Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Giải mây vắt qua Thành Cổ

K

hác hẳn với tâm trạng chần chừ khó chịu có phần sợ sệt khi chuẩn bị đến một ngõ ngách phố phường hoặc một khu tập thể chung cư nào đó, buổi hẹn vào sẫm chiều thu của Tiến sỹ- Bác sỹ- Chủ nhiệm đem đến cho tôi mấy cái dễ chịu. Nắng vàng se lạnh buổi chiều cuối năm gợi những gì sâu thẳm của xứ Bắc. Tiếng rõ ràng đầu dây nói: “Mời anh đến ngõ Giếng. Hai số nhà chẵn bên phải. Có giàn trầu phía trước”. Chú Duy trợ lý của tôi chuẩn bị xe cộ hành lý cũng như lây sự dễ chịu. Chẳng có gì, nhưng tâm trạng cả hai rất khó tả, như chuẩn bị để vào trận, vào Thành Cổ, lại nao nao như đi thăm đồng đội, như tìm về một mảnh đất chiến trường, một khu nghĩa trang. Những giàn trầu ngõ Giếng, đến tên phố Tác Đông vừa mộc vừa bác học mà ngay như tôi và chú Duy học hành viết lách làm ra vẻ thế mà cũng chẳng biết gốc tích của nó thế nào… Chú Duy bảo: “Cũng là ngõ chùa đấy anh ạ. Hồi trước em quen những mấy cô”. Đó là thời trước và giữa chiến tranh.

Thời nay lời đồn thổi thường chẳng mấy chính xác. Ngay những gì tưởng là chuẩn nhất với mình. Tôi từng nghe xì xầm: “Tiến sỹ - Chủ nhiệm thế mà khổ. Ở nhà vợ với bố mẹ vợ”. Thông điệp xã hội này chỉ cần như vậy. Trách chi những hai số nhà, dù chẵn, ở bên phải.

Theo lời chỉ dẫn, cứ đi sâu vào mãi, lại tìm thấy cảm giác dễ chịu ban đầu. Đúng là Ngõ Chùa, ngõ Giếng. Nét se se, man mác. “Giáo sư- Chủ nhiệm”- tôi thường gọi thế, nghĩ thế- ra tận cổng, có ý chờ tôi, dù tôi chẳng hẹn giờ cụ thể. Đi tìm gặp nhau, thế là thích, bởi đi trong sự linh ứng, linh cảm. Chủ nhiệm dáng nhỏ, mắt sáng, nét lanh lẹ của một bác sỹ phẫu thuật có tiếng, xen vẻ ngơ ngác của một trí thức nghiêng về phẩm chất nghệ sỹ. Trông cao xa, sang trọng như ngày tuổi thơ xa xăm nào tôi theo người chú là bộ trưởng đến nhà giáo sư dòng họ Tôn Thất vua chúa nổi tiếng ở phố trên. Vậy là mừng. Cái dễ mất, người ta cố tình làm mất, thì vẫn di truyền hiện hữu, ấy là nét tri thức quí phái. Thêm một sự dễ chịu, sự dễ chịu ở đẳng cấp khác.

Ngôi nhà cao tầng của “Giáo sư- Chủ nhiệm”- tôi thường gọi thế, nghĩ thế- vừa xưa vừa nay, đẹp quá. Hai nhà cao tầng số chẵn liền nhau, nằm kề nhau, ngôi nhà bố mẹ vợ, chung một cổng sắt nghiêm cẩn. Tiến vào, nhà phông trần rất cao, không gian thoáng đãng. Ông chủ hồn nhiên chân thành, khác vẻ nghiêm cẩn khó chịu thường ngày của mấy ông “đốc tờ ta”, lại có dính chức quyền.

- Tôi học Pháp về, nhờ ông Mít-tơ-răng. Người Pháp làm nhà trần cao thế này các anh ạ!

Tôi lắp bắp, vì trước tôi vẫn là cái uy của bác sỹ phẫu thuật chuyên cầm dao kéo:

- Vâng, cao!

Chú Duy cũng lắp bắp:

- Vâng, cao!

Chủ nhiệm cười rất tươi, lộ nét trẻ tuổi đời so với nghề nghiệp, học vị, chức tước. Dù sao thì trước mắt chúng tôi, con người tri thức mới lộ nét nhãn mác học sinh nhà trường xã hội chủ nghĩa, nhưng đã ngồi vào ghế chủ nhiệm bộ môn mổ xẻ quan trọng bậc nhất để đào tạo ra những bác sỹ phẫu thuật cứu nhân độ thế. Người kế tục chiếc ghế cao của hai cha con bác sỹ dòng họ Tôn Thất, như là Duyma cha và Duyma con ở bên Tây.

Chủ nhiệm mở bia và rót bia, thứ bia chai nhãn mác “Hà Nội” uống rất dễ chịu. Ba cốc bia sủi bọt tự nhiên như số phận ba người bạn trong cuộc đời, ba đồng đội trong tổ chiến đấu ở chiến trường… Chủ nhiệm nói:

- Tôi lính Quảng Trị 72!

Tôi buột miệng:

- Tôi lính Quảng Trị 72!

Chú Duy:

- Tôi cũng Quảng Trị 72!

Hoá ra có những người lính ở cùng một chiến trường mà không hề biết nhau, mãi cuối cùng mới nhận ra nhau. Như trường hợp của ba chúng tôi.

Chủ nhiệm rót bia, cụng bia. Mỗi lần cụng như một lần điểm danh, một sự tự xướng. Những tiếng “Sư…Sư…Sư…” nối nhau. Không phải sư chùa mà là Sư chiến đấu. Sư đoàn. Rồi cụng cốc, rồi cười. Chủ nhiệm: “Nhưng giờ tôi là Quảng Trị ở ẩn”. Chú Duy: “Tôi cũng…ẩn”. Tôi: “Tôi …cũng ẩn”. Có bia thúc hối, tôi vén cả mảng áo để lộ vết mổ dài bằng gang tay cho bác sỹ phẫu thuật xem. Một mảnh bom ở Thành Cổ đã cứa dài bằng gang tay vào bụng tôi đến thòi ruột ra…

Cả ba chúng tôi giống nhau đến nỗi, sau quãng đời khói lửa có một không hai ấy, ở cái Thành Cổ gần như duy nhất ấy, dường như không muốn kể, muốn ai nhắc về mình. Chúng tôi không kể, không báo công…, thì đương nhiên chẳng ai biết ba chúng tôi từng thử lửa nơi ấy. “Ẩn sỹ”… “Ẩn sỹ Quảng Trị”,… “Ẩn sỹ Thành Cổ”… đúng nghĩa nghiêm túc của nó. Chúng tôi vắng mặt trong những lần chúc tụng, gặp mặt. Như tôi, nhiều tuổi hơn Chủ nhiệm và chú Duy, trong hồ sơ hưu không hề có mấy chữ: “Thành Cổ Quảng Trị”. Cả niên hạn chiến trường. Trầm quá, đến bia “Hà Nội” cũng không vực lên nổi. Như một chút mặc niệm đồng đội và chính mình.

Tôi “đột phá” sự im lặng, như hôm nào mở một mũi đột phá vào Thành Cổ:

- Ơ…chiếc cầu thang!

Cả ba đưa mắt nhìn vào chiếc cầu thang. Trần nhà cao, cầu thang rất cao. Nó như chiếc màn gió buông một nét lượn bằng xi măng quét vôi trắng. Từng bậc lên xuống xếp mở như chiếc đàn gió. Linh ứng, nó như một cánh cò trắng khổng lồ trong cổ tích huyền thoại tuổi thơ, như áng mây vắt qua Thành Cổ dạo nào. Quả như vậy, chẳng phải là ví von văn chương tâm thần dở hơi. Chủ nhiệm: “Chính tôi thiết kế, chẳng theo ai cả, kể cả các kiến trúc sư tài giỏi”. Tôi nói: “Đẹp lắm, ngộ lắm, hợp lý lắm”. Mừng giáo sư. Dấu ấn ngôi nhà cũng là dấu ấn một đời đàn ông.

Chú Duy ngoẹo cổ, im lặng. Chắc bao nhiêu cảm xúc đang dồn đến trong lòng, như sự im lặng trước giờ nổ súng. Đến lúc bia ngon không vực nổi tâm trạng người lính trẻ nhất trong ba chúng tôi. Chủ nhiệm giữ được sự minh mẫn nghề nghiệp, như một tiểu đội trưởng mũi nhọn:

- Các anh nhà văn, nhà báo, hẳn nhớ câu thơ vô danh khắc ở bia đá Thành Cổ…

Tôi lắp bắp: “Vâng”. Chú Duy lắp bắp: “Vâng”.

Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm…

Chủ nhiệm:

- Lần ấy tôi bơi qua sông Thạch Hãn. Bọc ni lông tôi đeo trên người bị thủng. Những kỷ niệm quí nhất của tôi, trong đó có cuốn nhật ký mà tôi luôn mang theo mình…chìm xuống đáy sông.

Cả ba chúng tôi như một tiểu đội chiến đấu bơi qua sông Thạch Hãn. Bơi miên man trong lòng sông linh ứng. Bơi thật, chứ không phải là ma quỉ. Và cảm thấy như chìm dần xuống…, như câu thơ, để tìm bạn ở đáy sông!

Tôi lớn tuổi nhất tiểu đội, lại tỉnh táo mở một mũi đột phá. Lần trước là nhìn lên, nhìn lên chiếc cầu thang độc đáo, giải mây trắng vắt qua Thành Cổ…Giờ lại nhìn xuống:

- Ơ…đôi cò trắng!

Dưới chân cầu thang giải mây của ngôi nhà chủ nhiệm lúc này như hiện lên đầm nước quê nhà, với “đôi chim xi măng” bước bên nhau. Tất thảy, dù qua cay đắng, khói lửa, mất mát bao nhiều…lại trả về với sự dễ chịu. Có gì đó gọi là linh ứng như câu thơ dòng sông Thạch Hãn, chiếc cầu thang giải mây trắng Cổ Thành, cánh cò huyền thoại khổng lồ đồng quê. Tôi nhớ có lần đi qua “Bến heo may” ở vùng đất Hưng Nghĩa mênh mông trời nước của chính Giáo sư - Chủ nhiệm đây…Những cánh cò trắng ở đó mới tuyệt làm sao!

Tôi trở về sự sắc sảo của người cầm bút:

- Thưa giáo sư. Nếu Giáo sư và tôi có dịp tiếp xúc với ông Clintơn hoặc ông Bút mới sang ta dịp “Vê-kép-tê-ô” mới đây, tôi sẽ thưa với hai vị Tổng thống: Còn nhớ Mỹ ném bom để Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá. Nhưng vị Tiến sỹ - Bác sỹ phẫu thuật nổi tiếng đang bắt tay các ông đây đã ra đời từ chính đống đổ nát ấy. Và anh ta sẵn sàng đưa bàn tay tài giỏi cứu chữa các ông nếu không may các ông bị tai nạn giao thông hoặc u lành tính, ác tính.

Sự thành bại trong cuộc đời này đến ông Giời cũng không phân xử được!

Trang nghiêm quá vẻ như không phải thuộc về sự sống, nhất là thân phận đồng đội như ba chúng tôi. Tôi bảo chú Duy trao vào tay Chủ nhiệm cuốn lịch mấy cô người đẹp xanh đỏ lừng lững. Loại lịch này hẳn không hợp tạng Chủ nhiệm nhưng biết làm sao, bởi tờ lịch ra đời không phải khoe xấu đẹp, mà chính là thời gian và sự ghi nhớ…

Đây là phố Tác Đông. Chừng mấy cây số là khu trường đại học nổi tiếng có bộ môn mà đồng đội chúng tôi làm chủ nhiệm. Cô vợ tôi cũng là thầy thuốc ở đó, dưới quyền Chủ nhiệm. Tôi là chàng rể nhiều tháng ngày, sợ tiếng động cuộc đời, đến nép mình vào khu mổ tĩnh mịch, kê lên chiếc cũi nhốt chó phẫu thuật mà viết văn…Tôi cảm ơn Chủ nhiệm nhiều điều. Và đó là sự thật.

Thành Cổ là sự thật.

Ca mổ là sự thật.

Văn chương…dòng sông…và cả giải mây vắt qua ấy là sự thật.

        P.C.V

 

Phan Cung Việt
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 161 tháng 02/2008

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/05

25° - 27°

Mưa

05/05

24° - 26°

Mưa

06/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground