Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hạt niềm tin

Làng Komarovka là vùng chuyên canh nông nghiệp. Cánh đồng lúa mì nằm về phía đông. Phía tây là đồng hoa hướng dương. Mùa hoa rực vàng lấn lướt những ngôi nhà gỗ cũ kỹ. Cánh đồng vào xuân chỉ đẹp đối với những ai đi qua đây, khen một câu. Người làng thì chỉ trông chờ một mùa hạt. Trồng hoa cũng là một cách làm nông nghiệp để lấy hạt mà thôi.

Vika là tên gọi thân mật của cô gái trồng hoa nhà ở cuối làng. Cô sống với mẹ già nặng tai. Mỗi khi rời khỏi nhà ra đồng, Vika không quên kéo cái dây từ trên cổng xuống, buộc đầu dây vào chiếc hộp kẽm. Bỏ vào trong hộp kẽm một viên sỏi nhỏ. Có ai vào nhà thì cái chuông tự tạo rung lên cho mẹ cô nghe thấy mà ra tiếp đón. Chẳng phải đề phòng trộm cướp. Làng thanh bình, của nả không có gì nhiều nên chẳng lo mất. Có khi mấy đứa trẻ quanh xóm hoang nghịch, chạy đến xô mạnh cánh cổng. Chuông kẽm rung. Bà mẹ Vika luống cuống chạy ra ngó quanh ngó quất không thấy ai. Lại chửi đổng vài câu. Lũ trẻ nép gần đó cười phá lên. Bà quay lại chửi lũ trẻ. Bị nặng tai nhưng hễ ai trêu là bà lại chửi một tràng dài. Cũng phá được cái không gian yên tĩnh ở đây đôi chút.

Bà bị điếc từ hồi còn con gái. Lúc ấy chỉ mới lãng tai thôi, nhưng khuyết tật khiến chẳng người đàn ông nào dám lấy. Vùng này ngày trước mỗi năm chỉ có một trận sét đánh. Tiếng sét được xem như cơn giận của ông trời. Điếc không sợ súng, điếc không sợ sét. Đàn bà bị điếc thì không sợ sét, coi như không sợ trời, chẳng xem ai ra gì. Quan niệm của người dân Komarovka loại đàn bà ấy không nên lấy. Cô gái tuổi hai mươi ế chổng ế chơ cho đến năm ba mươi vẫn ế. Người làng khuyên kiếm lấy một đứa con mà nuôi. Kiếm được con trai càng tốt. Bệnh điếc dễ di truyền. Sinh ra con gái lỡ nó lặp lại khuyết tật của mẹ. Con trai thì đỡ hơn.

Lần cô ra đồng về muộn, trời nhá nhem tối. Một anh chàng ập đến, đè cô gái ba mươi lãng tai xuống bãi hoa hướng dương. Cô chỉ kịp ré lên một tiếng giật mình rồi thôi. Dịu dàng tự nguyện. Khiếm khuyết biết thân biết phận. Họ ban ơn cho là may. Chín tháng sau cô sinh ra bé Vika. Mẹ tròn con vuông không kịp mừng thì cô ôm lấy con khóc ngất khi biết nó là con gái.

Năm hai mươi tuổi Vika vẫn chưa có biểu hiện bệnh điếc. Bà mẹ thì tai nặng thêm. Chuyện mẹ điếc đẻ con hoang cả làng này biết. Cánh phụ huynh khuyên con trai mình đừng có tơ tưởng đến Vika. Con hoang đã là một điểm yếu trong lý lịch cưới gả, thêm vào đấy bệnh điếc chưa biết chừng có lúc sẽ tới lượt truyền qua cô con gái. Vika hiền lành xinh đẹp nhất làng vẫn chẳng có ai dám tìm hiểu. Nhiều lần Vika ra đồng hoa, cô lặng lẽ làm việc, cúi cái đầu xuống thật thấp xuống dưới lùm hoa hướng dương để đừng ai biết mình, tránh tiếng đàm tiếu dị nghị. Lũ con trai làng đứng ở đầu này đưa mắt nhìn chòng chọc vào cô thèm thuồng. Vika biết, cô không làm lơ mà ngẩng đầu lên ngó trước nhìn sau. Làm lơ rất dễ mang tiếng cô bị điếc. Cô phải tỏ ra mình là người hoàn toàn khỏe mạnh, nhất là khả năng nghe ngóng nhạy.

Anh thợ nhiếp ảnh Toni ở đầu làng, gia đình thuộc dạng khá giả nơi vùng quê. Bố mẹ anh đi Maxcơva mua về cái máy ảnh cơ chụp phim âm bản. Ở xứ này máy ảnh là thứ đồ xa xỉ và chụp ảnh là việc ít ai dám nghĩ đến. Toni mở một hiệu chụp ảnh, ban đầu chẳng mấy ai đến thuê. Anh cũng không quan trọng việc phải làm được ra tiền từ cái máy ảnh, quầy quán mở ra để trưng vui lòe thiên hạ mà thôi. Được cái Toni yêu thích nghệ thuật ánh sáng. Anh tự tìm tòi chụp rửa ảnh rồi đúc rút kinh nghiệm. Không có thầy hướng dẫn, anh phải mất đến trăm cuốn phim âm bản mới chụp được ảnh có nét có hồn.

Buổi sáng Toni thường dậy sớm mang máy ảnh ra đón khoảnh khắc mặt trời lên. Buổi chiều anh lại ra đồng lúa mì đồng hoa chụp cảnh nắng chiều tưới lên trên đồng vàng. Bố anh hay cằn nhằn cái thằng Toni vô tích sự. Sắm cho cái máy ảnh nó càng lêu lổng lang thang suốt ngày. Chẳng mấy khi ngó ngàng đến trại chăn ngựa của gia đình. Có bữa Toni cưỡi một con ngựa, đeo máy ảnh rong ruổi khắp nơi, tối mịt mới về nhà với một đống phim hí hoáy tráng rửa. Ông bố lại bảo nghệ thuật là cái thứ ba lăng nhăng, hao công tốn của hại sức.

Toni thường đứng ngẩn giữa cánh đồng những ngày nắng đẹp để săn ảnh. Khi thì chờ đàn ngựa đi qua kéo theo những cỗ xe chở lúa mì. Lúc lại ngóng một cô gái xách làn thơ thẩn chậm rãi đi giữa đồng hoa. Lần anh chụp được bức ảnh ưng ý về đồng hoa hướng dương rực vàng, ở một góc là hình ảnh cô thôn nữ Vika. Vika thường đi cúi mình, chính kiểu đi đó tạo cho bức ảnh có sự thấp thoáng bóng dáng con người. Nhìn vào bố cục thấy con người nhỏ bé giữa thiên nhiên, hay là thân phận người heo hắt giữa cuộc đời. Nghĩ thế nào cũng được. Sự đa nghĩa của nghệ thuật là ở chỗ ấy. Bức ảnh được giới chuyên môn đánh giá cao tại triển lãm khu vực. Bức ảnh giúp Toni có tiếng tăm trong giới nhiếp ảnh.

Cũng từ đó người ta kéo về Komarovka nhiều hơn. Làng quê trước chỉ hoang vu lao động chân tay kiếm ăn qua ngày, giờ đã thành một chốn du lịch. Dịch vụ bán buôn nổi lên, quán nước quán rượu quán ăn nhẹ mọc lên. Toni nâng cấp hiệu chụp ảnh, có đề biển rất oai. Anh kiếm được kha khá tiền từ việc chụp ảnh cho khách thăm đồng quê. Trong cửa hiệu treo bức ảnh thôn nữ giữa cánh đồng hoa nổi tiếng. Vài người xem bức ảnh xong đề nghị Toni chụp cho một kiểu như thế. Người ta chạy ra đồng hoa, cũng tạo dáng, cũng cúi mình. Toni bấm máy lấy tiền, không một chút cảm xúc. Nghệ thuật không thể sao chép, không có nhái lại. Nghệ sĩ lặp lại mình là vứt. Nhưng tiền thì không coi thường được. Dù sao bức ảnh mẫu và những kiểu ảnh tương tự cũng giúp Toni có thu nhập.

Toni là một trong những kẻ hăng hái nhất trong đám trai làng thường nhìn trộm Vika mỗi lần cô ra đồng. Khi chụp bức ảnh Vika lạc giữa đồng, anh xôn xao cảm xúc. Cứ như thể nheo một mắt, chỉ chừa một mắt nhòm qua ống kính thì khả năng thị lực tăng gấp đôi, cảm xúc cũng mạnh hơn. Toni có tình cảm với Vika, nhưng cũng như những cậu trai làng khác, anh luôn bị cha mẹ cấm đoán chuyện lân la đến gần cô.

Anh đánh liều mang bức ảnh đến nhà tặng Vika. Cái chuông treo trước cửa rung lên báo hiệu có khách, tiếng kêu không hẳn chào mời, cũng không hẳn đuổi khéo. Bà mẹ mừng rỡ khi thấy có người đến nhà, mà lại là anh phó nháy con nhà giàu. Bà đã mấp mé lục tuần, trông cho con gái yên bề rồi mới an tâm nhắm mắt. Vika không mấy vui vẻ khi thấy Toni đến ngôi nhà cũ kỹ này. Lâu nay cô như bị tách ra khỏi cuộc sống của giới trẻ. Cô biết thân biết phận. Toni đến đây chỉ thêm làm khó cho cô. Thể nào cũng có lời ra tiếng vào đồn đại chuyện cô với anh có tình có ngãi. Rồi người ta sẽ bảo cô là kẻ lẳng lơ mê trai, khéo lại mang tiếng mẹ nào con nấy.

- Anh về đi và đừng bao giờ đến đây nữa – Vika bảo.

Anh đứng sững một lúc, đặt bức ảnh bên bàn rồi ngoảy ra. Vika cầm bức ảnh, định xé nghĩ sao lại thôi. Khi đi qua cổng, Toni cố ý lách mình để cái chuông kẽm không rung lên. Vika chạy ra xô mạnh cánh cửa cho cái chuông lắc mạnh. Một tiếng rung xua đuổi kéo dài. Điếc này, thì điếc đấy, chuông kêu to thế vẫn không nghe là điếc lắm rồi.

Toni vẫn giữ thói quen săn ảnh trên đồng. Anh đã có nhiều kinh nghiệm hơn, biết tiết chế cảm xúc và chờ đợi khoảnh khắc, chỉ bấm máy khi mọi cảnh vào ống kính đã chuẩn. Những bức ảnh chụp Vika giữa cánh đồng nhiều hơn cả. Anh tráng rọi, cất thành một tập làm kỷ niệm, không gửi đi dự triển lãm nữa. Cũng không cho Vika xem.

Có lần Toni rong ngựa đi chơi, chiều muộn trở về thì đã ngà ngà rượu. Anh cho ngựa băng qua cánh đồng, cày nát một lối hoa hướng dương đang độ chín. Xuống ngựa, Toni túm lấy cánh tay Vika. Cô vùng vẫy định chạy về nhà nhưng Toni cầu xin hãy ở lại một lúc, anh có chuyện muốn nói. Vika miễn cưỡng ngồi xuống.

- Anh không sợ tôi bị điếc hay sao?

Toni im lặng một lát rồi đáp:

- Nghệ thuật của anh chỉ quan tâm đến ánh sáng màu sắc, âm thanh là thứ thừa ra của nhiếp ảnh. Điếc hay thính đi nữa cũng không thể đưa vào ảnh được.

Vika cứ nghĩ hoài mấy câu nói của Toni. Càng nghĩ càng thấy có lý. Hình như chỉ có những bức ảnh là hiểu cô. Những bức ảnh thì không phân biệt được âm thanh và người thợ ảnh chẳng quan tâm đến lỗ tai.

Cô bắt đầu có cảm tình với Toni. Vika chăm sóc mình kỹ hơn trước khi ra đồng. Mẹ cô bảo nông dân thì cần gì phải đẹp. Chải cái tóc quấn cái khăn rồi ra giữa đồng gió cũng xới tung lên hết cả, chỉ phí công. Vika trang điểm vì biết có ống kính của Toni hằng ngày thường chờ mình. Phụ nữ được khích lệ làm đẹp khi có những con mắt khác nhìn vào.

Dần dà Toni và Vika gần gũi nhau hơn. Họ thường gặp nhau lén lút giữa cánh đồng vào cuối ngày. Buổi tối có khi Toni lần đến nhà Vika, rung cái chuông kẽm trước ngõ làm tín hiệu cho cô biết mà chạy ra đồng. Bố mẹ Toni biết chuyện qua lại giữa cậu con trai với cô gái trồng hoa. Ông bà can ngăn, thậm chí ông bố còn dọa thu lại chiếc máy ảnh của Toni. Ông bảo, cái thằng nệ chiếc máy ảnh đi lừa con gái thiên hạ. Mà dan díu với ai cơ chứ, lại là con bé đẻ hoang con mẹ điếc.

Cái bụng Vika ngày càng lớn dần lên. Lúc đầu cô quấn chiếc khăn ép bụng, nhưng cái thai ngày càng to, không giấu nổi. Người làng được cớ dèm pha đúng là mẹ nào con nấy. Sự thể đã ra như thế, Toni thưa với cha mẹ được cưới Vika làm vợ. Mẹ anh bảo mày hết người lấy hay sao lại đòi lấy con bé Vika. Cấm tuyệt đối. Mà có chắc chắn đứa con Vika mang trong bụng là dòng giống nhà này không. Bà mẹ đi rêu rao khắp làng rằng từng bắt gặp Vika dan díu với khách du lịch ngay trên đồng hoa hướng dương. Đứa con trong bụng kia chẳng phải là người làng Komarovka đâu. Nó là con hoang ngoại xứ, cũng như mẹ nó vậy thôi. Mai mốt lớn lên làng cứ cạch mặt nó ra. Người Komarovka không có cái kiểu đụng đâu chửa đó được.

Bà mẹ Vika điếc nhưng biết rõ chuyện đàm tiếu của người làng, buồn quá đổ bệnh mà chết. Toni bất lực trước sự can ngăn của cha mẹ và dư luận, đành bỏ xứ mà đi qua miền đất phía đông. Tài năng nhiếp ảnh của anh đang lên, tiếng tăm của anh đang có, khéo chỉ vì một mụn đàn bà mà hỏng cả sự nghiệp. Anh mang theo chiếc máy ảnh, chạy qua nhà Vika, giật cái chuông kẽm rung lên một lần cuối cùng rồi đi. Vika thì phải ở lại, phải sống. Sống để sinh con, ở lại với cánh đồng làm lụng mà nuôi con.

Vika sinh được một bé trai. Khi ấy cô vẫn chưa có triệu chứng điếc như người ta nghi ngờ. Dân làng không đổ vấy được vào cô chuyện lãng tai thì chuyển nghi ngại qua thằng cu con. Cái mầm bệnh rất dễ di truyền tái phát ở đời cháu. Vika đặt tên cho đứa con trai là Koleso, nghĩa là bánh xe. Bánh xe thì lăn được, tự do được, không phải ngồi yên chịu đựng như bà như mẹ.

Cậu bé Koleso tay chân lành lặn, trắng trẻo, mặt có nét giống Toni. Cậu thường cầm một cái lon đựng sữa bò dùng xong, thả vào trong viên đá rồi lắc kêu reng reng. Thứ trò chơi này cậu học từ cái chuông kẽm mẹ Vika treo trước cổng. Buổi sáng dậy sớm Koleso cầm lon chạy quanh xóm mà lắc, báo thức cho cả làng Komarovka. Nhiều người mở cửa ra chửi: Điếc tai quá. Không nghe cũng bảo điếc, nghe to quá cũng bảo điếc, đúng là tiếng đời.

Bố mẹ Toni đến xin Vika được nhận Koleso làm cháu nội. Nó lớn rồi, cái mặt giống Toni quá, đích thị dòng giống nhà này, chẳng thể lẫn đâu được. Trước bà dựng chuyện nói xấu Vika, bảo dân làng Komarovka cạch mặt thằng Koleso. Nay thì bà đã chịu nhận nó. Dù gì ông bà cũng chỉ được Toni độc đinh. Mà Toni lại bỏ đi biệt rồi. Nhận đứa cháu coi như yên tâm một phần chuyện nối dõi phụng hiếu. Ngớ ngớ ngẩn ngẩn nhưng có còn hơn không. Vika không chịu, làm mình làm mẩy. Cô bảo nó không phải cháu của ông bà đâu, thằng Koleso là con hoang ngoại xứ bà ạ.

Lần Koleso cầm lon chạy đến ngôi nhà đẹp nhất làng, nhà của bố mẹ anh thợ ảnh Toni, cậu đứng ngẩn ra nhìn. Ông bà từ trong nhà cũng nhìn ra, thấy thằng bé quả giống Toni thật. Bà chạy tới định ôm chầm lấy cậu bé nhưng Toni đã kịp ném cái lon sữa bò vào sân rồi chạy vụt đi.

Koleso lên mười tuổi vẫn mê chơi trò lắc lon. Mẹ Vika mua cho cậu một cái còi xúp lê. Cái hộp sữa đựng viên sỏi xúc xắc thay bằng chiếc còi bên trong có hạt bi tròn nhỏ. Mỗi lần thổi còi kêu một tiếng dài, viên bi nhỏ đánh lộn xộn trong còi kêu reng reng. Xem ra Koleso mê âm thanh. Trẻ con mê một thứ gì đó quá đà thường có dấu hiệu không bình thường. Đúng thế thật, lớn thêm một chặng nữa Koleso tỏ ra khác những đứa trẻ trong làng. Ngớ ngớ ngẩn ngẩn, điên điên khùng khùng. Ai bảo gì nó cũng chỉ cười. Koleso bị câm, câm rồi thì điếc luôn. Ông trời hay bắt người ta như thế. Koleso điếc bẩm sinh, không thầy thuốc nào chữa được. Tiếng còi xúp lê của cậu vẫn kêu inh ỏi xóm làng. Cậu điếc nên có thổi to cỡ nào nữa thì cũng chả phiền tai mình. Người làng nghe hoài cũng quen. Một ngày không nghe tiếng còi xúp lê lại bảo nhau thằng Koleso hôm nay ốm chắc.

Bị câm bị điếc nhưng Koleso học chữ khá nhanh. Cậu luyện chữ hằng ngày. Đọc thì chịu nhưng viết thì được. Chữ nghĩa cậu hiểu mà diễn đạt cho người khác thấu thì không. Thành ra Koleso càng bị cô lập, bỏ rơi giữa đám trẻ làng.

Năm mười lăm tuổi Koleso đã biết kiếm tiền giúp mẹ. Cậu đi bán vé xổ số. Hằng ngày Koleso dậy sớm đạp xe lên phố nhận một tập vé rồi lượn xe loanh quanh bán. Thấy cái mặt ngơ ngơ ngáo ngáo của Koleso người ta thương tình mà mua cho. Nửa buổi chiều cậu đã bán hết.

Một người thợ cắt tóc gọi Koleso vào quán.

- Này, tớ cắt tóc cho ông nhé?

Koleso gật đầu, nhanh nhẹn nhảy lên ghế ngồi. Người thợ dùng tông đơ ủi cho Koleso cái đầu húi cua. Xong lại lấy dao lam cạo sạch mấy đường tóc, tạo thành chữ Koleso.

Koleso thích kiểu tóc này, nhờ nó mà người ta để ý đến cậu và cậu cũng bán được nhiều vé số hơn. Chẳng ai bỏ quên cậu. Koleso cũng kết cái ông chủ hớt tóc này quá. Thỉnh thoảng tóc dài, cậu lại nhảy vào chỉ trỏ bảo ông cắt cho. Những ngày lễ, đầu tóc Koleso được tạo mốt. Vẫn là thứ tóc đinh húi cua, nhưng chữ “khắc” trên đó phù hợp với nội dung ngày lễ: Noel, Phục sinh, Chiến thắng, Độc lập… Đầu tóc của cậu thành một thứ biển quảng cáo di động. Người đi đường ngó thấy Koleso, dù có bực nhọc mệt mỏi mấy đi nữa cũng phải mỉm cười.

Bán vé số mà câm thì không rao mời được. Ông thợ cắt tóc lấy một tấm bìa giấy cứng, đục hai cái lỗ xâu dây choàng qua cổ Koleso. Tấm giấy bìa đeo trước ngực như một biển hiệu. “Tôi là thằng bán vé số cầu may”. Biển hiệu này đeo được một tháng thì nhàm chán. Ông thợ cắt tóc lại thay bằng biển khác. Cứ thế, nội dung biển được thay đổi thường xuyên. “Hãy mua một tấm vé số và tiếp tục giấc mơ của bạn”. “Tôi vẫn đi giữa mọi thời tiết. Vì cơ hội vẫn luôn chờ bạn bất kể gió mưa bão tuyết”. “Tên tôi là Bánh xe, luôn tiến về phía trước để đón lấy giải thưởng cho quý vị”. Koleso chẳng cần mời chào nhiều, chỉ cần tấm biển vui vui khiến người ta móc tiền ra mua giúp vé. Họ nghĩ thánh nhân hay đãi kẻ khù khờ, mua vé thằng này biết đâu trúng độc đắc cũng nên. Thỉnh thoảng ông thợ cắt tóc lại mượn Koleso để quảng cáo cho cửa hiệu của mình. Ông viết vào tấm bìa: “Mái tóc của tôi được thiết kế bởi nhà tạo mẫu bậc nhất ở cửa hiệu số 7 đường Kupalư”.

Koleso nổi tiếng khắp cả một vùng rộng lớn. Nổi tiếng bằng sự ngớ ngẩn mà hay chơi ngông. Có người gọi Koleso là anh chàng câm vui tính. Một tên hề diễn trò giữa cuộc đời. Rạp hát kịch trên thành phố đặt vấn đề mời cậu vào diễn hài kịch câm. Koleso chẳng cần biết kịch là gì, diễn xuất là gì. Nhưng cậu chỉ cần bước ra sân khấu với bộ dạng ngô nghê là khán giả đã cười ầm lên. Koleso quá hăng hái lượn đi lượn lại trên sân khấu đến khi ông đạo diễn đứng sau cánh gà ngoắt tay ra hiệu thôi mà cậu vẫn không chịu rút vào. Tức máu ông đạo diễn chạy ra túm lấy cổ áo diễn viên quá khích kéo vào. Koleso vùng vẫy không chịu. Cảnh diễn ngẫu hứng ngoài kịch bản đang lên hồi cao trào, khán giả phía dưới ôm bụng cười rũ rượi. Đột nhiên Koleso cầm còi xúp lê rít vào tai ông đạo diễn một hồi dài. Đạo diễn phải ngã lăn ra buông tay khỏi cổ áo Koleso. Chủ rạp bất ngờ trước tình huống này, đành phải khệnh khạng bước ra chống chế chữa cháy.

- Thưa quý vị. Một thằng câm bất lực trước cuộc đời. Không có cách nào thoát được sự chế giễu bắt nạt của kẻ khác. Thằng câm phải mượn đến tiếng còi xúp lê. Tiếng còi như một hồi gióng báo động về sự bất nhân của cuộc sống hôm nay.

Khán giả ra về trầm trồ khen kịch bản hay. Vở diễn trở nên nổi tiếng, Koleso được xem là một tài năng trong nghệ thuật sân khấu. Cậu được nhà hát mời đi diễn. Nhưng mẹ Vika không đồng ý. Một lần duy nhất ấy thôi, không được sa đà vào nghệ thuật. Toni đã vì nghệ thuật mà bỏ cô đi, lâu rồi không thấy về thăm quê, thăm mẹ con cô. Nghe nói Toni đã được biên chế vào làm phóng viên ảnh trong một cơ quan ở miền đông.

Vika vẫn ở trong ngôi nhà gỗ cũ làng Komarovka trồng lúa mì, chăm hoa hướng dương. Đến mùa hái hạt hướng dương sao rang đem đi bán. Cuộc sống giản dị thanh bình. Cái chuông kẽm đã không còn treo trước ngõ nữa. Vika không hề bị điếc, cô vẫn nghe rõ mọi âm thanh tiếng động. Chỉ có đứa con trai là tịt nghe và câm. Koleso rít một hồi còi xúp lê báo với mẹ mỗi khi cậu về tới cổng nhà.

 

*

Chiến tranh nổ ra. Tiếng súng xé tan không khí yên bình nơi làng xóm. Đất nước phía đông, đất nước phía tây ở hai bên chiến tuyến. Làng Komarovka bị kẹp ở giữa. Quân đội miền tây tràn vào làng, bắn vài phát đạn chỉ thiên uy hiếp tinh thần. Làng quê xưa nay thanh bình, chỉ sợ mỗi tiếng sét đánh của ông trời, bây giờ thì hoảng loạn vì tiếng súng của con người. Giặc không giết hại một ai, thậm chí không càn quét nhà cửa cây cối, chúng chỉ rẽ một lối đi giữa đồng hoa hướng hương làm đường hành quân. Tiện thể qua làng thì bắt đàn ông trai tráng sung vào lực lượng. Thanh niên mười tám đến ba mươi bị cưỡng ép mặc quân phục. Ai chống đối sẽ có ngay một phát súng bắn chỉ thiên cảnh cáo. Đêm, làng Komarovka thỉnh thoảng nghe tiếng nổ ghê rợn.

Một toán lính ập đến ngôi nhà gỗ cuối làng, xô cửa xông vào bắt Koleso. Vika hoảng hốt phân bua:

- Con tôi nó bị ngớ ngẩn, lại vừa câm vừa điếc, chẳng biết bắn nhau đâu.

Tay tiểu đội trưởng trợn mắt:

- Thế thì càng tốt. Điếc không sợ súng. Càng can đảm chứ sao.

Một tên lính nói nhỏ vào tai tiểu đội trưởng:

- Thằng này trước có diễn hài ở trên phố đấy anh ạ.

- Ồ, hay quá – Tiểu đội trưởng bảo – Cho nó sung vào đoàn văn công diễn trò giải trí.

Koleso được mặc quân phục. Trông cậu chững chạc và ra dáng thanh niên hơn, chẳng còn là thằng bán vé số rong nữa. Koleso cũng tỏ ra thích thú với bộ áo quần mới. Cậu rít một hồi xúp lê chào tạm biệt mẹ. Vika chạy theo túm tay Koleso kéo lui. Nhưng họng súng đã chĩa vào ngực cô. Thôi thì để cho con nó đi. Can ngăn cũng không được, khéo lại ăn đạn chết ngay bây giờ. Còn sống thì còn hy vọng gặp lại con. Chiến tranh, sống được khúc nào hay khúc ấy. Thêm một người đàn ông quan trọng rời bỏ Vika, trước là người tình Toni, giờ đến khúc ruột Koleso.

Người làng bảo cái ông thợ chụp ảnh Toni giờ đang là phóng viên chiến trường của quân phía đông. Tin này được đích thân ông bà thân sinh Toni xác thực. Hai mươi năm rồi Toni không về làng Komarovka, giờ thì đã thành một người của nước miền tây, một chiến sĩ tuyên truyền. Toni từng rung một hồi chuông kẽm tạm biệt Vika. Koleso huýt một tiếng còi xúp lê chào mẹ Vika. Tiếng chuông tiếng còi bây giờ ở hai bên chiến tuyến. Máu mủ ruột rà đối kháng nhau. Có thể coi là kẻ thù của nhau. Cũng có thể coi là không, vì Toni chỉ làm lính phóng viên của miền đông, không được cầm súng. Koleso ở bên quân miền tây. Một khi đã vào trận, khói lửa mịt mù, ai biết được chuyện cha con giết nhầm nhau, vô tình mà cũng là thường tình.

Chiến tranh như một trò chơi quái ác. Hai bên quần đi quần lại, hễ bên này giành được vài bữa thì bên kia trở lại tái chiếm. Đánh nhau rã rời kết cục chỉ xâu xé một miếng đất nhỏ, không đáng phải mất nhiều thời gian, vũ khí và mạng người đến thế.

Toni trở về làng Komarovka khi tóc cũng đã xơ bạc, trán hói, trông rất nghệ sĩ. Người ta gọi ông thợ ảnh, không ai nói là thằng thợ ảnh lãng tử như trước nữa. Ông Toni đội chiếc mũ phớt để che khoảng trống hoi hói trên đầu.

Ba chục năm lưu lạc đất miền đông, rồi tham gia vào cuộc chiến, Toni làm một phóng viên ảnh xuất sắc. Những bức ảnh chiến trận trắng đen của Toni được dùng làm tư liệu quý, đấy vừa là những khoảnh khắc lịch sử vừa là tác phẩm nghệ thuật. Toni hồi hương mang theo nhiều huân huy chương cao quý mà chính quyền miền đông trao tặng. Không cầm súng bấm cò vẫn được đeo huy chương. Nghệ sĩ mà đeo huy chương thì mất hình ảnh. Toni đùm một mớ leng leng đem về đưa cho hai cụ thân sinh xem. Hai cụ đã già xụ, có vẻ tự hào về thành tích của người con. Xưa ông chửi Toni là đứa chẳng ra gì, nghệ thuật vô tích sự. Nay ông đã thấy nghệ thuật của Toni có ích. Muốn tán thưởng khen ngợi một câu mà đã già quá, líu cả lưỡi rồi.

Bà Vika túm lấy vai ông Toni:

- Thằng Koleso đâu? Sao nó không về Komarovka?

Ông Toni ngớ người ra hồi lâu mặc cho bà Vika giằng giật đứt mấy chiếc cúc áo.

- Hả? Ông và nó cùng ở chiến trường, hẳn phải gặp nhau chớ.

- Tôi không hề gặp thằng Koleso ở chiến trường.

- Ông bỏ đi từ hồi thằng bé đỏ hỏn. Có biết mặt nó đâu mà bảo gặp hay không. Hay ông đã bắn chết thằng Koleso. Ông và nó là kẻ thù của nhau mà, đúng không?

- Tôi thề tôi không bắn ai cả. Tôi là phóng viên ảnh. Nghệ thuật của tôi không giết người.

- Ông phải kiếm nó về cho tôi. Không thì đừng đến đây nữa.

Lần thứ hai Vika giận dữ xua đuổi Toni. Hồi trẻ cô Vika giận anh Toni vô cớ. Lần này bà Vika giận ông Toni cũng chẳng có căn cớ gì, nhưng nghe ra cũng có lý.

Hòa bình, làng Komarovka lại yên ả như xưa. Ông Toni gây dựng lại cái hiệu ảnh để kiếm sống. Huy chương huân chương xếp cất. Hào quang thì cũng chỉ sáng lên tên tuổi, không ăn được. Bà Vika vẫn trồng lúa trồng hoa như mấy chục năm qua. Lúa bà làm ít hơn, ai ăn mà làm cho nhiều. Chỉ có đất trồng hoa là xưa nay vẫn chừng ấy công sào. Vika nay đã là người đàn bà năm mươi tuổi, trung niên tắt kinh kéo theo sự lãng tai. Lãng tai vô thời kỳ, bà Vika điếc luôn. Bao nhiêu năm thanh xuân trẻ trung tai thính lại chẳng lấy được chồng, giờ thì bà điếc thật. Mất đi một khúc ruột Koleso. Đau điếc mang tai.

Bà đem hạt hướng dương tới đầu làng ngồi bán. Chỗ bà ngồi đối diện với cửa hiệu nhiếp ảnh của ông Toni. Buổi sáng ông thợ ảnh mở cửa, thấy bà bán hạt ngồi chình ình bên kia đường như thách thức, như đòi nợ.

Người qua đường bảo sao bà không mang hạt ra chợ mà bán, hả bà Vika. Có người bảo nghe phong thanh Koleso đã thành một nghệ sĩ hài nổi tiếng bên miền tây. Nó hết điên hết khùng rồi, và cũng quên hết đường về Komarovka nên mới bỏ mặc bà mẹ ở làng. Người ác mồm lại bảo thằng Koleso chắc chết ở xó xỉnh nào đó trong chiến trường rồi chứ đâu về nữa mà chờ. Nhưng bà Vika điếc, chẳng nghe được ai nói gì, chỉ dõi mắt về phía xa xăm.

Bà Vika hay lẩm bẩm:

- Thằng Koleso của tôi nó sắp về rồi đấy. Nó làm công an cưỡi ngựa về làng, cầm còi xúp lê thổi. Nó sẽ bắt hết những kẻ độc mồm độc miệng. Bắt khóa mồm hết, bắt bịt tai hết, cho điếc cho câm cả lũ.

Người ta đồn bà bị điên hay nói lẩn thẩn chuyện chẳng đâu. Có người tức giận hét thật to vào tai bà câu hỏi khiêu khích.

- Thế bao giờ nó về hả bà Vika?

 Chẳng biết bà có nghe được hay không mà đáp lại rằng bán hết số hạt hướng dương này con tôi sẽ về. Thế mà hết mấy chục bao đựng rồi vẫn chẳng thấy bóng dáng Koleso đâu cả.

 *

Tôi đến Komarovka sau khi cuộc chiến phía đông phía tây kết thúc đã ngót nghét gần trăm năm. Ngôi làng trồng hướng dương khi xưa nay đã là một chốn phồn hoa đô hội. Nhà cửa cao tầng san sát, có cả siêu thị, rạp hát. Chẳng còn một bãi trồng hoa nào cả. Một cái chợ lớn được xây dựng ở đây như là chợ trung tâm của thành phố. Chợ lấy tên Komarovka.

Ngay trước cổng chợ có một quần thể tượng bằng đồng.

Tượng ông thợ chụp ảnh bằng máy cơ. Ông đứng khom nhẹ lưng như một diễn viên điệu bộ. Tay trái cầm chiếc mũ phớt chìa ra mời khách. Đầu hói tóc nhưng mặt ông vẫn tươi trẻ. Nghệ sĩ nhiếp ảnh thì vô tư, chẳng bao giờ già đi, cứ trẻ trung y nguyên như những bức ảnh.

Tượng một con ngựa không người cưỡi, chỉ có chú chim sẻ đậu trên đầu ngựa. Chim sẻ bất động như hình thù chiếc còi xúp lê.

Tượng bà già đang ngồi kiểu chờ đợi, khăn quấn trùm quanh đầu. Ngay trước chỗ bà ngồi là một bao hạt hướng dương to tướng và cái lon sữa bò đựng đầy hạt. Bức tượng này có tên “Bà già điếc bán hạt”.

Lần đầu tới chợ Komarovka, tôi thích thú nhìn bầy chim rặc trời sà xuống tự do chạy nhảy nơi khoảng sân trước chợ. Một vài con chim nhảy xổ vào mổ những hạt hướng dương bằng đồng khô cứng nơi cái túi tượng bà già. Thấy tội quá, tôi vốc hạt hướng dương từ trong cái túi mới mua, ném cho chim sà xuống mổ chơi. Một cụ già bước tới đập tay vào vai tôi nhắc nhở làm như thế là xúc phạm đến người bản xứ Komarovka. Vì sao. Vì nó là hạt niềm tin.

Người dân ở đây cho rằng nếu bỏ hạt hướng dương vào chiếc lon sẽ gặp điều may mắn. Cái lon đựng hạt như chiếc chuông móc trước cổng nhà, chỉ chờ có người là rung lên.

H.C.D

 

 
Hoàng Công Danh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 333

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

18 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground