Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Khúc trầm luân

Đ

ứng bên này sông, ông Thụy Phương nhìn về phía làng Bún. Không ai ngờ nằm im ỉm ở dưới đồng đất sâu đó là một ngôi thành cổ. Ngôi thành rộng lớn và nguy nga, những cổ vật được khai quật từ dưới chân thành nói lên điều đó. Những chiếc vòng vàng chấp chới, những vật dụng của bà Hoàng, ông Chúa một thời vàng son. Họ từng là những bậc vương giả, những ngôi hậu đất không vương đến gót giày. Ông Thụy Phương tỉ mẫn làm sạch từng cổ vật, có cái cơi trầu và bình vôi làm ông nhớ tới một người, mẹ ông. Mẹ ông mất cũng đã hơn mười năm rồi, mộ bà chôn ở đồng Bát Lạc. Không biết rồi hàng trăm năm sau người ta (những nhà khảo cổ) có mó men tới mộ mẹ ông hay không? Ông tuyệt nhiên không muốn có điều đó. Bởi vậy, ông chôn cất mẹ như một người bình thường. Không đền đài miếu mạo, không một vật tuỳ táng mang theo (mặc dù ông thừa sức làm việc đó). Và cùng năm tháng, thân xác đó sẽ rã mòn trở về với người mẹ đất. Người đàn bà được yên nghØ, chẳng ai nghĩ rằng dưới một mô đất cao cao kia từng có một người đàn bà nằm xuống và trên mô đất đó nở những bông hoa cúc dại màu tím than. Bông hoa hình mặt người, bông hoa mang màu sắc nụ cười của người đã khuất, những bông hoa kết hạt rồi nảy mầm và đến mùa cúc dại trổ bông, một cánh đồng mang sắc màu tím than trôi xa, mênh mang…

Giáo sư Thụy Phương là bậc đàn anh trong ngành khảo cổ. Người trong ngành bái phục ông mấy phần. Từ việc xác định niên đại cổ vật cho đến những kết luận cuối cùng về khảo cổ, ở đâu có bàn tay của ngài Thụy Phương ở đó đạt đến độ chính xác tối đa nhất. Ông là một chuyên gia đầu ngành. Tuần này, ông cùng hai người bạn đó là ông Bảo Lâm và ông Duy Kỳ vào tận miền Nam. Ở đó, người ta tìm thấy một cái xác cổ và các ông vào để “nói chuyện” với người nằm trong quan ngoài quách đó, bắt họ lên tiếng chơi.

Không như cái suy nghĩ lúc ban đầu của cán bộ bảo tàng ở địa phương rằng “có các Giáo sư đầu ngành của Trung ương thì xác cổ được đánh thức”. Qua hơn một tuần làm việc, cái xác vẫn lặmg im. Dựa vào các vật tuỳ táng thì cán bộ địa phương cũng biết đây là một người thuộc dòng dỏi Hoàng tộc cần gì đến các ngài ở Viện khảo cổ? Cái mọi người quan tâm đến là niên đại của nó, nguyên nhân cái chết của di thể tìm được... và những cái đó nói lên điều gì?

Đã ba đêm rồi ông Thụy Phương không ngũ. Mỗi lần nghĩ về cái xác cổ thì hình ảnh mẹ ông lại hiện về. Lần đầu tiên khi chạm tay vào cái xác cổ, Thụy Phương giật thót mình “đó như là khuôn mặt của mẹ, lại có tiếng khóc rấm rứt, tiếng ru con phát ra từ bộ xương”. Những ngày thơ ấu trong ông lại hiện về, ông như một búp sen nhỏ được sự chở che của mẹ. Búp sen nhỏ khép nép mình còn người mẹ của nó thì giang rộng vòng tay đợi ngày búp sen toả hương thơm ngát! Thơm cho nó và thơm cho cả mặt hồ ...

Cái xác có niên đại gần 1.000 năm tuổi, ống xương nhỏ và đen, nhẹ. Đó là một người phụ nữ. Bà ta chết vào khoảng 75 tuổi, xương  cổ tay và xương chậu có những vết rạn nứt, xương  đốt ngón tay út bị cong… rất có thể người đàn bà này từng bị đánh đập, ngược đãi lúc đang còn sống. Các anh xem, trên hộp sọ có một vết nứt. Người đàn bà này chết ngay sau khi bị chấn thương, xương quai hàm phải có một vệt nứt dài, ở vệt nứt này có màu đỏ hỏn. Máu hay là những ghỉ màu của tháng năm?” Ông Thụy Phương tự hỏi. Chi tiết này làm đau đầu các nhà khảo cổ. Họ túm tụm lại bên cái xác khô khan, bỉ cực. Ông Bảo Lâm ngồi nhìn chiếc quan tài lặng lẽ, lần đầu tiên đối diện với một cái xác khiến ông đau lòng. Mắt ông như cụp xuống “thôi chẳng nên suy nghĩ gì nữa”. Ông thấy một chút hối tiếc vì đã đến đây. Làm nhà khảo cổ, đối diện với hàng núi hài cốt, xương người sao hôm nay ông nghe nỗi buồn mênh mông quá! Ai đã ngược đãi người đàn bà đó? Phải chăng đó là con của bà lão? Nếu đúng như vậy thì ác nghiệt quá rồi, thê thảm quá rồi. Hết chỗ rồi sao hả trời? Giận cá chém thớt cũng được. Chó đấy, mèo đấy,  hay giả dụ là cột dừa, cây chuối … cho hắn tha hồ trút giận. Cứ đánh cho tả tơi vào, cho bầm dập… Đồng ý đó cũng là sinh linh nhưng sinh linh đó không sinh ra mình, không mang nặng đẻ đau đứa con như mình hay chí ít mình không gọi hắn bằng một từ thiêng liêng “Mẹ”. Ông Bảo Lâm thấy lạnh người bởi những suy nghĩ đó.

Đêm.

Các nhà khảo cổ ngủ lại trong một ngôi làng nhỏ nằm cạnh một con sông. Bên sau làng là một dãy núi thấp (những ngọn núi không với được tới trời).  Mạch nước ngầm từ ngọn núi chảy ra không đủ để dùng cho người dân làng quê nơi đây. Bỡi vậy, nó cố gắng lắm cũng không đủ để khoã lấp những bãi cát sạn nhấp nhô. Cái xác cổ ở Xóm Cải cứ mãi ám ảnh khiến ông Bảo Lâm không tài nào ngủ được. Ông ngồi châm điếu thuốc rồi nghĩ mênh mang. Thụy Phương kéo dài hơi thở sau những ngày mệt nhọc với bộn bề công việc. Ngồi nhìn ông bạn đồng niên, ông Bảo Lâm cười “già rồi mà ngủ như một đứa trẻ, cứ giang rộng tay chân như không có sự vương vấn gì?”. Nhớ ngày mẹ mất, lúc đó Thụy Phương đã ngoại tứ tuần. Nhưng ông vẫn khóc nức nở như một đứa trẻ, nước mắt ngập tràn trên mắt ông, vợ ông thét gào đến lạc giọng. Cả đám hiếu ai nấy đều sụt sùi, có mấy người thanh niên phục vụ đám hiếu ngó lơ đi chổ khác “khói hương gì mà cay dữ?” tiếng trống kèn hoà vào tiếng khóc nghe ai oán. Cả ông kéo nhị nữa, đám nào ông cũng kéo tưng tửng vậy mà đám này ông kéo nhị nghe buồn thiệt buồn. Có người chịu không nỗi nên buột miệng “thê lương quá đi! mai mốt đám tôi đừng có mướn ông tổ này, tội nghiệp con cháu”. Ông Bảo Lâm khoác thêm chiếc áo cho đỡ lạnh “kiếp người như chiếc lá lắt lay trong cơn giông bão. Mới hôm qua  gặp cụ còn nói cười ở đầu ngõ, bây giờ thì nằm im ỉm - bà cụ chết do bị trượt chân xuống thềm nhà”. Tội nghiệp ông Thụy Phương cả đời làm khảo cổ cứ rong ruổi cuối đất cùng trời ông có mấy ngày được phụng dưỡng mẹ? Có lẽ điều đó đã làm cho những giọt nước mắt trên khuôn mặt ông nối đuôi nhau, bất tận…

* * *

Các nhà khảo cổ quay trở về với một nửa sự thật chưa tìm được. Họ ở lại trong một khách sạn lớn của Thành phố. Nhìn vẻ mặt rầu rầu của ông Bảo Lâm, Duy Kỳ vẫn im ắng “kệ lão, con người đa cảm ấy mà khuyên lơn chỉ làm lão lún sâu vào chuyện tình cảm”. Thụy Phương thì ngược lại “Bảo Lâm, anh bị ám ảnh bởi cái xác Xóm Cải à? Ôi trời! xem anh kìa, sự thật đó đã là gì đâu. Bà lão chết vì bị ngược đãi, thì sao nào? Từ cổ chí kim thiếu gì con người bị đồng loại của mình ngược đãi. Mà đồng loại đó là ai? Có thể là người bà con chòm xóm, một kẻ lạ mặt hoặc là con cháu bà lão. Thì sao nào, việc đó rất thường tình, tôi muốn nói rằng đời sống con người không sao tránh khỏi. Vả lại chuyện đó là quá vãng rồi bận lòng đến thế sao thưa ngài Bảo Lâm?”. “Nhưng mà anh Phương à, nếu người ngược đãi bà lão là con của bà rứt ruột đẻ ra?”. Ông Thụy Phương nhìn người bạn của mình không trả lời rồi ông quay sang điện thoại cho vợ “Bà mua hoa quả thắp nhang cho mẹ, hôm nay rằm”. Bà vợ Thụy Phương thường mua sen hồng cắm lên bàn thờ mẹ chồng theo ý của ông Phương. Những bông hoa vô thường, thoát tục một thời mẹ ông nâng niu gánh ra chợ bán để cho ông Thụy Phương chắp cánh ước mơ bay lên thanh tao như một con Hồng Hạc. Không ít người (kể cả người ngoại quốc) mỏi cổ nhìn ông tựa như cái kiểu ngước mắt nhìn trời vậy.

Giấc mơ ban trưa trơn trượt trôi về, ông Thụy Phương ú ớ trong cơn mê sảng. Người ông ướt đẫm mồ hôi rồi ông thở dốc. Ông cố cựa quậy nhưng không sao ngồi dậy được. Có sắc màu liến thoắng như bông sen tàn cuối hạ, có những bông cúc dại mang hình mặt người màu tím than. Mẹ ông hay là cái xác cổ? Có cả hai. Người đàn bà đó đứng im một lúc với đôi má sưng vù, bầm dập. Những sợi tóc trắng dựng đứng trong cơn gió rít. “Mẹ” ông Thụy Phương thảng thốt kêu lên, người đàn bà vẫn im lặng với đôi mắt đờ đẫn. Một lúc sau, từ đôi môi héo úa người đàn bà cất lên thành tiếng “ta không phải là mẹ ngươi, cũng không phải là mẹ của ai cả. Ta là ta… là ta… là ta… là ta…” tiếng thét hoà lẫn trong tiếng cười man rợ, người đàn bà đưa hai cánh tay khô ráp bóp chặt cổ ông Thụy Phương. Đôi bàn tay với những móng vuốt sắc nhọn thọc sâu vào thớ thịt mềm nhũn, có tiếng kiền răng kêu cót két, tiếng máu sục sôi, tiếng người đàn bà cười ha há. Cơn giận dữ cuộn sóng, một sự hành xử như những kẻ nợ máu mà con nợ bất lực với một món nợ khổng lồ còn chủ nợ thì đầm đìa trong nước mắt “phải lấy, một nửa …” mặc dù lòng thì vẫn cứ đau.

Ánh sáng mang màu sắc của hoa sen tàn cuối hạ pha lẫn màu tím than lại xuất hiện ở phía cuối căn phòng, cánh tay khô ráp trên cổ ông Thụy Phương từ từ buông lõng, có tiếng gõ cửa từ phía bên ngoài, khung cảnh trở lại yên bình. Ông Thụy Phương vẫn nằm ở trên dường với chiếc cổ tứa máu.

Ngày hôm sau, tờ “ToDay” đưa tin trên trang nhất với cái tít giấc mơ có thật - người về từ lòng đất hay chuyện ma ăn thịt người”. Cái tin sốt dẻo ấy đã được ém nhẹm thế mà cánh nhà báo vẫn moi ra. Một tin khác “có ai đó bán cho tờ ToDay với một khoản rất hời”. Tờ ToDay bán chạy ráo với hàng loạt bài liên quan đến sự kiện đó, các nhà thần học cũng nhảy vào giải mã giấc mộng. Dân chúng trong thành xôn xao “hay là Giáo sư Phương thất lễ”, thằng cha tâm thần ngồi bên vĩa  chợ cười khinh khỉnh thêm vào câu chuyện bàn tán của mấy bà bán hàng trái cây “..  hà… mẹ ông bóp cổ chứ ai” “Điên, sao mày biết mẹ ông bóp cổ?” “tui không biết, mấy chị đi mà hỏi mẹ ông?” cả khu chợ ầm lên bởi tiếng cười “đúng là thằng điên”.

Ông Thụy Phương trở về với căn nhà của mình và giấc ngủ trưa đối với ông là cả một sự ám ảnh đến khiếp đảm. Hồn ma đó vẫn bám riết ông với nụ cười khinh bạc. Mỗi lần ông nhắm mắt lại thì hình ảnh của người đàn bà đó hiện ra hoang tợn. Ông thắp nhang lên bàn thờ mẹ nhiều hơn. Có những đêm, ông đứng khấn lầm rầm bên bàn thờ mẹ. Thành tâm và xúc động. Những cổ vật trong đã được vợ ông chuyển đến một nơi khác (nơi yên lặng cho những linh hồn bám theo cổ vật), bà gói ghém tỉ mẫn như chồng bà từng làm đối với chúng. Khi bà đụng đến một vật được gói rất kỷ bằng giấy báo ở trên bàn thì bà bắt gặp giọng nói của chồng “tiền đấy, gần trăm triệu” “ở đâu ông có nhiều quá vậy?” “giấc mơ”… ôi giấc mơ bạc triệu! Bà lại đặt những cổ vật vừa mới cầm lên tay vào chỗ cũ. Ông Thụy Phương nhìn chằm chằm “bà định để cho tôi có thêm những giấc mơ sao?” “xía, ông sợ đếch gì mấy con ma ấy. Chẳng qua là ông ngại việc giao dịch với báo giới. Tờ ToDay hả? nếu ông ngại thì đừng ra mặt…”

Và…

Giấc mơ bạc triệu lại trở về.

Mẹ ông, có cả chú Thụy Du nữa. Trông cái nhìn của chú ấy thật chết khiếp! Ngày khâm liệm mẹ, chú cũng nhìn Thụy Phương bằng đôi mắt đó, đôi mắt như dao, đôi mắt nổi sát khí đùng đùng và cũng đôi mắt đó ông nhìn xuống xác chị dâu nghẹn ngào trong nước mắt “chị Thiền ơi! kiếp người sao đắng nghiệt!”. Chỉ có vậy. Mấy ngày sau, chú Thụy Du hầu như không nói một lời nào. Rồi chú cũng mất, đôi mắt chú không nhìn thấy gì nữa. Chú nói với vợ con “như vậy là tốt rồi, đỡ phải nhìn thấy những cảnh đời đen bạc” vợ chú hỏi “sao vậy ông?” chú cười “à tôi nói chơi vậy mà”. Ngày đưa mẹ ra đồng Bát Lạc, chú bước đi như một người mộng du. Hôm ấy, trời phủ sương dày đặc. Đoàn người đi trong sương, tiếng khóc, tiếng trống kèn chạy đi trong sương, những cái đầu quấn khăn trắng lặn vào trong sương, mái tóc bạc phơ lạc vào trong chiếc quan tài trắng chìm sâu trong sương trắng… tất cả nằm sâu trong màn sương, phủ kín. Ông trời như khoả lấp cho một cái gì đó bằng sương. Có thể là nỗi đau, là niềm bi ai không sao thấu nỗi (mà cũng có thể là một điều gì đó chỉ có trời mới biết!).

Thụy Phương” tiếng gọi lớn của người chú ruột khiến ông giật bắn mình. Mẹ ông nhìn ông như những ngày ông còn thơ dại. Ánh mắt bà chứa chan bao yêu thương và sự bao dung trong những trò đùa của con trẻ. Ông nghe như có giọt nước rơi, mẹ đã khóc. Từng giọt nước mắt rơi trên cái bình vôi được gói bằng giấy kiếng màu hồng, không hiểu sao vẫn có vôi vương vãi ra ngoài hoà vào những giọt nước mắt bạc phếch (bạc như một kiếp người). Lại có tiếng gió rít liên hồi, tiếng nói cười hoang tợn. Người đàn bà đứng bên cạnh chú Thụy Du không phải là mẹ ông. Hai bàn tay khô ráp lại tiến đến xiết chặt cổ ông Thụy Phương, rồi cũng hai bàn tay đó đánh té tát vào mặt ông bầm dập. Ông Thụy Phương bất lực trong sự hoang tợn của người đàn bà. Người đàn bà lại đưa tay lên cao rồi quật mạnh bàn tay khổng lồ xuống đất, một luồng gió ào ạt đổ tới, những cổ vật vỡ vụn trong cơn bảo ma quái, gió lại rít lên từng hồi thê thảm. Từ chiếc gương lớn đặt ở cuối phòng toả ra ánh sáng màu hồng nhạt như những cánh sen, người đàn bà và chú Thụy Du biến mất. Tất cả đồ vật trong phòng đều vỡ vụn, chỉ còn cái bình vôi và cái cơi trầu vẫn nằm đó, bất động. Ông Thụy Phương đờ đẫn trong cơn hoang loạn, ông với tay lấy cái cơi trầu và cái bình vôi của mẹ ném xuống nền nhà. Bốp, một tiếng nghe như vỡ toang nhưng cái bình vôi vẫn trong nguyên vẹn.

Tờ ToDay đã phát đi cảnh quay ma quái đó trên trang báo điện tử ToDayonline. Họ đã cài đặt sẳn những chiếc Camera tự động trong nhà giáo sư Phương. Cư dân mạng được một phen chiêm ngưỡng những cảnh tượng vô cùng kỳ bí. Ông Thụy Phương cũng không tin nổi vào mắt mình, đó đúng là chú Thụy Du. Nhưng còn  người đàn bà thì nửa hư nửa thực (?). Hai ngày sau, cư dân mạng lại vào trang ToDayonline để xem lại thông tin đó nhưng những hình ảnh đều bị biến mất. Lại có thêm một bài bình luận mới “Cuốn video quay những linh hồn có thực đã bị biến mất một cách khó hiểu”.Người ta lại xôn xao đủ điều về câu chuyện đó. Hình ảnh của ông Thụy Phương xuất hiện hầu hết các tờ báo, tạp chí lớn. Đọc giả đổ xô lên mạng, người người đi mua báo…tờ ToDay trở nên khan hiếm, không hiểu sao thằng điên ở vỉa chợ kiếm đâu đó được một tờ, nó nhìn ảnh của ông Thụy Phương trên mặt báo rồi nói “ông Phương, giá mà tui có mẹ chắc tui thương bà hết biết” cả chợ lại lăn lóc ra cười. Hôm ấy, trời mưa ướt hết áo thằng điên.

* * *

Tháng giêng, những cơn mưa lất phất bay. Đồng Bát Lạc tím mênh mang bởi những bông hoa cúc dại. ông Thụy Phương đi theo những bông hoa màu tím, đi theo tiếng gió luồn qua chân tóc. Ông đứng nhìn ngẩn ngơ những bông hoa màu tím. Có ai hát ru con nghe buồn đứt ruột “à ơi, mẹ nuôi con bằng sông bằng bể. Con nuôi mẹ kể tháng kể ngày”. Giây phút lặng lại của tâm hồn sao nghe buồn mang mác, buồn hơn cả những giọt nước mắt, buồn hơn cả  nổi đau. Ông ngồi lặng im để mặc cho cái giá rét chớm tối chạy về, để mặc cho những tháng ngày đã đi qua, loang lỗ. Nằm còng keo ôm một mô đất cao trên đồng Bát Lạc, giấc ngủ đến với ông nhẹ nhàng êm ái hơn. Tựa như có tiếng ai hát ru, như có tiếng nói ấm áp từ những ngày xưa vọng về, như có bàn tay của người mẹ vuốt ve con trẻ. Sáng hôm sau thức dậy, ông ngỡ ngàng “Sao mình lại ở đây?”.

 Ông nhìn đồng Bát Lạc trong con nắng sớm mai, ở đây nắng mang màu tím, bầu trời cũng mang màu tím và giấc mơ đêm qua tím rịm một tâm hồn. Chỉ trên mười năm, những bông hoa cúc dại lan xa hơn bất cứ dấu tích nào của thời gian. Một cánh đồng tím ngắt. Cứ chiều xuống, cùng với con nắng trong buổi hoàng hôn màu tím đó chảy lan ra mặt đất, chảy ngược lên cả một góc trời. Mỗi chiều,  người dân thành phố đến ngoạn cảnh ở nơi đây. Người già đến đây nhiều hơn con trẻ. Trong cái màu tím ngắt đó có người nói “đẹp nhưng mà buồn đến tận trời xanh”.

* * *

Ông Thụy Phương lại nói cười như những ngày trước. Bạn bè đồng nghiệp đến chúc mừng ông. Căn nhà ông giờ đây được phong toả bằng những lá Bùa được viết bằng một thứ chữ, những ký tự dị biệt. Như để giải thích, ông Thụy Phương nói với mọi người “Bùa đấy các anh ạ. Tôi đã mời một thầy hộ pháp rất giỏi ở vùng biển miền Trung ra trấn áp, hay thật mọi thứ trở lại như thường”. Ông Bảo Lâm đến bên bàn thờ thắp nhang cho bà cụ (ở đó, trên tấm ảnh của bà cụ có một lá Bùa án ngự). Mọi người nhìn thấy ông Bảo Lâm giật mình khi cắm những cây nhang. “Sao vậy anh Lâm?” một người trong nhóm hỏi, “à chỉ ngọn gió chạy ngang qua thôi”. Mọi người cười ồ “anh Lâm, đừng nói với chúng tôi rằng là anh tám vía đấy nhé”. Ông Bảo Lâm nhìn mọi người cười rồi ngồi xuống bàn tiệc “có một ai đó đang ở quanh đây”.

Gần đến chính ngọ, mọi người bắt tay tạm biệt ngài Thụy Phương. Những thực khách no nê khệnh khạng bước ra cửa. Thụy Phương tiễn họ ra đến cổng rồi quay vào nhà. Nhìn những lá Bùa án ngự xung quanh ông cười khẩy, rồi nụ cười đó tắt ngúm bỡi một không gian tỉnh lặng đến lạ thường. Có cái gì đó nhung nhúc trong gió, tiếng cựa quậy của một vật gì rất khó hình dung, rồi khói nhang thả lên những khuôn mặt người bạc phếch ẩn mình trên tấm cơi màu huyết dụ với những chiếc răng dài dính máu. Tiếng khóc bao trùm lấy căn phòng, tiếng chuông vọng về từ cõi xa xăm, những lá Bùa án ngự xung quanh nhà bốc cháy, tấm hình mẹ ông giờ chỉ còn là một mảng tro dựng đứng. Từ mảng tro đó bật lên những tiếng cười ngạo nghễ “hả ha ha ha... hả ha ha ha...phúc phúc, phận phận, tài tài, đức đức... hả ha ha ha... tật nguyền, tật nguyền... hả ha ha ha...”. Gió rên xiết, khói hương khóc thầm, từng mảnh võ Beer vỡ vụn xoáy tròn xung quanh người ông. Giáo sư Thụy Phương sợ hãi đến cùng cực, ông sụp mình trước bàn thờ tổ tiên, những cánh sen trên bàn thờ rơi rụng như những giọt máu. Đôi mắt Thụy Phương rực sáng khi thấy được một luồng ánh sáng lùa qua phía cửa. Ông đứng dậy bỏ chạy khỏi căn phòng. Ông chạy mãi, chạy mãi nhưng khoảng cách từ ông đến cánh cửa cứ mãi dần xa...

* * *

Ngày Hội tôn vinh những gia đình tiêu biểu của Thành phố, Giáo sư Thụy Phương đứng lên bục nhận hoa. Bài phát biểu của ông hôm đó khiến mọi người phải trầm trồ khen ngợi. Đó là một bài phát biểu hay nhất về tình cảm gia đình, về sự thuỷ chung gắn bó. “… Tôi luôn luôn nghĩ về mẹ, không có mẹ chắc gì tôi có được như ngày hôm nay? Chỉ tiếc rằng mẹ đi quá sớm nên tôi không được báo đáp,không được phụng dưỡng Người…”.  Xong đoạn đó, ông Thụy Phương đưa mắt nhìn con đường chạy thẳng vào tiền sảnh. Từ cuối con đường chảy sắc nắng vàng vọt, mẹ ông bước đi thất thểu, trên tay bà cầm một chiếc túi bóng màu đen. Mẹ bước đến bên Thụy Phương, chiếc bao bóng màu đen được xổ ngược, một cái đầu người lăn long lóc với nụ cười trệu trạo màu tím than. Ông Thụy Phương đỗ gục trên bục, đám người có mặt hôm ấy đến vực ông dậy. Ông cúi đầu xuống đứng lặng im, mọi người xúc động tràn trề, những cái ôm thân tình thắm thiết giành cho Giáo sư Phương. Trưởng ban tổ chức buổi lễ phát biểu “vâng, những phút giây thật cảm động. Khi chúng ta nghĩ về mẹ cũng là lúc lòng chúng ta trổi dậy với những yêu thương. Nhất là đối với những người như ngài Thụy Phương, khi người mẹ thân yêu đã ra đi mãi mãi thì tình yêu thương đó càng nhân lên gấp bội...”.

Đúng hôm ấy, Giáo sư Thụy Phương chết khi ông cho xe chạy ngang đồng Bát Lạc. Bà vợ ông khi tỉnh dậy không biết mình là ai. Chiếc xe hơi nằm vùi trong những bông hoa cúc dại, miệng ông nuốt ngập những bông hoa cúc hình mặt người màu tím than. Nhiều tờ báo in ở trang nhất “Tin buồn…”.

Thật khó tin nỗi, các lực lượng chức năng đã giám định pháp y, chiếc ô tô cũng được khám xét kỷ lưỡng. Trên người Giáo sư Phương không có bất cứ một tỳ vết nào, chiếc ô tô vẫn còn trong nguyên vẹn. Cuốn nhật ký “Ghi lại những giấc mơ” của Giáo sư Thụy Phương đã bốc cháy giữa một lùm hoa cúc dại chỉ còn lại trang bìa... Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến cái chết của ngài Thụy Phương? Phải chăng trong việc này có bàn tay của những “hồn ma” mà chúng tôi đã đề cập ở những số báo trước? Xin mời các bạn tiếp tục theo dỏi thông tin trên hai hệ thống của báo chúng tôi: ToDay và ToDayonline

Nhưng rồi mọi việc chìm sâu trong im lặng...

* * *

Một ngàn năm sau.

Đồng Bát Lạc được quy hoạch để xây dựng một cụm điểm du lịch của Thành phố. Những máy xúc, máy ủi đêm ngày đào xới để kịp với tiến độ của công trình hoàn thành trong dịp tết. Một nữa cánh đồng hoa cúc chìm trong đất đá. Rồi công trình cũng phải dừng lại. Một toà thành cổ nằm dưới đồng Bát Lạc, những cổ vật được khai quật lên. Có một cái xác cổ được tìm thấy, những mẩu xương còn sót lại đủ để cho các nhà khảo cổ xác định:“Cái xác có niên đại hơn 1.000 năm tuổi, ống xương nhỏ và đen, nhẹ. Đó là một người phụ nữ. Bà ta chết vào khoảng 75 tuổi, xương ở cổ tay và xương chậu có những vết rạn nứt, xương  đốt ngón tay út bị cong… rất có thể người đàn bà này từng bị đánh đập, ngược đãi lúc đang còn sống. Các anh xem, trên hộp sọ có một vết nứt. Người đàn bà này chết ngay sau khi bị chấn thương, xương quai hàm phải có một vệt nứt dài, ở vệt nứt này có màu đỏ hỏn...  đây, ở mảng da còn sót lại có một lớp keo mỏng dính. Có thể đó là một thứ nhựa cây được quét lên cái xác trong lúc khâm liệm, nhờ đó cái xác mới tồn tại đến ngày nay”. Giáo sư Thụy Kha tỉ mẫn phân tích từng chi tiết cụ thể cho học trò của mình xem. Ông là hậu duệ đời thứ 14 của dòng họ Thụy làm khảo cổ. Ông là một giáo sư đầu nghành. Điều khiến ông thắc mắc không hiểu “cái màu đỏ hỏn đó là gì? Ai đã làm điều đó đối với bà ta?Và cả cánh đồng cúc dại nữa nó tím đến lạ lùng, cái màu tím đó chỉ có nơi đây - ở cái đồng Bát Lạc này”...

 “Thầy Kha” tiếng gọi của người học trò cắt đi dòng suy nghĩ của ông “thầy ạ, có một bức thư đặt bên dưới cái xác cổ”. Các nhà khảo cổ túm tụm đến bên bức thư. Đó là một tấm giấy khá rộng được ép lại trong một thứ chất dẻo siêu bền, văn tự cổ đó duy chỉ có Giáo sư Thụy Kha mới đọc được, đó là một kiểu chử viết riêng của dòng họ Thụy. Cầm bức thư trên tay, Giáo sư Thụy Kha không dấu được nổi buồn, niềm đau đến quặn thắt. Có nhiều điều không ngờ đến trên cõi đời này và cả trong gia tộc họ Thụy, một khúc trầm luân! Người ký tên dưới bức thư - Thụy Du.

Giáo sư Thụy Kha đưa bức thư cổ cho người học trò. Đôi tay ông run run “Em hãy đốt tờ giấy này đi” “Thầy, sao thầy lại khóc?” “Không có gì đâu, em đốt nó đi nhé” “nhưng thưa thầy…” “làm ơn, hãy đốt nó cho thầy”. Người học trò đem bức thư đốt, cánh đồng hoa cúc màu tím than hoà vào trong làn khói mỏng tang bay  mất hút trên trời cao. Một nửa cánh đồng Bát Lạc vẫn rưng rức màu tím…

                                                                                    H.H.L 

 

Hoàng Hải Lâm
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 177 tháng 06/2009

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground