Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đứng dưới hoa đào

Ngày Tết ở cảng có gì vui không?

Tôi hỏi Thụ - cậu bạn học thuở cấp hai.

- Ngoài khối văn phòng trang trí hoa trái ra thì chẳng có gì vui cả. Tết chỉ ở nước mình mà, tàu vẫn cập cảng, làm hàng, bốc dỡ bình thường Vân ạ. Tết xa nhà buồn lắm, làm hàng xong lại lênh đênh khơi xa, sóng điện thoại lúc có lúc không. Thèm được về nhà, dẫu chỉ nằm trong chăn ngắm mưa phùn ngoài sân, nghe mẹ càm ràm hay đuổi gà đuổi vịt ngoài sân, nghe bố rít thuốc lào sòng sọc ngoài hiên cũng được.

Mắt Thụ như có khói, bạn học trong lớp thường kháo nhau, muốn nhớ đặc điểm của ai đó trong lớp thì hỏi tôi, tôi đặc biệt nhớ được hầu hết các bạn trong lớp dù gần ba mươi năm đã đi qua. Thụ ngày ấy cao ráo, răng khểnh, lúc nào cũng đội một chiếc mũ lưỡi trai màu trắng. Chúng tôi đã không gặp nhau suốt ngần ấy năm. Ra trường, thi thoảng dõi theo bạn cũ trên Facebook, tôi biết Thụ làm thủy thủ trên tàu viễn dương.

- Sau này, khi có dịp nhất định mình sẽ tìm đến nhà vợ cũ, hỏi cho rõ tại sao ngày ấy lại bỏ mình, ném mình ra khỏi cuộc đời cô ấy và con gái như ném một cái vỏ chai.

- Để làm gì cơ chứ? - Tôi hơi bất ngờ buột miệng hỏi.

- Để nguôi ngoai những canh cánh trong lòng suốt bao nhiêu năm qua Vân ạ. Mình còn nhớ, sau sáu tháng lênh đênh trên biển, mình về nhà, sau lưng lỉnh kỉnh quà cho vợ con. Hôm ấy giữa tháng giêng, trời rét lắm, mình chỉ ước về đến nhà thật nhanh, chui vào chăn ấm, rúc rích với vợ con, đón Tết hết tháng giêng cho thỏa. Vừa nhấn chuông thì cô ấy đã ném hết đồ đạc của mình ra ngoài đường, đóng sầm cửa lại, tay làm động tác đuổi đi. Đấy là nhà bố mẹ vợ, mình không còn cách nào khác là xách ba lô rời đi. Mấy tháng sau thủ tục ly hôn hoàn tất, cô ấy nuôi con.

- Nhưng cũng chẳng để làm gì Thụ ạ, đàn bà khi đã dứt áo thì khó lòng vá víu, có thể vì người ấy không chịu được cô đơn, có thể vì đã đợi mòn mỏi quá lâu rồi.

- Tớ cũng đâu có sung sướng gì, trên tàu có tiền không tiêu được, những ngày mới vào nghề, say sóng ói ra cả mật xanh mật vàng, phải xuống bếp xin cơm muối vừng ăn để nôn cho thơm. Ngày Tết chập chờn tín hiệu lõm bõm tin tức nước mình, nhiều lúc mình cảm thấy bị biển nuốt chửng, mình như biến mất, như vô nghĩa.

Minh họa: Trương Đình Dung

Minh họa: Trương Đình Dung

Ai cũng nói về bi kịch của mình thì hôn nhân đâu có lý do gì mà níu giữ. Khi người đàn ông ra biển mà người đàn bà không còn nhớ, không còn ngóng trông thì níu giữ mà làm gì.

- Cây đào trước cổng nhà Thụ còn không?

 Tôi hỏi sang chuyện khác vì sợ Thụ sẽ khóc, phố xá thì đông người qua thế này. Chúng tôi ngồi trong quán cà phê bên dưới một trung tâm thương mại.

- Còn chứ, Tết năm nào về quê mình cũng cắt cành tặng cho hàng xóm, với mình đào đẹp nhất là những ngày lác đác nở, xen lẫn lá xanh, khi ấy mưa bụi và sương giăng kín, mấy con gà xù lông đậu trên gốc đào ngơ ngác, con chó nhỏ ngồi ngoài cổng ngóng mình.

Trong trí nhớ của tôi, trước cổng nhà Thụ có cây đào già trổ hoa phủ đầy mái cổng, có cây nhãn đường phèn buông từng chùm quả ngọt sà cả ra đường, có khoảng sân gạch đỏ lúc nào mẹ Thụ cũng phơi gì đó, quanh sân là mấy chậu hoa sứ, hoa hồng được kê cao.

Thụ còn quê mà về, tôi thì không, quê đã xa xơ xa lắc từ ngày mẹ tôi rời cõi tạm. Tôi như cái cây không còn gốc, sông rạch không có nguồn. Mấy lần về quê, đứng tần ngần trước cổng nhà mình, mường tượng ra nơi từng là gian bếp bốn mùa mẹ ngồi trong khói, mảnh vườn xanh biếc có những cái cây được đặt tên, đàn lợn nằm sát vào nhau giữa mùa đông mà lông chúng vẫn dựng lên vì giá rét dù mẹ đã hun trấu vừa sưởi ấm vừa đuổi muỗi. Sau này khi gia đình tôi chuyển đi, tôi thường hỏi mẹ:

- Mẹ ơi, vườn nhà mình rộng thế sao mẹ không trồng lấy một cây đào?

Mẹ tôi trả lời mẹ chỉ nghĩ đến trồng gì nuôi gì để bữa cơm của các con đủ no. Chúng tôi lớn lên và đi xa khỏi đồng đất quê nhà bằng những thứ cha mẹ bòn trong vườn ngoài ruộng. Nhiều khi ngồi lại với nhau, những điều thế hệ chúng tôi trăn trở là những điều cha mẹ chưa từng nghĩ tới vì những năm dài đói mòn đói mỏi, vườn trồng toàn củ dong, củ mì để độn cơm. Mẹ của Thụ đã chờ cha suốt mấy chục năm cha đi kháng chiến. Khi cha ngoài năm mươi tuổi Thụ mới chào đời. Có lẽ vì thế Thụ không thể hiểu được vì sao người vợ cũ không thể đợi những chuyến tàu lênh đênh đến tận bờ Đông bờ Tây nước Mỹ.

Ngay ngã tư gần chỗ chúng tôi ngồi, người ta dựng một xe hoa vừa bán vừa cho những người thuê hoa để chụp ảnh. Mấy năm nay, rộ lên phong trào mặc áo dài chụp hình phố xá vào dịp Tết. Thụ nói:

- Mình mua tặng Vân một bó hồng nhé!

Tôi từ chối bởi chẳng phải dịp gì cả, tôi nói Thụ mua hoa tặng vợ thì hơn.

- Thế bây giờ Vân thích gì nào!

- Mình chỉ thích yên thân Thụ ạ. Yên thân nhìn con cái lớn lên, càng lớn tuổi niềm vui càng hiếm hoi lắm!

Có vài lần, qua điện thoại, Thụ kể cho tôi nghe những ngày sau ly hôn vợ, Thụ bỏ nghề thủy thủ, lên tận vùng cao mở homestay, ngày ngày săn mây, những dòng sông mây bồng bềnh trôi qua nhà. Những mùa vắng khách, chỉ có Thụ và mấy con chó trên đỉnh đồi, nhiều lần muốn nhắm mắt mà nghĩ quẩn giữa bồng bềnh trắng xốp. Vốn liếng đổ cả vào đấy rồi lưu lạc và bắt đầu lại từ con số không ở thành phố này. Từ làm thuê làm mướn rồi trở thành ông chủ có tiếng trong ngành vật tư công nghiệp. Thụ bây giờ ngồi trước mặt tôi, bệ vệ và già trước tuổi.

- Kể cho tớ nghe về vợ cậu bây giờ đi!

Thụ châm thuốc rồi thủng thẳng:

- Vợ mình là bạn học của cháu gái mình, ban đầu gia đình cô ấy phản đối ghê lắm. Bọn tớ chẳng có nổi một đám cưới, dẫn nhau đi đăng ký rồi rời khỏi quê hương. Vợ mình thì không khéo đâu Vân ạ, cũng không xinh đẹp, nhưng quý nhất là cô ấy đã ở bên mình trong những ngày mình trắng tay.

Thi thoảng Thụ vẫn gọi điện thoại hỏi tôi cho con uống sữa gì, học thêm tiếng Anh ở đâu, mối mua rau sạch online, cũng có khi hỏi chỗ mua hàng xách tay tặng vợ. Mỗi lần Thụ dẫn vợ con về quê thường chụp hình gửi qua Zalo cho tôi. Nào hình cả nhà quây quần rửa lá dong gói bánh, nào hoa đào lác đác nở trong mưa xuân, nào mẹ già ngủ quên bên bếp lửa. Thụ biết tôi nhớ quê, muốn san sẻ chút không khí ngày Tết ở quê nhà. Cũng thi thoảng Thụ gửi hình dẫn vợ con đi du lịch. Thụ bảo nhìn vào gia đình Thụ, con cái học trường quốc tế, tự do tài chính thế kia nhưng Thụ là người nghèo, nghèo vì không được lo cho cô con gái riêng, mỗi năm Tết đến bao giờ Thụ cũng chuẩn bị ba bao lì xì trong đó có một phong bao cho cô con gái, Thụ ghi cả lời nhắn gửi trong đó đợi có dịp mang đến cho con. Nhiều lần Thụ muốn gửi chu cấp nhưng vợ cũ không đồng ý. Cô ấy không muốn sau này con gái lớn lên giỏi giang xinh đẹp lại có người nhảy ra nhận họ hàng. Có những câu nói khoét thành những hố sâu mà cả đời người không bước qua được nữa. Kỷ niệm về con gái ít ỏi như niềm vui của gia đình nghèo.

- Sống cho thực tại, dù mình biết làm sao mà không day dứt cho được.

Tôi nói, giọng trượt đi như một hơi thở dài. Có lẽ Thụ làm điều đó tốt hơn tôi. Sống cho thực tại. Có những khoảng thời gian dài, tôi chìm vào nỗi đau của mình. Tôi mở chiếc hộp giữ tất cả những kỷ niệm về mẹ và ngồi vào trong đó, chiếc hộp ngày càng hẹp, ngột ngạt khiến tim tôi đau nhói.

- Nhanh thật nhỉ? Mới đó mà bọn mình đã ra trường được ba mươi năm, giờ ra đường toàn bị các cháu sinh viên gọi bằng dì bằng chú.

Giọng Thụ bỗng rổn rảng khác thường. Nhanh thật, mới ăn Tết xong rồi lại Tết. Thời gian cứ xếp chồng lên nhau. Mỗi năm Tết đến lại cho phép bản thân tha thứ cho mình chuyện của năm qua, nhưng rút cục chuyện của mấy chục năm vẫn không thể nào quên được. Năm tám mươi tuổi có lẽ vẫn thấy tuổi bảy mươi đã trôi qua thật ngớ ngẩn. Như Thụ lúc nào cũng canh cánh hỏi bằng được lý do người vợ trước đã bỏ mình. Và người vợ hiện tại đối diện thế nào với những điều chồng mình trăn trở. Không thể giấu giếm tâm trạng với một người phụ nữ. Nhất là khi người đó là vợ mình.

- Có những điều vẫn cần xếp lại, chuyện cơ duyên không ai nói trước được. Biết đâu con gái Thụ sẽ chủ động tìm cha.

Chúng tôi tạm biệt nhau khi chiều muộn, xe chở hoa đã rời đi vì tắt nắng chụp hình không đẹp nữa. Mấy hôm sau, khi đang lau dọn nhà cửa đón Tết thì Thụ gọi video, giữa sân nhà đồ đạc bày ra la liệt. Thụ và mấy ông anh đang cắt đôi một cái phi nước theo chiều dọc. Rồi Thụ khoe sẽ hàn bốn chân sắt thế này thế này, sẽ đặt lên một tấm lưới sắt, củi thì mẹ đã để dành suốt bốn mùa chất đầy một góc vườn. Cái lò nướng tự chế vừa có thể nướng thịt, vừa lùi ngô sắn và sưởi ấm như ngày còn bé. Nói rồi Thụ chạy ra phía cổng khoe đã chặt mấy cành đào chuẩn bị chia cho hàng xóm, hai cậu con trai cùng bà nội đang ngồi lau lá dong, vợ Thụ chắc đang lúi húi trong gian bếp. Tôi mừng cho Thụ còn quê, còn mẹ. Đời người mấy ai giữ được mọi thứ trong tay. Cái tôi còn là ký ức, còn trong những câu chuyện kể cho con cháu mình. Dù thế nào Tết vẫn phải vui.

Ngoài cửa có tiếng chuông, anh giao hàng vừa tháo cành đào huyền xuống vừa như than thở lại như tự hào cành đào to quá, đi đường ai cũng nhìn theo. Khi tôi dựng cành đào lên, hai đứa con tôi ào đến, rổn rảng nói “Cho con đứng dưới hoa đào”. Ở quê, chắc mấy đứa con của Thụ cũng đứng dưới cây đào già trong mưa xuân lác đác.

 

Bài viết in trên Cửa Việt số chuyên đề 16 - Mừng Xuân Ất Tỵ 

 

HOÀNG HIỀN

Mới nhất

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

2 Giờ trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

01/02/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Nhớ trò chơi dân gian đi cầu ngô

31/01/2025 lúc 22:41

Lễ hội là hiện tượng văn hóa tâm linh, là nơi giao hòa giữa thiêng và tục, giữa đạo và đời, giữa thần

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/02

25° - 27°

Mưa

07/02

24° - 26°

Mưa

08/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground