Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Làng bên tê núi

L

àng Yên ngót trăm nóc nhà ngoảnh mặt ra biển, tựa lưng vào núi Tịnh Sơn. Một vạt cổ thụ những lim, trắc, bộp, dổi xen lẫn si, lộc vừng, keo, thông... xanh thẳm vuốt ngược từ làng lên sườn núi. Giữa rừng cây có một cái miếu vuông, mỗi chiều chừng hai sải tay, cao ngang đầu người, tường xây bằng đá nâu có tên miếu Ông Hoàng thờ ông Hoàng Phổ. Tương truyền ông Hoàng Phổ người xứ khác, chủ một đội thuyền đi biển chuyên chở nước mắm Phan Thiết ra tận kinh thành Thăng Long. Năm nào đấy gặp bão biển, thuyền tan tác, năm người trong gia đình mất tích, mỗi ông trôi dạt vào bãi cát dưới chân núi Tịnh Sơn. Ông dựng nhà để ở, đánh cá dưới biển, bẫy chim, săn thú trên núi để sống. Thấy đất ấy làm ăn được, người các nơi kéo đến, thời này sang thời khác, nhà cửa mọc lên, đất khai hoang thành ruộng, bãi cát thành bến cá, bến thuyền. Rồi thành làng, thành xóm, sau là núi, trước là biển, lặng lẽ tách xa thiên hạ. Ông Hoàng Phổ đặt tên làng là làng Yên, xong thì về cõi khác. Dân làng xây miếu thờ ông làm Thành Hoàng. Miếu Ông Hoàng không khi nào ngớt khói hương.

Một lối mòn từ miếu ngoằn ngoèo xuống con đường làng lát gạch nghiêng chạy từ đầu làng đến cuối làng, cách khoảng lại có một đường nhánh đá xám xếp thành bậc thẳng xuống dãy phi lao dọc bờ biển. Những ngôi nhà tường xây đá ong, lợp ngói vảy có vẻ xưa cũ bám hai bên đường làng, nép dọc lối xuống biển. Buổi sáng, biển hắt nắng lên làng, loang loáng trên mái nhà. Chập tối sương mù từ biển, từ đồng dâng lên và bóng núi đổ xuống, làng chìm trong bầu sâm sẫm. Giữa những mảnh sân đất, dọc lối ngõ, thấp thoáng bóng người lom khom cạnh bếp than nướng cá hồng rực. Tiếng sóng biển rì rào cùng mùi cá nướng thơm phức lẫn mùi rơm rạ theo gió len khắp ngõ ngách, đẫm trong không gian mờ sương và khói bếp. Đây đó vang lên những tiếng động khẽ vẻ dè sẻn và một giọng ru con rưng rức. Sáng ra, đàn bà con gái trong làng gồng gánh chen nhau qua cổng làng lên các chợ miền Thượng. Cổng làng xây bằng gạch nâu, rễ si và cây dương xỉ bám đầy trong kẽ nứt nơi vòm cửa. Thường đóng trưa, trước khi lên thuyền, dân đánh cá mới lục tục đến miếu Ông Hoàng dâng hương khấn cầu cho chuyến ra khơi gặp trời yên, biển lặng.

Nhà con bé ở cuối làng. Một ngôi nhà gỗ ba gian hai chái ông nội làm cho bố mẹ nó ra ở riêng lúc nó lên ba tuổi. Quanh nhà lúp xúp cây dại, miên man sim và mua. Vườn rộng nhưng chỉ mỗi rau dền, mồng tơi, xen giữa những luống hành tăm, nghệ, gừng và khoai dong riềng tím… nom phờ phạc vì thiếu bàn tay người chăm sóc. Mẹ nó là con út của ông bà ngoại làm nghề may vá trên phố huyện, ngoài đạp máy khâu, nấu nướng chẳng biết làm gì thêm. Cái sân đất lát gạch nâu nhà nó không có vại sành, thạp gỗ muối mắm, ruốc, không có bếp than nướng cá, mành tre phơi mực... Cả nhà sống nhờ vào thu nhập từ đường kim mũi chỉ của mẹ và con thuyền ra khơi, vào lộng đánh cá của bố. Hàng ngày, ở trường học về, con bé sà đến cái chum sành hứng nước mưa từ thân cây cau còi nơi góc sân, uống hết một gáo dừa nước lạnh rồi theo con đường ngoằn ngoèo, thường là vắng vẻ, vào chợ Làng trong rừng cây trước miếu Ông Hoàng bán áo quần may sẵn, chợ vãn thì xuống bãi biển đón thuyền cá của bố cập bến. Gia đình nó không giàu, không dư dả tiền bạc nhưng mà đầm ấm, bình yên như nhiều nhà khác trong làng.

 

Minh họa: LÊ TRÍ DŨNG

Đến một dạo, làng Yên cứ giật mình thảng thốt bởi tiếng còi rú, tiếng gầm gào từ bên kia núi Tịnh Sơn vọng sang, kéo dài âm âm theo sườn núi. Những lúc như vậy mẹ con bé xòe hai bàn tay áp vào tai. Mẹ nó không chịu nổi thứ âm thanh lạ kia. Bố nó thì cáu kỉnh: “Không để cho người ta yên. Khỉ gió chúng nó!”. Chúng nó là những người nước ngoài đến thuê đất xây dựng khu công nghiệp nghe đồn lớn nhất nước. Đêm, những luồng sáng hắt lên trời, trắng lóa trên nhỏn núi. Chim chóc đập cánh xao xác. Biển đổi màu, lúc xanh, lúc tím, lúc đỏ. Cá bỏ biển làng Yên đi chỗ khác. Không còn ánh lửa nướng cá trước sân, không nghe mùi thơm cá nướng lẫn trong gió nồm, nam. Người qua cổng làng vắng dần. Những nhánh rễ si và cây địa y bám trên vòm cổng ngả màu vàng. Khói hương nơi miếu Ông Hoàng chỉ còn lãng đãng vào ngày rằm, mồng một.

Mùa hè năm ấy, con đường làng chạy sang bên tê núi được mở rộng, rải nhựa. Rồi người ta làm thêm con đường bê tông từ mé núi xuôi xuống bãi cát vào cửa sông Trinh. Con đường này cắt ngang đường ven chân núi tạo nên một ngã tư trước ngõ nhà con bé. Một hệ thống đèn tín hiệu dựng lên ở đó. Những bóng đèn tròn to như nửa quả bưởi ngày sang đêm cứ chói sáng xanh, đỏ, vàng. Người cửa sông Trinh lên, người ở khu công nghiệp bên kia núi sang, hùi hụi đi bất chấp đèn đỏ. Làng oằn lên một cách vội vã đến tội nghiệp. Nhìn đâu cũng thấy ra những màu sắc mới lạ, không còn sự thân thiết, tĩnh lặng và dịu dàng xưa nữa. Rừng cây xanh trên núi Tịnh Sơn bị chặt hạ. Miếu Ông Hoàng đứng chơ vơ. Chợ Làng chuyển xuống bãi phi lao phía biển, những chuyến xe từ đâu bên tê núi chở đầy hàng dán tem nhãn nước ngoài đổ về. Chợ căng ních. Cả dải đất hun hút từ miếu Ông Hoàng dọc theo chân núi rộng hàng ha, máy xúc, máy ủi đào xới, san bằng rồi thì nhà lợp tôn, lợp ngói nâu mọc lên san sát. Đèn điện giăng ngang, giăng dọc từ núi vắt qua cổng làng xuống biển. Rồi quán cafe, tiệm hớt tóc thư giãn, nhà hàng... chen nhau. Chốn ấy, dân gọi là làng Mới. Làng Mới cách làng Yên mỗi con đường lát gạch nghiêng rộng ba mét. Một mùa mưa, hai mùa nắng… Nhiều kẻ bỏ thuyền, bỏ lưới đi làm thợ nề, thợ bốc vác, các bà luống tuổi đi làm ô sin, con trai nhuộm tóc đỏ, tóc nâu rú ga xe máy chở người, chở hàng hoá vù vù dọc bãi cát trắng xóa sóng biển, con gái thì môi son, má phấn rót rượu, mở nắp bia, hầu khách lạ trong các nhà hàng, quán xá. Đây đó lạt xạt tiếng đếm tiền.

Những ngày kế tiếp sau đó biển động. Ngày gió nam, đêm gió nồm, thổi cồn cột. Thuyền đánh cá ghếch mũi lên bãi cát, lưới cuốn thành cuộn lùng nhùng trong khoang lái. Mẹ con bé không đạp máy khâu nữa. Quần áo đủ loại in chữ Anh, chữ Nhật, chữ Hàn, chữ Trung Quốc treo kín các nẻo làng.

Một tối, mẹ con bé nói: “Ta bán bớt đất vườn đi”. Bố nó lắc đầu, thở dài nói: “Đất nhà mình ở xa đường, xa làng Mới, chó nó mua”. Mẹ nó lặng im, lát sau thì nói: “Hay em lên núi bưng bê cho các nhà hàng kiếm tiền”. Bố nó cau mày, bảo: “Lên đấy bưng bê trước miếu Ông Hoàng à?”. “Thì sao?”. “Thì không nên thế chứ sao trăng chi nữa”. Mẹ nó như cười: “Chỉ thấy người trần chứ có thấy Thánh, Thần đâu”. Bố nó chau mày: “Không biết nông, sâu thì im đi”. Mẹ nó cắn môi, im lặng. Bố nó nói tiếp: “Lên đấy chường mặt ra trước thiên hạ nom được à? Gì thì nhà ta vốn gốc rễ làng Yên. Ông nội từng là Lý Trưởng, bố có thời làm đội phó đội thuyền, tôi là đảng viên”. Mẹ con bé nhếch mép, nụ cười không thấy vui đâu, còn giọng thì kéo dài ra: “Dào ôi, ối người là đảng viên, là cán bộ nhà nước trong nhà hàng, quán nhậu, họ ăn uống trước mũi ông Hoàng của nhà anh đấy.” Bố nó phẩy tay, nói: “Ai thế nào, mặc. Tôi không thế ”. Mẹ nó nói giọng buồn không chịu được: “Không thế thì thế nào đây?”. Bố nó không đáp. Im lặng đến mức con bé cảm thấy như có một tấm màn đen nặng trĩu trùm lên người. Bố nó đi tới, đi lui trong phòng, những ngón tay cứ xoắn vào nhau: “Thế nào thì thế...” - Nói xong bỏ đi ra ngõ theo nẻo vào làng.

Bẵng đi một thời gian, chuyện đi làm kiếm tiền lại được khơi dậy. Bắt đầu từ mẹ con bé. Mẹ nó nói: “Em sang bên kia núi kiếm tiền. Bên ấy không có Ông Hoàng. Bên ấy nghe người ta bảo nhiều việc kiếm ra tiền... Và đông đúc người thiên hạ chắc không gặp người làng”. Bố con bé thở dài, rồi nói: “Buôn có bạn, bán có phường.” Mẹ nó nói: “Thời buổi ni, phường hội chỉ có ra ruốc. Bao nhiêu năm nay, mấy cái phường, cái hội có làm nên trò trống gì chưa mà bảo...” Bố nó áp hai bàn tay vào thái dương, quay mặt nói gọn: “Đi thì đi.”

Lâu nay, nhiều đàn bà, con gái trong làng rủ nhau sang khu công nghiệp, thỉnh thoảng mới về nhà. Họ ở nhà dăm bảy bữa rồi lại ra đi... Cũng có người không thấy trở về. Con bé lí nhí hỏi mẹ: “Bên tê núi ấy nó thế nào ạ?” Mẹ nó nói: “Thế nào thì thế nào, nhưng chắc là không như cái làng Yên mà không yên, mà nghèo xác này”. Nó lại hỏi: “Mẹ mang máy khâu đi sang đó may áo quần à?”. Mẹ nó nói: “Áo với lại quần... Đừng hỏi nữa”. Con bé thấy nấc nghẹn một chỗ nào đó trong ngực, khóe mắt thì cay xè. Mẹ nó dịu giọng: “Mẹ đi rồi về chứ có phải chết đâu mà khóc...”

Mẹ con bé đi vào một hôm biển động và mưa xối xả. Làng Yên ngủ lặng. Đường vắng chỉ hai mẹ con và mấy chiếc ô tô tải trùm kín bạt lầm lì qua ngã tư đèn đỏ. Đến khúc ngoặt rẽ sang bên kia núi Tịnh Sơn, mẹ nó nói: “Thôi về đi, trời tối lỡ ra lạc đường”. Nói xong thì đi liền. Con bé nhìn theo mẹ, nước mắt giàn giụa. Mẹ nó không một lần ngoảnh lại. Mẹ nó sợ cầm lòng không nổi mà dùng dằng không nỡ đi sao? Sau lưng mẹ là con gái, là bố, là làng Yên, là biển của mẹ... Rồi nỗi nhớ như muối biển sẽ xát lòng mẹ chưa biết đến độ nào. - Con bé nghĩ. Nước mắt và nước mưa ướt dầm mặt.

Sau ngày mẹ đi, thường cuối chiều con bé theo lối xuống bãi phi lao đứng chờ thuyền bố cập bến. Nó nhìn những dây rau muống loằng ngoằng và cỏ lông chông đuổi nhau loong toong giữa đám hoa cúc tím ngát mặc gió biển mặn thổi xót trên làn da mặt. Bữa nào không ra bãi phi lao thì nó đi vào làng. Nó đếm bước chân mình, thích thú ngửi mùi mắm ướp thoảng trong gió, nhìn những lối ngõ ghép đá xám, những ô cửa trống, những mái ngói kề nhau, những tấm lưới phơi trên sào tre bắc ngang góc sân... Nó cảm thấy cái gì nơi đây cũng biểu lộ vẻ thân thiết, gần gụi. Chưa lần nào nó dám lên làng Mới, nó sợ đám đông người qua, kẻ lại chen chúc và âm thanh đủ thứ thì cứ rền lên.

Một sáng trời mưa giăng giăng, nhỏn núi Tịnh Sơn chìm trong mây mù, mẹ con bé về cùng một người đàn ông đeo kính đen, dáng cao to, áo quần sang trọng. Mẹ nó phấn son, mặc áo hở ngực, váy ngắn lộ cẳng chân, tóc uốn xoắn xuýt hai bên tai, gò má ửng hồng. Chưa bao giờ nó thấy mẹ đẹp như thế. Nó chạy ra ôm chầm lấy mẹ, còn bố thì đứng trên thềm. Mẹ giới thiệu người đàn ông đi cùng là thủ trưởng Phàn, người bên tê biển, làm việc trong khu công nghiệp. Bố nó lắc lắc đầu, nhíu mày, ánh mắt vút lên một chỗ nào đó trên nhỏn núi Tịnh Sơn. Ông Phàn quay đầu bước ra ngõ, nơi có chiếc ô tô màu trắng đậu ngoảnh đầu về phía ngã tư đèn đỏ.

Mẹ con bé vẫn đứng yên, tay quàng vai nó. Người mẹ nó tỏa ra một thứ mùi thơm lạ, khiến nó không nén được những cơn khịt mũi. Hình như mẹ nó không biết là mùi hương trên người mình làm con gái khó chịu. Cánh tay con bé đang ôm ngang hông mẹ tự nhiên buông thõng. Nó nghe một tiếng thở dài khẽ của mẹ. Mẹ nó đi vào nhà, lúc sau quay ra, đứng đối diện với bố nó. Mắt mẹ nó chớp chớp. Bố nó thì nhìn vu vơ lên ngọn cây bàng lưa thưa lá đỏ cạnh sân. Tiếng còi ô tô hức lên. Mẹ nó lấy trong túi xách ra một gói bọc giấy báo dúi vào tay bố nó. “Tiền.” - Mẹ nó nói, hơi nhếch môi cười. Bố nó hỏi, giọng rin rít: “Lại đi à?” Mẹ nó không trả lời. Bố nó lại hỏi: “Lại đi nữa à?” Mẹ nó gật nhẹ đầu. Bố nó lại hỏi: “Định không về nữa à?” Mẹ nó mím môi im lặng.

Mưa vẫn giăng giăng. Mây từ trên núi từng lớp chồng lên nhau trườn theo bờ đá dốc đứng xuống miếu Ông Hoàng rồi tản ra lan xuống làng. Mẹ con bé vội vã đi về phía ô tô như quên nó đang buồn hiu chôn chân giữa sân. Bố con bé bóp chặt xệp giấy bạc trong tay, không nhìn theo mẹ nó, không nhìn nó, không nhìn gì hết, cúi gằm mặt đi vào nhà.

Đều đặn cứ cuối tháng mẹ con bé lại nhờ một anh lái xe tải mang tiền, áo quần về. Anh ta đậu xe trước ngõ vào nhà nhanh ra khỏi nhà nhanh, không cả xưng tên. Tiền thì bố nó giữ. Áo quần thì nó lấy bao ni lông gói lại nhét vào góc tủ. Mẹ nó nghĩ thế nào mà lại gửi thứ áo quần màu mè sặc sỡ ấy cho nó? Nó nhếch mép cười mà lòng thì bỗng buồn.

Bố con bé thay đổi quá nhiều, khi câm lặng, khi cáu kỉnh. Nhà vốn đã trống vắng, nay thêm buồn nữa. Bố nó và dân làng lại kéo thuyền xuống biển. Chuyến khơi, chuyến lộng. Khơi, lộng gì cũng cập bến muộn, khoảng ánh điện rực sáng và tiếng nhạc xập xình như biển động trên các nhà hàng làng Mới. Bố nó câm lặng đi vào phòng trong, đi xuống bếp, đi ra sau vườn, mắt nhìn ngang, dọc như tìm kiếm cái gì đó. Trở vào, bố nó hỏi: “Mẹ không về à?”. Nó đáp: “Không ạ”. Bố nó nhón một nhúm sợi thuốc trong cái bao ni lông nhàu nhĩ von vào mảnh giấy rồi cuộn tròn lại. Điếu thuốc vừa bén lửa, bố nó đã dụi xuống đầu máy khâu. Nhiều lần như thế. Những ngón tay bố nó run run chứng tỏ bố đang trong một tâm trạng bức xúc. Nó ngồi im không cả cựa quậy. Bất ngờ, bố nó đứng phắt dậy, nói như quát nạt: “Thôi... Quên đi. Ngủ đi!.”

Thoạt tiên, con bé chẳng biết bố bảo quên cái gì. Nó co quắp, úp mặt xuống cái gối nhồi rong biển, nghe tiếng thở dài, tiếng chiếu lạt xạt trên sạp giường, rồi tiếng bước chân không đều, tiếng vật gì đấy va đập vào tường vang lên ngoài phòng bố. Có lẽ những chòng chành của biển cả, những sát phạt, dối trá nơi quán hàng trên núi đã ngấm vào mọi ngóc ngách trong lòng giờ thức dậy hành hạ bố; lại nữa, mẹ vắng nhà lâu quá. Bố đã không còn giấu được sự trống trải, cô đơn trong lòng? Nó nghĩ và thấy thương bố vô cùng, rồi thì thấy giận mẹ vô cùng. Nhìn vóc dáng cao lòng khòng, gương mặt hằn đường nhăn của bố, nó âm thầm tính chuyện sẽ phải sang bên tê núi gọi mẹ về.

Bẵng đi mấy bữa, một hôm, chừng khuya bố con bé đưa cho nó một xếp tiền, giọng buồn: “Xuống bến cá, ra chợ thích ăn gì thì mua. Đời nhạt thếch nên cứ nêm mặn cho nó con gái ạ. Con vẫn nghe bố nói đấy chứ? Bố sẽ lại đi biển. Ra giữa biển mênh mông ấy...” Giọng bố nó lạ lắm, rung rung: “Lộng hiếm cá, bọn bố tính sẽ ra khơi xa, tận phía Philippin. Một chuyến phải mười, mười lăm, hai chục ngày. Sau chuyến đi biển xa, sẽ có tiền. Đang hè con không phải đến trường học. Không có việc gì làm thì ngủ. Nhớ khi ngủ phải gài then cửa. Xưa không gài cũng chẳng sao, còn nay nhộn nhạo, nhốn nháo. Ai ngay, ai gian có trời biết, đất biết.” Con bé nói: “Con biết rồi.” Nó không thích nghe bố dạy bảo những chuyện nó đã biết.

Tối ấy, con bé theo bố ra ngõ rồi đứng nhìn theo bóng bố lẫn vào đoàn người mang vác đủ thứ lỉnh kỉnh phục vụ cho chuyến ra khơi xa. Họ ồn ào đi xuống biển. Biển ầm ào. Gió thổi thông thống. Mắt nó nhòe đi.

Tròn tháng rồi mà bố vẫn chưa về.

Con bé vào làng đến nhà chú Vạn. Chú Vạn vốn chỗ quen biết thường đi lại với bố mẹ nó. Chú gầy như cọc chèo: “Mày hỏi về bố à?”. Con bé chưa mở miệng chú đã nói liền: “Mấy bữa nhiều người cũng đến hỏi… Tao biết thế đếch nào được. Biển nghi ngút thế. Mày thử lên hỏi Ông Hoàng xem sao. Mà thôi, về nhà đi, thời nay, thánh thần cũng phải bó tay. Mẹ mày vẫn bên tê núi à? Có cách chi gọi mẹ về, làng xóm di dời nhà cửa rầm rầm ra đấy”. Con bé mắm môi lủi thủi về nhà. Ngực tưng tức, đầu nóng bừng, nó ngả người xuống giường. Nó lơ mơ thấy bố lúc ẩn, hiện giữa đám đông nơi ngã tư đèn đỏ. Đèn cứ đỏ và đám người cứ đứng, lâu mỗi đông, lâu mỗi nối nhau dài mãi về phía khúc ngoặt sang bên kia núi Tịnh Sơn. Mãi vẫn thế. Rồi nó lại thấy bố nó và những người dân làng ngồi trên một con thuyền đang chòng chành giữa biển. Bỗng mũi thuyền gãy gập, con thuyền dựng ngược lên. Trước nó không phải là biển nữa mà là những bóng đèn đỏ. Nó thấy tim như ngừng đập, chỗ nào đó trong đầu vang lên tiếng kêu: dừng lại. Nó vùng dậy chạy về phía bố nhưng người bị một cái gì đó bó chặt. Một tiếng “rầm!” vang lên. Nó choàng tỉnh, mở mắt. Bóng đêm từ trên núi tràn xuống, từ dưới biển dâng lên len lách vào phòng, rất lạnh.

Bố vẫn chưa về. Con bé ra ngõ đứng nhìn đám người và xe ngược xuôi trên đường . Rồi nó chạy qua ngã tư đèn đỏ. Mặt trời đứng trên đỉnh đầu. Nó tránh thảm nhựa, men theo dệ đường đầy đá cuội và cỏ, cúi đầu bước. Núi Tịnh Sơn dốc ngược lên trước mặt nó, đá xám chất chồng thành tường. Con đường uốn theo bức tường đá một quãng rồi bất ngờ trải rộng, thẳng về phía lô xô những khối bê tông, những dàn sắt thép, những ống khói cao ngút ngợp, những đường ống kim loại ngang, dọc trên không... Mẹ ở chỗ nào đó trong thứ trập trùng kia?... Nó sững người trước một thanh gỗ sơn khoang xanh, khoang đỏ chắn ngang đường. Cạnh đấy có ngôi nhà nhỏ. Nhiều người ngồi trước cửa, bên chân tường, đầu gục xuống ngực như ngủ. Hai thanh niên mặc áo quần xanh có chữ đỏ sau lưng đi tới, đi lui. Mấy người mặc com lê, tay xách cặp, vẻ mặt nghiêm trọng. Một ông già mặc áo vàng, quần xanh, đội mũ vải trắng có gắn cái mảnh kim loại tròn vẽ hình lưỡi cưa uốn cong trên nền đỏ đến bên con bé, chăm chăm nhìn nó, rồi hỏi: “Cháu đi đâu?” Con bé đáp: “Cháu đi tìm mẹ... trong Khu công nghiệp”. Ông áo vàng hỏi: “Mẹ làm việc chỗ nào trong ấy?” Nó nói: “Cháu không biết. Mẹ bảo, mẹ đi làm công kiếm tiền”. Ông áo vàng lắc đầu, rồi nói: “Đứng đây chờ ông”. Ông ta đi vào ngôi nhà nhỏ, lát sau trở ra dắt theo chiếc xe máy. Ông nhẹ nhàng nói: “Chắc mẹ cháu ở bên Khu sinh thái. Người ta ở cả bên ấy. Cháu ngồi lên đây ông chở sang. Chỉ quãng ngắn.”

Ông áo vàng và con bé qua một đoạn đường chật chội người. Mọi thứ đã chìm dần vào bóng chiều chạng vạng. Khu Du lịch sinh thái khắp nơi đèn điện sáng lóa, ánh sáng đủ màu. Ông già dừng xe lại trước một toà nhà cao tầng.

- “Trên ấy đấy”. Ông nói, rồi ngồi lên yên xe, gục đầu xuống ngực vẻ mệt mỏi.

Con bé ngửa mặt nhìn lên. Trên tầng hai, tầng ba những hình người mờ ảo ẩn hiện, tiếng nhạc xập xình lẫn tiếng hát, tiếng cười và tiếng thủy tinh va nhau phát ra từ những ô cửa sổ loang loáng ánh đèn xanh, đỏ.

Con bé đi về phía hai thanh niên mặc đồng phục màu xám đứng cạnh chữ Lễ Tân và một mũi tên đỏ cắt ngang mặt kính cánh cửa. Phòng lễ tân lờ mờ ánh sáng xanh lạnh. Nó chùn chân. Đúng lúc ấy, một chuỗi cười dài lạ lùng xói vào tai, khiến nó rùng mình. Nó bỗng thấy tất cả âm thanh hỗn độn trong tòa nhà dồn lên người, nó bị ép chặt, tim đập rất nhanh.

Con bé quay phắt lại chạy về phía ông áo vàng. Nó nắm chặt bàn tay ông nói: “Ra khỏi đây thôi”. Ông áo vàng hỏi: “Sao lại thế?”. Nó hổn hển: “Không phải… Không. Không có mẹ cháu ở đây đâu...”

Ông áo vàng ậm ừ vẻ không hiểu, rồi loay hoay quay xe. Chờ con bé ngồi lên yên, ông hỏi: “Thế bây giờ về đâu, ông đèo thêm một quãng”. Con bé đáp: “Về làng Yên bên tê núi ạ”. Ông áo vàng nói: “Ta biết cái làng ấy, nó nằm dưới chân núi Tịnh Sơn, nhưng nay chỉ còn mỗi cái miếu Ông Hoàng”. Con bé im lặng. Nó nghĩ tới bố.

Đêm đã buông sương, dù mới đầu mùa hè.

Đ.B

 

ĐỨC BAN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 301 tháng 10/2019

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground