Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Líu ríu xuân về

Bà già khép cánh cửa gỗ ọp ẹp, khóa lại rồi yên chí xách làn đi chợ. Bà bụng bảo dạ thằng nhóc có về cũng không thể nào vào nhà được, cho chừa.

Thằng nhóc mà bà nói đến thật ra tuổi đã gần bốn mươi, máu xấu nên nửa tóc trên đầu đã bạc. Thằng nhóc làm trong xưởng mộc gần nhà, thời gian rảnh nó vùi đầu vào chim chóc. Nó có thể thức dậy từ ba giờ sáng, khẽ khàng lẻn đi bẫy chim. Cánh cửa đã cũ rít lên khe khẽ đủ đánh thức giấc ngủ của người già. Bà thức dậy bê ghế ngồi sẵn ngoài thềm, tay cầm cái chổi đợi thằng nhóc về để phang mấy cái cho bõ tức. Trưa trật Sài mới trở về, lau mồ hôi đầm đìa trên mặt, hí hửng khoe bà con cu gáy mới bẫy được:

- Bà nhìn xem, con này có bộ cườm đẹp quá.

- Hay ho gì cái trò đi bẫy chim trời. Đất lành chim đậu, bó buộc gì vài tiếng hót trong lồng. Rồi kiếp sau thể nào mày cũng biến thành chim thôi cháu ơi. Lúc ấy bị nhốt trong lồng mới thấu hiểu cái cảm giác thèm khát bầu trời.

- Xời. Kiếp này chưa xong bà cứ tính kiếp sau. Mà chắc gì đã có kiếp sau. Chết là thành cát bụi.

Bà già định phang cho cái chổi mà chờ từ tờ mờ sáng đến trưa đã đói run cả tay chẳng còn đủ sức. Sài vội vàng vào bếp nấu cơm, trên người vẫn mặc nguyên bộ quần áo bê bết đất đồng. Sài phồng mang trợn má thổi lửa, mấy hôm trời mưa củi ướt, nấu nướng đến là nhọc. Thật ra thì nhà có bếp ga nhưng biết bà thích ăn cơm nồi gang, cá kho bếp củi nên Sài chiều.

Răng bà đã rụng gần hết nhưng bữa nào cũng đòi Sài cạy cho miếng cơm cháy. Thật ra Sài biết bà là người ưa hoài niệm nên chưa chắc đã là thèm miếng cháy giòn rụm ấy đâu. Mà lúc ngậm miếng cháy cho mềm ra trong miệng bà thấy mùi vị của kí ức trong những năm đói khổ. Bà lấy chồng, giường chưa kịp ấm thì ông nhập ngũ. Hòa bình, ông trở về bằng tờ giấy báo tử nhòe nước mắt của bà. Không có nổi một mụn con, bà ở vậy chăm sóc bố mẹ chồng. Đến khi bố mẹ chồng khuất núi, bà lầm lũi một mình trong căn nhà nhỏ. Hết cấy hái dưới đồng lại đồi nương khoai sắn, rảnh thì sang chùa quét dọn trò chuyện với sư thầy. Một buổi sáng, cả làng bị đánh thức bởi tiếng khóc của trẻ thơ vang lên ngằn ngặt. Sư thầy mở cổng chùa, thấy đứa nhỏ được đặt nằm gọn lỏn trong chiếc làn nhựa cáu bẩn, không một lời nhắn gửi. Thằng nhỏ khóc quá chẳng ai dỗ được cho tới khi bà chạy đến ôm nó vào lòng. Những người đàn bà trong làng chờ con mình bú xong dùng tay vắt kiệt bầu sữa trên bộ ngực lép kẹp vì đói, chia cho thằng nhỏ. Đói ăn, cơ thể thiếu chất thằng nhỏ bị sài đẹn suốt. Cái tên Sài cũng từ đó mà ra.

Minh họa: Kim Duẩn

Minh họa: Kim Duẩn

Thằng Sài gầy nhẳng như cái dải khoai, hai bà cháu nương tựa vào nhau, củ khoai củ sắn độn cơm đi qua những mùa què mùa cụt. Sài vẫn còn nhớ bà luôn là người cạo cháy đáy nồi, phần cơm lèn vào bát cháu. Bà đã đi gần hết cuộc đời, thứ còn có thể giữ lại đâu có gì ngoài ký ức. Bà tha thiết với tất cả những gì thuộc về quá khứ. Hệt như cánh cửa gỗ ọp ẹp kia, nó chẳng ăn khớp gì với căn nhà cấp bốn khang trang. Nhưng bà cứ nhất quyết níu lại chút gì đó của căn nhà cũ nát. Mỗi khi nhìn sự lạc lõng của cánh cửa cũ, Sài thường bật cười. Bà già huơ huơ cái gậy bảo:

- Anh tưởng mình tôi mới ưa hoài niệm đấy à? Anh thì khác gì? Nếu không mải nhớ nhung người cũ thì đã chẳng ở không đến tuổi này.

- Bà cứ nói linh tinh. Con nào nhớ thương ai.

- Tôi đi guốc trong bụng anh. Không nhớ không thương sao chiều nào rảnh cũng ra bờ đê ngồi.

- Thì con ngồi xem bọn trẻ thả diều. Xem có con diều nào đứt dây không?

Bà già cười nhạt, thở dài bảo:

- Diều thì không thấy. Chỉ thấy người như chim sáo qua sông. Ai bảo thương người ta mà không nói.

* * *

Chẳng biết Sài mắc lỗi gì mà bị bà già khóa cửa nhốt ở ngoài. Mỗi lần như thế bà thường chống gậy xách làn đi chợ hay qua hàng xóm tám chuyện đến tối mịt mới về. Sài nhìn chiếc khóa trên cánh cửa ọp ẹp đu mạnh cái cũng đổ mà phì cười. Cánh cửa đó đâu thể khóa được ai, nhưng lại đủ làm bà già yên tâm rằng nhà có khóa. Yên tâm rằng cách đó có thể trị được thằng cháu lông bông suốt ngày chim chóc. Sài mắc cái võng nằm lắc lư ngoài hiên nghe chim hót, thong thả chờ bà về để nghe mấy tiếng càm ràm quen thuộc. Bà già cầm cái gậy dứ ra ngoài ngõ hỏi Sài:

- Đã biết tin cái Sim bỏ chồng dắt hai đứa nhỏ về nhà mẹ hay chưa?

- Chuyện nhà người ta quan tâm chi cho mệt bà ơi.

- Để rồi xem…

Bà già cười khẩy đi vào bếp, như đã nhìn tỏng lòng dạ thằng cháu của mình. Nó chẳng phải máu mủ của bà nhưng cái nết thương ai thì thương đến bạc đầu sao mà giống nhau đến thế. Cái hôm Sim bỏ theo chồng, Sài đứng nhìn theo đoàn đưa dâu mà lòng tả tơi như xác pháo. Thiên hạ bảo lúc ấy Sài còn chưa nghiện chơi chim. Mà cái thú chơi chim của Sài cũng lạ, anh thương nhất không phải con líu lo suốt ngày mà lại là con chim vụng về, chẳng mấy khi cất giọng. Như sợ cất lên giọng hót thì phơi bày hết cả lòng mình.

Hôm nay người ta thấy bà già mếu máo ngoài đường. Hỏi ra mới biết túi áo thủng bà rơi đâu chìa khóa. Sài đi làm về lần theo trí nhớ của một người già đến tận tối cuối cùng cũng thấy. Xâu chìa khóa vào mấy sợi chỉ đỏ, Sài đeo vào cổ cho bà.

- Thích nhé. Giờ bà không cần phải lo rơi chìa khóa nữa rồi.

- Tôi chẳng thấy yên tâm. Tôi phải tìm được người giao lại cái chìa khóa nhà mới nhắm mắt xuôi tay được.

Thế rồi bà bỗng nhiên bật khóc. Bà khóc tu tu như một đứa trẻ bị đòn oan. Bà nắm lấy bàn tay của Sài nài nỉ:

- Mày đừng mải chim cò nữa con ơi. Phải lấy vợ sinh con để bà được yên lòng. Bà giờ như ngọn đèn trước gió, trời gọi lúc nào thì dạ. Bà đi rồi, mày định lủi thủi hết đời sao. Mày thương người ta thì phải nói chứ con ơi.  

Sài không dám cãi bà. Những điều bà mắng đâu có sai. Đúng là Sài thương người ta đến mòn héo ruột gan mà đâu dám nói. Mười năm trước không nói vì thấy đời mình nghèo quá chẳng biết có mang lại hạnh phúc cho người ta. Lúc ấy mẹ Sim mỗi lần gặp Sài ngoài đường hay kiếm cớ nói về người đàn ông dưới phố giàu có, thành đạt ngỏ ý muốn được làm con rể. Sim thì đẹp quá. Đẹp đến mức khiến Sài thấy hoang mang. Đêm ấy, ngồi trên bờ đê lộng gió Sài không ngoảnh sang nhìn người con gái mình yêu. Dù Sài biết ánh mắt Sim khắc khoải đang thiêu đốt gáy mình. Thế còn mười năm sau thì sao? Có người từng hỏi Sài như thế.

Mười năm sau, Sài chiều nào cũng kiếm cớ đi làm qua nhà Sim trộm nhìn hai đứa trẻ quanh quẩn vui đùa ngoài cổng. Vài lần thấy bóng dáng Sim thấp thoáng đâu đó ngoài vườn, Sài vẫn thấy lòng mình bồi hồi như mười năm trước. Cũng vài lần bắt gặp ánh nhìn của tụi nhỏ, chúng như muốn hỏi: Bác tìm ai? Hôm chìa ra trước mắt tụi nhỏ nắm kẹo nhiều màu sắc, nhìn mắt chúng reo vui, chẳng hiểu sao Sài như thấy mình được về nhà. Một căn nhà rộn rã tiếng cười, bát đũa xôn xao. Đó có phải cũng là ngôi nhà trong ao ước của bà?

Lũ nhỏ hồn nhiên líu ríu dễ gần. Chúng thích mê mấy con chim chào mào, cu gáy. Có hôm nhận từ Sài chiếc kẹo, chúng cũng xòe tay trả lại nắm cào cào châu chấu, quả ổi chín, hay vài trái chuối vàng ươm, thỏ thẻ bảo “quà cho mấy chú chim”. Chẳng biết từ lúc nào tụi nhỏ trở thành một phần thân thuộc trong Sài. Anh hay nhặt những mẩu gỗ thừa trong xưởng mộc đục đẽo thành vài món đồ chơi. Trong nhà Sim cũng có thêm vài món đồ bằng gỗ. Ngoài giếng có thêm chiếc ghế ngồi rửa bát cho Sim đỡ mỏi chân. Chiếc bàn học nẻ đôi của thằng nhỏ chiều nay được bác Sài thay mới. Chiếc ghế thắp hương ọp ẹp quá mỗi lần mẹ Sim trèo lên cứ run bần bật cũng được Sài sửa lại cho chắc chắn. Sài cứ lặng lẽ tới lui bỏ ngoài tai lời thiên hạ bàn tán vào ra. Họ bảo nhau dạo này thằng Sài còn mê con người ta hơn mê chim. Họ còn bảo khổ thân thằng Sài, chẳng chịu lấy vợ đẻ con mà ẵm bồng, khéo lại cả đời nuôi con người khác. Sim đi chợ nghe tiếng bấc tiếng chì càng thêm tủi phận. Mấy hôm nay trẻ con không thấy ra ngõ chơi, cổng nhà cũng khép lại im lìm. Sài đi làm về, đứng ngẩn ngơ hồi lâu, trong chiếc lồng treo trên xe con chim cứ ngó nghiêng tìm kiếm. Khi ấy trời đã vào xuân…

Bà già cúi xuống chọn những củ hành khô chuẩn bị cho mùa Tết, chiếc chìa khóa trên cổ buông lủng lẳng. Chợ phiên năm ngày họp một lần. Sài thường chở bà đến chợ trước lúc đi làm, sương còn chưa kịp tan, mờ mờ ảo ảo. Chợ tháng chạp là những phiên chợ vét năm. Chủ những sạp hàng còn ế gì thường mang ra bán nốt với giá vớt vát “rẻ như cho” để rộng chỗ chuẩn bị nhập hàng Tết về. Người ta hỏi nhau Tết này thằng cả có về không? Về chứ! Về chứ! Nó dù bận trăm công nghìn việc nhưng cứ ba mươi Tết là có mặt ở nhà. Bà già thấy ngậm ngùi trước câu chuyện của người dưng. Đang đứng tần ngần thì có tiếng người quen gọi bà từ phía sau, đon đả hỏi:

- Cháu nghe nói Tết năm nay nhà bà có thêm người?

- Được thế thì còn gì bằng.

Bà già tủm tỉm bước đi. Thật ra mấy lời thiên hạ nói bà đâu có bận tâm. Bao giờ thằng nhóc dẫn vợ về tận nhà bà mới tin là thật. Nhưng lúc đi qua hàng cau, bà chợt dừng lại hỏi người bán: “Năm nay cau có đắt không cô?”. Chiều đó Sài đi làm về, thẫn thờ ngồi ngoài thềm, tay mân mê món đồ chơi bằng gỗ. Con cu gáy nhận ra chủ về nhà nên cứ gáy rộn lên. Bà già khen giống chim đến là khôn, thương ai biết thể hiện ra ngoài. Mỗi lần thấy Sài về nó gáy như rút ruột. Mà kể cũng lạ, nó bện chủ bện cả chỗ treo lồng. Phải đúng là chỗ đấy, cây đấy nó mới cất giọng lên. Bà già nghĩ chủ nào chim vậy. Thằng cháu của bà đã thương là thương chỉ một người. Dẫu người ta có ba chìm bảy nổi, vẫn thương.

Con chim cu gáy đã thôi không gáy nữa. Nó ngó nghiêng nhìn cậu chủ của mình ngồi buồn xo trước hiên nhà. Đến cả chút nắng chiều cũng dần bỏ cậu chủ mà đi. Bà già đi qua, tay cầm theo cái cối giã trầu, vừa đi vừa nói mấy câu bâng quơ, nhẹ bẫng: “Cưới vợ thì cưới liền tay / Chớ để lâu ngày lắm kẻ gièm pha”. Sài bật cười khi nghe thấy tiếng leng keng của chùm chìa khóa trên cổ bà. Tối ấy Sài ghé nhà Sim ngồi im lặng hồi lâu xem bọn trẻ chơi đùa. Sim ngồi kế bên, trong khoảnh khắc nhìn sang chị thấy ánh trăng chảy tràn trên mái đầu nhiều sợi bạc của Sài. Sim bất chợt thốt lên:

- Đầu anh nhiều tóc bạc quá, Sài ơi.

- Cũng bốn mươi rồi còn trẻ được với ai.

- Người ta bảo tại em mà từng ấy năm anh không chịu kiếm tìm hạnh phúc.

- Biết làm sao được, khi mình thương một ai đó hết lòng.

Trong nhà vẳng ra tiếng ho khan của mẹ, Sim buông tiếng thở dài. Mấy năm nay Sim khiến mẹ khổ tâm nên sức khỏe cũng yếu đi nhiều. Mẹ vẫn luôn khắc khoải chuyện hạnh phúc đời Sim nên những ngày này Sài nhen nhóm trong bà một niềm hy vọng. Sim ngửa cổ hít hà mùi gió lạnh thổi từ phía sông vào. Thời gian trôi đi mọi thứ có thể đổi thay chỉ riêng mùi gió sông vẫn vậy. Mấy chục năm lớn lên bên nhau, Sim không nhớ nổi đã bao lần cùng Sài ngồi với gió sông như thế.

- Anh cứ qua lại suốt không nghe thấy tiếng thiên hạ xì xào? Họ nói anh khéo lại nuôi con người khác.

- Nuôi con người khác thì đã sao? Không phải bà cũng nhặt anh về nuôi. Chẳng máu mủ gì cũng thành một gia đình ấm cúng, giằng níu lẫn nhau chẳng gì chia cách được. Em không thấy thế sao?

Sim từng đi qua những lời đường mật, những cao sang, vọng tưởng ở đời rồi nhận ra tất cả chỉ là lời nói dối. Đã từng nghĩ chẳng bao giờ tin vào những lời thốt ra trên môi miệng đàn ông. Nhưng lại mủi lòng trước mấy lời chắt chiu ít ỏi của Sài. Mủi lòng khi thấy cảnh mấy bác cháu líu ríu vui đùa. Bằng một cách nào đó Sài bù đắp cho hai đứa trẻ đáng thương từng thiếu thốn tình cảm của một người cha. Chiều nào đi học về tụi nhỏ cũng ra cổng ngồi vắt vẻo trên tường rào, chờ đợi Sài mang đến vài niềm vui bé nhỏ. Hôm dọn nhà Sim nhặt được bức tranh thằng Cá vẽ bữa cơm của một gia đình. Chẳng cần lời chú thích Sim cũng nhận ra người đàn ông trong bức tranh đó là Sài.

* * *

Sáng nay bà già đi chợ Tết để chọn mua chiếu mới. Líu ríu đi theo bà phía sau là mấy mẹ con Sim. Gặp ai bà già cũng níu tay, giới thiệu: “Đây là vợ con thằng Sài đấy. Tết này nhà tôi có thêm người”. Góc chợ lại được cớ xôn xao. Nhất bà nhé, Tết này phải mổ lợn ăn mừng. Lù lì xì ra khói, thằng Sài thế mà hay, tậu trâu được cả nghé. Thế bao giờ thì cưới? Trước Tết nhà tôi sang dạm ngõ đón luôn mẹ con nó về nhà, ra riêng làm chục mâm báo cáo tổ tiên mời họ hàng làng xóm. Cũng chẳng cần mâm cao cỗ đầy, miễn chúng nó yêu thương nhau là đủ. Phải! Phải! Cụ nói phải. Thế hôm nay chú rể đâu mà không cùng cô dâu đi chợ? Sim bẽn lẽn bảo: “Cuối năm xưởng gỗ nhiều đơn hàng, nhà em phải tăng ca”. Hai chữ “nhà em” vừa thốt ra Sim đã thấy bùi ngùi.

Bà già nhìn tụi nhỏ ríu rít trước sân mới nhận ra Tết thật sự đã về tới nhà mình. Cả đời bà chưa bao giờ có được một cái Tết đông vui như thế. Sim giúp Sài căng lại chiếc dây phơi. Nhà thêm người dây phơi cũng được nối dài như tiếng cười tụi nhỏ. Bà già vẫy Sim lại dúi vào tay đứa cháu dâu chùm chìa khóa, thủng thẳng bảo:

- Thật ra nhà chẳng có gì để mất nhưng vẫn cần có cửa. Cánh cửa dù ọp ẹp nhưng nó luôn giữ được nếp nhà.

Sim nắm chặt chùm chìa khóa trong tay rưng rưng nghĩ về mái ấm của mình. Sim ngồi bên bà bình yên nhìn Sài cùng tụi nhỏ bê ngược bê xuôi chậu cúc vạn thọ mà không biết đặt đâu cho xứng. Ngoài vườn chim gọi bầy tìm về ăn những quả hồng cuối vụ. Bên hàng xóm hò nhau dựng cây nêu. Bà già đốt bồ kết xông nhà, xua đi những muộn phiền năm cũ, đón xuân mới ùa vào. Lúc đi qua chiếc gương Sài mới mua về treo, Sim chợt thấy mình vẫn còn trẻ lắm. Ngoài sân Sài chầm chậm mở then cửa những chiếc lồng chim, phóng sinh tiếng hót…

 

Bài viết in trên Cửa Việt chuyên đề 16 - Mừng Xuân Ất Tỵ

 

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

Mới nhất

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

2 Giờ trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

01/02/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Nhớ trò chơi dân gian đi cầu ngô

31/01/2025 lúc 22:41

Lễ hội là hiện tượng văn hóa tâm linh, là nơi giao hòa giữa thiêng và tục, giữa đạo và đời, giữa thần

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/02

25° - 27°

Mưa

07/02

24° - 26°

Mưa

08/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground