T |
hoát khỏi trụ sở ủy ban xã, ông chạy như tháo thân. Tai ông ù đặc sau một giờ tra xét của chính quyền. Chân nọ đá chân kia, ông tơi tả, xác xơ trong vẹo vọ. Mặt ông bầm dập, chân tay anh đầy vết cào cấu, sướt xát. Đã mấy lần ông vấp những tảng đá trồi lên mặt đường, ngã dúi dụi vào bụi tre, vào các rặng cúc tần hay ô rô. Con đường vốn quen thuộc là thế, sao ông có cảm giác như kẻ đui mù, không còn làm chủ được bản thân.
Ông vẫn mải miết bước trong lặng đau, vật vờ như cô hồn đói khát. Ông đi đâu thế này? Về nhà ư? Không! Không bao giờ. Mặt mũi nào ông trở lại đấy. Nỗi nhục này tím tái ruột gan, muôn đời vẫn còn váng vất một ám ảnh nhớp nhơ!
Đám trẻ con bu lấy anh. Chúng chòng ghẹo, rồi chọc que, ném đá tới tấp vào người ông. Với chúng, phút chốc ông trở thành thằng hủi, thằng điên đã làm náo động cuộc sống yên ả ở cái vùng quê nhỏ bé này. Chúng nhong nhong như đang phi ngựa gỗ. Thường ngày, đám trẻ này hễ gặp ông là khoanh tay lễ phép, một điều thưa hai điều gửi, mồm cứ dạ vâng rối rít, râm ran.
Dừng lại trước một quầy hàng xén, ông lẩy bẩy móc ra cả nắm tiền chẳng rõ là bao chỉ để mua cây bút bi, cái phong bì với tờ giấy trắng. Ông muốn viết cho thằng Hùng mấy chữ.
Bà chủ quán ném trả lại số tiền, vứt những thứ ông cần mua ra bàn rồi nhìn ông khinh bỉ. Ông gập mặt giấu vội hai hàng nước mắt, loạng choạng bước đi. Lưng ông rất buốt bởi những tiếng nguýt dài.
- Già rồi còn dê! Cái ngữ này đang hồi xuân! Đúng là quỹ hiện hình chứ chẳng còn giống người nữa!
Ông chết điếng lặng đi vài giây, ông vùng bỏ chạy, một mạch lao tới đường cái quan giữa trưa hè oi ả. Lúc này ông trời cũng như rượt đuổi, liên tiếp đổ lửa xuống đầu, phả ào ạt cái nắng lên người ông. Tóc tai ông bết đẫm bùn đất, mồ hôi vã ra dầm dề lưng áo. Ông nháo nhác tìm kiếm những thứ nơi ga xép. Đây rồi, nó như chờ sẵn. Ông ngồi thụp xuống, nguệch ngoạc mấy chữ. Ô kìa! Sao tay ông lại run thế này, không còn làm chủ được ngòi bút. Trước đó, ông định giải bày với con bao điều thì nay bỗng dưng tan biến mất.
Tàu hỏa gióng giả một hồi còi trước khi vào ga. Ông luống cuống gấp vội lá thư, thực ra chưa được dòng nào, thả vội vào thùng rồi lao ra sân ga. Ông nằm ngang đường ray. Tàu hỏa đã đến gần. Ông vẫn nằm bất động giữa tiếng kêu thét thất thanh, tiếng còi tàu chua chát. Bánh xe hỏa rit trên đường ray những âm thanh khô cứng. Tàu cứ giật giật từng chặp rồi khựng lại, xì ra một luồng hơi dài như bị dồn nén quá lâu. Khách đợi tàu và khách xuống tàu cùng ùa tới, vây chặt quanh ông. Một anh thanh niên từ đâu lao tới bế xốc ông lên rồi đưa ra xa. Ông chết lặng trên tay anh hồi lâu.
- Bác! Anh lay gào thảm thiết. Nông nổi nào bác phải làm vậy...bác ơi! Bác tỉnh lại đi bác, cháu đây mà!...
Ông đã nhận ra giọng nói của Long, bạn thân thằng Hùng. Anh hiện đang bán hàng ở ga. Ông từ từ mở mắt, giọng ông thều thào đứt quãng:
- Long, con điện gấp thằng Hùng về cho bác! Hức...hức...hức nhục... nhục lắm con ơi!...
* * *
Cái thân ông khổ một đời, tưởng đến ngày đã có thể vênh vang cùng bạn hữu, nào ngờ cơ sự lại dơ dáy đến nông nỗi này.
Chưa đầy chục năm chung sống, bà đã lìa đời, để lại cho ông một nách hai đứa con dại. Đáng ra, ông đã đi bước nữa. Nhưng vì thương con, ông đành ở vậy. Chúng đã mồ côi mẹ, nếu ông chọn lựa không được ưng vừa, thì có khác nào, chúng lại mất cha. Cái côi cút của con trẻ lại thêm phần côi cút.
Nay một thân ông nuôi con trưởng thành, công sức ấy tựa như trời bể. Đứa con gái đã làm ông hởi dạ. Nó lấy chồng xa, sống hạnh phúc, một năm đôi ba lần vẫn đáo về với ông. Mỗi bận như thế nó gánh gồng biết bao quà cáp, thuốc men cho ông. Chúng bảo muốn bù đắp những thiếu hụt tình cảm cha con khi thiếu vắng. Những thứ ấy thực ra ông chẳng cần để tâm. Cái chính là chúng vẫn nghĩ, vẫn thương đến ông. Ông mừng là mừng ở lẽ đó.
Duy có thằng Hùng là ông cứ lo ngay ngáy. Em gái đã yên phận, nhân thể ông cũng muốn cưới vợ cho nó luôn. Ông cũng đã nhắm nhe một đám đâu vào đấy rồi, vậy mà nó lại chối đây đẩy, chẳng thèm đoái hoài tới. Mãi sau ông mới rõ. Trong suốt thời gian ấy, nó đã qua lại với con bé Loan, kế toán hợp tác xã. Thực tâm ông chả ghét bỏ gì nó, nhưng ưa thì chẳng bao giờ. Con gái đâu mà nục nạc tựa thân trâu, cười vang như ngựa hí, chưa hỏi mắt đã nhắm tịt, không còn biết đến e ấp, thẹn thùng nữa. Ai cũng bảo nó có tướng sát chủ, sát chồng. Ông không tin điều ấy, chỉ lặng im và thầm xuôi dòng cùng dư luận. Khuyên giải con nhiều lần, kể cả đôi lúc nóng giận dọa từ mặt, ấy vậy mà nó cứ nhơn nhơn như không.
Đến bận nó cưới vợ rồi, ông vẫn còn lo. Chung sống chưa đầy năm, hai đứa đã tập kết xi măng, sắt thép ngút sân. Căn nhà tranh lụp xụp được dỡ bỏ, thay vào đó tòa nhà mái bằng ba gian. Một gian dành cho vợ chồng nó, gian giữa tiếp khách và để bàn thờ, gian còn lại kê cái giường một cho ông. Đối diện đó chúng cũng xây cái bếp lợp ngói. Nhà ông bỗng khang trang đàng hoàng nhất xóm. Và cũng từ đấy, tiếng xì xào bàn tán cứ rộ lên. Rồi dơn tố giác cứ tới tấp gửi lên cơ quan cấp trên. Đã có đơn kiện, tất hẳn sẽ có thanh tra. Đoàn huyện, đoàn tỉnh đều lần mối từ những khâu thu chi của hợp tác xã để quyết tìm kẻ hở trong khâu kế toán. Nhiều lần như thế, họ đâm nản vì chẳng lần ra chứng từ gì. Hễ mỗi bận đoàn đến, xã long trọng tiếp đãi, ăn hút lu bù và khi về, ai cũng kềnh càng những quà cáp biếu xén.
Có lần ông hỏi, nàng dâu chỉ cười:
- Chuyện vặt ấy mà. Bố nghĩ làm gì cho mệt óc.
- Ờ... bố già rồi nên cứ hay lo! Có làm sao... bố thật chẳng an tâm chút nào. Chỉ khuyên các con, ăn ở làm sao để lấy cái nhân cái đức sau này!
Con dâu ông lại tiếp:
- Bố cứ yên tâm. Không có gì đâu. Chẳng qua một số kẻ ghen ăn tức ở, ngửa tay viết bậy thôi.
Ừ! Nếu vậy thì được. Ông mừng cho vợ chồng nó và chợt thấy hối hận vì trước đây đã từng ngăn cản chúng. May mà chúng không để bụng chuyện ấy. Cũng phải thôi. Thanh niên thời này, chúng tân tiến, ai lại chấp nê một bố già lẩm cẩm, trái tính trái nết.
Nhìn vợ chồng nó sống hạnh phúc như đôi chim câu, ông mới sực tỉnh. Kể ra, chúng cũng xứng đôi vừa lứa đấy chứ. Chồng là tổ trưởng sàn xuất, vợ là kế toán hợp tác xã, điểm hết một lượt ở trong xã này đã ai bằng.
Ông mát mặt với bà con lối xóm bởi đứa con dâu vừa hiền vừa thảo. Nó chiều chồng, chiều ông hết nhẽ. Ngày hai bữa cơm không khi nào lại thiếu cho ông cút rượu và ít đồ nhắm. Ông ăn xong bao giờ cũng có ấm trà ngon và điếu thuốc thơm đầu lọc đặt sẵn trên bàn. Mỗi lần giỗ bà nó lại bày biện những mâm cơm thịnh soạn để mời anh em họ hàng và những đồng chí lãnh đạo chủ chốt trong xã. Những lúc như thế, ông lại nhớ tới bà, hình dung lại cái dáng vẻ tất bật, lam lũ của vợ. Bà đâu còn sống để cùng ông và con cái hưởng cái thú vui sum vầy, hạnh phúc. Thật là số trời, bà đã ra đi đột ngột quá, đến thang thuốc qúy cũng chẳng có tiền mua. Khi xa ông, bà còn trối lại: “Anh gắng nuôi các con, đừng để chúng nó khổ! Mồ côi mẹ chắc chắn chúng sẽ thua bạn kém bè!”.
Chính vì lời giối giăng đó, ông đã không dấn thêm bước nữa. Con cái nay phương trưởng đã trả hiếu cho ông, đã đáp lại điều mong mỏi của bà...
Chẳng riêng gì ông, có lẽ đấy là căn bệnh chung của tuổi già. Cái mừng cái lo tái diễn như trò chơi con trẻ. Đang mừng đấy rồi bất chợt lại lo tức thì. Ngay như chuyện sinh con đẻ cái của chúng cũng làm cho ông những lần hồi lo âu. Dâu con người ta chửa đẻ ầm ầm, thậm chí có đứa vừa cưới xong được vài tháng đã sinh nở. Vậy mà nàng dâu của ông đã hai năm có lẻ vẫn chưa thấy gì. Có lần ông giục nàng dâu cứ thở dài thườn thượt với vẻ mặt buồn tênh:
- Bố mong một, chúng con mong mười! Chẳng hiểu tại con hay tại nhà con! Hẳn là chúng đang đùa ông? Hai đứa đều là cán bộ, chắc muốn nêu gương sáng cho bà con. Chả là lâu nay, xã đang mở cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch. Nhưng sau đó, nhìn thái độ con dâu và nét mặt buồn bã của thằng Hùng, ông lại tin là thật.
Vài tháng sau thằng Hùng có giấy gọi nhập ngũ và rồi tuốt luốt một lèo ngoài đảo. Đành vậy. Biết làm thế nào được. Thanh niên đến tuổi làm nghĩa vụ âu cũng là trách nhiệm cao cả. Với thằng Hùng, chỉ vì chuyện lấy vợ cho nó mà ông đã xin lần hoãn tới mấy bận. Không lẽ nghe theo mọi người, ông lại muối mặt ra ủy ban. Làm thế, họ còn coi ông ra thể thống gì nữa.
Từ ngày chồng đi xa, dâu ông bận họp hành luôn, nhiều đêm tối mịt mời mò về nhà. Ông lại phải sống trong cảnh cơm chờ canh đợi. Trách thế nào được. Con cái đang bận việc xã hội, mải mê phấn đấu mà. Thỉnh thoảng dâu ông lại làm cơm mời khách. Khách khứa chẳng xa lạ gì, toàn là lãnh đạo chủ chốt của xã. Họ thường kéo ông vào mâm. Nể lời, ông tham dự một lần. Suốt tiệc nhậu họ chỉ bàn những chuyện đâu đâu. Nào là thu chi đòn bẩy, đòn càng rồi sập cầu, gãy cầu...ông ngồi nghe cứ há hốc cả mồm, chẳng hiểu gì cả. Bởi thế, những lần sau, họ mời mọc thế nào, ông đều từ chối. Tiệc tàn, ông thui thủi trong buồng, tranh thủ tợp mấy hớp rượu cho thơm miệng, cho khỏi sâu răng và cũng để cho giấc ngủ thêm say.
Thời kỳ gần đây, nàng dâu cứ bẳn gắt luôn, nhiều khi chẳng vì nguyên cớ gì cả. Đây là chuyện lạ. Hai tháng trước, ngồi bên mâm cơm, dâu ông như muốn nôn, muốn ói. Mỗi lần như vậy nó buông vội bát đũa, ôm bụng ngồi thừ một chỗ, mặt xanh rớt, nước mắt giàn dụa. Sau đấy, nó vào buồng nằm nghỉ.
Bây giờ, sau làn áo mỏng, bụng nàng dâu đã lum lủm, làm cho lòng ông khấp khởi mừng vui. Ông đoán già đoán non: hay là nó có thai nhỉ! Thật thế thì phúc đức cho nhà ông quá. Chẳng mấy nổi, ông lại có cháu nội để bồng bế, nâng niu. Khi con xa vắng, đứa cháu sẽ là nguồn vui bất tận, bỏ cái công ông vò võ một mình bao năm. Như người lẩn thẩn, ông thường liếc trộm bụng, cách sinh hoạt, đi đứng của nàng dâu. Lúc đã chắc mẩm, ông mới phỏng tính. Ngữ này, cái thai ít nhất cũng chừng năm sáu tháng. Lẩm bẩm một hồi, ông chợt đớ người. Không thể như thế được! Đận trước thằng Hùng về phép đã gần năm. Nếu vậy thật vô lý quá! Dứt khoát ông phải hỏi nàng dâu cho ra nhẽ mới được.
Ông chưa kịp hỏi thì động trời đã diễn ra vào sáng nay. Tại sao nó lại nảy nòi trong nhà ông? Kiếp trước ông đã gây nên oan nghiệt gì mà phải nhục nhã thế này? Từ chỗ yêu hương nó bao nhiêu, bây giờ ông càng căm nó bấy nhiêu. Ông nguyền rủa cả ba họ con yêu tinh đốn mạt. Mấy chục năm sống trong cái làng xã này, ông chưa hề chịu tiếng xấu, một lòng nhất nhất chỉ có biết chăm chỉ làm ăn để nuôi con lớn khôn.
Ông đã nhầm lẫn khi vội khen nó tốt người, đẹp nết. Không chỉ khen thầm, ông còn như rao giảng với bà con lối xóm. Bây giờ bàn dân thiên hạ nghe nó, chứ ai đời lại tin ông. Chẳng những lăng nhục ông, nó còn rắp tâm chấm dứt cuộc đời ông. “Hùng ơi! Mày trả hiếu cho cha mày thế đấy! Mày có hiểu cho lòng tao hay lại về hùa với nó! Trời ơi là trời!”. Cứ mỗi lần than thân trách phận, ông lại gọi con và hình dung tới cái phút giây ô nhục vừa qua...
Như thường lệ, ông ra vườn cuốc xới, nhổ cỏ, bắt sâu từ sớm tinh sương. Ông coi đó như niềm vui, như một phương pháp dưỡng sinh hữu hiệu, thay vì tập thể dục. Khoảnh vườn nhỏ bé này găn với ông bao kỷ niệm buồn vui. Nơi đây đã lắng đọng bóng hình bà với những giọt mồ hôi lấm trên gương mặt, ướt đầm sau lưng áo. Mùa nào thức ấy, nhất là vào những độ giáp hạt, mảnh vườn đã góp phần không nhỏ trong sinh hoạt hàng ngày. Từ quả cà, mớ rau đến con gà, con ngan đều không phải mò ra đến chợ. Tất cả như được chắt chiu, được hội tụ đầy đủ bằng sự tảo tần khuya sớm của bà.
Mặt trời vượt khỏi ngọn tre, ông mới ngừng việc. Ông ra sân rửa chân tay mặt mũi, giội gầu nước giếng khơi cho sảng khoái, rồi mới đủng đỉnh lên nhà. Trời nóng bức, ông chỉ vận độc quần đùi và phe phảy chiếc quạt nan trên tay. Tầm này mọi hôm, dâu ông đã đi làm. Bữa nay, không hiểu sao, nó vẫn nằm lì trong buồng. Ông vừa tợp cạn bát nước chè thì nghe thấy tiếng nàng dâu rên rỉ:
- Mệt quá! Ôi!...sao tôi mệt thế này!...
Ông vội ào vào buồng trong. Nàng dâu vẫn nằm thưỡn trên giường, chiếc chăn chiên đắp ngang cổ. Trời đất, nóng bức thế này mà nó choàng chiếc chăn đó thì thật tội. Kiểu này chắc là sốt đây. Trong người rét run, hẳn đâu phải nóng như lò lửa.
Ông nhìn nàng dâu, lo lắng:
- Con mệt thế nào?
- Ư...ư... nàng dâu rên khe khẽ theo từng nhịp thở - Ôi... buốt đầu lắm!...
Ông bước lại gần bên giường và đặt tay lên trán nàng dâu. Bất thần, cô ta túm chặt lấy tay ông, rồi tung chăn chồm dậy. Nàng dâu nhanh tay tụt chiếc quần lót của ông xuống dưới đầu gối và cứ thế áp sát cả thân hình lõa lồ vào người ông.
Hơ...hơ... nàng dâu van lơn bằng một giọng rất to – Con xin bố! Lần này con mệt quá! Hôm khác vậy! Bố tha cho con! Bố...kìa...con chết mất! Bố...con...ơ...bố ơi!...
Ông run người như bị điện giật. Sau một phút định thần, ông sợ hãi vùng khỏi tay nàng dâu. Nhưng không kịp nữa rồi. Một đám người từ đâu rầm rập chạy vào buồng, nhanh tới mức ông không kéo kịp quần lót. Họ cùng chứng kiến cảnh lõa lồ của hai người. Gần chục cặp mắt nhìn ông như bốc lửa. Nàng dâu trùm vội chiếc chăn chiên, ngồi thu lu ở góc giường khóc hu hu. Ông chết đứng như Từ Hải. Mặt tái dại, chân tay như thừa ra, người ông cứ run lên cầm cập. Ông dở khóc, dở mếu:
Nó...nó lừa tôi! Con khốn nạn! Tao già cả thế này mà vẫn nhẫn tâm làm vậy. Trời tru đất diệt cả họ nhà mày!...
Trưởng công an xã thét vang:
- Quả tang giữa ban ngày, còn cãi! Gang họng lão ta lại!
Các người không hiểu gì hết – Ông nói hoảng hốt – Nó... nó lừa tôi...
- Thật không ngờ! Thảo nào mà báo chí gần đây nhắc nhiều tới hiện tượng một số ông già thường cưỡng bức các bé gái vị thành niên!
Ông ngẩng lên và nhận ra người đang nói là chủ nhiệm hợp tác xã. Chưa buông tha ông ta lại tiếp tục chì chiết:
- Tranh thủ con trai vắng nhà mà! Ghê tởm quá! Đúng là quỷ râu xanh!
Trưởng công an xã chỉ thị:
- Các đồng chí, giải ngay ông ta lên ủy ban...
Bước theo đám người ấy, ông thất đảm giữa nhục nhã, ê chề. Trong căn phòng tiếp dân, họ cùng xúm vào cật vấn, căn vặn ông đủ điều. Họ như lũ hùm beo đói khát đang vờn đuổi trước khi xé xác con mồi. Bà con lối xóm đổ đến xem mỗi lúc một đông, gây nên cảnh chen lấn xô đẩy. Ai cũng muốn tận mắt nhìn cho kỹ mặt ông. Người tử tế thì buông tiếng thở dài buồn bã. Kẻ kình địch được dịp xổ ra từng tràng nhiếc móc, xỉa xói ông. Vô vàn những hỗn tạp của âm thanh cùng dồn dập dội vào, làm tai ông ù đặc. Ông không còn nghe được gì nữa, kể cả khi họ đọc biên bản. Theo bản năng ông cầm bút ký phứa cho xong chuyện.
* * *
Hùng nằm phủ phục ngoài bụi tre đã bốn đêm. Cả bốn đêm anh thức trắng, theo dõi từng động tĩnh phát ra từ nhà mình. Cặp mắt anh đã đờ dại, người mẩn ngứa vì muỗi đốt, gai cào.
Đêm nay, trăng mười sáu tròn vành vạnh, nhả một lớp bạc mỏng tang xuống muôn loài. Cơn mưa chiều tâm tã đã rửa sạch những vẩn đục lẫn trong các bối mây đen kịt, trắng nhờ. Trời thêm thẳm xanh, cao ngất. Không gian vừa mới vặn mình lúc chiều hôm, giờ đã kịp căng ra, phô đầy vẻ trong suốt như để hứng trọn cái êm ả, bình dị của một đêm trăng muộn.
Đâu đây bên ao cá, ruộng muống nhà ai vang lên cái giai điệu bầy đàn ộp oạp, ồm oàm của ếch nhái, tiếng rả rích của lũ côn trùng, tiếng chó sủa vu vơ, tiếng mèo động tình ngheo ngheo, eo óc như tiếng khóc con trẻ. Âm thanh từ mọi phía cùng ùa đến đậm đặc vẫn không làm cho anh phân tâm. Mắt anh chỉ chằm chặp hướng vào khoảng sân nhỏ và ngôi nhà. Căn nhà anh sao giờ đây lạnh lẽo, u tịch quá.
Đã quá nửa đêm, khi anh vừa chợt thiếp đi thì vọng lại tiếng rít, rồi tiếng rên ư ử của con Boy. Anh bừng mắt dõi theo. Con Boy không sủa, cứ cuống quýt quanh sân, đuôi nghoe nguẩy tít mù. Liền lúc đó, một bóng đen ngấp nghé, gõ nhẹ lên cửa sổ phòng ngủ. Chỉ một thoáng cửa ra vào hé mở, bóng đen chui tọt vào trong nhà.
Mặt nóng bừng, mắt giật liên hồi, anh chỉ muốn nhảy bổ vào tức thì. Nghĩ đến bố và nỗi uất hận riêng, anh đành nghiến răng tự kiềm chế. Anh xem đồng hồ. Hai mươi phút đã trôi qua, khoảng thời gian vừa đủ cho đôi gian phu dâm phụ thực hiện những hành vi đồi bại.
Anh băng qua con đường nhỏ, mở cửa vườn và khẽ suỵt chó để nó khỏi sủa bất chợt. Qua khe cửa anh chẳng nhìn thấy gì, chỉ lào phào câu được câu mất, chen lẫn những tiếng thở hào hển. Anh gõ cửa. Trong nhà im lặng. Anh lại gõ tiếp. Vẫn im lặng. Anh ghé miệng vào cửa khẽ gọi:
- Loan ơi...
Một tiếng thịch dội vang trong đêm tĩnh lặng.
- Loan! Mở cửa cho anh!...
- Ai đấy? Anh Hùng phải không?
- Anh đây mà. Mở cửa đi em.
- Anh chờ em một chút – Giọng vờ ngái ngủ, vợ anh bước ra – Sao anh về khuya thế?
- Anh về gấp để chuẩn bị đi công tác biệt phái.
Nhanh như cắt, anh lẻn vào trong buồng rồi nhanh chóng bước ra. Luống cuống mãi, vợ anh mới châm được đèn. Sau đó, cứ đứng chặn ở cửa buồng. Cô hỏi đầy vẻ sợ hãi:
- Anh về phép sao không mang theo đồ đạc?
- Bí mật quân sự. Anh phải lên đường trước khi trời sáng.
Cô kéo tay anh ra cửa:
- Anh ra giếng rửa mặt cho mát.
- Khỏi cần em ạ.
- Chắc anh chưa ăn gì? Chúng mình xuống bếp đi anh. Em sẽ hâm lại các thứ cho anh ăn đỡ đói. Nhanh thôi mà.
Anh khẽ đẩy tay vợ:
- Trước khi trở lại đơn vị, anh cần phải gặp bố mẹ em và một vài người nữa.
- Chuyện gì thế anh?
- Chẳng có gì quan trọng lắm đâu.
- Ngay bây giờ hả anh?
Ừ...ngay bây giờ.
Vợ anh nói như reo:
- Chúng mình cùng đi, anh nhé.
- Không! Anh đang mệt. Em đi một mình.
- Sao lại chỉ có mình em? – Vợ anh khựng lại – Vả lại, đêm hôm khuya khoắt thế này, mọi người đang còn ngủ cả.
- Cứ dựng họ dậy! Anh đang vội, em không thấy sao?
Anh gằn từng tiếng trong cổ họng. Loan biết không thể chần chừ được nữa, nhưng chưa đoán nổi việc anh định làm. Chỉ biết rằng anh đang có việc hệ trọng, cần gặp gấp một số người, thế thôi.
Vợ vừa bước ra khỏi nhà, anh vào bếp khuân một đống củi to đùng đặt giữa sân và kiếm ba hòn gạch kê nồi đun nước. Anh lên nhà lấy ra cây đèn măng-sông và hai cây đèn bão. Đèn thắp sáng, củi khô rừng rực cháy, tỏa sáng cùng ánh trăng hắt vào góc vườn đầy hoa, tạo cho cái không gian nhỏ bé này như là nơi trình diễn hội hoa đăng.
Nước sôi, anh đổ vào tích để om chè. Đây là thứ đặc sản anh mua từ Hà Nội về biếu bố. Anh biết bố rất thích chè Thái, nhất là các loại móc câu mua tận phố Hàng Điều đã được thanh lọc cẩn thận. Bố anh chỉ dùng nó sau giờ lao động buổi sáng. Bố anh bảo, khi ấy khí trời còn thanh sạch con người lại bắt đầu một ngày làm việc, nhâm nhi cái vị chan chát rất riêng, mới tận hưởng được sự thơm mát của búp chè. Sáng ra chỉ cần pha lấy một ấm là cả ngày cảm thấy sảng khoái, tỉnh táo khác thường.
Chè vừa ngấm cũng là lúc một tốp người đang còn uể oải vì ngái ngủ bước vào. Dẫn đầu là ông phó chủ tịch kiêm trưởng công an xã. Tiếp đến là ông trưởng thôn và hai anh dân quân. Sau cùng là nhạc mẫu, nhạc phụ của Loan. Anh rót nước ra chén mời khắp một lượt:
- Dạ...trước hết tôi xin thành thật xin lỗi mọi người vì đã gây cảnh náo động giữa đêm hôm khuya khoắt.
- Anh nói thế là phải. Tợp ngụm chè nóng, ông trưởng công an xã lên giọng - Tôi đang định hỏi anh cái điều ấy. Nếu là người khác, tôi còn mắng cho! Nhưng anh là bộ đội, lại có nhời mời gấp, nên tôi không thể từ nan.
Ông trưởng thôn tiếp lời:
- Tôi cũng nghĩ như phó chủ tịch. Nể lời anh là bộ đội, gia đình vừa lại có chuyện không vui, tôi mới chịu sang lúc này.
- Thưa ông...Anh quay sang ông phó chủ tịch, rồi chỉ tay vào hai anh dân quân – Tôi xin nhờ hai đồng chí này một chút việc.
Dứt lời, anh đứng dậy kéo hai anh dân quân vào nhà. Lúc này vợ anh đứng án ngữ ở cửa. Qua làn ánh sáng nhập nhòa đủ thấy nét mặt cô đang tái dại, hoảng hốt. Cô van vỉ:
- Kìa...em xin anh.
- Lùi ra! Anh trợn trừng mắt – Cô làm sao thế?
Anh gạt vợ sang một bên, rồi kéo hai anh dân quân vào thẳng trong buồng. Riêng anh đảm nhận một đầu, còn hai anh kia một đầu, cùng khệ nệ, lặc lè chuyển chiếc thùng gỗ ra giữa sân. Mọi người ngơ ngác nhìn anh. Không hiểu anh đang giở cái trò gì.
- Thưa... đêm nay tôi muốn báo cáo với tất cả các vị có mặt ở đây một việc cực kỳ hệ trọng, có liên quan đến vợ chồng tôi. Anh nói hổn hển qua hơi thở gấp – Tôi chính thức trả vợ tôi về gia đình cô ấy!
Mẹ vợ anh hét toáng:
- Trời đất! Anh điên mất rồi! Một mình bố anh hạ nhục con gái tôi chưa đủ hay sao?
- Anh Hùng! Anh không được làm thế! – Ông trưởng thôn lên tiếng.
Mọi người gật đầu hưởng ứng. Riêng ông trưởng công an xã là im lặng. Với bản chất nghề nghiệp, dường như anh đang dõi xem phản ứng tiếp theo của sự việc.
- Xin mọi người hãy bình tĩnh, rồi sau đó mới đưa ra kết luận! – Giọng anh nghẹn ngào, nhưng vẫn cứ giữ vẻ từ tốn – Tại sao tôi phải làm cái việc đau lòng bất đắc dĩ này?
Anh kéo cô vợ đang lấp ló ở cửa bếp đến bên chiếc hòm có bốn chân. Trước đây nó là chỗ đựng thóc giống. Sau ngày gia đình anh thoát ly nông nghiệp, nó được dùng để chứa chăn bông và các loại áo quần rét. Anh đưa vợ chiếc chìa khóa:
- Nào... cô mở nắp hòm ra.
- Em van anh! – Vợ anh run bắn, nước mắt đã lưng tròng – Anh tha tội cho em! Em sẽ ra đi ngay lập tức. Mong anh đừng làm nhục em!
- Hừm... thế ai đã làm nhục bố tôi, để đến nỗi ông cụ phải tìm đường tự vẫn? Không còn bình tĩnh được nữa, anh quát to – Cô có mở ra không? Nhược bằng tôi sẽ cho nổ tung chiếc hòm này.
Anh rút trái lựu đạn mỏ vịt từ túi áo. Thực ra nó chỉ là thứ đồ chơi Tàu anh mua mấy hôm trước ở ngoai sân ga. Mọi người thất kinh, không ai dám ho he lấy môt lời. Họ lặng lẽ tản ra, sợ mang vạ vào thân. Anh trừng mắt nhìn mọi người:
- Xin các vị ngồi im! Anh quay sang vợ - Thế nào, cô có định mở hòm ra không?
Bà mẹ vợ van rối rít:
- Kìa... mở đi con! Đừng để cho chồng con nó giận mà mất khôn thì nguy!
Vợ anh run rẩy tra chìa khóa vào ổ khóa. Luống cuống thế nào, mãi một lúc sau, càng khóa mới bật tung. Anh lạnh lùng chỉ tay vào vợ:
- Trước mặt mọi người...cô nói đi, ai là chủ nhân chiếc bụng này?
- Dạ...dạ.
- Nói mau! Anh gầm lên – Đừng để tôi phải cho nổ tung cái hòm này.
Một giọng nói ở đâu đó vang lên:
- Xin anh tha chết, cái bụng ấy là của tôi!
Mọi người giật mình nhìn quanh. Bất thần, nắp hòm bật tung. Một cái đầu húi cua từ từ nhô lên, rồi tiếp theo là nửa cái thân hình trắng ởn, trần trụi phô ra. Mọi người cùng ớ lên một tiếng kinh hoàng.
Ông trưởng thôn hừm một tiếng:
- Đẹp nhỉ! Đúng là... cháy nhà mới ra mặt chuột!...
Hai anh dân quân hích vào nhau, trao đổi:
- Phải tay tôi, nhân thể đợt này, xin lão ta cả cụm.
- Ừ... cách ấy thế mà hay, khỏi phải xét xử lôi thôi, lại trừ được hậu họa cho bao người.
Có tiếng người lao xao ngoài ngõ:
- Ôi bà con ơi... Lại mà xem ông chủ nhiệm hợp tác xã kiêm chủ hộ năm con bươm bướm này!
- Khốn nạn! Khốn nạn thật! Chắc lão ta định giở cái trò Tu hú đẻ nhờ đây! – Tiếng một người xen ngang.
Hùng nhìn ra tường rào, bà con đã đứng chật cứng. Ai cũng bừng bừng căm giận, tiếp tục ném vào câu chửi rủa thậm tệ. Trong sân... nhạc phụ nhạc mẫu của anh đã biến mất từ lúc nào.
H.N.S