Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 24/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Lá không rụng về cội

B

ác không phải là anh hùng, cũng không phải là người có họ hàng xa gần gì với tôi. Bác chỉ là một người dân bình thường như bao người khác, vậy mà tôi yêu quý bác như yêu quý cha mẹ của mình. Tên bác là Lục, nhưng người làng tôi quen gọi là bác Ba Lục. Hồi đơn vị bác đóng quân ở làng tôi, bộ đội đều gọi bác như thế, theo cách gọi của người Nam Bộ, dân làng gọi theo rồi thành quen. Tôi biết bác ngay từ dạo ấy, khi tôi còn rất bé. Rồi sau này lớn lên, hơn hai chục năm, nhà ở cạnh nhau, tôi càng có dịp gần gũi, thân thiết với bác và hiểu bác nhiều hơn.

Khi bác nghỉ hưu, làm rể, định cư ở làng tôi, dân làng còn gọi vui bác là bác Lục “nhà thơ”. Thơ bác chưa gửi đăng báo bao giờ, nhưng ở các hội nghị xã viên hợp tác xã, các dịp mừng xuân, đám cưới… có bác tham dự, bác đều có thơ đọc góp vui. Những vần thơ mộc mạc, dung dị của bác luôn được mọi người nưng niu, trân trọng. Có không ít cặp vợ chồng từ thuở mới kết tóc xe duyên, bây giờ đã thành ông thành bà, vẫn lưu giữ những vần thơ của bác như những kỷ niệm.

Thuở bác mới đến làng tôi, không ít người đặt câu hỏi: “Không biết ông này lai Tây hay lai Tàu gì mà có khổ người cao lớn, phốp pháp nhường vậy?”. Bác cao tới một mét chín mươi. Đã thế, râu bác lại quai nón và ngực đầy lông nên trông càng dữ tướng. Ai gặp bác lần đầu, nhất là các chị, các cô, đều có cảm giác ngài ngại. Còn các em bé, hễ nghịch ngợm, quấy khóc, thì y như rằng các bà mẹ lại lấy ngay tên bác ra hù dọa. Ấy thế nhưng bác lại rất hiền. Một vẻ hiền hậu trái ngược hoàn toàn với tướng mạo bên ngoài. Mẹ tôi thường bảo: “Bác Ba Lục đức độ, phúc hậu lắm! Mấy mươi năm sinh sống ở làng ta, bác ấy chưa làm mất lòng ai. Ai cũng quý trọng bác ấy…”.

Nhiều mẩu chuyện kể về bác thời đánh Mỹ không những gây được sự háo hức với lớp trẻ như tôi, mà ngay cả người lớn cũng lấy làm thú vị. Chuyện kể rằng, trong một đêm tập kích vào căn cứ địch, bác đã chỉ huy một trung đội đặc công đánh giáp lá cà với gần một đại đội Mỹ. Ngay phút đầu lâm trận, cả trung đội theo gương bác, nhảy xổ vào giữa đội hình địch. Chỉ không đầy năm phút đã có hơn một tiểu đội Mỹ ngã gục. Thân hình bác lực lưỡng, cao lớn, nhập nhòa trong ánh trăng, làm bọn lính Mỹ trong lúc hoảng loạn đã nhầm tưởng bác là “đồng đội” nên bỏ lỡ cơ hội tấn công, bị bác hạ đo ván một cách dễ dàng. Trận ấy, bộ đội ta diệt gọn hai trung đội Mỹ. Số còn lại bỏ chạy tán loạn, và gào lên với cấp trên của chúng rằng: Có một đặc công Việt cộng thân hình khổng lồ đã chỉ huy chiến hữu như từ dưới đất chui lên!?

Những chuyện trên không ai rõ thực hư thế nào. Nhưng có một chuyện về bác không kém phần thú vị mà tôi chứng kiến hẳn hoi. Đó là hồi đơn vị bác mới hành quân từ miền Nam ra đóng quân ở làng tôi. Một lần có hai con trâu húc nhau rất dữ. Cả xóm đổ xô ra mà không có cách gì ngăn được chúng. Bác Ba Lục lúc ấy đang ngủ trưa, nghe tiếng ồn ào thì vùng ngay dậy, mặc mỗi chiếc quần cọc chạy ào ra. Chẳng đắn đo, bác rẽ đám đông xáp lại chỗ hai con trâu đang húc nhau. Bác lừa lừa, bất thình lình nhảy đến tóm chặt đuôi một trong hai con, rồi gò lưng, choãi chân, dùng hết sức kéo lùi lại. Trông bác lúc ấy thật hung tợn, môi bặm lại, răng nghiến chặt, mặt đỏ bầm. Cả người bác bắp thịt nổi lên cuồn cuộn. Mọi người nín thở, hồi hộp chờ đợi. Chẳng biết con này yếu hơn con kia, hay bởi sức mạnh phi thường của bác mà nó lùi lại thật. Còn con kia do yếu thế, gặp dịp may cũng dừng lại, dụi sừng xuống đất. Bác vẫn kéo, cố kéo… Con trâu vẫn lùi lại, lùi lại… Thình lình cái dây lưng quần của bác bị đứt, cái quần cọc tuột xuống, lộ ra một mảng mông lớn. Bác Ba Lục phải buông đuôi trâu, kéo quần lên. Mọi người được một trận cười vỡ bụng, nhưng nhờ thế mà ngăn được hai con trâu húc nhau, đỡ thiệt hại cho hợp tác xã.

Sau lần ấy, làng tôi vốn đã quý trọng bác, nay lại càng quý trọng bác hơn. Biết bác đã xấp xỉ tuổi năm mươi mà chưa lập gia đình, chị em trong làng đã đứng ra động viên nhau tìm vợ cho bác. Nhưng tìm ai, chọn ai cho xứng đôi vừa lứa, thì các chị phải mất một thời gian dài. Điểm đi điểm lại, cuối cùng các chị cũng tìm được người ưng ý. Đó là chị Hiên, một nữ dân quân luống tuổi. Chị Hiên tính tình nhu mì, hiền hậu, và hình thức chẳng phải xấu, nhưng bởi chị “kén cá chọn canh”, nên thành ra “ế”. Ở tuổi ba sáu, trông chị vẫn trẻ trung, yêu kiều như một đóa hoa xuân. Bác Ba Lục nghe các chị gợi ý thì bằng lòng lắm! Hai má bác đỏ lên, tiếng nói lắp bắp, và điệu bộ cũng lúng túng như bất kỳ chàng trai chưa vợ nào. Nhưng ngặt nỗi, không biết vì lý do gì, mà khi các chị đặt vấn đề, chị Hiên cứ chối đây đẩy. Họ quyết không tha, cố tìm cho ra nhẽ.

Chị Hòa là người đã có chồng, tính vui nhộn, hay pha trò, chừng như đoán được nỗi “phân vân” của chị Hiên, liền làm bộ nghiêm nét mặt hỏi: “Mày chê anh Ba điểm nào mà không bằng lòng, nói tao nghe thử nào? To béo hả? Nhiều râu hả? To béo thì làm sao? Mày sợ cái lúc… Hay mày muốn ở vậy cả đời?”. Thấy chị Hiên im lặng, đỏ mặt, chị Hòa càng làm tới: “Cái thiệt lớn nhất của người phụ nữ là lấy phải người chồng ốm yếu, còm nhom. Làm việc đã chẳng ra gì, mà ngay cả… ngủ với mình cũng chẳng hứng thú gì. Càng to béo càng tốt mày ơi!”. Chữ “tốt” được chị kéo dài ra với cặp mắt đong đưa, tình tứ. Một chuỗi cười ré lên từ phía mấy chị đứng quanh. Chị Hòa tiếp tục, nhưng giọng đã dịu lại: “Thế nhé! Mày cứ suy nghĩ cho kỹ rồi ừ cho một tiếng. Đừng để tụi tao mất công và anh Lục thì thất vọng. Anh ấy đang chết mê chết mệt với mày rồi đó”.

Cái kiểu làm mối làm mai nửa đùa nửa thật thế mà đâm ra đắc dụng. Sau một thời gian giữ kẽ, chị Hiên đã dần dần có cảm tình với bác Ba Lục. Rồi họ công khai đi lại với nhau. Cả chi hội phụ nữ lẫn ban chỉ huy đơn vị bộ đội cùng thở phào nhẹ nhõm. Còn bọn trẻ choai choai trong làng thì nghịch ngợm, ngang nhiên “công bố” với thiên hạ rằng, chính chúng đã bắt gặp chị Hiên và bác Ba Lục ôm hôn nhau rất lâu ở cái cống ba cửa ngoài đê trong một đêm trăng sáng. Chúng còn cao hứng thêm rằng, để hôn được người yêu cao hơn mình gần hai cái đầu, chị Hiên đã phải đứng lên bậc đá ở cửa cống. Và khi hôn nhau xong, chị Hiên còn được Ba Lục bế xuống đất.

Đùng một cái, đơn vị bác Ba Lục có lệnh hành quân quay trở lại miền Nam chiến đấu. Do tuổi tác đã cao và là thương binh nặng nên bác Lục được ở lại nghỉ chế độ. Người chỉ huy đơn vị gửi lại một món quà và nhờ chi hội phụ nữ thôn đứng ra làm lễ thành hôn cho hai người. Đám cưới của bác Ba Lục và chị Hiên được tổ chức ngay sau đó. Đơn giản thôi. Nhưng vui và đông đủ cả làng. Mọi người hút thuốc lá Trường Sơn, ăn cau trầu… và hát những bài hát ca ngợi tình yêu. Chị Hiên người nhỏ bé, mặc quần lụa katăng, áo pôpơlin trắng, khép nép, e lệ đứng bên chồng. Anh chồng người cao lớn, mặc quân phục màu cỏ úa, tay ôm bó hoa, nhìn mọi người mỉm cười hiền hậu.

Ngày vui đi qua, vợ chồng bác Ba Lục lao vào sản xuất. Bác Ba Lục làm rất khỏe, nên điểm công nhật của bác bao giờ cũng được tổ, đội sản xuất bình cao hơn mọi người. Gánh phân khoán ra ruộng, bác thường gánh từ một tạ hai, đến một tạ rưỡi mỗi gánh. Đôi vai bác có thể sánh ngang chiếc “cút kít” một bánh hồi đó khá thịnh hành ở quê tôi. Thương chồng, chị Hiên cũng suốt ngày tảo tần, lam lũ.

Có lần, giữa đám đông, chị Hòa - vẫn chị Hòa - nháy mắt với mọi người rồi bất ngờ hỏi: “Anh Ba Lục ơi!”. “Gì mầy?” - Bác Ba Lục ngừng tay hỏi lại. Chị Hòa nói: “Em hỏi anh thế này khí không phải, anh bỏ quá cho nghe?”. “Gì mà rào trước đón sau dữ vậy ta?”. “Nhưng anh có ừ không?”. “Thì ừ!” - Tưởng chuyện gì quan trọng, bác Ba Lục đứng thẳng người lên đĩnh đạc trả lời. Chị Hòa mặt tỉnh bơ, dặng hắng mấy cái rồi hỏi: “Là em hỏi anh… bây… bây giờ chị Hiên có còn chê anh là “ông hộ pháp” nữa không? Hồi ấy, khi mới tìm hiểu anh, chị ấy nói với tụi em là chị ấy rất sợ anh. Người như anh, nặng cả tạ, đàn bà con gái nào mà chịu cho thấu…”. Một chuỗi cười lại ré lên. Tưởng đâu bác Ba Lục chỉ ậm ừ cho qua, không ngờ, bác cũng là một tay hài hước không vừa: “Thì tao cũng phải tùy cơ mà ứng biến chớ mậy. Thiếu gì cách. Tao quỳ, tao nằm nghiêng. Được không?”. Các chị được một bữa cười chảy nước mắt nước mũi. Bác Ba Lục cũng cười khà khà. Chỉ tội cho chị Hiên, vì quá mắc cỡ, mặt cứ cúi xuống, hai má đỏ rựng lên.

Vợ chồng bác chậm có con. Mãi bốn năm sau họ mới sinh bé gái đầu lòng. Năm ấy ta đánh lớn. Rồi miền Nam hoàn toàn giải phóng. Hai niềm vui cùng đến với bác một lúc. Bác sung sướng như trẻ ra mấy tuổi. Sau hai chục năm xa cách, lần đầu tiên bác về thăm quê hương. Làng tôi ai cũng mừng cho bác. Mọi người tiễn chân bác và gửi biếu bác những món quà đặc sản của quê nhà. Nhưng bác đi không lâu, chỉ một tháng đã trở lại. Vẻ mặt bác trĩu nặng thương đau. Hỏi ra mới biết gia đình bác chẳng còn ai. Cha mẹ thì già nua rồi mất. Anh em ruột thịt, người bị địch sát hại, người ra trận hy sinh. Còn mỗi người em gái thì không biết phiêu bạt phương nào. Bác ôm con vào lòng, nghẹn ngào nói với vợ: “Anh có ý định sau chuyến đi này, đợi khi con cứng cáp, anh sẽ đưa mẹ con em vào thăm quê anh. Còn sau này, ở đây hay vào trong ấy sinh sống, anh nhường cho em cái quyền lựa chọn. Nhưng bây giờ ruột thịt anh chẳng còn ai nữa…”. Chị Hiên gục đầu vào vai chồng, tiếng chị nhòa trong nước mắt: “Anh ơi, anh hãy cho em được khóc nỗi khổ đau mà anh không khóc được, cho em chia sẻ với anh nỗi mất mát, thương đau mà anh đang gánh chịu…”. Chị Hiên quàng tay ôm lấy chồng, lấy con và tức tưởi khóc. Nước mắt chị đã thấm ướt áo chồng, áo con. Nước mắt chị đã làm vơi đi nỗi đau trong lòng mỗi người.

Mãi sau này, vợ chồng bác không sinh thêm người con nào nữa. Mặc dù cả hai vẫn thầm mong có được một đứa con trai. Bác Ba Lục hăng hái tham gia công tác của địa phương, được trên trọng dưới kính. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, chẳng mấy chốc bác đã ở tuổi ngoài bảy mươi. Ngoài bảy mươi mà trông bác vẫn khỏe như thuở năm mươi. Ai cũng bảo thế. Bởi lưng bác vẫn thẳng, tóc bạc ít và răng chưa rụng cái nào. Năm kia con gái bác lấy chồng rồi theo chồng đi làm ăn xa. Bác vẫn theo trâu tự cày lấy ruộng mình. Vẫn đồng sâu ruộng cạn cùng vợ chăm chỉ gieo trồng, mỗi năm hai vụ. Hai mấy năm trôi qua, bác đã trở thành người con của quê hương tôi, từng ngày gắn bó với mỗi con đường, dòng mương, thửa ruộng… như chính là quê hương của bác.

Nhà bác ở cạnh nhà tôi, nên hàng ngày, hễ rảnh việc tôi lại sang với bác. Bác thường đọc những bài thơ bác mới làm cho tôi nghe. Vốn yêu thơ và ít nhiều hiểu thơ, nên tôi thấy thơ bác bài nào cũng đọc được, có bài hay, nhịp nhàng, dễ nhớ. Tôi khuyên bác nên mạnh dạn chọn những bài đắc ý nhất gửi báo. Bác cười bảo, cháu khen thơ bác chỉ là do cháu có cảm tình với bác thôi. Chớ làm được thơ hay để đăng báo cho người khác đọc khó lắm cháu ơi! Việc ấy phải để cho các thi sĩ, các nhân tài. Còn bác, bác làm thơ chỉ là để đọc cho vui thôi. Có lần bác kể với tôi, Nam Bộ quê bác có những cánh đồng sải cánh cò bay, đất đai màu mỡ, trù phú. Giữa những cánh đồng là kênh rạch chằng chịt, cá tôm nhiều không kể xiết. Hồi nhỏ, nhà bác nghèo lắm! Bác phải đi ở cho địa chủ, bị nó đánh đập suốt ngày. Thế là bác trốn vào bưng biền làm giao liên cho cán bộ kháng chiến. Từ giao liên bác chuyển thành du kích, rồi từ du kích bác chuyển sang bộ đội. Cháu biết không, đơn vị bác chỉ có mấy cây súng tự tạo mà đánh cho bọn Tây súng ống đầy mình chạy dài luôn. Bác chuyển sang bộ đội chủ lực được vài năm thì có lệnh ra Bắc tập kết. Cứ tưởng đâu hai năm sẽ tổng tuyển cử thống nhất đất nước, ai dè… Bác dừng lại giữa chừng, giọng nhỏ lại: “Bác nhớ quê hương lắm! Ở người già thường có tâm trạng ấy. Lá rụng về cội mà cháu!”. Rồi bác cho biết sau vụ gặt tới, bác sẽ cùng vợ con về thăm quê. Và bác nóng ruột đợi ngày ấy đến. Chưa bao giờ tôi thấy bác sốt sắng như thế.

Nhưng đau buồn thay! Đúng vào thời điểm ấy, vợ bác lâm bệnh rồi đột ngột qua đời. Gần trọn một tháng vợ nằm liệt giường, bác thức trắng đêm, túc trực bên cạnh. Bác dỗ dành, bón từng thìa cháo cho vợ. Nhìn khuôn mặt xanh xao, gầy gò của người bạn đời, lòng bác thắt lại quặn đau. Bác muốn khóc một chút cho thanh thản nhưng không sao khóc được. Có lẽ ở tuổi già, người ta khó khóc. Và, dẫu có khóc được, cũng là khóc lén khóc thầm, nước mắt có chảy cũng chỉ chảy ngược vào trong.

Hôm vợ tắt thở bác cũng không khóc. Rồi hôm đưa tiễn, lúc hạ huyệt, bác cũng không khóc. Nhưng nhìn vẻ mặt bác, thì ai cũng đoán biết là bác đang đứt từng khúc ruột. Mấy ngày sau, khi lễ ba ngày cho vợ xong, mọi người lục tục ra về, bác mới ồ lên khóc như một đứa trẻ.

Mọi người sẽ nghĩ gì khi nhìn thấy một cụ già, mà là một cụ ông, khóc nức nở trong một hoàn cảnh như vậy? Phần tôi, lúc ấy đứng bên bác Ba Lục, nhìn thấy mái đầu bạc của bác gục xuống, toàn thân bác rung rung, ngoài nỗi xót xa, quặn thắt, tôi còn cảm nhận một sự trân trọng ập đến lan tỏa trong lòng tôi, khi tôi chợt nhận ra sự vững bền, quý hiếm của những giọt nước mắt ở người già, ở các cụ ông. Vâng, không hiểu sao tôi cứ có cảm tưởng những giọt nước mắt của bác Ba Lục đang nhỏ kia một sự tích tụ, dồn nén đến cô đặc của cả một đời người và như được chắt ra từ hạnh phúc, khổ đau, và bây giờ là sự trống vắng, quạnh hưu của cảnh già. Những giọt nước mắt ấy như có thể sờ nắn được, cất giữ được.

Chỉ vỏn vẹn một tháng sau ngày đau thương ấy mà bác Ba Lục như già hẳn đi. Lưng bác còng xuống. Vóc vạc nhỏ lại. Cả tiếng nói và dáng đi cũng đổi khác. Sự xuống sức ở người già quả như lá mùa thu!

Tôi đến với bác thường xuyên hơn. Buổi tối, tôi sang ngủ với bác. Hai bác cháu nằm cạnh nhau nói chuyện đến khuya. Nhớ lại ý định trước đây của bác, tôi hỏi bác thời gian nào thì về thăm quê, nhưng bác chỉ im lặng với một vẻ mặt đăm chiêu, buồn bã, đầy nỗi niềm. Nửa tháng sau, bác ốm một trận thập tử nhất sinh, phải nằm viện cả tháng trời, sức khỏe mới tạm hồi phục trở lại. Nhưng từ đấy tâm trí bác đổi khác. Ít nói, hay quên và rất hiếm khi thấy bác cười. Nhiều lần tôi thấy bác ngồi trầm tư một mình, dõi mắt về phương nam, hoặc lững thững đi ra mộ vợ và ngồi lại đấy rất lâu. Có lần bác buồn rầu nói với tôi: “Bác nhớ quê lắm Tuấn à! Chưa bao giờ bác thấy nhớ quê hương bác như lúc này. Nhưng có lẽ bác sẽ không về thăm quê đâu cháu ơi!”. “Vì lẽ gì mà bác không về thăm quê? - Tôi hỏi lại và thành thật nói với bác - “Nếu bác cảm thấy già yếu, đi đứng không an toàn, thì bác cho cháu được cùng đi với bác.”. Bác đặt tay lên vai tôi, ánh mắt nhìn tôi trìu mến: “Cảm ơn cháu! Nhưng đó không phải là lý do đâu cháu à!”. “Vậy là do đâu hả bác? Bác cứ nói ra đi. Gia đình cháu, cả cô bác trong làng nữa, chả nhẽ không giúp được cho bác hay sao.”. Bác nở một nụ cười, rồi bác chậm rãi nói: “Thế này cháu ạ! Lần này mà bác về thăm quê thì coi như có đi mà không trở lại. Bác biết chắc chắn trong ấy, thấy bác già cả, ốm đau như vầy, rồi thì vợ mất, con đi lấy chồng xa, chẳng còn ai, họ hàng sẽ không cho bác trở lại ngoài này nữa đâu. Mà không trở lại nơi này, phải vĩnh viễn xa cách nơi này thì bác làm sao sống nổi. Mảnh đất này, làng quê này, với bác sâu nặng lắm!”.

Tôi bỗng nhớ đến những lá thư của người thân từ quê bác gửi ra mà bác nhờ tôi đọc, người nào cũng thúc giục bác trở về quê hương sinh sống. Ôi chao! Chỉ một lý do như thế mà bác không về thăm quê, trong khi nỗi nhớ quê hương trong lòng bác mỗi ngày một quay quắt, diết da! Và tấm lòng của bác đối với quê hương tôi mới ân tình, sâu nặng làm sao! Tôi chỉ biết lặng im và không biết phải nói với bác thế nào cho phải. Ở đời, và trong từng mỗi con người, trong cõi sâu thầm kín, vẫn thường có những nỗi niềm riêng tư như vậy đấy. Không phải là khó phân xử, nhưng phân xử thế nào đây cho trọn nghĩa vẹn tình.

Ngày ấy tôi đang chạy việc làm. Có một cơ quan ngoại tỉnh, tôi cần có mặt để liên hệ xin việc. Trước khi đi ít ngày, tôi đến thưa chuyện với bác. Bác đang ngồi cạp lại cái rổ bị xổ vành. Bác kêu mệt và khó chịu trong người. Tôi nghĩ, chắc là cái vết thương cũ lại hành hạ bác như lần trước và khuyên bác nên nghỉ ngơi cho khỏe. Bác nói nhỏ: “Làm thế này thì có gì mà mệt”. - Rồi hỏi tôi - “Cháu đi có lâu không?”. Tôi nói với bác, tôi đi độ một tuần thì về. Bác bỗng thở dài: “Sao mà đi lâu vậy?” - Rồi lại động viên tôi - “Ờ, mà cũng cần phải có thời gian, mình muốn sớm hơn cũng chẳng được. Cố mà xin cho được việc làm cháu ạ!”. Rồi bác lặng im, không nói gì thêm. Buổi sáng hôm ra đi, tôi tạt qua chào bác. Bác vẫn ngồi ở hiên cạp rổ và cứ nhìn theo tôi mãi.

Đến ngày thứ năm, ở nơi xa, tôi bàng hoàng khi nhận được điện của em tôi báo tin bác Ba Lục đang ốm nặng. Tôi nhào ra bến xe. Ngồi trên xe, tôi tự trấn an tôi, là lần này căn bệnh của bác, như lần trước, rồi cũng qua khỏi. Nhưng điều mong ước ấy đã không thành. Khi tôi về đến nhà thì mọi việc đã đâu vào đó cả. Chiếc quan tài đã được quàn ngay ngắn giữa nhà, bên trên có phủ một lá cờ đỏ. Bốn cựu chiến binh quân phục chỉnh tề, túc trực bốn phía. Trước bàn thờ có ảnh của bác là những vòng hoa, với những dòng chữ tang thương thống thiết. Mùi hương lan tỏa nghi ngút. Tôi đứng lặng một hồi lâu như chết điếng người, rồi kịp rẽ đám đông đi vào, quỳ xuống bên quan tài bác…

 

N.N.C

 

 

 

 

 

 

 

 

NGUYỄN NGỌC CHIẾN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 303 tháng 12/2019

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

25 Phút trước

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

6 Giờ trước

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

25/04

25° - 27°

Mưa

26/04

24° - 26°

Mưa

27/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground