Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Lời nguyền

K

hi tôi viết những dòng chữ này thì cha tôi đã đi khuất. Nhìn dáng ông đi trong chiều tự dưng tôi muốn khóc. Cả một quá khứ của cha tôi bỗng hiện lên trong trí óc tôi…

Cha tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có quyền thế ở nông thôn. Ông nội tôi làm Chánh tổng. Các người em của ông nội tôi người thì làm lý trưởng, kẻ phó tổng, chia nhau cát cứ một vùng.

Tuy con thứ nhưng cha tôi được ông nội cưng chiều như con cậu tự. Bà nội tôi kể: Đúng hôm cha tôi ra đời, ông nội tôi được phong chức Chánh Tổng. Từ đó trở đi, gia thế dòng họ Nguyễn càng ngày càng phất. Ông tôi càng tin thêm cái số đỏ do cha tôi mang lại.

Sau này, tôi nghe kể nhiều giai thoại về cha tôi: Năm ấy, cha tôi lên ba tuổi, ông tôi được lệnh sức dân đi đón vua Bảo Đại kinh lý qua các làng vùng biển. Bà nội tôi muốn biết mặt vua nên bà tôi đi theo. Không ngờ, hôm đó, lúc đi qua đám đông, vua Bảo Đại, có lẽ thấy cha tôi khôi ngô, ngộ nghĩnh nên dừng lại, ra hiệu cho bà nội tôi đưa cha tôi cho ông ẵm. Bỗng chốc, cha tôi nổi tiếng khắp tổng. Ông nội tôi mừng rỡ, vỗ vào đùi.: “Thằng này có hơi hướm của vua, sau này sẽ làm lớn”. Cái ý tưởng của cha tôi sẽ làm vẻ vang cho dòng họ sau này luôn ám ảnh ông nội tôi.

Khi cha tôi xong bậc tiểu học, ông nội tôi bán đứt bốn mẫu thượng đẳng điền ở đồng Ông Trẹng cho cha tôi vào Huế học. Cha tôi là người đầu tiên của cả bốn tổng được đi học xa như thế.

Cha tôi ở đất thần kinh, học ít chơi nhiều nên trầy trật mãi mới đỗ được cái bằng Diplôme. Chán việc học cha tôi dấu ông nội đăng ký vào một lớp học sỹ quan. Ông nội tôi biết đành chép miệng an ủi: “Thôi, không làm quan văn thì làm quan võ. Mà có khi hắn lại hợp với con đường võ nghiệp. Nhìn cái tướng hắn thì biết”. Cái tướng của cha tôi là: to, cao, đầu tóc rễ tre, hai tay dài như tay vượn, bước đi lúc nào cũng mạnh mẽ, đỉnh đạc.

Sau một khóa huấn luyện, cha tôi ra trường đóng lon thiếu úy. Mẹ tôi lúc ấy là cô con gái bán hàng hoa ở chợ Đông Ba. Trong một lần đi mua hoa, cha tôi gặp mẹ tôi. Hồi đó, mẹ tôi đã là hoa khôi ở cái chợ có tiếng to và đẹp xứ nhất Huế nầy. Cha tôi xin cưới mẹ. Năm ấy, ông nội tôi qua đời, chỉ còn lại bà nội, gia thế đã suy thoái nhưng đám cưới vẫn to nhất tổng.

Sau khi lấy mẹ tôi, cha tôi bảo mẹ ở nhà, không phải lo buôn bán nữa. Lúc đầu, mẹ tôi nghe lời, nhưng lần hồi cái máu con buôn ở trong huyết quản mấy mươi đời của dòng họ mẹ tôi vẫn nhảy rần rật. Mẹ tôi xoay sở, buôn bán, áp phe. Dựa vào thế lực của cha tôi, mọi chuyện buôn bán của mẹ tôi đều trót lọt. Gia đình tôi càng ngày càng giàu có.

Tôi là gái út trong gia đình. Từ nhỏ đến lớn tôi không thiếu một thứ gì, buổi sáng tôi có tài xế đưa đến trường, trưa rước về. Mỗi bước đi của tôi đều có người hầu kẻ hạ. Nhưng buồn thay, tôi lại không cảm thấy hạnh phúc trong sự giàu sang của cha mẹ tôi.

Tôi vẫn còn nhớ năm ấy, chiến tranh đã bước qua một giai đoạn thật ác liệt. Cha tôi vắng nhà luôn vì phải đi hành quân liên tục. Báo chí lúc đó phong cho cha tôi là anh hùng đất lửa. Những trận càn do cha tôi chỉ huy đã gây nhiều tổn thất cho bộ đội. Có lần, tôi đem báo có đăng ảnh cha tôi đứng trên tháp xe M – 113, súng lục trễ ngang hông, hỏi: “Cha đánh giặc giỏi lắm phải không cha? Cha kể chuyện trận đánh cho con nghe đi”, Cha tôi cười, vuốt tóc tôi: “Cha đánh giặc có gì là giỏi con, chẳng qua là cha gặp thời. Nhưng con là con gái hỏi trận đánh làm gì? Ở nhà lo học hành sau này cha sẽ cho con của hồi môn xứng đáng với con gái của cha”. Tôi không chịu, bắt cha tôi kể. Cha tôi đành chiều tôi. “Con biết làng Đọ chứ? Làng của tướng Hoàng, nên gọi cha bộ tư lệnh: “Nầy ông Quang, người quê hương phải giải phóng quê hương. Tôi cho ông thêm chi đoàn Thiết giáp, ông càn vô làng Đọ được không?”. Tướng trưởng còn dặn đi dặn lại: “Nhưng  nhớ tránh tổn thất cho dân làng Đọ đấy nhé!”.

Được lệnh tướng Tưởng, hôm đó, cha chia Thiết đoàn làm ba mũi: “Một băng qua các ruộng lúa đang chín bời bời sục thẳng vào làng Đọ, một mũi vu hồi từ hướng sông Gia lên, mũi kia ém sau các động cát. Và cha gặp hên con ạ!  Sau một tuần quần với phi pháo và các đơn vị trinh sát, bộ đội đóng quân ở trong làng đã rêm mình, nên khi thiết giáp càn vào, họ chỉ có nước chết và bị thương. Trận đó, cha thu nhiều súng. Ở đời, nhiều khi hay không bằng hên phải không con?”.

Sau trận này, cha tôi được hưởng xứng đáng. Tướng Hoàng tư lệnh vùng bảo: “Ông Quang! Ông muốn thằng Trung hay nhận cái Bảo quốc Huân chương?” Cha tôi xin nhận Huân chương. Đây là Huân chương cao nhất của chế độ cũ tặng thưởng cho những người có công lớn. Nghe đâu, người được tặng Huân chương nầy, lỡ giết người, khi ra tòa, cũng được tuyên án vô tội”.

Từ đó, đời binh nghiệp của cha tôi lên như diều gặp gió. Chi đoàn Thiết giáp do cha tôi chỉ huy bấy giờ là niềm khét tiếng của một vùng chiến thuật. Mỗi lần hành quân về hậu cứ, cha tôi được cung phụng như một ông Hoàng. Những buổi dạ vũ, những canh bạc thâu đêm suốt sáng, bên cạnh những người đẹp vốn là dân ca-ve, ca sĩ rỡm được đưa từ Đà Nẵng, Sài Gòn ra, cúc cung phục vụ cha tôi. Cha tôi bắt đầu sa đọa trong cuộc sống. Cha tôi thường nói với sĩ quan thuộc hạ: “Đời binh nghiệp, sống rày chết mai, tội gì không hưởng thụ phải không các chiến hữu?”. Từ đó cha tôi trượt dài trong lối sống trong trụy lạc. Nhiều bận đi hành quân ở vùng xa xôi, cha tôi cũng rước mấy em ca-ve theo. Và dần dần cha tôi quên mẹ tôi.

Một đêm khuya, tôi đang ngủ thì thức giấc bởi tiếng cãi vả giữa cha mẹ tôi. Mẹ tôi, trong chiếc áo ngủ rộng thùng thình, mắt long lên sòng sọc: “Ông ăn cháo trả tiền thì không sao nhưng lấy con đĩ ca sĩ đó làm vợ, tôi không chịu được. Thật là xấu hổ và nhục nhã cho gia đình. Trời ơi là trời!”. Cha tôi chống chế: “Bà đừng có ghen nhảm…”. Mẹ tôi gạt cái bàn trang điểm rớt xuống nền gạch bông nghe xoảng một tiếng rồi sấn sổ trước mặt cha tôi: “Ông là kẻ phản bội. Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho ông”. Cha tôi không nén được cơn nóng, tát cho mẹ tôi một cái. Mẹ tôi càng lồng lộn; “Ôi! Trời ơi! Ông nghe lời con đĩ về đây giết tôi phải không? Ông giết tôi đi cho vừa lòng con đĩ đó. Trời ơi là trời!” Thấy mẹ tôi đang lên cơn, cha tôi lẵng lặng mở cửa ra ngoài rồi leo lên xe lái đi.

Từ hôm sau xảy ra trận cãi vả, mẹ tôi rủa cha tôi hết lời. Bà nguyện sẽ không bao giờ tha thứ cho cha tôi. Để quên đi nỗi hận lòng, mẹ tôi bắt đầu tìm đến hơi men. Nhiều hôm, mẹ tôi uống rượu say mèm rồi cởi áo quần đi đi lại lại trong phòng như một người điên. Tôi khóc hết nước mắt. Trong nhà chỉ có tôi là thương mẹ. Anh Phong, anh trai đầu của tôi, suốt ngày chỉ biết dàn đúm, không hề quan tâm đến gia đình. Anh lại nghiện xì ke. Có lần anh cạy tủ lấy tiền vàng của mẹ tôi. Mẹ tôi bắt được tuyên bố từ anh luôn. Còn chị Kiều, ngày ngày chỉ biết cặp bồ với đám sĩ quan không quân, hết “boum” này dến “boum” khác, đêm nào, một hai giờ sáng mới về đến nhà. Tôi đã sống bất hạnh trong quyền lực và giàu có của cha mẹ tôi.

Một buổi sáng, tôi nhận ra mẹ tôi có vẻ gì khác lạ. Tôi òa lên khóc, mẹ tôi đã cạo trọc đầu. Hôm qua, trong lúc tôi ngủ, bà đã tự dùng lưỡi lam tự cạo đầu mình. Tôi biết mẹ tôi hận ba tôi đến cùng cực. Từ đó, tôi sống trong sự dằn vặt của mẹ tôi. Còn cha tôi, ông ít khi về nhà. Ông bây giờ đã sống chính thức với bà vợ ca sĩ năm nào từng lên hát cho ông nghe tận chiến trường rừng núi.

***

Năm tôi học hết cấp hai, chiến tranh mỗi ngày mỗi lan rộng. Trong lớp tôi, các bạn nam đã lên đường nhập ngũ. Và bây giờ bọn con gái chúng tôi mới biết thế nào là nỗi sầu chinh chiến.

Thùy Dung, cô bạn thân học cùng lớp một hôm đến nhà tôi, giọng mếu máo: “Huyền ơi! Toàn chết rồi”. Nói đến đây nó ôm lấy tôi khóc òa lên. Tôi ngồi thẫn thờ. Toàn là người yêu của Dung từ khi hai đứa còn học chung một lớp. Hai đứa đã có với nhau nhiều kỷ niệm đẹp. Đầu năm nay, Toàn bị đôn lính. Tháng rồi, về gặp chúng tôi, Toàn kể toàn chuyện chiến trận. Nhưng bây giờ thì Toàn đã chết thật rồi. Toàn chết khi tuổi còn quá trẻ. Hôm đưa đám Toàn, bọn con gái lớp chúng tôi có đủ mặt. Một trung đội lính đứng dàn chào với ban kèn đồng thổi một khúc nhạc nghe thật bi ai: “..Tò te to te tò tò te…tí tí tò tò tò te…”. Di ảnh của Toàn trên quan tài, sau làn hương nghi ngút, nhìn chúng tôi ngơ ngác. Lúc quan tài của Toàn hạ huyệt, Thùy Dung đứng bên tôi ngất xỉu. Mấy tháng sau, Thùy Dung xin nghỉ học. Giọt máu của Toàn trong bụng nó lớn dần. Chao ơi! Chiến tranh… Mãi sau ngày giải phóng ba mươi tháng tư bảy lăm tôi mới hiểu, người Mỹ đã leo thang, đã đem chiến tranh đến đất nước tôi!

Tôi cô đơn thu mình lại như con ốc giữa lòng đại dương đầy sóng gió. Tôi muốn quên đi tất cả. Mẹ tôi vẫn đắm chìm trong những cơn say, nửa tỉnh nửa mê. Cha tôi ở luôn với bà vợ bé không về nhà. Thỉnh thoảng tôi phóng xe lên hậu cứ thăm cha tôi. Cha tôi dạo này gầy rộc hẵn đi: Thiết đoàn do cha tôi chỉ huy bị tổn thất nặng nề trong những trận đánh nẩy lửa với bộ đội.

Một buổi sáng, tôi lại lên thăm cha tôi. Tôi thấy cha tôi có vẻ gì bất thường: Đầu cha tôi bị cạo trắng hếu. Tôi nói đùa: “Bộ cha bị cô vợ ca sĩ đá giò lái rồi hả?”. Cha tôi bảo: “Con bỏ cái giọng xóc óc của mẹ con đi. Cha cạo đầu là để tang cho Trung tá Hồng, một chiến hữu của ba vừa bị chết trong một trận càn ở rú Cấm. Chiến tranh mà con. “Guerre c’est la guerre…”. Trong giọng nói của cha tôi, tôi nghe như có vẻ gì chán chường không được hùng hổ như lúc trước.

***

   Chỉ một năm sau ngày cha tôi cạo đầu bạo lực cách mạng như ngọn sóng thần dâng lên cuốn đi tất cả. Tôi đón Cách mạng về với nỗi vui mừng. Thôi, thế là hết chiến tranh. Từ nay, tôi sẽ không còn nghe tiếng đại bác đêm đêm vọng về, không còn thấy những xác người nằm trên những con đường chạy loạn. Hòa bình. Hòa bình. Tôi khe khẽ reo lên.

   Mẹ tôi bây giờ như tươi tỉnh ra. Với cuộc sống mới, mẹ tôi không còn trầm uất như những ngày cha tôi bỏ mẹ tôi. Bà trở lại với nghề chạy chợ. Buổi sáng bà đi bán hàng lặt vặt, chiều về chực chờ trước các cửa hàng mua lại tem phiếu đem ra ngoài chợ đen bán. Mẹ tôi đã trở lại cuộc sống bình thường. Bà hả dạ hay tin ba tôi đi học tập.

   Một đêm, giữa khuya, chúng tôi đang ngủ thì có tiếng gõ cửa dồn dập. Tôi bật đèn lên: Công an đi xét hộ khẩu. Họ vào nhà tôi khá đông. Những ngọn đèn pin đảo liên hồi, soi vào tận xó bếp, góc tủ. Một người hỏi mẹ tôi: “Mấy hôm rày có ai ngủ lại nhà bà không?. Mẹ tôi lắc đầu. Người công an nhìn mẹ tôi như thăm dò rồi đột ngột hỏi tiếp: “Ông Khả, chồng bà, lâu nay có về thăm bà không?” “Không! Gần mười năm nay, tôi không gặp. Ông ấy không còn là chồng tôi”.

   Sau này, tôi mới biết, cái đêm công an về nhà tôi xét hộ khẩu là những ngày ở trại cải tạo cha tôi bỏ trốn. Cha tôi trốn được một tháng thì bị bắt lại ở một khu rừng gần đó. Khi hay tin, tôi có đi thăm nhưng mẹ tôi thì nhất định không. Mẹ tôi coi như cha tôi đã chết. Còn bà vợ bé của cha tôi, nghe đâu đã ôm cầm sang thuyền khác.

***

   Với sự đổi mới của đất nước, cuộc sống đã dần dà thay da đổi thịt. Tôi mở được một hiệu may khá lớn. Mẹ tôi dành dụm đủ tiền xây dựng lại ngôi nhà thật khang trang. Các anh chị tôi, người có vợ, kẻ có chồng. Họ đã ra ở riêng. Chỉ có tôi là còn ở với mẹ tôi.

   Một buổi sáng cuối năm, tôi đang đứng chỉ vẻ cho đám học trò may đồ thì có tiếng chuông reo ngoài cổng. Tôi nhìn ra. Cha tôi đang đứng ở phía trước. Bên cạnh ông là một người công an mặc thường phục. Tôi mừng rỡ loay hoay đến mấy phút mới mở được cổng. Cha tôi xúc động ôm lấy tôi. Cha tôi bây giờ đã già. Những nét phong trần hằn rõ trên gương mặt ông. Tôi mời cha và người công an vào nhà rồi chạy vào trong báo cho mẹ tôi biết. Nhưng mẹ tôi vẫn dửng dưng. Mẹ tôi bảo: “Ông ấy là cha của con nhưng không còn là chồng của mẹ. Con cứ ra tiếp ông ấy!”. Tôi òa lên khóc: “Nhưng mẹ cũng phải ra gặp cha một chút chứ! Con năn nỉ mẹ”. Thấy tôi khóc, mẹ tôi đành ra tiếp cha tôi. Cha tôi nhìn mẹ tôi vẻ bẽn lẽn nhưng mặt cố làm tỉnh. Cha tôi nói: “Trong bà bây giờ mạnh khỏe và ngày càng trẻ ra. Tôi mừng”. Mẹ tôi vẫn lạnh lùng: “Cám ơn ông nhưng tôi đâu bằng cô vợ bé của ông”. “Bà lúc nào cũng quá khích. Cái gì đã qua cho qua luôn. Hôm nay tôi được trại cho về thăm tết, nhân tiện tôi xin báo cho bà và con Huyền một tin vui. Tôi đã được chính phủ Mỹ bảo lãnh sang bên đó. Tôi muốn chuộc lỗi với bà và con Huyền bằng cách đưa bà và con Huyền đi theo. Qua bên đó, dù sao đời sống cũng sung sướng hơn ở đây”. Không đợi ba tôi dứt lời, mẹ tôi đã gằn giọng: “Cảm ơn ông! Nhưng bao nhiêu năm tôi đâu cần chính phủ Mỹ nuôi mà vẫn sống được, mà lại sống khỏe là đằng khác. Ông nên bảo lãnh cho bà vợ bé của ông đi còn tôi thì, thưa ông, không bao giờ. Cuộc đời của tôi coi như đã chết từ khi ông lấy người đàn bà khác”. Nói đến đây, hình như bao uất hận dâng lên, mẹ tôi ôm lấy ngực. Tôi vội đỡ mẹ tôi vào phòng: “Mẹ có sao không?” “Không sao, con ra ngoài tiếp ông ấy”.

   Để tránh sự khó xử cho cha và mẹ, trưa hôm ấy, tôi mời cha và người công an đi ăn trưa ở một nhà hàng sang trọng. Biết cha thích bia, tôi gọi nguyên một thùng. Nhưng cha tôi lắc đầu. Ông bảo chỉ uống vài lon lấy thảo. Đến cuối bữa ăn, cha tôi mới nói: “Huyền! Con là người đối xử với ba tốt nhất. Cha rất biết ơn con – cha nhìn tôi đôi mắt như sáng lên. Con còn nhớ ông Kent không nhỉ? Hồi xưa ông ấy là cố vấn thiết đoàn của cha, từng xuống ở lại nhà mình ăn cơm. Bây giờ ông là Thượng Nghị sĩ. Vừa rồi, ông có làm giấy tờ bảo lãnh cha sang định cư ở Mỹ. Cha muốn có tên con trong danh sách cùng đi với cha. Dù bây giờ cha đang ở trong trại cải tạo nhưng cha sẻ ra đi sớm”. Tôi nhìn cha tôi khẽ lắc đầu: “Con cảm ơn cha. Nhưng đời sống của con ở đây đã ổn định rồi, con không muốn đi đâu cả. Vả lại, cuộc sống ở Mỹ cũng không phải dễ dàng gì. Tụi bạn con bên đó viết thư về than đủ thứ: Nào là ngôn ngữ bất đồng, nào đi làm thì toàn những công việc: rửa chén bát, chùi nhà cầu, cắt cỏ, lượm lá, xúc tuyết…Lại còn thêm cái nạn kỳ thị chủng tộc. Đứa nào cũng đòi về. Nước Mỹ không phải là thiên đường đâu cha ạ! Nhưng việc của cha, cha cứ đi”. Nghe tôi nói, cha tôi nhíu mày: “Thôi, chuyện đi hay ở là tùy ở con. Tuy có một điều cha còn ân hận là mẹ con không tha thứ cho cha. Cha biết mình là người có lỗi với mẹ con. Nhưng chuyện đã lỡ dĩ biết làm sao được”. Cha tôi khẽ thở dài. Tôi ngồi lặng theo nỗi buồn của cha tôi.

   Sau buổi ăn trưa, tôi đưa cha tôi và người công an ra tận bến xe đã vắng khách. Trong lúc chờ mua vé, tôi kín đáo dúi vào tay ông mấy chỉ vàng. Cha tôi cảm động ôm lấy tôi. Tôi thấy trên má ông những giọt nước mắt ràn rụa và lần đầu tiên trong đời tôi thấy cha tôi khóc.

18.01.1997

T.N.L

Tạ Nghi Lễ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 31 tháng 04/1997

Mới nhất

Thành phố Đông Hà sôi nổi giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng xuân Ất Tỵ 2025

8 Giờ trước

TCCVO - Sáng 5/2/2025, thành phố Đông Hà tổ chức giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Giải đấu thu hút gần 150 vận động viên (VĐV) nam, nữ đến từ 9 phường trên địa bàn thành phố.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

12 Giờ trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

01/02/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/02

25° - 27°

Mưa

07/02

24° - 26°

Mưa

08/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground