Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Kèn Amam không thổi một người

Trước khi lên Vĩnh Ô công tác, tôi đã nghe những người đi trước kể nhiều về những gian nan ở vùng thâm sơn cùng cốc này.

Đến khi chính thức ngồi trên chiếc U- oat quân đội, tả tơi, bầm dập trên con đường đất đỏ bụi mù, bốn bánh xe tung tẩy, luồn lách qua những ổ voi, ổ trâu và những con rãnh to nhỏ, hậu quả của những chuyến xe trọng tải lớn chở gỗ chà đi xát lại từ năm này qua năm khác, chàng thư sinh 24 tuổi là tôi mới thấm thía biết, rời xa phố xá, đèn cao áp, những con đường rải nhựa phẳng lì là những miền nắng gió, vất vả và hoang vu.

Chị cán bộ phụ nữ xã người Vân Kiều dẫn đoàn chúng tôi đi qua con suối, nước trắng xóa lấp lánh dưới ánh mặt trời nhiệt đới. Những cô gái trẻ mái tóc cháy vàng, nước da đen giòn và ánh mắt hoang dã, đôi tay trần khỏe khoắn vẫy tung nước trêu đùa khi tôi giày đen, kính trắng, tay xách cặp da nâu đi qua, vướng vít theo sau là lao xao những hợp âm ồn ã, tưng bừng của sơn nữ đùa khách lạ.

Qua thêm vài con dốc dựng đứng, hai bên đường lấp ló những nhành hoa chuối đỏ tươi, chúng tôi dừng trước một nhà sàn nhỏ. Người đàn ông trung niên, tay cầm chai rượu vung vít, mắt lờ đờ, nở nụ cười chào đôn hậu.

- Cán bộ từ xuôi lên công tác, ở lại nhà mình. - Chị cán bộ nói khẽ với chồng rồi tất tả vào bếp nấu cơm đãi khách.

Đêm sơn cước im lặng như tờ. Mới ở phố lúc sáng, miên man xe cộ, giăng giăng nhà cao thấp, bây giờ bao quanh là một không gian yên tĩnh đến tê người. Những năm giữa thập niên 90, ở đây không điện, không nước sạch, không điện thoại, ti vi. Nhà cán bộ xã nên có chiếc radio bé xíu, dùng pin, đang phát eo éo một điệu chèo Bắc Bộ. Dường như, đó là thứ duy nhất đại diện cho đời sống văn minh len lỏi đến chốn này.

Minh họa: NGUYỄN ĐĂNG PHÚ

Minh họa: NGUYỄN ĐĂNG PHÚ

Có tiếng sột soạt rồi tiếng bước chân ai đó bước lên cầu thang. Tôi trố mắt ngạc nhiên vì trước mắt là một cô gái người Kinh và cô bé sơn nữ, tuổi chừng mười ba.

- Cô giáo Hương, người Kinh lên cắm bản đó. - Chị cán bộ xã nhìn tôi, giới thiệu. - Còn đây là cán bộ Tùng, từ tỉnh lên công tác.

Hương nheo nheo mắt nhìn rồi nói chuyện với tôi thật gần gũi như đã từng quen biết từ lâu lắm rồi.

- Em lên đây được ba năm. Tốt nghiệp khoa Văn, Đại học sư phạm, nhưng lên đây, chỉ dạy tiểu học. Quanh năm dạy lũ trẻ học đánh vần và bốn phép tính cộng trừ nhân chia. Quanh đi quẩn lại chỉ có em với chị Hiền là người Kinh, nhưng giờ chị đã về quê lấy chồng, không biết khi nào trở lại. Nghe có đoàn cán bộ ở tỉnh lên, em mừng lắm, chạy qua ngay. Còn đây là cô học trò nhỏ của em, bé Nưng…

Tôi nhìn Nưng và bất chợt cười vu vơ. Rồi cứ thắc mắc mông lung không biết lúc sáng có Nưng trong đám sơn nữ bên suối hay không?

- Ở đây buồn quá, mà cái gì cũng thiếu… - Tôi nhìn Hương ái ngại.

- Lần đầu lên đây, nhìn trường học lợp tranh tạm bợ, gió thông thống bốn bề, nhìn chiếc giường tre bé tin hỉn trong căn phòng tập thể giáo viên, em đã muốn trở về xuôi ngay tắp lự. Cũng ngay ngày đầu tiên, đang co ro cùng chị Hiền trong phòng, một con rắn điềm nhiên trườn vào khiến em rú lên thất thanh. Nếu không có chị Hiền nhanh tay dùng gậy đánh thắng vào con vật gớm ghiếc, em đã chết ngất ngay tại chỗ. Hương vừa kể vừa xoa tay vào ngực.  

Nhiều khi nửa đêm thức giấc, em bàng hoàng nhận ra cuộc sống mình thay đổi quá khủng khiếp. Vì chỉ vài tháng trước đó, em đang cùng người yêu dạo bộ bên dòng Hương Giang, chạy xe chầm chậm dưới đường phượng bay ở kinh thành, rộn rã cười đùa với bạn trên giảng đường rộng lớn….

Cảnh - người yêu em là cảnh sát giao thông, duy nhất một lần bươn bả từ Huế ra Hồ Xá, rồi lên đây. Nhìn cảnh ăn ở của em, thở dài thườn thượt: “Em nghỉ việc đi, rồi kiếm việc gì ở Huế mà làm. Nếu không vào được biên chế, thì buôn bán, anh sẽ lo được cho gia đình nhỏ của mình sau khi cưới.” Em lắc đầu nguầy nguậy. Vất vả lắm mới đậu đại học, rồi gian nan lắm mới trải qua được mấy năm sinh viên, chẳng lẽ, giờ bỏ tất cả? Ba mẹ, bạn bè em sẽ nghĩ gì? Sao em làm vậy được!

Cảnh nhún vai, sáng hôm sau trở vô ngược lại Huế. Gần nửa năm sau thì có người yêu mới và cưới vợ - một cô gái Huế thứ thiệt, tốt nghiệp Tổng hợp Anh, làm tiếp tân ở khách sạn Century.

 * * *

Tôi là Minh. Năm 1996, tôi được tổ chức điều động phân công lên công tác tại vùng sâu của huyện miền núi Đakrông. Mỗi lần từ xuôi lên, muốn vào được trường phải qua hai ngày đi bộ, vượt suối băng rừng, đối mặt với sên vắt và cả thú dữ… Bữa cơm quanh năm chỉ cá khô và rau, măng rừng. Những mùa mưa, nước trút ào ạt khiến tất thảy mọi vật đều nhão nhoét, đặc quánh, sền sệt. Đi ra đi vào trong căn tập thể giáo viên trống huơ trống hoác, chán, tôi lại đứng tựa đầu vào song cửa nhìn về miền xuôi thẳm xa qua màn nước trắng xóa mù mịt.

Tuần trước về xuôi, tụ tập với các bạn cùng học cấp ba, tưởng vui nhưng hóa ra lại rất buồn. Ngồi ở quán cafe sang chảnh nhất thị trấn, nghe bạn bè kể về con đường tiến thân, về những món đồ có giá trị vật chất cao vừa sắm được, về những chuyến du lịch đây đó… tự dưng tôi thấy hụt hẫng và nao nao buồn. Sơn - thằng bạn giỏi toán nhất lớp bây giờ đang công tác trong ngành dầu khí ở Vũng Tàu, vừa đi tu nghiệp ngắn hạn ở Nhật về. Liên - cô hoa khôi của lớp giờ làm ở Văn phòng UBND tỉnh, sắp kết hôn với một Phó Giám đốc Sở thành đạt, nghe đâu có nhà riêng ở một đại lộ lớn của tỉnh lỵ. Thằng Hoàng, ngày xưa học hành phất phơ, chểnh mảng, tốt nghiệp trung cấp, giờ làm việc ở Điện lực huyện, ngoài lương, mỗi tháng làm thêm công trình cũng kiếm gấp 5 đến 7 lần đồng lương một thầy giáo trẻ như tôi…

Buồn nhất là khi chúng bạn ngồi kể lể say sưa về điện thoại di động, về máy nhắn tin, về con Bonus, DreamII diệu kỳ… tôi thật sự trở thành một thằng nhà quê hay “ngố rừng”. Bởi một giáo viên cắm bản, lương vài trăm ngàn thì có nằm mơ cũng không bao giờ nghĩ đến trong tay có 30 triệu đồng để sở hữu một chiếc “Giấc mơ 2” mà chỉ cần có nó, ở thị trấn huyện lỵ, bạn sẽ trở thành “Bạch mã hoàng tử” được rất nhiều cô gái mê mẩn, hâm mộ…

Mọi người kể lể về mình chán chê, rồi quay sang hỏi: Công việc của ông thế nào? Vất vả lắm không? Nghe bảo trên ấy, thiếu thốn lắm à? Trên ấy, trai gái không cưới mà vẫn ngủ với nhau phải không? Còn mày, mày đã tranh thủ “đi sim” lần nào chưa?...

Tôi chỉ cười trừ vì biết chắc, có kể họ cũng không thể hiểu được những gì mà tôi đang trải qua. Nói là trường, là lớp nhưng lớp học của thầy trò tôi được làm nên bằng tranh tre tạm bợ. Học trò tôi không mặc áo trắng, quần xanh đồng phục mà khoác lên cơ thể áo quần sờn rách, ố màu, có đứa còn thò lò mũi xanh, đi chân trần vào lớp. Thay vì học tiếng Anh, chúng phải học tiếng Kinh để có thể hòa nhập với cuộc sống dưới xuôi… Dẫu tôi có kể, họ cũng không hình dung nổi, những ngày mưa gió, mấy thầy trò chúng tôi loay hoay tìm nơi nhóm bếp cho khỏi tắt, nhọc nhằn lắm mới có một bữa cơm đạm bạc. Học trò tôi - những cậu bé miền ngược, Hồ Palai, Hồ Hơng… lặn lội vào rừng tìm rau và măng rừng về cải thiện bữa ăn. Giữa những cơn gió rin rít lạnh lẽo, ập vào phòng từ tứ phía, thầy trò ngồi bên bếp lửa, nhai bát cơm với măng rừng và cá khô mà vui, mà ấm áp, thấy ngon không thua gì những bữa tiệc ở chốn thị thành…

* * *

Đã nhiều tháng, kể từ ngày Tùng về lại tỉnh, Hương vẫn không nhận được một chút thông tin gì. Chờ đợi, hy vọng rồi vô vọng… Thở dài, thở ngắn, trách Tùng, trách mình chán chê rồi vô duyên, lẩn thẩn trách… cái đêm trăng rừng vằng vặc.

Giữa thâm u, đại ngàn, giữa màn đêm đặc quánh chỉ có ánh đèn dầu le lói đủ hắt lên những quầng sáng yếu ớt, một ngày đặc biệt nào đó, vầng trăng lộng lẫy, kiêu sa xuất hiện khiến cả bản làng, rừng núi bừng tỉnh sau một giấc mê dài. Rộn rã, tưng bừng nhất là bên dòng suối vắng, trai gái bản dập dìu trong mùa tìm bạn, đi sim.

Ơh…Bóng em lấp lánh như sao mới mọc

Dáng em lấp lánh như vầng trăng đêm mười sáu

Ta đi tìm em, em ơi!

Tình em vời vợi như trăng đêm mười bảy

Ta đang lần tìm đến người, người ơi!

Tiếng hát, tiếng đàn chưa kịp dứt, tiếng Amam đã da diết cất lên kèm giọng hát tình tứ, e ấp nhưng không kém phần cháy bỏng từ môi một nàng sơn nữ:

Trên các chòi lúa rẫy

Anh có biết không?

Em ở bên chòi này chưa ngủ đợi anh

Muốn thổi kèn Amam nhưng lại thiếu một người

Kèn Amam không thổi một người

Em biết thương ai bây giờ ngoài anh ?

- Ra suối chơi đi ! Mắt Tùng sáng lấp lánh.

- Nhưng tục “đi sim” là của người dân tộc ít người, mình là người Kinh mà Tùng.

- Nhưng tục lệ đâu có cấm người Kinh đi chơi, nhất là trăng rừng đẹp đến say lòng… Giọng nói như có hơi lửa ấm áp phả nhẹ vào má khiến người Hương nhẹ bẫng, lòng đôi phần nao núng.

Gần nửa tháng đoàn công tác của tỉnh lên bản, Hương được điều động sang phụ nấu cơm bởi cán bộ tỉnh chưa quen lắm với ẩm thực miền thượng du. Những câu trêu đùa, gán ghép của mọi người, những lời ngọt ngào, hoa mỹ và ánh mắt như có lửa của chàng trai thị thành điển trai khiến Hương không ít lần bối rối. Nhưng Hương hiểu, Tùng với cô nhiều lắm cũng chỉ dừng lại ở “những phút xao lòng” giữa hai người trẻ cô đơn vô tình lạc vào nhau giữa một miền rừng heo hút. Không lâu nữa, Tùng sẽ rời bản làng xa thẳm này để trở về với phố xá thênh thang. Đêm trăng rừng và bờ suối vắng hôm nay chỉ là cơn gió lạ thoáng qua, còn nơi thường lui tới của Tùng vẫn sẽ là nhà hát, câu lạc bộ thể thao, quán cafe hay hay các trụ sở uy nghi với công việc, hội họp liên miên… Còn Hương, ba năm, năm năm hay bao lâu nữa mới được chuyển vùng về miền xuôi?

- Đi thôi em, chứ trăng không chờ mình đâu, trăng lặn mất tiêu là tha hồ ngồi đó mà tiếc.

Giọng đùa nghịch ngợm và cánh tay rắn rỏi của Tùng đã tự nhiên nắm chặt lấy tay Hương tự lúc nào, kéo Hương đi qua những con đường mấp mô, hướng ra bờ suối vắng.

- Trời! Tiếng kèn gì hay quá. - Tùng thốt lên.

- Amam, Kèn Amam đó. Theo truyền thống của người Bru-Vân Kiều, khi người con trai con gái đến tuổi hẹn hò thì họ đi sim để tìm hiểu nhau, điệu hát Tà- oải trở thành cầu nối cho người con trai con gái đến gần nhau hơn. Để hát Tà -oải thì không thể thiếu Kèn Amam. Kèn được làm bằng nhánh cây đương, loại cây có thân và nhánh giống cây tre trúc, vừa chắc chắn lại vừa dẻo dai. Người nghệ nhân khi đục lỗ phải rất cẩn thận, lỗ không được quá nhỏ, cũng không quá to, tiếng kèn khi thổi mới có được những âm thanh chuẩn xác và tinh tế. 

- Chà, lên đây mới mấy năm mà em đã như một nàng sơn nữ thứ thiệt. Tùng nheo nheo mắt nhìn Hương rồi nói tiếp:

- Cái gì em cũng biết nhưng điều quan trọng nhất về Kèn Amam, chưa chắc em đã biết.

- Là gì, anh nói đi. - Ánh mắt Hương náo nức.

   Kèn Amam không thổi một người

   Em biết thương ai bây giờ ngoài anh?

Hương bất chợt rùng mình, nhịp tim nhảy nhót theo một vũ điệu lạ lùng không thể nào giải thích. Dưới ánh trăng chảy tràn như suối xuống núi rừng, cảnh vật, con người… khuôn mặt Tùng ngời ngợi bừng sáng, ánh mắt Tùng lung linh như có những đốm lửa nhỏ đang reo cười. Và làn môi của Tùng đã kịp sát bên má Hương rất dịu dàng…

 * * *

- Ông vào nhà đi. Tưởng là xa chứ từ nhà ông đến nhà tôi cũng chỉ hơn 2 km, rảnh thì ông cứ tự nhiên đến chơi, trà nước, cờ tướng nhì nhằng cho vui.

Minh vừa nói vừa mở cổng, né sang một bên để Tùng bước vào trong. Trước mặt Tùng là một khoảng vườn xanh mướt, bên hồ cá koi là các bức tượng, phù điêu được tạo hình khéo léo bởi bàn tay của những nghệ sỹ tài hoa.

- Giữa Đông Hà mà biệt thự nhà ông cứ như ở Đà Lạt hay Tây Nguyên. Cây cối, tượng, phù điêu đều mang đậm nét phóng khoáng của núi rừng, cao nguyên xa xôi.

- Thì tôi và vợ đều gắn cả thanh xuân với rừng núi, nhưng là rừng núi Quảng Trị. Cũng khó khăn, gian nan lắm mới chuyển công tác và an cư, lạc nghiệp được ở thành phố này chứ đâu may mắn như ông, tốt nghiệp Đại học là về công tác ngay ở trung tâm tỉnh lỵ. Ngay cả chơi tennis, tôi cũng mới tập mấy năm gần đây thôi nhưng cũng nhờ vậy mới quen biết ông.

Đang hăm hở theo Minh bước vào phòng khách, chân Tùng như khuỵu xuống khi đập vào mắt là hình một cô sơn nữ, bận váy áo Vân Kiều, chiếc khăn thổ cẩm quấn hững hờ trên đầu, đôi mắt màu nâu đẹp, sáng long lanh, sóng mũi thẳng và nụ cười rạng rỡ…

- Hình vợ tôi đó, chụp từ thời thiếu nữ, lúc biểu diễn văn nghệ ở hội diễn toàn ngành giáo dục…

Trời đất, người ta nói trái đất tròn quả thật không ngoa chút nào. Hương, cô giáo Hương chứ còn ai vào đây nữa. Ký ức ào ạt dẫn Tùng về miền rừng xa lắc mà 25 năm về trước, chàng trai thị thành đã bỡ ngỡ lạc chân đến, đến nay vẫn chưa một lần trở lại. Miền rừng đó có những cánh rừng thâm u xen lẫn những quả đồi trọc với rất nhiều cành cây khẳng khiu chĩa thẳng lên trời sau mùa đốt rẫy, có những con đường ngoằn ngoèo hai bên mọc đầy hoa chuối đỏ tươi, lấp ló cùng bờ cỏ dại, có những mái nhà sàn đẹp như cổ tích và ngôi trường lợp tranh chơ vơ nhìn xuống một thung lũng lớn. Đặc biệt, vùng rừng ấy có đêm trăng huyền diệu với tiếng kèn Amam da diết cất lên cùng điệu Tà-oải xa xăm trầm bổng. Bên bờ suối vắng ngập tràn trăng và những lời giao duyên, Tùng đã trao nụ hôn đầu cho một cô gái có mái tóc dài như suối, rồi vội vã rời xa…

Những cuộc họp hành liên miên, các đợt tập huấn, tu nghiệp đưa bàn chân Tùng đi xa, xa lắm: những thành phố huyên náo suốt ngày đêm không ngủ, những ngôi làng châu Âu đẹp như trong truyện cổ Adersen, những đỉnh núi phủ đầy tuyết trắng ở xứ phù tang…

- Kèn Amam, cây kèn Amam đây mà.

Tùng gần như thốt lên khi ánh mắt tiếp tục chạm vào một kỷ vật xưa cũ. Cây kèn được treo ở một vị trí trang trọng trong phòng khách. Những nhánh cây đương đã ngả qua màu nâu sẫm cùng thời gian xa lắc. Tùng nhớ trước khi về thành phố, Hương dúi vào Tùng rất nhiều quà rừng núi, trong đó có Kèn Amam nhưng vì quá cồng kềnh nên Tùng tạm thời bỏ lại, hẹn khi nào Hương về thành phố sẽ mang theo.

Tay Tùng run run sờ lên cây kèn, toàn thân Tùng chợt nóng bừng và đôi môi Tùng mấp máy: Kèn Amam không thổi một người / Em biết thương ai bây giờ ngoài anh? 

P.M.Q

 

 

PHẠM MINH QUỐC
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 338

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground