Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Lối mòn trong đêm

Tôi bị chặn. Bọn thanh niên xóm Đông có tiếng là gấu. Mấy bóng đen lao ra, ánh đèn pin rọi thẳng mặt tôi. Tiếng một thằng, đánh chết bọn làng Trại đi. Thằng có vẻ là thủ lĩnh bảo, không cần, để tao bảo nó cái này. Hắn tiến lại gần nói, mày có muốn về không? Đơn giản, nhảy xuống ao mò cho bọn tao mỗi thằng một con tôm.

Tôi lùi lại thủ thế. Bọn nó đông quá, có thằng khua côn nhị khúc ra oai. Tôi run run, mò thì mò. Tôi xắn quần. Nước ao trong đêm hơi lạnh. Nhục thật, bọn trên bờ vẫn soi đèn xung quanh tôi, vài thằng cười hô hố. Sao lâu thế mày. Tay tôi toàn bùn và bèo cái. Nhớp nháp và hôi, tay tôi vơ được hai thứ, nhảy lên bờ. Thật gay nếu bị dìm ở ao này, tôi nhớ đâu đó ở góc ao có cái cầu tõm. Tôm đây này, chúng mày. Tay trái tôi xòe ra chỉ có mấy con ốc vặn, tay phải tôi cầm một chiếc guốc gỗ, hình như của người chết, ném về phía chúng. Tôi co cẳng chạy, bọn trai làng gào lên, đá và gạch ào ào bay về phía tôi. Hự. Tôi trúng mấy viên vào người, vào đầu choáng váng. Máu chảy ướt tóc, chảy xuống mặt và cổ. Chó sủa nhặng. Chân người rầm rập. Có thằng rống lên, ối làng nước ơi, cướp, cướp. Tôi vẫn chạy, hết làng Bài rồi, ra tới cánh đồng thì yên ắng, gió ào vào người. Hình như bọn nó không đuổi theo nữa, những ánh đèn pin xa dần. Nhưng tôi vẫn cố sức chạy, làng Bài mờ ảo ở lại sau lưng. Qua cánh đồng Ngói, tới lối rẽ về làng, tôi gục xuống vì đau và choáng. Tôi nằm áp mặt lên cỏ, miệng có đất lẫn máu. Tôi nghĩ dại, nếu mình chết ở đây, sáng mai sẽ có người đi chợ hoặc đánh dậm sớm nhìn thấy. Tôi chết, bố tôi chắc sẽ chửi tôi, đồ vô dụng. Mẹ chắc sẽ đau đớn và xấu hổ vì tôi...

 

 

Minh họa: LÊ TRÍ DŨNG

Những hình ảnh loang loáng qua đầu tôi. Và Nụ, em liệu có biết tin tôi chết, có khóc thương tôi không. Tôi bỗng cảm thấy thật tiếc, không phải vì cuộc đời quá ngắn, mà vì tôi chưa kịp sống, chưa kịp làm gì cả. Sương đêm ẩm, mùi đất ngai ngái. Trên cao, trăng sao đã lặn bớt. Tiếng côn trùng ri rỉ, não nề, bọn đom đóm lang thang ven bờ ruộng. Nhà tôi, chắc mọi người đã ngủ say, tôi thiếp đi một lát... Cái lành lạnh của mấy con nhái nhảy lên tay, lên mặt làm tôi tỉnh. Tôi bò dậy, vục tay xuống mương uống nước rồi lết về làng. Kia rồi, mô đất, cây gạo, bãi tha ma nhấp nhô những ngôi mộ như làn sóng. Có họ hàng tôi trong đó, và rồi tất cả sẽ ra đây gặp nhau. Cuối làng là trạm xá, đầu làng là nghĩa địa. Vậy thôi, đời người sẽ đi từ đấy đến đây, chấm hết. Tôi bỗng hoảng sợ, người lên cơn sốt và rùng mình ớn lạnh trong sương. Về đến nhà, tôi nôn thốc vào gốc chuối rồi len lén mở cửa vào nhà dưới. Các em tôi đã ngủ say nồng. Đặt mình lên tấm phản, tôi mê mụ đi vào giấc mơ...

*

“Mười bảy bẻ gãy sừng trâu” - tuổi ấy ăn năm sáu bát cơm, làm hăng, ngủ khỏe. Tuổi ấy đam mê, liều lĩnh, dại dột và cuồn cuộn trôi đi như mùa nước lũ không trở lại. Cơm tối xong, bọn con trai xóm tôi rục rịch đi “tán gái”. Nhất là những đêm có trăng sáng lê thê dãi dề khắp lối cỏ, lòng nôn nao rạo rực lạ kỳ…

Tôi và Ca, hai thằng đi bộ tới cuối làng. Mấy năm trước chẳng thằng nào dám ra đây ban đêm, vậy mà giờ cứ phăm phăm, háo hức. Đường đá, thỉnh thoảng vấp một cái đau điếng. Tới cây gạo to là hết xóm. Chỗ kia, lập lòe đom đóm, nhìn nhấp nhô là bãi tha ma của làng tôi. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn ra xem đám ma và bốc mả. Những ngôi đất chưa kín cỏ là mả mới. Tiếng dế râm ran.

Ngoái lại đằng sau, làng tôi chìm dần trong sương phủ. Làng tôi, đầu làng có cây đa, cuối làng có cây gạo, chiêm mùa nối tiếp như những kiếp người, mấy ngọn đèn dầu le lói trong đêm. Tiếng chó làng tôi sủa óc ách xa dần, xa dần.

Qua mô đất này chuẩn bị bước sang đất làng Bài. Hai thằng đứng lại, sung sướng tè một bãi như con chó đực đánh dấu địa phận.

Hết đồng Ngói là vào xóm Độ của làng Bài, phân trâu bò nhiều hơn làm chúng tôi phải tránh. Một tốp thanh niên xóm đang ngồi ven đường nói chuyện soi đèn pin vào chúng tôi. Thằng Ca che mắt nịnh:

- Ai có đèn pin sáng thế!

Cánh thanh niên xóm Độ nhận ra Ca và tôi. Ca đưa đẩy mấy câu và rút thuốc lá ra mời. Ánh bật lửa soi rõ mấy gương mặt choai choai, tóc chấm gáy. Họ để tôi và Ca đi qua.

Tới tường nhà Hoa, Ca lấy gạch non viết lên nguyệch ngoạc I love hoa. Chúng tôi vào nhà, thường sẩm tối, bố Hoa đã xích chó và hãm một tích nước vối, rồi ông với bà xuống nhà ngang vừa bóc lạc vừa nghe đài, mặc bọn thanh niên nói chuyện. Nhà Hoa có năm chị em gái: Thắm, Tươi, Hoa, Nụ, Thơm. Thắm với Tươi đã đi lấy chồng, tôi chỉ biết họ qua ảnh. Tôi phì cười khi nghĩ, con gái lớn lên rồi đi mất chỉ để lại nhà đẻ tấm ảnh thôi. Ảnh cưới chị Thắm ôm hoa tô son phấn đậm, Nụ cười bảo, chị ấy hồi con gái gầy lắm. Phải ngậm cục bông cho má đỡ hóp, vào ảnh cưới cho xinh. Có cả ảnh hai người con gái tắm biển. Đó là Nụ đi cùng cơ quan của Tươi. Tươi xòe tay nâng mặt trời buổi sáng. Hai chị em có cặp đùi thẳng, áo tắm kín đáo nhưng vẫn đẩy cao khuôn ngực lồ lộ, miệng tôi khô vì há hốc. Tôi đã biết biển tròn méo thế nào đâu. Nụ bảo, thích ra biển buổi sáng nhìn rất xa, không thấy bờ đâu, nó như vô hạn vậy và thấy mình thật bé nhỏ. Tôi nhìn ảnh, lại nhìn tờ lịch có hình Lý Hùng, Diễm Hương. Cái mai ở tóc của Ca y như mai Lý Hùng. Cạnh ảnh cưới của chị là ảnh Thơm và em trai ngồi lên cái xe máy đỏ chót. Cái Thơm còn bé, xấu hổ trốn trong buồng. Cậu út là con trai, tên là Đạt, sau này tôi nhận thấy đa số những thằng tên là Đạt thường có nhiều chị gái.

Ca quấn lấy Hoa say chuyện. Ca từng xuống thăm cả chuồng lợn sề nhà Hoa, nói về giá cám, giá lợn hơi, lợn con và những mối lợn đực nào tốt trong vùng. Hoa khỏe mạnh, mặt tròn trặn hồng hào, hay cười và che miệng. Hoa làm ruộng giỏi và ngày nông nhàn biết đi chợ buôn các thứ theo mùa vụ. Hoa có cái xe đạp phượng hoàng màu cánh chả với vốn riêng vài chỉ vàng. Là tôi từng loáng thoáng nghe Ca nói vậy, cậu ta không giấu cũng thích Hoa cả vì điểm này. Ca biết Hoa hay đánh phấn để che mấy nốt tàn nhang. Ca dặn tôi, mày đến nhà con gái mà đến đúng lúc nó vừa tắm xong mới biết mặt thật của nó. Vậy nhưng Ca không áp dụng mẹo này với Hoa được. Hoa hay rang ngô và đậu tương để ra đĩa mời chúng tôi. Thỉnh thoảng còn có hoa quả. Ca nháy mắt cười huých tôi, tớ xác định làm rể ba ở đây đấy. Cậu có muốn làm cọc chèo với tớ không. Hoa cười rinh rích đấm lưng Ca.

Tôi thường ngồi với Nụ, Nụ kém tôi một tuổi. Người dong dỏng, đôi mắt to tròn, hai bím tóc tết duyên dáng. Nụ hay nhờ tôi chép bài hát. Quyển sổ của Nụ bắt đầu bằng câu mà bạn gái Nụ viết: Lưu là nhớ, niệm là thương, hai chữ nhớ thương kết thành lưu niệm. Trong đó vẽ các bông hoa hồng, hoa cúc, lại dán mấy cái ảnh diễn viên được cắt từ họa báo. Mấy bạn của Nụ thường viết kiểu như: Thu Lài thân thương chép tặng Bích Nụ, chúc bạn luôn xinh đẹp và chóng tìm được người thương. Các cô gái vùng tôi lấy chồng sớm. Mười chín mà chưa có người đánh tiếng kể như sắp ế. Tôi lơ đãng giở qua thấy có bài Lan và Điệp, rồi Sợi nhớ sợi thương, Lý qua cầu, Thuyền và biển... Không có bài nào đề tên tác giả. Tôi chép cho Nụ bài, cũng không nhớ đầu đề nốt: Ai trao em mùa xuân, long lanh mùa xuân trong ánh mắt cười, ai trao em nụ hoa, trao em nụ hoa đến bên tôi ngồi... Nụ thấy có tên hai chị em trong bài thì chớp chớp mắt cảm động. Nụ bảo, đây là bài Câu chuyện nhỏ của tôi  Tôi lại chép tiếp cho Nụ cả bài Em như cô gái hãy còn xuân, tôi học lỏm được. Nụ xem và đăm chiêu bảo, các ông nhà thơ, nhạc sĩ cứ làm thật nhiều bài cho con gái hát nhưng đó là lời lẽ của đàn ông các anh. Con gái chúng em bị động lắm. Mà con trai nhiều người bạc bẽo, vô tình. Có phải càng lãng mạn càng nhanh quên không, anh. Nhưng mà yêu không lãng mạn thì chán. Tôi lờ mờ hiểu, Nụ đã từng chứng kiến chuyện tình cảm của các chị nên đã sớm biết suy tư. Tôi không chép bài hát nữa mà vẽ tặng cho Nụ một đôi chim bồ câu đang chụm mỏ vào nhau, bên dưới là dãy núi rồi đến cánh đồng. Nụ cười bảo, em thích hai con chim cùng nhìn về một phía hơn.

Thằng Đạt chạy lên nhờ tôi giảng một bài toán, may thay tôi chưa quên bảy hằng đẳng thức nên làm được. Đạt khoái chí lắm. Nụ cũng vui. Tôi bỗng thấy mạnh dạn hơn, đọc một câu sến sẩm của ai đó: cuộc đời là bất phương trình, bao nhiêu ẩn số bực mình bấy nhiêu. Nụ bảo, phải có ẩn số mới là cuộc đời chứ. Nếu biết trước được mọi chuyện thì nhạt. Tôi không bẻ được, nói tránh, lượng giác còn lằng nhằng hơn. Nụ cũng không kém, có gì lằng nhằng đâu nhỉ, sin đi học, cốt không hư, tang đoàn kết, cô tang kết đoàn, thế thôi mà. Nụ cười lấp lánh, những câu chuyện vớ vẩn đó cứu thoát tôi khỏi cảnh ngồi bất động ở nhà cô gái. Tôi biết sự cảm mến chỉ là mở đầu, giữa chúng tôi tưởng như gần nhưng cũng còn cả một trời cách biệt. Nụ chưa muốn lấy chồng, ước mơ vào Trung cấp sư phạm trên thị xã. Tôi chỉ có cái liều của con trâu mới lớn dám húc vào tường.

Cánh trai làng tự tin kéo đến, nói cười hỉ hả. Diện áo phông, dép tông Lào, đồng hồ SK mặt lửa. Lẫn trong đám trai làng là một cậu trai thị trấn tóc rẽ ngôi giữa, áo kẻ sơ vin, chân đi giày đen. Cậu dựng chiếc xe đạp Eska ngoài sân, chốc lại ngó ra. Cậu bảo dưới này vẫn chưa có điện, chán nhỉ. Cả làng không có quán cà phê nào. Gặp tôi và Ca, họ ném những cái nhìn dò xét, nói bâng quơ. Hoa và Nụ tiếp họ ân cần nhưng không suồng sã, thỉnh thoảng ý nhị liếc xem phản xạ của chúng tôi. Ca rút bao Du lịch trắng mời khách, gọi họ bằng “các anh”. Ca biết đẹp trai không bằng chai mặt. Không khí hơi nặng nề dù chị em Hoa cố gắng tỏ ra vui vẻ. May sao, đã đến giờ xem sân khấu tối thứ bảy, hàng xóm lục tục sang xem nhờ ti vi. Bố Hoa từ nhà dưới lên, bê cái ti vi Samsung đen trắng với bình ắc quy ra sân. Chúng tôi kê ghế cho khách ngồi xem. Nụ ý tứ ngồi xa tôi, em mải theo dõi vở cải lương có Minh Vương, Thanh Kim Huệ đóng vai chính, mắt ươn ướt.

Đang xem, tôi ngó quanh không thấy Ca đâu, cả Hoa nữa, nhân lúc không ai để ý, tôi lảng ra vườn... Có hai bóng người dựa vào sau đống rơm, tiếng Ca thì thào, Hoa không yêu Ca, Ca thề sẽ đốt bể nước nhà Hoa. Tiếng Hoa nói trong nhịp thở, đừng đùa nữa, yêu Hoa thật lòng thì về bảo mẹ anh mang trầu sang sớm. Ca bảo, tính chắc thế. Tiếng Hoa, chứ lị, phải có “rào rấp ngõ”, không là mất đấy, hí hí. Hai cái bóng chợt đổ vào nhau rung cả đống rơm.

Tôi trở vào chỗ nhưng chẳng còn hứng thú xem cải lương mà mải tưởng tượng Ca và Hoa đang làm gì nhau. Người tôi nóng bừng. Bỗng có mùi khói bốc lên và ai đó hô, cháy, cháy. Quay lại, đống rơm to đang bén. Chắc chắn có tay thanh niên ghen tức vừa gí bật lửa vào.

Mọi người bỏ cả vở cải lương đi dập lửa. Ti vi tắt phụt. Tôi chạy ra giếng bất chợt xô vào một thân thể con gái, vẫn là Nụ. Theo phản xạ tôi đưa tay ra. Tôi sững sờ nhận ra mình chạm vào khuôn ngực đầy tròn, mềm ấm. Nụ đẩy ra nhưng lại trao cho tôi thùng nước. Nước đây, anh giúp em. Tôi chạy lại trao tiếp cho Ca thành một cái dây. Trong chốc lát cây rơm đã tắt lửa, chúng tôi còn cẩn thận đổ thêm vài thùng nữa. Tàn tro bay tứ tung, chúng tôi quệt đầy lên mặt còn hơn anh hề trên sân khấu lúc nãy. Sau đó chỉ thấy mỗi Hoa tóc rối, mắt đỏ hoe. Tôi lạc mất Ca, không biết hắn đi tìm thằng đốt đống rơm để “chiến đấu” hay đã vội về trước.

Nụ tiễn tôi ra ngõ, dặn tôi đi đường cẩn thận, không được đánh nhau, lần sau sang chơi vào ban ngày cho an toàn. Nụ đưa cho tôi chiếc khăn lau mặt. Nhớ vẽ và chép thơ tiếp cho em. Mùi hương của Nụ thơm, thanh khiết lẫn mùi khói rơm chưa tan hết, mỗi lời nói phả vào tai tôi một âm thanh ngây ngất. Không biết tôi đã yêu Nụ chưa hay chỉ là chút rung cảm trai gái đầu đời ai cũng có. Cánh cổng nhà Nụ khép lại, tôi thấy cô đơn kinh khủng. Tôi cất bước. Từ rặng bờ rào um tùm có tiếng nói như cho tôi nghe rõ, chúng mày muốn yêu hai chị em nó phải bước qua xác bọn tao. Là bọn xóm Đông...

*

Lưng tôi một ngày chợt thành tấm phản / Nằm trên tấm phản gỗ lên nước thời gian / Nếu mai chết / Tấm phản này bọc tôi về đất / Nhưng ngọn lửa rút dọc sống lưng đã thắp / Cháy âm ỉ suốt một đời trai / Em là rơm, anh là lửa / Tình yêu tuổi trẻ thật là dại dột / Sau này có ân hận vì đổ nước không, em?

Tôi chìm vào giấc ngủ. Tôi mơ mẩn liên miên không dứt. Đầu tiên, tôi mơ thằng Ca bị một côn vào đầu, nó về đến nhà thì máu đọng trong não. Chết mà không ai biết nguyên nhân gì, ở mọi người chỉ gọi là cảm gió. Tôi biết nhưng không dám nói với ai. Đám tang nó thật nhanh, thật qua loa bởi nó còn quá trẻ. Không ảnh, không bia. Tôi đắp mộ cho nó. Đốt một điếu Du lịch trắng cắm vào chân hương. Đốm lửa rực sáng trong gió đồng. Tôi hỏi những người đưa đám, họ không biết thằng Ca là ai.

Rồi tôi lại mơ thấy Ca không chết, nó khỏe mạnh, nó cưới được Hoa làm vợ. Nó khoe cưới xong đúng đợt được xã cấp đất giãn dân. Gọi là cưới “chạy đất”, vớ bở. Nó được đất đúng chỗ chúng tôi đứng tè mọi hôm. Hai vợ chồng đẻ được một lũ con. Nuôi rất nhiều lợn. Tự nhiên vợ chồng nó cãi nhau vì lợn con đang ế. Tôi nhảy vào can bị hai đứa cầm đòn gánh phang, tôi ôm đầu chạy.

Tôi mơ tiếp đi làm phụ hồ trên thị xã, có lương, tôi xúng xính quần áo mới đến nhà Nụ. Hai đưa đứng gần bể nước. Nụ khóc và lau cho tôi những vết thương trên đầu, trên lưng. Tay Nụ sờ đến đâu, vết thương tôi dịu mát. Chúng tôi hôn nhau nhưng sao mùi của Nụ khang khác. Bỗng bố Nụ chạy đến đuổi tôi, bắt Nụ phải lấy tay đi Eska trên thị trấn. Nụ bảo, hay anh về đi, rồi em bảo bố gả cái Thơm cho. Tôi quát lên, không! Tôi dắt Nụ chạy trốn quanh đống rơm, định chạy thẳng lên thị xã. Nụ sẽ đi học còn tôi làm phụ hồ, nhưng chạy mãi không hết đống rơm. Lạ thay, đống rơm phình ra rất to. Có một lối hẹp chui vào giữa lại thấy có một ổ rơm rải sẵn. Không ai đuổi theo nữa, Nụ kéo tôi nằm xuống, áp mặt tôi vào ngực. Tôi trở nên nóng rực, đau tức, căng cứng và co giật mạnh. Một dòng điện chạy từ đỉnh đầu xuống xương cụt, nước trong cơ thể tôi phóng ra từng đợt, sung sướng tột độ. Tôi tỉnh dậy chỉ thấy đũng quần ướt, chẳng thấy Nụ đâu, tôi đang ở trong nhà. Tiếng mọt vẫn nghiến gỗ đều đặn. Gà gáy vu vơ. Mệt và mê mẩn, tôi lại chìm vào giấc ngủ như không biết gì...

Sáng sớm đã thấy tiếng Ca khum tay hú gọi. Tôi vội vã trở dậy, người thấy rất khỏe và phấn chấn. Len lén đi rửa mặt có vết máu khô, tôi thay quần đùi, nơi đũng quần đã khô cứng. Mặt trời lên hồng hào và bắt đầu tỏa nắng xuống vườn cau, lối ngõ như không biết chuyện gì của đêm hôm qua. Tôi lại nghĩ về Nụ, về con đường mòn từ làng tôi dẫn đến làng Bài hiểm nguy mà mới lạ, hấp dẫn. Còn bây giờ ở làng an toàn nhưng sao thật nhỏ bé, tù túng...

Làng của tôi, cuối làng là cây đa, đầu làng là cây gạo, chiêm mùa nối tiếp nhau như những kiếp người...   

N.X.H

NGUYỄN XUÂN HÒA
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 312 tháng 09/2020

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground