Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 02/07/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hút bóng người xưa

N

ăm ấy chiến tranh leo thang. Người tránh bom đạn dồn về thành phố ngày một nhiều, chỗ ở rất khó tìm và đắt đỏ, nên mẹ tôi chỉ đủ tiền thuê một căn nhà nhỏ ở ngoại ô. Căn nhà rất bé, chỉ có một phòng và chái bếp phía sau. Vì chỉ một phòng nên ban ngày nó là nơi tiếp khách, chỗ chơi nhởi của tôi và tối đến, ngả tấm nệm ra lại trở thành phòng ngủ của hai mẹ con. Những đêm mẹ đưa khách về nhà thì tôi ngủ trên chiệc nệm nhỏ nơi góc phòng, ngăn bởi một tấm ri-đô. Nhà tuy bé, tuềnh toàng, nhưng bù lại cửa, rào đều rất chắc chắn. Chắc chắn đến nỗi đứa con trai mười tuổi như tôi những hôm mẹ đi làm khóa cửa và cổng lại, tôi chỉ còn biết… quanh quẩn trong nhà, dù bên kia đường nơi triền sông, tụi nhỏ trạc tuổi tôi í ới, reo hò với bao nhiêu là trò chơi hấp dẫn.

Mẹ tôi khá đẹp! Đây không phải là nhận xét của riêng tôi, mà nhiều người đàn ông qua đêm ở nhà, nghe cũng khen mẹ tôi như thế. Tất nhiên đó là một sắc đẹp chắc đã về chiều. Tôi biết vậy vì lắm hôm thấy mẹ soi gương, thường vuốt xoa những chỗ nhăn nơi đuôi mắt và lại nén tiếng thở dài với vẻ mặt trong ít nhiều buồn bã. Mẹ tôi hát cổ nhạc, tân nhạc gì cũng hay. Nhớ những ngày còn bé mỗi khi mẹ muốn đi làm, chỉ cần người hát ru vài bài là mí mắt tôi không tài nào mở lên nổi. Tôi không có cha, và dường như mẹ tôi cũng chẳng rõ lắm về khoản này. Mà thật tình tôi chẳng cần điều đó. Tôi lớn lên trong vòng tay yêu thương, nuôi nấng của mẹ, thế là quá đủ. Thi thoảng cũng có những ông thậm chí người nước ngoài, đêm về cùng mẹ xưng “Ba” với tôi. Họ cũng cho quà bánh và đối xử ngọt ngào cùng tôi y như là…. ba thật! Nhưng những buổi tối tuyệt vời ấy cũng nhanh chóng qua đi, khi sáng hôm sau mình tôi trở dậy với ánh nắng dọi lỗ chỗ trứng gà quanh nơi tôi nằm và cửa, cổng đều khóa ngoài. Lâu dần tôi thành quen với nhũng người “ba” thoạt đến, thoạt đi và mỗi lúc đêm về như thế. Những người “Ba” ấy khi đến, tôi thật sự mừng vui và ra đi lúc mình còn say ngủ tôi cũng chẳng buồn. Chỉ băn khoăn mỗi có một điều là khi ra đi như vây, họ - những người ba đó – có hôn mình lúc còn đang ngủ hay không? Mẹ quả quyết rằng có nhưng tôi thì chưa bao giờ được dịp kiểm nghiệm lại điều này, bởi thói quen hay ngủ dậy rất chi là muộn của mình.

Tôi ngủ dậy muộn là thói quen từ mẹ. Mẹ tôi làm ở nhà hàng hay sờ-nách-ba gì đấy. Đi làm khá trưa nên thường dậy rất muộn. Sau khi dậy lo trước bữa ăn sớm và tối cho tôi, mẹ đi làm và thường về vào lúc quá nửa đêm. Dù dạo này đi làm có sớm hơn, nhưng mắt tôi vẫn ngủ quen theo nếp cũ.

                                                                 * * *

Cứ nhốt tôi một ở nhà như vậy mãi, ngày này sang tháng khác để đi làm, biết tôi buồn nên một hôm mẹ về sớm hơn thường lệ. Lần này có đưa theo một người con gái, cũng trạc tuổi tôi. Tôi thật ngạc nhiên. Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi thấy nhà mình có đón loại khách này. Cô gái khá dễ thương, tóc cột hai bím, có đôi mắt to đen nhìn vào e còn buồn hơn cả mắt mẹ tôi. Sau khi rửa ráy qua loa sau chái bếp, mẹ dắt tay cô gái đến trước mặt tôi.

- Kha, đây là Tần, con của bạn thân mẹ. Mẹ nó vừa mới qua đời, hiện tứ cố vô thân. Từ nay mẹ là mẹ của nó. Nó mười hai, lớn hơn con hai tuổi. Từ giờ trở đi, hai đứa là chị em, nghe chưa?

Chị Tần bấy giờ nước mắt lưng tròng, bíu lấy gấu áo mẹ. Mẹ gỡ tay chị ra và đẩy đến trước mặt tôi:

- Con chào chị Tần đi, Kha!

Tôi li nhí chào chị trong ngỡ ngàng:

- Em… chào… chị.

Sau đó là cơm tối. Mẹ đem về toàn thức ăn của nhà hàng. Món thì ít quá, món lại rất nhiều, có những món trộn lẫn lộn vào nhau. Nhưng đặc biệt là tất cả đều rất ngon. Có chị, nỗi vui mừng từ nay không phải ở nhà một mình khi mẹ đi làm khiến tôi ăn rất ngon miệng. Còn Tần không biết có phải vì lạ chỗ hay không mà cứ ăn nhỏ nhẹ như mèo. Mẹ tôi phải luôn gắp thức ăn cho và giục mãi …

Đêm ấy, tôi ngủ với chị Tần.

Sáng hôm sau như thường lệ, tôi thức dậy vào lúc bóng nắng đã xếp trứng gà quanh chỗ nằm. Sực nhớ đến sự việc tối qua, tôi vội tung chăn ngồi dậy. Phía sau có tiếng động lách cách. Tôi vội chạy ra chái bếp. Hóa ra chị Tần đã dậy từ lúc nào và đang rửa chén bát. Thấy tôi chị hất đuôi tóc vàng hoe qua bên vai và nhìn lên, cười:

- Răng mà Kha dậy… sớm rứa?

Gần như là đầu tiên trong đời, tôi thức dậy mà có người với mình, nên vội sà xuống bên chị:

- Chị… chị Tần ở lại nhà em… thiệt hả?

Chị Tần cười rất buồn, cúi xuống nói nhỏ:

- Ừ, chớ Tần chứ còn biết… ở mô nữa?

Với nỗi mừng từ nay có bạn khiến tôi ôm chầm lấy tay chị, lắc lắc:

- A… hay quá! Chị sẽ ở nhà em mãi mãi, nghen chị Tần?

Chị Tần mím môi ra chiều suy nghĩ, đoạn gật đầu:

- Ừ, chỉ sợ mẹ và Kha không đủ cơm cho chị ăn thôi.

- Thì… lấy ở nhà hàng, chỗ mẹ em làm đó – Tôi sốt sắng.

Chị Tần cười, gỡ tay tôi ra khỏi người và bảo:

- Thôi, Kha lại đánh răng, rửa mặt đi nờ.

Sau đó, chị Tần dọn bữa sáng hai chị em cùng ăn. Trong chị làm cứ tự nhiên như ở đây lâu lắm rồi và khéo léo cũng không thua mẹ tôi là mấy.

- Mẹ chị trước có làm cùng chỗ không mà quen với mẹ em, hả chị Tần? Tôi hỏi chị trong bữa cơm?

Câu hỏi vô tình của tôi khiến chị Tần bỗng ngừng đũa, rưng rưng nước mắt. Tôi hối hận quá. Bữa cơm với thức ăn đủ thứ của nhà hàng tối quá ngon bao nhiêu giờ bỗng lại… đắng nghét bấy nhiêu!

Rồi tôi mang ra khoe với chị Tần số đồ chơi ít ỏi mà tôi có được. Những đồ chơi do các “ba” trong nhiều đêm mẹ đưa về, có người đã tặng tôi. Chị Tần cho biết chị cũng có nhiều đồ chơi như thế., nhưng qua mấy lần chuyễn chỗ ở và cái chết bất thần của mẹ thành ra thất lạc cả.

Từ khi có chị Tần, những hôm mẹ vắng nhà tôi không còn cô độc một mình sau song cửa, dán mắt ra đường đếm người đi, xe lại hoặc dõi theo qua bên kia triền sông, xem tụi nhỏ chơi trận giả hay thả diều như trước nữa. Tôi và chị Tần chơi đồ hàng, đánh ô ăn quan, nhảy dây, thậm chí cả… bắn bi nữa. Chị Tần biết và dạy cho tôi nhiều thứ trò chơi lắm. Môn nào chị chơi cũng rất hay. Nhưng trò chơi gì lặp đi lặp lại mãi, lâu dần rồi cũng chán. Một hôm, sau khi chơi chán chê những trò cưới xin, cô dâu chú rể… xong, chị bỗng bảo tôi:

- Chừ mình chơi trò… diễn kịch đi, Kha hè?

- Kịch gì?

- Mình diễn vở “tìm chồng trong động rắn”, nghe?

Tôi mù tịt.

- Em đâu biết “tìm chồng động rắn” là sao?

Theo lời chị: Ngày xửa ngày xưa, có đôi vợ chồng trẻ rất yêu nhau, song cứ nghèo mãi, làm không đủ ăn. Một hôm người vợ không biết nghe ai xui, bảo chồng đi vào động rắn, tìm lấy cho được viên ngọc của con hổ mang chúa về thì sẽ giàu to. Yêu vợ, người chồng nghe lời lên đường, tìm vào hang động rắn. Vượt không biết bao nhiêu nguy hiểm, rắn rếch, cuối cùng người chồng cũng tìm lấy được viên ngọc hổ mang. Để an toàn khi đem về, anh nuốt viên ngọc kia vào bụng. Nhưng không ngờ khi nuốt vào anh lập tức biến thành rắn. Với hình hài đó, người chồng không dám về gặp vợ, đành lẩn lút sống cùng những rắn khác trong hang động. Người vợ ở nhà mòn mỏi chờ chồng tháng này qua năm khác. Cuối cùng được thần núi thương tình báo mộng, chị vật vã khóc than và khăn gói lên đường tìm chồng… Nội dung là vậy nhưng tôi và chị chỉ diễn ở đoạn người vợ lên đường tìm chồng trong động rắn thôi, vì chị chỉ còn nhớ diễn đọc có mỗi đoạn này.

- Rồi… ai làm chồng, hở chị Tần?

- Chỉ hai người thì Kha chớ mô nữa. Còn vợ để Tần, vì Tần thuộc mấy bài ni.

Đoạn chi bắt tôi choàng tấm đắp con Công và ngồi trên chiếc ghế, hai tay chồm khum đưa lên khỏi đầu giả làm rắn phồng mang. Chốc chốc lại nhăn miệng “khè… khò” theo mỗi câu hát của chị. Còn chị Tần lấy vải trải nệm làm xà-rông khoác lên người và vừa uốn lượn múa quanh tôi vừa cất cao giọng hát:

Ồ… Bà lý… Ô lá ba nì… giàu sang để mà chi…?

Chàng thành rắn (ư…) hay chăng, mà ánh nhìn (ư…mà) đăm đăm?

Nếu chàng (còn … mà) nghĩ tình vợ chồng, xin tha thứ thiếp (ư… mà) một lần.

Ồ… Bà lí, ô lá ba nang… chàng thành rắn hổ mang

Thiếp lên đường tìm chàng. Người sao nỡ (ôi…) Quên đường về!

Viên ngọc khiến thiếp chàng, cách trở tình vợ chồng…

Ồ bà lí… ô lá ba nì

Sau mỗi điệu múa, câu hát của chị xoay quanh, tôi phải hướng người theo, chốc chốc lại phùng má khò khè, rồi dần dần gục gặt đầu làm như rắn đã thấu hiểu nỗi lòng của vợ mình. Sau nhiều vòng vừa nhảy vừa hát múa như thế, nhận đúng con rắn này là chồng mình, chị đến áp miệng vào miệng tôi để hút viên ngọc ra. Còn tôi lúc ấy phải ôm quấn lấy người chị để tỏ ra sự tha thứ, thương yêu của rắn chồng lâu ngày gặp vợ. Viên ngọc rắn ở đây là cái kẹo chị khéo léo bỏ nhanh vào mồm tôi, lúc quấn chị, để rồi sau đó chị lại hút ra, hai đứa căn chia đôi cùng mút khi vỡ kịch chấm dứt.

Vở kịch “tìm chồng trong động rắn” này hình như chị chơi ở đâu khá nhiều lần nên trong rất chi là điệu nghệ, hai cánh tay cong lên lượn xuống nhịp nhàng với những cái lắc vai, lắc hông hệt như vũ nữ thứ thiệt. Và chị thì cũng rất hay, giọng nghe cứ véo von như thể tiếng của dân tộc nào nơi đền thiêng cổ kính tận đẩu tận đâu. Riêng vai chồng như tôi, chỉ việc xoay người khò khè quanh ghế nghe hát, xem múa một lúc là được chị bỏ viên kẹo vào mồm nên rất thích chơi trò diễn vở này.

Một đêm tháng Chạp trăng sáng và rất lạnh, sau khi vở kịch chấm dứt, tôi vừa mút kẹo vừa hỏi:

- Ai bày chị vở này mà múa hát hay vậy, hở chị Tần?

Chị Tần vừa chùi phấn mài từ cục gạch trang điểm trên mặt, vừa nói:

- Ai mô nớ, mẹ chị đó.

Tôi ngây ngô:

- Vậy hồi mẹ chị hát, ba chị làm chồng như… Kha không?

Nghe tôi hỏi vậy, chị Tần cụp xuống đôi mắt rợp mi đen buồn:

- Ba? Chị nỏ rõ mô!

Và rồi chị cho biết mẹ chị quê ở tận ngoài Huế, sau một trận bom thả xuống làng, hai mẹ con lưu lạc vào đây, để cuối cùng rồi… Kết thúc chuyện, chị chép miệng buồn và nói như người lớn:

- Rứa cũng tại… chiến tranh đọ, Kha nì!

Tôi thì chằng hiểu chiến tranh là mô tê gì. Ngoài việc chắc cũng giống như mấy đứa bên triền sông trước nhà chơi trận giả, có điều của người lớn thì phải to hơn nhiều. bằng chứng là có những đêm mẹ chưa về, tôi và chị Tần nép bên song cửa, dõi nhìn những ánh đèn hỏa châu như con mắt của thần chết rơi ngoằn nghoèo tít tắp bên kia sông và vô vàn tiếng súng từ xa ầm oàng vọng vô. Mỗi lần nghe thế, tôi bíu lấy chị Tần và chị cũng ôm chầm lấy tôi sợ hãi, thầm thì: “Chiến tranh đọ, Kha nì!”. Có nhiều khuya tôi bỗng dưng thức giấc bởi những tiếng nổ chát chúa, tiếng chân người chạy rầm rập… và rồi lại thiếp đi trong vòng tay vỗ về, ôm ấp của chị Tần cùng với câu thì thầm rất chi là hiểu biết: “Chiến tranh đọ, Kha nì!”.

Chiến tranh có lẽ ngày một lớn, một lan rộng hơn. Có nhiều hôm, con đường trước nhà tôi xe nhà binh chở lính tráng, súng ống chạy qua chạy về nghe rầm rầm. Rồi đêm thì cảnh sát rượt đuổi ai đó với những tràng súng nổ chát chúa và tiếng la thét, ngày lại mấy đám đưa ma đi trong những lời kêu hời, khóc than não nùng…

Do ảnh hưởng của chiến tranh nên dần dần tôi với chị Tần cũng thưa đi trò chơi “tìm chồng trong động rắn”, để gián mắt nhìn qua song cửa theo những sự kiện lạ lùng xảy ra bên ngoài ngày một nhiều hơn…

Một tối… mẹ tôi say khướt đưa về người lính Mỹ da đen như đít nồi, mang theo cả súng ống, cười nói líu la líu lồ. Ông ta chia cho tôi với chị Tần mỗi đứa hai lát kẹo cao su và xoa đầu chúng tôi. Mẹ tôi lè nhè giục tôi và chị:

- Ba con cho đó, cám ơn “Thanh kiêu” đi!

Khi vào tấm nệm sau ri-đô ở góc phòng, chị Tần giọng lo âu, thì thầm vào tai tôi:

- Chiến tranh đọ, Kha nì!

Lúc ấy tôi thật sự hoảng sợ khi đồng thời nghe tiếng huỳnh huỵch, huỳnh huỵch giữa mẹ tôi với ông “Thanh kiêu” vang lên bên kia tấm màn. Mẹ con tôi và chị Tần nào có làm gì nên tội, để bây giờ chiến tranh lại mò vô tới tận nhà vào lúc đêm hôm khuya khoắt như vầy?! Tôi toan vùng ra với mẹ nhưng chị Tần quấn chặt lấy tôi lại, để cho cơn buồn ngủ tha hồ xâm chiếm.

Đêm ấy tôi mơ thấy chiến tranh với vô số hỏa châu, đạn pháo đầy trời…

Năm đó dường như mùa đông đến sớm và lạnh hơn mọi lần. Mỗi khi ngày lên hay chiều xuống, bên kia triền sông sương muối dâng lên trắng xóa, lan qua cả mặt lộ tràn vào đầy nhà tôi. Thứ sương muối màu xám đục như khói, sờ thấy bay qua kén tay, tràn vào miệng mũi nghe vừa lạnh tanh vừa buốt khô đến tận trán. Trong nhiều mùa Đông tha phương, chắc đây là mùa Đônglạnh lẽo, khắc nghiệt nhất mà mẹ con tôi từng gặp.

Mùa đông ấy, những đêm lạnh không ngủ được, tôi với chị Tần thấy lần nào mẹ về cũng lướt khướt say. Có đêm về mẹ vừa lảo đảo ngồi bệt xuống nền nhà vừa lôi ra khoe tôi với chị Tần những cuộn đô-la nhàu nát, vo tròn mà cả hai chúng tôi chẳng biết giá trị ra sao. Chị Tần và tôi xúm vô vuốt thẳng và xếp chúng lại cùng mẹ. Cũng có đêm về, tuy ít say nhưng đôi mắt mẹ trũng buồn và nằm hát suốt đêm, những bài ca không đầu không cuối. Trong các bài hát ây, đôi lúc tôi cũng bắt gặp lại vài câu mà mẹ đã ru tôi từ khi còn bé lắm. Thường thì tôi hay ríu mắt ngủ đi trong vòng tay của chi Tần mỗi khi được nghe những lời ca ru cũ.

Thời gian này mẹ tôi thường đi sớm, về muộn hơn. Đêm nào người cũng về lúc tôi đã ngủ say và thường đi khi tôi chưa thức giấc. Tôi chỉ biết đêm chỉ có mẹ về qua lời kể lại của chị Tần. Mỗi đêm mẹ về dù khuya khoắt thế nào, cũng hay tha theo cho chúng tôi một thứ quà gì đấy. Khi mấy lát kẹo cao su, lần vài nắm hạt dưa, lúc lon đồ hộp Mỹ… có đêm tôi và chị Tần quyết tâm thức cùng chờ quà mẹ. Hai đứa ngồi sau song cửa lắng nghe tiếng chó sủa đêm vọng vào khi xa, lúc gần và thi nhau xem ai đoán trúng mẹ về. Tôi và chị Tần ngồi đoán gần như suốt đêm, nhưng cuối cùng rồi mẹ về lúc nào chẳng hay, chỉ thấy sáng ra hai đứa ngủ trên tấm nệm, còn… mẹ thì đã lại ra đi từ lúc nào rồi!

Sau Nô-en năm ấy, có những đêm nữa khuya tôi chợt thức giấc bới nhiều tràng ho không dứt của mẹ vọng vào. Khi biết không có “Ba” nào ngoài ấy, tôi vội bứt khỏi vòng tay của chị Tần, chạy sà ra với người. Thế là tôi lại được nhịp tha hồ vùi đầu vào ngực mẹ, tận hưởng “hương ti” của ngày xưa lẫn lộn giữa nồng nàn mùi rượu bia, son phấn. Và rồi qua giọng ru khàn khàn, đứt đoạn bởi cơn ho, tôi lại thiếp đi để về với trò chơi “tìm chồng trong động rắn” của chị Tần… bên những tiếng “khò khè”… như hư như thực.

Một chiều khi tôi và chị Tần đang dõi mắt qua song cửa đếm những cánh diều lượn bay trên bầu trời bên kia đường, thì bất chợt một chiếc xe to đùng chở toàn lính Mỹ đỗ kịt trước nhà. Họ thả xuống mẹ tôi, người lảo đảo vào với máu tuôn nhuộm đỏ dưới nửa thân!

Đêm ấy mẹ tôi qua đời sau khi thều thào tiếng được, tiếng mất với tôi và chị Tần “Mẹ… đi rồi…, hai con… ở lại mạnh… giỏi. Nhớ thương yêu… đùm bọc… lẫn nhau…!” Tôi sợ hãi nhìn mẹ và bíu chặt lấy chị Tần. Còn chị, hình như đã từng biết thế nào là biệt ly nên khóc gào lên thảm thiết!

Khoảng tuần, sau khi người ta đưa xác mẹ tôi đi, chủ nhà trọ dẫn một cặp vợ chồng lạ đến chỗ tôi và chị Tần. Hai người này qua cách ăn mặc và trang sức, có vẻ rất giàu có. Hai vợ chồng biếu tôi và chị Tần khá nhiều quà. Qua cung cách và câu chuyện giữa họ, tôi và chị Tần biết chủ trọ định… “Cho” hai đứa để vớt vát lại tiền nhà mà mẹ tôi còn thiếu trước lúc “ra đi”. Sau khi giới thiệu với hai đứa, đây là đôi vợ chồng ở tận làng chài miền duyên hải, họ trao đổi nhau gì đó, rồi cuối cùng bà giàu có nắm lấy tay, xoa đầu chị Tần, giọng ngọt ngào:

- Thôi vậy được rồi, ngày mai về ở với dì, nghen con!

Chị Tần nghe thấy vội ôm chặt lấy tôi.

- Thưa bà, còn… em Kha thì răng ạ?

- Dì… chỉ có khả năng… một đứa là gái mà thôi. Bà giàu có lắc đầu.

Chị Tần nước mắt lăn dài, chắp tay lại lạy van:

- Xin bà rủ lòng thương, nếu lấy thì lấy cả luôn hai đứa, cho tụi con sau nì khỏi… lạc nhau!

Nghe chị Tần van xin thế, đến lượt người chồng giàu có chậm rãi lắc đầu. Sau đó với làn cơm để lại, họ khóa cẩn thận cửa và cổng nhà, hẹn mai sẽ đến đưa chị Tần đi.

Đêm ấy biết là đêm cuối cùng còn được ở bên nhau, hai đứa nhất là tôi khóc đến sưng cả mắt mà không thiết ăn uống gì cả. Tôi đâu ngờ rằng đến một ngày nào đó, mình chẳng những mất mẹ mà cũng không được ở cả bên chị Tần. Rồi tôi còn biết sống ra sao và đi đâu, về đâu? Và cũng đêm cuối ấy tôi và chị Tần thức rất khuya, khuya hơn cả những đêm còn chờ mẹ đêm quà về. Chị tần hết khóc lại vuốt tóc tôi:

- Ri cũng là tại… chiến tranh đọ, Kha nì!

- Chiến tranh là gì? Tôi thù muôn thưở từ này và nuốt nước mắt hỏi chị Tần.

- Là… là dù thương yêu nhau như ri, dù… mẹ có trối trăng răng nữa, mình cũng… mô được ở gần nhau!

Trong vòng tay chị Tần, lần đầu tiên tôi nghe như có gì đó khang khác. Cuộc chia ly chợt thức tỉnh trong tôi cảm giác vừa được lại vừa được mất qua lần thịt da ấm nóng và mùi tóc trước khét nắng gió bỗng dưng rất đỗi nồng nàn của chị. Những điều mà trước đây ngủ cùng bao nhiêu lần tôi chưa hề cảm thấy. Nay trước viễn cảnh chia ly, sự nhận biết này càng khiến tôi không muốn rời chị một phút nào.

- Rồi… bao giờ khì Kha lại gặp được chị, hả chị Tần?

- Biết khi mô! Mình hẹn với Kha sau này lớn, dù ở bất cứ mô, đến gần tết như chừ, cũng tìm về nơi ni để chờ gặp nhau, Kha hí.

Nghe thế tôi khóc mùi:

- Cũng giống như… tìm nhau trong động rắn, phải không chị Tần?

Chị Tần buồn bã gật đầu. Bỗng lần đầu tiên từ khi sống với nhau không chơi trò diễn kịch, chị ôm hôn rôi. Cái hôn cuồng nhiệt, đầy nước mắt mà không có tí kẹo nào nên vừa nồng nàn vừa cay đắng. Rồi liền đó chị buồn bã, khe khẽ hát: … Ồ bà lí, ô lá ba nàng… Thiếp lên đường tìm chàng, người sao nỡ quên đường về?... Tiếng hát lại đưa dần tôi vào giấc ngủ. Ở đó, tôi mơ thấy mình đang lạc vào hang động đầy hùm beo, rắn rết với trên đầu là rằng rịt bao làn đạn đỏ lử vạch ngang xẻ dọc, cùng hỏa châu như những giọt lệ vẽ thành đường khói xám xịt ngoằn ngoèo in lên má trời đêm. Rồi sau cùng là mẹ tôi vơi thân thể đẫm máu đỏ lòe, lảo đảo rời khỏi chiếc xe đầy lính Mỹ…

Ánh sáng chói lòa, tôi thức dậy khi nắng mai vừa dọi vào mắt. Phải mất một lúc lâu tôi mới ra khỏi giấc mơ, và sực nhớ ra hôm nay là ngày đầu tiên tôi mất chị Tần. Tôi vội chạy ào ra nhà sau. Chái bếp, nơi chị ngồi rửa bát sáng đầu tiên đến nhà, giờ vắng tanh vắng ngắt! Người ta đã đến đưa chị đi lúc tôi còn đang ngủ, sau đêm cuối cùng hai đứa thức khuya cùng nhau.

Cổng, cửa nhà đã khóa lại. Với lồng bàn đậy cơm giữa nền nhà, tôi hiểu rằng sự ra đi của chị vẫn chưa đủ trả hết nợ tiền thuê mà mẹ tôi đã thiếu. Tôi vội chạy đến đu người vào song cửa, gào to lên. Hy vọng nếu chưa đi xa, chị Tần của tôi vẫn còn nghe thấy được:

- Chị… Tần! Chị… Tần ơi…!

                                                                 * * *

Sau đó ít lâu, tôi cũng được chủ phòng gán cho một người ở thành phố tít trên cao nguyên. Từ ấy đến nay gần ba mươi năm qua rồi, cuộc đời đã đưa tôi dạt trôi, dập bầm cùng khắp nhưng dù ở đâu, tôi cũng không quên được chị Tần. Nhất là mỗi năm vô tình gặp cái lạnh hanh se của tháng Chạp vào những lúc sớm lên, chiều xuống. Và năm nào cũng vậy, cứ gần tết, vào đúng ngày năm ấy, tôi đều tìm về lại chốn xưa. Tìm về để tưởng nhớ người mẹ không biết đã an nghỉ nơi nào và chờ gặp chị Tần, với những tiếng hát “Tìm chồng…” suốt bao nhiêu năm lúc nào trong tim tôi cũng mơ hồ, văng vẳng. Căn nhà cũ giờ đã biến dạng nhiều tầng, thay bao nhiêu chủ nhưng tôi chưa một lần gặp lại được chị Tần! Người tìm tôi trong động rắn thuở nào nay còn hay đã mất?

Bây giờ, tuy đã một đời lận đận vợ con, nhưng nhiều đêm tôi vẫn còn mơ thấy mình trở thành loài rắn. Và chị, với thân hình dẻo mềm uốn lượn quanh tôi, cất lên tiếng hát đầy tha thiết, yêu thương khi tìm chồng trong động rắn thuở nào:

Ồ bà lí… ố la ba nì… Giàu sang để mà chi?...

Chàng thành rắn (ư…) hay chăng, mà ánh nhìn (ư…mà) đăm đăm?

Nếu chàng (còn … mà) nghĩ tình vợ chồng, xin tha thứ thiếp (ư… mà) một lần.

Ồ… Bà lí, ô lá ba nang… chàng thành rắn hổ mang…

                                                                                                L.N.N

Lê Nguyên Ngữ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 78 tháng 03/2001

Mới nhất

Tạp chí Cửa Việt - 35 năm một chặng đường

28/06/2025 lúc 16:18

Ngày 28/5/2025, Tạp chí Cửa Việt tổ chức lễ kỷ niệm 35 năm tạp chí ra số đầu tiên và gặp mặt cộng tác viên năm 2025. Tại buổi lễ, Phó Tổng biên tập phụ trách Hồ Thanh Thọ đã có bài phát biểu khai mạc...

Vùng trời hoa sim

26/06/2025 lúc 23:29

Những triền sim tím đồi xaBềnh bồng nâng gót mùa qua lặng thầm

Hương xưa; Nắng sớm

26/06/2025 lúc 23:27

Hương xưa… Ta về tìm lại hương xưa

Giấc mơ đồng bằng; Về xanh trong gió thơm

26/06/2025 lúc 23:24

Giấc mơ đồng bằng Gọi em đêm qua tôi mơ

Ngủ giữa gió sông quê

26/06/2025 lúc 23:22

Hôm ấy gió sông thổi về lồng lộng. Lửa nương theo bàn tay của gió vồ lấy mái bếp, tỏa ngọn nghi ngút trên đống củi khô, tràn qua ô cửa vương tơ nhện và bụi mờ.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

03/07

25° - 27°

Mưa

04/07

24° - 26°

Mưa

05/07

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground