Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 07/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Gốc bưởi vườn xưa

T

ôi trở lại quê em bên dòng sông Chu hiền hoà, thơ mộng vào một chiều thu đẹp trời. Thời gian như ngọn gió, cứ lặng lẽ trôi. Thấm thoắt mới đó mà đã mấy chục năm rồi. Quãng thời gian ấy chưa hẳn là dài, nhưng cũng đủ để tôi từ một chàng trai lớp chín, lớp mười ngày ấy trở thành một người đàn ông từng trải hôm nay với biết bao buồn vui đi qua cuộc đời. Còn em hồi ấy cũng đã là một thiếu nữ đang độ trăng tròn chỉ kém tôi một tuổi, nhưng lại học cùng tôi một lớp và ở cùng tôi một nhà. Gần đây tôi  nhận được thư của em. Trong thư, em kể với tôi đủ chuyện, từ chuyện nhà, chuyện công tác, chuyện chồng con… Theo như em nói thì cuộc sống của em cũng khá hạnh phúc. Em còn kể với tôi là vợ chồng em đã chuyển hẳn từ thành phố về sinh sống ở quê nhà để có điều kiện gần gũi chăm sóc mẹ già. Em không quên nhắc với tôi về cây bưởi trong vườn nhà em. Em nói rằng cây bưởi ấy vẫn còn. Nó tuy già nua, khắc khổ, nhưng vẫn cho quả. Bây giờ đang là mùa thu nên rất nhiều quả. Em bảo tôi cố gắng sắp xếp thời gian ra ngoài này một chuyến. Và thế là tôi đi. Biết như thế là muộn màng, nhưng tôi không thể ra đi sớm hơn. Ở đời, có những điều thật nhỏ nhoi nhưng không phải lúc nào cũng thực hiện được. Có hàng chục lý do khác nhau ngáng trở không cho tôi toại nguyện điều tôi hằng ấp ủ. Nhưng có muộn cũng còn hơn không. Vì dẫu sao thì tôi cũng đã có mặt ở quê em. Và chỉ một lát nữa thôi tôi sẽ gặp lại em.

Sông Chu  mùa này mặt nước trong xanh đến dịu dàng. Cả một quãng sông nước cứ lững lờ, chầm chậm, chảy như không chảy. Nhìn sông, ngắm sông, tôi chợt nghĩ đến một dải lụa. Và dải lụa ấy chính là dòng sông đang vắt mình qua miền trung du quê em. Nắng thu cũng óng ánh, mượt mà. Gió chỉ nhè nhẹ, mơn man trên da thịt. Tôi bước đi lâng lâng cảm xúc. Có một chút gì đó vừa hồi hộp vừa xúc động bất chợt dâng lên trong tôi như tình cảm của đứa con xa mẹ lâu ngày trở về. Từ lâu, tôi đã coi nơi đây như là quê hương thứ hai của tôi. Nơi đây, mấy mươi năm trước, trong những năm chiến tranh ác liệt, tôi đã sơ tán ra đây. Tôi đã sống, học tập và lớn lên từ mảnh đất này. Quê hương đã đùm bọc, chở che cả tuổi thơ tôi. Và em, người con gái  xinh đẹp, dịu hiền bên dòng sông Chu ngày ấy vẫn còn đó biết bao kỷ niệm.

Kia rồi, con đường làng thuở xưa, nơi tôi và em từng đi học. Có còn không dấu chân hai đứa một thời? Và đây, nơi có cây cầu gỗ nho nhỏ, xinh xinh bắc qua con sông Đào ngay trước ngõ nhà em. Chỉ có khác, cây cầu ấy bây giờ không còn là cầu gỗ nữa mà đã là một cây cầu bê tông vững chắc. Nước ở sông Đào chảy từ sông Chu về cũng trong xanh, êm đềm, phẳng lặng. Những trưa hè nóng nực, tôi vẫn thường từ trên cầu gỗ nhảy ùm xuống sông, vẫy vùng trong làn nước mát. Còn em, đã bao lần tôi bắt gặp em đứng ngấp nghé bên bờ tre, e dè dõi mắt về phía tôi. Dòng sông ấy, cây cầu gỗ ấy, ngày đầu sơ tán, những lúc nhớ nhà, nhớ quê, tôi vẫn thường tha thẩn một mình ra đây, ngồi một mình ở đây. Có hôm, tôi cứ ngồi mãi như thế mà quên rằng bóng đêm đã sụp xuống. Em lại phải tất tả chạy ra giục tôi về. Và dòng sông ấy, cây cầu gỗ ấy, cũng như tôi, vào mỗi buổi chiều tà, lúc hoàng hôn buông xuống, em vẫn một mình ra đây học bài. Em đứng dựa lưng vào thành cầu, mắt chăm chăm vào cuốn sách trên tay. Tóc em để dài, phủ tràn hai vai chảy xuống xoã kín lưng. Từ mái tóc mượt mà, đen nhánh của em, lúc nào cũng thoảng thơm hương bưởi. Chả là em ngày nào cũng gội đầu bằng hoa bưởi.  Không còn hoa thì em gội bằng lá. Lá bưởi cũng thơm như hoa bưởi vậy. Trong vườn nhà em có một cây bưởi. Em nói với tôi đó là cây bưởi bố em trồng trước ngày bố em lên đường vào Nam đánh Mỹ. Cây bưởi còn đó mà bố em thì vĩnh viễn nằm lại ở chiến trường.

Ngày tôi mới đến nhà em, em chỉ là một cô gái gầy gò mới lớn. Cây bưởi ấy cũng chỉ mới cao quá đầu người. Tuy nhỏ, nhưng cây đã sum suê cành lá và bắt đầu cho quả bói đầu mùa. Em đứng ở bậu cửa tò mò nhìn tôi  rồi đi nhanh vào nhà. Mẹ em ra vườn hái vào một quả bưởi, bóc vỏ, mang đến cho tôi. Những múi bưởi màu hồng nhạt, múi nào múi ấy no tròn như con tôm luộc, chỉ mới nhìn thôi đã thấy thèm ứa nước bọt. Tuy thế tôi vẫn tần ngần không dám động đến. Mẹ em phải giục đi giục lại mấy lần tôi mới cầm lên một múi nhưng vẫn chưa dám ăn. Bỗng em xuất hiện đi lại chỗ tôi ngồi. Em nhìn tôi bằng một ánh mắt rất lạ rồi cũng nhặt lên một múi bưởi. “Bưởi này ngọt lắm, cậu ăn nhiều vào. Ăn hết quả này, tớ sẽ hái thêm cho mà ăn. Mẹ tớ bảo quê cậu bị bom Mỹ bắn phá nên cậu phải ra quê tớ học. Ừ, ra đây học cũng được! Ở đây cũng vui lắm! ”. Vừa nói em vừa bóc bưởi ăn rất tự nhiên. Sự tự nhiên ở em đã giúp tôi tự tin hơn. Quả như em nói, bưởi nhà em rất ngọt và thơm. Tôi và em đã ăn hết quả bưởi ấy lúc nào không hay. Khoảng cách giữa tôi và em dần dần thu hẹp lại. Tôi trở nên dạn dĩ, tự mình vứt bỏ vẻ rụt rè vốn có. Những ngày sau, em lại cùng tôi ra vườn hái bưởi. Em chọn những quả to nhất hái mang về đặt lên bàn thờ thắp hương cho bố. Lúc này tôi mới có dịp nhìn kỹ em. Phải nói rằng, trong mắt tôi, em là một cô bé xinh đẹp, duyên dáng và dễ thương. Người em tuy gầy nhưng cao ráo và làn da em thật mịn màng, trắng trẻo. Khuôn mặt em mới chỉ tuổi mười bốn, mười lăm nhưng đã biểu hiện vẻ e lệ, đoan trang của người con gái dậy thì. Trên khuôn mặt ấy là một đôi môi phơn phớt hồng, chúm chím như nụ hoa vừa nở và một đôi mắt hình lá răm lúc nào cũng lung linh, vời vợi. Cái áo em mặc tuy còn đôi ba mụn vá nhưng vừa vặn, gọn gàng. Và cả mái tóc rất dài, rất đen của em tôi luôn cảm nhận được thoang thoảng hương bưởi vườn nhà.

Ngày khai giảng năm học mới, may mắn sao tôi và em được học chung một lớp. Sáng nào mẹ em cũng thức dậy rất sớm để lo cơm nước cho tôi và em. Ngày ấy nhà ai cũng nghèo. Hạt lúa, củ khoai làm ra phải mấy phần dành cho tiền tuyến. Bữa đói, bữa no không còn là chuyện của một xóm, một nhà. Nhà em cũng rất nghèo vì thiếu vắng đàn ông. Mẹ em suốt ngày đầu tắt mặt tối chăm lo công việc đồng áng. Rồi lại cảnh thương đau ập đến giữa chừng. Ngày nhận được tin bố em hy sinh, mẹ em gần như chết đi sống lại mấy lần. Tưởng đâu mẹ sẽ không gượng dậy được nữa. Nhưng rồi nhờ sự động viên của làng xóm mẹ đã dần hồi phục. Tuy thế, nỗi thương đau vẫn hằn trên mắt mẹ. Mỗi buổi tối, trước khi đi ngủ, mẹ thường thắp hương lên bàn thờ bố, mẹ lầm rầm nói với bố là mẹ sẽ ở vậy thờ chồng nuôi con. Cây bưởi bố trồng ngày nhập ngũ được mẹ chăm sóc kỹ càng nên lớn rất nhanh. Mẹ vẫn thường nói với em, cây bưởi ấy là kỹ vật của bố để lại. Và trong những kỹ vật của bố để lại thì cây bưởi là kỹ vật mà mẹ yêu quý hơn cả.

Cùng học một lớp nên tôi biết em rất chăm học và học giỏi. Các môn kiểm tra em đều đạt điểm bảy, điểm tám trở lên. Em là học sinh giỏi nhiều năm của trường. Sách vở của em lúc nào cũng sạch sẽ. Chữ em viết cẩn thận nên dễ đọc. Góc học tập của em bao giờ cũng gọn gàng, ngăn nắp. So với em thì lực học của tôi đuối hơn, đặc biệt là môn toán. Nhưng ngược lại, tôi học văn khá hơn em. Vì thế nên bài tập cô giáo cho về nhà làm, gặp bài khó, tôi lại phải nhờ em. Tất nhiên chỉ là nhờ em gợi ý cách giải. Những bài văn tả người, tả cảnh, hoặc phân tích, chứng minh, gặp khi em bí, tôi luôn nhiệt tình giúp đỡ. Góc học tập của em liền kề góc học tập của tôi. Thấy em gọn gàng, ngăn nắp, tôi cũng không thể bừa phứa như trước. Lại do học cùng một lớp, mọi việc diễn ra ở trường, rồi những ưu điểm, khuyết điểm của mỗi đứa, tôi và em đều thông tỏ ngọn ngần. Và thế là lại cùng khuyên nhủ nhau. Vậy nên kết quả qua các năm học, cả em và tôi đều đạt học sinh giỏi, riêng em còn là học sinh giỏi xuất sắc. Năm học lớp bảy, lớp tám, em và tôi vẫn học chung một lớp. Chúng tôi vẫn ngày hai lượt đi về bên nhau. Những ngày nắng. Những ngày mưa. Và cả những ngày rét như cắt da cắt thịt, trên con đường làng, em và tôi vẫn đi bên nhau. Đường đến trường đã trở thành kỷ niệm, thành nỗi nhớ, niềm mong ở mỗi đứa khi một ngày mới đến.

Đêm trung thu, trăng thật sáng, sáng như không thể một đêm nào sáng hơn. Và trăng cũng thật đẹp, thật huyền diệu. Ông trăng tròn vành vạnh như một chiếc đĩa bạc hiện ra bồng bềnh sau những tảng mây màu trắng sữa. Từ chiếc đĩa bạc ấy, ánh sáng ròng ròng tuôn chảy soi rọi khắp mọi nơi. Ánh trăng lan toả, lênh láng trôi vào tận trong nhà. Dưới ánh trăng rằm em và tôi hoà vào đám đông bè bạn vui chơi, nhảy múa thâu đêm. Nhưng vui nhất vẫn  là phá cỗ đêm trung thu. Ôi chao, tha hồ là bánh kẹo, tha hồ là trái cây. Chúng tôi thả sức mà ăn. Và chúng tôi hát. Chúng tôi hát những bài hát về thầy cô, về bè bạn và về quê hương, đất nước. Trung thu, cây bưởi nhà em quả chi chít cành. Hình như đêm trăng rằm quả bưởi càng nở nang hơn, phỏng phao hơn. Ánh trăng vằng vặc phủ trùm lên tán lá. Hương bưởi theo gió thoảng thơm khắp vườn.

Ba mùa bưởi nối tiếp trôi qua. Em và tôi cùng bỏ lại sau lưng cả một thời tuổi thơ thần tiên đầy ước vọng. Chúng tôi vụt lớn lên. Tôi thành chàng trai khoẻ mạnh. Và em đã là một thiếu nữ xinh xắn. Chúng tôi cùng bước vào những năm cuối đời học sinh. Đường đến trường xa hơn. Bởi trường học đã không còn là của riêng một xã mà là của cả huyện, cả vùng. Ngày ngày chúng tôi phải thức dậy đi học sớm hơn. Và tan học trở về nhà cũng muộn hơn. Học sinh trong làng cũng không còn đông như thời cấp hai. Chiến tranh ngày càng lan rộng và ác liệt hơn. Từ hậu phương, tin thắng trận ngoài tiền tuyến tới tấp bay về. Trong niềm vui âý còn có cả nỗi đau, còn có cả chia ly, mất mát. Chiến trường vẫn cần tiếp sức để dân tộc đi đến thắng lợi cuối cùng. Thanh niên đến tuổi là lên đường nhập ngũ, người vào bộ đội, người đi thanh niên xung phong. Tất cả cùng ra tiền tuyến đánh giặc. Dù đang học, chúng tôi cũng thấp thỏm đợi đến lượt mình. Đường đến trường cả đi lẫn về hơn mười cây số. Xe đạp không có, vậy mà ngày hai lượt chúng tôi vẫn cần mẫn đi - về. Em và tôi vừa đi học vừa tranh thủ giúp mẹ em việc nhà. Tôi rất chịu khó với công việc, dù chẳng bao giờ mẹ em sai khiến một lời. Từ dắt trâu ra đồng cày, đến bổ củi, và cả gánh phân khoán ra ruộng. Việc gì tôi cũng làm và làm đến nơi đến chốn. Những ngày nghỉ học, tôi làm gần như tranh cả phần việc của em. Tôi muốn chứng tỏ với em, tôi là con trai, tôi khoẻ hơn, tôi phải làm nhiều hơn. Và cũng một phần tôi muốn em được nghỉ ngơi. Thấy tôi chăm chỉ, em thường cười trêu: “Cậu làm vừa vừa thôi, kẻo rồi cán bộ phụ trách người ta nhìn thấy, người ta lại cho là nhà này bóc lột sức lao động của con em chính phủ”. Chả là hồi ấy người làng vẫn thường gọi chúng tôi là con của chính phủ vì được chính phủ cho đi sơ tán, lo cho ăn học. Em nói và cười rất tươi. Càng lớn lên nụ cười của em càng đẹp. Nó không còn e ấp, chúm chím như nụ hoa thời thơ bé nữa mà đã bung nở duyên dáng vô cùng. Cây bưởi nhà em giờ cũng đã lớn lên gấp nhiều lần. Tán nó xoè rộng râm mát một góc vườn. Hàng năm cứ vào độ tháng bảy, tháng tám ta là bưởi lại nở hoa. Những cành to, cành nhỏ mới ngày nào còn biếc xanh là thế, chỉ mấy ngày sau đã chi chít những chùm hoa trắng tinh. Hoa chen trong lá. Hoa ngự trên cành. Hoa điểm xuyết một màu trắng trong, thanh bạch giữa vô vàn những màu xanh khác nhau. Cả góc vườn sực nức mùi hoa bưởi. Hương thơm lan toả khắp nơi nơi. Trên những chùm hoa dập dờn những cánh ong, cánh bướm. Được một thời gian thì hoa rơi rụng đầy mặt đất. Âý là lúc những búp hoa  không còn chức năng phải ở lại nữa, nó phải tự lìa cành nhường chỗ cho quả non phát triển. Em vẫn gội đầu bằng hoa bưởi. Có lẽ hương vị của bưởi là hương vị em yêu thích hơn cả. Một nồi nước lấy từ bể ra, thả vào đó vài cái lá bưởi, đun sôi lên thế là có ngay chậu nước gội đầu. Hương bưởi dễ sạch tóc, mùi thơm lại thoang thoảng, dễ chịu và nhất là thơm lâu, thơm cho đến mấy ngày sau vẫn còn thơm.

Những buổi chiều nóng nực, em và tôi thường ra gốc bưởi học bài. Một manh chiếu rải ra đất thế là có ngay chỗ ngồi học. Xen giữa những giây phút căng thẳng về bài vở là những chuyện riêng chúng tôi kể cho nhau nghe. Cũng có lúc chúng tôi tâm sự về những hoài bão, ước mơ của nhau.Và cả kể chuyện tiếu lâm, ngụ ngôn, cổ tích… Rồi cùng cười vang cả góc vườn. Không biết từ lúc nào trong tôi bỗng nảy nở một tình cảm rất mới lạ với em. Ban đầu, tôi không biết gọi nó là gì và không biết nó len lỏi từ đâu tới. Tôi chỉ biết là nó khác – khác nhiều so với tình cảm trước đó tôi vốn dành cho em. Đầu tiên là một chút bâng khuâng, xao xuyến chợt dấy lên âm thầm trong tôi mỗi khi tôi nghĩ đến em. Lúc nào tôi cũng nghĩ đến em, dù lúc đó em đang ở cạnh tôi. Tôi hình dung mãi về khuôn mặt em, từ đôi mắt, nụ cười, giọng nói. Tất cả cứ hiện ra rờ rỡ trước mắt tôi, rồi nhoà dần theo tôi vào giấc ngủ. Nhiều khi tôi thấy tôi lẫn thẫn, lần thần như ông cụ non. Cũng có lúc thứ tình cảm mới lạ ấy bỗng trỗi dậy thật mãnh liệt. Ấy là lúc đầu óc tôi trống rỗng, có lẽ là không có gì khác ngoài hình bóng của em ra. Tôi bắt đầu thích được ngắm trộm em, nhất là lúc em đang ngồi học. Tôi thấy em thật đẹp, đẹp hơn hết thảy mọi cô gái tôi từng gặp. Từ những rung động mới mẻ ấy, bản tính tôi tự nhiên thay đổi. Tôi nói năng với em nhỏ nhẹ hơn, quan tâm chiều chuộng em nhiều hơn. Đôi khi, không biết tại sao, tôi trở nên luống cuống, vụng về trước mặt em. Những biểu hiện đó ở tôi, cho dù vô tình hay cố ý, em đều không để ý để nhận biết, hay nói đúng hơn là em chưa phát hiện ra nên em vẫn cư xử bình thường với tôi. Nhưng cũng có lúc tôi bắt gặp ở em một cái chau mày, một cái ngước mắt…trước một biểu hiện khác lạ ở tôi. Lúc đó, tôi nhận thấy em đầy vẻ ngạc nhiên, sững sờ. Dần dần rồi thì tôi cũng hiểu được thứ tình cảm kỳ diệu ấy. Đó là tôi đã thầm yêu em. Một tình yêu bắt đầu được nhen nhóm lên từ một phía là tôi. Và em, qua bao lần phải chau mày, phải ngước mắt, phải sững sờ, kinh ngạc…em cũng dần dần hiểu được tình cảm của tôi dành cho em. Không đồng tình nhưng cũng không phản đối. Em chỉ ý tứ hơn một chút. Chẳng hạn như em thường tránh cái nhìn của tôi, hoặc là khi có việc gì đó cần nhờ đến tôi như trước thì nay em không nhờ nữa mà tự làm lấy. Còn tôi, sau bao thương thầm nhớ trộm cũng tự ý thức được là cần phải dừng lại đó. Hơn nữa, dạo đó đang là thời gian “ nước rút” trong học tập, tôi không thể sao nhãng với bài vở. Bởi theo ý kiến của cô giáo chủ nhiệm thì từ gần hai tháng nay lực học của tôi đã giảm đi khá rõ rệt. “Cậu tập trung vào mà học đi, đừng có linh tinh, lang tang mà phí hoài cơm chính phủ”. Có lần em đã vừa cười vừa nói với tôi như vậy. Thế là tôi lao vào học tập rồi lấy lại được phong độ như trước. Tuy vậy, trong cõi sâu thầm kín của lòng tôi, tôi vẫn dành riêng một góc ấp ủ hình bóng em. Hồi đó, tôi học giỏi môn văn, nên ngoài bổn phận làm tốt bài học ở lớp, thỉnh thoảng tôi còn võ vẽ làm thơ hoặc viết những tản văn đăng trên tờ báo của trường. Em không giỏi văn, nên mỗi lần phải làm báo tường là em lại vò đầu, bứt tai trông rất khổ sở. Thế là tôi lại phải xung phong giúp em một tay. Gì chứ bài báo tường chỉ mươi, mười lăm câu lục bát hay song thất lục bát với tôi có khó gì, chỉ một loáng là xong ngay. Một chiều nọ, dưới gốc bưởi, tôi đã làm bài báo tường cho em. Nhưng thay vì phải làm một bài thơ có nội dung nhẹ nhàng nói về tình thầy trò, tình bè bạn…hợp với chủ đề của tờ báo tường mà nhà trường đã gợi ý, tôi lại nghĩ ra một câu chuyên tình khá mùi mẫn. Nhưng tôi không viết nó ra bằng văn xuôi mà tóm tắt nó bằng một bài thơ. Chỉ một lát tôi đã làm xong khổ thơ thứ nhất. Tôi đọc cho em nghe: “Từ thuở có em bưởi lớn rồi. Trĩu cành hơn hớn trái vàng tươi. Trung thu mấy bận anh thường đến. Hương bưởi thơm nồng những cánh môi”. Em nghe xong thì phán gọn một câu “Hay!” rồi kêu lên: “Mà sao lại có cả bưởi ở đây, y hệt như cây bưởi nhà ta vậy? Cậu định viết về tớ và cây bưởi này ư?”. Tôi im lặng, mặc cho em nghĩ sao thì nghĩ. Nằm chùm hum trên manh chiếu, tôi nặn óc ra suy nghĩ làm tiếp phần còn lại. Đánh vật với trang giấy một lúc thì tôi làm xong bài thơ, trong đó có đoạn tiếp theo: “Năm tháng lùi nhanh ta lớn lên. Tình anh quấn quýt với tình em. Gốc bưởi thành nơi ta hò hẹn. Hương bưởi quyện hoà hương tóc em”. Hai đoạn thơ cuối bài tôi tả người con gái tiễn người con trai ra trận mang theo hình bóng người yêu và hương bưởi quê nhà. Nhưng đến ngày thắng lợi, người con trai trở về, thì người yêu của anh ở nhà tưởng anh đã hy sinh nên đã đuề huề…chồng con. Người con trai chỉ còn biết tha thẩn ở gốc bưởi một mình để nhớ về một thời tươi đẹp đã qua. Tôi khoan khoái lẩm nhẩm đọc qua một lượt rồi nắn nót từng chữ chép lại cả bài thơ cho sạch sẽ, trang trọng. Xong, tôi đưa cho em đọc. Em đọc to và diễn đạt khá tình cảm. Tưởng em sẽ vui lắm, nào ngờ khi đọc xong, mặt em bỗng ỉu xìu. Em đưa trả lại cho tôi bài thơ và nói: “Cậu vẫn chứng nào tật ấy. Lãng mạn, lang tang, linh tinh. Hết chủ đề rồi hay sao mà cậu chọn cái chủ đề yêu đương sướt mướt này. Thơ này thì sao hợp với lứa tuổi học sinh, thầy cô đọc lại chả phê bình cho ư?”. Thế là tôi lại phải làm cho em một bài thơ khác. Còn bài thơ ấy thì dẫu không được em chấp nhận - mà không chấp nhận là phải – tôi cũng đã đạt được mục đích của tôi. Đó là tôi đã mượn hình ảnh chàng trai, cô gái trong bài thơ để xa xôi bóng gió về tình cảm của tôi đối với em, cho dẫu hiện tại giữa tôi và em chưa có gì để có thể  gọi là tình yêu và cho dẫu sau này tình cảm ấy có thể không trọn vẹn, có thể không đi đến tận cùng non cao biển cả như trường hợp chàng trai và cô gái trong bài thơ mà tôi đã bịa ra.

Kỳ nghỉ hè năm ấy trôi qua thật nhanh. Chúng tôi cùng bước vào lớp mười, lớp cuối cấp hồi ấy. Đang học dở giữa chừng thì hiệp định Pari  ký kết. Mỹ rút quân ra khỏi miền Nam và ngừng ném bom miền Bắc. Làng xóm, phố phường… đâu đâu cũng rợp bóng cờ hoa mừng vui thắng lợi. Đâu đâu cũng rộn ràng bài ca chiến thắng. Mọi nhà chong đèn thâu đêm chờ đón người thân. Nhiều cuộc hội ngộ, đoàn tụ, diễn ra đầy xúc động. Với những học sinh sơ tán như tôi thì đây lại là niềm vui tột độ. Bởi sau hơn sáu năm biền biệt đi xa giờ chúng tôi mới được trở về quê hương. Có hạnh phúc nào hơn là được gặp lại mẹ cha, anh em ruột thịt. Tôi và em cũng chia tay nhau từ đây. Niềm vui thì nhiều nhưng nỗi buồn cũng không phải ít. Hôm ấy là một buổi chiều tháng hai, tiết trời đã vào cuối xuân mà vẫn se se lạnh. Mưa bụi trắng xoá cả đôi bờ sông Chu. Mẹ em và em tiễn tôi ra chỗ tập trung. Tôi bước đi bên em mà lòng dạ bổi hổi, bồi hồi, buồn da diết. Nhìn em, thấy mặt em ủ rủ, tôi biết em cũng đang rất buồn. Bao nhiêu năm đã trôi qua! Hồi ấy cả tôi và em hãy còn là những đứa trẻ. Bồng bột, thơ ngây, trong sáng. Chúng tôi đã sống, học tập và lớn lên bên nhau như anh em một nhà. Chúng tôi đã cùng nhau xây đắp nên một tình bạn đẹp và chưa làm điều gì tổn thương đến tình bạn ấy. Biết bao là kỷ niệm về một thời tuổi thơ vụng dại gắn bó bên nhau. Biết bao là niềm vui, nỗi buồn, chúng tôi đã chia sẻ cùng nhau trong từng ấy năm đi học. Và còn đó bao nhiêu là nỗi niềm ấp ủ, dự định tương lai. Có những điều, mãi mãi sẽ chỉ là dở dang, mãi mãi sẽ chỉ là ký ức. Nhưng biết làm sao được. Tôi nắm chặt tay em và nhìn thật lâu vào mắt em. Em cũng nắm chặt tay tôi và nhìn thật lâu vào mắt tôi. Mắt tôi rớm lệ và mắt em cũng rớm lệ. Thú thực lúc đó tôi chỉ muốn ôm lấy em mà khóc. Khóc cho thật thoả thuê. Khóc cho vơi bớt đi nỗi buồn vì phải xa em. Tiếng còi xe vang lên thúc giục. Chúng tôi buông tay nhau. Thôi, tạm biệt nhé người em gái sông Chu! Tạm biệt nhé người bạn gái thân thương! Xin hẹn em một ngày không xa gặp lại.

 

N.N.C

 

Nguyễn Ngọc Chiến
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 173 tháng 02/2009

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

08/05

25° - 27°

Mưa

09/05

24° - 26°

Mưa

10/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground