nhìn chiếc khăn, bên góc có thêu chữ “Chiều” nét hoa, chợt thấp thoáng trong đầu khuôn mặt trái xoan cúi xuống gần anh băng bó, để rơi lọn tóc vương mùi bồ kết. Lòng anh rộn ràng, thôi thúc.
Tinh mơ Sơn chạy ra nơi bến đá vu vơ kiếm tìm “người ta”. Lối mòn dọc bờ sông mờ sương, thỉnh thoảng đầu ngọn lá tre non bị hạt sương níu xuống quệt lên má mát lạnh. Dưới lòng sông Hiền cũng đang chìm trong cơn ngái ngủ, lõm bõm âm thanh của mấy con ễnh ương hoảng hốt nhảy xuống. Anh chạy đến nhành cây lèng nghẹng, chùm hoa dẻ vươn theo bổ nghiêng ra mặt sông chín vàng, ngắt một bông để vào túi áo rồi bước xuống phiến đá.
Sơn ngồi xuống nhìn ra mặt sông, bồi hồi…
Đêm ấy gieo mình chìm xuống, đau rát. Họng súng chĩa xuống. Âm thanh xé nước. Đầu đạn liên tục sượt quanh. Một hơi dài, theo đáy sông trườn ra khỏi tọa độ vãi đạn của địch, gần hai phút sau anh trồi lên ở mạn dưới, nhẹ nhàng lấy hơi rồi lặn tiếp. Sang gần đến bờ, anh lả người vướng vào một ngọn tre oằn xuống, vít anh cập vào bến vắng vẻ. Cho đến khi gương mặt cô gái mờ mờ tỏ tỏ, cái bờ vai nhỏ, tiếng lạo xạo cố bước gấp gấp, mùi hương bồ kết êm êm… vớt lấy anh.
* * *

Minh họa: Trương Đình Dung
Bến đá, là vị trí bí mật để tổ chức vận chuyển vũ khí, quân, lương vượt tuyến, nên nhiệm vụ của Chiều phải theo dõi nghiêm ngặt, đề phòng bọn Việt gian, biệt kích phát hiện. Nghe tiếng bước chân, cô bồng súng đứng lên nhìn với lên bờ, nhận ra Sơn, cô trốn vào lùm cây theo dõi. Trò nghịch trong Chiều xuất hiện, cô lên đạn rồi nói dõng dạc:
- Ngồi im! Đưa tay lên! Tên thám báo!
Không giật mình, Sơn ngồi yên, làm theo. Trong hoàn cảnh Việt gian, thám báo đột kích phá hoại như bây giờ, nếu có động thái bất tuân thì rất dễ ăn đạn. Nhưng giữa chiến trường, tiếng con gái mà ra lệnh, hay dí nòng súng vào đầu thì vẫn dễ chịu hơn một thằng đàn ông. Anh hình dung sau lưng mình là cô gái rất trẻ, thậm chí rất dễ thương, mặc áo nâu chít hông, đang lăm lăm khẩu súng… Anh hồi hộp chờ khẩu lệnh tiếp theo, có thể chịu trói hoặc giơ tay đưa cao thế này rồi dẫn độ về gặp chỉ huy, mà trói thì hay hơn, vì trói xong rồi mình quay lại để được nhìn dáng thanh mai, xem cứng cỏi đến đâu mà khẩu lệnh đanh đến thế! Nghĩ vậy nhưng Sơn không dám đùa:
- Tui… Tui… Tui không phải là thám báo, cho tui quay mặt lại rồi tui giải thích!
- Vòng tay ra sau lưng!
Vẫn khẩu khí đó, căng hơn. Sơn nghe theo. Sợi dây dù quấn chặt hai cánh tay.
- Ngồi yên!
Sơn không dám nhúc nhích, bất ngờ anh bị bịt mắt bằng một dải vải tối sầm, động tác của cô gái nhanh đến nỗi anh chỉ nhận ra bàn tay nhỏ nhắn thoáng qua trước mặt, áp tấm khăn vào chỗ hốc mắt… vương lại một mùi hương mà thằng con trai không bao giờ có. Bịt mắt xong, cô tiến tới trước mặt anh, cơ hội ngắm thằng đàn ông như thế này cũng hay hay. Hắn cũng nhỏ con, nhỉnh hơn cô nửa gang tay. Nhưng dáng thẳng băng, không vẻ sợ sệt. Trên túi áo ngực trái cộm lên, phập phồng theo nhịp thở.
Chiều chợt lặng đi. Cô ngắm hắn mà lòng buồn vô hạn, nỗi buồn quen thuộc, rồi nghĩ dại: Thế này mà chết thì phí quá! Người mô cho ngạ trời! Một khoảng lặng nhói buốt, tưởng nhớ về những người trai mà Chiều đã từng chở qua dòng giới tuyến trong đêm rồi không thấy quay về.
Và thằng con trai này, ngày mai… Chiều nhìn mái đầu rễ tre hơi xoăn kiểu cứng đầu của hắn mà thương, mà muốn níu, muốn giữ lại!
Cô rắn rỏi: Anh làm chi ở đây?
- Tui tìm cô gái trả chiếc khăn - giọng hắn thành khẩn.
- Nói láo, làng này đàn ông ra tiền tuyến hết làm chi có chuyện trai gái mượn khăn nhau mà trả! - Giọng của cô quả quyết.
- Tui trong Nam tập kết ra, ở trên hợp tác xã Tiền Phong.
- Có chi làm chứng?
Hắn mừng rỡ: Có Có! Cởi trói tôi lấy cho.
Xót xa, không đành đùa thêm! Cô cởi trói, Sơn lấy chiếc khăn trong túi áo ngực, bông dẻ rơi ra.
- Đây, đây là chiếc khăn của cô ấy, có thêu cả tên, tui tìm trả lại!
Không để ý thứ hắn lấy ra, Chiều cúi nhặt bông dẻ đưa lên mũi, mặc kệ thằng trai dễ thương nhiệt tình giãi bày, kệ đôi tay của hắn nâng chiếc khăn đưa tới trước vẻ nâng niu, thành khẩn. Rồi cũng đến lúc hắn cảm nhận đôi tay con gái chạm vào da mặt, đó là động tác nhẹ nhàng tháo bịt mắt, xong rồi cô lùi lại đứng quay lưng. Trước mặt anh đúng là thanh mai có dải khăn rằn miền Nam buộc gọn gàng chỗ eo thon. Ngay tầm cổ áo, hai múi khăn tay như cánh bướm trắng buộc mái tóc rũ hờ, uốn cong lưng chừng rồi vắt qua bờ vai xõa về trước ngực, lộ chút làn da con gái trên cầu vai. Anh lại hình dung phía trước cũng là những nét thanh tú từ đôi mắt sáng, đôi môi mềm, mà khi xem anh là kẻ thù thì mắt quắc lên còn môi vẫn thốt lời đanh thép. Thế mà bây giờ ở khuôn trăng đó đang ngại ngùng, e ấp.
- Cô gái! Em là Chiều? - Anh tần ngần - Hay là của cô?
Chiều không trả lời mà đưa tay ra.
- Để tôi cầm về đưa cô ấy!
Giọng cô không còn đanh như khi dùng khẩu lệnh, mà nhẹ nhàng, trìu mến. Sơn say đắm với khuôn trăng và mơ màng như lúc Chiều cúi xuống băng bó cho anh. Nhưng bây giờ có cả nụ cười, trên mái tóc rung rinh bông chạc chìu trắng li ti. Anh lạc vào cõi mê cho tới khi tiếng Chiều đánh thức:
- Mà này, anh tên chi, vượt giới tuyến mần chi rứa? Anh không sợ bị nói chiêu hồi à.
Sơn đưa tay vuốt mặt như động tác thừa, vòng vo bằng câu chuyện: Tui là Sơn, cha bị bắt đi lính, lớn lên cùng với mạ, tui tưởng tập kết qua đây hai năm rồi về, nhưng khi bọn hắn phá Hiệp định, không qua lại được tui mới tự trốn đi rứa đó. Trước, bọn hắn chưa khóa tuyến, có một đôi lần tui về, có khi là hai, ba giờ sáng thì mạ vẫn chờ sẵn… Hôm nớ tui liều về vì ngày sau đội thuyền của Hợp tác nhận nhiệm vụ đưa hàng vượt giới tuyến vào chuẩn bị đánh Dốc Miếu, sợ không về nữa mạ chờ, tội!
Sơn tiếp tục kể, Chiều không còn nghe được nữa! Cô biết, những chuyến thuyền vượt giới tuyến, có đi ít về… Bao nhiêu lần cô đứng ở đây chờ. Cô chờ cho mình và chờ cho những người con gái nơi địa đầu đơn độc.
Chiều bước tới gần Sơn, sờ vào cánh tay đang băng cố định: Mà này, gan như anh được việc lắm đó, để tui nói với xã đội kết nạp anh làm trinh sát. Nghe thế, mặt Sơn vui hẳn lên nhưng rồi nụ cười cũng vụt tắt: Không được mô, ở miền Nam ra, được phân việc khác. Chiều nghe vậy thì hiểu chuyện và hình dung được nhiệm vụ nên động viên: Ừ, làm gì cũng được miễn là hoàn thành tốt.
* * *
Xuất phát! Đội trưởng truyền lệnh, dứt khoát, nhưng âm thanh chỉ rỉ tai qua một đồng chí gần nhất. Đêm tối không thấy rõ mặt ai, chỉ nghe từ phía mũi thuyền tiếng bìm bịp nhịp nhịp ba tiếng vọng xuống mặt sông, tức thì ba chiếc thuyền trong các lùm tre nhẹ nhàng khua nước trôi về phía Hiền Lương hướng đến sông Cánh Hòm. Chiều ngồi chiếc sau cùng với đầy đủ y cụ, bông băng, thuốc thang cần thiết. Trong màn đêm cô nhìn về phía trước, không biết Sơn có mặt trên chiếc thuyền số mấy, nhưng có lẽ là chiếc đầu tiên, vì anh nhận nhiệm vụ dò đường - nhiệm vụ này là do Chiều đề xuất với xã đội. Toàn bộ vũ khí đạn dược, chất nổ phải tập kết trước một giờ sáng ngày mai, cùng lúc bộ đội địa phương và chính quy tiếp nhận triển khai tập kích đồn Dốc Miếu…
Xong nhiệm vụ, đoàn thuyền đang rút ra cách sông Hiền chừng một cây số, khúc đó khá rộng, như một ngã ba trống trải. Sơn vào trước nhưng rút sau cùng. Ánh đèn pha từ Dốc Miếu quét từng lượt rõ như ban ngày, anh nín thở chờ thuyền của Chiều có xã đội trưởng đang chèo gấp qua nơi khoảng trống… Chợt anh nghe rào rào tiếng bước chân trên toóc rạ, phía đường quốc lộ có tiếng xe Jeep. Biết đường rút lui bị đuổi chặn, hối anh em rút nhanh ra trước, anh nhảy xuống khỏi thuyền lội ngược lại phía Dốc Miếu. Lùng léc quấn lấy chân trì lại. Một, hai, ba… nhiều tiếng chân đuổi theo, trước mặt cũng đã có tiếng động. Anh nhằm hướng bước chân quạt một tràng AK47 rồi lăn xuống mép bờ ruộng trườn khỏi điểm phát hỏa vừa xong. Anh chạy, chúng đuổi, đuổi càng rát càng tốt, chạy cho đến khi đoán chắc đội thuyền của ta lọt ra khỏi vòng vây anh mới nghĩ đến con mương chống úng. Áp tai vào bùn, anh nghe tiếng rút chân lên khỏi đất xoàm xoạp khá gần, tiếng cạch cạch. Nhoi lên khỏi bờ, chĩa súng về phía tiếng động, anh bóp cò “tạch, tạch, tạch”, có tiếng la ó gục xuống, tiếp theo là ánh đèn bật lên lộ rõ nơi anh nấp. Chúng tiến tới gần, anh lao lên…
Thuyền Chiều thoát ra khỏi vòng vây sau tiếng súng AK lẻ loi, rồi tiếng M16 của địch xé nát bờ mương chống úng.
* * *
Tôi cùng bà tìm về bến đá, nơi hình thành duyên nợ. Ánh trăng mùng chín cuối mùa hạ cũng ngừng trôi, treo lơ lửng đầu ngọn tre, hằn một chỗ khuyết tròn đen sâu thẳm cùng nền trời, cứ chơi vơi giữa một biển sao lấp lánh. Dải Ngân Hà cũng cạn kiệt, phơi lên những gợn trắng đục hình chú vịt bơi lạc lõng giữa dòng. Chùm dẻ phất phơ đổ bóng vằng vặc xuống mặt nước, gợi lại không gian trước thời khắc xuôi dòng vượt tuyến. Giọng hai người yếu dần không còn sức kháng cự. “...Đừng! Đừng, Chiều ơi! Anh không thể! Đừng! Dừng lại!… Lỡ anh không về, em báo cáo ra răng!”… Chiều im lặng, kiên quyết! Chỉ còn tiếng lào xào của gió quấn quýt, vuốt ve mặt nước, lòng sông cũng cuộn lên như ẩn ức lâu ngày tủi phận, rồi nước cứ trôi, mặc cho gió mơn man đến chút thoảng cuối cùng…
Đ.D.L