Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Họp lớp

Hồi còi vang lên, con tàu rời ga, đêm thành phố mưa bay lất phất. Theo bánh lăn, tất cả xanh đỏ đèn màu bắt đầu mất hút dần.

Ông ngó ra ngoài cửa sổ, mùa thu âm trầm gợi những ký ức tưởng chừng phôi pha theo quãng sống đã qua thác ghềnh dâu bể. Nhưng, có lẽ mớ ký ức đó hằn sâu thành một vệt nhớ cất kĩ trong tâm khảm, chỉ là bộn bề của mưu sinh áo cơm mà lặng lẽ nằm yên, chỉ chờ có dịp để trỗi dậy. Vậy nên, khi Mừng đến, đứng như trời trồng trước cửa nhà thì ông biết, đốm lửa ấy lại bầng bùng cháy tiếp.

Mừng đến sau cú điện thoại xác nhận và rồi hai anh em ôm nhau khóc. Năm mươi năm rồi, tròn trịa con số để thấy cuộc phù du khiến con người ta trôi dạt muôn phương nhưng chỉ cần tao ngộ dù chỉ một khắc giây là lòng mình dậy sóng yêu thương. Có những điều cũ càng nhưng kỳ thực vẫn như vẹn nguyên tươi tắn và mới mẻ trong lòng của hai ông già bảy mươi. Là tóc đã pha màu sương mai mà chuyện vẫn xanh màu lá. Là đời bạc thếch những va vấp nhưng chuyện cứ hùng hục sức trai. Là bàn tay chẳng còn níu được thứ gì mà trí óc còn cố ghì lại ngày tháng mòn cũ. Là những mất mát cứ trôi về một khoảng trời ngày trước hẳn vừa còn đây đủ đầy những ảnh hình.

Chuyện của những người già luôn ngắt quãng bởi tiếng thở dài, bởi vòng khói trắng cuộn tròn lửng lơ giữa thinh không, bởi cái chắc lưỡi tiếc nuối. Bởi nhiều lẽ lắm mới khiến hai con người cách nửa vòng trái đất tìm thấy nhau. Năm mươi năm người ta viết bằng chữ nó chỉ độ chừng mười kí tự, nhưng không thể đo lường được quãng thời gian đau đáu của lòng dạ, của đớn đau, của tưởng chừng và cả những thỉnh cầu. Chiều mùa thu dát nắng lên thềm vàng lá. Mây trắng bay ngang rồi đứng lặng. Gió cũng im nghe những thì thào. Đời người đôi khi sẽ dứt, nhưng câu chuyện của cố nhân sẽ không bao giờ dứt.

Ông tiễn Mừng về khách sạn bằng chiếc cúp cà tàng. Chặng cuối hành trình cuộc đời, Mừng quyết về lần này, là để được đi một nơi. Một nơi mà năm mươi năm rồi Mừng chưa một lần dám đến. Đôi ba lần về lại Sài Gòn, Mừng cứ nghĩ trong lòng sẽ về nơi đó, nhưng rồi lại hỏi, có còn ai không? Bao người biết Mừng, ai đâu trông đợi và liệu bao nhiêu người hiểu cho Mừng? Hơn hết, biết họ có tha thứ cho Mừng? Trời ơi, muôn vàn câu hỏi nhảy lung tung khiến Mừng bời bời tấc dạ. Mừng sợ duy nhất một điều, ngày mình hóa cát bụi, cũng hư vô như chưa từng được sống trong cõi người này. Mừng sợ mình chẳng thể nhìn lại bạn bè ở một cõi nào đó. Mừng lục tìm tất cả nhưng bặt vô âm tín cho đến khi Mừng thấy hình ông trên một trang mạng xã hội của những người cựu binh Quảng Trị. Mừng đoán ông trời trao cho Mừng một con đường. Mừng lật đật đặt vé bay về liền, dẫu đám con cháu ngơ ngác hỏi, Mừng bảo Mừng về họp lớp.

* * *

Minh họa: Kim Duẩn

Minh họa: Kim Duẩn

Ông gói mớ áo quần vào ba lô, rồi thủng thẳng xuống nhà ăn cữ cơm chiều, khẽ khàng thông báo chuyến này ông đi họp lớp. Cô con dâu lớn chưng hửng. Trời thần, bố từng tuổi này, lần đầu tiên đi họp lớp. Nghe có vẻ vui bố nhỉ! Mấy đứa cháu cũng tròn mắt hỏi thế các ông các bà còn đủ chứ. Ông vẫn kiệm lời như thường, cũng gật đầu cho có lệ. Nhưng cô con dâu cũng nhanh miệng thắc mắc thế bao năm nay bố không đi, hay tại bây giờ mọi người mới có hứng. Ông cũng gật đầu cười nhẹ, chắc tại già nên sợ, lần này không họp lớp thì biết năm sau có còn sống hay không. Mấy người già trên bảy chục, khéo ngủ một đêm tới sáng người cứng đơ ra, về chầu ông bà hồi nào chẳng biết. Nên cứ còn đi họp lớp được cứ đi. Mặc trên bàn ăn ai nói gì nói, anh con lớn cứ nhìn bố rồi lặng im.

Đợi xong bữa cơm, khi ông lên phòng chuẩn bị vác ba lô đi thì anh con lớn ngập ngừng vào phòng ông. Bố có còn ai ngoài đấy đâu mà về họp lớp. Sao vội vàng thế, rốt cuộc bố đi đâu? Câu hỏi khiến ông lừng khừng. Ông nhìn thằng con lớn ngoài bốn mươi rồi thở dài. Chuyện từ xưa xa làm sao kể hết, làm sao trong phút giây bắt thằng con thấu hiểu. Nhưng, bố phải đi, chuyến này chắc cũng dài ngày. Bố không đi lòng chẳng thể yên. Có những thứ nó như cây kim dằm vào trong tâm trí mình, không nhổ nó đi, cả đời sống trong hoang hoải.

Thằng con lớn thở dài chẳng biết phải nói ra sao chỉ biết lặng lẽ dúi vào tay ông một xấp tiền. Bố phải cẩn thận, biết chắc bố chẳng về quê, lại đến nơi đấy, đường sá xa xôi lại không có ai quen thuộc, có chuyện gì bố gọi về cho con hay ngay nhé. Chỉ vậy thôi rồi anh con trai lớn leo lên tầng trên cùng của căn nhà, như mọi lần bố đi xa, anh thắp nhang cho mẹ. Ông nhìn theo bước chân con đi lên lầu mà thấy mình như người có lỗi.

Ông đến với bà muộn mằn, những năm ba mươi tuổi, khi đang tham gia khu kinh tế mới sau giải phóng. Thời đó khó khăn cùng cực, nhưng ông quyết bám trụ theo chỉ đạo của cấp trên. Bà cũng dân Vườn Thơm, gốc Sài Gòn. Hồi đó bà làm tổ trưởng của một cụm hợp tác xã khôi phục nghề làm nhang truyền thống sau khi khu Lê Minh Xuân bị bom đạn cày xới tan hoang. Tứ bề là những phế tích tan nát. Trăm thứ khó khăn phải vận động. Ngàn ngày cày cuốc để cải tạo lại xóm làng. Cứ vậy từ tiếp quản đến khai hoang chừng bảy năm trời mới có được sự bình ổn. Những năm 80 khu Lê Minh Xuân bát ngát cỏ, mênh mông đồng, cứ vậy mà tăng gia sản xuất. Ông và bà cũng đi qua tuổi trẻ của mình với đất này một cách xanh lành vô tư chẳng nghĩ ngợi. Cho đến hôm má bà mất, ông bất giác thấy bà cô lẻ giữa bốn bức tường nhà trống hoác. Ba bà nằm đâu đó ở trận Mậu Thân. Năm đó bà lên mười, cài tang đen rồi đi theo cách mạng. Cho đến bây giờ xác ba bà vẫn chưa được tìm thấy. Sau giải phóng, bà có lặn lội lên khu quy tập của chế độ cũ hồi cuộc chiến Mậu Thân nổ ra, dân Sài Gòn đồn trăm ngàn cái xác bên này bên kia đều được hốt về chôn ở đây, một khu đất trống nằm ngay công viên Lê Thị Riêng nhưng mà chôn tập thể thì biết đường nào mò ra xác ba. Bà quay về thôi không đi tìm xác nữa. Bà dồn sức vào để làm xanh lại mảnh đất mình đã sinh ra. Hai má con nương tựa nhau sống. Ông đứng giữa ngôi nhà, chợt thấy thương thắt lòng người con gái Vườn Thơm nhỏ xíu mà kiên gan bền chí này.

Ông rước bố mẹ từ quê Thái Bình vào, đám cưới không có gì ngoài mấy con gà nuôi thả vườn, một con heo bên thanh niên xung phong tài trợ. Cô dâu chỉ mặc cái áo dài hồng được một chị bạn cho lại, ông khi ấy cũng nghèo nên cặp nhẫn cưới bằng vàng mười tám mỏng lét. Ba mươi tuổi, ông dọn về căn nhà của bà, trong lòng kỳ thực đã chọn chốn này làm nơi nương náu đi hết phần đời còn lại. Cứ vậy ông đắm đuối vào công việc. Những ngày ông ở nhà có lẽ ít hơn những ngày đi công tác. Bà vẫn lặng lẽ chờ ông mỗi bữa cơm. Đến ngay cả ngày bà sanh đứa con đầu lòng ông còn ở đâu tận cánh rừng Lò Gò cho chuyến về nguồn học chính trị. Hôm bà sanh đứa con gái thứ hai, ông theo lệnh triệu tập học nâng cao trình độ quản lý tận ngoài Bắc. Cứ vậy bà lủi thủi mình ên trong căn nhà nhỏ. Nhưng, chưa bao giờ bà trách cứ ông một tiếng. Ông cứ ruổi rong hết công tác này đến học tập nọ.

Nhưng, bà chưa kịp chờ ông dừng bước nghỉ ngơi để dắt bà đi lại những vùng chiến trường xưa như lời ông hứa thì bà ngủ một giấc không tỉnh lại. Bác sĩ nói bà đột quỵ giữa đêm mà không ai hay. Đêm đó, ông vẫn không cạnh bên bà. Đó luôn là nỗi ân hận của ông. Nên sau này khi đã về hưu, ông luôn quẩn quanh trong căn nhà nhỏ này hương khói cùng bà, chăm lo mấy đứa cháu. Ông đi cả đời, giờ quay lại vẫn thấy mình cô đơn quá thể. Có lần ông chập chờn trong giấc ngủ thấy mình đang ngồi học trong lớp sơ tán. Lớp học vẫn vẹn nguyên bốn mươi hai gương mặt con trai phơi phới tuổi mười tám. Cũng có lần ông mơ thấy bà đang hòa vào đám đông bạn bè mình trong một cuộc hành quân. Tỉnh giấc, hình ảnh bà, hình ảnh mấy người bạn cứ lẩn quẩn tâm trí ông miết.

* * *

Chuyến tàu đêm nay lạ kỳ, hai ông già chẳng thể ngủ nổi. Nhắm mắt lại là những bồi hồi xưa cũ. Những gương mặt hiện diện rõ ràng. Những câu chuyện nối liền hai miền thời gian. Dội vào bên tai là tiếng bom đạn ì đùng. Hỏa châu rải sáng cả những đêm Thành Cổ. Đại đội 22 mở đường tiếp viện Cồn Cỏ, chia nhiều tiểu đội. Đêm len rừng trúng bom tiểu đội đi chẳng ai về. Rồi ngày hành quân vào Vĩnh Mốc, mấy thằng trúng phục kích nằm lại mãi mãi đâu đó trên những con đường. Mấy cái tên Gio Linh, Cam Lộ, Hải Lăng, Triệu Phong nhảy múa trong trí óc hai ông già ngoài bảy mươi. Chuyến về lần này cứ như một cuộc chiến trong tâm khảm, có những viên đạn cày nát lòng người.

Hai ông già trở mình, mở phích nước nóng châm trà ngồi nhìn những mái nhà âm u vội qua trong màn đêm. Tầng trên của khoang bốn giường hình như là hai cậu thiếu niên trẻ. Hai cậu bạn mang lỉnh kỉnh đồ vẽ, gật đầu chào hai ông già. Thì thôi đêm khó ngủ, bốn người chụm lại quanh buồng tàu nhỏ gọn hít hà những ngụm khói nóng thơm lừng mà trải chuyện mình ra. Hai ông già đi họp lớp. Trời ngộ dữ vậy ông. Hai cậu trai trẻ mắt tròn mắt dẹt ngó. Hai ông già như thấy lại tuổi trẻ mình trong hai cậu thiếu niên. Mừng ngày đó thích vẽ, có lần nằm nghỉ bên lòng chảo sông Ba Lòng, Mừng nói ước mơ lớn nhất sau ngày giải phóng là đi học vẽ. Mừng sẽ vẽ lại hết cuộc chiến này bằng chính cặp mắt đã nhìn thấy, bằng chính nỗi đau mất mát và niềm vui thắng trận. Đó là những ngày xuân năm 1973, hai ông già được sung quân vào Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 45 để dàn trận pháo 130 ly trong chiến dịch giành cảng biển Cửa Việt. Càng gần ngày ký Hiệp định Paris, các trận đánh trên chiến trường Quảng Trị càng ác liệt. Địch quyết tâm sống mái một phen, đổ lực lượng mạnh gồm xe tăng, thiết giáp, lính thủy đánh bộ nhằm chiếm cảng Cửa Việt trước giờ quy ước ngừng bắn. Cứ vậy ta liên tục tăng quân cho pháo binh dội vào trận địa. Hết lớp quân này đến lớp quân khác. Trận địa loang máu tươi nhuộm cả một góc cảng.

Ông cũng bị thương trận đó, dù hiệu lực ngừng bắn cả tiếng trôi qua, nhưng mặt trận vang rền tiếng pháo. Đôi bên không ai muốn mất cảng biển duy nhất này. Cứ vậy mà xông lên. Ông bị trúng loạt pháo ngay bả vai, được rút về theo một chiến sĩ liên lạc đang lui về đại đội bộ để đổi ắc quy cho vô tuyến 15w của H.802. Trận rút đó chủ yếu toàn người bị thương, ra đến kilomet số 2 đường 15L thì ông gặp Mừng với cái đùi đẫm máu vừa được băng bó tạm. Đến gần lòng chảo sông Ba Lòng thì bị lọt ổ phục kích của giặc. Một trận giã tơi bời. Qua sông hay bị bắt làm con tin? Tất cả ém quân. Mừng lấy trong túi những điếu thuốc lá Điện Biên bao bạc để mọi người cùng hút. Chết thì chết, không chịu làm tù binh giặc. Đó là nhục. Những thằng Hải, Hà, Miên, Thắng chết cả rồi. Lớp mình ngày đó là 42 đứa đó, giờ rải rác ở Thành Cổ, có đứa Khe Sanh, có đứa Hạ Lào thì mình tiếc gì nữa. Sau điếu thuốc, gần bốn chục người qua sông Ba Lòng, dùng bao nilon gạo Trung Quốc làm bao bơi. Mưa phủ trắng sông. Đạn vãi liên hồi. Sang khúc sông đó chỉ mỗi mình ông và anh chàng liên lạc viên còn toàn mạng.

Nhưng mày ơi tao mở mắt ra là thấy bị trói trên một cái giường, nhiều anh em mình cũng bị bắt, chúng chữa trị trong một cái lều dã chiến rồi chuyển về Sài Gòn, tách ra nhốt. Tao về Khám Lớn, bị dần nhừ tử bắt khai kế hoạch tác chiến, kể cả treo ngược đá vào bụng thùm thụp, hay lấy chích điện giựt ngay bắp đùi cho chuột rút căng cứng người. Cũng có khi lì quá nó đổ dầu hôi vào họng, ói đến ra máu rồi ngất đi không hay. Mừng tiếp lời ông, bằng chất giọng đổ hột như ai trải nhựa đường, hoặc như cái dây thanh băng giãn ra, nhừa nhựa, rưng rức mà kiệt cùng tủi hờn. Đánh cho thương tích đầy người tụi nó chụp hình đăng báo nói mình bỏ cách mạng theo tụi nó. Mình có khai gì đâu. Nó cùm chân cho ra Côn Đảo hết, nó vứt vào mặt tao cái tờ báo có hai chữ phản bội. Tao sống dở chết dở ở Côn Đảo phải theo đám tù giới anh chị đỏ đen Sài Gòn mà sống qua ngày. Lời giải thích khi đó chẳng ai đoái hoài.

Đến đêm trước ngày giải phóng, chúng mở cửa lùa tụi tao ra, rồi xả đạn, trong đêm tối tao chạy về phía biển. May được một con tàu vớt lên cùng chục người tù nữa. Khi trời quang mới thấy ngày càng xa đất liền. Mấy người trên tàu cho đồ thay để tiện ra hạm đội. Bây giờ mới biết đó là những con tàu rời nước. Mày ơi, thằng Mừng không bao giờ phản bội. Tao chưa bao giờ khai thứ gì. Tao cũng chưa bao giờ làm gì có lỗi với anh em!

Đêm bắt đầu tan. Hai cậu trai trẻ vẫn ngồi im nghe câu chuyện của hai ông già trên khoang tàu bốn giường. Một cậu trai lang bạt đó đây để thỏa chí chụp hình. Một cậu trai thích cuộc ruổi rong để vẽ vời lại mọi thứ trong mắt mình. Nhưng làm sao chụp lại hết cuộc hội ngộ đẫm nước mắt này, làm sao vẽ hết cảm xúc câu chuyện rẽ ra hai bờ chiến tuyến đầy ngang trái đây!

Tàu đến ga Đông Hà vào buổi xế trời vàng võ. Hai ông già và hai chàng trai trẻ lững thững bắt xe về Bến Tắt.

* * *

Mạng xã hội lan truyền clip một chiều nghĩa trang hiu hắt, hai ông già cặm cụi đi từng ngôi mộ, gọi tên từng đứa bạn học. Họ ngồi xuống, ăn lương khô, uống trà, hút thuốc lá và kể chuyện cho bạn nghe. Họ xòe bàn tay, lật bên này hay bên kia cũng là máu thịt ruột rà liền với thân mình. Nhang tỏa khói trắng quyện hư không. Bốn mươi ngôi mộ lấp lánh ánh nến. Đoạn clip được hai cậu trai trẻ quay lại và đặt tên “Họp lớp” gây bão mạng xã hội lên đến triệu view.

Chiều chưa kịp tan ca, cô em gái chuyển cho anh trai mình đoạn clip bố đi họp lớp. Nhóm chat gia đình của mấy đứa con cháu thường ngày rộn ràng tin nhắn, nay bỗng lặng im. Chỉ có những trái tim được thả vào nhóm chat liên hồi.

T.P.B

 

TỐNG PHƯỚC BẢO
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 360

Mới nhất

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Trăng biên giới; Có một nơi xa nào

23/12/2024 lúc 16:54

Trăng biên giới Ánh trăng là ánh đènĐêm tuần tra biên giớiBước chân không biết mỏiTrăng làm bạn thân quen Trăng lên cao dốc đứngNhìn rõ những

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/12

25° - 27°

Mưa

28/12

24° - 26°

Mưa

29/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground