Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 02/07/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hồi tôn

 

O

 Nhớn là con gái gần út của ông Cả Ba mà cha tội gọi bằng chú xa. Tôi không rõ ông bà có bao nhiêu người con, nhưng khi lớn lên tôi chỉ thấy một mình O ăn ở với gia đình. Cũng không biết rõ do duyên số hay miệng tiếng ở làng mà mãi đến năm bốn mươi tuổi O mới đi lấy chồng. Cánh đàn ông hơn tôi mười lăm tuổi vẫn tiếc cho O và, có lẽ họ còn tiếc cho số phận của họ nữa. Bằng chứng là đã có anh trong làng trách bố mẹ sao không đi hỏi O ấy cho mình…

            Tôi cũng biết, năm hai mươi tuổi O đã có nơi có chốn. Hai gia đình đã hẹn đến mùa xuân năm sau thì làm lễ cưới. Nhưng thật không may cho số phận, người chồng tương lai của O trong một chuyến đi buôn bò ở Thà Khẹt bị bệnh sốt rét rồi chết. Dù là chưa cưới, chưa một lần làm vợ, nhưng với quê tôi thì O như đã có một đời chồng. Người trong làng nói với nhau rằng O ấy cao số. Cho dù các chàng trai thuở ấy có yêu mến O đến mức nào đi nữa cũng không thể thuyết phục nổi cha mẹ đi hỏi O để làm vợ cho mình được. Hai tiếng cao số oan nghiệt như một định mệnh cho O và vì vậy mà tuổi xuân của O qua dần…

            Hai mươi năm sau, một người đàn ông góa vợ hơn O chừng năm tuổi, ở một làng khác, đã có ba người con trai đến cưới O làm vợ kế. Lễ cưới được tổ chức đầm ấm. Cả làng, nhất là bà con trong họ Vệ của tôi ai cũng mừng và như được phần an ủi.

            Sau ngày cưới O sinh được một người con trai. Lần ấy O về làng gặp tôi và O khoe: “Cháu ơi, trời cho O đó. Trời có mắt mà. Chồng O đã có ba con với vợ trước, chúng nó đang tuổi ăn, tuổi chơi nên O quyết định chỉ sinh một lần này thôi, còn sức để mà nuôi con chồng nữa. Một cục cưng như ri về quê ngoại là đủ rồi…” Tôi nói: O nghĩ thế cũng phải. Con chồng cũng là con mình. O nuôi dưỡng mấy anh, lẽ nào mấy anh lại quên O. Vậy là O có những bốn anh con trai, ít ỏi gì nữa mà sinh thêm.

            Nói vậy thì nói chứ tôi không có chủ đích gì. Hơn nữa O và tôi tuy người cùng một họ nhưng ít quen biết, ít gần gũi. Nghe O nói một cách mừng rỡ thì tôi cũng vui miệng nói theo cho O vui lòng thôi.

            Tôi cũng định nói thêm: Hay là O sinh thêm một chị nữa, thời buổi chiến tranh này, con trai phải ra trận…Nhưng không hiểu vì sao tôi dừng lại không nói nữa. Đó là lần gặp cuối cùng giữa O và tôi.

                                                           

                                                       ***

            Họ Vệ của tôi, cứ ngày mồng một tháng chạp Âm Lịch hàng năm, con cháu dù bận việc nhà cửa đến đâu cũng kéo nhau về nhà thờ họ để làm lễ tảo mộ, mà chúng tôi quen gọi là đi chạp. Thông thường ngày lễ ấy được diễn ra trong một ý nghĩa và tuần tự như sau: Trước hết đi thăm viếng các phần mộ tổ tiên, ông bà. Con cháu theo chân cha chú và do cha chú hướng dẫn thắp hương lên các phần mộ gia đình, sửa sang lại những chỗ sạt lở, chặt bỏ những cây cỏ dại, mời ông bà về nhà thờ họ dự tất niên như một nghĩa cử đền đáp công ơn và đó cũng là sự bàn giao thế hệ. Thứ đến, cũng là dịp để anh em bà con trong một họ thăm hỏi sức khỏe, gia đình, con cái, công việc…chúc thọ các bậc cao niên, nghe ông trưởng họ căn dặn con cháu những việc sắp dự định phải làm. Sau cùng năm nào cũng như năm nào, được mùa hay mất mùa, hạn hán hay bão lũ, trời nắng cũng như trời mưa, con cháu trong họ đều ngồi lại dùng bữa.

            Bữa được sắp trong cái mâm gỗ hoặc nhôm  chia làm hai phần rõ rệt. Bên thịt heo luộc với bát nước mắm, một bên là xôi và đĩa muối mè. Thực đơn ấy hằng năm vẫn chưa thay đổi. Khi còn nhỏ, cỡ tám đến mười tuổi, tất cả chúng tôi đều háo hức một ngày đi chạp như thế lắm.

            Cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước gian nan và dai dẳng tôi không có dịp để về làng, kể cả ngày chạp thiêng liêng và đầm ấm ấy của họ tôi. Những năm tháng ở xa, dù trên đất bắc hay trong rừng xanh của khu căn cứ, đến tháng mười hai Âm lịch là tự nhiên lòng tôi trào lên một niềm khát khao nhớ làng, nhớ họ, nhớ tổ tiên, nhớ đến ngày chạp…

            Hai mươi mốt năm sau ngày đất nước thống nhất, tôi mới có dịp về ngày chạp họ. Vẫn như xưa: Thăm phần mộ, dự lễ dâng hương gặp nhau tay bắt mặt mừng, người nhớ kẻ quên trong tiếng trống, tiếng chiêng của họ vừa xen kẽ vừa hòa âm, rất thiêng liêng nhưng lại tưng bừng…ngày chạp họ như một ngày hội.

            Nhưng lần này lại có duyên mới: Một người đàn ông chừng bốn ba đến bốn lăm tuổi, tay bưng một mâm đồng, trên đó một chai rượu trắng và vài chục miếng cau trầu, ngập ngừng và e thẹn đi theo ông Trưởng họ và đặt xuống chiếc bàn ngoài cùng, nơi mà sắp sửa ông Trưởng họ và những bậc cao niên sẽ ngồi vào.

            Tôi thấy lạ mới chen chân đi tìm anh Cao, một người mà tôi gọi bằng anh, chuyện gì cũng biết và biết một cách tường tận. Để trả lời thắc mắc của tôi, anh Cao hỏi:

            - Chú còn nhớ O Nhớn con bác Cả Ba không?

            - Dễ có đến bốn mươi lăm năm tôi không gặp.

            - O ấy mất rồi, mất năm 1979.

            - Nhưng sao lại liên quan đến O Nhớn?

            Như để suy nghĩ và dắn đo cách giải thích sao đây cho tôi dễ hiểu nên anh ngừng lại một lát rồi tóm tắt: O Nhớn về làm vợ kế ông Tích khoảng năm 54,55 gì đó. Ông ấy chết vợ để lại ba đứa con trai. Thằng lớn lên bảy, thằng cuối lên ba. O thay mẹ chúng nuôi chúng. O chăm sóc cho cả ba đứa cắp sách đến trường, nhưng không có đứa nào vượt qua được kỳ thi đệ nhất nên chúng đành nhận bằng tiểu học. O đã dốc túi đến đồng tiền cuối cùng để chạy chọt, lo lót cho hai thằng lớn khỏi phải đi quân dịch bằng nhiều cách, trong đó có cách làm lại giấy khai sinh…Trách nhiệm nặng nề vậy nhưng O cũng kịp sinh cho ông Tích thêm một anh con trai nữa. Năm 1968 trong một trận đánh không cân sức, người con trai độc nhất của O lúc đó là tiểu đội trưởng Tiểu đội du kích xã đã hy sinh. Trận ấy với tư cách là xã đội trưởng tôi có tham gia và chính tôi cùng đồng đội mai táng anh ấy. Lúc hy sinh anh chưa có vợ con. Năm sau, do ốm đau ông Tích qua đời. Còn lại O và ba người con của chồng. Ba người con này không coi O là người mẹ kế. Chúng nó nói: Dì là vợ kế của cha tôi. Dì không phải là mẹ kế của chúng tôi.

            Buồn đời và trách số phận hẩm hiu của mình, sức khỏe O ngày một giảm sút và đến năm 1979 thì O qua đời. O thọ đâu được sáu lăm, sáu sáu tuổi. Tôi có về dự đám tang O. Đám tang được cấy ủy, chính quyền địa phương và kể cả người xa lạ. Chuyện cũng bắt đầu từ đây, từ ngày O qua đời. Tôi không nhớ rõ là năm nào nhưng cũng vào ngày chạp chúng nó cũng sắp một mâm cau trầu, rượu đến xin họ cho O Nhớn được về với họ Vệ. Nói cách khác là chúng nó tự xin cho mẹ kế của mình hồi tôn bởi O không còn gì nữa mà nương thân nơi bàn thờ của gia đình chúng nó. Chú hiểu tôi nói chứ?

            Tôi gật đầu xác nhận và anh nói tiếp: Lẽ dĩ nhiên là họ Vệ của chúng ta nhấp nhận duy chỉ có một điều bà con trong họ băn khoăn là tại sao O Nhớn lại cất công đi nuôi dưỡng những đứa con ấy với tất cả tấm lòng bao dung của người mẹ?

            - Bận lòng gì chuyện ấy hở anh? Đó không phải là trường hợp cá biệt. Thiên hạ chuyện bất hiếu, bất nghĩa không thiếu. Nhưng sao lần này lại có mâm câu, trầu, rượu nữa?

            Anh thở dài ngao ngán rồi đột nhiên anh hỏi tôi?

            - Chú không biết thật à?

            - Tôi không biết thật.

            - Có thật là không biết thật không?

            - Thề với bác. Em thề với bác.

            Tôi nói cà lăm, cà cặp. Anh vẫy tay ra hiệu thêm một điếu thuốc lá nữa. Châm điếu thuốc mà tay anh vẫn run run, môi anh mấp máy – Linh tính chỉ cho tôi biết có điều gì nghiêm trọng đây mà bác Cao của tôi e ngại nói ra. Có thể anh sợ tôi không hiểu bản chất vấn đề, cũng có thể anh không thể nào nói ra được sự thật.

            - Lần này chú ạ - anh nở một nụ cười méo xệch, anh em chúng nó lại đến xin họ mình cho rước O về thờ phụng ở nhà chúng nó đấy.

            - Thế là chúng nó đã suy nghĩ lại và hối hận về việc mình làm. Anh thấy chưa con người hơn các động vật khác là ở chỗ ấy đấy, biết hối hận và biết sửa chữa. Tôi sung sướng như muốn reo lên và nói với anh một câu đầy chất triết học…

            Anh trố mắt nhìn tôi như nhìn một người xa lạ, rồi anh tự kiềm chế:

            - Đâu có. Được như chú khen thì nói làm gì. Nhưng tôi hỏi chú lần nữa: Có thật là chú không biết gì về O Nhớn gần đây phải không?

            - Anh hôm nay làm sao vậy? Lâu nay anh tin tôi kia mà? Hơn nữa tôi gần bốn mươi năm nay không có tin tức gì về O Nhớn…

            - Thế thì thế này: Năm nay Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho O Nhớn. Giá chỉ có danh hiệu mà không kèm theo vật chất thì tôi tin chắc không có cái mâm mà chú đã thấy…

            Hai anh em tôi ngồi vào mâm cỗ, như các năm trước là một bữa ngon miệng. Nhưng hôm nay anh và tôi môi khô khốc và miệng đắng chát. Đợt gió mùa đông bắc đang tràn về, thời tiết se lạnh mà trong lòng chúng tôi nóng ran như lửa đốt.

                                                                                                L.B.T

Lê Bá Tạo
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 83 tháng 08/2001

Mới nhất

Tạp chí Cửa Việt - 35 năm một chặng đường

28/06/2025 lúc 16:18

Ngày 28/5/2025, Tạp chí Cửa Việt tổ chức lễ kỷ niệm 35 năm tạp chí ra số đầu tiên và gặp mặt cộng tác viên năm 2025. Tại buổi lễ, Phó Tổng biên tập phụ trách Hồ Thanh Thọ đã có bài phát biểu khai mạc...

Vùng trời hoa sim

26/06/2025 lúc 23:29

Những triền sim tím đồi xaBềnh bồng nâng gót mùa qua lặng thầm

Hương xưa; Nắng sớm

26/06/2025 lúc 23:27

Hương xưa… Ta về tìm lại hương xưa

Giấc mơ đồng bằng; Về xanh trong gió thơm

26/06/2025 lúc 23:24

Giấc mơ đồng bằng Gọi em đêm qua tôi mơ

Ngủ giữa gió sông quê

26/06/2025 lúc 23:22

Hôm ấy gió sông thổi về lồng lộng. Lửa nương theo bàn tay của gió vồ lấy mái bếp, tỏa ngọn nghi ngút trên đống củi khô, tràn qua ô cửa vương tơ nhện và bụi mờ.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

03/07

25° - 27°

Mưa

04/07

24° - 26°

Mưa

05/07

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground