Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 02/07/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hoa tuyết trên cao

Đ

êm mùa hè trên biển ở Karagawa, Nhật Bản. Sao li ti sáng, lấm tấm đầy trời. Sóng rì rào thật khẽ như trẻ con thở. Cả khu cư xá rộng dài, vốn xưa là một Thiền viện, một tòa kiến trúc gỗ toàn Vân Sam, tòan mùi thơm dịu thanh khiết và cổ kính, nơi nghỉ của cả đoàn làm phim, đã tĩnh lặng.

Trong tấm áo kimônô màu tro của Hoa Hồng mát rượi tôi không ngủ được. Chị Nguyệt - nghệ sĩ hóa trang của đoàn, người ở cùng phòng với tôi - đã ngáy nhè nhẹ, ngon lành. Tôi thèm được như chị, hành lý, đồ nghề lúc nào cũng gọn gàng, thùng quà cho chồng con và những người thân đã đóng đầy, băng kín, niêm chặt. Cũng may cho tôi có chị đi cùng, ở cùng, đã gửi được chị mua giùm, đóng hộ cho những người tương tự ở nhà cũng một thùng quà tương tự. Chính tôi thì hoàn toàn không biết trong đó có những thứ gì. Một thoáng chạnh lòng, tôi bật đèn bàn, lấy tấm ảnh chồng con và mình cụm đầu bên nhau ra xem, chỉ thấy ba gương mặt phẳng dẹt trên mặt giấy mỏng mảnh lật phật và ba nét cười cố định như dấu đóng. Một tiếng động khẽ vẳng lên từ hiên nhà dưới, tiếng chén trà đặt nhẹ vào lòng đĩa. Tôi thoắt đứng dậy, ra cửa sổ. Khuông ánh sáng buồng dưới hắt ra thềm cỏ vẫn in rõ bóng một người đàn ông ngồi uống trà một mình bên chiếc bình Chanoyu (trà đạo) cổ cao. Anh ấy đấy - cội nguồn sự mất ngủ của tôi. Cũng chỉ mình tôi nhìn thấu những gì đang cồn cào quấy động trong cái bóng người đang cực kỳ điềm đạm, ung dung, nhàn tản trải ra trên cỏ mềm đã thấm mát sương khuya kia. Anh đang chờ tôi, mọi cảm giác của anh đang hướng tất cả lên cái khung cửa sổ của phòng tôi đấy thôi. Thấy thương anh rồi lại chợt cười nhạt, tôi lấy gương lược ra, ngồi lên gờ cửa sổ, xõa tóc, chải, vuốt, tự ngắm mình. Trong ánh đêm thăm thẳm lấm tấm sao khuôn trong vành gương con, tôi thấy mình vẫn còn đẹp lắm... Rồi tôi đã nhấc cây trâm cài tóc bằng gỗ trầm có chạm hình một bông hoa Anh Đào của mình lên, đã buộc một dải lụa mỏng tang vào nó, đã gài chặt cả một mảnh danh thiếp của mình vào nó nữa. Xong lại ngồi để đầu óc cứ đu đưa đi, khơi vơi bay lên. Thoáng thấy những chấm sao nhấp nhánh như khuyến khích...

***

Tôi là một diễn viên điện ảnh được đào tạo chính khóa nhưng đã bỏ nghề ngay sau khi lấy chồng. Nhiều người ngạc nhiên, tiếc. Tự tôi cũng vậy. Nhưng người ta không thể có thì giờ để ngạc nhiên mãi, tiếc mãi. Tôi cũng vậy. Chồng, con, cái cửa hàng thời trang áo cưới của tôi nữa cũng đủ vui, đủ bận và thật thiết thực. Tôi như đã quên hẳn cái chính mình thuở mười tám, đôi mươi. Thì lại có một người, ngày trước là một người thầy, rất yêu quý tôi, bây giờ vẫn không quên tôi - Đạo diễn Trần - Ông đến tôi, nói chuyện với cả gia đình nhà chồng tôi mời được tôi đi làm thư ký cho một bộ phim truyện nhựa có hai tháng sẽ quay những cảnh ở Nhật Bản. Chuyện phim nói về thân phận lênh đênh của một cây tiêu cổ truyền qua những người đã từng thổi nó, yêu nó, gìn giữ nó từ Nhật Bản qua Hàn Quốc, Trung Hoa đến Việt Nam. Tác giả kịch bản là nhà văn Nhiệt Hạ. Tôi nhớ loáng thoáng đã có lúc đọc một vài tiểu thuyết và truyện ngắn của anh. Còn bản thân anh thì lên máy bay đến Tôkiô rồi tôi cũng chẳng biết. Đến tận bữa cơm đầu, cả đoàn ăn chung ở cư xá ven biển Karagawa này, đạo diễn Trần mới mời anh tới ngồi cùng bàn và giới thiệu với tôi. Anh chỉ nói mỗi một câu sau khi nghe tôi xưng tên. "Mạc Nhi ư? Bạn có cái tên đặc biệt nhỉ?". "Bạn nghe lạ hoắc mà kênh kiệu ngầm". Tôi cố giấu cái thoáng cau mặt và nhếch mép xã giao. Nhưng rồi sau khi tôi đọc kỹ kịch bản và những cảnh quay liên tiếp diễn ra, lại chứng kiến và ghi chép những trao đổi giữa anh và đạo diễn sau mỗi ngày làm việc. Tôi ngầm phục vốn kiến thức và bản lĩnh nghệ thuật rất riêng, rất ấn tượng của anh. Chưa nói đến việc anh là người duy nhất trong đoàn có thể giao lưu trực tiếp bằng ngôn ngữ với người Nhật. Nhiều lúc anh kiêm luôn cả chức năng phiên dịch. Rồi anh vào một vai phụ, vai một ông già ngư phủ người Nhật rất đạt. Trước khi bấm máy, đạo diễn nhắc anh tháo nhẫn ở bàn tay trái ra. Anh tháo nhẫn rất vất vả, rồi lặng lẽ bước đến bên tôi gửi: -"Em giữ cho anh nhé. Nhẫn cưới đấy". Tự nhiên tôi đỏ mặt, bỗng dưng chìa bàn tay của mình ra cho anh, anh nắm lấy tay tôi lồng chiếc nhẫn vào rồi lặng lẽ đi ra, vào vai. Buổi sau, tôi bất chợt nhận ra mình đã lặng lẽ mang theo ra cảnh quay một mẩu xà phòng bé xíu rồi lặng lẽ đưa anh lúc phải tháo nhẫn cho trơn, cho dễ. Anh cười, nói rất nhẹ: "Cảm ơn Nhi nhé"... Có những chiều nghỉ ngơi, cả đoàn đổ ra bãi biển, tắm, bơi, rỡn sóng. Tôi biết mình có nước da trắng hồng và dáng người còn đẹp lắm, tôi mặc áo tắm từ nhà, rồi khoác khăn choàng thong thả đi ra mép sóng. Chị Nguyệt chỉ ngồi trên bờ. Ông Trần chỉ thủng thỉnh đi dọc mép sóng. Mọi người nhao nhao hoan hô tôi. Tôi không biết bơi, mấy anh, mấy chú nhào đến đỡ tôi, dạy tôi sãi tay úp mặt. Không thấy Nhiệt Hạ đâu. Mãi tôi mới nhận ra đầu anh rập rờn ở tận ngoài xa. Tôi thoáng buồn, thoáng lo vẩn vơ. Rồi thấy anh bơi vào, lặng lẽ đến ngồi một mình, một thềm cát thật xa. Có thể những va chạm vui vẻ, dạn dĩ đã giúp tôi có sự tự nhiên dám bước lên, bước đến bên anh, ngồi xuống cạnh anh. Anh điềm đạm nói bao chuyện với tôi, mặt vẫn lạnh, trầm. Nhưng tôi biết rõ anh vui lắm... Tôi cứ nghe thôi cũng chẳng nhớ rõ được chuyện gì. Mãi đến lúc có bao tiếng người gọi, mọi người đã rời biển hết cả, chúng tôi mới cùng đứng dậy, cùng về. Trong bữa cơm, ông đạo diễn già cứ tủm tỉm tủm tỉm một nụ cười hiền hậu và từng trải. Thì đến một cảnh Nhiệt Hạ đóng không đạt. Cả tôi cũng buộc phải thấy thế. Ấy là cảnh ông già thuyền chài phải chấp nhận tình cảm của một cô gái trẻ đắm thuyền được ông cứu thoát lên túp lều và hòn đảo cô độc của ông. Vai cô gái do một á hậu người đẹp kiêm người mẫu sắm vai. Tay chân, nét mặt, ánh mắt, nét môi của ông già Nhiệt Hạ thật gượng gạo, hờ hững. Cô á hậu cũng không nén nỗi bực bõ vì phải quay đi quay lại những sáu, bảy "đúp" mà vẫn không đạt. Ai dè, đến tối, ngồi riêng cùng đạo diễn Trần và tôi, Nhiệt Hạ bảo: "Tôi cốt đóng thế đấy. Anh Trần ạ, tôi sẽ viết thêm một cảnh hồi tưởng thật ngắn. Ấy là... trong lúc như thế với cô gái trẻ này thì ông già kia hoàn toàn tưởng nhớ đến người vợ hiền đang lưu lạc của ông ấy. Anh cho tôi thêm một cảnh ấy đi, bối cảnh, ánh sáng, địa điểm vẫn thế. Và người vào một cảnh ấy thôi với tôi, độ ba, bốn phút thôi, là ...là Mạc Nhi đây này". Tôi choáng người, muốn vùng dậy chạy ngay đi chỗ khác, nhưng ông đạo diễn thì lại đang gật gù, nghĩ ngợi, mặt cau lại. Rồi ông búng tay: - "Có thể hay đấy, nhưng cứ xem thử đã". Hình như là tôi có phản đối, có vẻ rất quyết liệt đấy, nhưng cũng tự thấy là chiếu lệ và không thật. Dẫu sao tôi cũng đã từng là một diễn viên chuyên nghiệp kia mà... Tôi và anh vào vai. Cả hai cùng cảm nhận độ thắm thiết chồng vợ chân thành trong khoảnh khắc trước máy quay ấy. Cảnh thành công vượt mức. Chỉ một "đúp" - tiếng đạo diễn quát sảng khoái. "Stốp!"' Không thể hơn được nữa". Chiều ấy liên hoan, cả đoàn vui nâng chén mừng chúng tôi rất nhiều. Tôi vui, uống và hơi say. Về phòng chỉ nhận thấy chị Nguyệt nhìn tôi lân lân, là lạ và khẽ kéo tấm chăn mỏng cho tôi ngủ như một đứa em.

Những cảnh quay cuối cùng đã kết thúc. Ngày mai cả đoàn được nghỉ một ngày, ngày kia lên Tôkiô về nước rồi. Chiều nay, Nhiệt Hạ khẽ bảo tôi: - "Mai, anh sẽ đi sớm lên tỉnh Fukushima dự một lễ hội Tanabata đây. Em đi với anh nhé... Cứ nghĩ đi. Anh sẽ ngồi uống trà chờ em cả đêm. Anh biết em sẽ có cách trả lời anh"...

Bây giờ, tôi vừa viết một chữ "vâng" đậm nét vào giữa tấm danh thiếp của mình, rồi vừa buông dải lụa có buộc cả cây trâm cài đầu mình, thả lời "vâng" ấy xuống khung cửa sổ có bóng anh. Tôi đã thấy người đàn ông đứng dậy, đưa tay đón đầu dải lụa của tôi và tắt phụt đèn. Chưa bao giờ tôi nghe thấy trong bóng tối mịn màng của thềm cỏ ướt lại náo nức những tiếng reo vang không lời đến như thế...

                                             ***

Lễ hội Tanabata được tổ chức hàng năm vào ngày bảy tháng bảy, bắt nguồn từ truyền thuyết dân gian Trung Quốc về cuộc gặp gỡ mỗi năm một lần của hai vì sao trong dải Ngân Hà là Ngưu Lang (Altair) và Chức Nữ (Vega). Trong lễ hội này người ta viết những ước mong của mình lên những băng giấy màu và treo chúng lên những cành tre. Anh viết: "Mong nhiều ngày này, được có cùng người này bên cạnh". Tôi như là liều hơn và vô lý hơn: "Mong thời gian ngừng lại". Rồi anh cùng tôi thuê một bộ trang phục đám cưới, đóng vai vợ chồng trong một lễ cưới theo thần đạo Nhật Bản, cùng uống một chén rượu sa kê trong, ngọt.

Nhiệt Hạ đưa tôi lên chơi núi, anh bảo sẽ để tôi được ngắm tuyết giữa mùa hạ. Trên cáp treo, trong ca bin riêng chỉ có hai người, anh điều khiển lên cao nhất... đỉnh núi rồi một hồ tuyết trắng hiển lộ trước mắt tôi. Gió đưa những bông tuyết bay, cả những bông hoa Anh Đào chỉ riêng vùng này mới có giữa mùa hạ. Nhiệt Hạ mở cửa cabin, tay anh đưa ra hứng được một bông tuyết lớn, đưa vào. Tay tôi cũng đưa ra, đan vào tay anh, giữa lòng tay chúng tôi, bông tuyết to ra dần dần, lộ một bông hoa Anh Đào hiếm hoi, hồng tươi giữa lòng tuyết trắng. Tôi nép vào anh giữa trời, tìm môi anh.

***

Trên máy bay về nước, ông Trần bảo tôi lên ngồi cạnh Nhiệt Hạ. Tôi chỉ ngồi yên, nước mắt lặng lẽ chảy. Có một lần anh bảo tôi: "Những bông hoa trong tuyết ấy chỉ có ở trên cao thôi... tiếp đất nó sẽ không còn là nó nữa.

***

Anh ở cạnh tôi cho đến lúc máy bay dừng hẳn. Khi xuống đến cầu thang thì không thấy anh đâu nữa. Anh đã quay lại một chút, để xuống sau. Khi tôi đang líu ríu cùng chồng con tôi thì cũng thấy những tiếng reo khác gần bên mình. Một thằng bé giống anh như tạc đang lôi tay một thiếu phụ đẹp chạy đến đón anh.

***

Bông hoa Anh Đào ấy, tôi vùi ép riêng trong một cuốn sổ cùng những tấm cuống vé máy bay của lần sang Nhật ấy. Một lần giở ra thấy nó khô xác, tím tái, xấu xí.

Còn cây trâm cài tóc của tôi, còn chữ "vâng" của tôi, nếu Nhiệt Hạ vẫn giữ thì nó nhất định sẽ không xấu xí như thế. Nhưng liệu anh còn giữ không?

 

                                                                            H.V

Hòa Vang
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 88 tháng 01/2002

Mới nhất

Tạp chí Cửa Việt - 35 năm một chặng đường

28/06/2025 lúc 16:18

Ngày 28/5/2025, Tạp chí Cửa Việt tổ chức lễ kỷ niệm 35 năm tạp chí ra số đầu tiên và gặp mặt cộng tác viên năm 2025. Tại buổi lễ, Phó Tổng biên tập phụ trách Hồ Thanh Thọ đã có bài phát biểu khai mạc...

Vùng trời hoa sim

26/06/2025 lúc 23:29

Những triền sim tím đồi xaBềnh bồng nâng gót mùa qua lặng thầm

Hương xưa; Nắng sớm

26/06/2025 lúc 23:27

Hương xưa… Ta về tìm lại hương xưa

Giấc mơ đồng bằng; Về xanh trong gió thơm

26/06/2025 lúc 23:24

Giấc mơ đồng bằng Gọi em đêm qua tôi mơ

Ngủ giữa gió sông quê

26/06/2025 lúc 23:22

Hôm ấy gió sông thổi về lồng lộng. Lửa nương theo bàn tay của gió vồ lấy mái bếp, tỏa ngọn nghi ngút trên đống củi khô, tràn qua ô cửa vương tơ nhện và bụi mờ.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

03/07

25° - 27°

Mưa

04/07

24° - 26°

Mưa

05/07

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground