Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 25/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Lá đơn thứ bảy

Viết tặng các chiến sỹ Kiểm lâm, những người anh em, đồng chí, đồng nghiệp của tôi vì những cống hiến và hy sinh thầm lặng cho màu xanh của đất nước.

Hạt trưởng Nguyễn Thành Giang có mặt rất sớm tại văn phòng Hạt Kiểm lâm. Ông muốn xem lại một số tài liệu trước khi cuộc họp giao ban diễn ra vào chiều hôm nay, đặc biệt là báo cáo của Tổ công tác về vụ 7 cây gỗ Sến với tổng khối lượng gần 10 khối bị cưa hạ tại khoảnh 7, Tiểu khu 448 của Lâm trường Long Sơn vừa qua. Thế nhưng, vị lãnh đạo lớn tuổi với mái tóc điểm bạc lại không thể ngờ rằng, chờ đợi mình trên bàn làm việc hôm nay là hai thứ sẽ khiến ông phải trăn trở rất nhiều trong những ngày sắp tới.

Đầu tiên là một bài báo với tiêu đề “Máu rừng lại tiếp tục chảy tại Lâm trường Long Sơn” của tác giả có bút danh “Đông Phong” đăng trên trang đầu của báo Lâm nghiệp và Thời đại số ra mới nhất. Nguyễn Thành Giang không quá bất ngờ về bài báo, bởi một vụ phá rừng nghiêm trọng như vậy thì không thể nào giấu được công luận nhưng ông không ngờ báo chí lại tiếp cận thông tin nhanh đến thế. Ba ngày trước, Tổ công tác của Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Hải phối hợp với Lâm trường Long Sơn tổ chức tuần tra, bảo vệ rừng tại khoảnh 7, Tiểu khu 448 đã phát hiện 7 cây gỗ Sến bị lâm tặc cưa hạ. Hiện trường chỉ còn lại các gốc cây và bìa bắp, phần gỗ đã bị cưa xẻ thành khối hộp và mang đi. Khi Tổ công tác ra được nơi có sóng điện thoại, Phó Hạt trưởng Lê Quang Lâm (tổ trưởng) đã gọi điện báo cáo gấp cho Hạt trưởng Nguyễn Thành Giang nắm tình hình. Chỉ sau cuộc điện thoại ấy có hơn một ngày, báo Lâm nghiệp và Thời đại đã có đầy đủ thông tin, hình ảnh về vụ việc để đăng bài.

Với hơn mấy chục năm công tác trong ngành Kiểm lâm, Hạt trưởng Nguyễn Thành Giang không mấy xa lạ với các bài viết về những vụ phá rừng của báo chí. Ông có thói quen không đọc ngay bài viết mà đọc tiêu đề rồi lướt xuống trang cuối. Đúng như ông dự đoán, bài viết kết thúc bằng một câu quen thuộc: “Có hay không sự tiếp tay của cán bộ Kiểm lâm địa bàn trong vụ phá rừng lần này, phóng viên của báo Lâm nghiệp và Thời đại sẽ tiếp tục theo sát vụ việc để mang đến cho đọc giả câu trả lời sớm nhất”. Nguyễn Thành Giang rất ghét kiểu câu chốt này. Mặc dù, nó chỉ là một câu hỏi mở chứ không phải là kết luận, và cũng không biết người viết có ẩn ý gì không nhưng nó đã vô tình định hướng dư luận, khiến người đọc có ác cảm, định kiến với lực lượng Kiểm lâm. Dẫu biết nghề nào cũng có những hạt sạn, nhưng việc để xảy ra phá rừng không phải lúc nào cũng xuất phát từ sự tiếp tay của cán bộ địa bàn. Hiện nay, trung bình cả nước, một Hạt Kiểm lâm cấp huyện chỉ có khoảng 20-30 người nhưng phải quản lý, bảo vệ khoảng 20.000 - 30.000 ha rừng. Bình quân, mỗi Kiểm lâm viên đang phụ trách khoảng hơn 1.000 ha. Với quân số ít ỏi như vậy mà yêu cầu Kiểm lâm địa bàn phải giữ được rừng tuyệt đối trước các nguy cơ xâm hại thì đúng là khó hơn lên trời. Thế nhưng, cái nghề Kiểm lâm này bạc lắm, chỉ cần một cái cây bị hạ xuống thì những giọt mồ hôi của những người gác rừng sẽ trở nên vô nghĩa trước sự gào thét của dư luận.

Minh họa: PHẠM VĂN CƯỜNG

Minh họa: PHẠM VĂN CƯỜNG

Nguyễn Thành Giang đã đọc xong toàn bộ nội dung bài báo. Phải công nhận, tay tác giả “Đông Phong” này viết rất hay, rất sắc sảo. Vị Hạt trưởng già đặt tay lên trán và bắt đầu suy tư về những báo cáo giải trình với Chi cục Kiểm lâm, thậm chí là trước Ủy ban tỉnh sắp tới. Thế nhưng, dòng chữ trên một tờ A4 được đặt cạnh xấp văn bản trình ký đã kéo ông về với thực tại. “Đơn xin nghỉ việc”. Nguyễn Thành Giang đứng bật dậy, không dám tin vào mắt mình, bởi đây là lá đơn nghỉ việc thứ bảy trong năm của cán bộ Kiểm lâm tại Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Hải, tỉnh Nam Bình. Điều khiến ông sửng sốt nhất là người viết đơn lại là Lê Bắc Hải - Phó Trạm trưởng của Trạm Kiểm lâm Nước Bạc, một trong những cán bộ Kiểm lâm ưu tú, nhiệt huyết, luôn xông pha trên tuyến đầu chống lâm tặc để bảo vệ rừng. Nếu sáu lá đơn trước đều là của Kiểm lâm viên, thì lá đơn thứ bảy này lại là của cán bộ Kiểm lâm giữ chức vụ quản lý. Cuối cùng, làn sóng biến động nhân sự trong môi trường công lập đã gõ cửa cơ quan, đơn vị của Nguyễn Thành Giang, nó không còn âm ỉ như mạch nguồn của đại ngàn nữa mà ào ạt như những cơn sóng của đại dương.

Nguyễn Thành Giang cầm chiếc điện thoại và tìm số của người ông muốn gặp ngay lúc này. 15 phút sau, Lê Bắc Hải - Phó Trạm trưởng của Trạm Kiểm lâm Nước Bạc đã có mặt tại phòng làm việc của Hạt trưởng Nguyễn Thành Giang.

- Anh phải làm gì… để chú ở lại? - Nguyễn Thành Giang cất lời sau khi lắng nghe người cấp dưới trình bày lý do ra đi.

Câu hỏi ấy khiến Lê Bắc Hải không khỏi bất ngờ. Anh hiểu tính cách của người lãnh đạo mà mình kính trọng, một con người chính trực, tận tâm nhưng nóng tính như lửa, đến mức anh em trong đơn vị phải gọi ông với biệt danh…“Giang lửa”. Lê Bắc Hải đã mường tượng ra việc Hạt trưởng sẽ “quạt” cho mình một trận bằng nhiều câu hỏi liên quan đến lá đơn nghỉ việc đột ngột kia, nhưng trái lại, sự điềm đạm pha chút trầm buồn trong câu hỏi của ông khiến Hải phải bất ngờ và khó xử.

- Em xin lỗi vì sự ra đi… có phần đường đột này… - Lê Bắc Hải ngập ngừng - Thú thật với anh… em không sợ gian khổ, vất vả hay hiểm nguy của nghề… Hơn 10 năm trong nghề Kiểm lâm, anh cũng biết, không một cánh rừng nào ở cái huyện Đồng Hải này mà không có dấu chân của em. Em chịu khổ được… nhưng em không muốn vợ con em phải chịu khổ theo mình…

Nguyễn Thành Giang chăm chú lắng nghe những lời chia sẻ của người cán bộ cấp dưới. Vừa là cấp trên, vừa là đồng chí, lại vừa là anh em thân tình, ông hiểu rất rõ hoàn cảnh của Lê Bắc Hải. Mặc dù là lãnh đạo Trạm Kiểm lâm nhưng Hải lại có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Vợ của anh chỉ là nhân viên tạp vụ ở Ủy ban huyện Đồng Hải, thu nhập của cả nhà chủ yếu đến từ đồng lương Phó Trạm trưởng khiêm tốn của anh. Hai vợ chồng có với nhau được một người con trai, năm nay đã hơn ba tuổi và mới đi mẫu giáo. Hàng tháng, tiền bỉm, tiền sữa, tiền ăn, tiền đóng học, tiền áo quần của thằng bé cũng ngốn hết nửa tháng lương của cả hai vợ chồng. Có lẽ những nhọc nhằn trong chuyện cơm áo đã khiến một người gác rừng kiên trung đã phải đi đến quyết định rời bỏ đại ngàn sau hơn chục năm gắn bó.

- Trước mắt… anh sẽ cho chú nghỉ phép… - Nguyễn Thành Giang chậm rãi nói - Để chú có thời gian nghỉ ngơi bên gia đình, thu xếp hồ sơ đi nước ngoài, cũng là giúp chú thêm được 1 tháng lương. Sau khi hết phép, đi hay ở… anh tôn trọng quyết định của chú.

Lê Bắc Hải cảm động không nói nên lời. Rời khỏi phòng Hạt trưởng, lòng anh nặng trĩu tựa như một khối núi đang đè nặng lên cả tâm can.

* * *

Chiều hôm đó, tại quán cà phê Dư Âm nằm ở trung tâm thị trấn, Lê Bắc Hải ngồi bần thần bên ly cà phê đen đang rỉ ra từng giọt. Anh đang chờ một người bạn đến để nắm tình hình về hồ sơ đi nước ngoài của mình. Đang suy tư theo câu chuyện lúc sáng, bỗng chiếc ghế của Hải bị ai đó đạp mạnh từ phía sau. Anh ngoái người quay lại thì thấy ba người đàn ông xăm trổ, bặm trợn đang nhìn anh cười nham nhở. Một gã trong số đó bước tới bàn của Hải và cất lời:

- Ô! Đồng chí Phó Trạm sao lại ngồi một mình thế này?

- Đó không phải là việc của anh.

Lê Bắc Hải thản nhiên đáp lại. Anh nhận ra gã đàn ông đang đứng trước mặt. Hắn là Luân “Đá mài”, một trong những đầu nậu gỗ và là tay giang hồ cộm cán của vùng. Hai tháng trước, xe chở gỗ lậu của hắn bị tổ công tác do Hải chỉ huy vây bắt tại ngã ba về thị trấn. Gần 5 khối gỗ Bằng lăng không có nguồn gốc hợp pháp đã bị Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Hải tạm giữ rồi chuyển cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nam Bình xử lý tịch thu. Có lẽ vì cay vụ xe gỗ nên hắn mới tìm cách gây chuyện.

- A…bướng nhở? - Hắn trừng mắt lên - Thằng chó! Mày còn nhớ vụ xe gỗ của tao chứ?

Lê Bắc Hải vẫn bình thản nhìn tên giang hồ không chút e sợ. Anh cầm ly cà phê lên nhấp một ngụm rồi đáp:

- Nếu không hài lòng với quyết định xử phạt, anh có thể gửi đơn khiếu nại. Còn tôi chỉ làm việc của mình mà thôi.

- Thằng chó này… - Luân “Đá mài” tức giận đập mạnh tay xuống bàn - Bọn Kiểm lâm chúng mày tưởng oai lắm hả? Có ngon thì mày cởi bộ đồ ra, tao chơi khô máu với mày luôn!

Bỗng, một lon nước từ đâu bay thẳng vào má của Luân “Đá mài” nghe “bốp” một tiếng rõ to. Tên giang hồ đau điếng chưa kịp định thần thì một bàn tay với những bắp thịt cuồn cuộn ập tới, siết những ngón tay cứng như sắt vào cổ của hắn. Hai tên đàn em thấy vậy liền xông đến cứu thì bất ngờ khựng lại khi thấy một dáng người cao lớn như hộ pháp. Đôi mắt của anh ta sắc đến nỗi như muốn ăn tươi nuốt sống cả đám. Trong khi đó, Lê Bắc Hải vẫn ngồi như không có chuyện gì, bình thản dựng ly cà phê bị đổ do cú đập bàn lúc nãy.

Người đàn ông giải vây cho Hải không ai khác chính là Trần Long, người bạn thân của anh từ thời niên thiếu, cũng là người mà Hải đang đợi nãy giờ. Long trước đây làm ở lâm trường, sau bỏ đi nước ngoài làm ăn, kiếm được số vốn kha khá thì về nước kinh doanh nhà hàng, karaoke, ngoài ra, anh còn làm dịch vụ đưa người đi nước ngoài. Chỉ vài năm, Long đã trở thành người giàu có nhất nhì thị trấn và cũng là người có máu mặt, đám dân anh chị trong vùng cũng phải nể nang vài phần. 

- Ặc… ặc…. anh Long… tha cho em... - Luân “Đá mài” nhăn nhó.

- Tao biết mày còn tức vụ xe gỗ... - Trần Long lạnh lùng nói - Của đau thì con xót, nhưng thằng bạn tao chỉ làm việc nó phải làm, nếu hôm đó, không phải thằng bạn tao bắt xe gỗ của mày thì cũng sẽ có người khác bắt mà thôi. Mày sai luật thì mày phải chịu. Lần này tao tha, lần sau còn dám đụng đến bạn tao thì mày xác định bán xới khỏi cái đất này nghe chưa?

Vừa nói, Long hất mạnh tay đẩy Luân “Đá mài” bật ra. Hắn rối rít xin lỗi rồi vội vã rời đi.

- Sao hôm nay mày hiền thế? - Trần Long ngạc nhiên hỏi.

- Mấy thằng giang hồ mõm ấy mà, chấp làm gì - Lê Bắc Hải cười trừ - Như mày nói đó, cả mấy khối gỗ bị tịch thu, của cả một đống tiền, ai mà không xót, không căm cho được. Nghề của tao bị chửi quen rồi. Thôi, vào việc chính đi.

Nghe vậy, Trần Long liền lấy ra một xấp giấy tờ rồi nói:

- Hồ sơ của mày ok cả rồi. Tao đã chạy cho mày đơn hàng ngon lành nhất trong đường dây của tao, lấy visa xong là chờ bên kia báo ngày để bay nữa thôi. 

Hải gật đầu cám ơn sự tận tâm của thằng bạn. Mặc dù biết Long chuyên đưa người đi nước ngoài nhưng anh không ngờ hồ sơ của mình lại xong nhanh như thế, trong khi cũng đơn hàng tương tự, có người mất cả năm chưa bay được. Nhiều lần, Long ngỏ ý muốn Hải về làm cho mình, lương trả cao ngút nhưng anh đều từ chối. Bạn bè chơi càng thân thì càng khó làm việc với nhau. Với những mối quan hệ làm ăn phức tạp của Long, anh càng không muốn dính vào. Hơn nữa, đời đâu ai cho không ai thứ gì. 

- Còn việc này, hơi tế nhị chút, nhưng tao nghĩ cũng nên nói ra… - Long ngập ngừng - Trước khi qua Úc, mày nên thả... nòng nọc đi.

Câu nói của Trần Long khiến Hải ngớ người:

- Là sao? Tao không hiểu?

- Là làm vợ mày có bầu rồi hãy đi… nếu mày muốn còn nơi sau này để về - Trần Long nghiêm túc nói - Đường dây của tao năm vừa rồi, 10 thằng đi thì 4 thằng có vợ ở nhà theo trai. Mà mày cứ nhìn vào đời tao là biết rồi đấy. Niềm tin là một thứ quá ư rẻ mạt trong cái xã hội này. Còn đàn bà lại là một lũ tham lam. Ngày tao còn làm công nhân ở lâm trường, không tháng nào con vợ tao không sỉ vả tao vì đồng lương chết đói. Không muốn vợ con phải khổ, tao quyết chí đi Nhật kiếm tiền nuôi gia đình, vậy mà con vợ tao nó cắm sừng tao. Khốn nạn! Khi tao và thằng em họ bắt được nó tại nhà nghỉ, nó khóc lóc, kể lể đủ thứ. Chua chát nhất là nó bảo, nó cũng là đàn bà, cũng thèm được quan tâm, ân cần, yêu thương... Mẹ nó chứ! Đàn bà, chúng nó toàn nói chuyện tiền bạc với những thằng nghèo nhưng lại thích nói chuyện tình cảm với mấy thằng giàu. Lạ thật...

Lê Bắc Hải im lặng để người bạn của mình trải lòng, nhưng thực tâm, anh không muốn nghe chút nào. Đây không biết là lần thứ mấy anh phải nghe Long càm ràm những lời cay nghiệt về người vợ bội bạc. Đồng cảm với Long nhưng Hải không muốn bị thằng bạn nhồi nhét vào đầu cái tư tưởng hận đàn bà của nó. Anh châm điếu thuốc rồi hít một hơi thật dài. Làn khói đen phả vào không trung, lơ lửng vài giây rồi tan biến trong hư vô.

* * *

Hội nghị tổng kết công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Ủy ban huyện Đồng Hải diễn ra khá sôi nổi khi bước vào phần thảo luận. Hạt trưởng Nguyễn Thành Giang ngồi ở ghế đại biểu đang tập trung vào bản tham luận mà ông sẽ đại diện cho cơ quan trình bày. Tuy nhiên, khi được giới thiệu, vị Hạt trưởng già lại bước lên bục phát biểu chỉ với tay không. Ông quyết định chỉ nói những điều cần phải nói, chứ không phải đọc cho xong rồi nghe vỗ tay đi về.

“Kính thưa hội nghị. Hôm nay, tôi đã chuẩn bị cả một bản tham luận dài tới 4 trang giấy để trình bày, tuy nhiên... tôi quyết định để lại nó trên bàn và chỉ nói những vấn đề trọng tâm. Sau khi lắng nghe báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022, tôi cơ bản nhất trí, tuy nhiên, khi xem đến phần phương hướng, giải pháp cho năm 2023, tôi thấy còn chung chung quá, nào là “cố gắng”, “tăng cường”, “không ngừng”, “đẩy mạnh”, “phát huy”, “nỗ lực”... nhưng không có lấy một giải pháp nào cụ thể, đúng trọng tâm, trọng điểm để giải quyết tận gốc bài toán bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Đồng Hải hiện nay...”.

Cả hội trường ồ lên kinh ngạc trước những lời phát biểu thẳng thắn có phần gay gắt của ông “Giang lửa”... Tuy nhiên, những tiếng xì xầm ở dưới hội trường nhanh chóng bị giọng nói oang oang như sấm của Nguyễn Thành Giang át đi:

“Theo tôi, mấu chốt thành bại của công tác quản lý, bảo vệ rừng nằm ở hai vấn đề, thứ nhất là sinh kế cho người dân để giảm phụ thuộc vào rừng và thứ hai là chế độ đãi ngộ cho những người giữ rừng. Vấn đề sinh kế ở tầm vĩ mô, tôi chưa dám bàn. Còn vấn đề đãi ngộ cho những người giữ rừng, trong đó có lực lượng Kiểm lâm và Bảo vệ rừng chuyên trách, tôi cho rằng phải được ưu tiên hàng đầu. Ngành Lâm nghiệp của chúng ta tuy đã có sự trở mình nhưng vẫn còn rất chậm so với thời cuộc các đồng chí ạ. Khi những người Kiểm lâm, những người bảo vệ rừng và gia đình của họ không thể sống tốt, sống khỏe, sống hạnh phúc để họ yên tâm bám rừng thì những cụm từ “cố gắng”, “tăng cường”, “nỗ lực”, “phát huy”... mà tôi vừa nêu mãi mãi chỉ nằm trên giấy mà thôi. Làn sóng dịch chuyển nhân lực từ khu vực nhà nước sang khu vực tư nhân, nơi có nhiều cơ hội hơn, chế độ đãi ngộ tốt hơn đã, đang và sẽ tiếp tục gõ cửa nhiều cơ quan, đơn vị từ trung ương đến địa phương, trong đó có ngành Lâm nghiệp. Chúng ta không thể trốn tránh nó, phớt lờ nó, mà phải chuẩn bị để đối diện với nó, sống chung với nó....”.

Và rồi, vị Hạt trưởng già cứ theo mạch cảm xúc mà nói một cách say sưa. Ở góc cuối hội trường, Nguyễn Thị Tâm - vợ của Lê Bắc Hải xúc động lắng nghe không sót một lời nào. Cô lại nhớ đến chồng mình, nhớ đến những đêm anh ngồi bần thần trong phòng khách với điếu thuốc lá không lúc nào ngơi khói.

Trời đã về khuya, trong căn buồng nhỏ với vợ con, những lời phát biểu của Hạt trưởng Nguyễn Thành Giang qua lời kể của vợ khiến Lê Bắc Hải không tài nào ngủ được. Anh nhìn lên tờ lịch trên tường, sực nhận ra ngày mai là hết phép của cơ quan, anh sẽ phải đưa ra quyết định của mình. Bất giác, nhớ đến lời của Long, một thoáng lo sợ bỗng đâu bay đến, choán lấy tâm trí của anh. Hải quay người lại, ôm lấy Tâm rồi hôn lấy cổ của vợ đầy mãnh liệt. Tâm cảm nhận được từng hơi thở gấp gáp của chồng đang phả lên từng lớp da thịt của mình. Bỗng, thằng Cún con trai anh giật mình nhỏm dậy, nó ứ ứ vài tiếng rồi đè lên người mẹ nó ngủ tiếp. Thằng bé quấn mẹ nó lắm, tối ngủ mà không có hơi mẹ là khóc suốt, nay mà có thêm em, không được mẹ yêu thương, gần gũi, ôm ấp thử hỏi làm sao nó chịu được. Nhìn con trai ngủ ngon lành trên người của vợ, Lê Bắc Hải gạt đi ý nghĩ vừa rồi. Anh kiểm tra màn thật kỹ cho hai mẹ con rồi lại ra phòng khách ngồi một mình với điếu thuốc trên tay. Chẳng biết làm gì cho khuây khỏa, anh lấy điện thoại ra, xem lại những bức ảnh kỷ niệm của anh với đồng đội. Nào trực cháy ở chốt Trạ Ang, bắt gỗ ở đường Dốc Táu, tháo gỡ bẫy ở tuyến Nước Vàng, quần nhau với lâm tặc ở đỉnh U Bò... Bao nhiêu bức ảnh được lướt qua là bấy nhiêu kỷ niệm lại ùa về khiến cho trái tim của Hải phải thổn thức, hoang hoải về một chặng đường gian khó nhưng đáng tự hào mà anh đã đi qua, trong màu áo Kiểm lâm, màu của đại ngàn và cũng là màu mà anh yêu nhất. Đến lúc chẳng thể kiềm chế được, một giọt nước mắt trào ra trên đôi mắt đỏ hoe của người đàn ông đã 37 tuổi nhưng vẫn còn chênh vênh tìm cho mình một lối đi giữa dòng đời bất định.

Lại thêm một đêm trắng nữa từ khi Lê Bắc Hải về nhà nghỉ phép. Hai gói thuốc Thăng Long bị anh đốt sạch trong đêm. Khuôn mặt anh đờ hẳn đi, phờ phạc và chẳng còn chút sức sống. Những tia nắng đầu tiên của ngày mới bắt đầu rọi qua khe cửa cùng với tiếng chuông báo thức vang lên khiến Lê Bắc Hải bừng tỉnh. Anh biết đã đến lúc phải đưa ra quyết định của mình.

Cuộc đời vốn dĩ là một chuỗi những lựa chọn và có những lựa chọn không phải lúc nào cũng dễ dàng.

N.A.T

 

NGUYỄN ANH TUẤN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 344

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

9 Giờ trước

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

14 Giờ trước

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

26/04

25° - 27°

Mưa

27/04

24° - 26°

Mưa

28/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground