Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hương bồ kết

T

rước ngày lên đường vào tổng đội thanh niên xung phong - Tơ kể cho tôi nghe- em có mái tóc đẹp tuyệt chị ơi! Tóc em từ nhỏ được gội bằng bồ kết  nên lúc nào cũng  óng mượt như tên em vậy. Tóc đã dày lại mượt và mau dài trông thấy, dáng người thanh mãnh và có chiều cao lý tưởng của người phụ nữ Việt Nam, mặt trái xoan, môi đỏ thắm, phảng phất một chút hồng nhan làm cho mẹ lo lắng. Mẹ sợ con gái mẹ "hồng nhan bạc phận" chị nờ! Mẹ bảo ngày xưa trong nhà có con gái đẹp ra đường là phải bịt mặt hoặc lấy bùn ao quệt lên trên mặt để thần si tình nhìn thấy bỏ qua ... "Thần linh mà cũng ghê hả mẹ?" em ngạc nhiên hỏi. Mẹ trả lời "ừ"! Thần cũng như đám người trần gian, hám gái ấy mà". Chị biết không? - tơ nói mà như hoài niệm mình về kỷ niệm ngày xưa - Tóc em lúc nào cũng thơm hương bồ kết. Mẹ em kể, hồi mẹ còn nhỏ, tóc rối quanh năm; Qua mỗi lần sinh nở, tóc càng rụng thêm. Thế rồi bỗng dưng bên chái nhà có một cây bồ kết - chắc chim đưa về, bổng nhiên mọc lên và nó lớn nhanh như thổi. Chỉ sau vìa năm, cành nào cũng nặng từng chùm quả chín; rồi khô, mẹ lấy cây sào khèo xuống vừa dùng, vừa bán, vừa cho. Tóc mẹ hết rối, trở nên óng mượt...

Tơ vừa kể vừa khúc khích cười; nụ cười đối với nó hình như đã gắn chặt trên môi với một chiếc răng khểnh nữa chìm nửa hở bên khoé má đồng tiền. Câu chuyện của nó lúc nào cũng bắt đầu từ tuổi mười lăm làm cho tôi phải phì cười.

- Mày làm như chỉ mình mày trên thế gian này có tuổi mười lăm không bằng...

Tơ ngớ ra, cứ như bị mắng oan, ra sức lý giải:

- Thật đây! Hồi đó em đẹp lắm... nó còn khoe: đám con trai làng em chết mê, chết mệt! Em đi tới đâu, hương bồ kết thơm ngất ngây tới đó. Không có chiến tranh, em học thêm bỏ vào cối giả cũng không trật diễn viên điện ảnh. Ôi, tuổi mười lăm, tuổi trăng tròn, tuổi giao thoa trước ngưỡng cửa cuộc đời ... ôi!

Thấy nó lắm chuyện, tôi liền bảo.

- Mày không có tuổi mười sáu à?

Như tiếc nuối cho cái tuổi thần tiên của mình. Tơ nói nhỏ.

- Mười sáu, em theo tổng đội rồi...

Tôi cũng không vì sao nó vô thanh niên xung phong sớm thết Có thể là nó yêu nước quá ... hoặc nữa, nó bi quan bi lụy trước hoàn cảnh gia đình, và nữa, chạy trốn một cuộc tình ngang trái. Con người có muôn vàn lý do để bước vào đời.

Tơ năm nay mười bảy, tính tuổi mụ như ở quê tôi thì nó mười tám rồi. Mặc dù hai năm vô tổng đội nhưng nó vẫn trẻ trung, yêu đời và đẹp. Nó có một vẻ đẹp thuần khiết, như ngó sen và con nhà lành. Thấy Tơ làm việc nhiều người phát thèm, theo không được. Con người mình hạc ấy, làm ra làm, chơi ra chơi và ngủ thì như con cún! Tơ bốc đá lên xe lúc nào cũng chọn những hòn đá to gấp đôi trọng lượng cơ thể mình; Xúc đất, xẻng nào ra xẻng đó và ngủ thì bất cứ lúc nào cũng có thể ngủ được. Ngần ấy tuổi, đêm đến nó tìm chỗ tôi để được rúc vào nách, xin được gối đầu lên tay và rồi huyên thuyên đủ thứ chuyện trên đời' Biết tôi đã có chồng nó tò mò hỏi:

Lấy chồng sướng không chị?

- Không sướng nhưng khoái lắm? Tôi nói thêm: Khoái vô cùng tổ quốc ta ơi?

Tơ im lặng như để cố hình dung, rồi hỏi:

- Khoái ra răng, chị kể cho em nghe với?

Khoái đến cực lạc! Tôi nói: Mi lấy chồng rồi biết, con ranh ạ!.

Tơ trở người, ôm chầm lấy tôi; Bàn tay nó sờ soạn lên hai bầu vú. Ngoài rừng con chim từ quy khắc khoải gọi: Bóp rồi thả! Bóp rồi thả!... Dường như vẫn chưa đã, nó vân vê lấy hai núm vú và thò tay lần xuống dưới lưng quần...

Bất thần nó chồm lên, nằm úp thìa và hôn chùn chụt lên đôi má tôi. Giọng nó thầm thì:

- Khoái không chị?

Tôi đẩy nó nằm nghiêng về chỗ cũ:

- Khoái chẳng thấy đâu, chỉ tổ mệt.. Mi bị ''Bê đê '' rồi!

Tơ hỏi ngay:

- Bê đê là răng, chị?

Biết giải thích cho nó là vô cùng tận nên tôi khuyên nó ngủ kẻo khuya rồi Tơ nghe lời tôi, không hỏi nữa. Chỉ tích tắc sau đã nghe hơi thở của nó đều đều.

Tôi nghiêng người, ôm lấy nó và nhận ra hương bồ kết dìu dịu, thơm thơm; Chắc nó mới gội tóc lúc chiều...

Tiểu đội tôi, cả thảy có chín đứa. Ai cũng bảo con số chín là con số may và là con số đẹp! may thì có may bằng chứng là từ ngày được trên "xê" cho biệt phái vào trần giữ ngầm Cà Rang đã qua hàng chục trận bom, chỉ còn nước thừa sống thiếu chết mà tiểu đội vẫn còn nguyên vẹn; Tuy nhiên là máu có đổ có người phải nằm viện dăm bữa nửa tháng nhưng không bị xoá sổ là may rồi! Còn đẹp?. Dạo mới về đứa nào cũng đẹp, mặt trái xoan, môi đỏ thắm, mũi dọc dừa, da dẻ đứa nào đứa nấy cũng hồng hào, tóc đen, mắt huyền y chang Thúy Kiều! Nhưng chẳng được bao lăm, đói ăn, mất ngủ, bệnh tật khiến những người đẹp cứ rơi rụng dần. Cả tiểu đội còn mỗi cái Tơ giữ được chút nhan sắc, chút duyên của người con gái vừa qua tuổi dậy thì...

Mấy hôm nay tiểu đội ăn uống khá kham khổ chỉ cơm húp với canh suông. Thịt hộp, cá khô, mỹ chính hết nhẵn! Chị Hiển - tiếp phẩm kiêm cấp dưỡng, sức dài vai rộng, có giọng nói ồm ồm như đàn ông, đùng đùng lăn ra ốm. Chị bị ngã xe đạp, đầu gối ăn trầu) nên liên tục lên cơn sốt. Những tưởng một vài hôm sẽ khỏi, ai ngờ đã non một tuần... Tiểu đội đã bắt đầu nháo lên với những tiếng thở dài chán nản.

Biết được điều đó, Tơ nói với tôi:

- Chị cứ để em đi?...

- Em đi xe đạp được à? Tôi vồ lấy Tơ và hỏi

- Được dù chưa thạo lắm!

Tôi dặn Tơ mà trong lòng vẫn cảm thấy không yên:

Cẩn thận nghe em! ...

Tơ đi muộn nên quá trưa mới về. Vừa thấy mặt tôi, Tơ đã nhăn nhó vì hàng hoá quá ư ít ỏi. Kho của ''xê '' cả tuần không được bổ sung nên đang cạn kiệt. ''Xê '' ưu tiên cho tiểu đội ''đàng xa '' vỏn vẹn có chục thịt hộp băm vụn, mười lăm hộp thịt ướp, một cân cá khô và ... muối! Ông ''xê trưởng dặn khi nào có hàng thì thông báo, đừng vội ra vô mà nguy hiểm... Tôi hỏi nhỏ Tơ:

- Không có băng vệ sinh à?

Không. Tơ nói thêm: Mấy tiểu đội khác cũng đang kêu oai oái!

Tơ tháo hàng cho vào trong kho rồi đẩy chiếc xe phượng hoàng'' già nua, cũ kỹ không chuông, không gác đờ bu vào sâu trong hang đá. Chiếc xe này của ''xê '' trang bị cho tiểu đội và tiểu đội trang bị cho chị Hiển mỗi khi lên ''xê '' nhận hàng hoá, quân trang, quân dụng... Không phải là chị Hiển chắc chiếc xe vất vào xó lâu rồi! Nó như một ông già mang trăm thứ bệnh tật trên mình; Và , chị Hiển quả là một thầy thuốc đa năng... Mòn lốp, chị lật ngã xe ra để thay lốp mới; Thủng săm dọc đường, tự vá lấy, bơm lên để tiếp tục cuộc hành trình... Cờ lê, mỏ lết, kìm, và cả chiếc bơm, lúc nào cũng nầm trong chiếc túi bằng vải bạt được buộc chặt ở tuýp ngang dưới yên xe, chỗ chị ngồi. Chị bảo không tu bổ nó thì tự mình làm khổ mình! Trong tiểu đội không ai biết đi xe ngoài Tơ với chị..

Mới đi chưa ngày, đêm Tơ đã có chuyện giật gân với tôi; Cứ như nó phải đắn đo mãi mới thổ lộ ra chuyện này.

- Chị Bần ơi, em kể chuyện này chị có tin không?

Tôi hỏi lại vẻ trái khoáy:

- Nào tao đã biết chuyện gì đâu?...

Tơ nghiêng người, chống tay lên má ''

Chuyện em suýt chết ấy mà !...

Tôi cả cười:

Suýt chết?...Tao ấy à, có tới ngàn lần...

Tơ vẫn theo đuổi ý tưởng của mình:

- Chuyện em mới xảy ra lúc sáng...

Tôi đã buồn ngủ lắm rồi liền giục:

Thì cứ kể, tao nghe...

Tơ lại kể. Nó kể rằng sáng nay trên đường ra tới đèo Yên ngựa thì có một tốp máy bay Mỹ ào qua trên đầu. Rồi, phía trước có tiếng bom nổ; Mấy cột khói màu nâu cuồn cuộn dâng lên. Tơ nghĩ chẳng hề gì nên cho xe đạp đổ đèo vun vút. Chỉ nghe tiếng gió xé bên tai. Chân trái giữ bàn đạp; Chân phải Tơ co lên sẵn sàng dí gót giày ba ta, thay vì chiếc xe vốn dĩ không phanh từ thời thượng cổ lai hy. Xe chuẩn bị lao qua cống bê tông Yên ngựa, tử trong con đường tránh một bóng người nhào ra. Người đó đứng dang chân, dang tay như một thằng bù nhìn bằng rơm và hét tướng lên:

- Dừng lại? Dừng lạ! ... kẻo chết...

Tay lái của Tơ loạng choạng làm cho chiếc xe đạp của Tơ chao đảo, ngã nghiêng. Khuôn mặt Tơ không còn giọt máu khi nhận ra cống Yên ngựa là một vực sâu không đáy. Tơ nhắm mắt lại, lao thẳng vào cái thằng hình người đang dang tay án ngự... Và thoắt cái - hơrl cả một giấc mơ, tấm thân của Tơ đã nằm gọn trong vòng tay con người đó. Chiếc xe đạp theo đà quán tính chạy tới gần mỗ cống thì đổ ụp xuống bên vệ đường. Tơ mở mắt khi đã tỉnh lại... Tơ nhắm kẻ ân nhân đã cứu mình và nói:

- Ôm vừa thôi, kẻo em nghẹt thở...

Chết chưa từng ai, nghẹt thở là cái gì? Người đó nói và chỉ tay cho Tơ thấy chiếc ô tô ''ngát năm bay''nằm sâu trong con đường tránh: - Em tới đó để anh đi lượm chiếc xe đạp đã nào?...

Rứa là quen nhau chị nớ! Tơ thản nhiên thét lên: Hắn ta khác xã, khác huyện nhưng ở cận kề nhà em. Thì, hai huyện cùng uống chung một con khe nước ở trong động cát chảy ra; Rứa mới có chuyện, bụi rau muống leo qua hai huyện nghe mà như bịa, cho dù trúng tới một trăm phần trăm. à, hắn biết tuổi mười lăm của em...

Lại xạo rồi ! Tôi kêu lên.

- Em nói thật, chị lại không tin; cứ y như bụi cây rau muống đâu có bịa ...

Tôi cố tình ngắt ngang câu chuyện.

- Thôi, ngủ đi!...

Tơ vẫn chưa hết chuyện:

- Chị biết không? Hắn ta hôn lên mái tóc của em khen hương bồ kết thơm chi lạ?... Hôn tóc thôi nhé, hắn tặng em chiếc lược bằng nhôm có hình cái đầu xe hắn lái; và một chiếc gương của ô tô to bằng miệng bát ''Bê năm hai''...

- Hắn tên chi?

- Tên hay lắm chị nờ! à, Trần Tâm Thất lái xe của ban ''sáu bảy ''được mệnh danh là ''Hùm xám Trường Sơn'' kia đấy!

Tôi không hỏi thêm, giả vờ thở ra những hơi thở đều đều. Tơ vẫn nói. Và, cũng chỉ mấy câu vớ vẫn trước khi vào giấc ngủ sâu... Để rồi, vài hôm sau cả tiểu đội đang tu bổ con đường tránh thì phải ngừng tay nhường đường cho một đoàn xe đang hừng hực khí thế ra trận. Một chiếc xe lướt đến chỗ Tơ thì phanh sững lại. Lúc này trông Tơ thật đáng yêu: chiếc nón nghiêng nghiêng, khuôn mặt đẹp đang cằm trên chiếc cán xẻng được làm bằng gỗ cây săng lẽ...

Nhìn cánh lái, Tơ một nụ cười sáng láng...

- Tơ? ... Tơ ơi... Người lái xe gọi

- Ôi? Anh Thất...

Thất chồm người sang phía cửa phụ. Mấy chiếc xe sau rú còi giục giã vang cả núi rừng. Mặc, Thất vẫn đẩy mạnh cánh cửa phụ và vẫy tay ra hiệu cho Tơ nhảy lên buồng lái. Tơ ngồi chưa vững thì cửa xe đóng lại và Thất rồ vội ga. Lên hết dốc đường tránh, Thất dẹp sang một bên đường và nói vội:

Cho anh hôn...

Đưa cánh tay ghì lấy khuôn mặt Tơ, Thất đã hôn tới tấp. Thất đấu lưỡi nhưng Tơ cứ lắc đầu quầy quậy... Thất đưa lưỡi rà nhẹ lên đôi má và khoé mắt khiến Tơ nhìn nhột cứ phải giẫy người lên. Cũng nhanh thôi và thật chóng vánh, cửa xe đã mở. Thất chỉ vào thùng lương khô FlOI và nói:

- Anh gửi làm quà cho tiểu đội...

Thất lè lưỡi ra đá qua đá lại hai bên khoé miệng như một lời ước hẹn rồi nổ máy đuổi theo đoàn xe. Tơ thất thểu xách hộp lương khô trở lại hiện trường. Con Quệt nhìn thấy, ném xẻng sang bên chạy tới phía Tơ và nói to:

- Có quà rồi chị em ơi?

Tiểu đội nghỉ tay, khui thùng lương khô vừa ăn vừa uống nước. Với lái xe loại lương khô này có tên gọi nôm na là ''lương khô cám" Chưa kịp ăn, nó đã vỡ vụn trong lòng bàn tay nên rất ít dùng. Lái xe trên tuyến đường Trường Sơn cứ như giới thượng lưu ở nơi phố hội; Và, cũng như người lãnh án tử tù.

Đối mặt với cái chết, được thưởng thức đủ món ''cơm gà, cá gở...'' Chế độ của lái xe. cao hơn cánh thanh niên xung phong từ hạt gạo cho tới nhu yếu phẩm

Nhiều hôm thấy cánh lái xe ăn uống mà thèm. Ngán thịt ướp muối, thịt hộp ''siêu nạc'' và thịt gà được mang theo từ dưới xuôi lên, cánh lái vác ''cần câu'' Liên Xô xuống suối. Vài tiếng nổ vang lên là có cá an, cá để... Đám thanh niên xung phong ''ăn theo'', có được đôi bữa xịn. Bởi, cánh lái xe đánh xong mìn chỉ ăn cá nổi còn cá chìm cho bên này lặn. Mà cá lặn là cá to...

Cái Quýt vừa ăn, vừa lục vấn Tơ:

- Người yêu này đấy à?

- Đã bảo là đồng hương - Tơ nói: - Đã yêu đương gì đâu?

Cái Quýt vẫn là kẻ được ăn được nói, được gói mang về:

Tao không tin là mày có thằng đồng hương lái xe mà tốt với bọn tao đến thế Dứt khoát là phải ''tiền trao, cháo múc''; chí ít thì ''bà chân giò, tôi thò chai rượu''... Quệt như đi guốc trong bụng Tơ: - Chắc chắn là mày có mất...

Tơ chống đỡ yếu ớt hẳn:

- Em chẳng mất gì cả ? ...

Quýt cười hơ hơ:

- Rồi để xem.. Mày không mất tao không mần người, nhớ nhé ?...

Đêm, Tơ lại thú thực với tôi là đã cho hắn hôn lên má, lên mắt nhưng không cho đấu lưỡi. Eo ôi, hai cái lưỡi ăn cơm, ăn cá, sì sụp húp canh quấn quít lấy nhau thì ghê lắm!

- Lúc đó, mày nghĩ đến chuyện ấy làm gì Đừng nghĩ - tôi nói: - Phải quên nó đi! Chỉ biết đó là hai trái tim thầm thì và chơi trò ú tim đầy rẫy sự đê mê, khoái lạc... Ma hút hồn? Không bằng nút lưỡi, em ơi...

Tôi đã ôm ghì lấy Tơ... Tôi vồ vập tìm lấy đôi môi của nó nhưng rồi tôi buông thả. Không phải chồng tôi - anh ấy, thì Tơ chẳng có ý nghĩa gì? Tơ bật người, choàng dậy và ngơ ngác nhìn tôi:

- Chị làm sao thế' Chị Bần...

Tôi vội nói đỡ:

- Không chị không sao cả...

Tôi kéo Tơ nằm xuống và nói:

- Hãy cảnh giác với cánh đàn ông, em ạ! Đừng vì tiền của, hãy vì tình yêu..

Tơ đã không nghe lời tôi và nói:

- Nhưng em có mất gì đâu? Nụ hôn như gió thoảng qua là rồi, mà chị?

Tôi nói, giọng trầm hăn:

Em ngây thơ quá đấy? Trong tình yêu cái mất và cái được là sự vô hình...

Trên đường ra, Thất ghé vào đơn vị, Đó là một chàng trai - như Tơ nói, có khuôn mặt sáng, vẻ thuần tính và giản dị. Sau vài phút lạc lõng, Thất đã nói năng và đầy tự tin khiến cho cái Quýt vốn bao miệng phải ngồi im như hến. Chẳng hiểu quả đất tròn đến đâu mà trong câu chuyện mở đầu Thất nói:

Hồi Tơ mười lăm tuổi, em có gặp dăm lần. Lúc ấy trong đám trai làng, em khờ khạo lắm, giá mà tỏ tình, chắc đã cưới Tơ rồi! ...

Tơ phổng mũi lên, nhìn tôi:

- Chị thấy chưa, em đã bao...

Chỉ dăm phút sau,Thất xin phép tôi cho Tơ ra xe lấy chút quà anh gửi cho tiểu đội. Hắn ta lấy lòng chị em để đổi lấy cái Tơ đây! Bụng bảo dạ, tôi nghĩ vậy. Đến giờ ăn cơm. Tơ vẫn chưa về. Cái Quệt nói rõ to:

- Cái Tơ mất gì chưa thể biết nhưng trước mắt là mất bữa cơm trưa...

Chị Hiển mắng luôn:

- Mày chỉ lo bò trắng răng... Khi đã yêu nhau say đắm thì bụng không hề biết đói! Nghe chửa)...

Cái Quýt nhìn chị Hiển đánh tiếng:

Nghe thì có nghe còn chửa thì xem xem đã...

Gần tới giờ làm việc buổi chiều mới nghe ở bìa rùng có tiếng xe ô tô nổ máy. Một lúc sau thì Tơ xách một bọc vải đi thẳng vào chỗ tiểu đội làm nơi cất lữ hành lý. Thấy Tơ chuẩn bị leo lên sạp nằm, tôi vội nói:

- Cơm dưới bếp, không ăn à?

Tơ lắc đầu. Tôi hỏi nhỏ:

- Hắn cho quà gì thế

Tơ trả lời vừa đủ cho tôi nghe:

Băng vệ sinh... Tơ nói tiếp, vải màn! ạ...

Nhiều không? Tôi mừng rỡ hỏi

Tơ cũng mừng ra mặt:

Nhiều! Mỗi người cũng được dăm ba tháng.

Tôi trở nên phân vân:

- Hắn lấy đâu ra nhỉ

Tơ nghe tôi hỏi, nhăn răng ra cười rồi đãi giọng ngân lên như hát:

- Chị ơi, lo bò trắng răng, chẳng ai biết được ma ăn cỗ lúc nào? Nên chi ta cứ nấu, xào...

Căn bệnh của cái Quýt lây nhiễm vào trong tôi như ma ám. Y hệt Quýt, tôi bật lên câu hỏi:

Này, em có đổi chác gì không đấy?

Tơ phá lên cười như nắc nẻ:

- Em, trên răng dưới rốn chị biết rồi! Có gì mà đổi?... Bất chợt giọng Tơ nhỏ lại: à, Em đã cho cái lưỡi của nó tiến sâu trào cung trầm cung bỗng của đời em... Lần đầu tiên... ôi ! lần đầu tiên em như bị điện giật; rồi đê mê, rồi tê dại, rồi sự phó thác cho đất cho trời... giá như lúc đó, bom nổ bên tai em cũng xem như cái tai của mình tạo hoá sinh ra chỉ là vô nghĩa...

Tôi cau mặt lại, giọng rất đỗi chân tình:

- Chị lo cho em quá ! Nó mà ngoáy cái đuôi chuột là chuốc lấy bất hạnh em ơi!

Tơ nhìn tôi đăm đắm và hỏi:

- Ngoáy đuôi chuột là sao hở chị?

- Cái con này! ...

Kẻng dòng dã vang lên từ cây săng lẽ trước sân, tiểu đội lại ra hiện trường. Lại phải lấp đá, vá đường và đắp chân ta luỵ cho đường tránh. Trong lúc giải lao, ái ngại cho Tơ, tôi nói:

Tối nay họp tiểu đội, em cho chúng nó mỗi đứa vài mét còn lại cất mà dùng.

Tơ giãy nãy lên như ngồi phải tổ ong đất mà không hề biết.

- Chị, ai lại thế' Em là cứ chia đều... Tơ hạ thấp giọng xuống: Sống chết có nhau, lẽ nào?...

Cái Quýt có được mấy mét vải màn, mắt sáng lên như nhà nghèo gặp bạc. Trong tiểu đội ai cũng nhìn Tơ với sự hàm ơn không thể hiện bằng lời. Đêm xuống núi rừng bắt đầu chuyển lạnh. Quệt sau câu ca ngợi cửa miệng ''hết khổ rồi em hởi, cái Tơ ơil... '' thì vẫn chứng nào tật nấy...

- Mày có mất gì không Tơ ? Anh chàng cũng đẹp trai đấy nhỉ?...

Tơ lập tức trả miếng luôn:

Tao chẳng mất gì cả? Chỉ sợ mày sẽ bị mất đấy thôi!

Quýt hiện lên trên nét mặt một thoáng ngạc nhiên Tao? Tao mất gì?

Tơ trở nên đanh đá:

Mất cái đầu tiên là chiến lợi phẩm... Và, Tơ bỗng cười: mất công dự lễ cưới của vợ chồng tao.

Quýt trố mắt:

- Mày yêu hắn ta thật à?

Tơ vặc lại:

Thì tao yêu giả chắc? Này, chúng tao yêu nhau từ tuổi mười lăm kia đấy!

Quýt không đôi co nữa, lặng lẽ cầm quần áo ra suối để tắm; Ai cũng biết mấy hôm nay hết băng vệ sinh, Quýt phải xé áo đông xuân để dùng. Cái áo đông xuân cuối cùng của người con gái.

Kể từ ngày, Tơ tuyên bố yêu Thất trong tiểu đội hầu như cấm cãi. Chiến tranh cứ chiến tranh, nhưng hoa thì cứ nở! Độ này hàng hoá vào tuyến trong nhiều nên Thất thường ghé vào tiểu đội; Có khi ghé lại ngủ qua đêm gần sáng mới tiếp tục hành trình. Lần nào ghé, Thất cũng có quà cho tiểu đội. Khi thì dăm cân đường, vài hộp sữa, khi thì cả két thịt hộp còn nguyên đai nguyên kiện. Có lần ở tuyến trong ra, Thất phi thẳng ô tô vào trong sân-trước hang đá tiểu đội đang trú ngụ, bê trên xe xuống một con cá vược to bằng đứa trẻ lên ba, xống xộc vào trong bếp giao luôn cho chị Hiển.

- Trời đất, mi kiếm mô ra rũa Thất?.. Chị Hiển nhìn con cá mà chết khiếp

- Nó trúng cần câu Liên Xô mà chị! Thất nói: Mấy đứa trong tổ xe ăn cũng ngán rồi.

Cái Quýt xía vô:

- Ngán rồi mới cho chị em chớ gì?

Thất bối rối lắc đầu, chỉ cười trừ.

Bữa đó, lần đầu tiên Thất ngồi ăn cháo với chị em trong tiểu đội. Trông Thất ăn mà tội, cứ như con gái mới về nhà chồng. Tơ ép mãi, anh chàng mới ăn hết hai lưng bát...

Chao ôi, từ '' mạ cho'' đến của ''trời cho '' chỉ cách có một gang dưới rốn, cái Tơ làm sao mà giữ được Tôi ngay ngáy lo cho cái Tơ, chỉ sợ nó mà dấn thêm một bước cuối cùng... Tôi thở dài và nói:

Chị lo cho em quá ?

- Chị lo chi? Tơ bàng quan hỏi lại.

- Chị sợ em không giữ được... cái lưng quần.

Tơ cười, chiếc răng khểnh có dịp được phô ra làm cho con bé trở nên đẹp hẳn.

Chị khỏi lo! Em cài những ba cái cúc quần bằng chỉ ni lông kia đấy. Tơ lại cười và vu vơ hát: Không cho chúng nó thoát, chúng bay vào sẽ không có đường ra !

 Bẵng đi vài ba tháng, Thất mới có dịp quay trở lại tiểu đội. Trong những ngày vắng Thất, Tơ như kẻ mất hồn, nhiều lúc sững sờ vì có tiếng còi xe ở bìa rừng. Tiều đội, ai nhìn nó cũng thương hại cứ lo câu chuyện đâu đâu? Cứ ngỡ Tơ bị thằng sơ khanh đội lốt tên Thất gieo nên giông bão rồi  lưu lạc như lại như Kiều!

Thất ghé vào lúc vừa qua một trận mưa rừng dai dẵng và xối xả. Tiểu đội được nghỉ việc vì độ này Mỹ cũng ít dội bom xuống cung đường. Vừa thấy Thất cùng với chiếc bao vải vắt trên vai, quần xắn cao tới gối bước vào trong hang đá, Tơ làm giận ngoảnh mặt đi. Cái Quýt đang trùm kín chăn, nghe có Thất đến thò đầu ra như một con rùa. Quýt liền nhanh miệng hỏi:

- Quà gì thế, anh Thất?

Thất đặt bao tải lên sạp nứa chỗ tôi và Tơ đang nằm; Thất nhìn Tơ và đánh mắt sang tôi:

- Tơ bị đau hả chị?

- Nó giận mày đấy! Tôi nói: Nó tưởng mày đã lên vút tận chín tầng mây kia đấy!

Thất nói như để phân trần:

- Bữa ra, xe bị hỏng nặng phải đưa vào xưởng để đại tu...

Cái Tơ vén chăn ra khỏi đầu, hỏi một cách tự nhiên:

- Đại tu là cái gì nhỉ? Là:

Thấy tôi đánh mắt sang, Tơ không hỏi nữa. Nó lồm cồm ngồi dậy nhìn

Thất trong giây lát rồi hỏi:

Anh có ghé nhà không?

- Có Thất nói: - Anh được nghỉ tranh thủ mấy ngày...

Tơ hỏi lấp lửng, nhát gừng:

Ở quê độ này... bom đạn...

Chúng đánh ác liệt lắm? Thất nói: Thôn anh trong trận bom gần đây có tới mười ba người chết. Chị Thẹo bị chết trong lúc đang mang thai tháng thứ bảy, cả làng ngồi ngó đứa con giãy đạp...mà chịu ?

Im lặng. Câu nói của Thất khiến cho Tơ như bị trúng gió, sắc mặt trở nên nhợt nhạt. Nhận ra điều đó, Thất hỏi:

- Em làm sao thế?

Nhưng, Tơ lắc đầu. Tôi cố tình quay mặt về phía vách đá, trùm kín chăn vờ như không hay biết chuyện gì? Lâu sau... Tôi nghe Tơ hỏi:

- Anh có xuống nhà em không?

Có Tặng cụ mấy mét vải! ... Thất nói thêm: ở nhà vẫn bình yên!

 Tơ chợt hỏi:

- Mẹ không gửi quà gì cho em à?

- Có! à đây này...

- Gì thế'

- Bồ kết!

Tơ bật kêu lên như lữa cháy nhà:

- Có bồ kết rồi, các cậu ơi ! Bồ kết mẹ tao gửi vào... nhiều lắm !

Lúc này thì tôi phải ngồi dậy để cùng với chị em trong tiểu đội chia sẻ  niềm vui này. Mấy tháng ròng, chúng tôi phải gội đầu bằng xà phòng giặt ''bảy hai phần trăm'' từ Liên Xó sang. Không gội thì moi chi hết bùn đất trong từng chân tóc; Mà gội, cực chẳng đã vì không có cách gì hơn? Càng gội, tóc càng rụng, đầu càng ngứa, gàu càng giàu; cay cực nhất là ngứa, càng gãi càng thất ngứa và gàu bay lả tả như bụi phần rơi trên bục giảng của tuổi học trò.

Không biết Thất đã nói với Tơ những gì mà nó xin phép tôi được ra ngoài xe cùng Thất. Tôi dí một tay lên trán nó và nói nhỏ vào bên tai như một lời nhắc khéo:

- Liệu chừng! Nó mà ngoáy...

Tơ cười, dặn lại tôi là chia đều bồ kết cho chín chị em trong tiểu đội; Dẫu sao cũng là quả của "cây nhà lá vườn''... Rồi, Tơ ra xe và chẳng biết hú hí với nhau điều gì mà sau giờ ăn cơm mới về. Mới chui vô hang đã đập tay lên người chị Hiển lúc này đã rúc vô chăn ấm:

- Còn cơm không chị? Em đói quá...

- Còn! Chị Hiển trả lời nhưng vẫn hỏi: Hắn không cho mi ăn chi à?

Cái Qúyt dường như nào cũng lăm le tuyên chiến với Tơ:

Có gì mà ăn? Trên răng, dưới rốn... cho củ khoai sượng ấy à?

Tơ chui sang ngách bếp xúc cơm và thức ăn vào chiếc tô canh rồi chòm hỏm ngồi ăn; vừa ăn vừa nhìn ra ngoài trời, phía ấy xe Thất vừa chuyển bánh. Ăn xong, Tơ len lén nằm xuống bên cạnh tôi: Nó quờ chân sang tìm hơi ấm.

Chân nó lạnh như tiền, khiến tôi phải co chân lại. Tơ thì thầm vào tai tôi: Đã lắm chị ơi! Đã lắm...

- Đã cái chi? Tôi chưa kịp hiểu nên vội hỏi.

Đã lắm! Tơ nhắc lại và co người lại như con tôm: Trời ơi!... Đã ... chi lạ!

Tôi thổi vào tai nó, giọng sắc lạnh:

- Mày cho nó ngoáy chứ gì?

Con người Tơ như run lên:

- Em cũng không biết nữa... Lúc đó, chị ơi? Đúng là ma dắt lối, qũy đưa đường...

Tôi nói trong những lời rất khó nói:

- Mày liệu chừng đấy ! Bụng mà to thì vác cái mặt mo mà về làng, con ạ...

Tơ chối đây đẩy:

- Không đâu? Không đâu...

- Sao mày biết?

- Anh ấy hứa danh dự mà?

Trời đất ơi! Tôi thầm kêu lên. Lời hứa lúc đó là nước chảy đầu vịt. Là vô nghĩa, là bằng không. Lúc đó, Thất có bảo: Đốt nhà nghe Tơ thì nó cũng chỉ biết gật đầu... Tôi đã từng nghe lái xe tập ca vọng cổ "Em ơi em! Em có thương anh thì về đào cái mã bố em lên. Tìm đủ cho anh ba mươi sáu cái xương sườn ... " eo ôi, nghe mà ớn lạnh mà chết khiếp !

Mất tháng liền kề, Thất vẫn ghé tiểu đội, khi có dịp giao hàng vào tuyến trong. Thất vẫn có quà cho tiểu đội như để lấy lòng cho các cuộc hội ngộ của hai trái tim. Điều rất dễ nhận ra với tôi là khi không thấy Tơ phơi cờ trắng ở tháng đầu tiên; Tôi lập tức nói với nó: Mày tắt đèn rồi hả? Đừng để tiểu đội dị nghị thì cứ phơi băng vệ sinh như mọi lần nghe chưa?

Làm sao bây giờ chị Bần? Tơ lo lắng hỏi.

- Ngu thì chịu lấy, ai chịu thay được cho mày! Tôi riết róng trong từng câu chữ và nói: Để tao tính coi... Tôi lại nói: Mày bàn với thằng Thất nghe !

Nói vậy nhưng tôi vẫn không biết nên trách gì? Nhì nhà, nhì nhằng đã tới tháng thứ ba, sang tháng thứ tư mà không sao giải quyết được cái thai trong bụng Tơ đang lớn nhanh như thổi. Tơ lại rối lòng vì đột nhiên Thất vắng bặt. Mặc dù thỉnh thoảng, Tơ nhận được thư của Thất qua các lái xe đồng đội của anh. Thất cho biết là xe của anh đang biệt phái ở một tuyến đường, Phía bắc huyện Vĩnh Linh và là phía Nam của Quảng Bình. Nơi đó, bom đạn không lúc nào dứt ! á c liệt và khốc liệt, sống chết khôn lường. Thất dặn Tơ ráng chịu, xong chiến dịch hai đứa xin nghỉ phép về quê để tổ chức lễ cưới cho đàng hoàng...

Đã đến lúc trong tiểu đội thực sự ái ngại cho hoàn cảnh của Tơ. Mặc dù Tơ đã cắt hắn một chiếc quần để lấy vải buộc bụng nhưng vẫn không sao giấu được trước ánh mắt của những người cùng giới. Đã có lần cái Quýt không chút e dè, oang oang nói:

- Mày cứ báo lên "xê '' là tôi đã có thai, sợ gì Đàn bà ai không chửa... Xin "xê '' cho được về quê nghỉ đẻ. Về quê cứ nói là đã cưới ở đơn vị, về đơn vị thì nói là cưới ở quê..

Chị Hiển chêm vô chuyện:

Họ hỏi giấy đăng ký kết hôn thì mần răng?

- Họ hỏi giấy đăng ký kết hôn thì mầm răng?

- Êm, Quýt nói: giấy đăng ký kết hôn bỏ trong ba lô bị bọ đánh cháy; bị nước cuốn trôi trong khi làm nhiệm vụ... Khối cách nói.

Quýt đã từng giật xẻng từ tay Tơ trao sang cho chị Hiển. Nhìn tôi, Quýt nói:

- Tao mà A trưởng như chị Bần, cho mày, nấu bếp... Đã đến lúc ruồi đậu  trên mép không thèm đuổi thì chống trả chi nói với lũ giặc trời. Chạy trốn còn không kịp nữa là...

Câu nói của Quýt được chị em trong tiểu đội đồng tình. Và, tôi cũng đã đồng tình với ý kiến đó. Tơ được đưa về nấu bếp; Thi thoảng ra ''xê '' lấy hàng xã có chị Hiển lo. Lúc Tơ không chịu nhưng rồi bản bản thân nó cũng nhận ra điều đó nên phải chấp hành. Nó phụng phịu nói lẩy :

Cơm tôi nấu ''trên sống dưới khê, tứ bề nhão nhoét'' thì đừng trách đấy nhé !

Không được ra hiện trường, nó mang nặng ưu tư mặc cảm. Và, bất cứ lúc nào trong tiểu đội cũng có tiếng ong, tiếng ve khiến cho Tơ càng thêm lo nghĩ và buồn. Cái Quýt vẫn to giọng:

- Tưởng về địa phương mà dễ à? Không được nhập hộ khẩu thì không được vào hợp tác, không có tem phiếu, chế độ gì tất ! Bị hắt hủi đủ điều

Cái Bích thì nói ào ào:

- Tao ấy à, bồng con ra luôn thành phố kiếm việc làm, về quê chỉ ê cái mặt!

Cái Đào không nhất trí:

- Cứ về với mẹ ! No đói có mẹ có con, lo gì ?

Tôi phải ra giọng kẽ cả mắng át cho chúng nó im miệng lại:

- Này, chúng mày lo việc mình đi ! Việc cái Tơ tao báo cáo lên trên rồi ? Tôi khuyến cáo: - Bay bắt đầu nhẫn tâm rồi đấy !

Quýt như muốn chồm lên:

- Trên giải quyết ra răng, chị?

- Thì cho nghỉ đẻ. Tôi trả lời chắc chắn.

- Dễ rứa à ? Khi mô thì nghỉ? Vẫn cái Quýt.

- Tùy hắn...

Cái Bích nhìn mọi người rồi kêu lên

- Rứa thì chúng mình cũng nghỉ đẻ... tụi bay  !

Những lúc đó trông Tơ thật tội nghiệp, nó không hề hé răng nói ra một lời nào? Nó nghe mà như không nghe, trùm chăn kín đầu nằm im thin thít cho nước mắt chảy ra; Hoặc nó cầm rỗ vào rừng hái rau cho vơi bớt nỗi buồn... Có khi ra tới rừng, nó ngồi một chỗ vắng, đơn lẻ và cô quạnh... Tơ nghĩ về Thất, nghĩ tới con và sau nữa là nghĩ về mình. Tơ sờ tay lên bụng và bên tai vẳng lại tiếng khóc con trẻ giữa rừng già. Không phải, hình như tiếng gọi con của bầy khỉ ở trên lèn đá cao vời vợi... Tơ ngước mắt nhìn lên, bầu trời vẫn cao xanh lồng lộng mà sao Tơ thấy như đang nghẹt thở, chóng mặt và buồn nôn. Tơ đi ra phía bờ suối, nơi đó có một doi cát hình cánh cung màu vàng nhạt, ở giữa doi cát có một hòn đá càng nhìn càng giống hình hài của một thiếu phụ. Tơ bước chân tới đó và ngồi lặng im dưới tượng đài người thiếu phụ ấy, một lúc lâu Tơ cố nhìn thêm lần nữa và có cảm giác người thiếu phụ đang mang thai. Cũng như Tơ, người ấy có gương mặt thật buồn... Tơ cũng đang buồn, man mác buồn! Mà tệ, buồn lại nhớ về dĩ vãng như là nhớ lại chuyện xưa. Chuyện ở quê Tơ: có người con gái chửa hoang, sáng nào cũng lên động cát để nhảv xuống triền khe sâu như vực thẳm, cô ta nhảy mãi,nãy mãi cho đến lúc bào thai phải văng ra...

Không nghĩ ngợi gì hơn, Tơ lẵng lặng tháo tấm vải buộc quanh bụng mình, cởi bỏ quần áo ngoài rồi trèo lên chóp đá và nhảy... Tơ nhảy đến vài lần mệt bở hơi tai mà đứa trẻ trong bụng vẫn lì lợm không chịu buông tha trái tim người mẹ. Tơ gắng bò lên mõm đá và... Và, Tơ đã thấy tôi đang đứng ngây ra nhìn nó. Tôi tìm nó chỉ vì đã quá giờ thổi cơm, bếp lạnh ngất mà nó thì biệt vô âm tín...

- Đừng dại dột con khỉ ạ ? Tôi nói, kèm theo nụ cười giễu cợt: - Lúc còn tháng không nhảy nay bảy tháng rồi thì nhảy làm gì? Vô ích ! Mai kia sinh con bị dị dạng, dị tật lại ngồi khóc hu hu...

Tơ níu tay từng phiến đá để xuống bên tôi:

- Chị ơi ? Em khổ lắm!...

- Khổ thì đã khổ rồi. Tôi nói như lời răn của chúa: - em phải vượt qua, đừng làm dại...

- Chị ơi !

Tôi cắt lời Tơ:

- Trên ''xê '' cho em nghỉ sinh: Lúc nào nghỉ tùy em lựa chọn...

- Cảm ơn chị ! Tơ nói: đầu tháng tám, em sẽ xin về...

Đã sang đầu tháng Tám mà Tơ vẫn chưa về bởi dạo này, ngầm Cà rang bị bom đánh liên tục. Cái Bích, cái Quýt - ừ, cái Quýt, bị hy sinh. Tiểu đội còn lại bảy người, xin ''xê '' chi viện nhưng không thấy có người về. Tôi mấy lần giục Tơ nhưng nó cứ nấn ná cho ở lại thêm vài ngày nữa. Tôi chì chiết nó:

- Liệu đó ! Đẻ non thì biết mần răng hả?

Cho tới hôm đó... Truởc khi đi làm, - thấy Tơ vẫn chần chừ bên cạnh, tôi liền hỏi:

- Có chuyện gì.. phải không ?

Tơ khẽ nói:

Chị còn bồ kết cho em ít quả...

Tôi ngạc nhiên hỏi:

Mày hết rồi à?

Tóc em độ này tốn bồ kết lắm ! Không gội, không sao ngủ được. Ngứa ơi là ngứa !...

Tôi còn một ít, chia đôi cho Tơ một nửa. Tôi biết, đàn bà có thai, không có bồ kết mái tóc như một nhà tù... Tơ nhét mấy quả bồ kết tôi cho vào trong túi áo trước ngực, cẩn thận cài khuy lại.

Để kịp thời thông xe, thông đường tôi bảo chị Hiển về hang đá phụ giúp Tơ đưa cơm nước ra hiện trường; Thực hiện khẩu hiệu: Ăn tại chỗ, làm tại nơi, ngủ tại hiện trường. Cơm nước được đưa ra, cả tiểu đội miếng nhai, miếng nuốt, cố trả lại bình yên cho cái dạ dày thì đùng đùng bọn giặc lái Mỹ xông tới tấn công. Ba thằng F4H khoác bộ đồ màu đen, đôi cánh diều hâu sau một vòng lượn giả bộ như '' xem ló ngó đồng '' rồi thình lình nhào xuống ở vòng lượn thứ hai. Tôi kêu xé lên khủng khiếp:

- Chúng đạp bom !.. Bom...

Chị em trong tiểu đội nháo nhác như vịt chạy đồng; Người chạy nhanh tới chỗ cống ngầm: Người lăn xuống rãnh nước; Người thì án binh bất động... Riêng Tơ lúc này vẫn đang lúng túng trước mâm cơm đang ăn dở.

Bom nổ ! Không phải bom tấn, bom tạ, bom khoan mà là loại bom thông thường bậc nhất nước Mỹ: Bom bi. Loại bom có sức công phá không lớn nhưng sát thương ở trên diện rộng. ánh chớp chạy theo tiếng nổ, kéo dài như một tràng pháo trên suốt cung đường. Khi vừa dứt tiếng bom, từ chỗ trú ẩn mọi người lao nhanh về phía Tơ... Chúng tôi bàng hoàng khi thấy Tơ nằm nghiêng bên mâm cơm, khoé miệng rỉ máu. Tôi choàng tới, xốc Tơ lên và chợt thấy hai bàn tay của mình lầy nhầy như vấp phải một thứ keo sền sệt. Tôi rút tay ra, trời ơi? Máu... Trên trán Tơ một lỗ thủng xuyên suốt ra đằng sau gáy Tôi bỗng run lên khi thấy ba chiếc cúc áo dưới cùng của Tơ và dãi vải buộc bụng như có một bàn tay vô hình cỡi bỏ nó ra và phóng sinh cho nó giải cứu chút sinh linh bé bỏng... chút sinh linh ấy lúc này vẫn đang cựa quậy, đang giẫm đạp, đang khao khát sống trong cơn tuyệt vọng. Tôi vội vàng kêu lên với sự đau đớn khôn cùng:

Cứu lấy đứa bé, chúng mày ơi ! Cứu...

Con dao nhỏ từ nhà bếp mang theo được truyền tay nhau nhưng không ai nỡ tay rạch một con đường sống trên bụng người đã chết? Tôi đã cầm lấy con dao nhưng lại ngước mắt nhìn sang phía chị Hiển ''đồ tể'' của tiểu đội

- Chị Hiển . ... giọng tôi méo xệch, tràn ngập hy vọng.

Chị Hiển cầm lấy con dao và hai tay chắp lên trước ngực. Chị khấn nguyện giữa những dòng nước mắt rơi lã chả. Chúng tôi nhắm mắt lại và chờ... chờ cho đến lúc có tiếng khóc con trẻ bật ra. Một cháu gái ra đời?...

Buổi chiều hôm đó, thật ảm đạm. Không đợi trên ''xê '' xuống, chúng tôi làm lễ mai táng cho Tơ. Cô gái không nằm trong quan tài mà được bọc trong lớp chăn mềm, Tơ vẫn đắp mỗi khi sương giá Thêm vài bộ quần áo và một chiếc bát ăn cơm, đó là hành trang của Tơ mang theo vào cõi vĩnh hằng. Trong hành trang ấy, tôi nhớ có thêm mấy quả bồ kết tôi cho, nhưng Tơ chưa kịp gội đầu...

Ba mươi năm đã qua, câu chuyện giữa rừng Trường Sơn ngày ấy như một bài ca không quên, ngân lên trong tôi mỗi khi nhớ lại. Tôi đã qua tuổi năm mươi, lưng chưa còng nhưng tóc đã bạc. Tôi không được khoe mỗi ngày niềm ước mong trở lại hang đá, thắp cho Tơ nén hương càng xa dần... Đôi lúc tôi tự mở ra cho mình một con đường đầy hứa hẹn là đứa con gái của Tơ đột ngột tìm tôi: Tìm lại chân dung mẹ nó...

Người xưa nói: cầu được ước thấy ! Tôi đã được thấy một đôi vợ chồng ngồi trên chiếc xe con sang trọng tìm đến nhà tôi. Cô gái có khuôn mặt phúc hậu, ngời sáng khiến cho tôi phải hỏi luôn:

- Cháu là Tằm, con Tơ phải không?

Sao? Sao dì biết con?..

Tôi mắng yêu mà trong lòng run lên vì nghi hoặc

- Cái mặt mẹ mày, dì quên sao được?

Tằm chìa cho tôi xem tờ giấy cũ, đã ố vàng. Tôi nhận ra chữ viết của mình  Gửi đồng chí "xê'' trưởng - Tiểu đội đặt tên cho cháu là Trần Thị Tằm con của Nguyễn Thị Tơ và Trần Tâm Thất. Mong được gửi cháu ra bắc nuôi dưỡng. Tôi, Nguyễn Thị Bần - Xóm Trầu, xã Quảng Bá...

Giọng run run tôi hỏi:

- Bố cháu...

Tằm lấy khăn dụi lên khoé mắt

- Bố cháu cũng hy sinh trong dịp đó, dì ạ !

Tằm cho tôi hay số phận cháu cũng long đong lắm và như một viên bi cứ lăn từ trại trẻ mồ côi này sang trại trẻ mồ côi khác cho tới lúc học hết cấp ba rồi vào đại học; học thêm cao học, ra nước ngoài tu nghiệp lấy bằng tiến sĩ và mới cưới chồng năm ngoái. Hiện hai vợ chồng công tác ở viện ngôn ngữ học, chồng cô đã là phó giáo sư, tiến sĩ khoa học.

Theo nguyện vọng của Tằm, tôi đã dẫn đường cho hai vợ chồng cô trở lại hang đá nằm bên cầu Cà rang, cạnh đường Trường Sơn mới mở. Nhưng rồi tôi bị lạc lối, suốt một buổi sáng không tìm thấy mộ Tơ đâu cả. Ngọn đồi xưa giờ đây cây cối mọc um tùm, có những gốc cây đã là cổ thụ. Chúng tôi tự mở đường mà đi. Tôi nhớ là mộ Tơ cách hang đá không xa lắm, thế mà càng đi càng thấy lu mờ... Loanh quanh mãi, chúng tôi đành nghỉ lại dưới một gốc cây, có tán rộng là có một phiến đá bằng phẳng như mặt bàn cờ. Tôi bảo Tằm lấy mấy lờ báo trải lên đó, dọn đồ cúng mang theo và thắp mấy nén hương. Tôi chắp tay vái rằng: ''Tơ ơi! Vong linh em sống khôn chết thiêng phù hộ cho con gái em là Trần Thị Tằm, con rể em là Ngô Phúc Kế và chị, tìm được mộ để đưa em về...''

Lời khấn vừa dứt thì có một trận gió xô tới như là một trận cuồng phong và mau chóng lướt qua; Trên tán cây, có một con chim kêu vài tiếng nghe lạ tai rồi vỗ cánh bay đi... Một chiếc lá màu nâu rơi xuống trên bàn cúng. Tôi cầm lấy rồi đưa mắt nhìn lên. Trong tay tôi là một quả bồ kết đã khô giòn? Tôi kêu lên ngỡ ngang.

- Tằm ơi ! mộ mẹ con đây rồi !

- Đâu ? Đâu dì ơi ?

Tôi chỉ vào dưới gốc cây bồ kết, giọng quả quyết khi nhìn thấy trên cây những chùm quả đã ngã màu

- Đây rồi !

Và - tôi đã  kể cho Tằm nghe, Trường Sơn sáng hôm ấy... Sáng hôm ấy, để có hương bồ kết thơm mãi tới bây giờ và còn thơm mãi tới mai sau...

 

Trại sáng tác văn học Vũng Tàu tháng l0 - 2007.

Đ.D.T

 

Đinh Duy Tư
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 160 tháng 01/2008

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/05

25° - 27°

Mưa

05/05

24° - 26°

Mưa

06/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground