Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Lệ Chi Viên

Đ

ã mười đêm ngày trời sùi sụt mưa. Mưa như lệ chảy từ trăng sao xuống vậy. Trời trở lạnh. Cái lạnh vô thường khiến cỏ cây run rẩy, khí chất, sắc màu tầm tã trong mưa. Cơn mưa nhuốm trong nó sắc vàng của muôn loài thảo mộc.

Từ miệng lũ mục tử ngày ấy lan ra câu hát, giai điệu nghe rất bi thương:

Lời ca rằng:

Chi Lăng, Tốt Động, Linh Kiều

Bao nhiêu công trạng bấy nhiêu u buồn

Biết chăng hỡi nước cùng non

Bến Bồ Đề mãi nước còn trào dâng…

Đó là vào những ngày của trung tuần tháng tám, năm Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ ba (1442).

***

Khoảng lặng đất trời kinh vạn biến!...

Trở lại…

Khi Nguyễn Trãi bị Lê Thái Tổ ngờ vực rồi bỏ ngục ít tháng mới được tha, thất vọng về nghiệp công hầu, chính sự, chán cảnh quan trường ông xin nghỉ hưu, về Côn Sơn ở ẩn.

Việc Nguyễn Trãi bỏ quan trường về ở ẩn, Thị Lộ có ý không vui. Một hôm Thị Lộ hỏi: “Chàng lánh đời nhưng có trốn được mình không?” Nguyễn Trãi rầu rầu đáp: “Kẻ sĩ sinh ra trong thời loạn thì không thể nhìn non sông mất, kẻ làm quan mặc áo, ăn cơm gạo của dân trăm họ, thì làm sao an lòng trốn tránh nghĩa vụ cho được.

Song như ta giờ đây, chim bị buộc cánh, cá bị vây lưới, biết sao cho phải hở nàng?”. Thị Lộ lại hỏi: “Chàng thấy Trương Lương (1) là người thế nào?”. Nguyễn Trãi ứa nước mắt mà rằng: “Ta thẹn với Trương Lương…”. Nắm được ý chồng Thị Lộ âu yếm nhủ: “Ức Trai ạ, xưa đọc câu: Vẫn một tấm lòng, ưu ái quốc, Đêm ngày cuồn cuộn nước trào dâng; Giờ thì thấy câu: Bãi thôn bóng xế cây đeo ráng, Đường nội người thua nước ngập cầu, Vắng vẻ yêu hà gan ruột nẫu, Não nùng vượn hạc ý tình đau…Cây đeo ráng, nước ngập cầu… tâm sự nặng nỗi ưu thời đó người trong thiên hạ còn hiểu, nữa là thiếp. Song có câu… “Thị Lộ ngập ngừng, Nguyễn Trãi thúc giục: “Nàng hãy cứ nói đi. Ta với nàng chẳng phải là một đó ư!”. “Dạ- thiếp, phận đàn bà cũng ví như cây lan, cánh lý vậy, chẳng kể làm gì. Chàng mà bỏ đường công thần thì con cháu sau này nối chí, thừa nghiệp ai?”. Thấy sắc mặt Thị Lộ khi ủ rũ lúc hoan hỉ, giọng nói khi rầu rĩ, lúc vui sướng Nguyễn Trãi bỗng dưng thất kinh, miệng ông lẩm nhẩm thốt: “Nàng háo danh mà chí khí thì lại không vững. Phận phấn son vốn bạc, nàng phải vì ta mà hết sức giữ mình mới được!”. Nghe chồng thốt vậy Thị Lộ bèn ngâm nga: “Mưa tan vẻ non sắc, trời quang bóng nhan cô, Thương lang khi nào nhỉ, Chài cá bạn ta đua, Ngoảnh lại Đông hoa thấy, Lâng lâng sạch bụi mù!…Rồi nói, thiếp há không muốn thanh nhàn mà thù tạc vậy sao? Chỉ hiềm vì nỗi mai sau mà chưa đành. Chàng có ý trách cứ thiếp là chưa hiểu cho thiếp vậy!”.

Nguyễn Trãi mỉm cười rồi lẳng lặng bỏ ra.

***

Than ôi! Mũ áo lầm ta mãi!

Không lâu sau Lê Thái Tổ băng hà, Nguyên Long lên ngôi (tức Lê Thái Tôn). Phải tới phút lâm chung, Lê Lợi mới nghĩ lại việc trước và có phần ân hận. Lê Lợi dặn Thái tử: “Hãy cậy vào Ức Trai mà giữ nghiệp”. Thái Tôn vâng lời và thực tâm ý của Thái Tôn từ lâu đã mến phục Nguyễn Trãi.

Khi được Thái Tôn mời, Nguyễn Trãi hỏi Thị Lộ: “Đời ta trải qua bao thăng trầm, lên rồi xuống, sang rồi hèn, nay có nên lại đem thân ra đua tranh chốn bụi hồng trần nữa không?”. Thị Lộ nói: Việc nước đã biến đổi, ngôi chủ đã thay, Ở đời khi thăng lúc trầm, song nhân tình vẫn còn nhiều nỗi oán thán, chàng có muốn chết hay như đôi chim trắng ở bên hoa liệu được chăng?”. Nguyễn Trãi cười lớn trỏ Thị Lộ bảo: “Nàng khéo biết nuôi ý mình trong chí người. Ta ra lần này phần cũng vì nàng đó. Xin hãy hiểu cho ta!”. Thị Lộ che quạt cười, mắt đong đưa nhìn Nguyễn Trãi vẻ đắm đuối và biết ơn. Giọng êm ái du dương Thị Lộ đáp: “Dạ, thiếp đa tạ tình chàng!”.

Lê Thánh Tôn cho Nguyễn Trãi giữ chức cũ và kiêm thêm việc Trung thư sảnh. Thị Lộ cũng được mời vào trong nội cung giao chức Lễ nghi học sĩ.

Nguyễn Trãi được Lê Thái Tôn tin dùng thường sớm tối bàn định công việc. Một hôm, vui tiệc rượu trong biệt điện, Thái Tôn hỏi Nguyễn Trãi: “Khi xưa quốc biến, thù trong giặc ngoài khanh đến dâng cho Thái Tổ Bình ngô sách, theo sách ấy sau việc quả nhiên thành. Nay nước thái bình làm sao cho thịnh vượng, khanh có cách  gì giúp cho trẫm không?”. Nguyễn Trãi tâu: “Thưa bệ hạ, thần trộm nghĩ, việc dựng nước và giữ nước căn bản đều cốt ở yên dân. Dân như nước, triều đại như thuyền, nước có dâng thì thuyền mới nổi. Vậy muốn cho dân được yên thì kỷ cương phải được nghiêm và công bình, việc lễ nghĩa phải được coi trọng, việc thuế khóa phải được nhẹ nhàng, lo sao cho đời sống dân trăm họ được no ấm. Các quan lại làm việc cho Nhà nước  thì phải có lòng yêu thương đến dân, cần kiệm trong chi tiêu, giản dị trong sinh hoạt, sao cho dân nhìn vào như nhìn nơi gương sáng mà noi theo. Xét việc xưa nay thịnh hay suy cũng là ở việc thực thi những lẽ ấy mà ra cả”. Thái Tôn tỏ vẻ bằng lòng nói: “Thiên hạ người người đều mến tài đức quan Trung thư. Quả danh bất hư truyền. Nay trẫm có khanh rồi khanh hãy gắng mà giúp trẫm.

Trọng trách của Nguyễn Trãi tuy lớn song Thái Tôn vẫn cho Nguyễn Trãi về ở tại Côn Sơn coi thêm việc quân hai đạo Đông - Bắc. Nên vậy, Nguyễn Trãi mới thỉnh thoảng về chầu. Riêng có Thị Lộ thì được giữ lại nội cung coi việc dạy dỗ các cung nhân. Thị Lộ khi ấy mới vào tuổi tam thập.

***

Ba mươi năm lẻ trong trần mộng!

Có bận viên quan Thị - Đinh Thắng nói với Nguyễn Trãi: “Lễ nghi học sĩ tài sắc hơn người. Tư chất ấy đáng làm Hoàng lắm. Ông nghĩ sao?”. Nguyễn Trãi trừng mắt mắng: “Nhà ngươi muốn làm loạn triều hả?”. Nghe vậy Đinh Thắng ngửa mặt lên trời hềnh hệch cười rồi bỏ đi. Sau sự ấy lòng Nguyễn Trãi càng thêm phần lo ngại. Nhân một lần vào chầu trước khi về Côn Sơn, Nguyễn Trãi lựa lời thăm dò ý kiến Thái Tôn: “Thần tuy xa nhưng lòng dạ ngày đêm vẫn hướng bên bệ hạ. Khi có việc cần, xin bệ hạ cứ cho dời, dù tuổi cao sức yếu thần cũng đâu dám không vì cơ nghiệp nhà Lê mà gắng sức!...”. Nhìn mái tóc bạc, giọng nói chân tình, đôi mắt sáng trong với ánh nhìn tha thiết hướng lên lòng Thái Tôn lấy làm cảm kích lắm. Từ ấy Thái Tôn năng cho Thị Lộ về Côn Sơn hơn, thường chỉ khi có việc của các cung nhân mới cho vời đến.

Vào năm Canh Thân (1400) trong nội cung xảy ra vụ can án giữa các bà phi, cơ sự lâm nguy tới tính mạng của bà phi Ngô Thị Ngọc Giao, Nguyễn Trãi cho Thị Lộ về triều kêu với Thái Tôn.

Xa xôi lâu nay mới trở lại Đông Quang, lòng Thị Lộ vui mừng khấp khởi. Khi được Thái Tôn cho vời vào nội điện gặp Thái Tôn, Thị Lộ quỳ  rạp xuống không ngẩng mặt lên. Thái Tôn hỏi, giọng có ý giận: “Quan trung thư sai nàng về đây dạy bảo trẫm điều gì vậy?”. Thị Lộ vẫn không ngẩng mặt lên. Ba lần như vậy cho tới khi Thái Tôn phải thân bước lại đỡ dậy, Thị Lộ mới thưa: “Thần thiếp về thấy thánh thể bệ hạ được khỏe mạnh thì mừng lắm!”. Thái Tôn mỉm cười: “Thôi. Có phải nàng về  đây vì việc của Ngọc Giao không?” Thị Lộ cúi đầu thưa: “Dạ!”-“ Ý quan Trung thư như thế nào?”- “Tâu bệ hạ, bà phi dù có tội, song tội không lớn. Nay bắt tội bà phi  thì còn giọt máu của Người bà đang mang tất cũng bị hại theo. Xin bệ hạ rộng lượng tha cho bà được toàn mạng đợi ngày sinh hạ”. Giọng Thị Lộ êm ái, du dương, gương mặt sáng ngời. Vóc người thanh nhã uyển chuyển khiến lòng vị vua trẻ xúc động. Thái Tôn bỗng thấy lúng túng vội rũ áo vào nhà trong, chỉ nói với lại: “Trẫm cho nàng và quan Trung thư được tùy ý”. Ngay đêm ấy Thị Lộ cho người lẻn đưa bà phi Ngô Thị Ngọc Giao trốn vào chùa Huy Văn. Sau rồi đưa ra An Bang, Quảng Ninh.

Ngày ấy có tin nói, vị vua trẻ tuổi thường tỏ ra quyến luyến mỗi khi gần Thị Lộ (thái độ ấy làm quan Trung thư lo ngại). Tin từ nội cung đưa ra vậy, thực hư thế nào không ai được rõ. Chỉ có điều  sự ghen tuông của các bà phi, nhất là Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh thì lộ rõ. Sau vụ can thiệp Ngô Thị Ngọc Giao thì mối hận trong lòng Hoàng hậu càng thêm lớn.

Trở về Côn Sơn, Thị Lộ nói với Nguyễn Trãi: “Thiếp đã lo được cho bà phu toàn mạng”. Nguyễn Trãi cúi đầu, mái tóc bạc rung rung than: “Ta bây giờ đây, phải chăng như một cái cung mà cáo thì đã hết?”.

***

Đời người biết chữ nhiều lo lụy!

Trong khoảng thời gian gần một thập niên sống ở Côn Sơn coi việc của hai đạo Đông - Bắc là khoảng thời gian mà Nguyễn Trãi vừa ý hơn cả. Ông nói với người thân: “Cái chí của ta không thi hành được trong toàn quốc thì ta gắng làm cho tốt ở hai đạo quân này. Âu thế một phần tấm lòng ta sẽ được toại nguyện”.

Nguyễn Trãi dốc sức mình sắp xếp lại chính sự, sự việc làm ăn của dân làm nghề trên rừng, dưới bể, người làm ruộng, chăn tằm dệt cửi… Ông đều biết khuyến dụ mọi người chăm lo tới công việc của mình. Đời sống nhân dân được ấm no, ổn định hơn.

Nguyễn Trãi giúp Thái Tôn định ra lễ nhạc và lấy việc no ấm của dân làm gốc. Song tâm ý này cũng phải tới khi về coi việc ở hai đạo Đông- Bắc Nguyễn Trãi mới có điều kiện thực hiện được phần nào. Dân tình của hai đạo Đông- Bắc ngày ấy đâu đâu cũng vang lên tiếng đàn sáo rất vui vẻ. Việc xử lý nghiêm khắc với những tên hào lý, tri phủ… áp bức tham nhũng, nhất là vụ động triều trừ khử bọn Lê Sát, Lê Ngân, Hà Đăng Sắc… trấn an được nhân tâm trong cả nước, khiến lòng người hả hê lắm.

Thường khi Nguyễn Trãi vẫn giành thời gian đi thăm thú cảnh tình trong hai đạo. Tới đâu Nguyễn Trãi cũng được đón rước như bậc thánh nhân, tiếp đãi ân cần như người trong nhà vậy. Người nhà nông ngày ấy truyền nhau câu hát: “Ở nhà Thuấn, cấy ruộng Nghiêu - Non này nước ấy kể không nhiều”… Khi câu hát bay đến vùng đất khác, một hôm có một tốp người tìm đến Côn Sơn đòi vào yết kiến quan Trung thư. Đó là Nguyễn Mộng Tuân, Lý Tử Tấn và các bậc nho sĩ tài danh thời ấy.

Họ nói: “Nghe được câu hát đó bọn tôi càng thêm kính phục quan Trung thư. Song cũng lấy làm e lắm…” Nguyễn Trãi tạ lễ, rồi hỏi: “Chẳng quản đường xa các ông đến đây, tấm lòng ấy tôi lấy làm cảm kích lắm! Có điều gì Trãi tôi chưa rõ xin các ông chỉ giáo cho…”. Họ thưa: “Dân hai đạo vì mến tài đức của quan Trung thư mà ví với Nghiêu Thuấn, điều này nếu thánh thượng cố chấp thì mệnh của quan Trung thư toàn vẹn sao được”. Nguyễn Trãi tạ mà rằng: “Thánh thượng là bậc minh quân, chắc người hiểu lòng tôi”. Nghe vậy họ cả cười ầm lên, rồi nói tiếp: “Dù sao quan Trung thư cũng nên xét cho kỹ mới được. Vì ngoài điều ấy ra, còn nhiều điều hệ trọng khác…” Biết rõ đây là những người trung thực, Nguyễn Trãi bàn mời họ vào nhà trong khoản đãi như bầu bạn. - “ Xin các ông cho Trãi tôi được nghe lời tâm huyết”. Họ thưa: Quan trung thư chắc không quên chuyện người xưa: Trọng Ni (2) vì lấy lễ nhạc làm biện pháp giáo dục, lấy lòng trong sáng, trung thực, hiếu nghĩa để người noi theo. Những cách làm ấy xưa nay ai hơn được? Vậy mà Trọng Ni vẫn lưu lạc suốt đời. Có bậc vua chúa nào dung ông cho trọn? Lại xem Đào Minh Công (3) ở đâu hễ tới khi giàu có nổi danh thì lại phải đổi nơi sinh sống. Xét vậy, có đạo lý, lễ nhạc và lòng trung nghĩa chưa vị tất đã có được sự nhìn nhận, tin dùng; Giầu có danh vọng chưa vị tất cả có sự yên ổn. Nay quan Trung thư lại định cầm lễ nhạc, đạo lý ra hành việc trong đôi tay quyền lực mỏng manh ư? Vụ trừ khử bọn Lê Sát vừa mới  qua mà bè đảng trên dưới của nó thì vẫn còn nhan nhản, chúng tạm phải che lánh giấu vuốt ai biết khi nào chúng đắc thế đây. Gương hai ông Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo còn đó. Và … điều mệnh hệ nữa là, lễ nghi học sĩ tài sắc hơn người, cũng ví như ngọc quý trong nhà. Quan trung thư hãy bình tĩnh xét xem, chúng tôi có lo ngại cho người nên mới buộc phải nói ra. Xin quan Trung thư hãy giữ gìn. Người mà toàn vẹn thì dân nước Nam này còn được nương cậy!”.

Nói rồi họ đứng dậy bỏ đi, níu cũng không ở lại nữa!

***

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc!

Khi các vị nho sĩ bỏ đi rồi, Nguyễn Trãi bỗng dưng thấy tâm thần bất ổn, toàn thân run rẩy, cõi lòng bỗng mở ra trống vắng hoang lạnh đến vô lường. Trạng thái tinh thần này chưa bao giờ Nguyễn Trãi gặp phải, kể cả những khi xưa nơi chiến trận tính mệnh lâm cảnh hiểm nguy. Nguyễn Trãi ngồi dựa án thư bần thần nghĩ ngợi hồi lâu, rồi chợt thốt lên: Khống khẩy kẻ cười cùng kẻ thố t- Khó khăn người rẻ liễn người roi- Nhân gian mọi sự đều nguội hết - Một sư quân thần chẳng khúng nguôi!... Những vì thánh chúa ân thời trị - Há kể nhân tàn tiếc nuối tàn!... Ôi! Tấc lòng ta là vậy lẽ nào thánh chúa chẳng hiểu cho ta!...Kẻ trượng phu sống trong trời đất phải dám sống cho có ý nghĩa, dám làm việc cần làm. - Tiết trực cho bằng sắt đá - Đường đi sá lánh chông gai - Đạo thánh hằng tơ mối hãy dài!...Đạo còn, dân còn, nhà Lê còn lẽ nào ta mất?! Đời này ai dễ hại ta?! Nghĩ vậy, miệng tuy nở nụ cười mà nước mắt chợt ứa đầm ra má. Nguyễn Trãi gục xuống bên án thư rồi thiếp lịm đi, lòng nặng nỗi lo âu, thân thể rã rời mệt mỏi.

***

Cơn mộng triệu đưa Nguyễn Trãi trở lại buổi đến trường thi. - “Ức Trai, theo con kẻ sĩ đến trường thi vì lẽ gì?” Bảng nhởn Nguyễn Phi Khanh hỏi: “- Chủ yếu mới để xác định về TÀI, thưa cha!”- “Văn sách tại TÂM, chữ nghĩa cốt ở TÌNH, nghệ thuật là ở TINH - THẦN. Sao con lại nói vậy?”- - “Vâng, thưa cha, người nói rất phải. Song, con nghĩ, TÂM- THẦN trong vòng biến hóa, vòng biến hóa thì còn nằm trong đời sống lâu dài, một buổi sao thấu hết được. Chẳng thế mà trường thi lại sinh ra Bao công cử, ông Nghè nhưng nào có mấy người đáng mặt là kẻ sĩ, thưa cha!”-  “Cha rất mừng là con đã nghĩ được vậy. Ngày mai khi đã đoạt bằng rồi sau đó làm quan giúp nước, con nghĩ thế nào là một người quan tốt?”- “Thưa cha, kẻ làm quan lo việc dân, ăn thì có thóc gạo dân cho, mặc thì có tơ lụa dân cấp, nhà cửa lầu son gì cũng là bởi một tay dân dựng. Đó là điều phải ghi công ơn từng ngày. Có như vậy mới không thấy dân là nhỏ, mình là lớn. Nghĩa lớn nhỏ khi không bị phân chia thì người quan ấy mới được coi là người quan tốt của dân vậy!”- “Cha mừng. Lời con giản dị mà hàm chứa vẻ lớn lao! Lòng con đã rõ, chí con đã có, còn tâm lực thì đời sẽ cho, con cứ đi đi. Điều cha muốn dặn thêm, việc đời có khi biến khi thường, sự đúng sai không dễ thấy. Con phải hết sức bảo trọng, không được sơ suất!... “. Người cha già và bóng dáng một triều đại lùi dần… khuất hẳn. Nguyễn Trãi bừng tỉnh dậy, trên gương mặt nước mắt vẫn ướt đẫm, mái tóc bạc xổ tung buông rũ xòa trên đôi vai gầy guộc.

Thị Lộ từ nhà ngoài bước vào, mặt tươi như hoa, mắt long lanh nhìn Nguyễn Trãi không khỏi ngỡ ngàng. Nàng lẹ làng đến bên búi lại mái tóc cho chồng. Rồi âu yếm nói: Mai là ngày nhị thập thất (27) rồi đó. Sa giá thánh thượng sắp đến Côn Sơn. Có lẻ lần này thiếp lại phải xa chàng vài tháng để theo thánh thượng về triều…”. Giọng Thị Lộ vừa dứt Nguyễn Trãi bỗng thấy tâm thần thêm chuyển động. Mắt ông chợt tối lại.

Quá ngọ ngày hôm sau sa giá của nhà vua được rước tới Côn Sơn trong tiếng tung hô dậy đất.

***

Ôm đàn chỉ gẫy khúc Nam thôi!

Trở về…

Trời trở lạnh. Mới trung tuần tháng tám mà màu trời cùng khí chất vạn vật, tất thảy ngỡ đang co dúm trong cái lạnh vô thường trong màn mưa- màn mưa nhuốm trong nó sắc vàng của muôn loài thảo mộc.

Nằm trong đống cỏ ngựa do viên quan coi ngục thương tình vứt cho Nguyễn Trãi run người lên vì rét, riêng đôi mắt tinh anh thì vẫn chiếu ánh nhìn bình thản đến lạ lùng. Môi ông nở nụ cười. Vẫn nụ cười ấy mấy hôm nay, nụ cười vừa có cái vẻ ngỡ ngàng của trẻ thơ, vừa có cái vẻ tự tại của một nhà hiền triết.

- “Bóng tà dựa mái mênh mông đứng, sông lạnh ngùn ngùn nổi khói chiều!... Những tưởng đã thấy được vận hội là thế thì tiên sinh ôm giấc Nam kha mà tìm quên mọi sự rồi!...”- “Biết mà vẫn không thể tránh được. Người trượng phu gặp hiểm nguy không lánh, người nhân nghĩa thấy khó khăn không xa. Sinh ra gặp lúc dân nước chưa yên ta không nỡ bỏ. Giờ đây ta bị vu cho trọng tội, chĩnh vàng không tiếc danh thì tiếc! Rồi mai ai hiểu được cho ta?”- “Dân trăm họ của trời Nam này sẽ hiểu. Tấm lòng của tiên sinh có núi tạc sông ghi, không ai người xóa nổi!”- “Đa tạ ông! Đa tạ…” Viên quan coi ngục đối thoại với Nguyễn Trãi mà không dám nhìn thẳng vào đôi mắt tinh anh, trung hậu của ông. Y cúi đầu nước mắt nhỏ như mưa. Lát sau ông gượng nhìn lên hỏi: “Tiên sinh có điều gì dối giăng lại không?...”- “Dối giăng ư?” Nguyễn Trãi cả cười. Rồi mãi sau, vẻ suy nghĩ lung lắm, ông nói, ta nghĩ khi điều Chân - Thiện bị lấn át ấy là lúc báo hiệu suy đồi. Các sĩ nước Việt  hãy vì sự phồn thịnh, yên bình của dân trăm họ mà gắng sức bảo toàn, gây dựng lấy giường mối xã tắc! Được vậy thì kẻ chết oan nghiệt này còn được ngậm cười nơi chín suối!...”. Viên quan coi ngục vâng lời rồi cúi đầu bỏ đi. Đi được một đoạn thì Nguyễn Trãi gọi lại hỏi: “Ông có biết vì lẽ gì ta phải chịu tội chết không?”- “Lý Tử Tấn, thúc phụ của tôi nói rằng: “Tiên sinh thiệt mệnh vì Nhân - Tâm của người thì lớn mà lại cầm trên đôi tay quyền lực nhỏ bé! Có phải vậy chăng?”.

Nguyễn Trãi quay mặt đi lết vào trong không đáp lời, mà chỉ cất tiếng cười kinh động!

Đ.T.K

 

(1) Trương Lương là một trong những danh tướng giúp Hán Cao Tổ dựng nhà Hán, nhiều người sau đó bị Hán Cao Tổ giết, Trương Lương khôn khéo nên thoát được.

(2) Trọng Ni (tức Khổng Tử) nhà tư tưởng nho học nổi tiếng thời Xuân Thu (Trung Quốc).

(3) Đào Công Minh (tức Phạm Lãi) danh tướng nước Ngô (Trung Quốc).

Đỗ Trọng Khơi
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 37 tháng 10/1997

Mới nhất

Thành phố Đông Hà sôi nổi giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng xuân Ất Tỵ 2025

5 Giờ trước

TCCVO - Sáng 5/2/2025, thành phố Đông Hà tổ chức giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Giải đấu thu hút gần 150 vận động viên (VĐV) nam, nữ đến từ 9 phường trên địa bàn thành phố.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

9 Giờ trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

01/02/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/02

25° - 27°

Mưa

07/02

24° - 26°

Mưa

08/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground