Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 24/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hoa rụng bên sông

Em không nán được đến ngày hội làng sao? Em nấn ná mãi rồi, cha giận lắm. Cha nói, khó lắm mới hẹn được ông giáo sư đó.

Thu nắm lấy tay tôi. Thái à, anh chờ em nhé! Tôi cười, chẳng phải em hứa sẽ nắm tay nhau chạy trên bờ đê, cùng chèo thuyền qua bên kia sông sao?

Chiều chiều tôi qua nhà em thắp đèn, đốt nhang cho nội. Nội đã gắn bó với ngôi nhà rường này từ khi về làm dâu trưởng trong gia đình vốn có hai đời làm quan. Về làm dâu quê chồng, nội mang theo nghề tầm tang canh cửi của quê ngoại An Bằng làm kế sinh nhai. Ông nội lúc ấy đang học Diplome ở Trường Quảng Trị và xuống đường tham gia phong trào đón Gôđa. Ông tham gia cách mạng từ đó. Nội đã chiến đấu và anh dũng hy sinh. Ngày ông mất, bà nội đem bảy khổ vải thao trắng đẹp để khâm liệm cho chồng. Bà nội không khóc nhiều, nhưng rồi tiếng xa quay trong tay bà nghe chậm và buồn vương. Tám tháng sau, cha em ra đời. Mọi người trong họ hàng đặt lên trán cha em một dấu chấm hỏi khắc nghiệt. Nội vẫn quay tơ dệt lụa nuôi những người con ăn học hết mùa dâu này đến mùa dâu khác. Rồi bác em đột ngột mất tích và sau đó người ta tìm thấy tấm thân mềm dưới một hố bom sau cơn mưa. Nội càng lặng lẽ hơn. Một cuộc họp gia đình diễn ra không lâu sau ngày cất mả cho bác cả. Mọi người có ý đẩy hai mẹ con về quê để ông chú cai quản ngôi nhà và thờ phụng tổ tiên. Nội ngồi yên mặc mọi người phân bua thiệt hơn. Khi tiếng tranh luận lắng xuống, nội thắp lên bàn thờ một nén nhang và bảo cha em quỳ xuống. Xong rồi nội chỉ nói một câu: Sống làm người họ Dương, chết làm ma họ Dương, giọt máu nhà họ Dương còn sờ sờ đây ai dám đuổi… Các ông chú, bà thím lạnh tái, bấm nhau ra về.

Minh họa: TRƯƠNG ĐÌNH DUNG

Minh họa: TRƯƠNG ĐÌNH DUNG

Cha em không giống ông nội. Ông không ham học mà chỉ thích làm kinh tế. Hòa bình lập lại, ông đi làm ăn từ Bắc vào Nam, buôn bán từ cái nồi đến chiếc tivi đen trắng. Ông cưới một doanh nhân Sài Thành rồi không lâu thì gia đình định cư bên Mỹ. Nội không chịu sang đó, nội chỉ muốn gắn bó với ngôi nhà rường đã đi qua biết bao năm tháng hạnh phúc lẫn gian truân. Vẫn còn đó hình bóng của ông ngày ngày ngồi đọc sách trên chiếc phản phía tây phòng.

Năm đó cha em về quê vào đúng dịp Hội làng. Nhìn mọi người lũ lượt kéo nhau đi xem hội đua thuyền trên sông Ô Lâu, cha em cũng thèm khát cái cảm giác thời trai trẻ, ông hòa mình vào dòng người hò reo cổ vũ. Đám trai làng vạm vỡ khua mạnh mái chèo rẽ nước vượt sông như trùng trùng thủy binh lao nhanh về phía giặc. Hội làng nô nức già trẻ gái trai kéo dài cả ngày dài. Ráng chiều kéo xuống sau lũy tre làng. Ông bắt gặp cô Ba thọt đang vất vả lê bước về túp lều nhỏ. Mưa rơi lác đác rồi nặng hạt dần. Mọi người chạy thật nhanh, người đàn bà nhỏ nhắn vẫn nặng nhọc từng bước. Ông chạy đến xốc cô ấy lên lưng cõng nhanh về phía túp lều. Hơi ấm từ tấm lưng rộng nóng níu tấm ngực người đàn bà chưa một lần biết vị đàn ông. Màn đêm sập cửa. Bốn bàn tay úp lên bếp lửa cháy hừng hực. Cô Ba ấp úng. Em cô đơn lắm, chỉ mong có mụn con để an ủi lúc già. Những khúc than cháy rần rần đốt nóng căn lều. Ngoài trời mưa vẫn rơi…

Em ra đời như thế và cũng không biết cha mình là ai. Đám trẻ trong làng xa lánh “đứa con không cha và có chiếc chân bị dị tật”. Nhưng tôi thì không. Cô Ba thương tôi, thường gọi tôi qua cho quà bánh và chở Thu đi học. Thu có đôi mắt đen và cặp mi dày, mái tóc xoăn nhẹ lúc nào cũng thơm mùi bồ kết. Rồi cô Ba mắc bệnh qua đời khi Thu lên tám. Lúc bấy giờ cô Ba thọt mới cho em hay về cha đẻ. Nội cũng mừng khi có em. Nội đưa em về nuôi và học tiếp. Tôi vẫn là tên tài xế trung thành. Lớn hơn, cứ đến dịp Hội làng, tôi lại đèo Thu đi xem. Có lúc tôi thoáng thấy em buồn khi nhìn xuống chân mình. Rồi một ngày Thu níu lấy tà áo tôi ríu rít. Nội bảo sau này cha sẽ đón Thu qua Mỹ phẫu thuật chân. Tôi vui vì Thu vui, nhưng tôi không hình dung được cảm giác khi phải xa người bạn gái thân nhất của mình như thế nào. Tôi nhìn lên trời, trộm nghĩ, Thu bay xa như vậy liệu có lúc nào em bay đi luôn không…

Nội bắt đầu bị chứng run tay, nhưng nội vẫn kéo tơ dệt lụa như giữ tiếng nhịp của lòng mình. Vào đêm Hội làng, năm cuối cùng khi nội còn sống, chúng tôi ngồi quây quần trong căn bếp nhỏ. Nội đăm chiêu nhìn vào ánh lửa bập bùng…

Nội gắp một miếng than đỏ rực lên chiếc dĩa nhôm. Người con gái họ Dương tài sắc vẹn toàn theo cha vào kinh thành rồi được nhà vua sủng ái. Nàng vô tư, ngay thẳng đâu biết chốn thâm cung hoa lệ cũng chính là nơi nguy hiểm khôn lường. Thuyền rồng đưa hoàng phi trở về quê cũ cập bến Ô Lâu. Thảm chiếu rước đưa, hoa phủ mộ phần. Nàng ngủ yên ở chốn cũ quê nhà. Những hàng tre vít sát bờ sông vi vu ẽo ẹt khúc sầu dương.

Nội lại gắp miếng than thứ hai. Anh Chinh trở về trong đêm ôm chầm lấy vợ. Ánh đèn dầu leo lắt trong gió rồi vụt tắt. Tiếng giun dế râm ran, giục giã. Tiếng gà canh ba. Giật mình. Anh Chinh mò mẫm cài áo, thì thào vào tai vợ. Tôi phải đi đây mình ạ. Đèn được châm lên. Tiếng thoi lại lách cách bên nong dâu tằm.

Miếng than thứ ba, nội gạt giọt nước mắt trào ra ở khóe mắt hồi nào. Những con tằm cần mẫn nhả tơ. Nồi kén sôi sùng sục trên bếp, lũ trẻ ngồi quanh nhìn đau đáu. Lâu lâu được cho một con nhộng, ngậm một lúc mới dám ăn. Con nhộng béo mộng tan trong miệng như vị ngọt lành của tình mẹ, là tinh túy của thiên nhiên. Gian phía đông phòng, những tấm lụa và vải thao trắng treo rũ như những thước phim cuộc đời người phụ nữ góa bụa cần mẫn giữ lấy nghề, giữ lấy hơi ấm cho căn nhà…

Nội bảo nội mệt rồi. Nội muốn nghỉ ngơi. Khuôn miệng móm mém cười hiền sau làn khói nghi ngút bay lên.

Em là cô gái kiên cường. Tôi và em đều theo đuổi chuyên ngành sử học. Em muốn học tiếp. Nhưng cha đã cao tuổi, ông muốn thực hiện một ước nguyện đó là giúp em khám phá thế giới bằng chính đôi chân của mình. Em bảo, em phải sang thăm cha vì nhỡ đâu… Em thường nói, đối với mẹ, em là món quà vô giá. Còn với em, được có mặt trên cõi đời là một đặc ân. Bởi thế, chuyến đi này với em rất quan trọng. Em đi nhanh rồi về bên anh, bên nội, tôi gượng cười mà sống mũi cứ cay nồng. Em nắm lấy tay tôi, sau này khi lên xe hoa em nhất định sẽ mặc chiếc áo lụa tím do chính tay nội dệt cho em và sẽ thêu lên đó cặp bông sứ trắng.

Ngày Hội làng năm nay vẫn thế, vẫn nô nức người dân đổ về thăm làng, thăm quê, những cụ già áo dài khăn đóng, những em thơ nụ cười tỏa nắng, những trai tráng vạm vỡ khua chèo rẽ nước vượt sông. Còn tôi vẫn cô đơn giữa muôn tiếng reo hò cổ vũ, giữa bao đôi trai gái xúng xính nói cười. Một mình tôi thơ thẩn đến mộ phần của vị “cửu giai tài nhân”, nơi mà tôi và Thu thường đến thắp nhang vào mỗi dịp Hội làng.

Một chiếc hoa sứ rơi, tôi đưa chén rượu làng Kim Long lên miệng. Dòng rượu cay nồng chảy qua cổ họng. Vương phi máu chảy đầu rơi. Đấng quân vương không rơi lệ. Nhà vua chỉ đứng từ xa nhìn về bên kia sông, nơi nàng đã mãi mãi ngủ yên dưới đất. Quân giặc lộng hành, nhà vua giả vờ mất trí, xé nát tất cả bản vẽ, cào cấu các cung phi. Người cũng không còn, chỉ còn hoa rơi phủ kín mồ xanh.

Một chiếc hoa nữa lại rơi. Tôi đánh ực một ngụm rượu rồi vân vê chiếc chén nhỏ trong tay. Mỗi bữa nấu cơm, người mẹ lại bảo con bỏ vào hũ một nắm gạo. Cứ vài ba bữa mẹ lại trút gạo vào túi vải nâu và xách đi. Người mẹ vừa đi vừa thổi búi rơm ra đến gần chỗ tôi đang ngồi, bỏ túi gạo xuống ở lùm cây rồi ra về. Một người đàn ông xuất hiện, xách túi gạo rồi lẫn vào màn đêm. Cứ thế, chiếc bụng cứ ngày một to lên nhưng đôi chân người góa phụ vẫn thoăn thoắt đi về, lầm lũi mang những hũ gạo nuôi quân.

Phải chăng người dân làng Kim Long có thứ nước đặc biệt kết hợp với gạo chiêm, đinh quế mà nấu lên thứ rượu mùi vị ngọt ấm lạ lùng. Tôi lại rót thêm một chén nữa. Chiếc hoa sứ thứ ba rơi vào tay tôi. Những cánh hoa trắng muốt, thơm hương. Chén rượu bỗng tuột khỏi tay đổ xuống thảm cỏ xanh. Chắc là đất cũng muốn uống rượu cùng tôi. Rượu ngon tặng cho đất một chút thì có sao. Thế mới có câu “Địa nhược bất ái tửu, địa ưng vô Tửu Tuyền” của vị tiên tửu Lý Bạch xưa. Nước mắt tôi trào ra. Tôi thấy em cười hiền, vẫn mái tóc đen dài đang dang tay chạy về phía tôi. Tôi buông bình rượu xuống đất, đứng vụt dậy bước về phía em. Em chạy chậm lại, chậm lại rồi tan dần trong nước mắt tôi. Hương hoa sứ thoang thoảng bên tai. Tôi nghe thấy em đang về. Em về để đi dự Hội làng cùng tôi. Về để mặc áo lụa. Về với ngôi nhà cổ có hai hàng chè tàu thẳng tắp và cây trầu cau trĩu quả trước nhà.

Em đừng đi. Tôi gọi trong cơn say. Khi tôi dứt lời thì nước mắt đã tràn khắp má. Tôi mở tay ra, bông hoa sứ đã dập nát. Tôi nắm chặt em quá sao?

Thẫn thờ tôi trở về căn nhà của nội. Em và nội cứ thấy tôi là cười hiền. Lúc nào cũng thế, em cứ quấn quýt bên nội mà nội thì cứ quấn quýt với căn nhà gỗ này, với ngôi làng này.

Nếu như em không vội cho kịp chuyến bay để trở về hôm đó thì…

Bông hoa sứ ấy, em nói, chỉ để dành cho anh. Tôi cài cúc áo em lại, đặt nhẹ nụ hôn lên trán. Anh đợi, tôi thì thào vào tai em, dù cho hoa có rụng mãi bên sông…                         

                                                                             N.D.H

Ngô Diệu Hằng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 316

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

25/04

25° - 27°

Mưa

26/04

24° - 26°

Mưa

27/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground