Đàn gà đã tản ra kiếm mồi ngoài vườn. Trong bếp nồi cơm đã bật nút, ấm nước sôi phì hơi bám lên bức tường nguệch ngoạc đầy nét vẽ trẻ con. Tuổi già đêm ngủ được là bao, tiếng chuột chạy trên mái nhà khiến ông Thái trở mình liên tục. Vợ mất, nằm nghe tiếng thạch sùng tặc lưỡi gọi nhau trên tường nhà lòng ông càng cảm thấy trống trải, cô đơn. Chỉ mong trời sáng nhanh, ông dậy làm việc nọ việc kia, đầu óc cũng bớt phần nghĩ ngợi. Thảo vừa bón cơm cho con, vừa hỏi vọng ra:
- Bố ăn sáng chưa ạ? Hôm qua loa thông báo chiều mới tổng vệ sinh, xới cỏ, nhặt rác ven đường tàu mà sao bố chêm cuốc sớm thế ạ?
- Bố ăn rồi. Tranh thủ chêm cho cả mấy bác hàng xóm, chiều chờ các cháu đi học về tập trung tại đây rồi đi luôn. Ôi giời! Chiều làm “chiến sĩ” dọn đường mà sao sáng vẫn để mẹ phải bón cơm thế kia hả Na ơi?
Bé Na cười ỏn ẻn, cơn ngái ngủ còn díu hai mí mắt. Mấy hôm nay bé Na cứ thẽ thọt xin ông cho đi theo các anh chị để dọn đường cho sạch đẹp. Lần nào ông cũng bảo:
- Người cháu bé như cái kẹo thế này nhổ sao được cỏ? Phải ăn khỏe vào mới vác được cái cuốc.
- Chị Thỏ lớn thì nhổ cỏ lớn. Cháu bé thì nhổ cỏ nhỏ. Bụi cỏ nào không nhổ được thì cháu nhờ ông.
Ôm đứa cháu bé bỏng vào lòng, ông ước gì bà còn sống để nhìn thấy các cháu đang lớn lên mỗi ngày. Để ông còn có người bầu bạn, chứ chỉ một lát nữa thôi khi các con đi làm, lũ trẻ đi học thì nhà trên bếp dưới lạnh tanh. Dạo này hai chân ông đau nhức suốt, có hôm đứng lên ngồi xuống còn thấy khó khăn. Nên lúc dắt xe ra khỏi nhà, con trai cả dặn ông:
- Bố già rồi lại đau yếu, tốt nhất nên ở nhà cho lành. Đừng tham gia vào mấy việc xới cỏ, nhặt rác ngoài đường nữa.
- Ra đó có người này người kia cho vui. Khỏe thì làm nhanh. Yếu thì làm chậm. Mỗi người mỗi tay mỗi chân vẫn nhanh hơn mà.
- Để ai khỏe họ làm, chứ yếu như bố ra có khi còn làm vướng tay vướng chân người khác.
Mấy câu nói của con cũng khiến ông Thái chạnh lòng, chắc tại già rồi nên hay cả nghĩ. Con trai ông sinh ra ở quê nhưng nhiều năm bươn chải xứ người, thành ra cái tính của người quê cũng mai một ít nhiều. Nó bận suốt, đi thì thôi chứ về đến nhà là cửa đóng then cài. Cái xe để qua đêm ngoài sân lo mất. Thấy ai ngấp nghé mời mua thứ này thứ kia nó kêu “cẩn thận không lừa đảo”. Thế giới của con giờ gắn liền với điện thoại thông minh hơn là kết nối với bà con chòm xóm. Nên mấy phong trào xây dựng nông thôn mới thằng cả càng chẳng bận tâm. Nghe đến việc xã vận động người dân tự động hiến đất mở đường là nó nhảy dựng lên. “Tấc đất tấc vàng. Đời này ai cho không ai cái gì mà bố đòi hiến đất”. Ai cũng như nó thì lấy đâu ra con đường to đẹp để đi. Ông nghĩ đến ngày xưa, đất đai mênh mông chỉ mong có hàng xóm tới làm nhà, có khi chia cho nhau cả thửa vườn cũng chẳng mảy may tính toán. Bây giờ đất chật người đông thành ra lòng người hẹp lại. Anh em ruột thịt còn tranh nhau từng mét đất nữa là.

Minh họa:Trịnh Hoàng Tân
Mô hình “Đoạn đường ông cháu cùng chăm” ấy thế mà cũng tồn tại được gần hai chục năm rồi. “Ông” của năm xưa nhiều người đã khuất núi lâu rồi. “Cháu” của năm xưa giờ khôn lớn xa quê, đi qua biết bao nhiêu con đường rộng lớn. Thế hệ này nối tiếp hệ kia, đoạn đường gắn bó với biết bao con người, ngày càng trở nên rộng rãi và tươi đẹp. Một tuần một buổi thôi, nhiều khi ông cứ mong ngóng mãi. Già rồi mà được gần tụi nhỏ, nghe chúng vừa làm vừa tíu tít vui đùa là ông như thấy mình trẻ ra vài tuổi. Mấy cây khế ngọt trong vườn, vải chín đầu mùa chẳng bao giờ ông bán. Con cháu trong nhà ăn không hết thì phần tụi nhỏ. Cứ chiều cuối tuần sau khi xới cỏ, dọn đường xong là chúng như đàn chim ríu rít tìm về. Ông nhìn chúng mà nhớ đến các con khi còn nhỏ dại. Trưa nào tụi nhỏ cũng trốn ngủ trưa lẻn ra vườn tìm tổ chim, hái quả hoặc xuống đồng bắt cua, bắt tép. Hồi ấy nghèo nhưng bữa cơm nào cũng đầy ắp tiếng cười. Giờ mỗi đứa mỗi nơi, tính tình mỗi khác. Cũng phải! Trước cuộc chiến cơm áo, gạo tiền có ai mà hồn nhiên, trong trẻo mãi được đâu.
Cái tin ông Thái không thể đi lại được, phải mổ thay khớp háng khiến hàng xóm cứ qua lại hỏi han ngày mấy bận. Là hỏi thăm qua con cháu ở nhà chứ ông Thái thì đã nhập viện cả tuần rồi. Thằng cả càm ràm suốt chuyện ông có bệnh mà chẳng chịu kiêng khem. Việc làng việc xóm đâu cũng thấy mặt đã đành, ngay cả mấy đám đưa ma, đổi mả cũng tập tễnh đến. Bị xương khớp mà nhiễm hơi lạnh bảo sao không đau nhức, biến chứng. Con trách đúng, ông nào dám cãi. Nhưng “nghĩa tử là nghĩa tận”, người làng sống một đời gần nhau, nếu không tiễn nhau đoạn đường cuối thì ông chẳng đành lòng. Mấy câu “khổ con khổ cháu” cũng hệt như cơn đau nhức xương khớp cứ âm ỉ trong lòng ông suốt những ngày nằm viện.
Buồng bệnh như một xã hội thu nhỏ, cũng như một vòng đời một con người. Con chăm cha, cha chăm con. Ở đó, dù không muốn người ta vẫn quan sát thấy cuộc sống của nhau. Thỉnh thoảng lại có tiếng nạt nộ vang lên. Những người già lẩm cẩm thu mình, ánh mắt mờ đục nhìn lên trần nhà. Trần buồng bệnh trắng toát, ngay cả vệt bồ hóng, hay lũ thạch sùng cũng chẳng thể có mặt ở đây. Lời bác sĩ dặn thì nhớ nhớ quên quên. Chuyện giường bên nghe câu được câu chăng, bập bõm.
Buồng bệnh chật lắm mà cũng mênh mông lắm. Thằng cả nhà ông hình như vừa nhìn thấy mình khi còn thơ bé, lúc đau ốm được bố dìu từng bước đi, bón từng thìa cháo. Anh cũng nhìn thấy mình lúc về già trong chính hình ảnh người cha già đang lụi cụi nhặt từng hạt cơm rơi vãi. Ngày nào ông cũng hỏi người bạn già mới quen giường bên cạnh: “Hôm nay là thứ mấy? Đã sắp cuối tuần chưa ông nhỉ? Hả? Thứ bảy rồi ấy à? Nhanh thật! Ở quê tôi giờ này chắc đang vui lắm”. Mắt ông sáng lên khi kể với bạn già về phong trào nông thôn mới làng mình: tiếng kẻng an ninh, ánh sáng đường quê, chuyến xe khởi nghiệp… Như khơi đúng mạch, cả buồng bệnh bàn tán rôm rả, xôn xao. Người quê nói chuyện quê bao giờ cho hết. Nhờ thế mà các cụ quên đi phần nào đó cơn đau đớn trong người. Quên đi chai nước truyền đang rỏ chầm chậm từng giọt một. Rồi tâm trí mỗi người bị cuốn theo những hồi ức của riêng mình về thôn xóm, làng quê. Nơi họ đã gắn bó một đời người với biết bao biến cố thăng trầm. Họ là nhân chứng của làng. Họ chứng kiến cây đa làng đổ xuống, giếng làng bị lấp đi, văn hóa làng đã nhiều mai một. Nhưng cũng chính họ được nhìn thấy sự vực dậy, đổi mới mỗi ngày của làng quê. Sau khoảng lặng, tiếng ai đó chợt vang lên:
- Giờ này loa làng tôi chắc đang lẹt rẹt thông báo lịch bón phân cho lúa vụ xuân hè. Lịch tiêm phòng cho các cháu. Lịch thu tiền điện, nước. Ở nhà mỗi khi thấy tiếng loa tôi đều phải dỏng tai nghe ngóng, ấy thế mà câu được câu chăng. Râu ông nọ cắm cằm bà kia đấy các cụ ạ. Nhiều khi cứ bị con cháu mắng cho đấy, nghĩ cũng chẳng oan.
- Loa làng chắc chỉ dành cho tụi già chúng mình thôi. Chứ bọn trẻ giờ nó cập nhật thông tin nhanh lắm. Các trang hội nhóm trên zalo, facebook đủ cả. Bấm một cái là ra ngay thông tin chính xác. Chứ loa thì người xa người gần, gió to, gió nhỏ. Chưa kể đến đúng đoạn thông tin quan trọng thì cái xe công nông chạy bình bịch qua. Thế là đang từ bản tin khuyến nông đã sang ngay bản tin khuyến học. Nhiều lúc bực bực là.
- Nhưng ối cái zalo, facebook cũng chẳng nhanh bằng loa, bằng kẻng. Như báo cháy nhà, báo trộm giữa đêm chẳng hạn. Nghe tiếng kẻng một cái là cả làng bật dậy, trộm chạy đằng trời, mà có cháy thì mỗi người mỗi tay dập tan bà hỏa.
Ông Thái mổ xong phải nằm viện hơn tuần. Hàng ngày ông làm bạn với chiếc khung tập đi, loanh quanh hành lang khoa chấn thương chỉnh hình. Thỉnh thoảng ông lại ghé vào buồng bệnh khác, hỏi thăm xem người này phẫu thuật chưa? Người kia sắp được xuất viện chưa? Bệnh viện là nơi người ta dễ gần nhau. Ai bị bệnh gì cả khoa đều biết, con cái ra sao, hoàn cảnh thế nào, có khi chưa kịp hỏi đã khai. Kể cho bớt đau, kể để gần nhau, người quê là thế. Họ giống nhau từ đôi gò má sạm đen vì nắng, bàn tay đen đúa nhựa cây, đến những gót chân nứt nẻ bám phèn. Cả cái giọng vùng miền quê cha cũng thấm trong máu thịt. Ông Thái nhìn màn trời xám xịt ngoài cửa sổ bệnh viện hồi lâu chợt quay sang hỏi thằng cả:
- Bác sĩ có nói hôm nào mình ra viện không con?
- Cuối tuần này bố ạ.
- Cuối tuần à? Hôm đấy chẳng biết có nắng không ? Vườn nhà mình xoài non chắc đã ăn được rồi con nhỉ ? Bọn trẻ con nó thích món xoài xanh chấm muối lắm.
- Hôm ấy bố về kiểu gì lũ trẻ cũng tới chơi. Không xoài thì mít, ổi. Vườn nhà mình có mùa nào không phải mùa quả chín mà bố phải lo.
Nhìn mắt bố ánh lên thứ niềm vui ít ỏi của tuổi già, thằng cả của ông cũng thấy lòng nhẹ nhõm. Thời gian ở viện trôi chậm đến mức, người ta thừa thãi thời gian để nhìn lại chính mình. Những đêm dài thật dài trở giấc, người ta mong mau tới ngày mai…
* * *
Chuyến xe đưa ông Thái từ viện về nhà lúc hoàng hôn. Xe đi qua đường làng quen thuộc, ông nhận ra những khóm hoa mấy ông cháu trồng hôm nào giờ đua nhau khoe sắc. Xe trôi trên con đường hoa trải dài khắp thôn quê, thược dược, sao nhái, tỉ muội và đủ loại hoa hồng gọi ong bướm tìm về hút mật. Những người đàn bà thong thả đạp xe về sau buổi làm đồng. Lũ trẻ tan học, khúc khích tiếng cười đùa, cặp sách cũng reo vui trên đôi vai bé nhỏ. Cờ tổ quốc đỏ tươi phần phật tung bay trước mỗi cánh cổng nhà. Loa làng vang khắp nơi, tiếng cô ca sĩ nào đó quen lắm đang cất giọng hát về những mùa vui. Ông chợt thốt lên: “Quê hương mình đẹp quá!”.
Hai đứa cháu nội đứng chờ sẵn ở cổng, tíu tít đòi dắt ông “mới mưa xong sân đầy rêu trơn lắm cơ ông ạ”. “Ông ơi ông đi xe có mệt không?”. “Chân ông đỡ đau nhiều chưa ạ?”. Cô con dâu đã dọn sẵn cơm chiều, ăn sớm vì các cô bác láng giềng hẹn tối nay sẽ đến. Được về nhà ông thấy mình khỏe hẳn. Chẳng gì bằng hít bầu không khí trong lành, ăn bữa cơm sum vầy và sống trong tình yêu thương của bà con chòm xóm…
V.T.H.T