Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Kỷ vật 40 năm

S

áng mồng 6 tháng 2 năm 2008, mới qua tết Nguyên đán mấy ngày, cả khu đồi Tà Cơn ướt đẫm sương, trời giá buốt. Bình thường thì ở khu lòng chảo Khe Sanh và nhất là vùng đồi Tà Cơn- Rào Quán nhiệt độ đã thấp hơn nhiều so với dưới xuôi. Mùa gió Lào, cả tỉnh Quảng Trị chỗ nào cũng hừng hực hơi lửa thì ở đây buổi sáng và chiều tối người ta phải mặc áo ấm. Chẳng thế mà khách du lịch vẫn gọi Khe Sanh là Đà Lạt của xứ gió Lào cát trắng. Năm nay, từ trước tết Nguyên đán kéo qua đến tận tháng hai này, cả nước đang dầm mình trong một đợt rét hại tê tái thì ở chốn Tà Cơn này khí hậu càng buốt giá hơn.

Đã hơn 7 giờ sáng mà mấy chị em trong tổ quản lí di tích Tà Cơn vẫn còn nằm co ro trên giường. Không phải vì rét hoặc lười biếng. Hầu hết khách tham quan đến di tích này sớm nhất cũng khoảng 10 giờ. Thường thì họ ngủ lại dưới thị xã Đông Hà, sáng ra cơm nước xong, cà phê cà pháo thoải mái mới lên Khe Sanh. Khách tour DMZ còn muộn hơn vì xuất phát từ Huế hoặc Đà Nẵng. Buổi sáng ở Tà Cơn là khoảng thời gian tuyệt diệu, tĩnh mạc một cách khác thường. Nằm trên giường có thể nghe được từng tiếng sương roi lép tép trên những tá lá cà phê, hoặc tận hưởng cái hương thơm của hoa cà phê đến mức gần như mà một thứ nghiện.

Tuy nhiên sáng nay, ngày mồng 6 tháng 2, có một vị khách đến quá sớm. Là một cựu chiến binh, chắc cỡ cũng bự- mấy cô trong tổ quản lí nằm trên giường nhìn ra đoán thế, mặc dù ông khách không hề đeo huân chương hay lễ phục có gắn quân hàm. Ông bận bộ quân phục mùa đông đã bạc màu nhưng vẫn còn rất tươm tất, đầu trumg chiếc mũ len màu mận chín, bên vai lủng lẳng một túi vải mà hình như chẳng có gì bên trong, lép kẹp. Tuy nhiên ngược lại với lối ăn mặc quá giản dị ấy là một khuôn mặt vuông, đôi mắt rất sáng, đặc biệt là dáng đi mạnh mẽ với từng bước sãi dài.

- Dạ chào bác

- Kính chào chú ạ.

Cả hai cô gái cùng chạy ào ra và tranh nhau chào. Người khách khẽ gật đầu, cười nhẹ. Giọng nói hơn khàn khàn:

- Mấy đồng chí… chắc đang ngủ phải không?

- Dạ không ạ… À mà vâng ạ, tại vì… Một cô nhân viên không dấu được vẻ lúng túng khi chợt nhớ ra là quần áo trên người đang mặc rất xộc xệch.

- Không sao – Vị cựu chiến binh vẫn giữ nét mặt hiền từ- Ở dưới nhà khách huyện họ có cho biết trên này khách tham qua thường đến rất muộn.

- Dạ đúng thế ạ.

- Tôi cũng định tý nữa mới lên… Nhưng thú thật… sốt ruột quá… Thôi, xin các đồng chí thông cảm.

- Thưa bác không sao đâu ạ. Các bác lên được đây là vinh dự cho bọn cháu lắm. Bất cứ lúc nào chúng cháu cũng phục vụ ạ. Xin bác ngồi uống nước, cho phép bọn cháu chuẩn bị vài phút…

- Không cần – Vị khách xua tay- Nếu không có gì đáng ngại thì cứ mở cửa cho tôi xem một mình, không cần giới thiệu đâu. Các bạn cứ thoải mái sinh hoạt buổi sáng. À… nhưng mà… như thế thì lại sai nguyên tắc nhỉ, không đảm bảo an toàn, đúng không?

Mấy cô hướng dẫn viên nhìn nhau cười trừ. Vị khách tỏ ra quá dễ tính:

- Thôi, không đi đâu mà vội. Cho tôi xin ấm trà được không? Các đồng chí cứ thoải mái, chẳng việc gì phải cập rập. Tôi tranh thủ ngắm cảnh khu sân bay này cũng thích chán.

Nói rồi vị khách chủ động đi ra phía sau ngôi nhà đón tiếp. Ông phóng tầm mắt nhìn bao quanh một lượt. Có vẻ ông không quan tâm lắm đến những chiếc máy bay lên thẳng của Mỹ được đặt ngang hàng với nhà bảo tàng, cái thứ hiện vật mà nói chung mọi du khách đều thích thú. Ông đi nhanh đến bên cạnh đoạn hàng rào bùng nhùng đã hoan rỉ, cúi thấp xuống tỉ mần lần mò từng đoạn. Rồi ông ngồi hẳn xuống chỗ đó rất lâu. Ở  ngoài nhà đón tiếp, mấy cô hướng dẫn viên vừa đánh răng vừa chỉ trỏ ra ngoài. Ai cũng cảm thấy vị khách này thật là lạ.

Chưa tới vài chục phút, các nhân viên mở cửa nhà bảo tàng. Vị khách hăm hở bước vào. Một cô hướng dẫn viên hỏi khẽ

- Thưa bác, có cần chúng cháu giới thiệu không ạ?

- Không cần đâu, tôi tự xem được.

Rồi ông chậm rãi bước từng bước trang nghiêm như thể đi qua một chốn nào đó thật linh thiêng. Khác xa với những đoàn khách du lịch thông thường, ông không dừng quá lâu cho những thứ như súng ống, cây nhiệt đới của Mỹ, bi đông, ba lô của giải phóng quân mà lại dán mắt vào mấy bức ảnh như thể đang tìm chân dung ai đó. Đặc biệt là những tấp ảnh chụp người dân các dân tộc huyện Hướng Hóa. Tất cả đều là ảnh đen trắng, nhiều tấm đã ố mờ. Bàn tay gân guộc của ông cứ gỡ chiếc kính ra, lại đeo vào, day lên day xuống, đôi khi còn đưa ngón tay xoa xoa lên ảnh như thể muốn gạt đi lớp bui thời gian đang phủ trên từng khuôn mặt. Rồi như chợt nhớ ra là không được sờ vào hiện vật, ông quay lại nhìn cô hướng dẫn viên, bối rối, xin lỗi.

Gần một tiếng đồng hồ trôi qua, cuối cùng thì vị khách cũng đã đi hết một vòng mấy gian trưng bày bé xíu. Ông quay lại nhìn cô nhân viên:

- Tôi muốn gặp đồng chí phụ trách bảo tàng này?

- Dạ, mời bác về lại phòng đón tiếp ạ.

Sau mấy phút ông đã ngồi ngay ngắn ở bàn làm việc của cậu tổ trưởng. Tất cả cách nhân viên trong tổ đều có mặt. Vị khách chậm rãi mở chiếc túi cải nhàu nhò, lôi ra một gói nhỏ được bọc bằng lớp vải đỏ đã cũ kỹ. Tay ông hơi run run đặt rất nhẹ gói nhỏ ấy lên trước mặt cậu trưởng ban. Cả tổ di tích nhìn nhau nhưng không ai dám chạm tay vào. Bằng kinh nghiệm nghề nghiệp, họ đoán ngay đây là một kỉ vật gì đó khá đặc biệt.

- Tôi là Hoàng Khiêm, đại tá binh chủng tăng thiết giáp đã nghĩ hưu- Ông nói chậm từng tiếng – Tôi là trưởng xe trong đại đội tăng đánh vào Làng Vây theo hướng Nam...

Tất cả nhân viên tổ di tích đều à lên một tiếng như thể cùng đột ngột bắt gặp người thân. Tuy họ là lớp người sinh ra khi chiến sự nơi này đã lùi xa vài chục năm, nhưng tất cả những sự tích, những huyền thoại mà sử sách ghi chép lại hoặc là được truyền miệng về chiến dịch giải phóng Khe Sanh thì họ thuộc làu. Bởi đó là công việc không thể thiếu của người làm di tích – bảo tàng nơi này.

- Thật vinh dự cho chúng cháu quá – Cậu tổ trưởng hào hứng nói – Bác đã xem qua phòng trưng bày rồi, chắc chắn còn có nhiều thiếu sót, bọn cháu rất mông được bác chỉ dạy.

- Không không… Tôi thấy hiện vật ở đây rất quý, cái gì cũng xúc động. Tôi chẳng có trình độ gì để nhận xét, góp ý… Ông thở ra một tiếng rất khẽ rồi giọng trầm hẳn xuống – Tôi trở lại nơi này vào đúng ngày hôm nay, mồng bảy tháng hai, ngày mà đơn vị tôi xuất kích đánh cứ điểm Làng Vây. Đúng bốn mươi năm chẵn. Tôi chỉ muốn nhìn lại mảnh đất này trước khi lỡ ra… Bất ngờ ông nhoẻn cười – Các cậu còn trẻ lắm, chả nói chuyện ấy nữa. Nhưng tôi muốn gửi tặng bảo tàng này một kỉ vật, với tôi thì quý lắm, quý hơn bất cứ loại ngọc ngà châu báu nào… Nhưng không biết với khoa học bảo tàng.. có phù hợp không…

Nói rồi ông run run mở bọc gói màu đỏ. Cả tổ nhân viên di tích gần như nín thở găm mắt nhìn. Lớp vải được bóc ra một cách chậm rãi, một vật gì màu đỏ màu đen hiện ra chỉ bằng quả ổi nhỏ, hình thù xộc xạch như một cục than. Cô hướng dẫn viên nói khẽ:

- Đây là..vật gì thế ạ?

- Đây là một loại củ rừng, tôi không biết tên gọi nó là gì, mà ngay người dân ở đây cũng không biết, nó bở gần như khoai lang nhưng đắng, rất khó nuốt.

- Củ rừng? Thưa bác…thế này mà cũng là hiện vật bảo tàng được ư?

- Thì tôi đã nói là không biết có phù hợp không mà…Nó chỉ là một củ rừng bị gặm ăn dở…Hồi đó tôi cất giữ nó với ý định làm kỷ vật cho con tôi. Khi ra Hà Nội, có thằng bạn bên binh chủng hóa học cho tôi một lọ hóa chất gì đó, nó bảo ngâm vào thì sẽ giữ được lâu dài. Tôi mừng lắm…Tuy nhiên con tôi…

Người đại tá bỗng nghẹn giọng, mặt hơi cúi xuống. Cô huống dẫn viên thóng lo sợ, ngập ngừng:

- Thưa bác…chắc là…

Vị cựu chiến binh thở hắt một cái rồi trở lại mạnh mẽ:

- Con tôi nó không thể giữ được kỉ vật này, vì nó…là nạn nhân của chất độc da cam. Chính là thứ chất độc tôi mang từ đây về đấy.

- Tất cả sững ra, nín lặng. Không ai muốn nói thêm câu gì nữa. Người khách hớp một ngụm nước trà rồi như sợ mất thời gian của mọi người, ông nói khẩn trương hơn:

- Xin các đồng chí cho phép tôi trình bày qua về kỉ vật này, nhanh thôi, không quá mất thời gian của cơ quan đâu.

Cậu tổ trưởng vội vàng:

- Thưa bác không đâu ạ, bác cứ kể cho bọn cháu nghe, kể suốt cả ngày cũng được ạ.

- Không xã giao chứ?

- Không ạ

- Thế thì được. Cho thêm tí nước sôi vào đây cháu, chè còn đặc mà.

* * *

Tôi là một trong những thằng lính đầu tiên của binh chủng tăng- thiết giáp được xuất trận vào miền Nam giáp mặt với Mỹ. Các bạn không thể tưởng tượng được chúng tôi hạnh phúc và tự hào đến dường nào. Bữa nay thấy nhiều người nói là khi vào trận, thằng lính phải mang bao nhiêu nỗi dằn vặt ưu tư gì đó, tôi không hiểu họ nói về ai, riêng với bọn tôi, quả thật lần xuất kích đó náo nức hơn cả đi trẫy hội. Xuất phát từ Hòa Bình, vượt hơn ngàn cây số, mất hơn năm mươi ngày đêm, mà chủ yếu là đi đêm, vượt qua năm sông lớn, mấy trăm cái ngầm, không biết cơ man nào là bom pháo địch đánh chặn, chúng tôi sốt ruột vô cùng. Rồi thì cuối cùng cũng đến được đích. Tiểu đoàn tăng lội nước chúng tôi đã tập kết ở phía bên đất bạn Lào, chuẩn bị cho trận tập kích vào cứ điểm Tà Mây thuộc cụm cứ điểm Huội San. Đây là chốt quan trọng của địch án ngữ con đường về đất Khe Sanh. Vì địa hình không cho phép nên trận đánh mở màn đó ta chỉ dùng hai xe của đại đội thằng bạn tôi. Đơn vị tôi được lệnh lặng lẽ tiến về áp sát sông Sê Pôn chuẩn bị cho hướng đánh chủ yếu vào Làng Vây. Trận đánh cụm cứ điểm Huội San rất mau lẹ vì lần đầu tiên bọn địch nhìn thấy xe tăng ta là hồn vía đã lìa khỏi xác rồi. Có mấy đứa sóng sót ba chân bốn cẳng chạy nhào về Làng Vây. Vì vậy việc xe tăng của ta xuất kích đã không còn là điều bất ngờ đối với bọn Mỹ ở Khe Sanh nữa. Nhận định đúng tình hình như vậy, cấp trên đã đưa ra kế hoạch đánh Làng Vây theo hai hướng. Đại đội thằng bạn tôi đã lộ diện hai chiếc ở Hội San thì sẽ tác chiến hướng phụ, là hướng tiến dọc theo Đường Chín từ Lào đánh về. Chắc chắn bọn địch sẽ cho rằng ta chỉ có thể đưa vào chiến trường được hai chiếc. Đại đội tôi được lệnh phối hợp cùng công binh bí mật tiến dọc theo sông Sê Pôn, tìm đường vòng xuống phía nam Làng Vây để đánh lên. Đây được xác định là đòn tập kích chủ yếu. Chúng tôi đã vào được các vị trí tập kết trước tết Nguyên Đán, dự định sẽ nổ súng vào đêm 26 tháng 1. Tuy nhiên do bộ binh chưa vào kịp, nên kế hoạch phải hoãn lại đến 12 ngày sau. Kí ức của tôi, nỗi nhớ khôn nguôi của tôi về chiến dịch này không phải là khi xả súng nghiền nát kẻ thù, mà chính là 12 ngày đêm chờ đợi đó. Mảnh đất Khe Sanh- Hướng Hóa này, hình bóng những con người nơi đây day dứt suốt cả cuộc đời tôi cũng từ ngững ngày đêm ấy.

Nỗi ám ảnh lớn nhất đối với tôi chính là nạn đói năm đó đối với bà con dân tộc nơi này. Tôi đã được nghe kể nhiều về các trận đói nhưng thú thật là chưa bao giờ được chứng kiến. Hồi Át Dậu tôi chưa kịp sinh ra, sau này đi bộ đội làm lính xe tăng được huấn luyện ngoài bắc, lúc nào cũng được ưu tiên. Lần đầu nhìn thấy trẻ con đói lả trên tay mẹ, mồm ngậm như nghiến vào các núm vú kéo nhằng ra rồi quằn người lên khóc vì không có sữa. Người mẹ cũng đang lờ đờ đôi mắt, cánh tay không còn đủ sức để kéo đứa trẻ lên. Tôi vào thăm một gia đình người Vân Kiều, thấy người mẹ nướng một củ gì đó đen đen, bốn dứa trẻ con vây quanh, mắt mở thao láo nhìn không chớp vào bếp lửa. Chị khều cái củ đen đen đó ra, lấy ngón tay cạy từng mảnh vụn chia cho từng đứa. Hôm sau hỏi chuyện cô xã đội trưởng mới biết, bà nội lũ trẻ vừa chết ngày hôm trước vì đói. Xã đội trưởng Ta-par cho tôi biết sở dĩ có trận đói lịch sử này là vì bọn Mỹ đã thả chất độc diệt cỏ. Tất cả nương rẫy của bà con đều bị chết trụi.

Tên cô ấy là Hồ Thị Ái, không hiểu sao các cô dân quân vẫn gọi là Ta-par, cái âm “r” rung lên đằng sau khiến tôi cứ như nghe họ hát mỗi lần gọi tên cô ấy. Ta-par là xã đội trưởng chỉ huy toàn bộ lực lượng phối hợp gần hai mươi người luôn luôn đi sát đại đội tôi. Nhiệm vụ của họ là dẫn đường, khiêng gùi đạn và các phụ tùng xe tăng để chúng tôi thay thế những thứ bị mòn hoặc hỏng dọc đường hành quân, đảm bảo khi xuất kích xe tăng phải đạt được sự an toàn và sung mãn nhất. Con gái Vân Kiều rất hay cười, cười to và thoải mái chứ không tủm tỉm e lệ như gái ngoài bắc. Tôi đã biết tất cả họ đang rất đói. Không bao giờ cô xã đội trưởng để cho cánh kính chúng tôi nhìn thấy họ ăn. Nhưng tôi vẫn biết số lượng ngô họ gùi theo là rất ít. Có lần tôi hỏi Ái: Này đồng chí, nương rẫy bị chết trụi rồi, vì sao còn có ngô? Ta-par trả lời nhanh nhẩu: - Của để dành từ năm ngoái đó. Tôi nói, giỏi quá nhỉ. Thế trong dân còn dành được nhiều không? Hết rồi, có được bao nhiêu học đều góp cho dân công đi phục vụ chiến đấu. Bọn mình là con cưng mà… Tôi đề nghị với Đại đội trưởng san sẻ lương khô chia cho dân quân, nhưng Ta-par đã trừng mắt:

- Các anh muốn bọn mình bị khai trừ Đảng sao?

- Không nghiêm trọng thế chứ... Tôi cười xuề xòa.

- Nghiêm trọng. Lúc này vấn đề ăn là nghiêm trọng nhất. Ai không chịu được coi như phản bội đầu hàng – Nói xong là cười ngay.

Hôm đầu mới làm quen với các cô gái Vân Kiều tôi có phần ngơ ngác không hiểu vì sao họ lại hay cười đến vậy. Nhất là cái cô xã đội trưởng. Người thấp đậm, khuôn mặt tròn, nước da đen xạm. Nhưng đôi mắt thì lúc nào cũng lúng liếng. Cậu trưởng xe hai hỏi khẽ tôi “ Sao họ cứ nhìn tụi mình rồi cười vậy?” Tôi nói đại: - “Con gái trong này là thế mà”. Tuy nhiên tôi vẫn tìm cách thăm dò:

- Này đồng chí xã đội.. không biết anh em đơn vị rôi…có vấn đề giừ không, mong các đồng chí cứ chân thành góp ý…

Ái tròn mắt lên nhìn tôi:

- Có chuyện chi rứa?

- Thì tôi đang muốn hỏi các đồng chí mà. Anh em lính tráng bọn tôi rất trẻ hầu hết là mười chín, hai mươi, cho nên nói chung là..chưa có kinh nghiệm..

- Nhưng có chuyện chi mô nào?

- Không có chi.. vì sao các cô ấy cứ nhìn anh em tôi rồi cười?..

Cô xã đội “a” lên một tiếng, đôi mắt mở to hơn, cả khuôn mặt gần như bất động một lúc khiến tôi cũng càng lúng túng. Rồi bất ngờ cô quay người chạy ù lại chỗ dân quân, họ nói gì đó với nhau bằng tiếng dân tộc. Rồi từ chỗ đó một rừng cười vang lên, họ cười như xả hơi, có cô còn nằm xoài ra đất mà cười. Sau một hồi cười thỏa chí, cô xã đội trưởng mới cố làm vẻ mặt nghiêm trang quay lại chỗ tôi:

- Xin lỗi anh, mình đã ra lệnh cho chị em không được cười nữa, nhưng...e hơi khó..

- Không không..sao đồng chí lại ra lệnh như thế? Tôi cuồng lên.

- Chị em bọn mình quen cái cười rồi.. hơn nữa.. trong bụng không có chi..cười được nó cũng đỡ mệt..

Tôi đứng lặng người, chưa kịp nói gì thì Ái đã quay mặt lại đám bạn quát to một tràng dài bằng tiếng dân tộc. Đằng kia mấy cô gái trẻ đang cố bậm môi lại nhưng những cặp mắt vẫn cứ lúng liếng. Tôi đành nói xuề xòa:

- Ồ, sao lại cấm cười, cười được là quý chứ. Mệnh lệnh kiểu đó là độc đoán đấy nhé. Rồi tôi cũng cố làm bộ cười to, nhưng tiếng cười của tôi thật sự lạc lõng. Tôi vội đánh trống lãng:

- À, đồng chí xã đội này, tên đồng chí là Hồ Thị Ái, tôi biết mà, tại sao chị em cứ kêu bằng Ta-pa-rờ?

Ta-par lại tròn mắt ra nhìn tôi, suýt bật cười, nhưng chợt nhớ ra nên cố bậm môi lại:

- Cái bọn quỷ ấy nó kêu bậy đó.

- Kêu bậy? Nhưng Ta pa.. có nghĩa là gì vậy?

- Là con chim quý, người Vân Kiều ai cũng quý nó. Nhà mình có nuôi một con. Đó là con chim mà anh Pòng đã để lại cho mình trước lúc hắn bỏ đi..

- Anh Pòng là ai?..

Ái ngoảnh mặt đi, giọng bé hẳn lại;

- Nó là người mình thương.. nhưng chưa cưới được

- Thế sao lại bỏ đi? Mà đi đâu, có xa không?

- Xa hung. Đi luôn..

- Đi luôn?

- Ừ, nó hy sinh năm ngoái..

Tôi sững cả người, chưa kịp nói lời xin lỗi thì Ái đã quay lại, mắt lại ánh lên nét cười:

- Con Ta-par nó gáy hay lắm.. Ở dưới xuôi họ kêu bằng cu cườm hay cu gáy..

- À.. thế thì tôi biết rồi.

Ái vẫn kể rất hồn nhiên:

- Mình hay nhắc nhở chị em, chuyện chi cũng phải nhắc. Cái tụi dân quân chỗ mình chỉ được cái trung thành tận tụy, chịu khó nữa, nhưng đoảng lắm. Không ai nhắc là quên liền à. Nói nhiều, nhắc nhở nhiều thành ra tụi nó bảo mình gáy suốt ngày như con Ta-par. Chúng nó nói mãi thành tên. Đúng là bọn quỷ sứ.

Giờ thì tôi đã hiểu và cũng thật lạ, không hiểu sao từ giờ phút ấy tôi lại rất thích gọi em bằng cái tên Ta-par.

Ta-par bất giờ ngước lên nhìn tôi:

- Mà này, sao anh hay kêu bọn mình bằng đồng chí thế?

Tôi ngớ ra:

- Thì.. chúng mình là đồng chí với nhau mà..

Đôi môi Ta-par mím lại, chực cười:

- Không, mình không ưng.

- Vậy..gọi thế nào?

- Gọi út.

- Út? Tất cả đều út sao?

Ta-par nhíu mày lại nghĩ một lúc rồi “à” lên:

- Không phải con út. Mà là.. như ngoài Hà Nội kêu bằng em.

- Hiểu, hiểu. Tôi cười dễ dãi – Mà này, có lẽ em là người nói tiếng kinh giỏi nhất ở đây nhỉ?

- Úi, mình còn nói được tiếng Hà Nội nữa đấy! Ta-par cố phát âm tiếng đấy rất nhẹ.

Tôi reo lên: - Giỏi, chắc là được ra Hà Nội nhiều lần rồi phải không?

- Mình ở ngoài đó sáu tháng, ở chỗ trường Lý luận nghiệp vụ Đê La Thành đó.

- À ra thế.

Chuyện cảu chúng tôi còn kéo dài mãi suốt cả đêm đi dò đường phía Nam Lang Vây. Đó thật sự là một đêm không ngủ. Đêm thức để tìm đường cho xe tăng tiền nhập. Đêm thức trong sự bừng tĩnh của một thằng lính lần đầu vào đến đất này, được biết những con người ở đây. Và sau đêm đó rôi có một nỗi ân hận, tự thầm rủa mình vì sao lại có những câu nói ngớ ngẩn để đến mức con chim Ta-par ấy phải cấm những người bạn của cô không được tự do cười.

Đêm đó, chỉ có tôi với Ta-par đi. Chúng tôi khi thì lom khom chui qua bụi rậm, khi thì cúi người chạy như bay qua đồi trọc, khi thì lại nằm sát đất nghe ngóng rồi bò rón rén qua một con đường đất có dấu xe chở cát của bọn Mỹ. Tuy phải hết sức giữ bí maạ nhưng có vẻ con chim Ta-par này không sao ngậm chặt được cái miệng. Em cứ thì thầm hỏi chuyện này sang chuyện khác. Tay phải cầm khẩu AK, tay trái nắm một cục gì đó đen đen mà tôi không thể nhìn rõ. Thỉnh thoảng lại thấy em đưa lên miệng gặm một miếng. Khi hai đứa đã nằm sát khu căn cứ Lang Vây chưng ba trăm mét, găm mắt nhìn vào, tôi mới hỏi khẽ:

- Này, em gặm cái gì thế?

Ta-par hơi giật mình, nhưng sau đó đã nhoẽn cười:

- Sâm

- Cái gì, sâm ư?

- Anh không tin à? Có muốn thử một miếng không?

- Có, có.

Em chìa tay cho tôi. Đó là một cục không ra hình thù gì, nham nhở, màu đen. Tôi cho ngay lên miệng cắn một miếng. Bỗng cái vị đắng của nó tràn nhanh ra cả vòm miệng khiến tôi suýt nữa đã khạc to thành tiếng. Hình như Ta-par đang úp mặt xuống đất để cười.

- Cha mẹ ơi, đắng chết khiếp luôn. Nó là thứ gì vậy, em?

- Củ rừng.

- Nhưng tên nó là củ gì?

- Mình không biết. Dân mình đây không ai biết tên nó.

- Trời ơi – Tôi suýt kêu to lên – Không biết tên củ là gì mà dám ăn ư? Liều quá đấy.

Ta-par thì thầm, giọng thấp hẳn xuống:

- Không thì còn biết ăn cái chi? Mấy loại củ biết tên thì đào hết rồi, ăn hết rồi. Có người ra rừng đói quá moi được củnày ăn liều, thấy không chết, thế là cả bản ăn theo.

- Nhưng sao mà đắng quá, nuốt sao nổi?

- Càng hay, củ này không thể ăn nhiều được. Nếu ăn nhiều như củ Mài thì lại cũng mau hết. Củ này chỉ thỉnh thoảng mới gặm một miếng. Dân quân bọn mình đi gánh đạn cả ngày cứ cầm nó trên tay, thỉnh thoảng mần một miếng, rứa mà qua được cả tuần đó. Có phải nó cũng quý như sâm, đúng không?

Tôi nằm im như một kẻ bị tê liệt, cố gắng không để cho em biết tôi đã khóc. Đúng là suốt đêm đó, nhiều đêm sau đó nữa, tôi đã thức trắng.

Đêm 6 tháng 2, chúng tôi được lệnh xuất kích đánh Làng Vây. Trời cuối đông tối nhanh, mới năm rưỡi chiều, cả vùng đồi phía Nam đã mờ tịt sương. Pháo binh bắn cấp tập chủ yếu là để che tiếng động của xe tăng. Tổ dân quân do Ta-par chỉ huy vẫn bám sát chiếc xe đầu để hướng đạo. Chấm dứt đợt pháo đầu, xe chúng tôi đã đi được gần chuc cây số, vẫn còn cách vị trí cần chiếm lĩnh chừng bốn chục cây số nữa. Bất ngờ Ta-par la to lên một câu gì đó bằng tiếng dân tộc. Cả tổ dân quan nằm bẹp xuống, mắt dán về phía trước. Tôi vội xuống khỏi xe, nhào đến gần, thì thầm:

- Chuyện gì vậy?

Ta-par chỉ vào quảng đồi tối đen trước mặt:

- Có lính..mà răng lại có quân đóng dã ngoại chổ này hè? Đêm trước mình đi trinh sát không gặp phải không anh?

Trời tối quá, tôi chưa nhìn rõ nhưng đã có ngay nhận định. Như vậy là bọn Mỹ có sự đề phòng. Sau trận đánh cụm cứ điểm Huội San, chúng nó chắc chắn sẽ luôn nơm mớp lo sợ.. Tôi chưa kịp báo cáo với chỉ huy thì Ta-par đã hỏi:

- Pháo bắn đợt hai vào lúc mấy giờ?

- Mười một giờ..lúc đó ta cũng bắt đầu tấn công vào các lô cốt đầu cầu.

- Rứa thì..không kịp rồi..Chừ mấy giờ rồi?

Tôi đưa đồng hồ dạ quang lên sát mặt:

- Gần 10 giờ..

Ta-par cắn chặt môi một tỉ rồi đưa ra mệnh lệnh:

- Đồng chí nghe đây. Mình sẽ dẫn tổ dân quân vòng qua mặt Tây ém gần vào nơi có quân dã ngoại. Ba mươi phút nữa mình sẽ cho bán..

- Khoan đã – Tôi kêu lên – lực lượng dân quân ít quá, như vậy là rất mạo hiểm..

Ta-par cười:

- Không mạo hiểm đâu. Mình biết bọn lính này nó cũng chỉ nằm mà bắn trả chứ không dám tấn công ra đâu.

- Vì sao?

- Vì nó sợ rừng, sợ bóng đêm. Rừng là của bọn mình chứ đâu phải của tụi nó. Hơn nữa, mình chỉ bắn chọc tức cho nó bắn trả chứ chẳng dại chi mà xông vào, cốt là tiếng súng để xe tăng các anh vượt qua thôi.

Nói rồi Ta-par đứng hẳn dậy, đưa cái tay trái lên cạp nhanh một miếng củ đắng rồi kêu lên một tiếng gì đó bằng tiếng dân tộc. Cả tốp dân quân cùng một lúc bật dậy, cùng nhất loạt cạp một miếng củ đắng rồi thoắt cái đã biến mất trong khoảng đen trước mặt. Thật sự lúc đó tôi không thể có phản ứng gì, bởi vì đây chính là phương án thông minh nhất, hơn nữa, các cô gái ấy nhanh quá, học như những tia chớp trong đêm tối, nhoáng cái đã biến mất rồi. Chúng tôi chỉ còn biết chôn chân nhìn theo.

Đúng ba mươi phút sau – Mặc dù cả tốp dân quân không ai có đồng hồ- súng nổ ran bên nạm phía Tây của cánh quân dã ngoại. Tất cả các xe tăng của đại đội sẵn sàng đợi lệnh. Lắng nghe tiếng đồng nổ và nhìn các vết đạn lửa, tôi thấy rõ dân quân chỉ bắn nhấm nháng, cốt “gây sự” với bọn lính dã ngoại thôi. Thông minh thật. Tôi thở phào. Vừa lúc trong tổ hợp vang to lên mệnh lệnh: - Xuất phát! Xe tôi rú máy lao lên.

…Trận đánh đầu tiên của xe tăng ta vào khu cứ điểm kiên cố của Mỹ trong hệ thống phòng thủ Khe Sanh đã thắng lợi giòn giã như thế nào, sách sử đã ghi lại hết rồi, tôi chẳng kể thêm nữa. Sau gần ba giờ, toàn bộ khu căn cứ Làng Vây đã bị nghiền nát. Trong lúc tất cả cán bộ các chiến sĩ xe tăng và bộ binh reo hò vui sướng thì tôi đã dẫn xe quay ngoắt trời lại khu lính dã ngoại. Không hề bị tấn công nhưng cả khu đồi này đã trờ nên tan hoang. Bọn địch tháo chạy tán loạn. Chúng tôi lao thẳng về sườn phía Tây. Cả đơn vị dân quân đang ngồi túm lại cạnh một chặng hàng rào bùng nhùng, nhiều tiếng sụt sịt bật ra. Linh tính thấy điều gì đó chẳng lành, tôi nhảy ra khỏi xe lao ngay đến.

Thôi rồi, em nằm đó. Cổ ngửa ra trên cánh tay một cô bạn, đầu ngẹo qua một bên, mái tóc xõa ra chấm xuống đất. Tôi chồm vào nắm lấy hai vai em mà lay, mà gọi khắc khoải: “Út ơi! Ta-par! Ta-par ơi! Ái ơi! Em ơi..” Không có tên gọi nào có thể làm em tỉnh lại. Đôi môi em mín chặt. Có phải em đã cố nhịn để không bật ra tiếng cười không? Một tay em vẫn đang cầm chặt khẩu AK, còn tay kia.. Tôi cuống quýt lần tay mình xuống tay em, nhận ra bàn tay đang nắm chặt lại. Từ từ nâng tay em lên, rất cẩn trọng như một bác sĩ phẫu thuật, tôi lần gỡ từng ngón, từng ngón.. Rồi cuối cùng cũng bóc ra được cái cục đen đen này. Có chỗ khuyết vẹc chắc vì em vừa mới cạp vội một miếng, có chỗ hằn thành vệt, chắc là dấu mấy ngón tay em đã bíu quá chặt. Tôi bật lên tiếng khóc. Khóc hu hu, khóc không dấu diếm, tiếng khóc thô tháp của một thằng đàn ông mắc lỗi.

* * *

Người đại tá cựu chiến binh ngừng lại rất lâu. Tất cả nhân viên khu di tích cũng nín lặng. Mấy cô gái trẻ khẽ quay đi lau nước mắt. Đại tá không nhìn vào ai, cũng không nhìn vào kỉ vật trên bàn. Đôi mắt ông hơi mơ hồ một chút, nhìn ra rất xa. Bất ngờ ông nói:

- Này, ở trên đồi Tà Cơn này có chim Ta-par không? Các đồng chí ở đây có nghe nó gáy chỗ nào không? Loại chim ấy người dân tộc Vân Kiều quý lắm đấy!..

X.Đ

 

Xuân Đức
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 165 tháng 06/2008

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground