Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 02/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hoa muộn

N

hư lúc anh đi, hôm anh trở về là một đêm mưa gió.

Chị cho con đi ngủ, lúc ấy hãy còn sớm. Cộc cộc...cộc cộc cộc. Có tiếng gõ cửa vừa rụt rè, vừa gấp gáp. Chị mở cửa. Một người đàn ông đội mưa, trên vai mang một chiếc ba lô. Trong đêm tối, cả nó và người đàn ông trở nên đen sẫm.

- Ai rứa?

- Hương... anh đây!

Giọng người ấy run run, nhưng sao nghe quen qúa.

- Anh... là ai?

- Là anh đây. Lê đây!

- Anh Lê! Thật không? Đúng là anh đã về không?

Người đàn ông vào nhà, ánh điện soi rõ mặt. Đúng là Lê, chồng chị đã về thật. Chị mừng đến run người, bổ nhào về phía anh.

- Anh!

Anh gượng ghịu đẩy chị ra. Nét mặt e ngại, anh nói:

- Anh đến thăm em. Dạo ni em răng rồi? Có khoẻ không?

Vừa hỏi anh vừa đưa mắt nhìn quanh nhà đúng kiểu người đi xa mới về. Nhưng cốt là để dò xem có ai nữa không. Hiểu được suy nghĩ của anh, chị nói:

- Em vẫn ở một mình, chờ anh trở lại. Em tin anh sẽ quay về. Đúng rứa thật. Anh! Em nhớ anh, mong anh nhiều anh có biết không?

Chị nấc lên.

- Em vẫn đợi anh thật ư? Sao em không...

Ý anh là sao em không lấy chồng. Chị cắt ngang:

- Em chỉ yêu mình anh. Làm sao em có thể lấy người nào khác. Giờ anh đã về. Đừng bỏ em một lần nữa anh nhé! Hứa với em đi!

Anh cũng vậy. Anh chỉ yêu mình chị mà thôi. Biết chị vẫn đợi, anh mừng lắm. Mặc dù đã viết đơn ly dị, anh muốn giải thoát cho chị, nhưng trong lòng, anh chỉ muốn chị là của riêng anh.

Anh thay bộ áo quần khô. Môi anh hồng trở lại. Anh gầy và đen đi nhiều, nhưng trông khoẻ mạnh hơn trước. Chị đưa cho anh cái máy sấy tóc, anh không cầm, mà ôm chị vào lòng, ánh mắt đắm đuối. Dường như, sự xa cách làm nụ hôn sâu hơn, ấm hơn. Đã ba năm rồi còn gì!

- Nói cho em nghe, lâu nay anh làm chi? Ở mô? Răng không báo cho em một tin?- Chị hỏi trong hơi thở gấp gáp.

Anh cài môi chị bằng đôi môi anh.

- Rồi anh sẽ kể em nghe. Bây giờ...

Ngoài trời sấm chớp đùng đoàng. Mưa như trút nước. Hơi thở của họ hòa vào tiếng mưa, quyện vào nhau tan giữa đất trời.

Anh lần cởi từng cúc áo chị. Trời như ghen với họ, nổi gió mạnh hơn. Gió hất tung cánh cửa ra, rồi đánh rầm. Anh hôn lên má, lên trán, lên môi. Anh trút cả nỗi nhớ lên chị. Bỗng, anh giật nẫy người, đẩy mạnh chị ra khỏi vòng tay. Trước mắt anh, một vật lạ người chẳng ra người, ma chẳng khác ma. Cái đầu nó dẹt như quả bí đỏ. Chân tay khẳng khiu, đen nhẻm. Cái bụng ểnh ra, tròn bo như bụng cóc chữa. Hai con mắt, trời ơi! Hai con mắt lồi hẳn ra ngoài, trắng hếu. Cái mũi nằm bẹp dí trên khuôn mặt. Miệng là một lỗ sâu hoắm kia cất lên tiếng người.

- Mẹ ơi! Cha chon (con) đã về, đúng không mẹ?

Anh chưa hết bàng hoàng, nó nói tiếp:

- Cha ơi! Mẹ và chon mong cha nhắm (lắm)!

Hình hài đáng sợ thế, nhưng cái giọng chớt của trẻ lên ba rất đáng yêu. Nói rồi, nó lao về phía anh. Như có một ca nước đá tạt vào người, anh rùng mình, sởn gai ốc. Anh lách sang một bên tránh hướng thằng bé. Mất chỗ dựa, nó ngã lăn kềnh ra nền nhà. Chỏng bụng lên trời, chân tay khua khua, nó khóc ré lên:

- A, chon đau, đau nhắm mẹ ơi! Cha không chương (thương) chon. Hu hu...

Chị vừa cài vội mấy cúc áo. Chạy đến đỡ thằng bé dậy. Xoa xoa vào “quả bí” của nó.

- Con ngoan, nín đi rồi ba yêu. Nín đi con.

Được mẹ giỗ, nó càng khóc to hơn.

- Chuyện gì thế này? Em đã có con? Em vừa bảo vẫn đợi tôi, vậy mà...

Cảm giác bị lừa, anh tức tối, hỏi dồn dập.

*  *  *

Từ ngày anh bỏ đi. Chị buồn, rụng gần hết tóc. Chị đi tìm anh. Lang thang, vất vưởng như người điên. Đi mãi. Rồi một hôm, chị nghe có tiếng trẻ khóc. Ở đây vắng vẻ qúa. Hình như là một bãi rác. Đúng thế thật. Một bãi rác to ụ bên vệ đường. Chị lần theo tiếng khóc, nó được cất lên từ một cái giẻ rách cuộn tròn. Chị nhìn quanh, gọi: “Có ai không?”. Đáp lại tiếng chị là tiếng vo ve của lũ ruồi xanh. Chị cúi xuống, lật tấm giẻ rách ra. Một đôi mắt thô lố, trắng hếu nhìn chị. Lỗ miệng ngoác ra, đen ngòm như cái hang tối. Đó là một cái quái thai đỏ hỏn, ngo ngoe, gào khóc. Chị lạnh toát cả người, dựng đứng tóc gáy, bủn rủn chân tay. Bưng mặt, nôn oẹ, chị chạy thục mạng. Vừa chạy vừa ngoái đầu nhìn lại như sợ cái quái thai đó rượt đuổi. Cách khoảng vào trăm mét, chị dừng lại, tựa vào gốc cây thở hổn hển. Tim như muốn vọt ra khỏi lồng ngực.

Khoảng hai mươi phút sau. Tiếng khóc lại vang lên, mỗi lúc mỗi gần hơn. Chị quay người như chong chóng. Rõ ràng là không thấy nó. Tiếng khóc bủa vây chị, vật vờ trong óc, cào xé tim chị. Vật vã, đau đớn.

Tiếng khóc ngặt nghẽo níu lấy bước chân chị nặng trĩu. Chị muốn chạy tiếp nhưng không sao nhấc chân lên được. Khổ thân đứa bé. Chắc là kết quả của một mối tình tàn ác. Tội nghiệp. Nó cũng là một sinh linh bé nhỏ cần được sống, cần được chăm sóc, yêu thương. Chị thoáng nghĩ: Chẳng phải mình cũng đã từng ao ước có một đứa con.

*  *  *

Bỏ nhà đi tìm chồng chưa đầy chín tháng, nay trở về với đứa con đỏ hỏn, dị dạng. Hàng xóm đến với chị ít hẳn. Họ dè bĩu, khinh miệt. Trong số đó, may ra còn có một hoặc hai người thương xót. Không ít lời qua tiếng lại bàn tán về chị, về đứa trẻ. Mặc kệ, chị tặc lưỡi. Miễn sao mình sống phải đạo với trời là được.

Chị tốt thế mà vì sao anh bỏ đi? Chuyện là thế này:

Chị tên Hương. Con ông Tân ở ven thị xã H. Cô không sắc sảo, nhưng rất duyên bởi nước da ngăm đen, đặc trưng con gái miền Trung. Hương có năng khiếu văn nghệ “trời phú”. Thơ văn, kịch hát, cô biết tất. Tốt nghiệp trung cấp văn hóa quần chúng, nhưng cô vẫn thất nghiệp vì không có tiền xin việc. Cô tham gia tất cả các hoạt động xã hội của phường, nơi cô sinh sống. Cái công việc như người đời vẫn nói: “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Vậy mà gặp cô ở đâu, bà con hàng xóm cũng hỏi: “Cô Hương làm việc xã chắc nhiều tiền lắm...?”. Cô chỉ cười. Có lương, chắc không đến lượt cô.

Từ khi có Hương nhúng tay vào, phong trào văn nghệ của phường lên như diều gặp gió. Tay trưởng ban văn hóa ngồi rung đùi mà nhận thành tích. Rồi hắn cho cô làm “trợ lý”. Từ đó, Hương quen rất nhiều bạn, được nhiều người yêu mến. Hương đa tình. Người yêu cô rất nhiều, người cô yêu cũng không ít. Nhưng rồi những mối tình đó cũng qua đi nhanh chóng.

Hai mươi ba tuổi, Hương gặp Lê. Anh làm phóng viên của một tờ báo địa phương. Lê hơn cô mười tuổi, chưa vợ. Họ yêu nhau, một năm sau thì cưới.

Nói đến đây chuyện tưởng như không có gì. Nhưng chính từ đây là móc ngoặt éo le của cuộc đời cô.

Hương mạnh khoẻ, tràn đầy sức sống. Lê cao to, lãng tử hơn thường. Đêm tân hôn. Đó là giây phút hạnh phúc quan trọng nhất của một đời người. Nhưng đêm tân hôn của vợ chồng Hương không có chuyện xảy ra như qui luật của nó. Hương nằm chờ đợi giây phút hiến dâng đời con gái để bước sang đời đàn bà. Mơ màng, quyến rũ. Đồng hồ điểm hai giờ sáng, Chị khẽ mở mắt. Anh đã ngủ say từ lúc nào. Có lẽ hôm nay anh mệt. Hương không nỡ đánh thức. Vã lại, con gái ai lại chủ động “chuyện ấy”. Ngại lắm.

Lê rất yêu vợ. Anh xin phép ba hôm liền ở nhà với chị. Bên vợ, anh dịu dàng, thiết tha, ôm ấp. Đã ngày thứ ba, anh vẫn không “đả động” gì đến chuyện...ấy. Anh đụng chạm, vuốt ve da thịt chị làm xáo động nỗi khát khao trong chị. Nó trào dâng, phá tung các mạch máu, len lỏi qua từng tế bào. Cháy. Khát. Chờ đợi. Chị mạnh dạn vục tay vào quần anh. Không tin vào cảm giác. Móc quần anh xổ tung. Trời! “Thằng nhỏ” như cái kẹo mút bị đứa trẻ mút dở, chê, nhổ xuống nền nhà, lạnh lẽo mềm oặt.

Ngượng. Anh kéo vội xăng-tuy lại. Hương tra khảo:

- Anh không có ư? Sao lại như thế... Sao anh giấu em?

Đã là vợ chồng, nhưng nói đến chuyện này mặt anh đỏ như gấc, anh nói:

- Anh xin lỗi. Anh cũng không biết nữa. Hương! Anh yêu em. Anh rất khát khao em nhưng “nó” không theo ý anh.

Chị trăn trở suy nghĩ, lo toan. Anh ngượng ngùng, bực bội vì không làm tròn bổn phận của người chồng.

Đêm dài vô tận.

Thời gian nặng nề trôi.

Sáng. Anh đi viết bài về chất độc màu da cam ở huyện Cam Lộ- Quảng Trị. Chị sang nhà bà Xuân chơi. Nhà bà bán phở, đông khách. Thấy chị, bà trêu:

- Hôm qua “không có” hay sao mà ỉu xìu thế em?

Cái con mẹ này đúng là bạo mồm. Nói oang oang như cái loa phát thanh. Bao nhiêu cặp mắt tò mò đổ dồn về phía chị. Ngượng chết đi được. Mụ đoán giỏi thật. Cứ như chọc thẳng vào chỗ ngứa của người ta. Vãn khách, Hương tâm sự với bà. Dù sao mụ ta cũng đã có chồng con, giàu kinh nghiệm.

Nghe xong mụ xổ một tràng cười khoa khoả. Đã hơn năm mươi tuổi rồi mà cặp vú mụ như cặp bát tô, giãy đành đạch. Mụ nói:

- Cái thằng nom to cao thế kia mà “bất lực” à? Bỏ.- Mụ nói. Lấy chồng là lấy cái đó. Không có khác chi chọc thèm. Nói rồi mụ thở đánh thượt một cái như mãn nguyện: Lão xế nhà tao say lên xỉn xuống, thối như con cá mắm, nhưng vẫn có cái mà chuồi. Khoả khoả hứt khoa khoa...

- Bỏ sao được. Em yêu anh ấy.- Hương phân minh.

- Nói rứa thôi. Để tao bày cách cho. Lão xế cũng ăn như rứa. Lão khỏe như con ngựa. Khoa khoa... Nhìn bầy con tao thì biết.

Hương đi chợ, mua cá tràu, giá đỗ, rượu bọ cạp... như lời mụ Xuân dặn. Hơn một tháng trời như thế, chỉ thấy anh béo trắng ra. Nằm bên anh. Nỗi thèm muốn như những con sóng ập vào bờ. Lúc dịu dàng, lúc cuồng nộ. Yêu vợ, anh làm khúc dạo đầu rồi lăn ra ngủ. Khác chi mỡ treo miệng mèo, để chị một mình chờ đợi. Không chịu nổi. Chị ập lên người anh. Đê mê, vật vã. Cặp vú căng lên, nhức nhối.

Nam nữ yêu nhau, khát khao là thế. Huống chi họ là vợ chồng.

Dục vọng của con người lớn lắm. Đôi khi lấn át cả lý trí, con tim. Chị cũng không phải ngoài lề. Chị nổi quạu:

- Anh thật vô dụng. Cưới tôi về để làm chi kia chứ?

- Em chỉ cần có rứa thôi sao?

- Em chịu đựng như rứa là quá lắm rồi. Phải con khác nó bỏ từ lâu. Bảo đi khám đi chữa thì không nghe. Cứ như con vịt mái, ai chịu được.

- Cô...Đồ rượng đực.

Chị khóc. Anh không chịu được, bỏ ra ngoài.

Nhớ hồi chưa lấy anh. Biết bao nhiêu chàng trai đã đến với chị. Họ là những “thằng đàn ông” thực sự. Gặp nhau là “đòi” chuyện ấy. Chị còn nhớ mồn một tên, mặt từng đứa. Thằng Phước, thằng Cương...Khốn nạn nhất là thằng Sơn y sĩ. Hương yêu hắn thực lòng. Vậy mà hai lần đi chơi, hắn giở trò van xin. Không cho, hắn định cưỡng hiếp. Hương yếu ớt chống cự lại con thú khát mồi. Chị muốn nguyên vẹn đến đêm tân hôn. Không đạt được mục đích. Hắn cao bay xa chạy.

Thanh niên thời nay, lắm thằng đểu thật. “Chơi” con người ta xong rồi bỏ. Cô nào vững dạ không cho hắn cũng bỏ. Thất vọng. Hương không tin còn có tình yêu chân chính. Rồi anh đã đến. Nhẹ nhàng, dịu dàng như cơn gió. Chị yêu anh, đồng ý lấy anh bởi anh không giống những thằng trước đây đã đến với chị. Anh yêu chị thực lòng. Nồng nàn nhưng chưa một lần quá trớn với chị. Chị đã lấy lại niềm tin về một tình yêu không bị nhục dục vấy bẩn.

Chị chăm sóc, chạy chữa cho anh bằng đủ loại thức ăn, nước uống có tác dụng “bổ dương”. Nghe ở đâu có thuốc, xa mấy, đắt mấy cũng đi. Nhưng hình như thuốc chưa đúng bệnh hay sao mà chưa thấy chuyển biến gì.

Anh trở nên trầm mặc. Sáng cặm cụi đi làm. Tối lầm lũi về nhà. Cũng như mọi lần, chị khuyên:

- Nghe em! Anh nên đi khám. Biết đâu...

Anh nổi cáu:

- Tôi không đáp ứng cho cô được. Chỉ cần tôi đi khỏi ngôi nhà này, cô muốn làm chi thì làm. Thoã mãn chưa?

Khổ qúa! Vì yêu anh mà chị cởi lòng cởi dạ như thế. Làm sao chị có thể làm chuyện đó với người mình không yêu. Chị yêu anh, khát khao anh cũng là lý do chính đáng. Anh nói thế có qúa lời chăng?!

Anh không về thật. Hai hôm liền, làm việc xong anh ngủ lại ở cơ quan. Nhưng xa chị, thiếu bàn tay chăm sóc của chị, anh nhớ. Không chịu được, anh về. Mở cửa vào, thấy vợ đang vật vã trên giường, chị ôm trên mình tất cả những gì liên quan tới anh. Từ bộ quần áo, tấm ảnh cưới, đến đôi tất anh mặc dở, thối in, thối oang. Chị khóc, mắt thâm quầng. Chị yêu anh đến thế là cùng. Anh ôm chị, lòng xa xót.

Gần anh, chuyện cũ lặp lại. Nhưng cái lớn lao hơn là chị ao ước có một đứa con. Anh vẫn bất lực. Thương chị. Anh viết đơn ly dị, ký vào phần của mình. Anh tự nguyện ra đi trong một đêm mưa gió. Tỉnh dậy, thấy lá đơn trên bàn, chị đi tìm anh. Thì ra, sau đó anh làm đơn xin đi nghĩa vụ quân sự tại vùng A Lưới. Nơi ấy không xa nhưng anh đã giấu chị.

*  *  *

Anh chấp nhận ở lại với mẹ con chị, không phải vì anh đã tin vợ. Anh không tin cũng dễ hiểu thôi. Làm sao anh có thể dễ dàng tin khi thiên hạ lời qua tiếng lại. Rồi thằng Được (tên thằng bé) luôn mồm nói:

- Mẹ bảo cha đi nhàm (làm) hai hôm nhữa (nữa) là về. Chon chờ cha mãi.

- Mẹ kể với con về cha như thế nào?. Anh gạn hỏi.

- Chó (có). Mẹ nhói (nói) cha đi nhàm kiếm chiền (tiền) về chữa bệnh cho chon (con). Cho chon đi học.

Thằng bé không có hàm ếch nên bị ngọng. Thật tội nghiệp. Dù nó là con ai đi chăng nữa, nó cũng không có lỗi gì. Anh nhớ lại hồi anh đi viết bài ở Cam Lộ, anh đã gặp không ít đứa trẻ bị nhiễm chất độc da cam- hậu quả của chiến tranh để lại. Có đứa không có chân, đứa không tay, đứa mù cả hai mắt. Lại có gia đình có được năm đứa con cũng bị cả năm, cha mẹ chúng khóc hết nước mắt. Anh thương họ, vậy không có lý do gì để ruồng bỏ thằng bé. Mà nó lại là con của vợ anh.- Anh nghĩ thế. Anh sẽ cùng chị chăm sóc nó, mình chị gánh sao nổi. Anh sẽ đưa nó đi chữa bệnh, sẽ cho nó đến trường.

Cuộc sống của anh chị không còn như trước. Họ sống rất thật với con, nhưng lại gượng gạo với nhau. Đêm. Anh nằm trên ghế phòng khách. Chị và con nằm buồng trong. Nhìn anh chăm thằng bé, thương nó như con đẻ, chị yêu anh hơn. Không phải chị hết khao khát anh mà nhiều hơn là khác. Chị kiềm chế vì chị sợ anh bỏ đi một lần nữa. Chị không muốn mất anh.

Chăm sóc một đứa trẻ tàn tật cực kỳ gian khổ. Hôm nay thằng bé sốt cao. Cả anh và chị túc trực bên nó. Lấy thuốc, chườm khăn...Mệt. Chị thiếp đi. Trông chị thật đáng thương. Mới ba lăm tuổi mà tiều tụy, hốc hác. Anh nhìn chị, tràn ngập yêu thương.

Trời oi như sắp mưa. Gió mạnh. Mưa thật. Mưa rào nặng hạt. Anh cũng mệt, nằm xuống cạnh chị. Cảm giác nôn nao như có một bàn tay vuốt nhẹ dọc sống lưng. Người anh nóng hổi, rịn mồ hôi. Anh muốn ôm xiết chị mà trút lên đó nỗi yêu thương. Anh khát khao chị, nhưng nhìn chị mỏi mệt, anh không nỡ đánh thức. Nhổm người lên, rồi lại thôi. Không kiềm chế được nữa, anh quàng tay qua người chị. Ấm nóng. Chị tỉnh giấc. Mạch cảm xúc bị chôn chặt bấy lâu nay trào dậy, dữ dội như cơn lũ đầu nguồn. Chị ôm ghì lấy anh. Anh vụng về ập lên người chị. Tiếng thở gấp gáp tan vào đêm...

Anh như từ một sa mạc xa xôi tìm về với dòng nước mát. Lột xác. Mơn man. Một cảm giác mà từ lúc sinh ra đến giờ anh mới cảm nhận được. Sung sướng tột cùng.

Chị dịu dàng, đằm thắm trong vòng tay anh. Anh nhìn thấy dưới hai đùi chân chị một dòng máu đang chảy. Đỏ rực như một bông hoa nở muộn. Anh sững người. Lâu nay anh vẫn nghi ngờ chị. Anh thẹn thùng, biết lỗi. Anh thương chị, thương người vợ có ba lăm năm làm con gái. Yêu và chờ đợi.

Thì ra, trong qúa trình đi bộ đội. Được huấn luyện, tập dượt nhiều nên tinh thần anh thoải mái, sức khoẻ dồi dào. Anh tâm sự chuyện của anh cho bạn bè nghe. Có một đồng chí người miền núi mách thuốc cho anh. Xuất ngũ, anh theo về chữa bệnh.

Lâu nay sống với vợ, anh kìm chế vì lòng tự ái, sự nghi ngờ lấn át. Những lúc “sóng gió” nổi lên, anh mới biết thế nào là khao khát. Anh dụi vào ngực chị mà khóc cho thoã thích...

Sau cơn mưa. Đất đai trở mình. Cây cối xanh tươi, ra hoa, kết trái. Chị cũng mang trong mình một giọt máu, sinh sôi. Ngày mai, anh đưa thằng Được ra Hà Nội phẫu thuật. Nó mừng lắm. Đêm đó, nó cũng không ngủ, nằm đợi tiếng gà gáy sáng.

 

N.T.H

 

Nguyễn Thị Hợi
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 151 tháng 04/2007

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

03/05

25° - 27°

Mưa

04/05

24° - 26°

Mưa

05/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground